Thành Tuyên những ngày ấy

Thứ sáu, ngày 10-02-2023, 09:16| 1.088 lượt xem

Cao Duy Sơn

 

Ảnh chụp tại Trại sáng tác tháng 6 năm 1984 tại Tuyên Quang

 

Nhớ lần đầu được đi dự trại sáng tác là một ngày chớm hạ cách đây gần bốn chục năm, trại do báo Văn nghệ Hội Nhà văn cùng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tuyên tổ chức tại thị xã Tuyên Quang (từ tháng tư đến tháng 6 năm 1984). Khi đó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Hà Tuyên là nhà thơ Gia Dũng, anh Hoàng Định, Phó Ty Văn hóa tỉnh kiêm Phó Tổng Thư ký Hội (chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội như hiẹn nay). Trụ sở Hội đối diện với Văn phòng Ty Văn hóa Thông tin tỉnh, nằm lưng chừng quả đồi có con đường dốc dẫn lên, bên lối đi có hàng phượng vĩ và dã hương cổ thụ tỏa bóng mát. Chớm sang hạ nên hàng phượng vĩ lúc nào cũng ran tiếng ve; Văn phòng Hội ở một dãy nhà năm gian, tường tooc xi, cột xi măng đúc vuông, mái lợp ngói Đáp Cầu. Trại viên các tỉnh có bảy người được bố trí ở ba gian cuối ngay trụ sở Hội. Ở coi như ưu tiên, nhưng ăn vẫn phải theo chế độ nộp tem phiếu lương thực cho Ban Tổ chức (Hội Văn nghệ Hà Tuyên). Hàng ngày tới bữa ăn, mọi người tụ tập tại bếp ăn tập thể xây cấp bốn, liền với hội trường ngự trên đỉnh đồi.

 Hai tháng ở trại viết là quãng thời gian không thể quên. Lần đầu biết thế nào là trại sáng tác, khi một gã như tôi lúc đó chưa khái niệm gì nhiều về truyện ngắn hay thơ phú. Theo mọi người đi dự trại sáng tác có lẽ do “thích” du hí, tò mò nữa mà theo đi cho biết thế nào. Thực tình hiểu về nó hoạt động ra sao, công việc của  trại viên ở trại là gì vẫn chỉ con số 0. Nói chung chỉ là gã ham chơi và lơ mơ, có lẽ lơ mơ nhất trại. Nhưng chỉ sau vài ngày tiếp xúc với mọi người tôi thấy mình kiệm lời hẳn. Qua nghe ngóng và quan sát, tôi thấy ngưỡng mộ lắm các anh chị từng có tác phẩm in trên các báo Trung ương cũng tham gia trại viết này. Toàn những cây bút đáng nể như: Đinh Công Diệp, Phù Ninh, Hồ Thủy Giang, Đoàn Thị Ký, Trần Khoái… đã từng có truyện ngắn hoặc thơ in trên các báo, Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc và Trung ương từ những năm 1969, 1970. Còn được quen biết các trại viên đến từ các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Hà Tuyên. Mỗi lần gặp mọi người luôn tỏ sự thân thiện với nhau, dễ mến, dễ gần như quen biết từ lâu, như các anh: Cao Xuân Thái, Thái Thành Vân, Nguyễn Trọng Hùng, Phạm Văn Vui, Lê Na, Nông Hải Việt, Nguyễn Ngọc Hiệp, Triệu Đăng Khoa, Ngọc Việt, cùng nghệ nhân Hà Phan và những người khác… Còn vui hơn, lần đầu được gặp các nhà văn tên tuổi lừng lững như: Xuân Diệu, Huy Cận, Đào Vũ, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Thành Long, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trần Ninh Hồ, Định Hải, Trúc Cương… Lúc đó lòng trào dâng niềm vui sướng tự hào, cứ ngỡ như đang mơ.  Tận bây giờ mỗi khi nhớ lại lòng vẫn còn xốn xang.

