Người lính đặc công năm xưa

Thứ năm, ngày 11-04-2024, 10:27| 86 lượt xem

Bút ký của Đinh Minh Sơn

 

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

Đúng là quá tam ba bận, lần này tôi mới gặp được anh, người thương binh đặc biệt và cũng là người đặc biệt nổi tiếng về sửa chữa, lắp đặt điện tử, điện lạnh. Đó là anh Đoàn Đức Chính, nhà anh nằm trên trục đường Quang Trung, tại tổ dân phố 14, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.

Tiếp tôi với nụ cười đôn hậu, cái bắt tay làm tôi cảm động, bàn tay trái chỉ còn lại ngón cái và ngón út. Cánh tay phải cụt gần đến khuỷu, vỗ nhẹ vào tôi thể hiện thân tình. Với giọng khàn của người bị khản tiếng, anh vồn vã:

- Vào nhà đi, ngồi uống nước. Thông cảm nhé, tôi vừa đi Đắk Lắk gặp đồng đội chiến đấu năm xưa. Thăm lại chiến trường xưa vui quá, nhưng về lại mất giọng mới buồn chứ.

Chị Nguyễn Thị Hòa vợ anh và cũng là người hộ lý chăm sóc cho anh, pha trà mời tôi uống, chị đã ngoài sáu mươi tuổi, có khuôn mặt phúc hậu nụ cười rạng rỡ. Tôi nói đùa:

- Chà, anh chị đẹp đôi quá, chắc quen nhau từ hồi học sinh phải không ạ?.

- Không phải đâu chú à, vợ chồng tôi mỗi người mỗi tỉnh khác nhau. Chỉ gặp nhau khi tôi làm điều dưỡng ở viện, chăm sóc cho thương binh, bệnh binh thôi. Rồi chị kể:

- Tôi đi bộ đội tháng 2/1975 ở Quân khu Việt Bắc và được điều động về khu điều dưỡng thương binh 5 Đoan Hùng, Phú Thọ. Được phân công phục vụ thương binh nặng. Chăm sóc thương binh rất vất vả và khó khăn, nhất là đối với thương binh nặng, vì chiến tranh mà họ đã phải bỏ lại một phần xương máu của mình tại chiến trường, không gì có thể bù đắp nổi, họ chịu đựng những cơn đau hành hạ, mặc cảm, tự ti với phần đời còn lại. Nhiều khi thay đổi cả tính nết dễ nổi cáu, chị là người hiền từ, hết lòng vì công việc, xong nhiều khi cũng phải khóc một mình. Còn đối với anh là thương binh nặng, cũng phải gánh chịu những mất mát, nhưng luôn động viên an ủi. Rồi tình yêu đến lúc nào không biết. Năm 1978 chúng tôi đã kết hôn ngay tại Trung tâm điều dưỡng thương binh, trong niềm hân hoan của đồng đội, của anh chị em trong khu điều dưỡng. Sau đó mãi tới năm 1990 mới đưa nhau về quê hương Tuyên Quang sinh sống. Cuộc sống lúc đó với bao khó khăn sợ thật. Nghĩ lại không tưởng tượng nổi.

Anh Chính tủm tỉm cười:

- Lại ôn nghèo kể khổ rồi, nhanh nhỉ gia đình mình được như ngày hôm nay, cũng là điều không tưởng. Ngày trước cũng chẳng dám mơ nữa là. Lúc đó cả xã hội chứ đâu riêng vợ chồng mình.

Tôi hỏi anh:

- Anh bị thương ở chiến trường nào?.

Với con mắt xa xăm, như quay vòng thời gian, trôi về miền ký ức, anh nói:

- Chuyện dài lắm chú ạ. Tôi đi bộ đội vào tháng 5/1972, lúc đó chiến tranh đang diễn ra hết sức khốc liệt, do có sức khỏe tốt lại nhanh nhẹn, tôi được đào tạo lính đặc công, rồi được điều động vào Buôn Mê Thuột. Tiểu đoàn độc lập trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, tham gia nhiều trận đánh. Anh kể cho tôi nghe những đêm hành quân, luồn sâu đánh giặc. Những trận chiến đấu ác liệt. Khi trở về mới biết mình còn sống. Những kỷ niệm về đồng đội, người còn, người mất. Thế mà đã mấy chục năm rồi đấy.

Cho tới ngày 10/3/1975, khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, tôi bị thương mất một cánh tay phải, tay trái chỉ còn lại ngón cái và ngón út. Trong người còn găm nhiều mảnh đạn, tưởng không còn sống. Cũng may sức khỏe tốt của tuổi trẻ nên tôi vượt qua được. Rồi được đưa ra miền Bắc điều trị và dưỡng thương, xác định là thương binh loại 1/4 đặc biệt đấy chú ạ.

