Roàng ơi ai đã về đây

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 10:44| 871 lượt xem

Bút ký dự thi của Lê Na

Minh họa của Tân Hà

 

Tôi đã chuẩn bị thật kỹ cho chuyến đi Roàng lần này. Sửa sang xe máy, thay dầu, đổ đầy xăng và một tâm thế khác hẳn với nhiều chuyến đi khác. Nơi “sơn cùng, thủy tận”, với một niềm ấp ủ, chỉ nhắc đến thôi, đã cho tôi cảm xúc chộn rộn. Roàng là tên một đỉnh núi, cũng là tên một con suối, khởi nguồn từ đây. Núi và suối mang trong mình một huyền tích, bí ẩn. Từ thành phố Tuyên Quang đến đỉnh Roàng chỉ chừng ba chục cây số. Ngàn xưa tới nay, đỉnh núi vẫn mây sương bao phủ và suối dung nạp rất nhiều nguồn nước từ những cánh rừng đại ngàn, lượn vòng vo hòa nước ra sông Lô.

Hơn sáu mươi năm trước, những thanh niên nam, nữ phơi phới sức trẻ từ vùng xuôi Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Tây, Hải Dương… đã lên đây xây dựng kinh tế. Lâm trường Tân Tiến là mái nhà chung để họ tụ lại. Một vùng rừng núi hoang sơ, “khỉ ho, cò gáy”. Nơi được gọi rừng thiêng, nước độc, chính là Roàng.

Người già kể lại một truyền thuyết.

Xưa. Đã xưa lắm, một con Rồng thiêng từ trời cao bay về đỉnh Mười. Bóng Rồng che rợp một vùng rừng núi. Thần ngự tại đây và từ đó, Thần Rồng khai thiên, lập địa, che chở cho dân lành. Đằng đẵng một mình canh giữ nơi Ba Xứ giữa đỉnh trời hoang vu, Rồng bỗng thấy cô đơn quá. Một hôm, không thấy mặt trời mọc. Suốt cả ngày, bầu trời tối đen, u tịch. Bỗng sấm chớp dữ dội, và gió lốc ào ạt. Mưa như trút nước tự trời cao. Dân bản ngước lên, thấy một tia chớp hình Thần Rồng, chói sáng, tan biến vào núi, hòa thành dòng suối tuôn chảy. Rồng đã về trời, để lại nương đồi, cây xanh, muông thú và suối mát cho hạ giới. Cũng từ đó, để tránh tên húy, dân bản gọi chệch sang là Roàng. Tên núi, tên suối vẫn còn cho đến tận hôm nay.

Năm 1961, lâm trường Tân Tiến được thành lập. Từ năm 1968, tỉnh Tuyên Quang kết nghĩa với tỉnh Bình Thuận, để ghi dấu mốc này, lâm trường đổi tên thành lâm trường Tuyên Bình. Theo cơ chế mới, đổi thành Công ty Lâm Nghiệp, quản lý một vùng rừng, gồm sáu xã: Kiến Thiết, Trung Trực, Xuân Vân, Tân Long, Tân Tiến, huyện Yên Sơn và Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang. Tổng diện tích đất rừng là 1.720 ha. Ngày mới thành lập, cả ngàn người được biên chế thành công nhân lâm trường. Họ chủ yếu từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày đó, nhiệm vụ chính của công nhân lâm trường là khai thác gỗ, lâm sản, mở tuyến lên rừng, làm đường cho xe ô tô vào vận chuyển gỗ và lâm thổ sản, chủ yếu bằng sức người. Dìu, dao, cưa, cuốc xẻng là công cụ lao động chính.

Sản phẩm của lâm trường đã cung cấp cho quốc phòng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng các công trình lớn ở miền Bắc. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, lâm trường lại đóng góp sức người, sức của cho mặt trận nóng bỏng Vị Xuyên, Xín Mần và Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Hàng trăm công nhân xung phong đi hỏa tuyến, xây dựng phòng tuyến biên cương. Đất nước thanh bình, những người lính lại được tiếp nhận về trồng rừng, phủ xanh đất hoang. Mỗi năm, công ty lâm nghiệp này cung cấp từ 8.000 đến 12.000 mét khối gỗ; từ 2.500 đến 4.000 tấn tre, nứa nguyên liệu giấy; hàng chục ngàn cây tre và hàng trăm ngàn mét song, mây… Nhưng, quan trọng và thiết yếu hơn cả là giữ được màu xanh, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nghèo quanh vùng.