Sau lễ khai mạc diễn ra trong không khí ấm cúng, giản dị, nhà văn Nguyễn Thành Long trực tiếp gặp từng tác giả văn xuôi, nghe trình bày và góp ý cho đề cương tác phẩm của mỗi người trước khi bắt tay vào viết. Phòng ngủ, cũng là phòng làm việc của nhà văn được bố trí ở khu nhà khách Ty Văn hóa chỉ mở một bên cánh. Lần lượt Hồ Thủy Giang, Nguyễn Minh Sơn (Thái Nguyên), Hữu Tiến, Hoàng Quảng Uyên (Cao Bằng), Hoàng Thế Sinh, Thái Sinh (Yên Bái)... rồi tới lượt tôi. Tôi nhớ khi đó mình run lắm. Bởi sao không rõ? Hồi hộp, hay lo lắng vì chưa chuẩn bị gì cho tình huống. Đề cương ư? Khó cho tôi rồi! Tôi thấy mình rất lơ mơ về cái vụ “đề cương” này; Chưa một lần nghĩ đến, hay hình dung  “nó” ra sao, là như thế nào? Trán, gáy cùng lúc vã mồ hôi trước đôi mắt mở to và sáng của tác giả truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" đang nhìn mình chờ đợi như cặp đèn ló thợ săn. Tôi không đủ tự tin nhìn vào luồng sáng của đôi mắt và vẻ mặt nghiêm nghị ấy. Sao lại có người có đôi mắt to, sáng thế? Cứ như soi thấu ý nghĩ kẻ đối diện. Hoặc như đã bắt thóp cái sự ấm ớ, bất tài của một kẻ đang lóng ngóng đến tội nghiệp. Run, ngượng và xấu hổ cùng lúc muốn biến tôi tan thành nước. Thầm khấn, giá có thể đất dưới chân nứt toác rồi chui tọt, biến mất không tăm tích. Cách nào đó để thoát khỏi tình cảnh? Đang rối như cước chài tôi liền phịa phứa ra một chuyện với giọng ậm à, ậm ừ đứt nối... chuyện... em định sẽ thế này, thế này, rồi thế này ạ...! Càng á ạ lại càng tăm tối thêm. Xem ra lời với lời chẳng ăn nhập gì nhau. Đang ú ớ liền bị cắt ngang: "Cậu đang định viết kịch bản điện ảnh đấy à? Cậu chẳng hiểu gì văn chương đâu, thôi sáng mai rời khỏi đây đi, đừng ở lại nữa". Bị đuổi thẳng cổ ư? Toàn thân nóng bừng như lên cơn sốt. Ra khỏi phòng mà cảm giác đôi mắt ấy vẫn đang soi nóng sau gáy. Ê chề, bẽ bàng không tả xiết. Tôi nặng nề bước ra khỏi phòng trong ánh nhìn ái ngại của mọi người đang đứng chờ tới lượt. Chắc họ đã nghe thấy cả. Đang không biết sẽ thế nào, sau lưng có ai khẽ nói: “Đừng bận tâm, có gì đâu, Sơn hãy ở lại cùng anh em cho vui. Biết đâu lại viết được gì... người viết ai cũng đều có lối thao tác riêng, có người trước khi viết cần phác ra đề cương, có người thì không, nghĩ đến đâu viết đến đó thế thôi. Có điều... đừng lệ vào chuyện người thật, việc thật, tưởng tượng ra mà viết, viết hay là được, như lấy chuyện của mình ra viết ấy Sơn ạ...". Là nhà văn Lê Lựu. Anh chân tình từng lời đủ để tôi nghe như không có chuyện gì xảy ra. Được anh khích lệ tôi thấy tâm trạng được xoa dịu. Và mạnh dạn ở lại. Ở lại và nghĩ, ồ, ra là tưởng tượng, là vắt ra từ trải nghiệm bản thân. Thì tưởng tượng, trải nghiệm. Mất mấy ngày nằm ngửa đếm ngói tôi manh nha một chuyện. Bắt đầu dò dẫm. Lờ mờ một tứ truyện hiện trong trí tưởng. Chữ nghĩa giọng điệu từ đâu đó cũng xuất hiện với tần suất dày hơn, trơn tru hanh thông hơn. Giấy đen, bút máy Trường Sơn, mực Cửu Long, dòng dã hai tháng viết xong. Viết xong lại viết lại cả thảy hơn chục lần, cuối cùng cũng hoàn tất. Không biết bây giờ còn có trại viết nào như hồi đó? Hai nhà văn cùng ăn, ở, làm việc với trại viên tận tình, tỉ mỉ trên từng trang viết. Hai ngày cuối, chuẩn bị bế mạc trại,  các tác giả văn xuôi đều phải đọc tác phẩm của mình cho nhà văn Lê Lựu và mọi người cùng nghe. Cầm bản thảo lên tự đọc. Tới tôi, anh cười, khích lệ: "Sơn đọc đi". Tôi cố trấn tĩnh, run run đọc. Nghe xong anh bảo đưa tác phẩm cho anh, rồi  nhận xét ngắn gọn, truyện viết được đấy chứ. Hôm sau, mới năm giờ sáng, đang còn ngủ chợt thức giấc bởi tiếng gõ cửa. Hữu Tiến ở chung phòng nhỏm dậy, bước ra. Cửa mở, trong ánh sáng mờ hắt từ ngoài sân, tôi nhận ra dáng gày gò của nhà văn Nguyễn Thành Long. Ông hỏi Tiến: "Sơn đâu, Sơn dậy chưa...?". Tôi rời khỏi giường, bước đến. Bắt gặp đôi mắt sáng kia đang nhìn, tôi bỗng run, không biết chuyện gì nữa đây? Thật sự lo. Sau một hồi, ánh mắt ông trở nên dịu lại, ông ôm vai tôi vỗ vỗ, rồi cất giọng chân tình: "Khá lắm, khá lắm... mình định văn nghệ số tới sẽ in truyện "Mưa rừng" của Tiến và "Dưới chân núi Nục Vèn" của Sơn, nhưng Lê Lựu nói sẽ đưa truyện của Sơn về Tạp chí Văn nghệ Quân đội in vào số tháng 8 tới". Tôi thấy mình như bay bổng. Không thể tin đó là thật, lần đầu tiên viết được một truyện ngắn, và hoàn thiện nó bằng sự bỡ ngỡ vụng về; và cũng chính cái đầu tiên này nay lại được chọn in trên một Tạp chí danh giá, uy tín của đất nước thật ư? Mừng vui không tả xiết.

