Bóng Cờ bay

Thứ sáu, ngày 10-02-2023, 08:56| 1.131 lượt xem

*** Tùy bút của Trần Quang Đạo

Mỗi khi nhắc nhớ về Tuyên Quang, trong tôi hiện lên hình ảnh Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng Tám năm 1945, khi Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ tổ chức Đại hội. Sau Hội nghị của Đảng họp quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Một Ủy Ban khởi nghĩa được thành lập và lập tức ra Quân lệnh số 1 kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ cách mạng đã chín muồi…

Tôi cứ hình dung dưới bóng đa, bóng rừng, trong lán nhỏ, Bác Hồ thức thâu đêm, vầng trán trí tuệ của Người in vệt sáng của ánh đèn dầu hắt lên; mắt Người sáng quắc, chăm chú đọc tài liệu, phân tích tình hình chiến sự rồi vạch ra đường hướng cụ thể, sát thực cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Những đồng chí lãnh đạo Trung ương quây quần bên Bác, cùng góp trí tuệ, nhóm lên ngọn lửa cách mạng, nhân rộng khắp cả nước.

Tôi hình dung ngọn lửa lấp lánh trên vầng trán Bác là khởi nguồn của màu cờ đỏ, nó hiện hình từ trái tim, khối óc của những người cộng sản với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, để chuyển nối rực rỡ trong đoàn quân cầm cờ hào hùng tiến về Hà Nội. Bao nhiêu năm đã trôi qua từ năm 1945 ấy. Nhưng mỗi khi nghĩ về Tân Trào, mỗi khi nhớ về thời trứng nước của cách mạng, tôi vẫn nhớ và nghĩ về vùng đất đó. Và ước mình một lần được đến, in dấu chân vào vùng đất lịch sử, để mong tìm hơi ấm của Người năm xưa còn lưu lại trên chiến khu yêu dấu đó. Tôi muốn đến Tuyên Quang, mà điểm đầu tiên là đến Tân Trào, đến nơi Người đã ngồi đêm đó - đêm cuối cùng ra quyết định tổ chức Hội nghị Tân Trào và quyết đình Tổng khởi nghĩa tiến về Hà Nội,

giành chính quyền. Tôi muốn đến đó để hình dung rõ hơn về ánh đèn dầu trong mái lán - bóng cờ năm xưa -  in trên vầng trán Bác và trên vầng trán của các đồng chí lãnh đạo Đảng đêm đó - đêm lịch sử - để ngày hôm sau cả đoàn người như thác tiến về Hà Nội giành chính quyền.

Khi nhắc đến Tuyên Quang, không thể không nhắc đến dòng Lô. Dòng Lô là một món quà quý giá vô ngần mà trời ban cho vùng đất địa linh nhân kiệt này. Dòng Lô chảy dọc Tuyên Quang. Núi rừng, bản làng, con người soi bóng dòng sông. Ai đến Tuyên Quang cũng muốn soi bóng mình vào dòng sông thơ mộng -  “bảo tàng” lịch sử, văn hóa hào hùng ẩn trong tầng sâu của một vùng đất, của đất nước. Vùng phên dậu xưa với đường rừng hiểm trở, cha ông ta đã bao lần xây chiến lũy, đánh trả giặc thù, bảo vệ Tổ quốc. Con sông Lô là con đường chuyển quân, chuyển vũ khí, lương thực. Những chuyến đò, chuyến bè ngược sông ngày ấy thật gian nan vất vả. Núi non, cây rừng, dòng nước mát... làm dịu đi và tăng thêm sức lực cho đoàn quân ra trận, đánh giặc, chiến thắng oai hùng.

Sông Lô như một bản hợp âm, in từng nốt giai điệu lên đó với Trường ca Sông Lô của nhạc sỹ Văn Cao: Trên dòng Lô trở về đoàn người reo mừng vui trên sóng nước biếc trôi đầy sông bao đám xác thù. Dân hân hoan nghe sóng reo vi vu xa xa, đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa..., đã lay động và sống mãi trong lòng người. Trong từng chuỗi âm thanh đó vọng lên, mỗi khi nghe, tôi vẫn hình dung rõ nét những con người, cảnh vật in hình trên dòng Lô. Trong màu nước xanh, phấp phới sóng nước, tôi hình dung bóng cờ của đoàn quân ta thắng giặc oai hùng in sâu dưới dòng thiêng ấy. Màu đỏ của bóng cờ “hòa âm” với màu đỏ của lung linh khói bếp sơn hạ hỏa của những ngôi nhà bên bờ sông in bóng, tạo nên một điệu riêng, không nơi nào có được. Nó hắt lên, quyện vào lòng người, thắp lửa, thắp một niềm tin cho cuộc sống! Nó reo ca một giai điệu đẹp!

