Sau ba mùa lê

Thứ hai, ngày 20-03-2023, 09:55| 986 lượt xem

***

Mùa hoa. Ảnh của Phi Khanh

 

Ông Chúc ở trần, người bản bảo ông chỉ mặc áo có nửa năm. Ông đang hì hục đào hố trồng cây ngoài vườn, tấm lưng chắc nịch, nhẫy mồ hôi, hằn sâu những vết sẹo. Chiếc tẩu cán dài đến nửa thước còn tỏa khói, gác trên cành lê. Con chó săn lòng xám nằm ép dưới gốc, mõm gếch lên hai chân trước.

Ông Chúc chăm chút “vườn lê để lại cho con cháu” như ông nói. Vốn là tay săn thú sát nhất vùng, ông mới học theo ông Triệu nhà bên cạnh, chịu khó làm vườn hai năm nay, bỏ hẳn việc săn cầy, bẫy chim. Con chó bông xổ lên “gục! gục!”, rồi vẫy đuôi lùi lại.                                      

- Ngày tốt, đem biếu ông cành lê đây.

Ông Triệu hai tay bưng cành lê chiết mập mạp, đi vào

- Quý hóa quá! - ông Chúc nói, - Tôi xin ông.

- Cây mới đặt, ông nhớ chăm luôn đấy. Tôi phải về chăn lợn đây.

Nói đoạn, ông Triệu mở cửa vườn bước ra.

Ông Chúc đặt cành lê ngay ngắn xuống lòng hố, lấp đất, vun vập, ngắm nghía mãi.

Ai từng đến Khau Tràng quê ông, đều không thể quên giống lê ngon nổi tiếng. Hằng năm, khi lất phất mưa xuân, lúc các cô gái mải miết thêu lên áo những đường chỉ màu sặc sỡ, khắp bản, hoa lê nở đầy, trắng muốt. Vào độ lê chín, trai gái thồ đi bán như trảy hội. Người ở dưới lên, cán bộ công tác qua, mua về làm quà từng rọ. Lê ở đây có hai loại: lê gié quả nhỏ, thơm ngon, lê mắc cọp dễ trồng, quả to nhưng kém ngọt. Chỉ một mình ông Triệu biết khéo ghép lê gié lên mắc cọp. Thành thử, ông ấy có giống lê mới quả to, vừa ngọt vừa thơm. “Thế mà hôm nay ông ta tự tay đem trồng hộ mình đây! Thật là cầu được ước thấy”. Ông Chúc lẩm bẩm. Ông vẫn đang mải mê với cành lê.

Có tiếng Mùi Sếnh, con gái út gọi. Nó vừa đi học về. Mùi Sếnh chạy đến vui vẻ kể:

- Có thư cho chị Mùi Chiều. Nắn thấy cồm cộm muốn xem quá, con bóc ra. Có ảnh thật, ảnh anh Phin. Bố cầm lấy này.

Ông Chúc “hừm” một tiếng. Không đọc thư, không xem ảnh, nghe Mùi Sếnh nói thế ông cũng đã biết hết sự tình: Phin - con trai ông Triệu có tình với Mùi Chiều, đứa con gái lớn nhà ông. Đi học y tá dưới huyện mới được một tháng nó đã có thư về cho nhau.

Những vết sẹo sâu hoắm trên người nhắc nhở rằng nếu không có ông Triệu cứu thì thú dữ đã cắn chết ông rồi. Lần ấy, ông Triệu và ông đi săn nhím, bất ngờ gặp con lợn rừng do phường săn khác bắn bị thương. Lúc con thú như điên lao sầm vào ông, ông Triệu từ đằng sau nhào tới, đâm nòng súng vào mõm nó bóp cò. Con lợn chưa chết. Một tay giữ súng, tay kia ông Triệu rút dao bổ  vào đầu con lợn. Nhờ thế ông mới kịp thoát ra, bắn thêm phát nữa, nó mới chết hẳn.

Cả nhà ông Triều quý Phin như hòn ngọc. Con ngựa trắng dành cho nó cưỡi có bộ yên đẹp do bà mẹ thêu thật công phu. Ông ta quý có một, nhưng không nuông.  Như việc ông nhất quyết cho Phin sang học cấp hai bên Trung Phìn - Đường ấy vừa rậm rạp vừa xa, người lớn còn không muốn đi một mình. Cùng hiếm con, hai nhà bụng ít khi nghĩ khác, bát thường đựng giống nhau.

