Mùa rẫy khát

Thứ hai, ngày 13-03-2023, 11:06| 1.028 lượt xem

Đom đóm như mưa ở đâu ùa về lắm thế? Thằng Lựu đâu, Lựu, Lựu ơi! Cái thằng trời đánh, lại tếch đi đâu rồi, tí về mày khác biết tay tao; Lựu, Lựu ơi!

Ối giời, Sao lúc nào mẹ cũng gào inh om cả cái ngách núi này lên thế.

A! Thằng này giỏi, mày còn cãi à. Gà chưa lên cây ngủ mày đã tớn tác chạy đi đâu mất dạng giờ chưa cơm nước. 

Còn đứng đấy à? Ra bắt con lợn đen hai khoáy chạc chân nó vào cho tao. Hừ, mày chỉ giỏi đi chơi. Biết thế tao đẻ đứa con gái cho rồi.

 Vâng, Biết thế ha ha… thế mà lại đẻ con trai, cái này mẹ phải hỏi bố con nhá.

 Tiên sư mày, cấm được nhắc đến ông ấy. Tao cấm. Rồi bà im thít đi ra sau chái nhà.

Thằng Lựu chỉ lọt tai có đến đấy, nó vội ném lại sau lưng mấy câu; con biết rồi, rồi nghển cổ theo đàn đom đóm ra vườn lê. Lạ lắm, lần nào chúng kéo nhau về cũng tụ lại ở hai cây lê cuối vườn. Nơi có căn chòi xếp bằng lá cọ. Hắn thích nhất cảm giác nằm trong chòi lá thò cổ ra ngửa mặt lên trời. Như thế Lựu tha hồ ngắm đàn đom đóm lấp lánh như sao chen giữa những bông lê trắng. Thi thoảng có cơn gió đưa lại những làn mây mỏng tang như sương khói lùa vào, một khung cảnh tuyệt đẹp chẳng khác nào cảnh tiên trong tranh vẽ.

 

Mẹ Lựu thì khác, từ khi lớn lên hình như Lựu chưa bao giờ thấy mẹ cười. Tuy rất thương Lựu nhưng hễ cứ mở miệng toàn nói những lời cay đắng. Cả ngày bà không cáu gắt chửi bới vài câu nghe chừng không chịu nổi, cứ như thể bà sinh ra để cáu giận với cuộc đời này. Trớ trêu thay người phải hứng chịu là chính cậu con trai khôi ngô, không kém phần hoạt ngôn bốp chát luôn đối chấp bà. 

Cả cái bản này đã quen với cảnh tuồng chèo của hai mẹ con.  Sáng nào bà cũng như cái loa phóng thanh của khu này khi gọi thằng Lựu. 

Lựu ơi, mày có dậy đi  không, nắng nó xiên vào người mày mà còn không biết dậy à, cái thằng mất nết, ngủ gì ngủ lắm. 

Cứ thế lâu lâu bà lại gào lên. Phải đến bận thứ hai thứ ba mới nghe thấy tiếng thằng Lựu. Con dậy đây. Gớm, sao mẹ khỏe gào thế. Cuộc đối chấp không có hồi kết, ngày này qua ngày khác, cả khi trên nương trồng bắp hay khi phát rẫy trồng lê. Tiếng Lựu ơi, Lựu à, mày thế này mày thế kia cứ lai rai mãi. Có người góp ý; nó lớn rồi be bé cái mồm chứ kẻo chả có đứa nào nó dám về làm dâu nhà bà. Không chừng thằng Lựu lại không lấy được vợ. Mỗi lần như thế bà lại im bặt, bà sợ nó không lấy được vợ thật. Nhưng tính bà vậy chỉ nhịn được một hôm thôi, qua hôm sau lại đâu vào đấy. 

Như thường lệ, cứ vào tháng áp tết, những bông lê sớm bắt đầu nở. Hồng Thái cũng bắt đầu bước vào ngày đông tháng giá. 

