Chuyện tình của tôi

Thứ tư, ngày 24-04-2024, 10:24| 95 lượt xem

Truyện ngắn của Hồng Giang

Minh họa của Tân Hà

 

Nàng mang tên một loài chim có bộ lông màu vàng, tiếng hót ríu ran, ngọt ngào, thân hình nhỏ nhắn, dáng dấp dịu dàng. Khổ nỗi loài chim này mỗi khi xây tổ uyên ương, lo cuộc lứa đôi cho mình thường phải trả một giá đắt.

Tổ ấm ấy không xây bằng cỏ, lá cây hay lông vũ của các loài chim khác, mà bằng khí huyết của chính mình. Tổ xây xong chưa được bao nhiêu, con người ta đã tìm mọi cách để mà chiếm đoạt. Nó rơi vào thảm cảnh bốn biển không nhà.

Nàng bảo có lẽ vì thế mà đời mình gặp nhiều trắc trở, buồn đau. “Phàm những cô nàng có tên như vậy, chả mấy cô thoát nỗi ám ảnh trớ trêu”.

Tôi bảo: “Đừng dị đoan vớ vẩn, cực đoan như thế. Khối người mang tên ấy có sao đâu?”.

Rồi tôi dẫn chứng cho nàng nghe về nhiều người mang tên ấy: Cô Yến, Chánh Văn phòng Ủy ban tỉnh. Cô Yến nữa Chủ tịch Hội đồng quản trị Lâm trường Khang Bình...

Nàng chỉ cười gượng: “Mấy vị ấy em biết. Có lẽ anh chỉ quen nhìn bề ngoài mà mặc định như vậy. Anh không biết nội tình sao đâu. Đỏ chưa chắc đã phải là chín. Quan niệm về hạnh phúc không đơn giản thế đâu ạ!”.

Cái này thì tôi chịu. Xuất thân cổ cày vai bừa tôi chỉ nghĩ được đến thế. Cao siêu hơn nữa tôi chưa đủ “trình”. Tôi chỉ căn cứ theo những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy và cảm được theo lối “duy vật” của tôi. Còn theo cách hiểu, cái mà người ta gọi là “tư duy trìu tượng” tôi chưa biết đến.

Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời, tôi đâu có nhiều thời gian để suy xét sâu xa như thế? Dù ngay cả bây giờ, “thời 4.0” này, thế giới đối với tôi còn khá nhiều điều tôi chưa từng biết do hoàn cảnh của mình. Nói đến các lĩnh vực ấy tôi như chim chích lạc rừng, như thuyền thúng ra đại dương. Tốt nhất là đừng đề cập đến. Không khéo bị nàng chê cười vì sự ấu trĩ non nớt của mình! Tôi lảng sang chuyện khác.

Rằng, nói thì nói vậy, tôi không phải người ưa cực đoan, hay bác bỏ tất cả, bất luận sai đúng thế nào. Dẫu sao, kinh nghiệm dân gian bao đời nay để lại cũng có cái lý của nó, không sai hoàn toàn. Nó mới có lý do tồn tại, nếu không đã chẳng còn ai tin. Số tin, hay không tin luôn là một con số biến thiên, khi nhiều khi ít, tùy theo hoàn cảnh mỗi thời.

Tôi cũng là một ví dụ:

Tôi sinh năm 1974, theo tuổi ta là tuổi Giáp Dần. Người ta bảo tuổi này xung khắc phu thê. Làng tôi cũng có mấy ông tuổi  như thế. Ông Tất giò, ông Bân rỗ bán quán ở chợ, rồi ông Cần Quắt, Chủ tịch Hội Nông dân của xã... Toàn các ông vợ mất sớm bởi những lý do lãng xẹt.

Có ông trên tôi một giáp, có ông cùng giáp với nhau. Tôi không tin lắm chuyện này, nhưng dù sao nó cũng ám ảnh tôi mỗi khi có điều gì đó liên quan chợt gợi đến.

Và cũng vì những chuyện như thế mà tôi quen biết nàng nhân một chuyện trao đổi tranh luận trên Facebook. Khi cả hai chúng tôi đều tham gia vào một nhóm hẹn hò dành cho người đơn thân. Hiểu và thông cảm cho nhau đủ thứ chuyện mà chưa từng gặp mặt, trực tiếp trò chuyện được một lần.

