Tiến về Sài Gòn

Thứ năm, ngày 14-12-2023, 09:56| 767 lượt xem

Nguyễn Quốc Tấn

 

Tháng 4/1975. Những trận đánh giải phóng tỉnh Phú Yên rồi cuốn về Sài Gòn.

Ngày 20/4, quân ta ém quân ở Bến Đình (Củ Chi), nơi này có rất nhiều ổi, sum suê la đà xuống mặt sông. Những cành ổi che làm mái nhà cho trạm giao bưu đã qua nhiều mùa mưa nắng. Mùa nóng bộ đội mắc võng sát mặt nước. Nằm nhìn lục bình trôi trên dòng sông và những con nhện nước chạy tung tăng mà thấy cuộc sống thanh bình đến thế, không ai nghĩ là chiến tranh và súng đạn đang kề cận.

Cách tôi chừng hơn chục mét, cánh võng của một cô gái giao bưu tuổi cùng cỡ chúng tôi ngồi thõng chân nhìn ra phía dòng sông.

Mấy ngày nay bộ đội chủ lực về đây đông nghìn nghịt kín cả dọc sông Sài Gòn. Những con chim sâu thấy đông bộ đội cũng nhảy múa hót chích chích liên hồi vui vẻ. Phía bên cô giao bưu không biết nghĩ gì mà im lặng đến hàng giờ để nhìn lục bình trôi ngoài mặt sông, những chùm hoa tím xen trong những khóm lục bình thơ mộng êm đềm lặng lẽ trôi như dòng sông không hề có biến cố bao giờ, cả tiếng bìm bịp kêu cũng gợi lên một không gian tĩnh lặng yên bình.

Cô gái giao bưu có mái tóc dài đen nhánh buông thả ngoài cánh võng, làn tóc cũng đung đưa theo sóng của lục bình trôi, khuôn mặt trái xoan hiền dịu, làn da của cánh tay, đôi chân để trần từ đầu gối xuống với bộ bà ba đen càng làm nổi bật làn da như trứng gà bóc của cô, hình ảnh gợi lên một thôn nữ ở quê nằm trên cánh võng bên bờ ao trong mùa hè đầy gió ở quê tôi, trong khuôn mặt trẻ trung ấy chỉ có đôi mắt đang đọng lại nỗi buồn sâu thẳm.

Trời ở đây rất lạ, ngày nắng, lộng gió nhưng chập tối bất chợt đổ mưa, những trận mưa ngắn nhưng rất nặng hạt, cơn mưa chỉ ào qua vài phút rồi lại tạnh ngay, có lẽ người ở Củ Chi rất quen với kiểu mưa này nên khi bắt gặp cơn mưa thì không ai chạy trú mưa, kệ mưa cho ướt. Dưới cơn mưa bộ áo bà ba đen sũng nước ôm chặt lấy thân hình thon thả, những đường cong rõ nét của thân hình thiếu nữ được phô ra chân thực tự nhiên như chính cơn mưa, thân hình chắc khỏe trong làn áo ướt, sức sống căng tràn lồng ngực, tóc được kẹp bằng cặp ba lá hất cao lên trông rất duyên dáng, thân hình và đường cong được tôn lên với chiếc thắt lưng da màu nâu, chân đi dép đúc trông nhẹ nhàng mềm mại rất phù hợp với miền sông nước, cổ quấn khăn rằn, vai khoác cacbin nhìn rất khỏe khoắn đáng yêu.

Dọc bờ sông là những vạt cỏ cao vút đầu người, các đơn vị nằm dưới tầm làn cỏ ấy, vừa ngụy trang vừa là thảm cỏ êm ái cho những cuộc họp nhanh để phân tích, phán đoán tình huống tiến, cứ một đoạn quân. Xen lẫn với quân chủ lực là các đơn vị biệt động thành. Lúc đầu cứ nghĩ họ là những nhân vật mặt xạm khói súng. Nhưng không, họ lại là những nhân vật trông rất thư sinh mà rắn rỏi, ai cũng có gương mặt đẹp đến nao lòng, đôi mắt mơ màng, trên môi thường trực những nụ cười rạng rỡ đầy cởi mở. Trong số đó, nhiều chị em đã quay lưng từ bỏ cuộc sống vật chất sung sướng nơi phồn hoa để theo kháng chiến.

Lệnh ngày 27/4 chỉ thị xuống, tất cả cán bộ chiến sĩ khâu một miếng vải trắng trên ngực phải, ghi vào đó phiên hiệu đơn vị, phải có một miếng vải đỏ đeo vào cánh tay áo bên trái. Đặc biệt là trận đánh này phải mặc quần áo mới như đi dự hội, phải quán triệt thái độ ứng xử với nhân dân trong thành phố khi tiến vào giải phóng.

Các đơn vị, từng người đăng ký “Dũng sĩ thành đô trên đất thành đồng”. Phương án tác chiến đã chỉ đích danh đơn vị nào tiến thẳng vào bộ chỉ huy đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn. Các trung đội phải chủ động cờ đỏ sao vàng để cắm lên các cơ quan đầu não của Ngụy.