Nhà Lựu cũng như bao nhà dân ở nơi đây bắt đầu dọn cỏ, làm sạch vườn để chuẩn bị đón du khách tới thăm quan vườn lê. Mẹ của Lựu là bà Si. Trước kia từng là một cô gái Dao Tiền xinh đẹp khéo léo nhất bản. Bao nhiêu trai tráng đi vẹt con dốc nhà bà, cuối cùng chiếc khăn thêu quàng cổ lại được trao cho một người trai xứ lạ. 

Năm ấy cô Si mới có mười tám đôi mươi, chạc tuổi thằng Lựu bây giờ.  Xã Hồng Thái lúc đó còn hoang sơ lắm. Đồng bào dân tộc Dao quần tụ ở đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi trồng trọt thủ công. Lợn, gà, rượu ngô, lúa nương và chè. Mỗi phiên chợ lại gùi xuống Na Hang đổi lấy những vật dụng khác. Người dân miền xuôi đặc biệt thích đồ của bà con mang xuống. Những chú lợn đen tròn mũm mĩm chỉ biết ăn rau ăn cỏ, hay ngất ngây của hương chè shan tuyết vùng lạnh, cả vị lâng lâng của rượu ngô men lá, một bát ấm đến tận tim, lại nữa cứ say rồi tỉnh lại say.  Si xuống chợ như bao ngày, bán xong chè rồi mua thêm ít chỉ màu về thêu cái khăn còn dang dở, con gái Dao phải giỏi thêu thùa may vá.

Phiên chợ có gã trai mê chén nước chè xanh biếc. Hương thơm cứ theo gió mà đưa. Uống xong rồi, cầm túi chè trên tay mà hồn gã lại mềm theo cái bắp chân ngược núi. Gã cứ lẳng lặng đi theo Si như sợi tơ vô hình kéo hắn. Si dừng hắn dừng, Si đi hắn đi. Đến khi căn nhà hiện ngay trước mặt cách một con dốc ngắn. Gã dừng lại nhìn theo Si khuất sau cánh cửa mới thôi. 

Sau này người ta đồn đại thằng Lựu là con của gã trai đó. 

Lại mất nước, đêm qua chắc lũ nai tác làm chệch ống nước lần rồi. 

Bà Si cầm con dao, chặt đoạn nứa ngộ ngược cái đát bắt lại mạch nước ngầm cho chảy về sau chái nhà. Thứ nước trời ban từ lòng đất không mất tiền mua chảy quanh năm trong vắt mát lịm. Vừa đặt lại ống nứa bà vừa lầm rầm quở cái con lợn hay nai rừng đi ăn đêm xéo qua làm chệch của bà: tiên sư, không có lối nào đi nữa hay sao mà cứ quàng sang lối này thế không biết. Im im được một lúc thì tiếng bà Si lại í ới: Lựu ơi, mày cứu mẹ, cứu mẹ với. Cha bố cái tổ ong kéo nhau về làm tổ ở đây khi nào, á dù ôi… buốt quá. Thằng Lựu nghe xong cười nhăn nhở múc nhanh chén nước măng chua chạy tới, khéo léo nặn mấy cái nọc ong như gai đen xì còn cắm xung quanh mặt bà Si ra, rồi quệt nước măng chua liên tục vào. Vừa quệt nó vừa lẩm bẩm xuýt xoa; cái bọn ong bò vẽ này hay thật đấy, biết đốt vào đúng cái a lô hay phát loa to của mẹ ta, thế này mai ai gọi ta dậy chứ. Bà Si đau nhưng nghe thằng con mất nết rủ rỉ thì điên tiết cốc cho nó mấy cái, đau quá nó bỏ bát măng chạy ra cửa nói vọng vào; mẹ mà ko bôi tiếp đi mai nó sưng tấy lên lại không chửi con được đâu. Tiên sư, tao mà tóm được mày chết với tao.