Con đường nhựa ngược núi, trồi sụt sau nhiều năm mưa, nắng, đưa tôi lên đỉnh núi. Qua Roàng đến Ba Xứ, là nơi tiếp giáp ba xã: Tân Tiến, Trung Trực và Kiến Thiết thuộc huyện Yên Sơn. Thôn Roàng, nơi tận cùng của xã Tân Tiến. Trưởng thôn, anh Vũ Thái, sinh năm 1973, người Kinh, quê gốc Thái Bình. Anh đi vào lán trong rừng, tôi gọi điện thoại không liên lạc được vì sóng yếu. Mãi đến cuối chiều mới được gặp anh. Căn nhà gỗ đơn sơ, mái bằng tấm lợp. Anh Thái, một người nhiệt tình, xốc vác, được bà con tín nhiệm nên “bị bắt” làm trưởng thôn khi vừa nghỉ chế độ công nhân lâm trường. Gia đình anh có một trang trại chăn nuôi và trồng cây trên núi. Vài trăm con gà ri, giống bản địa, thả đồi với hơn chục con lợn đen, chăn thả tự nhiên. Ngoài ra, anh trồng cây lâm nghiệp và vườn cây ăn quả.

Xóm núi với hơn một trăm hai mươi hộ dân. Ba dân tộc là Dao, Tày và Kinh, quây tụ hai bên sườn núi. Nhiều năm qua, thấy lợi từ lâm nghiệp, đồng bào đua nhau phát triển rừng. Hộ ông Triệu Văn Huỳnh, sinh 1958 có 23 ha rừng keo và mỡ; ông Phan Văn Đôn, sinh năm 1970 có 20 ha; Hộ bà Nông Thị Lều, sinh 1970, và hộ anh Triệu Đức Thái, sinh 1982 mỗi hộ có 15 ha; Màu xanh rừng góp tô xanh màu núi.

Ở Roàng, những người đã gắn bó với lâm nghiệp đều có cuộc sống ổn định, nhiều người giàu có. Những ngôi biệt thự, nhà vườn, xây theo phong cách người Thái Lan, đẹp lộng lẫy, nổi bật trên màu xanh, giống như cô công chúa giữa rừng.

Dạo quanh thôn, những đường ống nhựa, dẫn nước nguồn chia nước đến từng hộ. Người Dao Thanh Y, người Tày sống xen kẽ với “xóm lâm trường”. Tôi tạt xe vào một quán lá, hai vợ chồng người Dao bán tạp hóa. Chị vợ đang nấu rượu, còn anh chồng họ Đặng, niềm nở mời khách. Chén rượu “tíu bầu” thơm lừng, vị ngọt tê tê đầu lưỡi. Người Dao ở đây giờ cũng ít nói tiếng trong. Chỉ ngày lễ, tết, hay ngày cưới họ mới sử dụng trang phục truyền thống. Người Dao, người Kinh như anh em một nhà, uống chung nguồn nước, sống hòa thuận dưới bóng rừng.

