Cô bé bị bỏ rơi

Thứ hai, ngày 20-03-2023, 10:07| 1.070 lượt xem

Truyện ngắn của Trần Huy Vân

 

Ở giữa cánh đồng rộng, có khu đất nổi lên, dân các vùng xung quanh chọn làm nơi họp chợ. Chợ lèo tèo vài túp lều nhỏ, lợp bằng rơm, rạ. Bốn ngày một phiên. Hàng hóa chẳng có gì đáng kể, phần nhiều là các thứ kiếm được trên đồng. Nắm ốc, ít cua, rỏ tôm, mẹt tép và các thứ rau, hoa quả vườn nhà, một ít dụng cụ lao động, chiếc cuốc, cái xẻng, con dao. Người ta tất bật đến chợ, tất bật mua bán, lại tất bật về. Chỉ khoảng gần trưa chợ đã không còn một ai.

Đứng ở đâu trong vùng cũng nhận ra chợ, trên đường vào, cách cổng không mấy bước chân có cây đa cành lá tàn tán, xanh tốt quanh năm. Đi lối tắt qua cánh đồng đều phải qua cây Đa này.

Lần ấy, Thịnh đi đến cây Đa gặp chú bé chăn trâu. Chú nhìn Thịnh chăm chú rồi nói ngay:

- Ở hốc dưới gốc Đa có cô bé. Em thấy từ ngày hôm kìa, cứ đi quanh gốc Đa gào khóc, gọi mẹ thảm thiết. Hôm kia, hôm qua vẫn thấy đấy. Hôm nay nằm dụi trong hốc Đa, không động cựa gì, chẳng biết còn sống hay đã chết.

- Thật sao!

Thịnh thảng thốt, đi vội đến hốc Đa, theo tay chú bé chỉ. Thấy cô bé ngồi lọt thỏm trong hốc Đa. Hai đùi kẹp hai bàn tay chắp lại, mắt nhắm nghiền, đầu lả đi. Thịnh gỡ hai bàn tay bé ra, sờ vào mạch ở cổ tay, tim đập rất nhẹ. Biết cô bé còn sống. Thịnh bế lên tay, lay cho bé tỉnh. Cô bé hé mắt, nhận ra có người bế, nép đầu vào ngực Thịnh. Thịnh hỏi chú bé chăn trâu:

- Em bảo thấy cô bé từ ngày hôm kìa, sao không nói với bố mẹ.

- Mẹ bảo, chắc con nhà ai để đấy xuống đồng mò cua, bắt ốc.

Vậy là đã gần bốn ngày, chắc đói, khát, kiệt sức hai môi đã se lại, tím bầm.

Biết Thịnh phải mất ba ngày đi bộ mới tới trường. Chị gái gói cho nắm cơm nếp to, một ít muối vừng, một bình toong nước chanh để ăn, uống dọc đường. Thịnh chắt nước ra cốc, cho bé uống từng chút một. Nước thấm vào môi, thấy em chịp chạp từng ngụm nhỏ, Thịnh rất mừng. Uống hết cốc nước thứ ba, em mở mắt nhìn Thịnh, gọi một tiếng: Anh! Hai cánh tay nhỏ khẳng khiu ôm lấy Thịnh. Thấy bọc quần áo nhỏ, đặt cạnh chỗ em nằm, Thịnh đoán ra ngay. Người mẹ bất hạnh bỏ con lại đây đi biệt rồi. Bé ôm chặt lấy cứ như sợ Thịnh đi mất. Thịnh nói với bé:

- Em đói lắm phải không? Bé khẽ gật đầu. Để anh lấy cơm bón cho em ăn. Thịnh mở gói cơm, cấu từng tí một, chấm muối vừng bón cho bé. Em nhai kĩ rồi nuốt, tạm ăn một ít, lúc nữa lại ăn tiếp, kẻo nhịn đói lâu ngày ăn nhiều đau bụng đấy. Bé nhìn Thịnh bỗng chảy nước mắt.

Thịnh hỏi chú bé chăn trâu:

- Mấy ngày nay không có người qua đây sao?

- Thi thoảng có người qua, chỉ đứng nhìn, rồi bỏ đi. Em định đón em về nhưng sợ bố mẹ mắng.

- Anh hiểu! Thịnh bảo bé: - Giờ em ngồi đây, anh đi tìm nước rửa ráy, thay quần áo, ướt hết rồi. Cô bé nói vội:

- Anh đừng bỏ em! Bé ôm lấy Thịnh chặt hơn, nước mắt giàn giụa.

- Không bỏ, từ giờ trở đi anh đi đâu em đi đấy.

Phải đi xa mấy trăm mét, sâu vào cánh đồng mới tìm thấy chỗ có nước. Thịnh túm nước trong tấm ni lông mang theo, đem về gốc Đa, rửa ráy cho bé. Một việc Thịnh chưa từng làm bao giờ. Biết bé không thể đi bộ đường dài, Thịnh bắt chước người miền núi, địu con sau lưng. Thịnh lấy chiếc quần làm thành cái địu, đặt bé lên lưng. Bé quàng tay vào cổ, Thịnh bảo: - Muốn ngủ tựa đầu vào vai, muốn nghỉ cứ bảo, anh cho nghỉ. Bé dụi trán vào lưng Thịnh, tin cậy.

Hành lý Thịnh có ba cân gạo là đáng kể, đi bộ đường dài, địu em trên lưng, sách túi tay nải nhỏ, lâu cũng thấy mỏi, thấm mệt. Thấy bé cựa trên lưng lại thấy yên tâm, nằm yên lâu lâu, lại phải sốc sốc đánh thức dậy hỏi chuyện:

- Em tên gì?

- Mẹ gọi là Cún!

- Thế bố?

- Em không có bố.