Cái nước măng chua trị ong đốt của đồng bào vùng cao thật tốt, chỉ năm, mười phút sau là hết đau nhức và dịu dần. Tưởng thằng con nhân cơ hội trốn đi như mọi khi nhưng một lát lại thấy nó về, mang xâu thịt băm băm thái thái. Cứ cãi chem chẻm nhưng việc nào vẫn vào việc đấy. Nó hay cãi lại nhưng nó thương bà Si có tiếng. Thi thoảng vẫn được bà con mang ra làm gương dạy con cháu mình. Có lần bà ốm nặng, Lựu đun nước lá tắm rửa cho bà. Trong lúc kì cọ cho mẹ nó hàng xóm vẫn nghe tiếng chửi. Tiên sư cái thằng, tao đã bảo không cần tao khỏi rồi tự tắm. hừ, Mẹ ngồi im đi, ốm mà khỏe chửi thế, đi còn chả đi nổi mà không ốm cái mồm nhể. 

Miệng nói cứ nói, tay làm cứ làm. Xong xuôi bà lại ngủ một giấc ngon lành cho tới khi khỏi. 

Mấy hôm nay bà Si không thấy thằng Lựu cãi lại bà nữa. Bà nói gì nó cũng kệ. Chỉ lẳng lặng ra dọn vườn lê. Những cành lê đã trổ búp lá xanh. Hoa rụng trắng gốc cũng là lúc hết mùa thu hoạch từ nguồn khách dưới xuôi lên. Vườn lê nhà Lựu rộng nhất, đẹp nhất, nhiều du khách ngắm và chụp ảnh nhiều nhất. 

Rồi sau mỗi vụ lê nở cành lá lại tan tác gãy gục. Ai tới rồi mỗi khi ra về lại muốn hái, bẻ một cành mang xuống phố. Vì thế mà sau mùa du lịch vườn lê chẳng khác gì cô gái về nhà chồng sau một đêm tân hôn tan tác. 

Lựu phát tỉa lại vườn lê cho gọn gàng. Khi đến góc vườn chỗ chòi lá Lựu lại vào nằm mơ màng về một hình bóng. Bà Si lặng lẽ quan sát rồi lắc đầu, kinh nghiệm cho thấy; có lẽ vía của nó đã bị một cô gái ngắm hoa lê mang về miền xuôi rồi. Nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này ai muốn ở lại chứ. Cái thằng thật không biết nghe lời. Con đường từ xuôi lên tới bản cả mấy trăm ki lô mét, đường lại quanh co trập trùng. Nếu không có sự mê hoặc của hoa lê thì người ta sẽ chẳng bao giờ được nghe tên Hồng Thái ở đâu. 

Phận người nhỏ nhoi ở đây lẽ cứ bình yên như vốn có. Ngày bà Si phát rẫy canh tác đất trồng vườn lê đầu tiên gùi quả mang xuống chợ bán, thì sau này bà con cũng học theo.

Thớ đất khô cằn sỏi đá, quanh năm sương giá lại hợp với cây lê đến lạ. Mới đầu người ta chỉ tính lợi ích của việc thu hoạch quả, nhưng nhờ có bức ảnh check in của gã nhà thơ nào đó chụp vườn lê trắng muốt nơi núi rừng đăng lên facebook,  thế là năm ấy người ở đâu ùn ùn kéo về như hội để xem hoa lê. Mùa sau bà Si cùng dân bản bàn nhau trồng thêm nhiều vườn lê nữa, phát triển thành khu du lịch cho khách đến tham quan. Lợi nhuận thu được từ mỗi khách vào vườn lê nhân lên cũng rất khá, cũng nhờ đó mà sản vật của Hồng Thái bà con không phải gồng xuống phố huyện Na Hang nữa. Nguồn hàng như chè, rượu ngô men lá, lúa nương… đều được đặt trước khi sản xuất. 

Có tiền rồi người xây sửa nhà, người mua xe máy, ti vi. Bà Si cũng giục thằng Lựu mua lấy cái xe thi thoảng chở bà đi chợ và còn đi tán gái nữa. 

Rồi cũng đến ngày Lựu lấy vợ. Nhà vợ Lựu là người Mông ở bản bên tên là Mỷ. Lựu gặp Mỷ trong một lần cùng đi phát rẫy mà bén hơi nhau rồi cưới. 

