Dòng sông con gái

Thứ hai, ngày 13-03-2023, 10:57| 1.049 lượt xem

Khánh đã mua được những miếng đất liền kề ở bên con sông này. “Từ sau vách núi ấy, sông chỉ còn là miệt mài hoang dại, buồn tẻ và túng thiếu”-kể cũng lạ, những người bán đất cho cô đã nói thế. Nhìn họ giao lại những khoảng đất mà chắc là từ thời ông bà gan góc giành giật với rắn rết, nước lũ, mất mùa mà Khánh thấy buồn. Một nỗi buồn tẻ nhạt trong cái ngày tưởng như phải chát chúa, căng thẳng măc cả lắm. Những đối thủ nhợt nhạt dễ dàng buông bỏ cuộc chơi.

Lần đầu nói chuyện qua điện thoại, ã cò mồi bảo:

-Nguyễn Nam Khánh, em tưởng là một ông anh bụng bự.

Đến lúc gặp, mắt hắn như máy quét uniqscan ở sân bay. Khánh hỏi gã:

-Ngực chị phẳng quá à chú? Hơn nhau ở chỗ căng khác…

Gã cò mồi giật mình. Suốt hành trình đi với Khánh, hai người đặt dấu giày trên từng thửa đất gần nhưng chỉ có tên này và những dì, bác, bá, bà trẻ ông trẻ kia đấu trí với nhau.

-Giờ em đã hiểu vì sao suốt những ngày đó, chị ăn mặc nhếch nhác hơn một đứa công nhân.

Khánh không trả lời câu hỏi đó. Không trả lời là cách một người thường chứng tỏ mình có quyền lực. Cô thấy nó đã vô nghĩa, đã đến lúc dọn dẹp võ đài. Thằng cháu mất dạy mặc đồ hàng hiệu đã lừa được những người thân của nó bán đất để có khoản đút túi. Nước bọt của tên cò đã văng khắp đất này. Giá mà giờ này Khánh có thể hét to lên: “tất cả bị tao lừa đấy, nhận ra chưa? Biết tao là ai chưa?” thì có khi những người bán đất cũng không quay đầu lại. Họ sẽ nghĩ: “Con mẹ này chắc thấy hớ nên giờ phát điên rồi!”.

          Đời tưởng thế mà đâu phải thế!

**

Khúc sông này khá dài, nó bắt đầu chạy từ phía làng Tháu cho đến khi chạm vào dẫy núi phía Bắc. Gọi là sông nhưng hẹp đến mức người tráng kiện đứng từ bờ bên này mà phóng một cây lao cũng có thể bay sang tận bờ bên kia. Ngoại trừ mấy bữa lũ rừng, nước về dữ dằn, còn thì cả năm nó èo uột như một người ốm dở. Nước sông không xanh biếc, không đỏ ngầu mà lập lờ một màu váng vất của những vụn mây bay quẩn và lá rụng đầy trời.

Cá mú vắng tanh, cây cối thưa thớt, người ngợm dật dờ đây đó. Ở đây, cáo chồn chỉ biết săn lùng, vơ vét hết đám chuột gầy nhách đang mò mẫm kiếm ăn. Đợi có thế, đám thợ săn lại đi săn cáo chồn cho khỏi đứt bữa. Sống vắng, đất nghèo, chẳng có nổi cái xác thối để đám quạ bu đến thế mà có một kẻ từng đến đây nhìn cảnh vật và reo lên: “Đất lành”.

Hắn nói, thì mình hắn nghe, hắn làm, mình hắn hiểu. Con người hình như vượt lên từ đám khỉ vượn bởi có một đặc tính: thích làm cái khác biệt. Hắn ăn quả dại đến cồn cào ruột gan. Thứ chẳng mất giọt mồ hôi nào mà có được ban đầu cũng ngòn ngọt và mát. Nhưng dần dà, chất nhựa của quả dại làm ruột gan cồn cào và khiến người hắn lảo đảo, choáng váng. Đến ngày thứ hai, chưa chết, hắn vùng dậy, lao vào bụi chặt cành, tước vỏ, đóng một cái bè rồi hăm hở chèo trên sông sang bên kia.

Hắn hăm hở thăm dò luồng lạch, hang hốc cả mấy ngày trời cho đến khi chiếc bè tan ra, những cành cây tấp tểnh dạt bờ thì lại bị hất lên, rớt xuống, dạt vào bờ bãi. Lạ nỗi, mấy ngày sau hắn chỉ nằm khểnh, nhá quả rừng, say cồn cào dưới tán cây trong tiếng chim hót não ruột.

