Con đò xưa nhỏ bé

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:26| 95 lượt xem

Truyện ngắn của Phù Ninh

 

 

 

Minh họa của Tân Hà

 

 

Người cựu binh quê Tuyên Quang, định cư mãi tận Bạc Liêu ra Hà Nội, thuê chiếc tắc xi bốn chỗ, tự nhủ: Xem chuyến đi như liều thuốc di dưỡng tinh thần. 

Xe chạy trên Quốc lộ 2C.  Miên miên xa xăm.

Trời vội vã sập tối. Gió hun hun thổi từ triền Tam Đảo. Mưa bụi bay bay xiên xiên mù mịt. Những dải đồi mọc đầy sim mua. Cánh đồng qua vụ gặt trơ gốc rạ, xóm làng lặng ngắt… chìm trong đêm.

Chàng trai trẻ, thân hình cao lớn,  tay cắp mái chèo, sắn quần săm săm lội xuống sông. Quờ chân tìm con đò đánh chìm từ chiều hôm trước. Lúc sau, hai tay nắm một bên cạp, dập dềnh hắt nước cho con đò nổi. Nhổ sào, giắt khẩu súng ngắn bên hông, bắt đầu chèo ngược dòng sông. Ngọn nguồn là vùng rừng núi, thuộc đất Châu Tự Do. Chảy đến trung du, sông lặng lẽ êm trôi. Sông nhỏ, không có đò ngang. Giữa hai làng ven sông, nơi nào cũng có cầu tre. Lâu lâu vào buổi chợ phiên mới có con đò chở muối lên ngược. Rồi cũng những con đò ấy đưa củ nâu, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương… về xuôi.

Chàng trai khỏa mái chèo đều đều. Chặng đường còn xa. Chợt nghe tiếng pháo lẹt đẹt rời rạc. Trong vùng địch chiếm đóng, nhà dư dả vẫn có bánh pháo tép mừng năm mới. Phút giao thừa. Một mình, một bóng và con đò nhỏ trên dòng sông vắng.  Thoáng tư lự. Đã có đêm qua cổng nhà, lặng lẽ hồi lâu. Giờ này chắc mẹ già còn thức, đằng đẵng tháng ngày thương nhớ đứa con từ ngày thoát ly chưa một lần về thăm mẹ. Đâu biết, nó đang đứng cách mấy chục sải chân.

Khoát mạnh mái chèo. Tiếng rẽ nước như một lời khích lệ. Con đò lướt nhanh. Mồ hôi lấm tấm. Luồn qua cây cầu này nữa là ra khỏi vùng địch tạm chiếm. Khấp khởi. Chợt nhìn thấy đốm sáng phía trước. Đưa tay che ngang trán, nheo mắt. Đèn sáng cả hai đầu cầu. Trước đây, địch chỉ có trạm gác đường bộ, mới nảy ý định đi đường sông. Không ngờ chúng gác đường sông. Tình huống ngoài dự kiến. Có thể chúng đánh hơi thấy chuyện gì. Là lính quân báo thâm nhập vào địch hậu, sau nhiều lần bò tới tận chân hàng rào đồn địch, cùng với tin tức do ngụy binh giác ngộ cung cấp, đã vẽ được bản đồ bố phòng vùng vành đai thị xã Vĩnh Yên, chi tiết đến cả phiên hiệu, quân số, vũ khí hạng nặng các đơn vị quân Pháp. Bản đồ phải đưa đến bộ tham mưu chiến dịch sớm nhất. Hình dung ngày không xa những đại đoàn hùng mạnh sẽ tiến về trung du, chiến dịch lớn sẽ mở sát ngay ngoại thành Hà Nội.

 Quay mũi, cho đò lùi lại một quãng xa, cắm sào, lắp đạn, bước lên bờ. Nhìn quanh. Theo ngõ rộng dẫn đến ngôi nhà mái ngói. Đèn sáng. Hai ông bà và một cô gái người ngồi quanh chiếc bàn tròn, vẻ mặt trang nghiêm như đang cầu niệm điều gì. Chợt chó sủa. Ông chủ đi ra, hỏi:

- Ai xông nhà sớm. Mời vào.