Từ ngày nhà có thêm người bà Si không còn inh om Lựu ơi Lựu à như trước nữa. Nhìn đôi trẻ quấn quýt như đôi chim bà cũng vui cái bụng. 

Hồng Thái đang độ cuối hè, thời tiết ban ngày vẫn còn hanh nóng vì mấy tháng không có cơn mưa nào. Vạt rẫy được phát và đốt sạch sẽ, chỉ mong có nước ẩm đất để tra hạt lê. Thớ đất khô cằn bạc trắng chực những cơm mưa về tưới tắm. 

Bà Si tính trồng thêm vườn này nữa thì nghỉ, sơ sơ nhà bà có cả mấy mẫu lê rồi, đi mỏi chân chưa hết. Mải thăm hết vườn này qua vườn khác trời sập tối lúc nào không hay. Bà đi về gần nhà thì gặp đàn đom đóm xà xuống. Đã lâu rồi không thấy. Thường thì vào mua hoa lê chúng mới bay về giờ cây lê đang thì rụng lá, sao chúng lại về nhỉ?. Bà tò mò đi theo thì vẫn lối cũ cuối vườn chỗ chòi lá cọ có hai cây lê to nhiều tán nhất. Lần đầu tiên bà đến chòi lá chỗ mà thằng Lựu hay trốn bà ra đây hóng mát. Bà ngồi xuống hòn đá chỗ Lựu kê để bước lên chòi, ngồi quan sát chuyển động của đàn đom đóm. Chúng giăng khắp từ gốc cây cho tới ngọn lập lòe nhấp nháy. Gió mát thật, những chiếc lá chỉ chờ có tác động nhẹ là rơi, cảnh vật đều rất tình khiến bà nhớ tới cái xe bán chỉ thêu ở chợ huyện, phiên chợ nào đi qua cũng được nghe bài "mùa thu lá bay" buồn thê thảm. Giờ thì bà thấy lá bay ở lưng núi rồi, ở ngay cái chòi nhà bà. Khi thằng Lựu còn đỏ hỏn ông ấy; bố thằng Lựu đã làm để trú tạm sau những ngày năn nỉ bà không cho nhận con. Ông chỉ dám quan sát nó từ xa. 

Kể ra thì chuyện tình của ông bà cũng ngang trái không kém trong tiểu thuyết. Ngày ông chót mê chén chè của bà ở phiên chợ huyện mà theo chân về tận bản. Mỗi phiên chợ người ta lại thấy ông như cái bóng lẽo đẽo sau bà, khoảng cách không gần không quá xa nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy họ nói chuyện bao giờ. Bố mẹ bà Si lúc đó ngắm đc cho con gái đám cỗ rồi, đàng trai họ cũng dậm dịch giục cưới. Bà Si không tỏ ý phản đối nhưng mỗi phiên chợ trống ngực lại đập liên hồi. Gần ngày cưới rồi bà cần mua sắm thêm đồ đạc trước khi về nhà chồng. Lần chợ này gã trai kia vẫn mua chè và vẫn theo bà Si về bản. Má bà cứ như quả hồng chín mặc thời tiết lạnh cắt da cắt thịt. Con dốc hôm nay nặng nề và xa quá. Bà dừng lại lôi trong túi ra chiếc khăn đã thêu xong mấy phiên chợ trước buộc vào cây chàm tượng cạnh đường đi. Chiếc khăn màu trắng thêu tỉ mỉ từng hoa văn của người Dao thật khéo léo. Gã trai khi gỡ chiếc khăn thì không đi tiếp nữa. 