Qua thời gian chiến đấu, lực lượng ta cũng bị sứt mẻ ít nhiều, có những chiến sĩ trẻ mới trải qua vài trận đánh đã đảm nhận B trưởng, C trưởng, D phó. Những cán bộ chiến sĩ “hơi cũ” đã được thử thách lên đảm nhận cương vị mới.

Nhiều đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ đang tranh thủ cắt tóc cho nhau, mấy anh em ở các tỉnh miền núi hiền lành nhưng hơi chậm, đó là lý do làm cho các đồng chí chỉ huy rất lo cho trận đánh tới vào Sài Gòn. Linh tính mách bảo quả không sai, mấy anh em hiền lành chậm chạp ấy sau trận đánh cách đó mấy hôm đã không trở về, lòng chúng tôi trào lên dòng tình cảm hết mực yêu thương khó tả, không ai nói với ai nhưng dòng nước mắt cứ cay xè chảy dài trên má.

Trong chiến trận những lúc này vẫn có thời gian thư giãn, gối đầu lên balo trò chuyện. Mưa buổi chiều ào qua, bộ đội lại lau súng, kiểm tra lại quai dép cho chắc chắn, mấy chiến sĩ còn tìm thư của gia đình ra đọc cho đỡ nhớ nhà.

Ngày trước, những trận đánh trong rừng rú, đêm tối chẳng ai nhìn rõ mặt nhau, giờ đây trước cuộc ém quân chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, được nhìn gần và trực diện, bộ đội ta sao mà đẹp và trẻ thế, khí thế của bộ đội rừng rực chí tiến công, đặc biệt lại được mặc bộ quân phục mới càng thấy bộ đội ta hiền lành như đang sống với gia đình.

Trong lúc ta ém quân, tiếng pháo ta và địch vẫn bắn đối nhau, nghe tiếng pháo và nhìn những cột nước ở mặt sông dựng lên vì đạn pháo, những mảng hoa lục bình tung lên bị xé nát rơi xuống mặt sông. Lúc này mới cảm nhận thấy đây là chiến trận, khác hẳn với những giờ phút yên bình ngắm cảnh lục bình lững lờ trôi.

Ngày 28/4. Buổi chiều, ánh nắng vàng nhạt trôi chậm rãi, ai cũng ngồi ôm balo chờ lệnh, lính cũ thì ngủ gật, lính mới thì háo hức.

Bốn giờ chiều, đơn vị biệt động hành quân qua, nhìn ai cũng trẻ đẹp, nhiều con gái quá, lại xinh đến nao lòng, những đôi mắt lúng liếng nhìn các anh bộ đội chủ lực đang ngỡ ngàng nhìn theo những bắp chân trần nõn nà đỏ ửng lên bởi quai dép cao su.

Mặt trời khuất dần, lệnh hành quân được chỉ thị xuống, cả ngàn người bám sát vào nhau. Trong hàng quân không ai giấu nổi vẻ rạo rực, cứ một đoạn lại có một nữ biệt động dẫn đường. Chúng tôi cũng là lần đầu tiên xông pha trận mạc mà lại có con gái dẫn đường, chiến trận ở phía trước nhưng trong mỗi người không ai nghĩ rằng đi chiến đấu mà lại đàng hoàng thư thái như ở quê nhà ngoài Bắc. Trời tối dần, phía đông Nam Sài Gòn là những quầng lửa sáng rực. Phía Tây những cột lửa đỏ bốc cao ngùn ngụt, kho xăng Đồng dù bị pháo kích lúc chiều vẫn đang bốc cháy.

Trong cuộc hành quân ngột ngạt, pháo địch bất chợt nổ, đội hình phía sau khựng lại, một chiến sĩ trinh sát chạy lên báo cáo D7 bị thương 3, hi sinh 4. Trong đoàn, lệnh hành quân nhanh hơn nữa. Trước mắt một con mương sâu, rộng chừng 15m, bộ đội ào xuống vượt qua, vừa ì ọp vừa cười. Bất chợt có tiếng hô: “Có người chết đuối”!. Nghe tiếng hô, chiến sĩ gái biệt động lao tới dìu chiến sĩ Dìn không biết bơi, các chiến sĩ khác thấy thế cười khoái chí, lính biệt động quát: Thấy đồng đội chết đến cổ mà không giúp còn cười, mọi người im bặt.

Vượt qua đường 8, đoạn Phước Vĩnh An, đồn địch bắn 12 ly 8, đạn đỏ lừ, bộ đội cứ tiến về phía cầu Bông, mùi bùn, mùi lúa đang con gái quện vào nhau ngai ngái trong đêm, lính hỏa lực ngã lên ngã xuống, bờ ruộng nhỏ, bùn trơn, tôi bảo Ngọc Hồng, nữ biệt động thành cứ dẫn bộ đội đi trên lúa, Hồng không đồng ý, sợ làm nát lúa. Tôi quát: “Đây là mệnh lệnh, không được chậm giờ”. Thế là đoàn người cứ bì bõm lội ruộng, cứ thế bộ đội vòng qua cánh đồng rìa làng Tân Thông Hội xuống Tân Phú Trung.