Những hộ công nhân, như cây cắm rễ vào núi lập nghiệp. Sau họ, đã có ba, bốn thế hệ được sinh ra ở rừng. Họ mang tên xã, huyện, tỉnh ở quê hương, đặt tên cho con, cháu, chắt mình. Nào là Thái, Ninh, Bình, Nam, Định. Rồi Thư, Thụy, Hưng, Hà, Hải, Dương… Bà Vũ Thị Thơm, sinh năm 1952, tuổi con rồng, tâm sự: Quê bà ở Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1971, theo phong trào đi xây dựng kinh tế mới, bà lên Tuyên Quang, làm công nhân lâm trường. Năm 1973, bà lấy chồng, ông Ngô Minh Tuyến, tuổi Canh Dần, một thợ khai thác rừng, cùng quê. Tuổi hổ, tuổi rồng lên núi lập nghiệp là hợp cả đôi đường. Ông bà có năm người con, ba trai, hai gái. Mong ước của ông bà là các con theo nghề lâm nghiệp, cuối cùng, chỉ được anh cả Ngô Thế Bình là yêu rừng, sống với núi. Năm ngoái, ông Tuyến ra đi, giờ bà ở một mình, cũng gần nhà anh con cả. Đoạn đường bê tông lượn vào ngôi nhà bà Thơm, khuôn viên sạch sẽ, gọn gàng, được màu xanh cây lá bao bọc. Trong lúc nói chuyện, bà muốn giấu đi bàn tay phải, có vết sẹo lớn. Tôi nghĩ đến một tai nạn nghề rừng.

Tôi phóng xe máy từ Roàng, rẽ phải theo hướng đông, để tìm gặp một người quen. Ông nguyên là Chủ tịch xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cùng tuổi với lâm trường này. Ông Lý Thành Trung, người Tày, mang họ Lý vì cha ông là con nuôi người Dao. Ông Trung đang tham gia quản lý vật liệu, xây dựng tuyến đường bê tông từ Roàng sang thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện. Về nghỉ chế độ, ông lại phải ngủ lán công trường. Đoạn đường hai cây số rưỡi, đến nay đã đổ bê tông được hai phần ba. Màu trắng sáng đi giữa hai triền núi xanh, đường giống như một con trăn khổng lồ đang trườn qua núi. Đoạn cuối, đang chờ giải tỏa vài hộ dân phía bên kia. Chỉ vài tháng nữa, đường sẽ hoàn thành. Không lâu nữa, từ Roàng sẽ có đường ô tô đi Đạo Viện và đường vượt đỉnh Mười sang Trung Trực, Kiến Thiết.

Xã Tân Tiến có bảy thôn, 1.160 hộ với 4.218 khẩu. Hơn sáu chục năm qua, người dân Tân Tiến đã đoàn kết bên nhau xây dựng cuộc sống mới. Họ là người Tày, người Dao bản địa, là người Kinh dưới xuôi cùng chung tay đoàn kết. Nhiều hộ dân là công nhân nghỉ hưu trở thành người địa phương và cũng không ít đồng bào là công nhân lâm nghiệp. Năm 2020, Tân Tiến đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là một trong những vùng có độ che phủ của rừng cao ở tỉnh Tuyên Quang.

Ngày xưa, từ thị xã Tuyên Quang đến Roàng, phải mười tám lần qua suối. Để nhớ từng địa danh người dân đặt tên theo thứ tự các đoạn qua suối là Suối Một, Suối Hai, Suối Ba cho đến Suối Mười Tám. Suối Roàng giống như một con rồng lớn, uốn lượn, vòng vèo chảy dọc xã Tân Tiến. Trước đây, dân tự bắc cầu bằng tre, gỗ, lập “trạm BOT” thu tiền người qua lại. Nay, con đường trải nhựa xuyên suốt chiều dài của xã. Những nơi qua suối, được làm đập tràn hoặc cầu vượt. Suối là nguồn nước tưới cho thung lũng Roàng, Chẽ, cánh đồng Liên Thịnh, Đồng Hăn, Ha Vân, Phong Vân… Hôm nay, Tân Tiến ngợp màu xanh. Xanh của ruộng đồng, lúa ngô dài nương bãi. Xanh của keo, lát, mỡ và bạch đàn trải lên tận trời mây.