Bà Si chuẩn bị cho ngày cưới mà lòng buồn mênh mang đến lạ. Bà chợt nghĩ giá như không có đám cưới có phải tốt không. Rõ ràng điều giá như là không thể khi nhà trai đã đến ngõ rồi. Mẹ giục bà thay bộ xiêm áo của người Dao cho ngày cưới đẹp nhất. Chú rể đi mời rượu nhà gái để mai được đón cô dâu về. Thế là còn có một đêm Si trút bỏ lại mọi thứ của đời con gái để theo chồng. Chồng của Si uống say rồi vẫn còn lai rai bên mâm đám trai bản. Cô tha thẩn bên gốc cam nhớ nhung về một hình bóng khác. Bỗng nhiên hình bóng đó xuất hiện, gã kéo cô đi. Chẳng hiểu sao bàn tay Si lại ngoan ngoãn nằm trong lòng tay gã mà chạy. Họ ngược núi trong đêm tối. Đi khá xa đủ an toàn hai người ngồi vật xuống phiến đá nằm thở. Tay vẫn trong tay chỉ có nhịp tim là đập loạn. Không loạn sao được, một kẻ cướp dâu còn một kẻ thì chạy trốn vì yêu. Họ đã làm thế, đã có những ngày đắm say nhất. Cùng ăn hoa quả,  thịt thú rừng và uống nước đát đầu nguồn. Khi mọi rắc rối được lắng xuống họ mới tìm đường về nhà. Cha mẹ vì xấu hổ với nhà trai mà quyết từ mặt con gái. Hai kẻ yêu nhau chỉ còn cách gồng gánh nhau qua khoảng đất khác dựng tạm căn nhà để ở. Gã trai miền xuôi cùng bà Si phát rẫy rồi lấy giống lê gã mang từ Hà Giang về gieo trồng. 

Thấm thoắt mấy tháng trôi qua, một hôm người ta thấy một người phụ nữ miền xuôi tìm tới. Họ nói chuyện gì đó rất lâu, cả ba người. Sau đó bà Si ném đồ đạc quần áo đuổi gã đi. Ngày bà sinh thằng Lựu vẫn thấy gã đến vài lần và lần nào cũng bị đuổi. Nghe đâu vì gã có vợ, vợ gã làm ăn bên Trung Quốc. Gã ở nhà buôn bán  và phải lòng bà Si mà ngược núi không về. Khi vợ gã trở về biết tin tìm tới tận nơi cho rõ trắng đen thì bà Si mới vỡ lẽ  không chấp nhận được nên bà đuổi gã ra khỏi nhà. Hận đời hay hận gã mà bà trở nên lắm điều. Nhiều khi bà đánh hay chửi thằng Lựu vì tội mải chơi xong bà lại ngồi khóc một mình. Bao nhiêu cái rẫy được phát bao nhiêu vườn lê được trồng đều là những năm tháng bà cố muốn quên đi người đàn ông có vợ mà bà không biết đã đem lòng yêu say đắm. Càng hận càng yêu. Càng không tha thứ lại càng khó quên. Nhiều lúc bà chẳng khác nào thớ đất khô ngửa trên rẫy chờ mưa. Như những bông lê ngậm sương đêm nhức núi, chỉ trực chờ nắng để bung nở một lần cho thỏa. 

Có tiếng thằng Lựu và cái Mỷ gọi xa xa. Bà đứng dựa lưng vào cây lê nghe tiếng lá rụng lao xao. Đàn đom đóm xà xuống vạt cỏ ba lá, vô tình hay hữu ý tạo thành hình vành trăng khuyết. Mắt bà nhòe đi, gió vẫn thổi  ù ù lẫn tiếng: mẹ ơi! Mẹ ơi…

Bên kia núi tiếng chim từ quy vọng về từng đợt, càng lúc càng da diết, như nỗi lòng của ai đó chơi vơi.

Trần Thị Nhung

Tin tức khác

Văn xuôi

Về lại Lũng Hoa

11-04-2024| 31 lượt xem

Quà tết

11-04-2024| 27 lượt xem

Hạt mùa sau

11-04-2024| 78 lượt xem

Người lính đặc công năm xưa

11-04-2024| 29 lượt xem

Làng Chanh sốt đất

11-04-2024| 24 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 65 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 430 lượt xem

Thơ

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 14 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 5 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 6 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 5 lượt xem

Chợ quê miếng thịt buộc dây

11-04-2024| 26 lượt xem