Ông mối

Thứ tư, ngày 17-05-2023, 08:57| 1.143 lượt xem

Truyện ngắn của Hồng Giang

Minh họa của Tân Hà

 

Sau lễ hội đền Hùng, như mọi năm thế nào cũng có mưa, gọi là mưa rửa đền. Nhưng năm Nhâm Dần này lại không mưa, lại rất đặc biệt. Sau hội đến nửa tháng rồi mà không mưa lấy một trận nào.

Ba năm liền dịch cô vít hoành hành, nhân gian khốn khổ, đến trời đất cũng trở nên mất bình thường. Nhiều thói quen, tập tục giờ không còn thích hợp.

Chưa bao giờ nếp sống lại như bây giờ.

Xưa, người gặp người tay bắt mặt mừng, giờ gặp nhau lại như sợ người. Người ta đang vận động “giãn cách xã hội càng giãn xa càng tốt”. Các hội nghị tạm dừng hội họp, trẻ con không đến lớp, ở nhà học online qua mạng Internet. Đám tang bất đắc dĩ không dừng được cũng chỉ tổ chức lèo tèo. Người đến phúng viếng như cốt cho xong việc, thắp nhang khấn vái vội vàng rồi chạy nhanh như ma đuổi. Còn đám cưới, đám mừng thọ thì cứ tạm hoãn lại, chưa địa phương nào chính quyền dám cho phép.

Những ngày ấy, Thuần chỉ loanh quanh ở nhà, không đi đâu. May mà nhà có vườn, những lúc bức bí anh ra đấy tìm việc làm vơ vẩn cho hết ngày.

Chưa có thời kỳ nào nhiều biến động như thời kỳ này. Ngay đến vườn cây ba năm nay liền mất mùa. Lúc ra hoa cam bưởi sau tết ai cũng bảo năm nay thế nào cũng được mùa vì hoa ra rất sai, lại nhiều hoa cái, cánh hoa dày hơn mọi năm. Đùng một cái mưa liền mấy ngày. Sau mưa cây nào cây ấy trơ cành, hoa rụng tiệt. Nhìn vườn cây mà choáng váng. Công sức bao nhiêu năm trời, đến kỳ sắp được thu lại như thế này. Đành chép miệng “trời làm, người chịu biết làm sao?”. Ra vườn mà chân tay mỏi rã rời, chả thiết làm việc gì. Bỏ thì thương, vương thì tội, đành chăm để giữ cây chứ không mong gì thu hoạch vụ cuối năm này.

Mãi nửa tháng sau hội đền mới có mưa. Mưa kéo dài nhiều ngày. Truyền thông nhà nước báo dịch đang lui dần. Những nhà đang cách ly trong xóm tháo dần dây chăng trước cửa. Nhưng người ta vẫn e ngại tiếp xúc với người khác dù ở gần nhau.

Sáng nay lại mưa lớn. Thuần ngồi trước hiên nhà nhìn ra phía bờ sông. Nơi cây cầu đang thi công. Tiếng máy khoan đá gằn xuống lòng sông, nghe nặng chịch như từ cõi khác vọng về.

Ở đầu nguồn đập thủy điện đang xả nước vì sợ lũ to.

Từ hôm công trường khởi công xây cầu đến nay, thị tứ nhỏ này của anh xảy ra bao nhiêu chuyện. Một vụ đắm phà lúc nửa đêm, chết mất hai mẹ con cô “làm móng xăm mi” trên phố. Một vụ đuối nước không biết xảy ra khi nào, xác người nổi mãi dưới Hòn Vang cách cả chục cây số. Đấy là gã to béo gần nhà anh. Gã này thần kinh không bình thường. Hồi trẻ không biết xúc phạm đền chùa thế nào, bị quở phạt. Ngày thường gã ngủ, đêm mới lò dò ra đường. Tuy không trộm cắp của ai thứ gì, nhưng hay nghịch ngợm rất vớ vẩn. Khuôn đá, cành cây quăng ra đường, bê các thùng rác vứt từ nhà này sang nhà khác. Chán trò ra sông, cứ mặc nguyên quần áo bơi từ bên này sang bên kia. Người nhà khuyên thế nào cũng không được. Chắc lần này bị đuối nước do cành cây vướng vào quần áo không bơi được trong khi đang có lũ.

Thuần vừa đi viếng đám gã về. Nghĩa tử là nghĩa tận, dù lành hay dở gã cũng là một con người. Chết là hết không ai phân biệt sang hèn, đám tang có vẻ đông hơn các đám tang khác trong kỳ dịch vừa rồi dù trời vẫn đang mưa nặng hạt.

