Đồ tể

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 09:30| 433 lượt xem

Truyện ngắn của Trần Thị Nhung

Minh họa của Quảng Tâm

 

Đêm xoáy vào hố sâu thăm thẳm. Hố sâu như hàng ngàn tầng tầng lớp lớp của địa ngục. Loan thấy mình cứ bị đẩy xuống cái hố sâu đó, không sao thoát lên được. Vô số những mẩu xương trắng toát cứ nhảy múa trước mặt, chúng chen nhau xếp thành dãy dài dằng dặc. Thi thoảng lại phát ra tiếng tru tréo gào thét như xé da xé thịt, lúc thì nghẹn ngào như nỗi oan khuất bủa vây, khi lại sôi sục như sự tức giận hận thù. Loan vùng vẫy giữa những đám xương đủ hình thù to nhỏ. Trong cơn hoảng loạn có chiếc đã găm vào chân, vào tay, vào mặt cả vào đầu đau đớn.

Mồ hôi rịn ra, tiếng ú ớ khiến Thép tỉnh giấc. Đập tay vào người vợ liên tục, Loan mới tỉnh lại. Rã rượi ngồi dậy lấy tay xoa ngực, Loan véo mạnh vào má thấy đau điếng. May quá, chỉ là giấc mơ.

Liếc nhìn đồng hồ, mới ba giờ sáng, Loan biết sẽ không ngủ tiếp được nữa, nên lục đục dậy đun nồi nước. Khói từ đống củi mục ướt, khiến mắt Loan cay xè, sau một hồi hong khói đã bén lửa to. Ngó qua sân thấy con nái sề vẫn đứng y như lúc chiều qua bắt về. Nó không ngủ, cứ nhìn về mảng tối thui, bên cạnh cái xô cám còn nguyên, hình như nó biết mình sắp chết nên không buồn ăn. Hai con bột trong lồng sắt thì cứ thò mõm khịt khịt hít hít. Chúng khác hẳn với con nái, cứ vô tư ăn như thể đói không chịu được. Đây không biết lần thứ bao nhiêu, Loan dậy đun nước cho chồng làm thịt lợn. Nhưng sao dạo gần đây, bỗng sinh nghĩ ngợi nhiều, nhất là sau giấc mơ ám ảnh hồi đêm. Nước sôi sùng sục, Loan kệ, không gọi giục chồng như mọi khi, phần còn sớm, phần lưỡng lự như không nỡ. Đôi mắt cứ bị dừng lại chỗ con nái sề, đang trân trân nhìn bóng tối loang dần.

Chiều qua, bên làng của người Dao có người mới mất. Theo tục lệ thì khi đám xong xuôi, sẽ phải lễ lại thầy một khoản tiền, gọi là công thầy, cộng thêm lễ vật là một con lợn con, còn sống đẹp mã, mâm bánh giầy giã bằng tay và sáu cái đùi lợn sau, vì có tất thảy sáu ông thầy cúng, một ông chính và năm ông phụ. Vợ chồng nhà Loan ở gần làng ấy lại làm nghề bán thịt lợn, nên được nhờ kiêm luôn việc giết mổ. Đám cỗ làm ma sẽ diễn ra trong ba ngày, tùy vào số lượng người đến thăm viếng mà sắp cỗ. Đám đông con nhiều cháu, nhiều các mối quan hệ xã hội, sẽ làm nhiều mâm cỗ hơn và đương nhiên số lợn thịt có thể tăng thêm vài con nữa. Đám này, anh chồng chết trẻ, do nghiện rượu. Con cái đều còn nhỏ, nhà lại hoàn cảnh, nên chỉ có dân làng quanh gần đó. Dù sắp cỗ không hết một con lợn, thì vẫn phải giết đủ ba con, để có sáu cái chân sau lễ thầy cúng. Rõ khổ, đã nghèo túng cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, lại lo một khoản không thể đừng. "Nghĩa tử là nghĩa tận", người chết thì yên thân nằm đó, người sống thì cố mà chạy vạy. Trong tình cảnh này tình làng nghĩa xóm đùm bọc, thôi thì nhà có lợn thịt được cho vay trước, rồi sau có công có việc người ta lại trả lợn cho. Ba nhà được ba con, họ mang sang nhà vợ chồng Loan, nhờ công đoạn giết mổ, rồi sẽ trả công.

