Trái khoáy

Thứ tư, ngày 17-05-2023, 09:06| 1.178 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

Minh họa của An Bình

 

 

Chuyện cũ. Lâu rồi. Chuyện của những năm sáu mươi thuộc thế kỷ trước.

Một chuyện rất trái khoáy. Vì nó trái khoáy nên tôi cứ định viết ra, nhưng đắn đo mãi, không biết có nên viết ra hay không nên viết ra. Bởi vì nó là chuyện của Mai bạn tôi. Chuyện hai đứa bạn gái tâm sự với nhau có nhiều cái tế nhị lắm, mang chuyện tâm sự viết ra sao cứ thấy ngài ngại nơi ngòi bút thế nào?

Nếu là con giai với nhau thì tha hồ bộc bạch. Gì thì gì. Mặc kệ. Chả sao. Tôi nghĩ, làm thân con gái, phải chín chắn, không phải chuyện gì cũng bô bô kể ra cho thiên hạ nghe. Đành rằng chuyện của nó, tôi cho là một khúc chuyện đời hơi trái khoáy nhưng đẹp. Đẹp thì đẹp, viết ra vẫn ngại. Chuyện kín thì nên nghe đâu bỏ đấy. Có thể tôi sẽ không  viết. Chuyện này chỉ hai đứa biết với nhau thôi, viết ra làm gì?

*

Bản tôi có quả núi đá rất đẹp. Tên quả núi gọi là núi Cấm. Nhà tôi tọa ở chân núi bên này. Nhà Mai tọa chân núi bên kia. Hai nhà chỉ cách nhau mỗi con đèo thấp tịt. Hết phổ thông, hai đứa tôi rủ nhau vào học trường nấu ăn. Chúng tôi nghĩ, phận con gái thì công việc trong gia đình chủ yếu là ở dưới bếp. Vậy, chỉ học nghề nấu ăn là hợp. Nhưng học được vài buổi, tự nhiên không hiểu sao tôi thay đổi ý định. Tôi chuyển sang học trường múa. Hai trường này cùng ở trong một thành phố và cũng gần nhau thôi, có lẽ chỉ cách nhau độ vài chục mét là cùng. Sau tôi mới nhận ra rằng, tôi thích múa, và bạn bè tôi bảo, tôi có khiếu múa, tôi lại có phom người phù hợp với nghề này.

Chả mấy mà chúng tôi tốt nghiệp. Mai thành kỹ sư nấu ăn. Tôi thành nghệ sĩ múa. Rồi chúng tôi lấy chồng. Đã lấy chồng thì phải đẻ con. Ai mà chả thế?

Có gia đình, thời gian cuốn vào việc nhà, việc nghề bận không thở được. Thời gian cũng có thể làm cho người ta quên dần những thứ không cơ bản cho cuộc sống hiện tại. Tôi sắp quên Mai thì tình cờ gặp lại nó. Chả là thế này:

Đoàn nghệ thuật chúng tôi có cuộc biểu diễn ở thành phố Tuyên Quang. Tại đây, tôi gặp lại Mai. Bạn cũ, lại là đồng hương gặp lại nhau vui ơi là vui. Mai cầm tay tôi tíu tít:

- Ôi, thấy mày trên sân khấu, tao nhận ra ngay.

- Già đi nhiều không?

- Không già tí nào. Người chỉ hơi đẫy ra thêm một tẹo thôi. Nhưng con gái thế này nom càng đẹp, càng bắt mắt. Ngắm mày, đến tao cũng phải mê, nói gì đàn ông? hí hí... Có cô vợ như mày, chắc chồng mày khoái lắm đấy nhỉ?

- Ừ. Chưa thấy hắn ca cẩm gì. Còn mày?

- Kể thì… cũng được. Ngày tháng trôi đi... Êm ả.

Đến giờ này cả hai chúng tôi, đứa nào cũng một chồng và một con. Cuộc sống bình lặng như mọi phụ nữ đã có chồng, có con khác.

Hôm ấy, đoàn nghỉ diễn, Mai rủ tôi đi chơi. Hai đứa vào rừng chơi thẳng ngày. Hết chuyện đông chuyện tây, hết chuyện ngày xưa, chuyện về những mối tình trẻ con nhăng nhít chẳng đâu vào đâu, rồi vòng về chuyện bây giờ. Bỗng Mai bảo tôi:

- Bình này.

- Gì?

- Tao có câu chuyện rất buồn cười, tao chưa hề kể với ai. Tao đang nghĩ, không biết có nên kể với mày không?

- Tao với mày thì ngại gì? Kể đi.