Ấm nước vừa pha chưa kịp uống thì con chó xích ngoài cửa lồng lên, sủa gay gắt. Nó chỉ làm như thế mỗi khi có khách mang bộ dạng kỳ quái đến nhà hay như vợ anh nói đó là khách “nặng vía”.

Thuần ra mở cổng. Thì ra thằng Vinh con ông Quang người làng dưới. Anh với bố nó hồi còn làm ở trạm kiểm lâm từng kết nghĩa anh em. Dù chả có liên hệ họ hàng gì, không cùng quê quán nhưng lão kiên trì gạ mãi, nghĩ chả mất gì, nên cuối cùng Thuần cũng nhận lời. “Anh em kết nghĩa” nghe thì quý và sang, thực ra đó là thứ quan hệ lỏng lẻo, độ gắn kết không cao. Không mấy người được thắm thiết như tình máu mủ ruột già. Nó là thứ được nhắc nhiều ngoài miệng mà ít ở trong tâm.

Ông Quang sau ngày thằng Vinh bị bắt, ra tòa án xử mười sáu năm, ông ốm liệt giường. Mấy tháng sau ông Quang mất. Ông là người ưa sĩ diện, thích hơn người, từng là hạng có máu mặt trong vùng. Có thằng con trai mang tội hiếp dâm, ông mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ? Người như ông, ai nhìn bề ngoài cũng nghĩ ít nhất cũng sống ngoài tám chín mươi chứ không chết sớm như vậy. Nói về sức lực ít ai ở đất này địch nổi ông. Lại võ nghệ đầy mình, đấu tay bo, quật chết cả gấu, phải cang cường thế nào chứ? Do tập tành từ nhỏ, người chắc như cây gỗ lim, chả biết ốm đau là gì. Cái ống điếu bằng tre đực già ông chỉ bóp nhẹ là vỡ như khúc nứa non. Thất vọng về con ông đổ bệnh. Mới biết khi cả nghĩ con người ta mất sức sống nhanh đến như thế nào.

Có hai thằng con trai, thằng cả không may bị tai nạn xe máy chết, ông đã choáng rồi. Còn duy nhất thằng này là con trai út, ông dồn hy vọng tất cả về nó thì nó lại xảy ra chuyện khốn nạn này. Dẫu là gỗ đá cũng phải suy chuyển, huống chi ông chỉ là da thịt, đầu óc của một con người.

Đất này người ta vốn trọng nam, không có con trai hay con trai không ra gì người ta coi cuộc đời mình đã hết. Có sống cũng coi như chết rồi, chả ý nghĩa gì. Làm người sống một đời vô nghĩa thì còn giá trị gì để mà ham sống trên đời?

Bốn đứa con gái lấy chồng  xa, hàng năm chúng mới về qua nhà lớt phớt kể có như không. Ông không trách chúng. Phận gái lấy chồng phải ăn lo nhà chồng. Thương cha nhớ mẹ, có cũng để bụng, chỉ phụng dưỡng được phần nào. Lẽ đời xưa nay là vậy, trách các con gái làm gì? Chuyện nhà ông Quang, Thuần không lạ và anh có phần cám cảnh. Giờ con ông ấy đến, không biết có chuyện gì, lành hay dữ nữa đây?

Thằng Vinh vào nhà, nó cởi áo mưa, nón lá ra vắt vào thành ghế. Ban nãy lúc chưa nhìn kỹ, Thuần cứ ngỡ thằng Hoàng làm nghề chăn vịt, nhà nó ở gần quãng đầu suối lối xóm Cây Si. Hóa ra không phải. Cặp kính trắng của nó khiến lúc đầu Thuần không nhận ra. Mười mấy năm tù, chưa biết tâm tính con người nó thay đổi thế nào nhưng bề ngoài có vẻ chững chạc, vẻ trí thức như cán bộ nhà nước. Đang trời mưa mà nó áo bỏ trong quần, đi giày da đen, mang tất đỏ vào hôm mưa gió thế này thật chả giống ai trong vùng. Thuần nghĩ chắc có chuyện quan trọng nên nó mới ăn mặc dáng vẻ trịnh trọng như thế.

