Trăn trở mùa cam

Thứ hai, ngày 20-03-2023, 09:58| 1.033 lượt xem

Ghi chép của Nguyễn Quốc Tấn

 

 

Mùa cam. Ảnh của Quang Minh

 

Dừng lại trước đèn đỏ giữa trung tâm phố huyện, chúng tôi bắt gặp mô hình quả cam - một biểu tượng cho sản phẩm cam sành Hàm Yên. Rẽ phải là con đường sang xã Tân Thành, một vùng cam trù phú nhất nhì của huyện, cái nắng nhẹ cuối đông ấm áp, mới 10 giờ mặt trời đã phủ đầy nắng xuống khắp nơi. Đã hẹn với nhau, tôi chạy xe qua cầu sang Tân Thành, đến nhà ông Thắng, bạn ngày xưa cùng học cấp ba năm 1970, hồi đó trường sơ tán dưới Thái Sơn thời chống Mỹ. Trong cổng là một căn hộ ba tầng rộng rãi thênh thang nằm giữa khu vườn. Tôi bấm chuông, vợ Thắng béo mập đi như chạy ra mở cổng, tôi giơ tay chào và bỏ chiếc khẩu trang ra.

- Ô… chào anh, tiếng reo của vợ ông Thắng.

- Mời anh vào nhà.

- Vâng. Dắt xe vào để ở góc sân tôi hỏi:

- Ông Thắng đâu rồi?

Vợ Thắng đáp: Nhà em đang dở tay, mời anh vào nhà.

Phòng khách rộng rãi, bộ ghế salon Đồng kỵ bằng gỗ lát sáng bóng, ngồi xuống ghế tôi thấy dễ chịu quá, vừa đi một chặng đường xa, bây giờ ngồi thư giãn trong căn phòng rộng, thoáng, sạch sẽ, tôi thầm nghĩ: Bây giờ sướng thật, tiện nghi phòng khách toàn đồ đắt tiền, thời bao cấp có mơ cũng khó.

Trên gác Thắng đi xuống, thấy tôi Thắng vui vẻ giơ tay.

- Chào ông!

Tôi đứng lên bắt tay Thắng nói luôn: Lâu lắm rồi chúng ta lại được gặp nhau.

- Ông đi có mệt không?

Tôi cười bảo: Đường bây giờ ngon rồi, cứ rong ruổi đi, mà xe đi chứ chân có phải bước đâu mà mệt.

Thắng cười, với tuổi gần “thất thập”, hàm răng Thắng vẫn còn đều tăm tắp như hồi học phổ thông. Vẫn tác phong ngày xưa, chúng tôi nói chuyện như ngày đang học, chỉ có điều cách xưng hô “tôi - ông” chứ không như trước. Nhấp ngụm nước trà Shan tuyết Hồng Thái của Na Hang nổi tiếng, hương trà thơm dịu toả ra thân thiện, gần gũi quá. Tôi hỏi Thắng:

- Nghỉ hưu đến giờ sức khoẻ ông thế nào?

Thắng cười, chậm rãi: Vẫn bình thường, chỉ có đôi tai kém quá, nhiều lúc làm mệt tai càng ù đặc.

Ngày trước Thắng ở đơn vị cối 82, Mặt trận Vị Xuyên với dáng người hơi cao, to khoẻ, Thắng tâm sự: Hồi ở bộ đội, lúc di chuyển đội hình trên đường đồi núi, tôi đảm nhận bệ cối 82 trên lưng đi nhẹ như không.

Nói chuyện với nhau một hồi, tôi hỏi Thắng:

- Cam dạo này thu hoạch thế nào?