Hai đứa tôi ngồi trên mỏm đá bờ suối. Nước suối róc rách. Ríu rít tiếng chim rừng. Và lãng đãng lá vàng rơi. Mai nhẩn nha, kể cho tôi nghe một khúc chuyện tình hơi rắc rối của nó. Nó kể dài, nhưng có thể tóm tắt một cách ngắn gọn đại ý thế này:

Mai vốn đẹp gái. Bằng tốt nghiệp trường nấu ăn ghi “khá”. Ngày ấy, cán bộ có bằng cấp còn hiếm. Ra trường, nàng được phân công về công ty ăn uống của tỉnh. Mai thủ thỉ:

- Bình ạ, bây giờ nghĩ lại, hồi ấy ngay một cái tên cơ quan cũng hết sức giản dị. Nó mộc mạc một cách trần trụi. Như bây giờ, người ta thường gọi là trung tâm này, trung tâm nọ. Ví dụ “Trung Tâm Ẩm Thực Như Ý” hoặc “Tiệm Nhậu Gà Thiến Vàng” chẳng hạn. Ngày ấy cứ gọi toạc móng heo là “Công Ty Ăn Uống” không cần văn vẻ mỹ miều gì cả.

Và Mai kể tiếp lộ trình phát triển của nó. Đại khái, về công ty ăn uống của tỉnh rồi, thì nó được phân công về cửa hàng ăn ở một huyện lỵ. Ở đây, nó được biên chế vào tổ chặt thái. Một thời gian, nó lại được chuyển sang tổ xào nấu. Sẵn có kiến thức cơ bản từ nhà trường, lại là một nhân viên trẻ, năng động, hoạt bát Mai được bổ nhiệm tổ trưởng. Một thời gian thì nó lên cửa hàng phó, rồi cửa hàng trưởng. Lúc này Mai chưa đầy ba mươi tuổi.

Trong đám nữ nhân viên của cửa hàng có một cô tên Thúy. Hơn Mai gần hai tuổi mà trong giao tiếp với Mai, Thúy cứ một điều chị, hai điều chị, xưng em. Thế rồi khi có dịp Mai gặp cả hai vợ chồng Thúy (chồng Thúy tên Tạng), Thúy xưng em với Mai nên tự nhiên anh chồng cũng xưng em với Mai. Họ gặp nhau luôn luôn, và dần dần đôi vợ chồng cô nhân viên Thúy Tạng coi Mai như một người chị đáng kính. Mai cũng tỏ ra ưu ái họ, như đôi vợ chồng một đứa em ngoan, dễ bảo.

Một thời gian sau, Mai được điều động lên làm cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống thị xã. Nghe đến đây, tôi hỏi Mai:

- Cửa hàng ăn uống thị xã to hơn cửa hàng ăn uống huyện lỵ chứ?

- To hơn nhiều. Cửa hàng trưởng ở đây, xếp gần ngang với phó chủ nhiệm công ty. Có khi phó chủ nhiẹm công ty kiêm cửa hàng trưởng thị xã. Hồi ấy không gọi giám đốc như bây giờ.

- Coi như mày được lên cấp đấy nhỉ?

- Ừ.

- Rồi sao, kể tiếp đi?

Và Mai lại từ từ bộc bạch:

- Hôm ấy, tao từ trên lầu đi xuống, thấy một bàn ăn có ba người. Vợ chồng Thúy Tạng và một thanh niên ngồi quay lưng lại. Thấy tao, vợ chồng Thúy Tạng người trước người sau: Em chào chị. Em chào chị. Chàng thanh niên quay lại, hóa ra Bồng bạn tao. Một thoáng, Bồng tỏ ra ngỡ ngàng. Tao vội bước tới gần: “Em chào anh”. Bồng rất nhẹ nhàng: “Ôi, Mai. Anh chào em”.

Trước sự chào hỏi của mình với Bồng, làm cho vợ chồng Thúy Tạng không khỏi ngạc nhiên. Thấy Bồng có vẻ tỏ ra lúng túng, tao nháy anh ra nói nhỏ: “Hôm nay để em mời ba người”. Anh ấy ngắm tao rồi hỏi: “Em chuẩn bị đi đâu phải không?” Tao bảo: “Em đi họp trên công ty”. Bồng đẩy nhẹ lưng tao như kiểu đuổi khéo: “Em đi họp đi, kệ bọn anh”.

Tôi cứ ngồi ngắm suối chảy và lặng ngắt nghe Mai kể. Mai là một phụ nữ đẹp. Nàng có nét đẹp một cách mặn mà, đằm thắm và nàng kể chuyện rất có duyên. Ngắm nàng và nghe nàng kể chuyện thật đáng yêu. Tôi hỏi nó:

- Mày quen Bồng trong hoàn cảnh nào?

