Đâu chỉ những đồi sim tím

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 10:59| 861 lượt xem

Tùy bút của Mạc Ninh

Minh họa của Tân Hà

 

Đông - Nam Sơn Dương xưa thuộc lộ Sơn Tây, cuối thế kỷ XIX mới sáp nhập vào tỉnh Tuyên Quang là vùng bán sơn địa bạt ngàn những đồi sim tím. Song đâu phải vậy. Thoạt nhìn toàn cảnh đã khiến du khách không thể rời mắt. Giữa vùng đồi đất lô xô liền với cánh đồng bằng phẳng đột ngột nổi lên quần thể núi đá vôi đẹp như tranh thủy mạc. Có lẽ đến Ngũ Hành Sơn cũng không sánh kịp. Cận cảnh lần lượt năm ngọn núi hình tháp xếp thành hàng nghiêm ngắn, như có bàn tay sắp đặt, cao dần lên từ Bắc xuống Nam. Mây lững lờ trôi vô định. Núi ẩn hiện mờ sương. Song song phía sau là ngút ngàn Tam Đảo như trường thành hùng vĩ chắn gió lạnh mùa ngày đông. Nhờ đó, khí hậu ở đây mát mẻ bất ngờ. Từ Bắc xuống Nam là hai núi liền kề sát con đường khai mỏ. Hang lớn thông từ Đông sang Tây ở vào khoảng giữa yên ngựa. Chiều buông, gió nam lồng lộng thổi qua hang, tấu lên khúc nhạc lúc khoan thai da diết, khi dập dồn bước vó ngựa.  Điều kỳ thú nữa là, nếu di chuyển chỗ đứng hoặc thay đổi thời khắc ngắm cảnh, lúc bình minh hay buổi hoàng hôn sẽ thấy hai núi luôn thay đổi hình dáng. Khi thì giống hình vũ nữ Apsara, có lúc lại nhấp nhô hình tháp chàm cổ kính. Núi cao nhất trong ba núi phía Nam có động lớn, vẻ đẹp sánh ngang với “Nam thiên đệ nhất động” chùa Hương. Động ở giữa núi, hai cửa rộng thênh thang. Sát trần phía Đông có một khoảng rộng thông thiên, ánh trời sáng chiếu vào rạng rỡ. Trên trần, trên vách động có nhiều nhũ đá hình dạng kỳ thú, Tiên ông, Phật bà, rồng bay, phượng múa với đủ sắc màu lung linh huyền ảo. Đáy động có con suối nông mà trong suốt. Từ xa xưa cư dân đã lấy động làm chùa, chẳng phải mất bao nhiêu công xây đắp.

 Gần đây, sau chuyến khảo sát nhằm xác minh thông tin của Viễn Đông bác cổ Năm 1942: Chùa Thiện Kế có nhiều bức bích họa, Đào Xuân Ngọc, Đào Anh Tuấn họa sĩ và Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang cho biết: Chính giữa chùa vẽ Bồ Tát tọa trên bệ hoa sen cùng nhóm tượng Phật ban Tam bảo và Chư Phật. Các bức họa ở góc phía Tây, vẽ hình Phật Bồ Tát, Thị giả, Phi Thiên, hình mây, cánh sen màu đỏ trầm, màu nâu, màu vàng. Phía bên trái vẽ hình Phật tọa thiền trên bệ hoa sen, tay ấn quyết thiền định, hai bên là hai Thị Giả. Những hình ở vị trí  bên phải gồm hình khắc và hình vẽ. Hình khắc có lớp nền mỏng, khắc hình một tòa điện - diềm mái và bờ dải hình lá bồ đề, có đầu hồi, chóp mái và hình ngôi thấp 7 tầng, phía xa hình vẽ người cưỡi ngựa. Bước đầu xác định  các bức bích họa có niên đại thế kỷ XIII - XIV và có những đặc điểm tạo hình tương đồng với những bức họa ở khu vực Trung Á. Bởi giá trị nhiều mặt, những bức họa chùa Thiện Kế xứng đáng được xếp vào hàng bảo vật quốc gia.   

Phía trước dải núi đá Thiện Kế, dòng sông trong xanh dùng dằng lưu luyến lững lờ trôi. Khởi nguồn từ dãy núi Phia Bióc xa xôi, chảy qua suốt mười ba xã huyện Sơn Dương với chiều dài trên tám mươi ki-lô- mét. Suối Dò, Suối Cho Ro, Suối Ngòi Cau, Suối Thiện từ trên triềnTam Đảo đua nhau đổ về sông Phó Đáy. Hồ Thiện Phong phía Đông, hồ Khoan Lư phía Tây cảnh quan càng ngoạn mục.                                

