Chuyện ở một thời

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:07| 71 lượt xem

Truyện ký của Trần Huy Vân

 

Minh họa của Quảng Tâm

 

Vào những năm sáu, bẩy mươi của thế kỉ trước, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ngày càng dữ dội. Phải đi đâu xa, vài chục đến cả trăm cây số, phương tiện chủ yếu là đi bộ, có được chiếc xe đạp, đã là cả một gia tài.

Lần ấy, cánh giáo viên trẻ dự lớp học hè, do Ty Giáo dục tổ chức ở xã Ninh Kiệm, một vùng quê núi hẻo lánh. Cả lớp có gần sáu chục học viên, chỉ có hai chiếc xe đạp, của giảng viên. Làm gì có ô tô về các xã, đành đi bộ từ khắp nơi trong tỉnh về đây.

Tan lớp học hè, vào cuối thu, trời chợt nắng, chợt mưa, lê thê cả ngày. Đến bến phà Bợ, bịn rịn chia tay nhau, người ngược lên Nà Hang, Chiêm Hóa, người ngang sang Hàm Yên, Yên Sơn. Bọn tôi chín người, chín tỉnh khác nhau, không có ai là người Tuyên Quang, xuôi về Sơn Dương. Bốn người ở thượng huyện, ba thầy một cô giáo. Năm người về phía Nam huyện, trong đó có Bình đang lên cơn sốt. Thấy chúng tôi lo lắng nhìn, Bình đang lê bước mệt nhọc bảo: Các thầy đưa mình đến trạm xá, khỏi sốt sẽ tự tìm đường về.

- Thế sao được, để ông ở lại một mình, làm sao chúng tôi yên tâm.

Tôi nhớ lại những ngày còn ở nhà, thường theo chúng bạn lên vùng núi Thanh Sơn, đẵn nứa tép bó lại, ghép thành mảng, cho trôi theo dòng suối về nhà dùng. Sao không lợi dụng dòng Lô này để về. Tôi bảo các bạn:

- Dùng mảng nứa cho trôi theo dòng sông được không? Sẽ qua thị xã Tuyên Quang, bến phà Bình Ca, Đoan Hùng, những địa danh lịch sử oai hùng thời đánh Pháp, rồi về Kim Xuyên, lên bờ ai ở đâu về đó. Vừa không phải đi bộ, đỡ được cả trăm cây số đấy, lại đưa được Bình cùng đi. Mọi người tán thành ngay: - Một phương án tuyệt vời, lại thú vị nữa. Nhưng lấy đâu ra nứa, ai ngờ vào các nhà quanh bến phà mua thật dễ dàng. Biết các thầy giáo miền xuôi lên Tuyên Quang dạy học, nhiều nhà trả tiền không lấy, lại cho, mía, chuối, sắn ăn đường, còn nói:

- Tặng các thầy cô một chút thế, đi đến nơi về đến chốn, để dạy con em các dân tộc miền núi biết cái chữ. Thật cảm động xiết bao!

Tôi vào nhà gần bến phà, một ông già chừng sáu mươi tuổi hỏi: - Mua nứa làm gì? Chúng cháu ghép cái mảng xuôi về Kim Xuyên.

- Nhiều người không? Dạ! Chín ạ! - Hồi còn đánh Pháp lão đã một lần đi mảng về dưới đó. Chín người phải mười lăm vác nứa, bốn cây tre, dùng lạt nứa nín lại. Mùa lũ qua rồi, trai trẻ như các chú không có gì đáng ngại. Tự con nước nó đưa mình đi. Là thầy cô giáo miền xuôi, theo lời Bác dạy lên miền núi dạy con em các dân tộc biết cái chữ đấy. Lão cho mấy vác nứa này làm mảng. Tôi chắp tay cảm ơn Lão. Thấy tôi hướng dẫn các bạn ghép mảng, ông lão bảo: Xem ra thầy giáo cũng là dân sông nước, có ném xuống sông cũng chẳng chìm được.

Mảng đóng xong, chẳng ai nghĩ đến những việc bất trắc xảy ra trong chuyến đi, tất cả đều rất háo hức. Thầy Hồng, một thành viên trong đoàn, cao giọng: Bầu thầy Lê Đức Côn làm trưởng mảng, thầy Phác làm phó mảng, cô Ngần phụ trách hậu cần, còn lại là ủy viên. Nếu có sự cố gì xảy ra trên đường, thả sức bàn cãi, ý kiến thầy Côn có tính quyết định. Mời thầy Côn, vào cuộc. Tôi hỏi mọi người: Ai trong các thầy cô không biết bơi? Bình, Ngần, An dơ tay. Ba thầy cô ngồi vào giữa mảng, buộc các túi hành lý của cả đoàn vào với nhau. Kẻo bị hút xuống xoáy nước, không bị trôi. Có xoáy nước như thế sao? Có thầy lo lắng hỏi. Phòng xa thôi. Đọc “Người lái đò sông Đà” của cụ Nguyễn Tuân chưa. Sông Lô sao dữ bằng sông Đà được. Vòng ngoài bên phải Vừng, Chá và tôi. Bên trái Phác, Hồng, Tính, giữ khoảng cách đều nhau, cho cân mảng. Từ đầu đến cuối mảng đều có dây chằng. Đến chỗ nước chảy xiết, nhớ nắm lấy dây chằng, đừng để người văng ra khỏi mảng.