**

 Tôi phải dài dòng như thế để bạn đọc đỡ phần thắc mắc: Vì sao một cô cán bộ huyện lại có quan hệ trên mức bình thường với một anh cổ cày vai bừa, “Nông văn rền” như tôi?

Sáng nay tôi dậy sớm. Ngoài đường chưa một chiếc xe nào chạy qua. Những người thường đi chợ sớm cũng chưa xuất hiện. Đợt mưa kéo dài cả tuần vẫn chưa chấm dứt. Ngoài sông nước rộng mênh mang. Chưa có năm nào lũ về sớm lại kinh hoàng như năm nay. Cánh đồng lúa trước nhà tôi ngập trắng nước. Lúa đang ngậm đòng, tình trạng này là rất nghiêm trọng.

Tôi nấu ăn bữa sáng sớm hơn mọi khi là có lý do. Lát nữa thằng cu Đại con trai tôi sẽ ăn chỗ mì Omachi này rồi đến trường. Tôi phải chuẩn bị phích nước nóng cho nó. Anh cu chỉ việc đập quả trứng chan vào tô mì là xong. Không thể để nó bụng đói đi học. Cảnh gà trống nuôi con lâu nay khiến tôi có thói quen cẩn thận, “tẩn mẩn như đàn bà” tự khi nào tôi không nhớ nữa. Tôi còn sắp sẵn cho nó cái khẩu trang, chai nước lọc. Tuy dịch cô vít đã vãn, vùng tôi không có ca nhiễm mới, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Còn buổi trưa nếu tôi không về kịp, tôi sẽ nhờ nhà hàng cô Doan ship cho nó một suất.

Tối hôm qua, trước lúc đi ngủ nàng gọi cho tôi. Hỏi: “Có bận gì không?”. Tôi đáp: “Bận gì vào giờ này?”. Gọi Messenger, nàng cười, lặng yên một lát, mới bảo: “Mai em muốn nhờ anh một việc... Chỉ sợ anh lại bận việc...?”. Tôi thực thà: “Nhà nông việc như lông lươn, lúc nào chả bận. Nhưng nếu người ta nhờ, bận gì cũng gác lại đã. Em muốn nhờ việc gì?”.

Nàng nói ngày mai cả Phòng Khuyến nông của nàng được điều động đi hết các xã. Tình hình nước ngập lúa vào thời điểm này là rất nghiêm trọng. Không thể để bà con nông dân tự ý xoay xở. Cán bộ phải trực tiếp xuống cơ sở “lãnh chỉ đạo” tận nơi. Xe của phòng dành cho lãnh đạo Phòng. Cán bộ thường như nàng phải tùy nghi vận động. Ai có phương tiện gì dùng phương tiện ấy.

Nắng ráo như mọi khi, nàng chạy xe máy là chuyện thường. Từ chỗ nàng lên xã tôi chỉ mất tiếng rưỡi chạy xe thong thả. Nàng đi nhiều xã, nhưng lên chỗ tôi thì chưa lần nào. Trời lại đang mưa gió, xe máy đi không ổn. Vì thế mà sau ít phút đắn đo nàng gọi cho tôi. Tưởng chuyện gì, yêu cầu này của nàng nhỏ như con thỏ. Tôi còn ước muốn nữa là đằng khác. Tôi sẽ có dịp may mắn gặp nàng. Bao lâu nay rồi chỉ trò chuyện trên mạng, nói nhiều chuyện, hứa hẹn đã nhiều mà nào đã giáp mặt nhau đâu?

Nhiều người nói mạng mẽo chỉ nên tin tưởng một phần nào. Nhiều cô nàng úp ảnh lên tươi tắn hồng hào, phom như người mẫu, đến lúc gặp mới tá hỏa ra là mình mắc hợm. Bấy giờ có muốn thối lui cũng lúng túng khó xử.

Hai nữa tôi cũng muốn nàng một lần đến thăm gia cảnh của tôi. Lòng tôi như chiếc bánh bóc ra rồi. Sau đó thì tùy nàng định đoạt.

Xe bốn chỗ tôi chạy bây giờ tôi mua từ hồi vợ tôi còn sống. “Nhà xây xong rồi, mấy năm liền thu cả tỷ tiền bưởi, không mua xe thì mua gì? Một đời ăn đói mặc rách, tần tảo, tằn tiện... Giờ trời cho khá, không biết nhận thì trời lại lấy đi thì sao?” Vợ tôi nói thế, tôi nghĩ cũng phải. Chứ ý tôi là cứ gửi tiết kiệm. Lãi hàng tháng coi như vợ chồng nông dân mà có lương như viên chức nhà nước.