Ông Chúc chỉ được hai mụn gái Mùi Chiều và Mùi Sếnh. Mùi Chiều là cô gái giỏi nhất bản. Nó biết trồng cây ngô bắp to, cây lúa nhiều hạt, thêu áo, dệt chăn nhiều gấp đôi con gái nhà khác. Ông đang muốn lấy rể đời cho nó... Tục của người Dao, con trai lấy vợ phải mất bạc trắng. Nếu đi ở rể đời lễ cưới do nhà gái lo, bên trai còn được thêm tiền. Nhưng ít ai ở rể đời. Người làm rể đời không được ở nhà với bố mẹ đẻ, phải bỏ họ mình lấy họ bên vợ. Con cháu mãi mãi theo họ ấy. Nhà gái nhận rể, vừa lấy người thờ cúng ông bà, giữ  họ nhà mình, vừa lấy người trông nom bố mẹ, cáng đáng gia đình. Thờ hương hỏa họ Chúc phải chọn mặt,  ông Chúc thường tâm niệm - kể như Phin không đâu hơn. Ngặt nỗi họ Triệu con một, đời nào ông ấy cho đi ở rể, đổi sang họ Chúc.

Thuở Phin với Mùi Chiều còn nhỏ như chim non vui đùa, nhảy nhót. Không ngờ lớn lên chúng nó phải lòng nhau thật. Ông vừa giận vừa thương con gái. Chúng nó có biết đâu hai đứa chỉ nên là anh em chứ không nên là vợ chồng.

Cành lê của ông Triệu với lá thư của Phin sao lại cùng đến? Hôm nay có phải ngày tốt?

Một đằng nặng tình với nhà họ Triệu, một đằng phải có người nối dõi họ Chúc, lấy chỗ nương tựa tuổi già của hai vợ chồng sinh con một bề, ông chỉ được chọn một. Tục lệ xưa nay của người Dao đều trọng việc, giữ họ. Ông không mường tượng đến ngày cành lê ra hoa kết quả. Trái lại nó đang làm rối trí ông. Cành lê này làm mất họ Chúc đây!

Hôm sau, trời chưa sáng rõ, ông Chúc đã thức dậy ông cuốc bật cành lê lên, đem sang nhà ông Triệu.

- Người anh em à! Giọng ông run run, vườn họ Chúc không trồng nổi giống lê ngon này đâu. Tôi đem trả đây.

Ông lật đật đặt cành lê xuống góc nhà. Mất hẳn vẻ mạnh bạo ngày thường, hôm nay ông tất bật, len lén muốn tránh mặt như người có lỗi.

Không để ông Triệu kịp nói gì, ông vội vàng ra về.

Vào mùa.  Sân nhà ông Triệu lúa gặt về gồi cao như bờ đá. Đám con trai đập lúa đổi công. Họ đang chuyện trò sôi nổi về đợt tuyển quân.

- Bản ta đợt này được mấy người?

- Cả Phin nữa là bốn.

- Phin đang học cũng đi à?

- Có chứ. Bộ đội không cần y tá sao?

- Phin giỏi thật, thế là lại đi trước cả mình!

-  Giỏi gì, - anh này thấp giọng, - Nó muốn lấy Mùi Chiều nhưng ông Chúc cần người ở rể. Nó đi khuất cho khỏi tiếc người con gái đẹp đấy thôi.

- Đâu phải. Thế còn ông bà Triệu, vùng cao trên ta, con một như Phin vào diện miễn hoãn. Những nhà thế, con xung phong, bố mẹ cũng phải ký vào giấy tình nguyện mới được đi!

- Ông bà Triệu đáng nêu gương rồi! Nhưng Phin…

- Chính cậu đang nhấp nhổm làm rể ông Chúc. Kỳ tuyển quân trước lần khân, Mùi Chiều còn chưa đưa ra thanh niên phê bình đấy. Đừng nói xấu người khác.

Ông Chúc ngồi làm nghe lọt cả. Phin nhập ngũ, bây giờ ông mới biết. Thế nào ông Triệu viết thư cho con chẳng kể chuyện mình trả cành lê.

Chỉ ngạc nhiên về ông Triệu. Thờ tổ, nối dõi, hệ trọng lắm. Cấp trên nhìn thấy hết, cho nhà hiếm con miễn hoãn. Nếu tuổi trẻ nó chưa nghĩ đến, làm cha mẹ, mình phải khuyên bảo. Đằng này ông ấy... thật lạ, không nói xa, hôm nay trúng cảm ông ấy phải nghỉ. Rồi mai đây tuổi già sức yếu, lúc trái gió trở trời ai đến thăm nom luôn được. Gì bằng cốt huyết ruột thịt. Để Phin ở nhà, nó lấy vợ, có con, ông bà già trông cháu. Tiếc trời không cho ông đứa con trai như thế!.

Buổi trưa, trước bữa ăn, ông Chúc bảo Mùi Sếnh đem nấm sang cho ông Triệu,  Mùi Chiều buột miệng nói:

- Tôi vừa đem rồi, người già ốm sơ thôi.

Nói xong mới  biết lỡ lời.

Ông Chúc trừng mắt. Tròng mắt ông vốn to. Ông là người nóng tính, dân làng nói: Hồi đi săn bị thương dùng nhiều mật gấu quá, máu càng phát hỏa.

Mùi Chiều tái mặt đứng thu mình sau cột.

Ông Chúc lặng im.

Đôi mắt ông đỏ lừ, có ngấm nước. Khác hẳn mọi khi, không tiện tay vớ thứ gì đập thứ ấy. Mãi đến lúc ăn cơm xong ông mới bảo Mùi Chiều một câu khô khốc:

- Từ nay việc gì bên ấy tao có bảo mới được làm!

Ông Chúc kém vui. Cổng nhà trước đây tối vào là đóng kỹ, bây giờ chỉ khép hờ.

Đám con trai biết ông Chúc không chọn Phin về đổi họ, không then cổng kỹ. Hồi này đám con trai kéo đến hát nhiều. Những đám hát này ở  Khau Tràng từ dạo Mùi Chiều dậy thì đã đông thêm bao nhiêu rồi.

Tối tối lúc Mùi Chiều muốn đi ngủ, con trai lục đục đến. Tiếng kèn gỗ lúc dào lên sôi nổi, lúc chìm đi sâu lắng: Lời ca khi bóng gió, khi sát sạt:

Tôi về làm rể nhà em

Thay sang họ nhà em...

Sao trên trời còn lấp lánh

Chỉ mình em lặng yên không cười nói.

Tiếng hát chẳng làm Mùi Chiều xúc động. Mùi Chiều chỉ mong mỏi tiếng hát của một người bây giờ không có ở nhà.

Mùi Chiều bồi hồi nhớ lại những năm trước...

Dạo Phin học lớp sáu, Mùi Chiều được bố cho theo sang Tring Phìn học cấp hai. Sáng sáng Phìn dậy sớm, qua thềm nhà Mùi Chiều, không gọi, Phin cầm thước kẻ vừa đi vừa xiết vào vách gỗ. Cái thước bật lên bật xuống kêu lách cách. Mùi Chiều nghe, sách túi chạy ra. Hôm nào Mùi Chiều ốm, Phin nghỉ luôn. Nhà Phin có việc, Mùi Chiều không đi học một mình, hai đứa quấn lấy nhau như hai ngọn mướp lên chung một giàn. Lớn lên đi làm ruộng, làm nương con mắt Phin ưa nhìn Mùi Chiều mãi, Mùi Chiều chỉ mủm mỉm cười.

Phin hỏi:

- Tôi làm nên gì cho Mùi Chiều cười?

- Ô sao Phin cứ lấy con mắt về chỗ tôi?...

Xa xôi thế này còn lấy con mắt về nữa không? Đừng lo Mùi Chiều ở nhà hát Páo dung với người khác nhé! Bố đang ngăn Mùi Chiều sang giúp người già bên ấy. Không sao, Mùi Chiều vẫn nhớ lời Phin hẹn: Nhất định ở chung một nhà: Phin đổi họ cũng được.

Về khuya, tiếng khèn thưa dần, các bạn gái hát đáp, lắng nghe mãi không thấy giọng Mùi Chiều.

*

Tháng Chạp, ruộng cao không cấy chiêm, bông đã thu đầy sàn. Nhà ông Triệu mái đã cũ, ngày mai hợp tác xã lợp lại giúp. Mùi Chiều lanh ý cho thanh niên chuyển tranh về sẵn từ chiều hôm trước. Để bố khỏi thấy, cô ra đổi lượm tranh.

Buổi mai, khi sương còn mù mịt, người đến làm giúp đã đông, cả bản kéo về đấy.

Mùi Chiều gom tranh cũ, cô chỉ lo bố sẽ rầy mình trước đám đông, thật ngượng chết. Nhưng Mùi Chiều có lý của mình: Nhà có người đi đánh giặc, có việc, cả bản phải giúp.

Tiếng cười nói, gõ đập râm ran.

- Chà, vui quá! - Có ai trên mái nói xuống - bao giờ cưới vợ anh Phin thì còn vui đến chừng nào! Này các cô, làm nhanh tay lên, ai khéo tay ông Triệu chọn làm dâu!

Ông Triệu có dâu rồi - Các cô đáp.

- Ai đấy?

Các cô nhìn nhau, ai cũng chỉ Mùi Chiều, nhưng ông Chúc ở đấy lên không dám. Đang vui, họ chỉ tràn.

- Cô chít khăn mới đấy.

Cô này bị bất ngờ, ngượng quá tung bó tranh thật mạnh lên mái

- Viết thư bảo tin cho chú rể đi, xin nghỉ phép về làm cưới. Tiếng cười rộ lên.

Mùi Chiều nhìn cô bạn, đôi má đỏ bừng, thoáng ghen.

Hôm ấy chính ông Chúc nghĩ ngợi nhiều, ông biết người ta đùa, biết cả những điều họ im lặng. Ông thấy rõ bây giờ nỗi lo không để mặc một người, niềm vui bản làng cùng chia sẻ. Nếu ông Triệu giữ Phin ở nhà, bà con cũng đến giúp nhưng làm gì được đông như vậy?

Song do chuyện ông kén rể nối dõi luẩn quẩn mãi, nó làm ông xa dần bà con. Ông biết mọi người chẳng ghét ông đâu. Cả Mùi Chiều nữa, nó đi làm giúp, chẳng đợi ông bảo.

*

Ba mùa lê qua đi.

Người trong bản chưa thấy Mùi Chiều cho ăn cỗ cưới

Ông Chúc muốn nhận lời con trai chủ nhiệm Khau Tràng.

- Mày đợi Phin không được đâu - ông bảo con gái - bây giờ Phin còn đi bộ đội. Nó có về, mày phải ở dâu nhà họ Triệu. Mày bỏ đói bố mẹ già sao?

- Tôi không lấy chồng, ở nhà nuôi bố mẹ thôi. Bà mẹ trả gà, trả rượu cho người ta đi, Mùi Chiều nói giọng tức tưởi.

Một lần, hai lần, ông Chúc biết mối tình của  Mùi Chiều với Phin không như hoa Pia trang nổi mặt sông dễ dàng trôi đi được. Ép quá, hỏng việc mất.

Một hôm, buổi tối, Mùi Sếnh sang chơi nhà ông Triệu về kể chuyện:

- Anh Phin viết thư về nói anh bị thương, mà không đau nhiều đâu.

Tin ấy ông Chúc không bỏ qua. Hèn nào mấy ngày nay Mùi Chiều kém ăn, ít nói. Ông Chúc tính rằng an dưỡng khỏe lên chắc chắn Phin sẽ về thăm nhà, dịp ấy thế nào ông Triệu cũng cưới vợ cho con. Mùi Chiều không còn đợi ai nữa, nhất định phải lấy chồng, có rể trong nhà, ông mới thật yên lòng.

Trưa hôm sau, ông Chúc ghé lại hỏi thăm ông Triệu. Ông Triệu cho biết tin Phin bị thương nhẹ đã khỏe và lại vào mặt trận rồi.

- Phin đi được ba năm rồi đấy nhỉ? ông Chúc thăm dò - giá được về phép... hay ông xin cho Phin phục viên...

- Có tin vậy là mừng. Bao giờ hết giặc hãy hay, nhà ông Đại bên khai hoang đấy, ba con đi bộ đội cả, mình đã thấm gì.

Câu chuyện làm cho ông Chúc thấy ba năm trước mình đã đoán sai bụng ông Triệu. Chính ông ấy khuyến khích Phin, thật bụng vui mừng cho con nhập ngũ.

Vừa ít nhiều thay đổi ý nghĩ về người bạn láng giềng, một việc nữa xảy đến làm đầu óc ông Chúc lại một phen xáo động.

Hôm ấy, buổi tiễn thanh niên tòng quân, ngay lúc mới vào, ông Chủ tịch hắng giọng:

- Tôi xin báo một tin mừng trước, rồi ông đọc trịnh trọng: “Bộ Tư lệnh... quyết định tặng thưởng bằng khen cho đồng chí Triệu Tạ Phin, tức Chúc Y Phin, quê quán: Bản Khau  Tràng...

Tiếng vỗ tay ầm ầm.

Nhưng người ta ngơ ngác hỏi nhau:

- Sao lại Chúc Y Phin nhỉ?

Nhiều người đưa mắt về phía ông Chúc.

Ông Chủ tịch nói tiếp, cởi mở:

- Thế là muốn làm rể ông Chúc đấy. Chúc hay Triệu cũng vẫn là Phin ở  Khau Tràng, các đồng chí tân binh theo gương anh Phin nhé!

Nghe họ tên ấy, ông Chúc như người ngái ngủ, bỗng đâu có giọt sương lọt vào cổ, siết dọc sống lưng. Nó làm ông rùng mình vì lạnh, nhưng ông cũng hoàn toàn tỉnh hẳn.

Bây giờ trời đã chuyển gió heo. Vườn lê nhà ông Triệu chín rộ. Ngày nghỉ, khác hẳn mọi lần, ông Chúc bảo Mùi Chiều sắm sửa quảy tấu sang trẩy lê giúp ông Triệu.

Lê năm nay được mùa, quả nào quả nấy đều chằn chặn, vàng nâu, nổi vú, lựng mùi thơm. Hai người bạn già vừa hái vừa trò chuyện. Lâu rồi mới lại có cảnh như thế, Ông Chúc cầm trong tay một trái lê lớn chìa ra nói:

 - Lê của ông quý lắm, nên nhân rộng mãi ra.

- Tôi có giữ một mình bao giờ! Cây vườn quý ở quả ngon, như con người quý ở phẩm cách thu vén lấy riêng mình khác nào giống lê dại.

Ông Chúc nhìn người nói, ngỡ ngàng. Bây giờ ông mới biết đến điều nghĩ phải, lo xa của ông Triệu. Ông ấy dạy con nên người tốt như hằng chăm sóc giống lê quý.

Đang đà chuyện, ông Chúc hỏi: Phin đổi họ từ bao giờ?

Sự thật Phin đã định chuyện ấy trước lúc nhập ngũ, nhưng ông Triệu nói sang ý khác:

- Tên họ để nhận anh em cho có phân biệt. Người ta phải làm rạng rỡ tổ tiên mới là biết giữ gìn tông họ, chứ đâu chỉ cần người thắp hương, khấn vái!

Lời ông Triệu gỡ bung nốt những băn khoăn trong đầu ông Chúc, Có một lối nghĩ khác rồi về chuyện nối dõi.

 Hai người đang đi đến một cây lê tơ, Ông Triệu chỉ tay vào đó nói:

- Năm nay nó bói mùa đầu mà quả

cũng sai.

Ông Chúc biết cây ấy ba mùa trước, tay ông đưa trả lại.

 Lê trẩy đã vãn, hai ông già vào nhà. Ông Triệu lấy tấm bằng khen của Phin đưa ông Chúc.

- Cháu dặn gửi sang bên ấy. Ông đừng nghĩ ngợi gì. Tôi thuận cho cháu đi làm rể, không lo giữ họ Triệu nhà tôi đâu.

- Trước đây, tôi có chỗ không phải, - ông Chúc cảm động nói: - Bây giờ tôi nghĩ lại rồi, hai nhà như một nhưng hãy để bằng khen bên này, bao giờ lo liệu chúng nó xong đã!

P.N

Phù Ninh

Tin tức khác

Văn xuôi

Gió đổi chiều

27-02-2024| 104 lượt xem

Lão Khịa

27-02-2024| 132 lượt xem

Còn nghe tiếng gà gáy

27-02-2024| 116 lượt xem

Người làng Nhom

27-02-2024| 103 lượt xem

Thơ

Về núi gặp mình

14-03-2024| 65 lượt xem

Nòng nọc đứt đuôi

14-03-2024| 69 lượt xem

Sự tích hoa hoang đường

14-03-2024| 75 lượt xem

Những người đàn ông ba hoa

06-03-2024| 48 lượt xem

Yên Sơn một vùng quê

29-02-2024| 66 lượt xem

Văn học nước ngoài

Đồ tể

20-11-2023| 362 lượt xem

Chuyện NGỤ NGÔN

20-03-2023| 1.187 lượt xem