Mai nhoẻn cười ý vị:

- Lâu rồi. Có lẽ… hồi ấy mình mới cưới chồng. Một chiều, tự nhiên thấy lòng bâng khuâng, mình đi dạo bờ hồ, thấy một thanh niên dễ coi. Anh ta làm nghề khắc bút. Chàng có những ngón tay dài và thon, khắc chữ trên bút rất khéo. Thấy hay, tao đưa bút, bảo anh khắc cho ba chữ: “Mai kỷ niệm”. Anh ta hỏi: “Mai này là tên riêng hay bông mai?” Tao bảo: “Tên riêng. Tên em mà”. Anh ta lại hỏi: “Cứ ghi kỷ niệm không thế thôi, không ghi kỷ niệm ai à?” Tao bảo: “Anh cứ ghi thế thôi. Em kỷ niệm chồng em ấy mà”. Anh ta không hỏi gì thêm nữa, cúi đầu hí hoáy làm việc. Chiều ấy, một chiều thu, gió núi lang thang, và mặt hồ lăn tăn sóng gợn. Bờ hồ tỉnh lẻ vắng khách, anh ta làm việc nhẩn nha. Vừa làm, y vừa có ý tán mình. Nghe y tán cũng hay hay, mình chỉ ngồi lặng ngắt, mặc kệ cho y tán. Rồi y lại còn đọc thơ nữa chứ. Tao nhớ, hôm ấy y đọc bài “Tâm hồn tôi” của Nguyễn Bính. Mày đã đọc bài thơ ấy chưa?

- Đọc lâu rồi. Nhưng mày cứ đọc tao nghe lại. Bài thơ ấy

hay phết?

Mai khe khẽ đọc:

Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ

Giót lần giót nữa xuống nàng Oanh

Không sua tay nhưng nàng đã vô tình

Hất tâm hồn tôi qua song cửa sổ.

Đọc xong bài thơ, tôi thấy Mai như ngẩn ra một tẹo. Và nó từ từ kể tiếp, đại ý thế này:

Đi dạo về hôm ấy, tự nhiên lòng nàng có cái gì khang khác. Nó nhè nhẹ xao xuyến kiểu gì? láng máng như có cái gì muốn sinh sự ở trong lòng. Bẵng đi, vài hôm sau, gặp lại nhau, Mai mới biết anh ta tên Bồng, lang thang làm nghề khắc bút và thỉnh thoảng có làm thơ. Nghe thế, tôi hỏi Mai:

- Hắn có đọc thơ của hắn cho mày nghe bao giờ không?

- Có.

- Nhớ bài nào không?

- Có.

- Đọc thử một bài xem nào.

Mặt Mai bỗng hơi đỏ. Nàng nhoẻn miệng cười. Mặt hơi đỏ, lại nhoẻn cười trông nàng lại càng duyên. Mai bảo:

- Y hỏi tao: “Còn nhớ bài “Tâm hồn tôi” của Nguyễn Bính không?” Tao bảo: “Nhớ”. Y bảo: “Cảm bài thơ ấy, mà anh chế ra vài câu”. Tao bảo: “Anh đọc nghe thử”. Bồng liếc xéo sang tao một cái, cười ve, rồi khẽ đọc thế này:

Cảm ơn ông Bính viết bài thơ

Chắc để tặng tôi ông Bính nhỉ?

Bình rượu vơi vẫn ngoài cửa sổ

Cái quai bình khéo ngoắc một nhành… Mai!

Nghe Mai kể đến đây, tôi biết là sự đã sinh rồi. Và Mai kể tiếp rằng, sau nó điều tra thì hóa ra, Tạng, Bồng là hai anh em. Và trong quãng đường đời, thật tréo ngoe, thằng anh thì xưng em với Mai. Thằng em lại xưng anh với nàng ngọt sớt. Lúc đầu Bồng quanh co rằng, Bồng là anh, Tạng là em. Mai hỏi, anh sao lại ít tuổi hơn em? Bồng bảo, hai anh em con chú con bác. Bồng là con ông bác. Con ông bác thì tuy ít tuổi vẫn là anh. Nghe thế thì cũng thuận, Mai không hỏi gì thêm nữa.