Thắng cười, rót thêm nước vào chén cho tôi, rồi xoay xoay lại cái “tai nghe”, Thắng bộc bạch: Cũng tạm ông ạ, tất nhiên không bằng những vụ trước, cây cam càng có tuổi thì năng suất cũng kém đi và nhiều bệnh tật. Nhấp ngụm nước Thắng kể tiếp: Nói đến người trồng cam thì rất ít người hiểu được nỗi gian truân của nhà vườn, có lúc tôi cũng muốn bỏ vườn lắm. Nhưng bỏ thì bao công sức mình đầu tư vào đấy đổ xuống sông hết sao?. Nhớ ngày nào làm rẫy để trồng, tôi chỉ nghĩ mình chỉ trồng 100 - 200 gốc thôi, nếu bỏ vườn thì bây giờ phải làm gì? Làm lại từ đầu ư? Suy nghĩ sao phải tìm cho mình một hướng đi đúng mới ổn ông ạ. Nghĩ đến bà con dân tộc thiểu số nói khi đào hố trồng cam là phải cúng thần núi rừng đấy, cúng thì làm mới được ăn. Nghĩ bà con dân tộc thiểu số nói thế mà tôi cũng bị tác động tâm lí.

Trong lúc khó khăn thì huyện ủy, ủy ban và phòng nông nghiệp huyện mời những nhà vườn và “Hội người trồng cây ăn quả” sang huyện tham gia lớp tập huấn với chủ đề “Trồng cây ăn quả với định hướng mới”.

Thắng nói: - Tôi phải đi nghe xem sao và bảo thằng Kiên con cả cùng đi, chứ mình tôi đi nghe câu được câu chăng thì không ổn, thế là cả hai bố con cùng đi.

Đang nó chuyện thì vợ ông Thắng từ phòng bếp bước ra:

- Em mời bác và nhà em vào ăn cơm.

Chúng tôi vào gian bếp, nói là bếp nhưng thực ra là một phòng ăn khang trang, sạch sẽ, rộng rãi với bộ bàn ghế bằng gỗ sấy công nghiệp đẹp và chắc chắn, bếp gọn gàng, ngăn nắp những thiết bị đắt tiền được sắp xếp tiện lợi cho người nội trợ, Thắng rót rượu ngâm với thảo dược và nói: Chúng ta phần uống loại này, có tuổi lại thỉnh thoảng phải vào vườn leo đồi nên đây là loại rượu chống hụt hơi ông ạ. Chúng tôi cùng nâng cốc, rượu màu cánh gián thơm dịu, tôi nhấp ngụm nhỏ để chất tinh túy của đất trời đang hòa tan trong rượu cứ ngấm dần trong miệng. Ngon thật, một cảm giác trào dâng khó tả, hương vị thuốc bắc xen lẫn thuốc nam cứ tan dần khắp cơ thể.

Thắng lấy thức ăn cho tôi rồi nói:

- Ông ăn mạnh đi, ngày trước ăn sắn khoai nhiều, bây giờ bữa ăn thế này là bình thường với hầu hết bác gia đình. Tôi quay sang hỏi vợ Thắng:

- Làm vườn thì cô vất lắm nhỉ ?

Vợ Thắng cười nói: Công việc của em thì chỉ bận nhất là lúc thu hoạch cam thôi, thu hoạch xong rồi thì bón thúc cho cây cũng không cần phải nhanh mà chỉ cần đều tay là được nhưng cũng phải thuê nhờ đông người làm thì lứa sau cam ra quả đều cả lứa và đều từng vạt đồi nữa. Qua vợ chồng Thắng tôi mới hiểu thêm được cách thâm canh cây cam không giống như tôi nghĩ. Xoay lại chiếc tai nghe, Thắng nói:

Có những vụ cam khi thu hoạch và kiểm xong tiền thì mới thở phào vụ nào được thì mừng, vụ nào thất bát thì cũng phải làm cho xong để còn làm các bước tiếp theo. Đã làm cam thì không có thời gian nghỉ rõ rệt xới cỏ quanh gốc, bón phân, kiểm tra sâu bệnh…

Lúc muốn bỏ cam là lúc cam bị bệnh, đỏ lá, nấm, số cây chết khắp vườn, nghĩ đến số tiền đi vay ngân hàng là lo nhất, đầu óc quay cuồng. Nhưng tôi nghĩ trong chiến đấu trước cái sống và chết trong gang tấc mình còn không sợ, bây giờ chỉ là thử thách sao mình lại gục ngã?