Khoảng 1 giờ sáng, trăng nhú lên, tất cả đội hình đến cánh đồng dưa của dân Tân Phú Trung, tất cả phải hạ balo xuống im lặng, ngồi trên cánh đồng dưa mà thèm khát vô cùng nhưng lệnh cấm hái dưa của dân được phát ra, thỉnh thoảng đâu đó nghe tiếng nhai dưa giòn trong miệng nhưng không ai nói với ai. Đội hình dưới ruộng lên đủ. Đêm đầu tiên chiếm lĩnh trận địa ven đô, lòng dạ ai cũng bồi hồi, lần này lại đi cùng với mấy cô gái, mùi hương của mái tóc thoang thoảng bay trong gió, một hương vị làm xao xuyến tâm can bộ đội, sau bao ngày tháng ở rừng, bây giờ mới được thưởng thức hương thơm trên làn tóc của người con gái, mùi mồ hôi thơm dịu toát ra từ thân thể của người khác giới cũng làm quên đi sự mệt nhọc trên những chặng hành quân cận kề sống thác.

Chúng tôi nhìn về Tân Sơn Nhất, đèn đỏ nhấp nháy trên không trung của những máy bay lên xuống, tiếng đạn pháo 130 ly của ta đang bắn cầm canh về phía đó.

Đưa các đại đội chiếm lĩnh xong xuôi các vị trí, lúc này sao cảm thấy thời gian trôi chậm thế. Trận địa im lặng, mắt chúng tôi đăm đăm nhìn về mấy lô cốt ngoài ấp chợ. Cả một vùng phía Bắc Sài Gòn nín thở, chờ giờ phút bùng nổ trận công phá cuối cùng. Lính thông tin rải dây vào các đại đội trở về ngồi trên bờ ruộng chúi đầu, miệng cắn chặt những ngọn cỏ chờ lệnh.

Ngày 29/4/1975, phía đông trời đã bàng bạc sáng. Đúng lúc đó phía Đồng Dù quân ta tấn công, loạt DKZ, cối 82, cối 120 ở đồng Tân Phú cũng phát hỏa, ngay loạt DKZ đầu tiên, đồn cảnh sát Cầu Bông bị đánh sập hoàn toàn, bộ binh D9 và đặc công vận động xông lên chiếm cầu, hơn 8 giờ sáng đã chiếm được Cầu Bông. Phía ấp chợ trên các lô cốt, địch bắn dữ dội vào đội hình của ta, trên đồng trống, ta bị thương vong trên 20 người, Thuận C7 bị đạn xuyên vào cổ nhưng cố bò ra khỏi cánh đồng. Đạn địch từ mấy lô cốt bắn vào trận địa 12 ly 7 của ta. Lúc này Khuất Hoan hăng máu chồm lên ôm khẩu 12 ly 7 nghiến răng bắn trả lại địch, cũng lúc này, Hoa người Cao Bằng bật dậy bắn liền 2 phát B41 rồi ôm khẩu trung liên từ tay 1 liệt sĩ bắn xối xả về phía địch, không may Hoa bị trúng đạn gục xuống bên khẩu trung liên còn nóng bỏng. Trận đánh dai dẳng đến 11 giờ trưa thì nghe tiếng xe tăng chạy từ Củ Chi về Sài Gòn, bộ binh quay súng B40 nhằm thẳng vào xe tăng địch nổ súng, luồng lửa phụt ra trùm kín 2 chiếc tăng địch. Sau lúc này, thấy xe tăng cắm cờ đỏ sao vàng, bộ binh ta sướng quá hô lên rối rít, xe tăng ta quay nòng vào lô cốt nhả đạn, mấy lô cốt nổ tung đổ sập, gần trăm lính Ngụy lúc đó mới kéo nhau ra hàng. Cứ điểm án ngữ cuối cùng đã mở toang. Xe tăng, pháo binh, bộ đội ta ào ạt xông vào thành phố. Tiểu đoàn E198 phải để lại hơn 30 tử sĩ và hơn 50 thương binh cho các mẹ các chị ở trong làng khâm liệm và chăm sóc. Bộ đội cứ xông lên nhằm thẳng Sài Gòn thẳng tiến, khắp các ngả đường quanh Sài Gòn đâu đâu cũng thấy quân giải phóng, gương mặt trẻ trung sạm khói súng, tươi cười vẫy chào bà con đứng chật hai bên đường. Cả Sài Gòn bị dồn nén bao lâu nay ùa ra, màu cờ đỏ sao vàng xen với cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam bay rợp trời. Lính Ngụy trút bỏ hết quân phục ngồi la liệt trên vỉa hè, đường phố ngổn ngang quân trang quân phục mang nhãn hiệu Mỹ - Ngụy. Mọi người như trong mơ chưa bao giờ nghĩ mình được thấy Sài Gòn hoa lệ. Thế mà giờ đây chúng tôi đang hân hoan đi giữa Sài Gòn với tư thế của người chiến thắng.

N.Q.T

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 68 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 12 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 11 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 3 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 87 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 6 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 14 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 18 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 67 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 14 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 140 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 458 lượt xem