Thuần rót cho nó chén nước, nó cầm lên xoay xoay rất điệu, chỉ nhấp tí chút lại đặt xuống bàn. Nó vào chuyện:

- Cháu thật có lỗi với chú quá. Đáng lẽ phải đến thăm chú lâu lâu rồi. Nhưng cháu ngại vì hoàn cảnh của cháu chả ra sao. Mãi hôm nay mới đến trình chú được. Chả gì chỗ chú với bố cháu ngày xưa cũng là chỗ tình cảm anh em. Chỉ vì cháu sa ngã mà bố cháu mất, chú cháu không còn dịp gần gũi. Tội lỗi là do cháu cả. Có gì chú bỏ qua.

- Anh có gì cứ nói. Anh sai là sai với nhà nước chứ sai gì với chú, sai gì với dân làng? Sự việc xảy ra hồi ấy tôi cứ tiếc mãi, nếu không xảy ra chuyện đáng tiếc ấy thì đâu đến nỗi... Thằng Vinh có vẻ cảm động. Nó không khóc nhưng mắt hơi ươn ướt đỏ:

- Kỳ ấy cháu đã làm xong hồ sơ chuẩn bị đi học trường an ninh, có ông chú bên nội nhà cháu xin cho. Ai ngờ đâu xảy ra chuyện, cũng là do cháu nông nổi bị bọn bạn cháu nó gài. Cháu không nghĩ chuyện nó lại nghiêm trọng như vậy.

Thằng Vinh được giảm án về trước hạn tù, nhưng cũng ở hơn chục năm. Nhiều người ở đây hồi ấy còn không biết vì sao nó bị bắt, có oan uổng gì không? Hay người ta ghét cái tính trịch thượng hay bắt nạt người của bố nó mà buộc cho nó cái tội ghê gớm ấy?

Là chỗ thân tình, Thuần biết đầu đuôi câu chuyện. Anh đã bàn với bố nó đi tìm luật sư, không gỡ được tội cho nó thì cũng giảm được phần nào. Nhưng lão Quang bố nó lại tự mãn cho mình là biết hơn mọi người, không cần ai, tự lão sẽ lo được. Lại thêm chú nó là Quy đang làm việc dưới tỉnh nói sẽ can thiệp được, thuê luật sư cho tốn tiền, mà chưa chắc có kết quả.

Một vụ đầu têu chỉ là nông nổi, mang tính trẻ con của đám thanh niên mới lớn, bỗng thành án trọng. Bản thân nó lại ra vẻ sĩ cử, “đại ca” nhận phần tội nặng hơn về mình. Mấy thằng kia nhà chúng cũng hứa sẽ chu cấp thăm nuôi đầy đủ thời gian ở trại nếu nhận đỡ phần tội cho con họ. Những chuyện này Thuần vẫn nhớ như nó vừa xảy ra:

Chiều hôm đó có một con bé không biết từ đâu được thằng xe ôm chở lên xóm chợ. Hai đứa ấy vào hàng ăn uống. Ăn xong, thằng xe ôm bảo con bé ngồi đấy chờ nó vào nhà người quen có tí việc một chốc rồi ra ngay. Mà mãi đến gần chiều tối vẫn chả thấy tăm tích gã xe ôm đâu. Chủ quán mới hỏi nó từ đâu đến? Nó bảo: “Cháu bên Yên Bình”, “Sang đây có việc gì?” Nó nói: “Anh ấy bảo đưa lên thăm nhà để nói chuyện với bố mẹ. Anh ấy chạy xe ôm ngoài thị xã, nhưng nhà ở trên này”. Chủ quán cau mày:

“Thế là nó lừa rồi. Nhà nó đâu ở trên này? Thỉnh thoảng vẫn gặp nó chạy xe ôm qua đây, nhưng không phải người vùng này đâu, cháu mày bị lỡm rồi! Bây giờ mày có tiền trả không?”. Con bé móc túi trước túi sau cái quần bò cũ của nó có độ hai chục bạc. Chủ quán bảo: “Hai đứa ăn nửa con gà, hai bát phở, rượu chưa tính chỗ này làm sao đủ?”. Con bé hoảng hồn chưa biết nói sao, nét mặt đầy sợ hãi. Nó biết bị thằng kia lừa, chơi chán mấy ngày nay rồi bỏ rơi nó ở đây. Đất khách quê người nó phải làm sao bây giờ? Nó ngồi ôm mặt khóc. Chủ quán cũng lúng túng chưa biết xử lý như thế nào?