Một sáng, người ta thấy hắn dò dẫm lặn xuống những chỗ có mảnh bè dạt vào. Hắn ngụp xuống thật lâu, ngoi lên rồi lại ngụp xuống như một kẻ vô công. Hết lặn ngụp rôi hắn  lại mò lên bờ, đi chặt cây, rào lại bãi sông như thể đang chuẩn bị làm một phép phù thủy. Điều ấy gây ra muôn sự tò mò, người ta rình rập, nhòm ngó. Rồi hắn lại ở chuồng, lại lặn ngụp, lại ngoi lên. Sự rồ dại ở kẻ quái đản càng làm cho khúc sông làng Tháu thêm tẻ nhạt.

Con sông quanh năm lững lờ như một cái thắt lưng màu chàm của người đàn đàn bà miền ngược. Nhìn mặt nước chẳng thấy cá tôm đâu, nhưng phía dưới lại có một loại rêu đá rất ngọn. Người ta đồn rằng khi đức vua lên đây dẹp giặc, trong một lần đại quân của ngài gặp phải một cơn mưa rừng lớn, ngựa không thể tiến được bước nào bởi mưa gió tối tăm mặt mũi. Một vị tướng và nhóm cận vệ đã liều mạng hộ giá ngài lui lại mặc dù mắt họ gần như không còn nhìn thấy gì nhưng tất cả đều vẫn tỏ ra bình thản trong cảnh hãi hùng đó. Sự chết chóc và ồn ào của kim khí va chạm đã phạm đến cõi của một vị nữ thần, đúng hơn là nữ vương của vùng đất này. Vì được bịt mắt bởi một tấm vải nên khi trời quang, mây tạnh, đức vua là người đầu tiên nhìn thấy quang cảnh này. Thì ra, tướng sĩ của ngài đang lầm lũi tiến về phía bờ sông. Nhà vua cất tiếng gọi nhưng hình như tai họ không còn nghe thấy gì còn mắt đã bị mù từ lâu. Trong chiến tranh, chuyện cả đạo quân tử trận cũng đâu có gì lạ kì, điều mà đức vua hãi hùng nhất là từng  hàng quân cứ thế rơi xuống mép nước như một cuộc tự sát tập thể. Nghĩ đến cảnh tượng sẽ chỉ còn một mình giữa những oan hồn vật vờ, cùng tiếng gầm của cọp beo, ngài kinh hãi túm lấy những tên cận vệ trung thành nhất. Nhưng họ cũng không khá hơn những kẻ xấu số kia. Họ vẫn cứ lầm lũi tiến về phía mép nước. Nhà vua bất lực dùng hết võ công của mình quật ngã một tên xuống đất. Từ khóe mắt của hắn máu chảy ra như thể ngài vừa bóp vào một trái mồng tơi chín nục.

Khi mặt trời hiện ra từ đỉnh núi phía xa, ngài tỉnh dậy và nhận ra xung quanh mình đã không còn một dấu tích nào của cuộc chiến. Mưa xóa sạch những dấu chân, cả đến một miếng vải rách, gươm, giáo đều biến mất. Dù chỉ sống trong cung điện, nghĩ về mọi sự bằng màu sắc của vàng bạc, sơn son nhưng ngài cũng đủ hiểu khi đơn độc, người ta không còn quyền lực nữa. Mệnh lệnh chỉ có giá trị vì có những kẻ tin mình. Ngài bắt đầu đi dọc bờ sông, đi tìm dấu hiệu của sưk sống nhưng không có một thứ gì có thể ăn được. Cây mọc thưa, không có quả, dưới chân ngài chỉ có đám vỏ cây mục nát và lá khô đã tồn tại bao năm. Nắng cứ thế chiếu rát khuôn mặt trắng trẻo, tuấn tú. Những viên đá quý trên người của ngài bỗng trở nên nặng nề. Chẳng biết giờ này, mấy tiệm kim hoàn ở kinh thành đã mở chưa, đám chủ tiệm đã cất tấm thân chây lười lên khỏi tấm phản quý hay vẫn còn nằm ườn ra đó. Ngài thấy vô lý, vô lý quá, ngài bật cười một mình. Ăn đươc bất kế thứ gì thì lúc này đều coi đó là quốc túy. Con người toàn đầy ải nhau bằng những vật quy ước không thể nhét vào bụng.