Chiếc mảng chòng chành đôi chút, rồi rời bến, từ từ trôi theo dòng. Sông Lô qua mùa lũ, nước chảy có phần hiền hòa. Chỉ khi qua vùng núi đá. Dòng sông thu hẹp lại. Có nhiều mỏm đá nhô ra sông. Nước chảy dữ dội. Sóng vỗ tới tấp vào mảng. Nước bắn tung tóe, làm mọi người ướt sũng. Đến khúc sông như thế mọi người đều nín thở, cúi rạp người xuống mảng. Tay nắm chắc dây thừng, không ai nói một câu. Khi qua khỏi mọi người ùa lên.

- Hú vía, sợ muốn vãi linh hồn, còn đoạn nào như thế không?

- Đã đi lần nào mà biết, mọi điều kì thú còn đang ở phía trước. Chiếc mảng trôi giữa miền rừng đại ngàn, thi thoảng lại gặp cửa suối đổ vào sông, ai đó hỏi: - Không biết trong miền rừng thâm nghiêm kia có người ở không! Tất cả là người miền xuôi, lên Tuyên Quang dạy học, mới được từ một đến hai năm. Nơi dạy học cũng có núi, rừng, nhưng được ngắm nhìn giữa miền rừng đại ngàn, trùng điệp, lại trong cảnh sơn thủy hòa quyện với nhau như thế này quả không dễ có được. Có phải vậy không? có ai đó phấn khích, hỏi:

- Ai chọn xuôi bằng đường sông đấy. Không phải đi bộ, lại được dạo chơi giữa miền non nước, quá diễm lệ này, sẽ là kỷ niệm mang theo suốt đời đấy.

Đi gần đến ngã ba sông Gâm, chiếc mảng chững lại, trôi rất chậm, ai cũng ngạc nhiên, hỏi: - Sao thế trưởng mảng? Tôi không lạ gì cảnh này, trả lời ngay: - Sắp đến ngã ba sông. Nước sông Gâm có lũ to, chiếm dòng chảy của sông Lô. Nước sông Lô chững lại dâng lên. Chờ sông Gâm hết lũ, mực nước thấp xuống, sông Lô lại chảy bình thường, có khi dữ dội đấy. Cho mảng vào bờ, giải quyết “phiền muộn” lại tiếp tục lên đường.

Phải một tiếng sau, chúng tôi mới lại tiếp tục đi. Qua ngã ba sông Gâm, dòng Lô mở rộng dần, chiếc mảng trôi giữa miền non xanh, nước biếc, giữa những bãi ngô, vườn mía, lúa xanh tươi hai bên bờ sông. Ai cũng thấy phấn khích. Hoàng hôn trên sông cũng có vẻ khác thường, tất cả lấp lóa trong vầng sáng vàng nhạt, rồi sẫm dần, bến bờ như lùi xa hơn. Tôi hỏi mọi người:

- Vầng sáng trước mặt kia là thị xã Tuyên Quang, vào không?

- Vào cũng chẳng có chỗ nghỉ, thị xã mới qua vụ lụt, người dân, các cơ quan còn đang dọn dẹp. Cửa hàng ăn dẫu có mở, liệu có tem phiếu để mua cơm không! Hay xếp hàng để mua bát phở “không người lái” (phở không có thịt), thẳng tiến thôi.

Về đến Bình Ca đã gần mười giờ đêm, ghé mảng vào bờ cho ba thầy và cô giáo Ngần lên bờ. Ngần có nhời: - Bà cô mình lấy chồng ở bến phà Bình Ca này, mình xin mời các thầy đến nhà ăn bữa cơm, sáng mai đi tiếp. Tôi biết tấm lòng của Ngần là chân thực, vẫn đành phải giao hẹn:

- Bọn mình cùng nhau đến nhà bà cô Ngần, chỉ xin một nồi sắn luộc thật to, ăn xong đi tiếp, còn bốn bạn ở lại hôm sau đi lúc nào tùy, xin chào tạm biệt ở đây.

Đang đói, ăn sắn luộc bở tơi, chấm muối vừng, thật không còn biết ở trên đời này còn có món ăn nào ngon như thế nữa không. Trưa hôm sau, về đến Kim Xuyên. Bọn tôi gom tất cả lại được chín đồng, hai hào, đưa cho Bình, vào bệnh xá Kim Xuyên rồi chia tay nhau.

* * *

Sau lần ấy, tôi không được gặp các bạn nữa. Về trường, được gần một tháng, tôi nhận quyết định đi học lớp chính trị, bổ sung vào đoàn cán bộ đi B vào vùng giải phóng dạy học. Từ năm 1969 cho mãi đến năm 2009, tôi công tác ở Ty Giáo dục Đồng Tháp, nhận quyết định nghỉ hưu, đưa vợ con ra Bắc. Một điều không tính trước đã đến với tôi. Nhà tôi không sao hòa nhập được cuộc sống ở đất Bắc. Hai chúng tôi đành chia tay nhau. Bà xã và đứa con gái về miền Nam. Tôi và đứa con trai ở lại với bố mẹ già, trên đất Bắc.

Khi cầu Kim Xuyên được khánh thành, Phác dò tìm được số điện thoại của tôi, mời tôi đến dự lễ khánh thành. Gặp Phác ngay giữa cầu Kim Xuyên khang trang, bề thế, mới biết những người bạn ngày ấy, đều đã nghỉ hưu. Có người về quê, có người ở lại Tuyên Quang, tất cả đều đã ở tuổi ngoài bảy mươi rồi.

Đứng giữa cầu, nhìn ra bốn xung quanh, chỗ nào cũng nhà xây, nhà cao tầng, ẩn mình trong vườn cây trái sum suê. Sức vươn dậy của một vùng quê nghèo thuở nào, thật đáng tự hào biết bao nhiêu.

T.H.V

 

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 73 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 17 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 17 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 15 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 92 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 144 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 459 lượt xem