Đi tìm trong ký ức lãng quên

Thứ tư, ngày 20-09-2023, 09:59| 916 lượt xem

Lê Ngọc

 

 

Sứ mệnh của nhà thơ đôi lúc không phải là ghi chép những gì đang hiện hữu mà còn đánh thức cả các giá trị đã ngủ sâu dưới trầm tích thời gian. Đinh Công Thủy nhà thơ của mảnh đất Tuyên Quang yên bình bên dòng Lô êm ả đang thực hiện điều đó như duyên nợ phải làm. Với tập thơ “Từ 1 lãng quên” phát hành năm 2023, anh đã mang cho độc giả nhiều chiêm nghiệm về đời thơ và đời người...

Không ai biết tại sao anh lại chọn một cái tên kỳ lạ này cho tập thơ đánh dấu một sự trở lại sau thời gian dài nuôi dưỡng hồn thơ. Từ những lãng quên của ký ức, của đời sống, mạch thơ Đinh Công Thủy trỗi dậy mạnh mẽ hòa chung vào dòng chảy văn học đương đại với một cái tôi riêng biệt. Không có những câu thơ lục bát trữ tình. Không có những hình ảnh thân quen về xóm giềng, ruộng đồng. Thơ Đinh Công Thủy mang vẻ đẹp của sự phóng khoáng, dưới cái nhìn đa chiều về phố thị và thiên nhiên, con người, cuộc sống vùng cao.

Chúng ta sẽ lật mở từng gam màu của cuộc sống, trong những tiếng thở dài chuyển mình của thời gian, một hình hài dần dần ẩn hiện:

“Buổi sáng mang rất nhiều thông điệp

Trong ánh mắt trẻ con

Trong động tác buộc dây giày

Trong chùm chìa khóa

Trong vòng tua động cơ

Một tiếng còi

Sáng nay loa kèn nở trắng”

                Trong hình hài buổi sáng

Với những hình ảnh quen thuộc, một bức tranh cuộc sống bình dị được mở màn từ buổi sáng, thời điểm bắt đầu cho ngày mới. Như sự thức dậy của con người, khi biết lắng nghe những âm thanh của phố thị, của nếp nhà, của góc phố, mọi cảnh vật đang gieo vào lòng độc giả chút rung động đầu tiên. Phải chăng cuộc sống luôn được góp thành từ những điều nhỏ nhặt, là “bầy chim sẻ”, “hình hài buổi trưa”, “Mùa về dần theo đôi mắt chân chim”…

Từ ngõ phố nhỏ gắn bó đời mình, Đinh Công Thủy dần kể những câu chuyện xa hơn, đó cảnh núi non hùng vỹ của thiên nhiên vùng Đông Bắc của “Nơi ấy là rừng”, “Trên con đường hoa nở” với những vần thơ thật đẹp:

“Nơi ấy là rừng

Nơi ấy mùa này bi chuối đỏ

Vài con chim bay lên

Bởi sự hiếu động của bầy sóc

 

Nơi ấy mỗi chiều xanh khói bếp

Thoát ra từ đám bồ hóng ẩn ức

Mỗi buổi sáng đều có một mặt trời

đêm đêm trong giấc mơ có những vì sao bỏ trốn”.

                                                Nơi ấy là rừng

Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ anh lúc nào cũng gắn liền với vẻ đẹp con người. Bằng tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ, Đinh Công Thủy đã thu nhặt mọi góc cạnh của đời sống người dân miền núi để trải vào thơ. Anh dẫn độc giả qua mùa cấy mạ, nhìn ngắm những con ngựa vùng cao, bóng nhà sàn đổ nghiêng theo nắng chiều. Để rồi chỉ vài ý thơ, chúng ta như đã nhập thân vào nhịp sống sinh hoạt đầy sắc màu thi vị ấy.

“Từ mái nhà dột

Những người đàn bà thổi khói

Đánh thức sự bẩn gắt bẩm sinh

 

Những đứa trẻ mắt tròn

E ngại, dò xét

Chúng phẩy nắng trên tóc

Rớt xuống một đốm lửa bên chiếc nồi cũ

Hé vung”.

                      Từ mái nhà dột

Có thể nói rằng, trong một khoảnh khắc nào đó, Đinh Công Thủy đã đem đến cho độc giả nhiều hơn những vần thơ. Thiên nhiên hiện ra với đủ mọi lát cắt, có mênh mang chiều mây khói, có mùa xuân hoa nở ven đường, có bảng lảng khói lam bay mái bếp, có vu vơ chút cảm xúc mơ hồ. Thế nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất ở đây là hình ảnh cái tôi cá nhân của nhà thơ thực sự được biểu hiện đậm nét. Không nhạt nhòa trong những hình ảnh ẩn dụ phức tạp, chúng ta dễ dàng bắt gặp những giây phút mà tác giả đang tự suy ngẫm, thở dài trước chuyện đời, chuyện người...

Dường như, thơ đã vận vào đời anh như một cái nghiệp và mỗi lần làm thơ là một lần anh rút ruột, rút gan để gom nhặt chuyện đời. “Từ 1 lãng quên” vẽ ra bao nhiêu chuyện trong ký ức, trong thực tại để cho chúng ta thấy hóa ra đời nhiều cảnh đẹp nhưng cũng lắm nỗi trầm luân. Với những hình ảnh ẩn dụ mới lạ, nhà thơ Đinh Công Thủy vẽ lên một bức tranh đa màu sắc về con người, thiên nhiên và cả những suy nghĩ rất riêng tư của mình. Cùng với các biện pháp nghệ thuật tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, hình ảnh thơ hòa chung vào tổng thể nhịp thơ một cách đầy tinh tế khiến cái chất thơ được thổi hồn sống động làm dư âm ngây ngất trong lòng người.

Và mai này, khi dòng chảy của đời sống vẫn âm thầm vỗ sóng, những trầm tích tưởng đã quên lại một lần nữa bị đánh thức từ một lãng quên tưởng chừng ngủ say…

L.N

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 233 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 121 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 119 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 110 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 164 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 116 lượt xem