Tôi là người gốc ở đây, dân tộc Tày. Vợ tôi người Kinh, quê ở đằng xuôi. Một chốn đôi quê, mỗi lần về là mỗi lần vất vả. Có con xe vợ chồng con cái lâu lâu về làng chả mát mày, mát mặt với thân thích họ hàng lắm sao? Đừng có mà ai chê vợ tôi lấy chồng tông dật miền rừng. Lại vùng sâu vùng xa!

Với lại xe cộ bây giờ vùng tôi là muỗi, chuyện thường rồi. Không riêng nhà tôi, xã này vài ba mươi cái. Toàn xe xịn chứ không phải hạng xoàng! Nghèo như tôi mà còn mua được Hon đa, cự phú như người khác Mẹc mung, Pho phiếc chả là cái đinh gì!

Tự nhiên vào giây phút ngồi đây, chuẩn bị đi đón người khác, tôi thấy hình như mình có cái gì sai sai. Vợ chồng với nhau bao năm giời, thủa hàn vi chắt chiu từ lon dầu hạt muối, khi khá một tí em lại bỏ chồng bỏ con mà đi. Chuyến đò đêm hôm ấy đã cướp mất của tôi người vợ hiền với đứa con gái nhỏ.

Gần hai năm trời tôi âm thầm như một cái bóng, chìm trong nỗi đau. Nhưng rồi vẫn phải sống.

Dù thương em thế nào tôi vẫn phải tồn tại theo đúng nghĩa của nó. Em có hiểu và thông cảm cho tôi không?

Đũa phải có đôi, tôi không thể sống mãi một mình. Nếu có lựa chọn khác tôi đã không như lúc này.

Tôi vẫn còn hi vọng những tháng năm còn lại. Không thể thui thủi một mình. Con tôi cũng cần có người thay mẹ nó để được chăm chút. Em có giận có trách tôi đành chịu.

Vừa chạy xe tôi vừa nghĩ lan man như vậy, không đầu không cuối. Tôi nhấn ga, dù sao cũng phải thoát khỏi tâm trạng buồn phiền này. Nó không có lợi khi ngồi trước vô lăng.

Đến chỗ hẹn trước một tiệm giải khát, trước cửa có cây bằng lăng mùa này hoa tím ngát. Mùi hương thoang thoảng của loài hoa đồng rừng pha lẫn mùi cà phê từ trong quán đưa ra như đưa tôi về thực tại.

Xe vừa đỗ, người hẹn tôi từ trong quán bước ra. Nàng mặc váy ngắn kiểu công sở, áo màu xanh da trời. Tóc nàng để tém xòa trên đôi vai thon gọn. Cái eo của nàng như còn con gái. Mỗi tội nàng đeo kính mầu choán gần hết khuôn mặt. Thêm nữa nàng lại đang đeo khẩu trang. Chịu, không biết nàng có tô môi không, son màu gì?

Tôi đoán với thể hình như thế, nàng có dung nhan xinh đẹp. Từ thể hình toát lên vẻ tươi tắn trẻ trung. Tự nhiên tôi cảm thấy hồi hộp, cảm giác mà lẽ ra không còn ở lứa tuổi tôi bây giờ! Nàng như vậy, tôi như vầy, thấy có cái gì đó khập khiễng không ổn. Chả khác gì con chim vàng anh sánh cùng chim cu đất.

Lỡ đến đây rồi, kệ, ra sao thì ra!

Tôi bảo nàng quay lại quán, nghỉ ngơi uống nước vì hãy còn sớm. Nàng lắc đầu, cái lắc đầu vẻ nũng nịu, kiểu cách. Nàng nói nàng đã dùng đủ rồi. Tôi mở cửa xe cho nàng. Nàng từ chối ngồi ghế trước, bảo ngồi sau thoải mái hơn.

Con đường từ đây lên chỗ tôi phải ngang qua thành phố. Thấy nàng im lặng tôi cũng không hỏi chuyện. Chỗ này gần ngã bảy, xe cộ chạy nhiều tôi phải chú ý tay lái nên cũng không hỏi chuyện. Chạy được một quãng, nàng vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Anh dừng lại chỗ này một chút chờ, em ra ngay.