Tân Tiến, lâm trường đầu tiên ở các tỉnh phía đông bắc dùng voi để vận chuyển gỗ. Tôi tìm đến thăm một người chăm sóc và điều khiển voi ở đây. Ông Nguyễn Hồng Hưng, sinh 1943 tại Ninh Giang, Hải Dương. Mười tám tuổi, chàng trai Hưng: “Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng”. Ông vào làm việc ở lâm trường. Những khó khăn, gian khổ ban đầu, làm ông chùn bước. Đã “quá tam ba bận” chàng trai ấy trốn khỏi lâm trường, nhưng không thoát. Có lần, vừa lên ô tô khách đã bị mời xuống. Lần khác, ông cùng một tốp người bỏ trốn, đi bộ xuyên rừng, đến tận km 13, đường Tuyên Quang đi Hà Nội, vẫn bị lực lượng bảo vệ yêu cầu quay đầu. Ông Hưng tâm sự, cái số ông, rừng đã định đoạt. Đi đâu thì rừng vẫn giữ chân, níu kéo, vì ở Tuyên Quang có cây cầu Móc Giằng.

Ông Hưng trải qua nhiều công việc nhưng nhớ nhất vẫn là nghề quản tượng. Sau giải phóng miền Nam, ông được Bộ Lâm Nghiẹp điều động sang nước Lào mua voi để vận chuyển gỗ. Đó là những con voi nuôi của dân, vùng hạ Lào. Muốn mua được voi, phải dùng bạc trắng. Ông cùng tổ công tác dắt voi từ nước bạn về Tuyên Quang. Dòng dã, ngày đi, đêm nghỉ, lại phải tranh thủ cho voi ăn, uống. Sau gần một tháng voi mới được đưa về lâm trường. Từ đó, ông Hưng trở thành người quản tượng. Nhiệm vụ của ông là chăm sóc, gần gũi voi, điều khiển voi đi kéo gỗ, bắn bẩy và đưa gỗ lên ô tô. Một con voi có thể thay thế vài ba chục công nhân. Ông kể, voi tuy là “người bạn lớn” nhưng nó giống như trẻ con, phải biết chiều chuộng, cho ăn uống đầy đủ. Phải biết an ủi, vỗ về sau mỗi ngày voi làm việc nặng. Nếu không, voi cũng dễ phản chủ. Đã có hai công nhân lâm trường bị voi quật chết.

Vợ ông Hưng cũng là một công nhân lâm nghiệp. Ông bà có ba người con thì hai người tiếp bước cha mẹ. Anh cả, Nguyễn Hồng Thái, sinh năm 1968, đang là giám đốc Công ty Lâm Nghiệp Sơn Dương, Tuyên Quang. Con gái thứ, Nguyễn Thị Thanh Bình, cán bộ lâm nghiệp. Năm 1993, ông Hưng nghỉ hưu. Căn nhà xây, một vườn rau vài cây ăn quả. Tuổi già, tha thẩn với non bộ, cây cảnh và nuôi mấy con chim cu gáy. Cuối năm 2022, vợ ông ra đi, căn nhà trở nên rộng rênh. Thỉnh thoảng có vài bạn hưu đến thăm, uống trà và đàm đạo chuyện ngày xưa. Buổi trưa, ông tranh thủ cắm cơm cho con gái.

Bên chiếc bàn tròn bê tông, ngoài sân, tôi cùng ông đàm đạo. Tôi hình dung, người đối diện, một thân hình trai trẻ, vạm vỡ ngày nào. Bàn chân kia đã từng trốn chạy rừng và rồi chỉ quen lội suối, trèo đèo. Dấu chân ấy đã in dọc mười tám lần suối và một vùng núi Roàng trùng điệp. Mỗi khi chạm vào quá khứ, trong ông lại vang lên giai điệu của núi rừng. Ông hồi tưởng một thời bao cấp khó khăn, đói kém. Cây rừng, lâm thổ sản không nuôi nổi người thợ. Những công nhân lâm nghiệp long đong, mưu sinh. Tôi hình dung, phía sau cặp kính lão, đôi mắt ông đang nhớ về mưa rừng, gió núi, là đường trơn, lũ dâng tràn suối. Ông Hưng chế thêm nước, rót ra chén mời khách. Ông rót tâm tư vào tôi những sâu nặng, xa thẳm của chính lòng mình. Rồi ông buột miệng: Giờ thì sướng rồi, mình lại già. Cả cuộc đời phấn đấu, âu cũng là để rừng cho con, cháu, cho thế hệ mai sau.