 Chùa Khoan Lư xã Sơn Nam, xây dựng trên đồi Gò Chùa, dưới chân đồi có khe nước chảy từ núi Hang Mỏ ra, xung quanh có các thôn Khoan Lư, Ba Nhà, Vườn Quan. Trước đây chùa ba gian, có một gian được làm giống nhà sàn, dùng các cột đá đỡ sàn gỗ. Hiện còn 6 cột đá được chôn trước cửa chùa. Cột cao nhất gần ba mét. Hình dạng không giống nhau: cột hơi dẹt, cột hình vuông, cột hình tròn, cột hình sáu cạnh. Chùa còn lưu giữ một quả chuông đồng và các pho tượng Phật bằng đất nung: Ba tượng Tam Thế, tượng Thích Ca, tượng Đức Ông, tượng Phổ Hiền. Theo các chuyên gia khảo cổ, chùa Khoan Lư có niên đại thế kỷ XIV. Năm 2012, nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng chùa bằng vật liệu kiên cố. Hàng năm, chùa có Lễ Khai Xuân, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Lễ Tất niên và mở cửa đón khách thập phương đến lễ Phật, vãn cảnh chùa hàng ngày. Chùa Khoan Lư còn là di tích lịch sử: Thời kỳ cách mạng, các ông Kim Ngọc, Lê Dục Tôn, Hoàng Bắc Dũng họp bàn đánh chiếm châu lỵ Thiện Kế tại ngôi chùa này.

Hơn hai mươi năm trước, phát hiện tại thôn Văn Sòng xã Thiện Kế một chiếc trống đồng nặng hơn ba mươi ki-lô-gam. Giữa mặt trống là hình ngôi sao mười hai cánh. Giữa các cánh sao là hoa văn hình chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, hình người hóa trang, đường vạch song song, đường tròn đồng tâm. Trống đồng là hiện vật tiêu biểu, đặc trưng của văn hóa Đông Sơn tương ứng với thời đại nhà nước Văn Lang.

 Trong lần san khoảng đất dưới chân núi chùa Thiện làm sân đấu vật tình cờ phát lộ một phần diện tích di chỉ cư trú của cư dân thời kim khí. Căn cứ vào ta luy còn để lại có thể quan sát thấy tầng văn hóa dày trên một mét, phát hiện hàng trăm di vật cắm sâu trong tầng văn hóa, chủ yếu là đồ gốm: Những chiếc nồi, bát, cốc, chậu… với nhiều kiểu dáng khác nhau. Thêm bằng chứng, tại đây, hơn ba nghìn năm trước thần dân của các Vua Hùng đã từng sinh sống.

Dọc hai bờ sông Phó Đáy tồn tại dày đặc những cự thạch (đồ đá lớn).

Dấu tích của những công trình tín kiến trúc bằng đá rất độc đáo gồm nhóm cột đá cao ba mét dựng trên đỉnh đồi. Trong khuôn khổ nền đình còn gặp những cột đá đỡ sàn cao hơn nửa mét. Các cột đều lấy từ đá tự nhiên, phần gia công chế tác chỉ thấy ở trên đầu cột. Những cự thạch khác có dạng tấm đá phiến, hình khối hơi giống con thuyền. Cự thạch thôn phố Dò có chiều dài  hơn  hai mét rộng gần một mét. Ở mỗi đầu tấm đá được kê cao trên bốn tảng đá to hình nêm chôn sâu trong lòng đất, giữa cánh đồng. Hiện tại hầu hết những cự thạch dạng này được sử dụng  làm cầu. Có lẽ xa xưa chúng là vật thờ cúng liên quan đến nước - yếu tố tiên quyết hình thành sự sống.

Đông - Nam Sơn Dương nơi người Kinh, người Cao Lan, người Sán Dìu, người  Dao Quần Chẹt, người Hoa những cư dân nông nghiệp quần tụ cư trú tạo nên vùng văn hóa đa sắc màu, đa tín ngưỡng.