Bỗng từ dưới sông có một vật gì vút lên khiến ngài giật mình lùi lại. Thực ra đó chỉ là phản xạ của người có chút võ nghệ chứ giờ này chỉ cần một kẻ khỏe mạnh đè ngửa ngài ra mà bóp cổ là đã đủ đoạt mạng. Thân thể của ngài đâu còn chút sức lực nào để bỏ chạy chứ chưa nói đến chuyện giành giật lại quyền uy vốn có. Vật ấy bay lên rồi rơi xuống trước mặt làm ngài tối sầm cả mắt lại. Nó gớm thật, vật gì đây? Từ bé đến giờ, ngài được ăn nhiều thứ của ngon, vật lạ nhưng đã đều qua bàn tay chế biến của thợ săn và đầu bếp, chưa từng được biết đến những thứ gai góc và hôi hám của tự nhiên. Hoạ hoằn lắm là được thấy qua những bức tranh vẽ. Lần này, nó quá là tự nhiên, một con cá hóa ra nó tự nhiên như thế. Nó có râu, vảy như lớp áo giáo và đôi mắt đỏ chứ không ươn tối. Con cá đang nằm trên mặt đất thở, cái miệng nó như đang muốn đớp lấy chính nhà vua. Con cá không to nhưng có vẻ dữ dội thật, hay nó mang trong mình vong hồn của ai? Ngài chợt nghĩ đến chuyện có thể nó đã rỉa xác những cận vệ tử nạn của mình chợt thấy ớn lạnh.

Ngài để ý kĩ, dưới cái bụng của nó đang lùm lùm như cái tay nải nặng. Như thế là nó đang mang thai? Ngài chỉ mới thấy một con mèo của mình mang thai. Một sự nặng nề, cáu kỉnh, dữ dội. Ngài chắp tay, dù nó là cá, là hùm beo hay ma quái nhưng khi nó mang thai là lúc thiện tâm nhất. Dù tàn ác đến đâu nhưng kẻ mang thai cũng thiện tâm.

Cuối cùng, ngài đã đưa được con cá xuống nước bằng cách lót một lớp lá khô quanh mình nó và cẩn thẩn thả nó xuống mép sông. Suốt quãng đường ngắn đó, nó không quẫy đạp hay làm khó cho ngài. Ngài tin là nó hiểu được ý định  tốt đẹp.

Nhưng lần thứ hai, ngài thật sự khó hiểu.

Con cá lại quăng mình lên nằm ngang đường ngài đi. Có phải là con cá ban nãy không nhỉ? Nó thật sướng, cứ bơi nhàn nhã như thế trong khi ngài thì phải dò dẫm từng bước? Ngài nhận ra nó quen lắm, cái miệng vẫn đớp đớp

-Sao lại cứ bơi theo ta thế nhỉ? Người đang cần gì? -ngài hỏi nó.

Nhưng mà thực ra ta đang đi đâu? Chính ngài cũng không rõ. Sông cứ trôi, cỏ cây thưa dần, đến cái lá to để bọc con cá chép lớn kia ngài cũng không tìm được. Bất giác, ngài cúi xuống, thấy một vạt áo của mình đá rách. Giờ ngài mới để ý, áo mình rách từ bao giờ. Kể ra, nếu nó không rách như thế cũng thật khó hoà với cảnh vật tiêu điều thế này. Ngài bọc con cá bằng tà áo xơ xác, thả nó xuống dòng sông cũng dang xác xơ hắt thứ ánh sáng còn rớt lại của một ngày thường.

Đêm ấy, ngài đã mài cành khô để tạo ra lửa. Bài học mà vị võ sư lén lún dạy ngài. Thực ra, ở cái vương quốc tự xưng chưa được bao lâu thì đã bị đánh dẹp của cha ngài không có chức thiếu bảo để dạy dỗ một vị thái tử. Họ chỉ gồm hai kẻ, một nho sĩ thất thế lên miền ngược buôn bán, gặp thời đem ít chữ nghĩa ra cầu vinh. Một gã lang bạt kì hồ có ít võ nghệ bí truyền trổ tài được vua cha tin dùng. Nhưng giờ ngài phải cảm ơn họ, nhờ những mưu mẹo, thủ thuật mà họ tích góp được mà ngài có thể nhóm lên một đống lửa. Việc làm đó với thường dân thì quả là đơn giản nhưng ngài chẳng kém gì chuyện khôi phục lại giang san là mấy. Chưa bao giờ ngài được ngồi gần lừa như thế này. Nó ấm và hiền lành chứ không như lời căn dặn của đám người hầu rằng lửa có thể làm phản thiêu rụi cả cơ nghiệp. Bậc cao quý thì không được liều lĩnh, hẳn thế. Giờ với ngại mọi liều lĩnh đều thú vị.