- Năm mới đã sang, kẻ nhỡ độ đường chúc nhà ta mạnh khỏe, may mắn đến nhiều như lộc xuân.

- Nhà chúng tôi chúc anh đi đường gặp đầy hoa, nhanh đi mau đến.  

 Đặt thêm một chiếc ghế, mời khách ngồi, cô con gái đi vào bếp. Bà chủ cũng đứng lên. Chàng trai xin lỗi vì đường đột xông nhà và nhanh chóng đi đến quyết định nói thật về tình thế của mình.

 Chăm chú lắng nghe, chốc chốc khẽ gật đầu, nghi ngại được cởi bỏ, ông chủ nói:

- Bây giờ mời cháu hãy ăn bánh lấy may, rồi đi nghỉ lấy sức. Bác sẽ có cách.

 Cô gái bưng mâm lên. Chủ nhà ngồi tiếp.

Cô gái xếp chỗ ngủ, đem cho khách chiếc chăn thổ cẩm mới, màu rực rỡ, cứ như là đồ cưới. Ăn ngon, nằm ấm, mắt nhắm hờ, bồn chồn, thấp thỏm. Chủ nhà làm cách nào giúp mình qua mặt bọn lính gác?

Mồng một Tết. Mưa dứt. Gió ngừng. Mây tản. U ám dần vơi. Trên đường, đông bước chân người. Đất lề quê thói. Một năm khốn khó bao nhiêu, ba ngày Tết việc đồng vẫn ngưng, đi chúc họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng. 

Đôi trai gái đi ra từ ngôi nhà đêm qua có người khách lạ. Chàng trai rắn rỏi, áo quần còn hằn nếp gấp, gổng lồng gà đi trước. Hai con gà trống thiến mào đỏ màu ớt tròn mắt ngơ ngác. Cô gái mới xinh làm sao! Áo dài màu chàm thẫm, váy lá bốn mảnh, xà tích bạc sáng choang, xà cạp trắng quấn khít, nổi bắp chân tròn, vai đeo chiếc và nhét đầy bánh trái kết từng cặp, buộc lạt nhuộm đỏ. Để ý kỹ sẽ thấy có một cặp bánh buộc lạt màu xanh. Hai người họ vẻ mặt hớn hở, ríu rít trò chuyện. Chàng trai vừa nói câu gì đó, khiến cô gái mặt đỏ bừng.

Trạm gác đã ở trước mặt. Họ bước thản nhiên. Lính chĩa ngang khẩu súng quát:

- Vợ chồng nhà kia đứng lại!                                                                                                             

Cô gái làm bộ ngơ ngác, hỏi:

- Sao vậy anh lính?                                                                                                        

- Có lệnh cấm ra vùng Việt Minh.

- Chúng tôi đi chúc Tết.

Cô gái nhanh chân vượt lên, giọng êm như ru:

-  Năm mới sao anh lính không về ăn Tết với chị nhà và các con mà còn đứng ở đây chịu rét? Chồng em người Bồ Lý xã đây, còn em quê trên Ninh Lai. Vợ chồng đi Tết quê ngoại. Ai đời lại ngăn con rể đi Tết bố mẹ vợ bao giờ.

  Nghe nói đến ăn Tết với vợ con, người lính ngụy vẻ bùi ngùi. Cô ta chạm đúng vào nỗi buồn của mình. Đáng ra, giờ này mình cũng phải cùng vợ đi chúc Tết bên ngoại, sửa soạn mâm cỗ cúng tân niên. 

Thừa cơ người lính đang phút trầm tư, cô gái bước lại gần, nói:

 - Vợ chồng em biếu anh chút quà.

Cô đặt vào tay người lính cặp bánh thắt lạt đỏ, thuận chân bước qua trạm. Chàng trai bước theo liền. Người lính không kịp phản ứng.

Trạm gác khuất hẳn phía sau, họ thong dong bước trên đất Châu Tự Do.

Chàng trai nói:

- Không ngờ em giỏi thế. Lính gác chẳng chút nghi ngờ.

 - Em cũng không biết nữa. Chỉ nhớ lời cha dặn, cứ nghĩ đúng là vợ chồng thật thì sẽ được tự nhiên.