Giữa lúc đó Vinh và mấy thằng bạn nó vừa đi đá bóng về. Chiều nào đám bạn cũng được thằng Vinh chiêu đãi. Chả gì nhà nó cũng khá hơn, bọn chúng coi nó như “đại ca”, nó bao là phải. Hôm trước nhà nó bán vườn xoan, bố nó cho nó cả triệu bạc, tiêu giờ còn mấy trăm. Đủ chi bữa hôm nay.

Người ta bảo trai thấy gái lạ như quạ vào chuồng lợn. Nhìn thấy con bé trắng trẻo thằng nào thằng ấy cứ xum xoe. Chúng hỏi chuyện. Con bé kể lại như thế, như thế. Thằng Vinh mau mồm: “Tưởng gì, tiền là chuyện nhỏ. Lại đây uống rượu với bọn anh, xong muốn về đâu bọn anh đưa về khỏi lo”. Con bé nói vừa ăn xong, chỉ chưa có tiền trả cho chủ quán. Cả bọn hỏi bao nhiêu? Nó nói hơn hai trăm ngàn. Một thằng lôi tiền trong túi quần ra trả cho chủ quán, bảo với nó: “Ăn nhiều ăn ít ngồi cùng bọn anh cho vui”. Nó miễn cưỡng ngồi vào bàn. Rượu ngon, gái đẹp, cả bọn uống chả biết trời trăng là gì. Người ta bảo thứ men hóa học dùng nấu rượu kích thích thần kinh không tốt có nhẽ đúng.

Tan cuộc rượu thằng nào thằng nấy mặt đỏ như gà chọi, nói lạc cả tiếng. Đáng lẽ đưa con bé về thị xã như đã hứa, chúng lại phi xe máy chở con bé vào rừng. Chúng như bị ma làm, mất nhân tính. Và điều tồi tệ đã xảy ra. Con bé bị bỏ lại trong rừng một mình, áo sống bê bết, tơi tả rồi nó lên cơn sốt mê man, không còn biết gì nữa.

Mãi sáng hôm sau, người đi nương bắt gặp con bé nằm bên suối mới đưa nó về ủy ban xã. Phần sau như đã nói ở trên. Thằng Vinh là đầu vụ, án phạt mười sáu năm.

Thằng Vinh bây giờ so với thằng Vinh ngày đó có phần già dặn, từng trải hơn. Nhưng nhìn kỹ nét bộp chộp nông nổi vẫn chưa hết hẳn. Nó bỏ kính ra, lau lại mặt kính rồi đeo lên vẻ trịnh trọng:

- Báo cáo chú, mọi sự con đã nói rồi. Có gì không phải chú bỏ quá cho. Hôm nay con sang đây là muốn nhờ chú một việc quan trọng.

- Là việc gì sao mày cứ lòng vòng mãi thế?

Nó ngần ngừ một lúc mới nói được thành câu:

- Con chuẩn bị làm đám cưới. Đáng nhẽ mẹ con phải sang nói chuyện với chú. Nhưng mẹ con dạo này không biết có phải do ảnh hưởng hậu cô vít hay không nên yếu lắm, không đi được. Con trực tiếp nói chuyện với chú.

Nó bảo nó tìm hiểu được con bé trên Hạ Lang. Chỗ này Thuần biết, dù lâu không lên trên đó. Nơi ấy cảnh đẹp người xinh có tiếng, là khu du lịch sinh thái gần thác Bản Ba. Một vùng kinh tế trù phú, con người giỏi giang, con gái nổi trội nhất “miền gái đẹp” của tỉnh này. Cái thằng vật vờ, lại có vết này sao lại có cái phúc lớn đến thế? Anh chỉ nghĩ trong bụng chứ không nói ra sợ nó tự ái.

Nó lại bảo hai đứa quen nhau trên mạng. Thời nay tơ duyên có không gian mở không như ngày xưa. Chả cần ông bà mối manh nào cả mà nhiều đôi nên vợ nên chồng. Có khi trong Nam ngoài Bắc xa cách ngàn trùng vẫn có cơ hội tìm được người có nhân duyên. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Các anh các ả chít chát trên mạng dễ như thò tay vào túi, đôi khi chả cần giữ ý tứ gì. Nhưng dù sao mạng vẫn là mạng ảo, chưa chắc đã là người thật, duyên tình thật. Có anh chị có vợ chồng rồi chưa bỏ tính tham. Người trên mạng có khi chưa chắc đúng địa chỉ thật, con người thật. Không ít anh ăn quả lừa, mất tiền mất công mà vẫn ù suông, điếng người.