Đấy là chỗ có cửa hàng bán điện thoại di động có cái tên rất khoa trương: “Thế giới di động”. Người bảo vệ hướng dẫn tôi đỗ xe vào bên lề trước cửa hàng. Cửa hàng này lớn, cung cách mời chào khách rất chuyên nghiệp. Nhân viên đồng phục lịch sự, nói năng từ tốn hẳn hoi.

Tôi ngồi trong xe chờ một lúc lâu không thấy nàng ra. Nóng ruột tôi theo vào cửa hàng. Nàng đang đứng trước quầy thu ngân, vẻ mặt bối rối. Nhân viên cửa hàng nói thẻ của nàng bị khóa, không thanh toán được. Nét buồn phiền lộ ra trong cử chỉ của nàng làm tôi áy náy. Tự nhiên tôi buột miệng:

- Có chuyện gì à?

- Dạ. Không hiểu vì sao lại có chuyện này? Em vừa mới nạp thêm lương tháng này, tài khoản giờ cả hơn trăm. Chắc là bị hack hay sao ý. Em muốn mua chiếc Iphone này để tiện công việc. Chiếc máy cũ vừa cho mẹ em bữa trước để cụ tham gia “đội văn nghệ” các cụ. Định bụng mua chiếc mới lại gặp sự cố này!

Tôi an ủi:

- Không bữa nay thì bữa mai, chậm chút cũng được mà. Nhờ ngân hàng can thiệp là ổn thôi, không mất được đâu!

Nàng rầu rĩ:

- Mất thì không mất, nhưng lỡ việc. Công việc của em liên hệ với nhiều người, không có điện thoại không được. Hay anh có mang tiền đấy, cho em mượn, em gửi lại sau?

Nếu tôi bảo không mang tiền theo thì không có chuyện. Đằng này lại nghĩ chạy con xe ngót nghét bạc tỷ mà trong cốp không có đồng nào thì ê mặt quá. Ai đi xe mà không dự phòng?

Tôi ra xe mở cốp lấy cục tiền xơ cua phòng khi đi đường, hỏi nàng:

- Bao nhiêu hả em?

Nhân viên bán hàng cười rất tươi, cô bé mừng vì đã không lỡ mất một vị khách:

- Chưa đến hai chục chú ạ. Mười tám triệu thôi.

Chả biết nghĩ thế nào tôi khật khừ:

- Chuyện nhỏ.

Nàng bỏ điện thoại vào túi sách, nàng đang vui nên bước rất nhanh.

Chạy được một quãng tới một chợ cóc ven đường. Nàng bảo tôi đưa nàng mượn thêm hai triệu, không nói để làm gì. Ừ thì... mười mấy triệu còn được, hai triệu nữa nhằm nhò gì? Thú thực lúc ấy tôi chẳng hề đắn đo gì sất. Nàng chọn mua cặp gà tre, thêm con cá quất và một hộp bia. Tôi hỏi làm quà cho ai? Nàng bảo: “Lần đầu ra mắt, gặp bố con anh, em muốn tự tay mình làm món đặc sản. Có lẽ chưa bao giờ anh dùng đến các thứ này phải không? Tròn hai chục, em sẽ gửi lại anh ngay sau khi xong công việc trên xã nhà. Đừng có lo nha”!

Lo thì tôi không lo, nhưng tôi thoáng nhận ra điều gì đó không bình thường. Nàng mới gặp tôi lần đầu nhưng có vẻ tự nhiên, thông thoáng tiền bạc của người khác như của mình. Dù sao tôi cũng không phải là chàng trai mới lớn, một gã si tình bẩn nên cảm thấy và nhận ra điều này là điều tất nhiên, không có gì lạ.

Xe về đến Ủy ban xã, nàng bảo tôi dừng lại chờ nàng một chút. “Em vào đặt lịch với xã để chiều lên làm việc...”. Tôi gật đầu. Nếu tỉnh táo đáng lẽ khi đó tôi cùng vào với nàng thì phải hơn. Tôi sẽ biết nàng gặp ai, quan hệ việc gì?

Chừng mười lăm phút nàng quay ra, khẩu trang và cặp kính vẫn chưa rời khuôn mặt. Sự tò mò của tôi sẽ chấm dứt khi về đến nhà. Nàng không thể đeo khẩu trang để rửa mặt, uống nước ăn cơm.

Và cái giờ phút ấy đã đến. Tôi bàng hoàng như kẻ vừa vỡ lẽ một điều kinh khủng. Tôi thầm oán trách vì sự thiếu chu đáo của tạo hóa! Tại sao ngài lại có một sự sắp xếp vô lý, mâu thuẫn như thế với con người nàng như thế được?