Đến thăm nhà báo trẻ Lê Quang Hòa, công tác tại Báo Tuyên Quang, tình cờ tôi lại biết ông bố của Hòa, một cựu công nhân lâm nghiệp. Ông là Lê Tiến Hạm, tám mươi mốt tuổi. Một “lão lâm” khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có chút hài hước. Quê ông ở Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1963, chàng trai xứ Đoài lên Tuyên Quang theo tiếng gọi của Đảng; “Xây dựng kinh tế miền núi, tiến kịp miền xuôi”. Trong căn nhà gỗ vừa cổ xưa, vừa hiện đại mà rất hài hòa, tôi ngồi với ông. Ấm trà thơm bốc khói. Ông Hạm ngân nga một giai điệu cũ:

 “Anh đi khai phá miền Tây/Rừng núi bao la bừng giấc say/Anh khai đất hoang thành luống cày/Mai kia mừng ngô lúa nặng tay”.

 Nghe ông hát, bác gái Võ Thị Hợi, cũng tham gia cùng, thật vui. Bà Hợi quê ở Thanh Chương, Nghệ An, năm 1961, ra ở nhà anh trai tại Hà Nội, nghe lời Bác Hồ gọi, bà đã xung phong lên lâm trường. Quả thực, đã lâu lắm tôi mới lại được nghe ca khúc này, bài “Trên đường ta đi tới”, một sáng tác của Bửu Huyền. Đó là những ca khúc thôi thúc thanh niên rời xa đồng bằng, thành phố lên vùng cao khai phá đất hoang, xây dựng kinh tế miền núi. Tôi liên tưởng đến Khúc hát người đi khai hoang của Lư Nhất Vũ:

“Ta đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi/Hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa…”

Ông Hạm cưới vợ năm 1968 thì năm 1969 lên đường nhập ngũ. Đất nước chiến tranh, nhiều công nhân rừng lại khoác vào mình màu xanh áo lính. Bà Hợi bám rừng, vò võ ngóng tin chồng. Những năm đó, đâu chỉ riêng bà, mà cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Rất nhiều phụ nữ ở lâm trường và phụ nữ miền Bắc nói chung, cùng cảnh ngộ. Vượt qua mọi khó khăn, nghèo đói, bà Hợi tham gia mở đường, phát tuyến, rồi trông giữ trẻ. Bà được đi học y rồi làm y tá lâm trường. Giải phóng miền Nam, vợ chồng ông bà mới được sum họp. Ba người con lần lượt ra đời. Đất nước vừa qua chiến tranh, cuộc sống nghèo khó, ông bà chung tay, chắt chiu gây dựng kinh tế, nuôi con ăn học và trưởng thành.

Nghỉ hưu, ông bà cùng năm hộ dân nhận khoán 5 ha rừng của lâm trường. Cây rừng đã ngấm vào máu thịt của họ. Cây đã cho ông bà bóng mát, che chở khi về già. Tôi hỏi vui ông Hạm, nếu được một điều ước, ông chọn nơi nào để dưỡng già? Không phải suy nghĩ lâu, ông lão tươi cười bảo: Vẫn là nơi đây, nơi ngày xưa “khỉ ho cò gáy”. Mình ở rừng quen rồi, mở mắt là thấy màu xanh. Ở đây, không khí trong lành, xóm làng thân thiện, sáng đèn, mất điện có nhau. Hơn sáu mươi năm, chúng tôi gieo trồng màu xanh, khai thác và lại tiếp nối. Bao đời cây gắn liền đời người. Nước mắt, mồ hôi và cả máu của công nhân lâm nghiệp đã hòa nguồn nước Roàng trôi ra sông Lô, về biển cả. Tôi như thấy vui lây cùng người quê gốc Đan Phượng.

Đến Văn phòng Công ty, tôi gặp đồng chí Phó Giám đốc, Bùi Thu Thủy. Anh Thủy sinh năm 1968, là thế hệ thứ hai, con nhà nòi của công ty. Bố anh là Bùi Thu Thanh, sinh 1942, nguyên là đội trưởng, đội lâm nghiệp Tân Thịnh, nghỉ hưu năm 1989, đã mất năm 2014. Mẹ là Nguyễn Thị Duyên, sinh 1944. Năm 1962, cô gái mười tám tuổi, từ Hải Dương lên làm công nhân lâm nghiệp, lấy chồng, lập cơ nghiệp ở chốn này. Hiện bà nghỉ hưu tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang. Phó giám đốc giành nhiều thời gian nói về những người đã đặt nền móng đầu tiên của đơn vị. Rồi cả một đội ngũ tiếp nối đi gieo màu xanh cho đất.

Trong phòng truyền thống của công ty, tôi được ngắm những bức ảnh đen trắng đã mờ nhòa theo thời gian. Đó là ảnh những chàng trai cô gái đang bắn cây, đo gỗ. Đó là ánh mắt tự hào của chàng trai vác dìu lên núi; là nụ cười cô gái kéo nứa trên đôi vai; là hình ảnh chú voi nằm ngoan hiền và người quản tượng Hưng năm nào. Đó là chân dung những người thợ rừng mà tôi sẽ không bao giờ được gặp họ nữa. Cả những đống gỗ, tre nứa, song mây cao ngất ngưởng được tập kết bên bến sông Lô, chuẩn bị lên đường đi xây dựng quê hương.

Hơn một nửa thế kỷ đã đi qua, những người sinh ra cùng với lâm trường giờ cũng đã nghỉ chế độ. Biết bao cán bộ lãnh đạo, công nhân lâm nghiệp đã ra đi. Tôi biết các ông, bà qua lời kể của lớp hậu sinh, qua con, cháu họ. Có người có tên, có ảnh ở phòng truyền thống. Nhưng cũng còn nhiều người chẳng kịp để lại gì, ngoài màu xanh bát ngát của rừng. Xin được nhắc tên các ông Trà Sơn, Vũ Đức Thắng, Trương Chiêm, Đậu Xuân Thai, Phạm Tế An, Lê Thế Hồng… Họ đã vĩnh viễn nằm lại với đất rừng, bên đồi keo, rừng bạch đàn hay mé nương ngô lúa. Ở đó, họ sẽ còn mãi được nghe rừng hát và suối reo. 

Tôi quyết định theo suối Roàng ra tận cửa sông Lô. Lạ thay, qua hết Suối Một, con suối ấy đã thay dòng, đổi hướng, và đổi cả tên gọi. Suối như khúc vĩ thanh, chậm lại, chảy về hướng Tây, thuộc xã Tân Long, huyện Yên Sơn. Đoạn suối ngắn ngủi này giờ mang tên Ngòi Sính. Tự nhiên, trong tôi thấy bùi ngùi. Vẫn dòng nước vật vã chảy trôi ấy mà nay thay tên khác. Lòng suối rộng ra mềm mại, hòa nước vào nhánh bên này của Soi Sính. Có chút gì nao nao, hẫng hụt. Tôi ngồi xe máy, men theo bờ, vượt qua dòng nước, sang bãi cát sỏi soi Sính. Tháng tư năm nay chưa có mưa rào lớn. Sông Lô teo tóp. Dòng trong mềm mại, như nét vẽ. Tôi vớt lên một viên đá cuội, hình dung sự quăng quật của nó suốt chặng dài từ Roàng tới đây. Tôi nhớ những cánh rừng, thương từng mạch nước đầu nguồn. Tôi nghĩ đến bao lớp người miền xuôi, miền ngược gắn đời mình với rừng, với suối. Bao người đã khảm xương cốt mình trong đất núi. Bao người đang tiếp nối gieo trồng rừng. Tôi ôm đá vào lòng, và thầm hỏi: Roàng ơi, ai đã về đây?.

Tràng Đà, Tân Tiến, Tân Long, tháng Tư, 2023

L.N

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 87 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 27 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 27 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 19 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 108 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 24 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 32 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 36 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 87 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 28 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 164 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 461 lượt xem