Tuyên Quang, năm 1979, trong đoàn quân ngược lên biên giới có mặt tôi. Lúc đó tôi đã hơn 4 tuổi quân, đeo lon hạ sỹ, lính thông tin. Khi chiến sự ở Hoàng Liên Sơn tạm yên, sư đoàn tôi được điều động qua Hà Tuyên (Tuyên Quang - Hà Giang sát nhập) để chốt giữ, chi viện cho phòng tuyến trọng yếu này. Đoàn quân hành quân bộ trùng trùng vượt núi rừng. Những chàng lính trẻ hát dọc đường hành quân. Qua phà Đoan Hùng là đến đất Tuyên Quang. Chúng tôi chạm dòng Lô. Chạm vào tiếng hát của bản hùng ca về sông Lô nổi tiếng. Tuyên Quang vẫy gọi đã thật sự ở dưới dấu dép cao su của chúng tôi. Bao nỗi mệt nhọc tan biến khi chúng tôi đi qua phà Đoan Hùng. Một miền đất huyền thoại vẫy gọi, chúng tôi đã giáp mặt. Những cậu lính Hà thành hát Trường ca Sông Lô. Tiếng hát dập dìu chảy trong hàng quân. Tiếng hát và giai điệu bài hát đó như có một phép màu, lau khô những giọt mồ hôi trên trán những người lính và xua tan bao nỗi mệt nhọc của cuộc hành quân bộ mấy trăm cây số đường rừng. Bài hát tiếp cho chúng tôi sự dẻo dai ngược rừng... Chập chùng những lá cờ phấp phới trong hàng quân. Màu đỏ lá cờ tạo một sức sống, nó như màu máu, tiếp sức cho chúng tôi ra trận. Bao nhiêu năm đã qua đi, tôi vẫn nhớ như in giai điệu bài ca ấy. Và màu đỏ lá cờ phấp phới trong hàng quân lúc đó qua thành Tuyên, qua Hàm Yên... đã trở thành một hình ảnh in đậm trong lòng tôi. Tôi cất giữ nó trong lòng. Mỗi khi vui tôi mở nó ra. Khi buồn tôi mở nó ra. Vui buồn gì có sự “can dự” của hình bóng lá cờ năm ấy, tôi lại được tiếp thêm những giọt máu hồng cho sự sống.

Rồi như một cái duyên - cái duyên sâu đậm với vùng đất Tuyên Quang - đời tôi lại gắn một nửa vào miền đất ấy.

Những năm học đại học, tôi mến một người con gái có gương mặt thanh tú, mắt to sáng long lanh, nụ cười tỏa sáng, bừng thức trái tim người... Vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hoang sơ, vừa mang chút rừng núi, pha chút hiện đại đã “giết chết” tôi ngay lập tức! Sau những gian truân làm quen, bày tỏ cảm xúc, tình yêu qua những bài thơ... tôi đã chinh phục được nàng.  Cô gái ấy là người Tuyên Quang. Miền Chiêm Hóa. Sau này nghe mọi người nói, Tuyên Quang là miền gái đẹp. Rồi về Tuyên Quang, nghe người bản địa nói, Chiêm Hóa mới thật sự là cái nôi của miền gái đẹp, trong tôi dâng một nỗi tự hào khi làm rể Tuyên Quang.

Lần đầu đến quê vợ, tôi đi xe khách từ Bến Nứa (Long Biên, Hà Nội) lên thị xã Tuyên Quang, rồi từ thị xã Tuyên Quang đi thuyền máy lên Chiêm Hóa. Chỉ chừng 50 ki lô mét đường sông, nhưng thuyền máy đi hơn một buổi mới đến. Cái thú ngồi xuồng máy, ngắm cảnh đẹp hai bên bờ sông, thật thơ mộng. Chao ôi, rừng núi hùng vĩ in bóng xuống dòng Lô, đẹp đến nao lòng. Những nếp nhà lưng chừng núi tỏa khói bình yên sự sống làm cho ta yêu cuộc sống này hơn. Đi dọc dòng Lô trong những ngày đất nước yên bình, tôi thấy quê hương mình quá đẹp. Đi đến đâu, gặp một địa danh nào đó bên sông, tôi được mọi người nhắc nhớ.

Thuyền cập bến xã Vinh Quang, quê vợ tôi! Trong tôi vỡ òa cảm xúc vui sướng khi ông chú vợ chỉ cho tôi một vùng núi ven sông, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng ta. Tôi không tin vào mắt mình, không tin được một sự thật hiển hiện trước mắt - nơi đây - nơi quê hương của vợ tôi là một địa chỉ quan trọng, ghi dấu mốc trưởng thành sự hoạt động của Đảng ta.

Tôi đã học lịch sử, đã thuộc những dấu mốc hoạt động của Đảng qua các thời kỳ. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp gần gũi một địa chỉ tin yêu như vậy. Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng là một đại hội quan trọng, sau 20 năm mới tổ chức trở lại. Đại hội đã đưa ra chủ trương mới đúng đắn, sáng suốt và quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Pháp: Khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn của ta và quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn; Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam trong tình hình Pháp tăng cường chiếm nước ta trên quy mô rộng khắp. Đại hội tiến hành tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành 3 đảng; đổi tên của Đảng, Đảng ta mang tên Đảng Lao động Việt Nam. Từ đường lối, chủ trương đúng đắn sáng suốt của Đại hội, Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi hoàn toàn.