Một dáng hình thon thả, ba vòng thể hình chuẩn, cặp chân dài sao lại gắn phía trên một khuôn mặt như vậy? Tôi không dám tả bộ mặt của nàng vì như vậy là phạm vào điều cấm kỵ. Đàn ông không bao giờ được nói về cái xấu của đàn bà, dù chỉ là cái xấu ngoại hình!

Bữa cơm hôm ấy quả thực mất ngon, dù kỹ thuật nấu ăn của nàng rất khá. Thùng bia nàng mua về tôi không đụng đến vì chẳng còn hứng thú gì nữa.

Bạn đừng cho rằng tôi quá coi trọng hình thức. Có thể nàng không xinh đẹp, cái đẹp tinh thần hay tâm hồn gì đó sẽ bù đắp lại.

Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Xấu vừa thôi còn có thể chấp nhận, tính cách, cử chỉ, lời nói... nói ngắn là vẻ đẹp tinh thần sẽ bù vào. Nhưng mà xấu đắng xấu cay thêm vẻ nanh ác thì không thể chấp nhận.

Tôi chưa bao giờ lâm vào tình trạng khó xử như bây giờ. Không thể trắng trợn thể hiện ra mặt thái độ thất vọng của mình. Nhưng tiếp tục và phát triển tình trạng này là điều không thể. Thôi thì cứ làm như không có chuyện gì. Còn số tiền nàng vừa mượn nữa. Không thể để nó tổn thất một cách ngớ ngẩn, vô lý như thế được! Dẫm phải gai đành lấy gai mà nhể, biết sao bây giờ? Cứ bình thản như không có chuyện gì. Tình Online là một loại hình tình cảm phức tạp. Lỡ rồi, không thể vội vàng kết thúc ngay!

Buổi trưa ngột ngạt như dài hơn ngày thường. Rồi nó cũng chấm dứt. Tôi nghe nàng nói khi đã mở khẩu trang:

- Đúng là phiền anh quá. Lẽ ra việc của mình em phải tự lo, nhưng chót rồi có gì anh bỏ quá. Chiều nay em tự đi, anh bận việc gì cứ làm không phải đưa em đi đâu ạ! Nếu không phiền anh cho em mượn cái xe máy cũ, giải quyết công việc xong là em về ngay rồi ra xã bắt taxi về dưới nhà.

Tôi lẳng lặng vì thấy chẳng nên nói thêm điều gì trong tình cảnh này.

Cuối ngày hôm đó, chờ không thấy nàng về. Tôi vội gọi cho cô Hải khuyến nông xã để biết tin. Hóa ra chả có buổi làm việc gì ở nơi đó cả!

Ngày hôm sau tôi xuống Phòng Nông nghiệp hi vọng tìm ra manh mối con người bấy lâu từng giao lưu với mình.

Bà trưởng phòng nghe hết câu chuyện. Đoạn bà bảo: “Anh ngồi chờ, phòng này cũng có cô tên một loài chim như thế. Cô ấy sang Ủy ban huyện, lát nữa về”.

Hoàng Yến là có thật, nhưng không phải người tôi gặp hôm rồi. Nàng mang kính cận, cử chỉ thanh lịch, dáng người thanh nhã.

Tôi không biết nói gì với người này. Với tôi cô ấy không mắc mớ liên quan gì. Như người khác cô sẽ rất khó chịu vì câu chuyện tào phào của tôi có thể làm cô tai tiếng.

Thật may điều đó không xảy ra. Hoàng Yến kiên nhẫn ngồi nghe tôi trình bày hết câu chuyện. Cuối cùng cô nói một câu choáng váng:

- Cái Nick của em bị trộm mất vài tháng nay. Nó là cái tổ em mất công lắm mới xây lên được. Em không ngờ nó bị lợi dụng vào chuyện này. Bây giờ biến báo cũng vô ích. Số tiền của anh thôi thì cứ coi như mình vô ý đánh rơi hay làm từ thiện rồi. Đừng quá nghĩ mà tổn hại sức khỏe anh ạ!

***

Tôi còn biết nói gì nữa vào lúc này?

Hỡi những người khôn ngoan và tỉnh táo, hãy cho tôi một lời khuyên?!

H.G

 

Tin tức khác

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 17 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 140 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 83 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 91 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 83 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 210 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 507 lượt xem