Khi hai vợ chồng tôi lấy nhau, cả hai đều phải lăn lộn với cuộc sống, do yêu thích nghề kỹ thuật ngay từ ngày nhỏ, lúc còn ở trong khu điều dưỡng thương binh, tôi tự mày mò học nghề, sau đó tôi về Hà Nội học và đi sâu vào điện lạnh, máy kem, máy đá. Học thì không khó, nhưng khi làm mình chỉ còn hai ngón tay là rất khó khăn. Trong cái khó ló cái khôn chú ạ. Tôi tự tìm tòi chế tạo dụng cụ riêng cho mình, lát nữa tôi cho chú xem, bây giờ tôi viết cho chú xem nhé.

Tôi đưa cuốn sổ tay cho anh.

- Anh cứ ký và viết vào đây để em làm kỷ niệm.

Anh cười rồi lấy bút hý hoáy viết, chỉ còn ngón cái và ngón út, mà anh cầm bút rất thành thạo, ký và viết họ tên của anh vào cuốn sổ tay của tôi, nét chữ đẹp, chữ của thế hệ trước vừa đều lại vừa tròn.

- Đấy, chú thấy chưa?

Tôi cười rồi cũng cầm bút thử giống anh, xong cứ lóng ngóng mãi rơi cả bút mà không viết được.

- Cầm tay tôi anh nói: Chú xuống đây, anh cho chú xem đồ nghề của anh.

- Đây là máy hàn đồng, giúp dùng để ghép nối các ống đồng nhé, mỏ hàn nhiệt, kìm cắt v.v... Cái nào cũng nhỏ nhẹ hợp với tay của anh. Rồi anh giới thiệu với tôi:

- Đây là tủ lạnh, tivi của khách mang đến sửa, còn đây là mấy máy làm đá của gia đình tôi, đá thường mang đi giao cho các quán khắp thành phố này đấy. Nhiều khi khách ở xa gọi điện báo cần sửa chữa điện lạnh, lắp đặt máy có khi phải đi mấy ngày liền mới về. Rồi anh mở tủ đá lấy ra rất thành thạo, chỉ hai ngón tay và cẳng tay bên phải, anh lấy ra khay đá to như gạch xỉ và hào hứng kể: Trước kia tôi đã lắp đặt hai máy kem và sửa chữa hệ thống lạnh, hệ thống phát sáng cho Tổng đội Thanh niên xung phong Tỉnh Đoàn Hà Tuyên, rồi Bưu điện Viba ở núi Thổ Sơn, rồi đi các nơi như Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Dóng máy đá, máy kem, máy phát điện cho bà con, rồi Thông Nguyên, Nậm Dịch, Hoàng Su Phì và các nơi ở vùng sâu, vùng xa.

Anh cười: Bây giờ mọi người vẫn nhớ đến tôi, họ cứ nói: Gặp ông Chính cụt là xong hết.

- Anh là người nổi tiếng rồi, cuộc sống lúc ấy còn khó khăn nghèo nàn, vật tư thiết bị còn thiếu thốn mà anh đã làm được những việc như vậy, hồi đấy chắc nhiều việc lắm anh nhỉ?

- Công nhận lắm khi làm không hết việc, nào là quấn mô-tơ, sửa chữa quạt điện, sau này sửa chữa nồi cơm điện, lò vi sóng, các dụng cụ khác. Tôi còn đào tạo được cho bao nhiêu người học việc, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa, ở đâu tôi cũng có người quen, anh khoe với tôi năm 1995, tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn và đưa tin về gương thương binh tiêu biểu đấy, rồi được Bộ trưởng Trần Đình Hoan đến thăm và tặng quà, ngoài ra còn được Thứ trưởng Lê Đồng, chính sách xã hội đến thăm. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và chính quyền tỉnh, thường xuyên quan tâm động viên tôi và gia đình.

- Bây giờ tôi được đánh giá là thợ giỏi của tỉnh mình đấy. Thu nhập cũng ổn, với những người nghèo, khó khăn hoặc đồng đội thì tôi giúp là chính, hướng dẫn cho họ làm. Giọng anh Chính trầm xuống:

- Trước kia mình cũng khó khăn gian khổ, bây giờ càng thông cảm với những điều kiện như vậy, cảm thấy ấm lòng.

Giới thiệu xưởng của mình xong, chúng tôi lên nhà ngồi uống nước, hàn huyên tâm sự.

- Điều kiện hoàn cảnh của anh như vậy, có nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền không?

Anh hào hứng:

- Về góc độ này thì còn phải nói, hàng năm ngoài tiêu chuẩn, chế độ ra thì phường luôn quan tâm, động viên tôi và gia đình và còn có cả cấp thành phố, cấp tỉnh nữa. Ngày Thương binh Liệt sĩ năm rồi tôi còn vinh dự đi gặp mặt thương binh tiêu biểu toàn quốc, Tuyên Quang mình có 5 người, vui lắm chú ạ. Tôi được gặp Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, anh cho tôi xem những bức ảnh chụp tại buổi gặp mặt với Chủ tịch nước cùng nhiều người, niềm vui hân hoan vẫn còn đọng lại trong khuôn mặt của người thương binh. Anh đứng dậy mở tủ lấy ra bộ ấm chén vẫn còn nguyên trong hộp ra khoe, đây là quà tặng của Chủ tịch nước đấy. Bộ ấm chén này là của Tập đoàn đá quý Việt Nam, đẹp không?.