Nhưng cái trò đi chơi nhăng nhít thì chuyện trong cuộc đi chơi ấy, toàn chuyện vớ vẩn, chẳng đâu vào đâu, chẳng nội dung gì, miễn là có chuyện. Vì thế cho nên, một lần hai đứa rong ruổi, Mai bỗng hỏi hắn: Sao tên anh lại là Bồng? Bồng nghĩa là bế. Chắc hồi bé, anh hay đòi bế, nên mẹ anh mới đặt thế?

Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà Bồng bộc bạch với Mai rằng: Tạng, hồi mới đẻ có tên là Tang. Bởi vì ông bà già muốn rằng, đặt thế để sau đẻ thằng nữa thì đặt là Bồng. Ý mong con mình sau này sẽ được thỏa chí trai. Ngồi với Mai, hắn thao thao giải thích câu thành ngữ “Phỉ chí tang bồng” cho nàng nghe. Rằng, sách có chữ Tang Hồ Bồng Thỉ. Người ta còn nói, Tang Bồng Hồ Thỉ. Tang là cây dâu. Bồng là cỏ bồng. Hồ là cái cung. Thỉ là cái tên. Ngày xưa, sinh con giai, người bố thường lấy gỗ cây dâu làm cái cung, lấy cỏ bồng làm cái tên, mang ra giữa sân bắn sáu phát. Một phát chỉ thiên. Một phát chỉ địa. Bốn phát bắn đi bốn phương Đông Tây Nam Bắc. Những mong con giai mình sau có chí lớn, tung hoành ngang dọc trời đất. Nghe đến đây, Mai tủm tỉm cười, hỏi: Nhưng chú ấy tên là Tạng cơ mà, có phải Tang đâu? Trong say sưa, Bồng bỗng quên cái trò huyên thuyên của mình, hắn trả lời vô tư rằng, anh ấy vốn là Tang. Nhưng đặt tên rồi, khi cần gọi mới nhận ra rằng, nói liền hai từ tang bồng nghe thì hay. Nhưng nói mỗi tang, thì khó nghe quá nên mới chấm thêm một tí cái dấu lặng ở đít thành ra Tạng. Kể đến đây, Mai bỗng bảo tôi:

- Nghe thế, tao biết thừa hai thằng này là hai anh em ruột. Nhưng tao nghĩ, không sao. Mặc kệ sự đời. Tao không truy xét thêm làm gì nữa. Bình ạ, ngẫm thật kỹ, tao thấy cái sự tình nhiều khi cũng hay hay. Lúc ấy, tao hỏi y, nghe nói có cỏ bồng, mà em chả thấy cây cỏ này bao giờ? Y giải thích rằng, cây cỏ bồng, một thứ cỏ thường mọc hoang trên đồi, có nơi còn gọi là bại tương thảo. Có hai thứ cỏ bồng. Một thứ hoa vàng, thấy có mọc ở Sa Pa. Một thứ hoa trắng, ở đồi núi bên Lạng Sơn thấy có.

Kể đến đây, Mai như bỗng nhớ ra chuyện gì, nó bảo tôi:

- À, Bồng có tặng mình bài thơ.

- Bài thơ thế nào?

Mai lục ví, đưa tôi tờ giấy. Bài thơ có tên là Cỏ Bồng Thi. Bài thơ thế này:

Ngày mười bảy tuổi

Chót chơi đố cỏ bồng thi

Cỏ bồng thi phải cheo leo mỏm đá

Ù ù gió thổi

Không canh gà

Không thu không.

Chỉ có sáu câu. Dưới đít bài thơ thấy đề là: “Thơ của ông Hoàng Cầm. Không phải thơ của anh”.

*

Đấy là chuyện của cái Mai bạn tôi. Nó kể với tôi lâu rồi. Lúc bấy giờ, tôi hỏi nó:

- Bồng đã có vợ chưa?

Mai lại tủm tỉm cười, nàng khẽ bảo:

- Chưa. Một lần hai đứa đi chơi, tao hỏi y, sao anh không lấy vợ? Bồng hấp háy mắt, nhìn tao cười ve bảo, có mỗi cô xinh gái lắm, muốn lấy làm vợ thì người ta lại lấy trước mất rồi, tiếc quá!

Nghe chuyện Mai kể , lòng tôi không thể không lăn tăn. Chuyện này, đã mấy lần tôi định viết ra. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, lại thôi. Tôi nghĩ, chuyện riêng của Mai thì mặc kệ nó. Có cô gái nào lại đi léng phéng với một thằng mà anh ruột nó vẫn gọi mình bằng chị bao giờ? Một cái sự tình đời sao lại trái khoáy thế chứ lỵ?

N.Đ.L

 

Tin tức khác

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 120 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 117 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 109 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 161 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 115 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 232 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 58 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 164 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 105 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 106 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 102 lượt xem