- Sao không ở nhà với ông bà ngoại.

- Ông bà đuổi đi, khi mẹ sắp đẻ em. Mẹ bảo thế.

- Từ giờ trở đi anh gọi em là Huệ, là hoa Huệ ấy. Có ai hỏi tên là gì cứ bảo là Huệ, nhớ không?

- Em nhớ!

Thoáng qua thế, Thịnh đã đoán ra phần nào số phận của em. Ngày ấy người đàn bà chửa hoang ở làng quê là một tội lớn. Chả thế có thời, người ta cạo trọc, bôi vôi, cho bêu ngoài đường, rồi buộc vào mảng chuối buông trôi sông. Bị đuổi khỏi nhà còn là điều may mắn đấy.

Một lần nghỉ lại cho bé ăn cơm. Thịnh lục gói quần áo để lại, thấy mẩu giấy nhỏ để trong túi áo, dở ra đọc: “Mẹ có tội không thể tha thứ được, là đã sinh con ra. Nếu con có phúc phận, có người đón con đi, nuôi lớn thành người. Nếu không... Mẹ chỉ biết cắn cỏ lạy con”.

Thịnh gập mẩu giấy cẩn thận, cất vào túi hành lý. Cái người đón bé, nuôi lớn thành người, lại là Thịnh sao? Thịnh nhìn cô bé nước mắt bỗng dưng chảy ra, thương bé quá chừng. Phải chăng đây là định mệnh, lúc đầu Thịnh định cứ thẳng đường đi, nhưng rồi bàn chân đã ngoặt xuống con đường qua cánh đồng, chỗ có cây Đa lúc nào không biết. Để rồi gặp chú bé chăn trâu, đón em về từ cõi chết. Nghĩ vậy nước mắt chảy ra nhiều hơn. Thấy vậy bé hỏi:

- Sao anh khóc?

Đang chìm trong suy nghĩ, câu hỏi của bé làm Thịnh bừng tỉnh, nói ngay điều dự tính:

- Anh đang nhẩm tính, phải đi gấp mới kịp đến khu trại người miền xuôi lên khai hoang, nghỉ đêm. Anh đã nghỉ ở đó một lần.

Sau khi đọc mẩu giấy viết, cô bé trở nên thân thiết vô cùng, như là máu thịt của Thịnh vậy. Khi địu em trên lưng, Thịnh đã nghĩ, nếu có người nào tha thiết nhận nuôi, sẽ cho người ấy. Bây giờ không thể. Định mệnh đã gắn đời Thịnh với cô bé này. Ít nhất đến khi em khôn lớn, đủ sức bước vào đời.

Đi đến đoạn đê sông Đà bám vào núi Ba Vì, người ta gọi là Đê Cụt. Con đường một bên là núi, một bên là sông Đà. Đất chưa có người khai phá, lau sậy ngút ngàn, con đường nhỏ như sợi chỉ, luồn qua đám lau sậy ấy. Thi thoảng lại gặp suối từ trên núi chảy về, nước chảy ra gần đến sông chững lại. Nước không chảy mạnh, nhưng rộng đến vài chục mét, lại sâu. Không có cầu để qua, không biết người ta qua đây bằng cách nào. Nếu không phải địu bé, Thịnh bơi qua dễ dàng. Địu bé đành phải đi ngược về phía núi, tìm chỗ qua suối, đường đi sẽ dài hơn.

Có cửa suối rộng chừng trên chục mét, Thịnh đánh liều, trải tấm ni lông ra, để cả bé và hành lý vào giữa, túm lại, cho nổi trên mặt nước, làm thành cái phao bơi sang bờ bên kia. Khi mở túi ni lông ra, bé nắm lấy tay Thịnh cười, vẻ thích thú. Thịnh nói với bé:

- Cũng may chỉ một loáng qua suối, lâu em chết ngạt trong túi ni lông đấy,  không sợ sao. Bé trả lời hồn nhiên:

- Em không sợ!

Đi đến đoạn núi lan ra tận bờ sông, có suối chảy từ trên núi về, nước trong veo, mát lành. Thịnh đặt bé xuống bảo:

- Nghỉ ở đây một lúc. Có nước sạch anh tắm, gội đầu cho em.

Thịnh để bé đứng vào vũng nước trong. Đôi mắt bé sáng lên, ngồi hẳn xuống, ngập người trong nước, hai tay tung tẩy, té nước, cười rất tươi. Thịnh lấy xà phòng gội đầu cho bé. Bé nằm yên trên đùi Thịnh, một tay đỡ lấy đầu, một tay vốc nước, xoa mái tóc rối bời của bé. Thịnh cố không để nước xà phòng chảy vào mắt bé. Tắm mát xong bé tươi tỉnh hẳn lên. Đôi mắt trong veo nhìn cảnh vật xung quanh. Nhìn thân hình gầy guộc, còm nhom, nhan nhản những vết muỗi đốt trên cơ thể bé. Thịnh biết những năm tháng qua, bé đã chịu cực khổ đến như thế nào. Trong lòng Thịnh trào lên nỗi thương xót.      Lại nghĩ không gặp, chắc bé không sống nổi qua đêm nay.

Mãi đến gần tối, Thịnh mới tới trại khai hoang. Có nhiều người húm vào hỏi  bé, Thịnh phải nói tránh:

- Là em gái, cho lên Hòa Bình để thăm người nhà.

- Đi bộ, cõng em, hàng trăm cây số, chú giỏi đấy.

- Em cháu ngoan lắm, đi đường không quấy khóc. Bé đứng nép vào Thịnh, lấm lét nhìn mọi người. Thịnh bảo bé:

- Em ở đây chơi với các bác, anh đi nấu cơm, nắm lại mai còn ăn đường. Đêm ấy, Thịnh o cho bé ngủ. Đêm ngủ không biết bao nhiêu lần bé giật mình ú ớ kêu, khóc, hét lên Thịnh phải ôm chặt bé vào lòng. Bé gục đầu vào ngực, ôm chặt lấy tay Thịnh. Ba đêm hãi hùng ngủ dưới gốc Đa, với bao nỗi khiếp đảm, không dễ gì phai mờ được.

Được các bá ở trại khai hoang giúp, Thịnh có được cái địu giống như của người miền núi. Thịnh địu bé thấy thoải mái hơn. Cứ theo triền sông đi ngược, thi thoảng lại gặp chòm xóm. Cổng vào nhà thường có chiếc chõng tre nhỏ, bầy chuối, mía, các loại hoa quả, một mảnh bìa ghi giá, không có người bán. Người mua cứ việc nhìn giá, trả tiền vào cái túi treo cạnh bảng giá, rồi lấy các thứ cần mua. Nhờ vậy bé không bị đói. Đi đường nhìn thấy gì lạ cũng hỏi, Thịnh phải trả lời luôn miệng. Một thế giới hoàn toàn mới lạ đang bày ra trước mắt bé theo mỗi bước đi.

Phải hai ngày sau, Thịnh mới đến thị xã Hòa Bình. Đến túp lều, trong vườn chuối, Vân và Bi, hai người bạn thân thiết, đã đến trước Thịnh một ngày. Thấy Thịnh địu bé, Vân đỡ xuống hỏi ngay:

- Cô bé này là thế nào?

- Rồi mình kể cho hai bạn nghe. Huệ chào hai anh đi. Huệ bẽn lẽn nhìn Thịnh, Vân và Bi chắc còn ngỡ ngàng với cái tên Thịnh đặt cho, không nói gì. Thịnh phải bảo: - Em chào hai anh Vân và Bi ạ! Huệ nói theo. Bi khen:

- Em ngoan lắm, lại rất xinh nữa.

Thịnh kể cho hai bạn nghe hoàn cảnh của Huệ. Nghe xong Vân bảo:

- Một cô bé tội nghiệp, đáng thương, ông làm thế là phải lắm, nhắm mắt bước qua như không có chuyện gì xảy ra, không còn là con người đâu. Vậy là bộ ba chúng mình có thêm cô em gái nhỏ nữa, thật sự là một gia đình. Bi nói khẳng khái:

- Không sao cả, ba đứa không nuôi nổi em sao. Cho dẫu phải tự lao động kiếm sống, ăn học. Có thêm đứa em để chăm bẵm càng vui. Cũng phải nói thêm, cả ba đều phải có trách nhiệm với em, nhưng người chịu trách nhiệm chính phải là Thịnh. Phải cơi nới chỗ nằm của Thịnh rộng thêm đủ chỗ cho hai anh em nằm. Còn nhiều việc phải lo đấy như ăn, mặc, vui chơi, đi học của em. Không để cho em phải chịu thêm nỗi bất hạnh nào nữa. Không sao, bấc đến đâu dầu đến đấy. Luôn để tâm đến em là được.

Kỳ thực lúc ấy cả ba không thể hình dung nổi những gì xảy ra khi có thêm thành viên nhỏ bé này. Thêm một người, thêm bao mối quan hệ, đồng nghĩa thêm bao nhiêu nỗi lo phải tính. Việc đầu tiên khi cả ba đến lớp, rồi buổi chiều đi làm kiếm tiền, để em một mình ở căn lều nhỏ chờ đợi sao? Ngày nào cũng vậy, em có chịu được không? Bi hỏi Thịnh:

- Em năm nay bao nhiêu tuổi?

- Làm sao biết, dựa vào nhận thức của em để đoán thôi. Cũng phải năm sáu tuổi, cuộc sống đói khổ nó dáy người đi cứ như đứa trẻ ba bốn tuổi ấy.

- Cho đi học cũng là cách, em không phải ngồi chờ các anh buổi sáng. Còn buổi chiều dễ tính hơn. Cố cùng đi làm ở đâu cho em đi theo đến đó.

Rất may ông hiệu trưởng trường cấp một ở cùng khu với ba người. Tối, Thịnh cõng em cùng Vân và Bi đến nhà ông hiệu trưởng. Thật lòng giãi bày với ông. Nghe xong, ông hỏi:

- Cô bé ba cậu trình bày đây sao?

- Dạ! Em tên là Huệ. Em chào thầy đi. Thịnh bảo Huệ. Huệ chắp tay cúi chào: - Con chào thầy ạ!

- Ngoan lắm, cùng lứa với đứa con thứ hai nhà mình, năm nay vào lớp một, dáng hình nhỏ, còi cọc hơn. Mình chấp nhận ngay nhưng phải có giấy khai sinh. Mà này, hoàn cảnh ba cậu thế, sao không cho em vào nhà hiếm hoi ấy.

- Bọn em không muốn vậy. Em đã chịu bất hạnh rồi, lại bị nữa thì sao?

- Mình hiểu. Viết giấy khai sinh cứ khai cùng ngày, tháng, năm sinh với con gái mình. Ông đưa cho Thịnh mẩu giấy. Mình sẽ giúp hết sức trong phạm vi có thể.

Thật mừng công việc suôn sẻ đến vậy. Viết giấy khai sinh Thịnh khai tên bố là Trần Văn Mộc, đã chết vì bệnh. Mẹ là Phạm Thị Lan chết vì tai nạn. Ngày, tháng, năm sinh trùng với con gái ông hiệu trưởng. Nơi sinh lấy theo địa chỉ của Thịnh. Nhờ người bạn cùng lớp có bố là chủ tịch xã, ông kí tên đóng dấu. Việc đi học của Huệ không ngờ lại thuận lợi đến thế.

Lớp học của Huệ cách chỗ ba người ở khoảng hai cây số. Sáng nào, Thịnh cũng phải dậy sớm, cho em ăn sáng, khi củ khoai, khi nắm cơm nhỏ bớt lại từ bữa chiều hôm trước, khi thì tấm mía, đưa em đến lớp rồi chạy vội về trường cấp ba cho kịp vào học. Trưa thường phải bỏ tiết cuối để đi đón em. Lực học của Thịnh không đến nỗi nào, không muốn nói là giỏi, nên bỏ tiết, cho dù là môn gì cũng không gặp mấy khó khăn. Khi Huệ cứng cáp lên nhiều, bảo Thịnh: Buổi trưa để em tự về, đến cổng trường cấp ba chờ anh.

- Không thích anh đón sao?

- Cứ nhìn thấy anh là em thích rồi, em khỏe đi một mình được.

- Cô giáo chủ nhiệm khen em nhận thức nhanh, học giỏi nữa, có gì không hiểu phải hỏi anh ngay.

- Em chỉ mỗi tội viết chữ chưa đẹp.

- Về nhà tập viết, sẽ có đủ giấy cho em viết.

Huệ níu lấy tay Thịnh, gọi một tiếng anh! Nhoẻn cười nói nhỏ:

- Anh cõng em một đoạn đi. Bậu trên lưng, tì cằm vào vai, hai tay quàng lấy cổ Thịnh, Huệ thủ thỉ: Em chỉ muốn được anh cõng mãi thế này.

Thịnh biết đó là những giây phút hiếm hoi Huệ được sống sung sướng, nói với Huệ:

- Anh thề! Sẽ làm tất cả những gì em mong ước, hiểu không?

- Em hiểu, anh nhớ đấy nhé. Em muốn hỏi anh câu này nữa.

- Hỏi gì nào?

- Sao anh không mắng em, cả khi em làm anh bực mình. Như đêm em đái dầm làm ướt cả sang anh. Em sợ anh mắng, anh không nói câu gì. Dậy lấy nước rửa, thay quần áo, lau khô, lại ru em ngủ nữa. Sao vậy!

- Có thế mà cũng phải hỏi. Tại anh thương em, cứ nghĩ đến lúc đón em ở gốc cây Đa. Thân hình còm nhom, bé tí, mềm oặt như dải khoai nướng, thoi thóp thở là không thể kìm lòng được. Sống với các anh, thiếu thốn đủ bề. Các anh cố gắng mấy cũng không thể bằng những đứa cùng tuổi em có bố mẹ. Thương lắm, sức mấy còn mắng mỏ em nữa, hiểu không.

- Em hiểu!

- Đừng bao giờ nghĩ anh cáu giận, hắt hủi em, nhớ đấy.

Ba người nhất là Thịnh đã trải qua bao ngày tháng gian nan, cơ cực khi phải nuôi Huệ. Để tạo cho Huệ có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác đã vất vả rồi. Đằng này trái nắng, trở trời Huệ thường hay bị cảm cúm, sốt nóng nằm li bì cả tuần. Huệ không cho ai bế ngoài Thịnh ra. Thịnh phải thức thâu đêm suốt sáng bế Huệ. Không một lời phàn nàn, cứ như nghĩa vụ Thịnh phải gánh chịu vậy. Ngay cả tắm giặt cho em Thịnh cũng đảm nhận tất, mà Huệ cũng không để cho Vân và Bi tắm cho. Chỉ một mực đòi anh Thịnh tắm cho em cơ.

Đối với ba người, ăn uống thế nào cũng xong, có khi nhịn đói là chuyện thường. Từ khi có Huệ không thể sống như thế được. Thịnh cứ phải tranh thủ buổi trưa đi kiếm thức ăn. Khi thì đi câu cá ở cửa suối đổ ra sông. Khi thì dùng cung tên đi bắn cá suối. Lại đi hun chuột đồng, bắt ốc, rắn, tắc kè, thằn lằn, cả cóc nữa... Nhờ vậy sức khỏe của Huệ hồi phục nhanh, cứng cáp hẳn lên.

Những lúc có đủ bốn anh em ở nhà. Các anh phải thay phiên nhau vui chơi cùng Huệ. Cố tạo cho Huệ cuộc sống vui tươi như bao đứa trẻ khác. Mãi đến khi Huệ học cuối năm lớp hai, mới hoàn toàn khỏe mạnh, không ốm đau nữa. Thịnh mới được thảnh thơi đôi chút.

 

Minh họa của Tân Hà

 

Tốt nghiệp lớp mười, cả ba tập trung vào làm thuê kiếm tiền để về Hà Nội thi đại học. Huệ đã học hết lớp hai, nhỉnh ra nhiều, đã giúp được cho các anh việc nhặt rau, rửa bát, phụ giúp các anh nấu cơm, thức ăn, luộc khoai sắn. Cái chính là ở nhà trông lều một mình, khi các anh đi làm. Thịnh luôn dặn Huệ:

- Anh để dành các thứ ăn được cho em, ở trên chạn bát, đói cứ lấy ăn, đừng đi ra sông, trượt chân ngã xuống, nước cuốn đi, không biết đâu mà tìm. Không về được với các anh đâu. Anh mua nhiều truyện thiếu nhi, ngồi đọc lớn lên mới thành người giỏi được.

- Giỏi như các anh là được chứ gì.

- Phải giỏi hơn, các anh đã làm được gì mà

giỏi nào.

- Ngồi ở nhà cứ nghĩ anh sắp về là vui rồi.

- Em có thể rủ bạn đến chơi được không?

- Em không thích, có đứa chỉ chỏ bảo em, đồ không có bố mẹ, người thân học giỏi thế giỏi nữa cũng chẳng làm gì.

- Sao không nói, các bạn có bố mẹ phải học giỏi hơn chứ, sao học kém mình.

- Em không nói sợ họ tức càng trêu thêm.

- Thấy em ở nhà một mình vò võ chờ các anh về, thương lắm.

- Em chịu được, anh không phải lo cho em.

Hoàn cảnh buộc con người phải tự vượt lên số phận, không dám đòi hỏi gì, nghĩ vậy Thịnh càng thấy thương Huệ nhiều hơn.

Cả ba anh đều mua sắm cho Huệ đồ tư trang, lại thêm các bạn gái cùng lớp đến chơi, biết hoàn cảnh Huệ, cũng mua các thứ cần dùng cho con gái. Thịnh phải bảo nhỏ với các bạn gái, nói hộ mình những việc tế nhị của con gái với Huệ, nhất là vệ sinh, tắm rửa. Về cái ăn chẳng bằng ai, còn mặc không để Huệ thua kém bạn. Thịnh nói với Huệ:

- Anh luôn để chậu nước sạch trong quầy tắm, em cần cứ lấy dùng.

Nghe Thịnh nói, Huệ hiểu ngay khẽ gật đầu. Có lần Bi nói với Thịnh:

- Con trai dễ chăm sóc hơn, con gái có đứa ý tứ từ bé, Huệ là cô gái như vậy, có lần mình

bảo: - Ra đây anh tắm cho. Huệ không chịu,

bảo: - Em chờ anh Thịnh tắm cho em cơ. Huệ không muốn để người khác tắm cho, trừ người Huệ cho là thân thiết nhất. Thịnh đã hỏi Huệ: - Hai anh Vân, Bi tắm cho sao em không chịu. Tại em xấu hổ! Sao với anh lại không xấu hổ. Em không biết. Anh hiểu rồi, vì anh đón em về từ cõi chết chứ gì. Hai anh Vân và Bi thương em nhiều lắm đó, biết không.

- Em biết, nhưng vẫn thích gần anh hơn.

Ba người phải nới rộng lều, xếp cho Huệ chỗ ngủ riêng, Huệ rất thích. Khi ngủ riêng Huệ dặn Thịnh:

- Anh nằm cạnh, đêm mơ gào khóc, anh phải thức dậy, ôm lấy em đấy.

- Được anh không để em phải sợ hãi nữa đâu.

***

Ba người chia tay nhau về quê, hẹn gặp ở Hà Nội trước ngày thi đại học hai ngày. Thịnh thi vào trường đại học Sư phạm, Bi đại học Thủy lợi, Vân đại học Nông lâm. Với hoàn cảnh của ba người, chỉ biết thi để thi thôi, có điều kiện theo học không lại là chuyện khác.

Thịnh đưa Huệ về, đi nhờ bè gỗ người quen ở bến Phương. Bè qua khúc sông quê Thịnh, dùng mảng nứa đưa vào bờ, đi bộ dăm cây số là về đến nhà.

Cuộc chia tay đầy quyến luyến, cả Vân và Bi đều rơm rớm nước mắt, ôm Huệ vào lòng. Lần đầu tiên Huệ để hai anh hôn lên má. Vân dặn:

- Ở nhà anh Thịnh phải ngoan, học giỏi, có điều kiện hai anh đến thăm.

- Hai anh phải đến đấy, em nhớ hai anh lắm.

Nước mắt Huệ chảy ra, Bi lấy khăn tay thấm nước mắt cho Huệ.

- Rất muốn đón em về nhà anh, nhưng em thích ở nhà anh Thịnh hơn, đành chịu. Chăm ngoan, học giỏi, viết được thư kể cho các anh nghe, cuộc sống của em được không.

- Được ạ!

Cõng xuống bè gỗ, ngồi yên chỗ, Huệ hỏi Thịnh:

- Em về quê anh ở với ai?

- Nhà chị gái. Nhà chị có hai con, một gái, một trai kém em từ bốn đến sáu tuổi. Nghe anh kể, chị cũng thương em lắm. Em sẽ là chị cả trong nhà.

- Có được đi học không?

- Có chứ.

- Anh có ở nhà chị gái không?

- Không, ở nhà anh trai, thi thoảng lại đến.

- Sao thế?

- Nhà anh trai đông con quá, những sáu đứa. Anh thi đỗ đại học, còn phải đi học những bốn năm, em cũng phải học tiếp.

- Lâu thế, không có anh em chịu sao được.

- Cuộc đời còn dài lắm, anh với em đều phải cố thôi.

Thịnh biết, mình quan trọng đến như thế nào trong cuộc sống tình cảm của Huệ. Nhớ lại năm Huệ vào lớp hai. Một tối, gần sáng, Huệ kêu đau bụng, gọi Thịnh: - Anh ơi! Em đau bụng quá. Thịnh thức dậy, bế Huệ lên: - Em đau chỗ nào? Huệ chỉ xuống bụng. Huệ quằn quại trên tay Thịnh, gào to: Anh! Em đau quá! Làm Vân và Bi thức dậy. Bi hỏi ngay: - Em làm sao thế?

- Đau bụng dữ dội. Vân chìa tay ra bế. Huệ không chịu, ôm chặt lấy Thịnh. Vân bảo: - Hay đau ruột thừa! Cả ba chỉ nghe nói, nào ai biết đau ruột thừa là thế nào.

- Bế em đi bệnh viện ngay, không chủ quan được. Bi quát lên.

Bệnh viện ở bên kia sông, phải chờ đến sáng mới có đò. Bi bảo Thịnh:

- Thịnh bế em đi trước, mình với Vân chuẩn bị các thứ đi sau.

Thịnh bế Huệ chạy gằn, đến bến đò trời chạng vạng sáng. Biết có người bế em đi cấp cứu, ông lái đò cho sang sông ngay. Đưa em đến bệnh viẹn. Bác sĩ đưa vào phòng cấp cứu, chẩn đoán. Huệ đau ruột thừa thật. Rất may đưa đến bệnh viện kịp thời, việc phẫu thuật thuận lợi.

Những ngày nằm viện, Huệ chỉ đòi Thịnh:

- Anh lúc nào cũng phải ở cạnh em cơ. Thịnh phải nói với Huệ:

- Anh luôn ở bên em, đến khi ra viện cõng về lều, được chưa.

Huệ nắm chặt tay Thịnh, đưa lên má. Chị y tá đã đứng tuổi, chuyên thay băng, tiêm thuốc cho Huệ, hỏi Thịnh:

- Chú là thế nào với em bé này?

- Là anh.

- Bố mẹ đâu không thấy đến. Thịnh không biết trả lời thế nào, Huệ nói ngay:

- Cháu không có bố mẹ. Chị y tá nhìn Thịnh, hỏi:

- Chú đang học cấp ba, năm nay vào mười, cùng lớp với cái Thảo nhà chị. Thảo kể chuyện về ba chú. Đã tự kiếm sống ăn học, cuộc sống khốn khổ lắm, lại nuôi thêm cô bé bị bỏ rơi. Chị nể phục đấy, đúng không?

- Dạ! Khốn khổ mấy cũng phải cố thôi.

- Sao không nói cho chị biết. Chị nói chuyện với ông giám đốc, không thu bất kỳ khoản lệ phí gì, kể cả tiền thuốc, còn cấp thêm cả quà khi ra viện. Cuộc sống đã vất vả, nuôi thêm bé có cực không?

- Vất lắm ạ, có nuôi bé mới thấm câu, có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Với bọn em sống thế nào cũng xong, kể cả ăn đói, nhịn khát, với bé không thể để như thế được. Bằng mọi cách phải tạo cho bé một cuộc sống bình thường. Ngày mới đón về, bé gầy như que củi khô, đi học sáng nào em cũng phải cõng đến lớp, trưa phải đến trường đón về. Nuôi phổng phao được đôi chút lại bị mổ thế này nuôi mấy cho lại.

Trong ba anh em, Huệ bện em nhất, đi đâu cũng theo, cứ như hình với bóng. Muốn gì chỉ dám nói thầm với em. Em mua cho, Huệ mừng lắm. Đêm nào đi ngủ cũng đòi kể chuyện. Kể mãi hết vốn, lấy ngay chuyện của Huệ ra kể. Huệ biết đấy, nói ngay:

- Cậu học trò nghèo là anh, cô bé bị người ta bỏ rơi là em, đúng không.

- Không phải, anh đang kể chuyện cổ tích kia mà. Ngủ đi tối mai anh kể chuyện khác.

- Em có hay khóc nhè, nhõng nhẽo như những đứa trẻ khác không?

- Em như biết số phận mình, không có bố ngay từ lúc lọt lòng, mới nhúm tuổi bị mẹ bỏ rơi, được sống với ba anh học trò nghèo, trong túp lều nhỏ, đã là may lắm rồi. Em ngoan lắm không dám đòi hỏi gì, thấy em thương nhiều chỉ làm nũng chút xíu thôi. Mùa đông lạnh, o cho ngủ, em thở dài, nước mắt chảy ra, thương lắm.

- Người nhà cô bé có ai đến không?

- Chẳng có ai đến cả. Chắc cơ cực lắm họ mới vứt bỏ con ở cổng chợ thế, để có ai thương tình nhặt về nuôi. Dân mình cũng khổ, nuôi con đẻ ra còn vất vả, nhặt về nuôi để khổ quá không mang tội sao.

Chị y tá nhìn Thịnh vẻ ái ngại.

Khi Huệ ra viện, bệnh viện làm đúng như chị y tá nói. Việc đó đỡ đần cho ba cạu học trò nghèo nhiều lắm. Ngày tháng Huệ sống với ba anh, cho dẫu chăm sóc Huệ đến mấy, nhưng cuộc sống của người tự kiếm sống ăn học, vất vả, thiếu thốn đến nhường nào. Có hôm vì công việc phải làm đến tận Khuya. Nghĩ đến có lần Huệ nói với Thịnh:

- Anh đi đâu cũng được, nhưng tối phải về, em sợ đêm tối lắm. Thịnh nói với Vân và Bi:

- Hai ông ở lại xem nhà chủ thanh toán thế nào, tôi phải về ngay để Huệ ở nhà một mình sao được, đêm tối thế này.

Thịnh cắm đầu chạy về, căn lều ẩn trong vườn chuối, ngay gần bờ sông, vắng lặng như ở chốn không người. Gần về đến lều, Thịnh gọi to:

- Huệ ơi! Anh về đây rồi.

Huệ hé cửa lều chạy ra, ôm lấy Thịnh, nước mắt tuôn trào. Thịnh ôm lấy Huệ, vẫn chưa hết sợ, Huệ gục đầu vào ngực Thịnh:

- Sao anh về muộn thế? Có con gì ấy, nó kêu ở gốc chuối, gần chỗ em nằm. Em sợ quá khóc thét lên.

- Anh về đây rồi, không sợ nữa, làm cố cho xong việc nhà chủ mới trả tiền. Trời tối thế này, em ở nhà một mình anh biết em sợ lắm, cho anh xin. Vừa lúc đó Vân và Bi về, Vân bảo:

- Cho các anh xin, từ ngày mai không để cho Huệ phải chờ như thế nữa. Nếu làm tối phải cho anh Thịnh về trước. Em xem, anh Bi mua cho thứ gì này. Bi đưa cho Huệ mía bảo:

- Mía xương gà, anh đã cạo sạch vỏ rồi, em ăn đi vừa mềm vừa ngọt, lại cả thứ này nữa.

- Gì nữa anh?

- Lòng bò, cà chua, em chả thích món này nhất là gì.

Đó là món tủ của bốn người, mua thịt không có tem phiếu, chẳng thể mua được, chỉ có lòng bò, lòng trâu, cửa hàng bán không tem phiếu, mua bao nhiêu cũng được. Chẳng biết có béo bổ gì không, đối với bốn người đó là của quý, lại dễ mua. Thịnh nói với Huệ:

- Giờ em vào lều ngồi để các anh nấu cơm, xào lòng bò cho em ăn.

- Đêm nay anh phải o cho ngủ, không em sợ lắm.

- Được, anh sẽ o cho em ngủ.

Huệ không một lời kêu ca, không đòi hỏi gì cho riêng mình, dẫu cuộc sống có kham khổ đến đâu, cứ như cuộc đời là như vậy. Mới nhúm tuổi đã phải chịu bao cay đắng, chạm chán cả với cái chết.

***

Những ngày ở đại học, chiều thứ bảy, chủ nhật Thịnh với mấy người bạn thân cùng lớp, đi bộ ra vùng ngoại ô, đến khu lò gạch của hợp tác xã, gánh gạch thuê. Một xu hai viên, chạy cật lực một ngày rưỡi cũng được từ năm đến sáu đồng. Đó cũng là nguồn thu đáng kể để tiếp tục theo học. Cũng để mỗi lần về nhà có tiền mua các thứ cần thiết cho Huệ. Ở nhà, dẫu có muốn chị kiếm đâu ra tiền mua. Khi nhận quà, Huệ còn căn vặn:

- Anh lấy đâu tiền mua.

- Anh khắc có cách, em không phải lo cho anh.

- Em biết thừa, anh lại đi làm thuê. Thấy Huệ phụng phịu, Thịnh phải nói khéo.

- Em không thấy anh vẫn mạnh khỏe về với em sao, đừng thế anh giận đấy. Làm sao anh để em mặc quần áo rách được, đừng lo cho anh.

Một chiều, Bi đến trường vẻ mặt buồn rượi nói với Thịnh:

- Mẹ ốm nặng phải đi nằm viện, không có người trông nom. Nhà chỉ còn cái Thảo, đang học lớp bảy, sau hè cho đi học Sư phạm bảy cộng ba. Mình đã quyết định thôi học. Tấm bằng đại học không dành cho những đứa như mình. Vân tỉnh hơn, cứ tưởng đang học đại học, không, xin xuống trung cấp, đã ra trường, báo tin đang làm ở Phòng Nông lâm nghiệp huyện. Hai thằng mình coi như xong, còn ông phải đi đến tận cùng đấy.

- Ông không thấy thứ bảy, chủ nhật tôi vẫn đi gánh gạch thuê sao.

Một cuộc chia tay ngoài ý muốn, biết trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vẫn thấy bùi ngùi.

- Nhớ viết thư kể nhiều về Huệ, cô em gái bất hạnh, xem mình có giúp được gì không. Đừng buồn dẫu sao cũng đạt được ước mơ, chỉ chưa đến đích thôi. Còn Huệ ở nhà thế nào?

- Nhận được thư, chị luôn khen, ngoan, chăm chỉ, học giỏi, đáng mặt là chị cả, biết yêu thương, nhường nhịn, được các em quý mến. Cũng biết thức khuya để học, dậy sớm giúp chị các việc vặt. Chị còn bảo: - Em đã nhặt được của quý đấy. Khuyên mình cố gắng học, đừng lo nghĩ gì về Huệ cả. Chị coi Huệ như  con đẻ. Mình rất yên tâm, nhủ thầm: - Huệ ơi! Anh tin là em sẽ vượt qua được. Ông về quê bây giờ đã là của quý hiếm đấy. Mấy ai có tấm bằng lớp mười ở lại quê.

- Mình chẳng nói, bấc đến đâu dầu đến đấy, là gì. Còn đang lo bầu trời này còn quá hẹp chưa đủ rộng để thỏa sức vẫy vùng. Ông còn phải lo cho Huệ nhiều đấy. Ít ra phải cho em cái nghề để kiếm sống.

- Vân cũng để tâm đến Huệ, còn bảo mình, đã vào năm thứ ba, cố lên, mỗi tháng Vân gửi cho năm đồng, hai tháng gửi một lần, còn dặn mua các đồ “phụ tùng” cho Huệ.

- Vân có chị và em gái mà. Nhắc lại đừng lo cho mình. Cũng nói trước điều này, khi Huệ lớn lên đem lòng yêu ông, phải đón nhận không được từ chối. Chỉ như thế tôi với Vân mới yên lòng được. Mình nói thế vì những năm tháng qua Huệ sống không thể thiếu ông được. Nếu bị từ chối sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường đấy.

Nhớ lại những ngày đông lạnh buốt, ba đứa ngồi quanh đống lửa, Huệ lén đến ngồi cạnh, thò một chân vào bọc, ông quàng tay ra đỡ, Huệ đưa chân kia lên xoay người ngồi lọt thỏm vào lòng. Tôi với Vân trêu: - Chỗ Huệ ngồi là ấm nhất, cho anh Bi đổi nào. Huệ dơ tay dứ mình, gào lên: Em không! Em đấm anh Bi bây giờ.

Cho dẫu sau này lớn lên, Huệ trở thành người thế nào, xinh đẹp hay xấu xí. Người có hoàn cảnh bất hạnh thế người đời không dễ chấp nhận đâu. Cứu người phải cứu tới cùng, đạo lý sống trên đời đấy.

- Ông yên tâm, mình để cho Huệ tự quyết. Thế nào cũng chấp nhận, cốt đem lại hạnh phúc cho Huệ.

***

Tốt nghiệp đại học, Thịnh được phân công lên tỉnh Tuyên dạy học ở Trường Sư phạm Bảy cộng ba. Khi ấy, hết hè Huệ vào lớp bảy. Sau hơn bốn năm Huệ đã có dáng vẻ của một thiếu nữ mới lớn. Có mái tóc dày, đen bóng, óng mượt. Thân hình thon thả, hàm răng trắng đều đặn, đôi mắt trong sáng. Thịnh nhủ thầm, một cô gái như thế này, sẽ làm không ít những chàng trai mê mệt, chẳng còn lo ế chồng. Chỉ mong sao em chọn được  người bạn trai, biết trân trọng, mến yêu thực lòng. Khi chia tay về trường, Thịnh dặn Huệ:

- Em cố học giỏi, tốt nghiệp lớp bảy, học tiếp cấp ba, hay vào Trường Sư phạm, lên chỗ anh. Anh lo cho hết.

- Được gặp anh rồi lại phải xa em nhớ lắm.

- Cố một năm nữa anh em mình sẽ gần nhau. Xa anh những bốn năm còn chịu được kia mà.

- Cũng đành vậy, em mong sao thời gian trôi thật nhanh.

- Em học tiếp cấp ba hay vào Trường Sư phạm làm cô giáo.

- Em muốn được đi dạy học như anh, càng nhanh càng tốt.

- Học hết lớp bảy còn phải học ba năm nữa đấy.

- Đã sao nào, còn hơn vào cấp ba, rồi đại học, trời ơi lâu quá, còn định làm khổ anh đến bao giờ nữa.

- Khổ mấy anh cũng chịu được.

- Không, em đi Sư phạm.

- Được rồi anh chuẩn bị sẵn hồ sơ, em thi tốt nghiệp lớp bảy xong về đón em đi. Vào trường chỗ anh đang dạy. Em có biết vì sao anh chăm lo cho em không?

- Vì thương em.

- Vì sao thương. Em không đoán ra, đúng không. Giờ anh cho em xem mẩu giấy ghi mấy chữ mẹ em để trong túi áo, khi bỏ em lại ở hốc Đa giữa cánh đồng ấy. Thịnh đưa mẩu giấy cho Huệ. Huệ đọc, nước mắt trào ra ôm lấy Thịnh, thổn thức:

- Trời ơi! Mẹ nỡ đối xử với con thế này ư!

- Huệ! Em bình tĩnh lại đi. Trong mẩu giấy có câu: “...Nếu con có phúc phận, có người đón con đi, nuôi lớn thành người”. Người đó là anh, nó như là định mệnh ấy. Sao những ngày ấy có nhiều người đi qua, chỉ nhìn em rồi bỏ đi. Không ai hỏi em một câu. Chỉ có anh, lúc đầu không định đi qua đấy. Đi thẳng, nhưng rồi bước chân ngoặt xuống con đường, đi qua cánh đồng, chỗ có chợ, có cây Đa. Khi chú bé chăn trâu bảo mới biết, để được đón em khi cái chết đã gần lắm. Anh phải làm tròn việc như là định mệnh, nuôi em lớn thành người. Khổ mấy cũng phải chịu, là thực lòng.

Vì sao em gắn bó với anh thế cũng là định mệnh. Như có bàn tay xếp đặt của tạo hóa vậy. Anh cảm ơn em về điều đó. Đấy cũng là hạnh phúc của đời anh. Anh đã từng mơ có đứa em gái, để dành tất cả tình thương cho em, có thật. Chẳng phải trời ban cho anh, chẳng phải là định mệnh sao.

Giờ anh chỉ mong em nhanh trở thành cô giáo, để anh hoàn thành bốn chữ: Nuôi lớn thành người. Điều mong ước của người mẹ đau khổ của em. Huệ lau nước mắt, hau háu nhìn Thịnh:

- Em có một câu muốn nói với anh, nhưng để học xong Sư phạm ra làm cô giáo đã. Một lời thề của anh.

- Anh đã thề!

- Em còn nói: - Anh nhớ đấy nhé, là gì.

- Nếu vậy anh sẽ chờ, đến lúc em tự nói ra thì thôi.

Thịnh cố nhớ, đã có lời thề gì, chỉ nhớ mang máng, chẳng lẽ lần Huệ đòi Thịnh cõng. Thịnh nhìn kỹ mới thấy Huệ thực sự đã lớn, suy nghĩ chín chắn lắm rồi. Thật khó có thể hình dung ra sức sống, cảm nghĩ mạnh bạo, nhưng cũng thật hồn nhiên của một thiếu nữ mới lớn. Thịnh chỉ còn biết tự nhủ với lòng mình:

Vì hạnh phúc và ước nguyện của Huệ, xin chấp nhận tất cả, không một chút do dự. Bởi Huệ đã là định mệnh của Thịnh rồi.

T.H.V

Tin tức khác

Thơ

Chợ quê miếng thịt buộc dây

11-04-2024| 7 lượt xem

Trước xuân

11-04-2024| 7 lượt xem

Một ngày rất nóng

11-04-2024| 6 lượt xem

Nhớ Nậm Trang

11-04-2024| 36 lượt xem

Còn xuân

11-04-2024| 7 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 44 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 422 lượt xem

Văn xuôi

Về lại Lũng Hoa

11-04-2024| 6 lượt xem

Quà tết

11-04-2024| 5 lượt xem

Hạt mùa sau

11-04-2024| 56 lượt xem

Người lính đặc công năm xưa

11-04-2024| 4 lượt xem

Làng Chanh sốt đất

11-04-2024| 4 lượt xem