Bây giờ đã có sự quan tâm của huyện ủy, ủy ban và phòng nông nghiệp huyện trực tiếp giúp đỡ động viên, như người gánh hộ đường xa, từ khâu kỹ thuật trồng, giống, chăm sóc và thu hoạch đều thực hiện đúng tiêu chuẩn VietGap. Sự quan tâm đó là động lực vô cùng lớn để thúc đấy sản xuất và nhà vườn quyết tâm gìn giữ thương hiệu tiêu chuẩn OCOP. Đường xá bây giờ được bê tông hóa, ô tô đến tận nơi dưới chân đồi, cam được hái xếp luôn vào sọt nhựa nên vận chuyển không bị dập om nữa.

Bây giờ xây dựng thành công thương hiệu “Cam sành Hàm Yên”. Cam hái đến đâu được mua hết đến đó, từng đoàn xe siêu trường siêu trọng nối đuôi nhau đi mọi ngả đường, những biển xe 51A, 61A vào thành phố Hồ Chí Minh, vượt qua cửa khẩu Mộc Bài sang đất bạn

Campuchia. Ông Thắng bộc bạch: - Cũng từ khi nhiều người làm cam thì đồng bào các dân tộc thiểu số cũng làm theo, diện tích và chất lượng cam ngày càng được nâng lên, cán bộ khuyến nông huyện xuống tận địa bàn để mở lớp tập huấn giúp cho những nhà vườn ở nơi xa có điều kiện phát triển vườn cam. Nhiều gia đình các dân tộc thiểu số đã trở thành triệu phú, tỷ phú như nhà ông Nông Văn Bình, ông Ma Văn Lệnh ở thôn Thuốc Thượng, cũng từ đó những vạt cam vàng óng về mùa đông cứ chạy dài, chạy mãi. Cầm trên tay chiếc ống nhòm của tiểu đoàn trưởng tặng cho ông Thắng, tôi đưa tầm mắt qua ống kính, những vạt rừng xa tít tắp, màu vàng óng của cam đang đung đưa trước gió, lúc này cam vẫn đang vào thời kỳ thu hoạch muộn, ngồi nghỉ lưng triền dốc, bổ những quả cam vàng mọng, vị ngọt mát và hương thơm đặc trưng của cam đọng lại và tan dần trong miệng.

Đứng nhìn rừng cam xa tít tắp mà lòng tôi xốn xang khó tả, đất rừng nay vẫn thế, nhưng được khơi dậy từ bàn tay, khối óc con người. Được sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chuyên môn chung tay vào cuộc, cuộc sống người dân được nâng lên tầm cao mới, trường học khang trang, tươi rói tại trung tâm xã, đường bê tông rộng rãi chạy đến tận từng bản xa xôi, hàng cột điện 35 KV cũng đua nhau chạy theo đường bê tông thoáng rộng. Bên cạnh trường học là Trạm y tế xã tọa lạc lưng đồi trông như nhà nghỉ dưỡng, phòng khám đã có bác sĩ trực tiếp khám và trực đêm. Cách đó vài trăm mét là UBND xã cũng tươi màu sơn mới với hai tầng khang trang, lá cờ trước tiền sảnh đang tung bay trong nắng chiều ấm áp.

Trở lại quê hương với một tâm trạng xốn xang, một lòng cảm phục ý chí vươn lên của bản làng hôm nay, trong đó có những người bạn cùng học, năm xưa từng xông pha trận mạc, nay đã trở thành những tỉ phú trong thời kỳ đổi mới. Niềm tự hào về quê hương, về những người lính trận năm xưa cứ trào dâng trong tôi, một niềm vui lâng lâng hiện hữu.

N.Q.T

 

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 102 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 445 lượt xem

Văn xuôi

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 22 lượt xem

Về lại Lũng Hoa

11-04-2024| 60 lượt xem

Quà tết

11-04-2024| 47 lượt xem

Hạt mùa sau

11-04-2024| 107 lượt xem

Người lính đặc công năm xưa

11-04-2024| 60 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 22 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 51 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 37 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 40 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 39 lượt xem