Thuần nhắc nó chuyện này nó bảo: “Cái đấy không lo chú ạ. Cháu chừng này tuổi rồi, từng sống với cả bầy lưu manh cả chục năm trời, chả đứa nào lừa được cháu, sao còn hớ hả chú. Cháu đã lên tận nhà, gặp tận người, nói chuyện cả với bố mẹ rồi làm sao ảo được ạ?” Nó đã nói vậy, chắc đến chín phần. Thuần lại hỏi: “Sao chuyện này anh không nhờ ông Quy, lại nhờ chú?”. Nó nhăn mặt, dáng chừng khó nói. Một lát, nó mới bảo: “Chuyện này dài lắm chú ạ. Cháu không định nói với ai, chú đã hỏi cháu mới nói...”.

Bố thằng Vinh và ông Quy là anh em cùng mẹ khác cha. Cụ lái Dong lấy bà nội nó khi đã có con riêng là bố nó, sau đấy mới có ông Quy và hai bà cô nữa. Cụ Dong người đằng xuôi lên buôn bán lâm sản trên này. Cụ bà lỡ làng hai người gặp nhau. Cụ là người đại lượng không phân biệt con nọ con kia. Bố nó và ông Quy coi như anh em ruột không có gì khác biệt. Bố nó vào kiểm lâm, ông Quy cũng cán bộ nhà nước. Bố nó tính nóng, không chịu lụy ai, lại hay mạo hiểm. Làm trưởng trạm được hơn năm thì bị đuổi việc. Nó không biết về việc gì. Nhưng việc đó thì Thuần biết. Dù sao người đã khuất rồi, chuyện cũ không nên nói ra làm gì. Từ ngày nó đi tù mới xảy ra chuyện. Quả đồi ngày xưa bố nó trồng tre vì đất xấu không thể trồng thứ khác. Lúc ông Quy về hưu, chả biết làm cách nào ông lấy sổ đỏ khu đồi ấy mang tên ông. Mẹ nó không đồng ý và hai bên xảy ra tranh chấp. Nó về cũng đến nhà thưa với chú xin lại phần đất ấy, ông Quy không nghe. Xưa ở vùng này đất đai chẳng ai để ý. Đến người ngoài xin nhau còn được. Nhưng bây giờ đất chật người đông, đất rừng cũng có giá. Ông bảo “Mua thì tao bán, đất trồng cây chứ có phải đất chùa đâu mà xin. Tao với bố mày anh em thật, nhưng tao mới chính là họ Lê, con cọc gốc của cụ chứ không như bố mày không biết họ gì? Tao mới là người thừa kế chính đáng chứ không phải bố mày. Tình hay lý cũng vậy mà...”. Kể từ đấy hai nhà không qua lại nữa. Có công việc, nhà nào có nhà nấy ăn. Đã nói thế coi như tuyệt đường nhân nghĩa. Có nhờ chưa chắc ông Quy đã nhận lời. Nó đành đến nhà nói khó với người anh em kết nghĩa của bố.

Thì ra vậy.

Minh họa của Tân Hà

 

Còn một việc nữa, không hỏi không được vì hôn nhân là việc hệ trọng, không nên tùy tiện.

Việc này ông Thuần biết từ hôm nó về được hơn tháng. Nó bán một ô đất vườn lấy tiền sửa nhà, mở quán. Là quán cà phê âm nhạc. Chả biết nó nghĩ thế nào? Tuy là lên thị tứ, xã này vẫn là đất đồng rừng. Nhà cửa ở rải rác, có được bao nhiêu người? Cà phê cà phót là những khu trung tâm, nhà cửa đông đúc, nhiều người qua lại. Mở ở đây khách ở đâu ra?

Mãi về sau Thuần mới biết duyên do câu chuyện. Thằng Vinh ra chơi ngoài thành phố quen đâu được đứa gái hơn nó chục tuổi. Con này gọi là “Thảo ca ve”, cũng người gốc trên Cánh Vần. Thảo từng có chồng con, cháu nội cháu ngoại đủ cả. Cô này tầm tuổi ấy vẫn còn xinh xắn, nom bề ngoài con gái nhiều đứa lại không bằng. Tuy là người Dao nhưng sắc nước, lại thêm biết ăn mặc thời trang, son phấn vào chả ai biết là đã nạ dòng. Những năm trước Thảo phiêu bạt những đâu không ai biết. Chỉ nghe đồn cô ta kinh doanh theo lối “đèn mờ”. Sau ngày bỏ chồng con cô lại có thêm đứa gái chừng ba tuổi. Người ta đồn thằng Vinh đi tù về sắm vai “phi công trẻ”. Thời nay mất cân bằng giới tính, nam nhiều nữ ít. Lấy vợ hơn tuổi hoặc lấy gái lại không còn là chuyện hiếm. Huống hồ thằng Vinh có cái vết  “đi tù” vì cái tội rất ngại khi phải nói ra. Người ta bảo thế là còn may. Nếu không có dịch cô vít, ngoài thành phố nhiều dịch vụ phải đóng cửa, chưa chắc cô Thảo này đã chịu về đây. Thôi thì mỗi người mỗi cảnh biết đâu mà phán xét sai đúng phận người?