Trên mảnh đất ghi dấu mốc năm xưa, giờ tôi đang đứng. Con đường dẫn vào khu hoạt động, nơi diễn ra Đại hội lần II của Đảng đã mờ dấu chân người... Nhưng nó sống động trong tôi. Di tích cũ được giữ gìn. Những hang đá nơi Bác Hồ và những lãnh tụ của Đảng ở đây như vẫn còn hơi ấm. Hình ảnh Bác đọc Báo cáo chính trị, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc Báo cáo về cách mạng Việt Nam và những cánh tay đưa lên biểu quyết một trăm phần trăm nhất trí trong màu cờ Tổ quốc, màu cờ Đảng in trên khung nền Đại hội và in trong tim những người Cộng sản kiên trung vẫn còn đây khi tôi được đến thăm, với niềm tự hào khôn xiết. Nhìn lại những bức ảnh cũ về hình ảnh Đại hội được ghi lại, lòng tôi dâng lên xúc động. Đại hội Đảng II đã tiếp thêm cho cuộc kháng chiến, đã tiếp thêm cho hoạt động của Đảng một nguồn sức sống mãnh liệt. Nó là dòng chảy của “hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi” mà lời một ca khúc của Phạm Tuyên đã nói hộ chúng ta để làm cho cuộc cách mạng của chúng ta thắng lợi!

Đi bên bờ sông Lô xanh trong. Buổi chiều bóng tôi lẫn bóng núi đổ xuống mặt sông. Trên sông những người dân đi thuyền đang đánh cá. Bên bờ sông, nhấp nhô bóng các cô gái. Những dãy ngô xanh mướt chạy dọc bờ sông rì rào trong gió… Cuộc sống no ấm, bình yên neo đậu nơi đây. Lòng tôi cũng neo đậu lại nơi địa danh yêu dấu, giờ được tăng thêm một nội lực được tiếp từ nguồn cội của quê hương cách mạng. Niềm tự hào của tôi được nhân đôi!

Từ đó, Tuyên Quang trở nên máu thịt trong tôi. Tôi đã trở lại miền đất này nhiều lần. Tôi đã về thăm lại bến Bình Ca. Tôi lên thăm thủy điện Na Hang… Tuyên Quang đang đổi mới từng ngày. Cảm giác trong tôi là sự tươi tốt đang vươn lên. Màu xanh đó như dâng lên, dâng lên cao mãi từ hai cánh rừng bên dòng Lô. Rồi nó in sâu, sâu mãi xuống đáy sông Lô. Những hình ảnh đó là hình ảnh của sức trỗi dậy, của cuộc sống mới ở tầng sâu, ở trong nhận thức về một cuộc sống tươi đẹp...

Tuyên Quang đã trở thành “nơi tôi gửi bóng hình”. Nhưng tôi chưa trả nợ cho Tuyên Quang được gì qua những trang viết của mình. Thật may, trong dịp gần đây, nhà thơ Tạ Bá Hương - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang mời tôi tham dự một trại viết tại tỉnh nhà. Với tất cả cảm xúc của mình, với sự dồn nén bao năm, tôi viết liền một lúc được một chùm thơ và một ca khúc về Tuyên Quang. Những câu thơ bật từ đáy lòng:

Bừng nắng Tân Trào mùa thu trước

Bóng Bác lồng in bóng nước non

Đoàn quân áo vải khơi dòng thác

Cuốn xác quân thù, ghi dấu son

 

Quê hương cách mạng vui mùa mới

Cam thắp nắng vàng sáng Hàm Yên

Mây trời soi bóng in hồ biếc

Na Hang nối điện tới trăm miền.

Giờ mùa xuân đang đến! Những rừng đào lại nở hồng bên dọc bờ sông, đỏ thắm, lan xa khắp các cánh rừng. Núi rừng dậy sắc Xuân. Trên những con đường làng quê, trên những con đường của phố thị, đặc biệt là ở vùng Tân Trào, Vinh Quang, Chiêm Hóa, cờ sao mọc lên một màu đỏ tươi. Màu cờ đỏ sao vàng, màu cờ đỏ búa liềm tung bay trong gió. Màu cờ hòa sắc màu hoa đào lan mãi. Lan mãi...

Tôi đã ghi màu cờ đó vào mắt mình, rồi lưu vào trí óc. Giờ nó xôn xao trong trí nhớ mỗi khi nhớ về Tuyên Quang. Hình ảnh BÓNG CỜ BAY, đọng mãi. Đọng mãi... Nó là một biểu tượng sống trong tôi!

Cuối năm 2022

T.Q.Đ

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 92 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 40 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 41 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 36 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 9 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 36 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 47 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 49 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 93 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 38 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 169 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 466 lượt xem