Trời sáng, tôi hồi hộp chờ gặp nhà văn Lê Lựu muốn trực tiếp được nghe anh nói thêm gì đó về hành trình sắp tới đây tác phẩm của mình, mong được nối dài thêm niềm vui đang âm ỉ. Anh Lựu kia, ống điếu thuốc lào trên tay vẫn vởn khói. Thấy tôi anh liền bảo, anh Nguyễn Thành Long đồng ý với mình rồi, truyện của Sơn mình sẽ đưa về in Tạp chí số tháng 8. Khi nào Tạp chí ra mình sẽ báo tin biết nhé. Nghe anh nói chắc, tôi không giấu nổi niềm vui. Vui mà không biết nói gì. Lúc ấy tôi còn nhớ, cùng mấy anh em dự trại, chúng tôi ngồi quanh anh nghe anh nói chuyện. Anh Lê Lựu có kiểu nói chuyện tự nhiên cuốn hút lạ lắm. Không chỉ ở cách nói mộc mạc, mà những chuyện anh kể thường rất hóm và thông minh. Kể mà như đang đọc cho mọi người nghe truyện ngắn, hay chương tiểu thuyết nào đó. Có lúc anh đọc liền mạch cả nửa tiếng mà không hề vấp, hay phải dừng lại để nghĩ. Nhớ bữa đó anh kể chúng tôi nghe chuyện tình của một đôi trai gái thôn quê, họ gặp nhau, yêu nhau trong một đêm trăng tại sân kho hợp tác xã. Một đêm trăng ngập tràn ánh vàng lãng mạn và hạnh phúc. Khi dừng lời anh hỏi, các ông thấy thế nào? Nhà văn Minh Sơn Thái Nguyên bảo, anh kể chuyện mà cứ như đang nghe đọc tác phẩm nào đó ấy. Anh cười và nói: Thì mình vừa đọc một chương trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” mình đang viết đấy chứ. Anh thuộc cả chương sao? Những chương khác cũng thế, viết xong mình đều nhớ cả. Mọi người nhìn anh thán phục. Sao có người có trí nhớ kỳ tài.

 Nhiều năm sau mỗi khi có dịp gặp lại nhau chúng tôi còn nhắc chuyện này. 

Trung tuần tháng 6 năm đó trại sáng tác dành cho các tác giả các tỉnh miền núi phía Bắc kết thúc. Tháng 8 năm 1984 Tạp chí Văn nghệ Quân đội chính thức in truyện của tôi. Truyện ngắn “Dưới chân núi Nục Vèn” được nhà văn Lê Lựu đưa từ trại viết Hà Tuyên về số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội trong ngày tháng 6 năm Giáp Tý. Từ truyện đầu tiên ấy đã mở lối cho tôi đi tới hôm nay. Hôm nay, có lúc tự hỏi, ngày đó nếu không có sự nghiêm khắc của nhà văn Nguyễn Thành Long, không có sự chỉ bảo tận tình của nhà văn Lê Lựu liệu tôi có thành được thứ gì, hay vẫn chỉ là gã lông bông ham vui với các cuộc trò du hí? Cả hai bậc tài danh, hiền kiệt đó giờ đã hóa trời xanh mây trắng, nhưng với tôi các anh sẽ mãi là những người thầy đáng kính theo suốt cuộc đời. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã về với cõi tiên từ bao lâu, mới đây lại tới Nhà văn Lê Lựu. Nhớ thương các ông biết bao. Cầu cho hương hồn các ông mãi an lành nơi cao xanh. Trần gian những ngày này đang chuẩn bị đón xuân Quý Mão. Nơi nơi đào mận đơm hoa, nảy lộc báo hiệu đông qua, xuân đang đến rồi. Nhắc lại chuyện xưa lòng thêm nhớ những tháng ngày dự trại sáng tác dành cho các tác giả vùng núi phía Bắc tại thành Tuyên; thêm nhớ các anh, các chị cùng dự trại năm đó những người đang còn viết, cả những người đã khuất.

C.D.S

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 29 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 41 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 42 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 90 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 35 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 33 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 33 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 27 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 3 lượt xem