 Hơn bốn giờ rưỡi, chưa thấy lợn kêu, người bên đám chạy sang giục Thép và Loan, mau mau làm để họ còn chuẩn bị bữa sáng. Thấy Thép cầm con dao nhọn, liếc vào cái cục bê tông to tướng ở góc sân. Cái cục bê tông ấy được thép đổ cao chừng sáu mươi phân, chiều dài khoảng một mét rưỡi. Nó lừng lững ở đó như một cái "pháp trường" thu nhỏ của những con lợn. Lão đồ tể thành thạo từng đường dao, lại chính là Thép, chồng Loan.

Con nái tự dưng hực lên, dằng dây chạc đang bị buộc ở chân. Dù nó cố giãy giụa thì dây chạc chỉ thít chặt hơn, chứ không thể thoát ra được. Vốn quen với việc giết mổ, nên Thép dường như không mấy để ý đến những điều này. Chỉ có Loan đứng chết trân nhìn nó, Loan đang cố hình dung nỗi sợ hãi của nó, thay cho chính mình, ánh mắt nó nhìn Loan như van nài: Hãy cứu nó! Nhưng Loan biết làm gì đây, làm cách nào để nói với chồng, lại còn bên đám kia họ đang chờ thịt làm cỗ. Đã hơn một lần Loan ngỏ ý bàn với chồng, bỏ nghề làm việc khác, chỉ nhận lại câu trả lời của Thép: Bỏ thì làm gì kiếm sống bây giờ, cha mẹ truyền cho cái nghề kiếm kế sinh nhai, cứ vậy mà làm, kiếp con vật là phải bị giết thịt.

Lấy nhau năm năm rồi, thèm tiếng trẻ bi bô mà bụng cứ phẳng lỳ, hai vợ chồng chạy chữa đủ kiểu không có nổi một mụn con. Loan khao khát biết bao. Mỗi lần về nhà bố mẹ, bà ngoại lại khuyên vợ chồng cháu bỏ nghề mà sám hối đi, nghiệp sát sinh nặng lắm con ơi, vợ chồng bay không bệnh tật gì mãi không có con là do nghiệp đó. Mới đầu Loan không nghĩ ngợi nhiều, nhưng dần dà lại nghĩ. Nhất là những cơn ác mộng báo oán của những con vật bị giết hại, ngày càng lặp lại nhiều hơn, trong giấc mơ.

 Gia đình nhà chồng khá giả, con cái không mắc tệ nạn xã hội, cũng không hư hỏng, nên bố mẹ chồng cũng tự hào về các con. Bọn chúng đều chăm chỉ siêng năng. Trước khi về làm dâu, thì bố mẹ chồng vẫn làm nghề này bao năm rồi. Trâu, chó, lợn, gà đều có cả. Mẹ chồng có một gian hàng ở chợ, nhà thịt con gì thì bán nấy. Từ khi có con dâu về, thì giao hẳn cho vợ chồng Loan việc thịt lợn. Năm ngoái, bố chồng tự dưng ngã từ trên tầng hai xuống hàng rào sắt chết, ngay tại chỗ. Nên mẹ chồng cũng nghỉ chợ. Dù không nói ra, nhưng ai cũng thấy cái chết của bố chồng Loan, như con lợn bị chọc tiết. Khu ban công mà ông ít khi lui tới, tự dưng lại ra quét dọn lau chùi rồi lộn cổ xuống. Que nhọn hàng rào bảo vệ cắm xuyên qua cổ, khiến ông chỉ ú ớ được vài câu. Rồi tiếp sau đó, chưa đầy tháng, cô con gái lấy chồng xa báo tin xấu, chồng tai nạn qua đời, khi vợ vừa sinh chưa đầy tháng, bà mẹ chồng thì cứ động ra đường là bị va quệt nhẹ thì xây xước, nặng thì bong gân rạn xương. Bao nhiêu việc dồn dập xảy ra, mẹ chồng cũng vì thế mà ngày một rầu rĩ, ra vào lầm lũi, hao mòn trông thấy.