Chỉ thấy nó thỉnh thoảng qua lại căn nhà con con Thảo cất nhờ trên đất nhà nó, không thấy nói chuyện gì. Mở quán cà phê âm nhạc là sáng kiến của Thảo gợi ra cho nó. Được mấy hôm đầu món thanh niên làng vào Ka-ra-ô-kê, bán được vài lon bia, ly trà sữa. Rồi thưa dần. Thời buổi khó khăn, vùng quê nghèo làm gì có đại gia, khách sộp ghé quán? Chả ai cấm đoán, quán tự đóng cửa. Cô Thảo đi làm mướn quanh vùng. Chuyện quan hệ của nó với Thảo từ đấy chấm dứt.

May mà có Internet thằng Vinh mới tìm ra mối bây giờ. Chỉ có điều Thuần với chỗ ông Quy không phải chỗ xa lạ. Việc đáng ra của ông ấy, mình nhúng tay vào, liệu ông ấy có phản ứng gì không? Việc nhà người ta tự nhiên mình mua dây buộc mình.

Mình là người có tín nhiệm. Không ít người xã này nhờ đi làm đại diện. Nhưng chưa có trường hợp nào như trường hợp này. Mai ngày vợ chồng nó ăn ở với nhau đầm ấm, hạnh phúc không sao. Nhỡ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt lại điều tiếng ai mang? Mà từ chối thẳng thừng cũng không tiện. Ở tuổi này, nghĩ việc gì cũng nên thoang thoáng một chút. Không nên thành kiến, hẹp hòi với ai. Tốt xấu làm người không phải ai muốn cũng chọn được. Hoàn cảnh của nó từ chối nó sẽ nghĩ là mình không muốn dây dưa với người lầm lỡ, nó sẽ hận.

Nghĩ một hồi Thuần mới bảo:

- Người khác chú còn giúp được, huống chi cháu mày. Tao chỉ e chỗ ông Quy không bằng lòng thôi. Có gì để tao trao đổi qua với ông ấy đã. Hay nhất là cả ông ấy đi cùng. Để ông ấy làm trưởng đoàn, không nói gì cũng được. Việc thưa gửi tao lo, cốt là có đầu có đuôi.

Nó giãy nảy:

- Không được đâu chú ạ. Chú mà đem chuyện này ra hỏi ông ấy là hỏng việc của cháu. Cháu nghĩ chín rồi. Người ta chả nói làm gì, có khi cần khoe ra cho dân làng biết. Nhưng chuyện của cháu phải tuyệt đối bí mật không thì hỏng việc. Chú đừng hỏi làm gì.

Cứ nghĩ thằng này phổi bò, hóa ra ăn cơm nhà nước mười năm nó cũng học được ít nhiều điều.

- Thôi được mày cứ về chuẩn bị, đúng như dự định tao sẽ giúp.

Thằng Vinh bấy giờ mới lấy từ trong túi ra cây thuốc lá, lại là “Ngựa trắng” hẳn hoi đưa cho Thuần.

- Ơ hay, cháu mày biết là tao chuyên thuốc lào chứ có dùng thứ này bao giờ đâu. Thôi cầm về để hôm ấy làm lễ vật một thể. Cũng may cho cháu mày, trên vừa có chủ trương bỏ giãn cách xã hội phòng chống cô vít khắt khe như mọi khi. Nhưng cũng phải đến trình và xin phép đàng hoàng. Kẻo đang làm đám mà họ đến là dở đấy. Người ta cho làm bao nhiêu mâm thì cứ thế mà làm. Ngược ý chính quyền là rất không nên đấy!

Nó cười nhăn hết cả mũi, suýt làm rơi kính:  Vâng vậy cháu cảm ơn chú, cháu về!

H.G

Tin tức khác

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 118 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 117 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 107 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 161 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 111 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 58 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 162 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 105 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 106 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 100 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 232 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem