Tìm về trận đánh mở màn Buôn Mê Thuột

Thứ năm, ngày 14-12-2023, 10:01| 575 lượt xem

Bút ký của Đỗ Anh Mỹ

Minh họa của Tân Hà

 

 

Điều khiến tôi lâng lâng trong chuyến đi về Buôn Ma Thuột, tôi từ chiến khu Việt Bắc, nơi có Cây đa Tân Trào diễn ra Lễ xuất phát của đoàn quân theo lệnh Tổng khởi nghĩa về giải phóng Thủ đô Hà Nội, ngày 17/8/1945, đến thành phố Buôn Mê Thuột, nơi diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tháng 3/1975, đi tìm lời giải cho những ẩn số.

Chuyến phi cơ Vietjet dập dềnh vượt lên những tầng mây. Mây từ phía mặt trời nhìn xuống đẹp lạ lùng, không như nửa cuộc đời tôi chỉ biết ngắm mây từ dưới mặt đất. Mây nhìn từ trên cao giống như một thảo nguyên bông tuyết vời vợi, bồng bềnh. Mây mây chèn vào cánh bay cho cảm giác như đi trên con tầu nhỏ lướt trên sóng biển dập dềnh. Phi cơ lướt trên tầm những đám mây trong bầu khí quyển trong vắt. Từ trên trời nhìn rõ những làng mạc, phố phường đang chen lấn vá lên những cánh đồng, cánh rừng nguyên sinh.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột. Cách đây hơn nửa thế kỷ thời gian, nơi này mang cái tên "sân bay Hòa Bình", nhưng lại là nơi người Mỹ và Ngụy Sài Gòn sử dụng làm nơi xuất phát các cuộc oanh kích, ném bom tiêu diệt cộng sản. Quan thầy Mỹ lợi dụng độ cao Tây Nguyên khống chế chiến trường Đông Dương.

Buôn Ma Thuột (buôn của ông Thuột) còn có tên Buôn Mê Thuột (buôn của mẹ Thuột). Người dân gọi với cái tên trừu mến "Buôn Mê", là trung tâm chính trị của Đắk Lắk, trung tâm kinh tế, trung tâm chiến lược của Tây Nguyên, có hai con đường chiến lược đi qua: Đường số 14 đi từ thành phố Hồ Chí Minh qua Pleiku, Kon Tum, chia Tây Nguyên làm hai nửa Đông - Tây, và Đường 21, nay là QL26, đi từ Buôn Ma Thuột, ví như cánh tay nối dài của chàng trai cao nguyên ra biển.

Để bảo vệ Bắc Tây Nguyên, quân Ngụy Sài gòn cài cắm Sư đoàn 23, sư đoàn được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thêu dệt cho cái tên: "Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên" cùng với lực lượng bảo an, dân vệ lên tới chục ngàn quân. Riêng Trung đoàn 53, trung đoàn tinh nhuệ của Sư đoàn 23 đóng tại Căn cứ 53, sát sân bay Hòa Bình, còn có lính doanh bộ Trung đoàn 44, Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh vùng 2 chiến thuật. Vậy mà, sau ba mươi giờ bị tiến công, Buôn Mê thất thủ. Chín ngày thất thế chống đỡ, căn cứ 53, căn cứ của

trung đoàn bảo vệ Đắk Lắk, căn cứ quân sự cuối cùng ở Buôn Ma Thuột bị diệt. Cùng ngày khai mồ Trung đoàn 53, ngày 18/3/1975, sau bốn trận liên tiếp trong một tuần bị đánh tơi bời trên đoạn đường dài 50 km, Đường 21, Sư đoàn kiêu binh "Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên" bị xóa sổ, ngay trên quê hương mà nó sinh ra.

Một tờ báo Pháp "Thế giới" ngày 21/3/1975 đưa tin, 10 ngày sau thất thủ Buôn Ma Thuột viết: "Trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam Việt Nam đã bị đảo lộn. Chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà khiến cho từng mảng cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ. Hóa ra, Buôn Ma Thuột mang cái đà của một bước ngoặt trong cuộc xung đột...".  

Hiếu kỳ, tôi tìm đến Bảo tàng Đắk Lắk xem sa bàn trận đánh Buôn Ma Thuột, tìm đến các địa danh nơi chiến sự ác liệt đã xảy ra, sưu tầm tư liệu và gặp nhân chứng lịch sử. Mới biết, mấy ai học được chữ ngờ!

Thầy tớ Nguyễn Văn Thiệu mắc chữ ngờ thứ nhất, suốt năm 1974, bộ đội giải phóng chia nhau quần đảo dưới đồng bằng, cốt căng địch ra, không để chúng đưa quân tăng viện lên Tây Nguyên, thì chúng nhận định, cộng sản lúc này không có khả năng đánh lớn.

Chữ ngờ thứ hai, khi quân ta đánh chia cắt Quốc lộ 14 trên phía Pleiku, chúng ngờ rằng, quân ta sẽ đánh vào Kon Tum, nên quân địch đã không đưa Sư đoàn 23 về phòng ngự Buôn Ma Thuột, điều mà các nhà chiến lược của ta quan ngại nhất.

Chữ ngờ thứ ba, đại quân của ta lại có thể di chuyển qua dòng sông chảy ngược Srepok không mấy hiền hòa kia ngay trong đêm nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột, với lực lượng: Một sư đoàn bộ binh; một trung đoàn xe tăng thiết giáp; một trung đoàn pháo binh cơ giới; một trung đoàn pháo cao xạ và nhiều binh chủng hiệp đồng rầm rập từ Campuchia trở về, để rồi, 02h03' sáng 10/3, khi các lực lượng đặc công nổ súng đánh chiếm sân bay Hòa Bình, sân bay trực thăng và khu kho quân sự Mai Hắc Đế, thì mờ sáng 10/3, khi trời chưa tan sương, xe tăng bộ đội chủ lực ta từ đất nước chùa tháp vượt sông Srepok về đã lăn xích trên đường Ngã Sáu đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và một loạt các căn cứ quân sự quan trọng khác.

Chữ ngờ thứ tư, mới năm nào chống thực dân pháp, Cụ Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Ai có súng, dùng súng, ai có gươm, dùng gươm...!" mà sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, kéo dài 30 năm (1945 - 1975) Bộ Tư lệnh chiến dịch ta có trong tay một lực lượng áp đảo quân địch. Về bộ binh, địch có 4 tiểu đoàn, ta huy động 18/4 tiểu đoàn, nhiều gấp 4,5 lần. Xe tăng thiết giáp, địch có 18 chiếc, ta huy động 64/18 xe tăng, gấp 3,5 lần. Địch có 16 khẩu pháo, ta huy động 78/16 khẩu, gấp gần 5 lần. Riêng cụm quân trên hướng tiến công Buôn Ma Thuột, đã huy động Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 24, Trung đoàn đặc công 198, Tiểu đoàn đặc công 27, Trung đoàn thiết giáp 273, Trung đoàn pháo 40 và Trung đoàn pháo 675, Trung đoàn pháo cao xạ 232 và Trung đoàn cao xạ 234, hai trung đoàn công binh. Ngoài ra, chưa kể các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Đắk Lắk.

Chữ ngờ thứ năm, chiến thuật nghi binh (đánh lừa) qua làn sóng điện của Bộ Chỉ huy chiến dịch khi di chuyển thần tốc Sư đoàn 316 từ Nghệ An về ém sát biên giới Campuchia. Sư đoàn 10 từ Bắc Kon Tum về Nam Tây Nguyên đánh Đức Lập. Sư đoàn 320 từ Tây Pleiku về Ea H'leo chia cắt Quốc lộ 14 và đưa Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thế vị trí các Sư đoàn 10 và 320 ở Kon Tum và Tây Pleiku, đã khiến cả thầy Mỹ lẫn tớ Ngụy bị động chiến lược, trở tay không kịp.  

Hôm nay, đi qua nhiều góc phố, nhiều đoạn đường trên QL14, QL21, những chiến địa trên hướng Tây Bắc thành phố Buôn Mê, tôi vẫn cảm nhận được hơi thở của các chàng trai Tuyên Quang đi trong đoàn quân Trung đoàn 148, Sư 316, trung đoàn sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang. Dấu chân các anh in trên Ngã Sáu, in trên Tiểu khu tiến công tiêu diệt dinh tỉnh trưởng; in trên Khu liên hợp pháo binh - thiết giáp và điểm cao Chứ Ebua. Cảm nhận được những khó khăn gian khổ đầy hi sinh của Trung đoàn 149 Sư 316 gặp phải trong đêm nổ súng tiến công khi các anh từ Campuchia trở về phải vượt qua một chặng đường dài, trống trải từ bờ Tây sông Srepok; những khó khăn khi vượt qua suối Ea Tam và những trận chiến đấu ác liệt, đầy hi sinh khi tiến đánh quân địch tử thủ ở căn cứ 53. Rồi những ngày Sư 316 cùng quân và dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức phòng thủ chống địch tập kích, bảo vệ Buôn Ma Thuột.

Giờ đây, trận đánh Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử. Cao nguyên đã hồi sinh, trên đà phát triển. Giữa trung tâm Ngã Sáu, một chiếc xe tăng đứng kiêu hãnh trước tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sở Chỉ huy của Sư đoàn 23 kiêu binh năm xưa, giờ là bản doanh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Khu kho quân sự Mai Hắc Đế xưa tiềm tàng, reo rắc chiến tranh, giờ nhường chỗ cho khu dân cư thương mại sầm uất. Bên sân bay trực thăng, sân bay chiến lược Ngụy, mọc lên "Làng cà phê Trung Nguyên", được xây lên bằng những hình thể khối đá theo lối kiến trúc hoang sơ độc đáo. Ngày ngày, du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức hương vị cà phê theo nhiều cách pha chế của cà phê Trung Nguyên. Sân bay Hòa Bình, nơi các chiến sĩ tiểu đoàn đặc công nhận sứ mệnh phát hỏa cho trận đánh mở màn vào Buôn Mê Thuột đêm 10/3/1975, giờ đây nối cánh bay đến mọi miền đất nước, đưa đón du khách về với Tây Nguyên. Bến xe Buôn Mê Thuột mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đi, xe về, đón khách đến thăm cao nguyên, đưa đón lao động khắp nơi đến giúp Tây Nguyên thu hái cà phê, cạo mủ cao su, thu hoạch nông sản đỗ, lạc.

Hiếu kỳ, tôi đến Bản Đôn, nơi rạng sáng ngày 10/3/1975, những đoàn quân của ta rùng rùng vượt qua dòng sông chảy ngược Srepok về giải phóng Buôn Ma Thuột. Bản Đôn hôm nay nổi lên khu du lịch sinh thái. Những gốc cây si mọc đan chen thành một quần thể, rễ dài qua hàng thế kỷ thời gian, quấn quít tạo nên một rừng si phủ trên mặt sông. Ai khéo bắc những cây cầu khỉ bồng bềnh qua những thân cây, bộ rễ cổ thụ đón khách về ngồi trên rừng si phủ kín mặt sông uống rượu cần, rượu A-Ma-Kông, thưởng thức món cá nướng Buôn Đôn bắt dưới sông Srepok, thưởng thức món rau rừng bộ đội Trường Sơn ngày ấy hái ăn cầm hơi ra trận. Bản Đôn có nghề săn voi nổi tiếng Đông Dương. Dũng sĩ nào bắt được trăm voi, được suy tôn là Gru. Các Gru qua đời, được vinh danh chôn cất trong nghĩa trang riêng, dành cho các dũng sĩ bắt voi.

Đến Bản Đôn nghe chuyện kể, khi đoàn trinh sát của ta bí mật đi khảo sát mở đường đưa xe tăng qua sông, bất ngờ gặp hai cha con ông già cưỡi voi đi về phía bờ sông. Không còn đường tránh nào khác, Chỉ huy đoàn của ta phải ra đề nghị ông già cam kết giữ bí mật. Ông già đưa tính mạng con trai mình đang ngồi trên bành voi ra thề, sẽ không tiết lộ điều gì. Rồi chuyện, bà con đi núi, vào rừng cạo mủ cao su gặp công binh ta đang cưa những gốc cây rừng, cắt 2/3 gốc cho sắp đổ, rồi ngụy trang trở lại, để khi xe tăng qua, húc đổ thành đường, tiến vào thành phố. Bà con không ai về báo cho địch. Mới biết, đồng bào Tây Nguyên yêu hòa bình, yêu độc lập tự do, mong đợi các anh Bộ đội Cụ Hồ về giải phóng quê mình từ lâu rồi! Nhớ xưa, Đắk Lắk là quê hương người anh hùng N'Trang Lơng hai mươi bốn năm dựng cờ đánh đuổi thực dân Pháp. Rồi những năm kháng chiến, hình ảnh bà mẹ Tây Nguyên địu con trước ngực, gùi đạn sau lưng; những em bé lưng trần, những cụ già chống gậy theo đoàn dân công đi tải đạn còn in trong tâm trí mỗi người. Nhiều người ngưỡng mộ tới thăm mộ của các Gru săn voi Bản Đôn, viếng mộ Vua voi Y Thu Knul, còn có tên Lào là Khun Sa Nop, viếng mộ vua bắt voi A Ma Công; tới thăm ngôi nhà vua voi A Ma Công, một ngôi nhà sàn hai mái truyền thống của người Lào, thưởng thức và mua rượu thuốc A Ma Công do tay con gái vua voi bốc. Khách đến Bản Đôn thích cưỡi voi du lịch.

Đến Tây Nguyên, ai chưa tới thác Đray Sáp, Đắk Lắk để nghe câu chuyện tình của chàng trai Srepok, dòng sông chảy ngược, chưa hiểu được tình yêu cao nguyên. Chuyện kể, ngày xửa ngày xưa, buôn làng cao nguyên có chàng dũng sĩ, anh hùng Đam San. Chàng mất tích trên đường đi chinh phục trái tim người con gái của thần Mặt trời. Người ta tìm thấy xác chàng gục ngã trên đỉnh núi Sáp Đen, nơi giáp ranh giữa trời và đất. Một người con gái tên là H'Bia Điêt Kluc đã trọn tuổi thơ uống chung bến nước với dũng sĩ Đam San. Trái tim nàng đã cháy ngọn lửa tình yêu với chàng. Nhưng tim chàng Đam San sau đó lại chọn một người con gái ở bến nước khác, tên là H'Bhi, xinh đẹp hơn nàng H'Bia Điêt Kluc... ba đốt ngón tay.

Được tin xác chàng Đam San nằm lại trên đỉnh núi Sap Đen, nàng H'Bia khóc cạn một con suối. Rồi một đêm, trời mưa như thác đổ, từ đấy buôn làng không ai còn thấy nàng H'Bia Điêt Kluc đi núi nữa. Nàng đã đi đâu? Không ai biết! Chỉ nghe, có một già làng xưa nhất, xưa hơn cả các nhà sử thi DămDi, ChiLơ Kok, Mdrong kể lại, nàng lên đỉnh núi phía mặt trời lặn, đi tìm Đam San. Đến một con suối trong vắt, kiệt sức, nàng đã đắm mình ở đó. Thân thể trinh trắng của nàng H'Bia đã từng tỏa hương trên da thịt chàng dũng sĩ Đam San, khiến dòng suối cũng đắm đuối. Cảm kích bởi tình yêu của nàng H'Bia dành cho chàng, theo ý nguyện của nàng, con suối chảy khắp đại ngàn Tây Nguyên đi tìm dấu chân chàng Đam San. Hồn nàng đã hóa mình vào con suối, trở thành dòng sông K'rong Ana - dòng sông cái huyền thoại.

Bên phía mặt trời mọc, một đêm trăng vằng vặc, chàng Đam San đã cảm nhận được tình yêu nàng H'Bia dành cho chàng. Ân hận, hồn chàng đã hòa vào dòng suối để đi tìm nàng, tạo thành dòng sông Krong K'no - dòng sông đực.

Trải qua biết bao thời gian, chảy qua biết bao thác ghềnh, hai dòng sông đã gặp nhau, ào ạt giao hoan sinh ra dòng sông Srepok - chàng trai Srepok dũng mãnh. Chàng được sinh ra từ tình yêu bất diệt hai dòng sông Krong K'no và K'rong Ana.

Chàng Srepok trưởng thành vừa rời khỏi địu nôi của sông cha, sông mẹ, xoải theo cánh sóng ra biển, bỗng từ trên đại ngàn, một ngọn gió bay đến, mang theo giọng hát của người con gái tên là H'Nũ. Giọng hát của nàng khiến trái tim Srepok muốn ngừng đập, dòng sông Srepok ngừng chảy. Chàng định ngược dòng đi tìm giọng hát, thì ngực chàng va phải một tảng đá. Phía trước chàng là vực sâu thăm thẳm, hoang vu. Srepok ngơ ngác, định tiếp tục sải theo cánh sóng ra biển, lại nghe tiếng hát của nàng H'Nũ từ dưới vực sâu hoang dã tha thiết vọng lên: "Hỡi giàng núi, giàng gió! Hãy nói với giàng sông, giàng suối đưa người con trai của dũng sĩ Đam San về với ta! Khi ngực ta vừa nhú núm cau, tóc ta vừa dài bằng lá lau, giọng hát ta trong như tiếng hót chim sơn ca, chàng trai dũng mãnh Srepok đã có trong giấc mơ của ta rồi. Srepok hãy quay về với em, dù chàng phải chảy ngược dòng! Biển cả có bao nhiêu dòng sông đổ về. Trái tim em trên cao nguyên chỉ có mình chàng thôi!

Nghe câu hát, chàng Srepok sững sờ, ngước nhìn mặt trăng đang vằng vặc soi, bỗng bắt gặp khuôn mặt nàng H'Nũ cũng đang soi trên mặt trăng. H'Nũ mỉm cười với chàng. Sắc đẹp quyến rũ của nàng khiến tim chàng Srepok cháy lên ngọn lửa. Không dập nổi ngọn lửa đang bùng cháy trong tim, Srepok chồm lên ngọn sóng, cuộn mình định trườn về phía vực thẳm, nơi đang vọng lên giọng hát khát vọng của nàng H'Nũ. Bỗng từ phía dòng sông Krong Ana, Srepok nghe tiếng mẹ H'Bia khóc gọi: Hỡi con trai Srepok dũng mãnh yêu quý! Con đừng làm điều trái ngược với những gì xưa nay tổ tiên đã sắp đặt. Hãy xuôi về với biển cả mênh mông. Nơi đó có bè bạn đang chờ tình yêu của con. Con đã rơi xuống cái vực sâu thẳm kia, không bao giờ có thể quay lại được nữa. Đừng làm cái việc dại dột như cha Đam San ngày trước, đi chinh phục tình yêu của con gái thần Mặt trời, để rồi phải nhận cái chết bi thương trên đỉnh núi Sáp Đen. Tiếng mẹ H'Bia từ dòng sông Krong Ana vừa dứt, tai chàng lại nghe tiếng cười vang như tiếng sấm của cha Đam San từ phía dòng sông Krong K'no: Con trai Srepok của ta ơi! Không có tình yêu cao cả nào lại không phải trả giá đắt. Nếu con không hi sinh vì trái tim khát vọng của mình thì vẫn còn kịp. Hãy quay về với biển cả buồn tẻ kia đi! Tiếng cười của cha Đam San âm vang theo tiếng cồng chiêng, vọng khắp buôn làng đại ngàn Tây Nguyên.

Srepok thấy bóng cha vừa hóa vào dòng sông Krong K'no, bộ ngực nở nang của chàng chồm ngược lên những ngọn sóng, bất ngờ trườn xuống vực sâu, tạo thành dòng thác Đray Sáp bốn mùa tung mây trắng giăng giăng khắp đại ngàn. Giọng nàng H'Nũ từ dưới vực sâu thẳm bay lên một khúc nhạc cao vút, bởi tim nàng sắp vỡ tung ra vì hạnh phúc. Nàng không ngần ngại băng tấm thân mảnh mai, huyền diệu theo dòng thác để đến với Srepok. Hình bóng chàng và nàng huyền ảo hòa vào những ngọn sóng bất tận. Thác Đray Sáp rộn lên khúc nhạc âm vang, tung màn sương trắng hòa với ánh mặt trời tạo thành sắc cầu vồng lung linh, hòa theo tiếng cồng chiêng âm vang.

Đời sau, các đôi trai gái Tây Nguyên tin rằng, họ yêu nhau, dắt nhau đến tắm một lần dưới dòng thác Đray Sáp, tình yêu của họ sẽ bất diệt. 

Đến Buôn Mê Thuột nghe giọng hát của các chàng trai, cô gái K'Ho, Ê Đê, nhớ giọng hát của chị Siu Black. Giọng hát của các chàng trai, cô gái cao nguyên thoát ra từ lồng ngực căng phồng, tràn đầy khí núi. Những lời ca nấc lên từ con tim khát vọng, cháy bỏng tình yêu, cháy bỏng tự do. Họ hát bằng ánh mắt rực lửa, bằng cả lồng ngực căng đầy, cánh tay vạm vỡ, săn chắc, bật lên nốt nhạc từ con tim. Giọng hát hòa theo gió núi, quyện vào tiếng cồng chiêng làm thổn thức tim người.

Tới buôn Krong Ana, tôi may mắn tới thăm Y Luyện Nie Kdam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Quốc hội, người con Ê Đê, nghe ông kể chuyện trận đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột, chuyện tiễu trừ Phurol, được ông đãi lẩu thịt rùa, uống rượu tiết rùa, nghe kể tiết rùa vàng chữa được bệnh thần kinh. Giờ về nghỉ hưu, không ngày nào thiếu bạn, vẫn bận rộn với công việc trại bò, trang trại thừa kế từ ông nội.

Kể đôi điều về Nhà Dài truyền thống của đồng bào Ê Đê. Nhà dựng theo kiểu nhà sàn, quay đầu ra ngõ, nhưng sàn không cao như nhà sàn phía Bắc, không nuôi gia cầm, gia súc dưới gầm. Sàn cốt để tránh mưa rừng, thú dữ. Gọi là nhà dài, vì theo năm tháng, con cháu sinh sôi, mái nhà sẽ được kéo dài về phía sau. Ngôi nhà có bao nhiêu cửa sổ, là nhà có bấy nhiêu cô con gái. Cửa sổ thường là lối con trai con gái bí mật đến với nhau. Trước nhà có hai cây cầu thang. Cây cầu thang đực gầy bé, đặt bên phải, đục đẽo từ cây gỗ tròn. Cầu thang cái đặt bên trái, đục đẽo bằng cây gỗ mập mạp hơn, đẽo gọt công phu hơn. Đầu cầu thang cái gọt đẽo đôi bầu ngực phụ nữ. Khách lên nhà ai biết, sờ tay lên đôi bầu ngực đó, được chủ nhà quý mến, vì biết tôn trọng người phụ nữ trong nhà. Người Ê Đê giữ phong tục mẫu hệ.

Tạm biệt Buôn Mê Thuột, tạm biệt những cánh rừng bạt ngàn năm xưa che chở cho bộ đội xe tăng tiến về giải phóng quê hương, tạm biệt những cánh rừng cao su bát ngát, những cánh rừng cà phê hoa trắng ngần, thơm ngào ngạt, những cánh rừng nông sản xanh đến tận lưng trời đang hàng ngày làm giàu cho Tây Nguyên, tạm biệt những con người cần cù, yêu hòa bình, tự do, yêu cuộc sống bằng trái tim đầy nhiệt huyết, bằng tình yêu đối với Cao nguyên cao hơn cả những ngọn núi cao nhất đại ngàn!

28/4/2023

Đ.A.M

Tin tức khác

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 41 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 146 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 89 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 96 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 88 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 104 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 104 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 100 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 150 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 101 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 219 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 510 lượt xem