Dù chỉ phụ chồng việc đun nước và làm lòng, không động tới việc giết mổ, nhưng nhìn những con vật bị trói trước khi hành hình, Loan không thể trút bỏ những ý nghĩ trong đầu. Lại nhớ lời của bà ngoại nói, con vật nó cũng như con người, tham sống sợ chết, cũng có tính linh, cũng biết đau, biết sợ, có tình cảm, cảm xúc. Còn nhớ khi còn nhỏ mỗi lần theo cha đi đánh bắt cá đêm, trên mấy đập nước gần nhà, có lần hai cha con nghe tiếng cá quẫy thì vui lắm. Soi đèn xuống chỗ có tiếng nước thì trời ơi, cá! Quá nhiều cá, những con cá chép to ngửa bụng tròn xoe lập lờ, xung quanh là vô số những con đực quẫy nước cổ vũ. Loan định đưa vợt để bắt, nhưng bố lại “suỵt” và bảo để yên cho chúng đẻ, không nên bắt những con cá đang vật đẻ, tội lắm, rồi lặng lẽ kéo tay Loan đi về nhà, rau cỏ qua bữa, chứ không đánh bắt những con cá đang sinh nở.

Khi về nhà chồng, đã có lần Loan chứng kiến cảnh bố mẹ chồng, khi mổ chó đã không ít lần trúng phải con chó có chửa. Loan nghe mẹ chồng lẩm bẩm khổ thân, thảo nào tôi cứ thấy nó cào cào vào chân tôi khi ông lôi nó đi mà tôi không biết. Bà lặng lẽ xếp những con chó con, như con chuột ướt đã không còn thở, vào túi bóng đen chôn xuống gốc cây chanh sau vườn.

Chạnh lòng nghĩ tới con lợn đang hực loạn lên ở sân. Nó muốn nói điều gì chăng? Loan đi lại gần quan sát, ánh mắt nó đỏ ngầu, đầu cúi xuống rồi lại ngẩng lên nhìn Loan. Cô muốn cởi trói cho nó, nhưng chồng cô đã chuẩn bị xong rồi. Loan bất lực đi vào bếp, vì không muốn chứng kiến cảnh tượng giết mổ. Chồng Loan biết vợ không thích, nên hay làm một mình. Anh tự quật ngã con lợn và trói bốn chân lại. Phía bên nhà đám có vài ba thanh niên chạy sang giúp một tay. Loan chỉ nghe thấy tiếng con nái lại hực lên đầy tuyệt vọng. Rồi tiếng kêu như xé vải, rít tới tận mây xanh. Loan đứng phấp phỏm trong bếp, hồi lâu vẫn chưa thấy chồng giục mang nước sôi ra, cô thập thò qua cánh cửa thì thấy con nái mắt vẫn mở, nhưng nó bất lực giãy giụa nhìn về phía cô. Nó không chết được, khi mà tiết đã chảy hết. Thép cầm cái búa giáng vào đầu nó hai cái thật mạnh, nó mới thôi giãy và từ từ nhắm mắt, những dòng nước tứa ra từ hai mắt nhắm kia là nước mắt sao?. Loan thầm lẩm nhẩm: - Kiếp sau mày đừng làm thân súc sinh nữa nhé.