Ngài bắt đầu tự cười, cười trước ngọn lửa của mình cho đến khi con cá chép bụng chửa lại oằn mình nằm vật ra và thở bên cạnh chỗ ngài ngồi. Đức vua nhìn nó, nhưng lần này bằng một ánh mắt khác. Ta còn quản được ai đâu mà người cứ theo ta đến tận bây giờ? Con cá cũng không còn ánh mắt và cái miệng dữ đằn như lần đầu gặp ngài. Nó cũng không còn ánh mắt biết ơn như lần thứ hai được ngài thả xuống sông mà giờ nó đã quá mệt mỏi. Nó thở yếu ớt. Ngài thì đang nghĩ: cá nên sinh con ở dưới nước hay trên bờ? Loài thuỷ tộc vốn dĩ ở nước nhưng khi sinh hạ sự đau đớn khiến chúng mu muội mà sinh ra ý nghĩa quái lạ. Trăng tàn, những tiếng chim rừng vọng từ núi xuống lạnh lùng. Bỗng con cá chép tự vật mình lăn xuống mép sông. Ngài cầm một thanh củi cháy rừng rực soi xuống dòng nước, dòng nước im bặt. Ngươi đã về với thế giới của ngươi chưa? Sao con người lại đến với lửa để đơn độc còn đồng loại trong bóng tối thì đông vui, bình an. Luật của bóng tối, ngài tin vào điều đó.

Đem mảng rêu bám vào thân cá nướng lên trên đá, ngài đã thấy ấm bụng và vượt qua cơn đói. Nó hơi có vị tanh nhưng khi thấm vào lưỡi thì bắt đầu thấy ngọt mát.

Ngài cũng không thể ngờ chỉ với một nhúm rêu ngài cất vào túi áo và khi mang về đồng bằng lại được giá thế. Một lão thày lang phán rằng: chỉ có thể là thứ rêu mọc ở khúc sông nước chảy lặng, ít thuyền bè, có những con cá sống lâu năm và tiết ra thứ chất nhờn độc đáo mỗi khi sắp sinh hạ đàn con. Nhưng khúc sông ấy ở đâu? Không ai biết, ngài không bao giờ nói ra điều bí mật ấy.

**

Sinh ra ở một cái ngõ nhỏ trong kinh thành, hắn láng máng nghe chuyện thế sự như gió thông phong vẫn thổi qua ngõ. Gạch đỏ và chắc đanh cùng mật mía, mùi ẩm mốc, bóng tối và những mùi người phả vào hồn hắn từ lúc còn là một cậu bé. Hắn lớn lên học được những cái nghề tỉ mân và lặt vặt trong ngõ. Quanh năm suốt tháng như một đứa trẻ bị cớm nắng. Đêm đêm, cha hắn thường bật que đóm lên tìm một thứ gì đó nhưng không phải tiền bạc, châu báu. Nó là một thứ gì rất bé trong cái hộp gỗ tạp-pí-lù toàn những thứ mà ông nhặt nhạnh được từ trước đến nay. Đêm nào cũng như đêm nào, cần mẫm và bí ẩn. Ban đầu hắn nghĩ với cái nghề sửa đồng hồ thì đó là một cái tật. Một ngày, khi ông đã yếu lắm, ông mới chịu nói với hắn về một bí mật. Hắn nghĩ bụng, hãy thử một phen. Thật giả biết đâu với đâu.

Hoá ra, thời đại này đã khác. Một vầng mặt trời gay gắt chiếu vào mắt kẻ cớm nắng. Hắn bước ra khỏi con ngõ và đi phăng phăng trên đường. Thời bây giờ là thời súng đạn, không còn những cuộc tranh đoạt cát cứ của những chúa đất với gươm dáo, cờ quạt. Một xã hội lấp lánh kim tiền từ thứ trang sức mà quý bà ngồi trên chiếc xe kéo cho đến tiếng cười của những gã lái buôn đang vênh vang tẩu thuốc trên xe ngựa. Cha hắn đã phải đợi suốt một đời trong ngõ nhỏ để làm gì? Để phục phục dựng lại ngôi vị chủ đất và cái uy quyền nhỏ với nhúm dân vu vơ chăng? Vì sao tiền nhân lại xưng hùng xưng bá để rồi đến đời cha hắn phải lẩn quẩn ở thị thành. Đời hắn không phải đi để trả lời câu hỏi đó. Hắn phải kiếm thật nhiều tiền để tiêu cho đời hắn, tiêu đến khi nào nữa thì hắn không biết. Đi.