- Khi về dự buổi gặp mặt những thương binh tiêu biểu toàn quốc, mới thấy hết được những đóng góp, sự vươn lên của đồng đội mình, nhiều người bây giờ đã rất giàu, họ phấn đấu bằng ý chí, bằng nghị lực của bản thân. Tôi thì còn khiêm tốn lắm.

- Làm được như anh là quá tuyệt vời rồi, nhiều người lành lặn chưa chắc đã làm được như anh ấy chứ.

- Phải cố thôi chú ạ. Trời cho sống ngày nào, mình phải cố gắng ngày ấy, lao động cũng là niềm vui, nếu cứ ngồi yên một chỗ thì chán lắm và tôi cũng thường động viên gia đình tham gia các hoạt động, các phong trào ở khu dân cư, giúp đỡ những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn và làm công tác từ thiện nhân đạo.

- Chị và các cháu nhà anh thế nào? Tôi hỏi.

Vợ tôi sau năm 1990 xin vào làm ở Công ty Xây dựng số 2 của tỉnh, bây giờ cũng đã nghỉ hưu, hai vợ chồng tôi sinh được hai cháu, trai lớn sinh năm 1979, con dâu làm ở Công ty May, chúng tôi đã có cháu gái nội. Cũng hơi buồn vì con trai lớn chúng tôi bị liệt nửa người, chữa mãi mới tạm ổn. Tôi sắm cho cháu máy quay nước mía, bán ở vỉa hè thu nhập cũng tạm ổn. Con trai thứ 2 cháu khéo tay lắm, hiện đang làm biển quảng cáo nơi ông Phạm Tôn làm chủ cơ sở, ý định của tôi để cháu cứng cáp tay nghề, sẽ cho cháu mở riêng để làm quảng cáo.

- Em đến mấy lần mới biết anh vừa đi Đắk Lắk về, có vui không anh?.

- Vui lắm. Cả hai vợ chồng cùng đi, được đồng chí Chính trị viên  tỉnh đội Đắk Lắk tiếp đón. Vừa rồi là ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Tiểu đoàn đặc công 401 anh hùng, gặp lại bao đồng đội, đồng chí cùng chiến đấu năm xưa, thăm viếng đồng đội đã hi sinh và được đi tham quan nhiều nơi như Buôn Hồ, thành phố Ban Mê Thuột, bây giờ đã khác xưa nhiều quá, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, khác hẳn ngày xưa khi tôi còn chiến đấu ở đây.

Cùng tiểu đội độc lập năm đó, có Nguyễn Thế Viễn cùng là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang với tôi. Tôi còn giữ mấy tập thơ và truyện ngắn mà Viễn đã tặng tôi. Rồi anh thở dài:

- Cũng buồn thật, Viễn là người khỏe mạnh, nhưng bị chất độc da cam, sau bị ung thư phổi, nhưng kiên cường lắm, cho tới giờ phút cuối cùng cũng không kêu một tiếng. Đấy, lính đặc công có khác.

Chuyện trò đang sôi nổi thì anh có khách, người đó trạc tuổi với anh Chính, anh giới thiệu với tôi:

- Đây là bạn chiến đấu trong chiến trường, nhà tận trong Đạo Viện, hiện tôi đang lắp máy làm đá cho ông ấy. Hôm nay cho xe ra đón kiểm tra lại lần cuối. Ngồi thêm một lát nữa, đợi anh chuẩn bị đồ nghề, biết anh bận nhiều công việc, tôi xin phép ra về.

Anh chị tiễn tôi ra cửa, chị nói:

- Chú thông cảm nhé, hôm nào rảnh chú ra chơi.

Anh cười nhìn tôi, cái nụ cười của người thương binh, ấm áp đến kỳ lạ rồi bắt tay tôi, cái bàn tay trái chỉ còn hai ngón mà sao vẫn đầy sức sống mãnh liệt.

Tôi chạy dọc trên đường, những cây bàng đang mùa rụng lá, chao nghiêng bay xuống, thời tiết năm nay thật lạ kỳ, đã sang tháng cuối năm mà vẫn nóng như mùa hè. Nhưng trong tôi lại thấy ấm áp như mùa xuân, hình ảnh người thương binh đặc biệt này để lại trong tôi bao điều suy ngẫm và còn biết bao người như vậy, họ không cam chịu, không lùi bước trước bão giông cuộc đời, vươn mình đứng thẳng, khẳng định mình trong cuộc sống đời thường, cũng như họ đã khẳng định mình trên chiến trường năm xưa.

Đ.M.S

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 128 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 458 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 56 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 74 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 65 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 60 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 69 lượt xem