Khi mổ con lợn, chồng Loan moi ra một bọc lùng nhùng từ bụng con nái. Trong cái bọc ấy, có chừng gần chục con lợn con nhỏ xíu còn đỏ hồng thoi thóp, nó chỉ có thể chào thế giới này vài phút, vì quá non để sống sót.  Trong số người ồ lên có người ngỏ ý xin về hầm thuốc bắc. Loan thấy một cảm giác chua xót, lồng ngực như bị bóp nghẹn, cô ngồi phịch xuống ghế cố lấy oxy vào phổi. Rõ là con nái cầu xin cô cứu đàn con của nó, mà cô lại không làm được. Hẳn là nó đã trắng đêm nghĩ cách, mà cách của nó không mang lại hiệu quả, nó không thể nói tiếng người, chỉ dùng ánh mắt van nài và biểu cảm cầu cứu của loài lợn. Làm sao mà Loan hiểu được nó nói gì chứ. Cô trách mình, trách cái nhà có lợn chửa mà vẫn bán. Ôi cái đám ma khốn khổ, người khốn khổ, gia cảnh khốn khổ kéo theo những hệ lụy khốn khổ. Hủ tục chưa kết thúc, thì con cháu họ còn nghèo khổ, còn nợ nần đeo đẳng. Loan nghĩ, cuối cùng kẻ ác nhất lại chính là con người, thật đáng sợ.

Sau đám ma nhà hàng xóm, Loan ốm, nằm bẹp, mấy hôm liền không ăn được, chỉ húp tí cháo loãng. Thép thấy vậy cũng nghỉ thịt lợn để chăm vợ. Loan không dám ngủ, vì cứ ngủ là cô lại mơ thấy ác mộng. Loan đòi chồng đưa về nhà mẹ đẻ mấy hôm. Khi về nhà mẹ chợp mắt thiếp đi Loan thấy đàn lợn con ngơ ngác chạy, lạ thay trong giấc mơ, đàn lợn biết nói tiếng người, chúng gọi nhau đi tìm mẹ chúng. Khi chúng biết mẹ chỉ còn là những miếng thịt tẩm gia vị trên bàn ăn, thì khóc tru tréo, như đám trẻ con ăn vạ. Loan đưa tay định vỗ về chúng, thì lại thấy chúng tan biến như làn khói. Tỉnh dậy, lại nghe điện thoại chồng gọi báo bị ngã gãy tay, khi đang dọn dẹp bàn bê tông mổ lợn.

Cùng người nhà đưa Thép đi bệnh viện bó bột xong, cho chồng nằm nghỉ ngơi, Loan chạy xe qua bên nhà mẹ, nhờ bà ngoại đưa lên chùa. Tiếng chuông ngân nga trầm mặc, khiến Loan thấy lòng nhẹ nhàng, như trút bỏ bao gánh nặng trần tục. Cô phát nguyện ăn chay, để sám hối cho tiêu mối duyên nghiệp cái nghề khốn khổ, gây bao nỗi ám ảnh.

Thép từ khi bị gãy tay cũng như thức tỉnh điều gì đó, nên tự nói với vợ: - Từ giờ sẽ không làm đồ tể nữa, vợ chồng mình sẽ kiếm việc khác để làm thôi vợ à. Loan nghe vậy thì mừng rỡ.

Bình minh hôm nay, nhô ra từ núi đẹp lạ. Những giọt sương lung linh trên kẽ lá, khẽ cựa mình, hòa tan với tiếng chim lảnh lót. Ngày mới cho những khởi đầu tinh khôi...

T.T.N

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 8 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 35 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 23 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 26 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 25 lượt xem

Văn xuôi

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 10 lượt xem

Về lại Lũng Hoa

11-04-2024| 47 lượt xem

Quà tết

11-04-2024| 35 lượt xem

Hạt mùa sau

11-04-2024| 95 lượt xem

Người lính đặc công năm xưa

11-04-2024| 47 lượt xem