Thương lái bắt đầu tìm đến bên sông này để mua thứ rong rêu quý hiếm. Ban đầu lóc cóc vài chiếc xe ngựa, sau thì từng đoàn ngựa thồ nườm nượp. Dân thị thành bắt đầu quen miệng với thứ ẩm thực lạ lẫm hoang dã mà hắn cung cấp. Nghe nói, có lão thày lang còn mạnh miệng phán là loại rêu này chữa được hiếm muộn ở đàn bà. Thế là những bè mảng tới tấp trên mặt sông. Người ta dựng lán, lều khắp vùng như một khu phố sầm uất. Đám nhà giàu thấp thỏm đợi tin hàng.

Ngồi trên chiếc ghế dát vàng khảm ngọc, hắn ngạo nghễ với chiếc tẩu và mùi thuốc mùi thuốc Captain Black thơm phức. Không có đao, búa, không người hộ vệ. Hắn không lo mất của vì tiền của hắn cất ở nhà băng tận dưới phố thị còn ở đây chỉ cần những cái phẩy tay thì từ thịt thú rừng đến con gái mới dậy thì đều sẵn.

Nhưng có một điều, hắn tối kị và cấm đám gia nhân và khách không được săn bắt cá. Một đêm, đang say giấc ngủ bỗng hắn bị đánh thức bởi tiếng động gì đó ngay bên cạnh. Hắn chẳng mấy bận tâm, lại chìm vào giác ngủ. Trong giấc nồng, hắn mơ thấy có một người con gái nằm ườn bên cạnh, da dẻ ướt sũng. Hắn đã ngầy ngà với da thịt đàn bà ở xứ này. Nhưng đứa con gái này lạ nỗi cứ nhăn nhó, dáng người èo uột như một con run đất mời ngoi lên sau mưa. Đứa con gái mấy lần áp vào, hắn đẩy ra. Sau cùng, khi đã quá bực bội, hắn túm lấy cái eo thon và ném vào đi, miệng hét. Đứa nào thịt nó đi…

Hắn tỉnh giấc bởi mùi thơm nức mũi từ phía bếp. Một cái mặt ló vào:

-Con mời ông xơi cháo cá.

Hắn bật dậy, bừng tỉnh:

-Cháo gì?

-Thưa, cháo cá, con nấu theo kiểu nhà quê ngon lắm ạ

-Cá ở đâu?

-Thưa, ông ngủ mà vẫn bắt được con cá đẻ…

Hắn đã lén lút giết cái đứa con gái mới đến làm bếp mặt còn non búng như một cách tế thần sông nhưng hoạ vẫn ập đến. Rêu bỗng nhạt như nước ốc, mọc rệu rã vật vờ. Những đoàn xe rút dần, cả vùng lại vắng lặng như chưa từng xảy ra chuyện gì. Núi tiền bạc như cát đổ xụp dưới chân hắn. Lần này, vị “vua”không bình thản đi dọc sông như cha nữa mà lặng lẽ ngồi thụp xuống. Hắn cứ ngồi thế như để cái bóng mình tan chảy, mục ra rồi hoà vào đất. Cỏ lại lên xanh và sông vẫn chảy…

Khánh đã xây một căn nhà nhỏ và trồng hoa. Những bông hoa nở cặm cụi trên lớp đất đen được cô túc tắc gùi về từ cái ụ như dáng một người ngồi câu cá. Người ta đi qua đây đều đồn đoán: hoặc cô là con của gã khùng kia bị “rơi vãi” trong những lần quan hệ với đám phụ nữ trong vùng. Hoặc cô là một người nghe lỏm được bí mật về thứ rêu quý hiếm trong chuyện người ta từng truyền tai nhau. Có người nói cô đã có một đời chồng, người lại bảo cô vẫn còn con gái… Chỉ có dòng sông vẫn lặng lẽ chảy hiền hoà như thể hiện thân của muôn kiếp đồng trinh thanh bạch.

Bùi Việt Phương

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 68 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 12 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 11 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 3 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 88 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 6 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 14 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 18 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 67 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 14 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 141 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 458 lượt xem