 Chàng trai được thể:

- Vậy cha bằng lòng cho chúng mình...?

  Cô gái ngập ngừng:

- Anh đi đánh giặc biết khi nào trở về!

- Nếu em có lòng chờ. Đất nước sạch bóng giặc, anh sẽ về đây cưới em.   

Chàng trai nhìn cô gái quyến luyến.

- Đến giờ ta phải xa nhau rồi.

 Cô gái đưa cho anh cặp bánh thắt lạt xanh. Đêm qua, một chiếc bánh được dỡ ra giấu tấm bản đồ vào rồi gói lại.

-  Chúc anh đi chân cứng đá mềm. Em đợi.  

Người cựu binh đăm đăm nhìn dòng sông. Tìm bóng dáng cây cầu tre, con ngõ nhỏ,  căn nhà mái rạ, đằng xa hiển hiện cây si vững chãi, ngôi nhà tầng ẩn hiện sau vườn cây trái. Trí nhớ định vị. Người cựu binh dứt khoát bước vào một ngõ rộng dẫn đến ngôi nhà mái lợp ngói ta, dài đến bảy gian, chắc là có một ở vùng này. Cô gái đang xén bờ rào duối lá xanh thẫm, ngừng tay, đặt kéo lên mặt hàng rào, chào khách lạ.

Nhìn cô gái có đôi mắt bồ câu rất lâu, người cựu binh hỏi:

- Ở đây có ai tên Thắm không cháu?

- Thưa bác có một cô giáo và mẹ cháu. Không biết bác định hỏi Thắm nào?

 Người cựu binh ngần ngừ giây lâu, hỏi:

- Mẹ cháu có ở nhà hay đi vắng? 

- Bà về quê ngoại trên Tuyên Quang. 

 Cô gái tinh nghịch:

- Vậy người mà bác muốn gặp là mẹ cháu?      

- Không chắc lắm, có thể linh tính mách bảo. Chỉ nhớ cô Thắm mà bác quen dạo ấy là con một của gia đình.

Cô gái tỏ vẻ mừng rỡ, bấm điện thoại:

-  Mẹ về chưa?

- Gần đến nhà rồi. Có việc gì không con? 

- Có tin đặc biệt.

- Tin gì thế con.

- Mẹ về sẽ biết.                                                                                                                    

Cô gái tắt máy, nói:

- Bác đợi, mẹ cháu về ngay bây giờ.

 Có tiếng xe buýt dừng ngoài đầu ngõ. Bà già người Sán Dìu, tóc trắng như mây, váy chàm ngắn, chân quấn xà cạp, tay xách chiếc và cũ bước xuống.

 Cô gái nói:

- Có bác bộ đội nói là tìm người quen tên Thắm.

  Đêm qua bà mơ thấy chồng từ mặt trận trở về. Mà chồng bà hi sinh từ đận Năm Tư.  Chuyện gì đây. Nóng ruột, sáng nay vội bắt xe. Như có luồng hơi nóng phả sau gáy, bước nhanh đến trước mặt khách, bà bật kêu lên:

- Trời đất, anh Thuần! Anh có nhận ra em không?

 Người cựu binh ngẩn người ra như bức tượng mất đến một phút, giọng nghèn nghẹn:

- Hai tiếng “em đợi” văng vẳng mãi trong tôi.

Bà nắm cánh tay, dẫn ông vào gian cuối ngôi nhà. Ông còn chưa hiểu vì sao thì chỉ bà tay lên trần.

Ở đó, con đò nhỏ không một vết rạn nằm úp trên hai thanh xà. Con đò ông chèo ngược dòng sông Phó Đáy cách nay ngót một thế kỷ. 

Dòng lệ giàn giụa trên gương mặt người cựu binh trải bao chiến trận.

Cô gái đứng lặng nhìn cảnh hai người gặp nhau.

Chuyện chưa bao giờ mẹ kể. Chẳng biết là cổ tích hay sự thật nữa.

Hoàng Thôn, ngày 22/12/2023.

P.N

 

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 210 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 507 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 15 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 140 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 82 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 91 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 81 lượt xem