Mỗi làng Cao Lan có đình thờ thành hoàng và miếu thờ thờ thần linh mang “hèm”  là bí mật riêng. Làng có hương ước khá chặt chẽ. Chẳng hạn, khi ai đó muốn rời làng, vợ chồng con cái đốt đuốc đi vào lúc nửa đêm. Ra khỏi làng, lội qua con suối đầu tiên thì dừng lại chờ đến sáng. Tinh mơ hôm sau vợ chồng đầu trần xoã tóc quay về làng, đến từng nhà, đứng trước cửa nói đại ý: Vợ chồng tôi có lỗi với làng, mong làng bỏ qua mà giúp đỡ cho. Sau lời xin lỗi đó dân làng mới cử người đến giúp vận chuyển. Ruộng đất là của chung, chia theo hộ gia đình. Sau năm đến bảy năm chia lại một lần cho con cháu. Người canh tác đất chỉ có quyền đối với tài sản được làm ra trên mảnh đất đó. Tín ngưỡng Cao Lan quan niệm “Âm dương nhị lộ” tức hai đường âm dương song hành. Khi cha mẹ già qua đời, làm tang chu đáo là thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu. Người chết được chia của cải, công cụ sản xuất, vũ khí và được làm nhà xe. Ngôi nhà này hình dáng ngôi nhà sàn, dùng nứa làm cốt, mái, vách bằng giấy mà là cả một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Làng Sán Dìu xưa khán thủ chủ trì cúng thành hoàng, quản lý nguồn nước, hòa giải xích mích, xử phạt thành viên vi phạm qui ước chung của làng. Quan niệm thế giới có ba tầng: Tầng trời của thần thánh, tổ tiên; tầng giữa là trần gian, con người sinh sống; tầng sâu trong lòng đất là âm ty, nơi người chết cư trú. Người Dao Quần Chẹt thờ tổ tiên gia tộc thờ chung thủy tổ là Bàn Vương. Người Hoa thờ tổ tiên, thờ Phật bà Quan Âm, thổ địa.

Lễ Cấp sắc là một nghi lễ quan trọng trong đời người đàn ông, tiếng Dao là quá tăng, nghĩa là soi đèn, xuất phát từ tình tiết thắp đèn, nến soi sáng Người thụ lễ được Thầy cả răn mười điều cấm, còn mình cũng tự  nguyện mười điều. Nội dung chủ yếu là về đạo đức.  Quá trình hành lễ là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng.  Nam giới Sán Dìu có tục Cấp sắc. Điều đặc biệt là vợ thầy cúng được đối xử như vị trí của chồng; khi chết nghi thức làm ma như thầy cúng. Lễ Đại phan của người Sán Dìu, năm ngoái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghi lễ nhằm thăng cấp bậc cho người làm thầy, mang nhiều giá trị về âm nhạc, diễn xướng, tạo hình và đậm màu sắc tâm linh.

Người dân tộc thiểu số ở Đông - Nam Sơn Dương đều có chữ viết: Chữ Nôm Cao Lan, chữ Nôm Sán Dìu, chữ Nôm Dao. Tri thức phong phú được ghi chép khá đầy đủ trong các pho sách.

Trang phục phụ nữ thể hiện tài khéo của chị em, mỗi dân tộc mỗi vẻ đẹp riêng có. Phụ nữ Cao Lan mặc váy,  áo dài, nửa thân trên màu nâu, nửa thân dưới màu chàm hoặc ngược lại, gọi là áo đổi thân. Hai màu chàm, nâu non tạo nên một hòa sắc đậm, chắc khỏe mà không gắt, tôn thêm da dẻ tươi tắn của phụ nữ. Phụ nữ Sán Dìu mặc váy ngắn màu chàm còn gọi là váy lá, vừa gọn gàng vừa hiện đại. Phụ nữ Dao Quần Chẹt mặc áo dài nhuộm chàm, cuốn vạt lên, quần cùng màu áo, ống chẽn rất hẹp, tạo vẻ đẹp khỏe khoắn như những chiến binh. Phụ nữ Hoa mặc quần, áo năm thân, rộng, màu xanh, đen hoặc vải hoa nhiều màu; áo cài khuy nách, cúc tết bằng vải. Kho tàng văn chương dân gian gồm truyền thuyết, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện cười, rồi tục ngữ, câu đố hết thảy đều rất phong phú. Người Cao Lan hát Sình ca, tôn thờ Lưu Ba là thần thơ ca linh  thiêng ngang với thần núi thần sông. Người Sán Dìu hát Soọng cô, người Dao hát Páo dung. Những làn điệu thiết tha, lời ca mộc mạc, hình ảnh gần gũi tình yêu lứa đôi sâu sắc, mãnh liệt:

Trời sắp sáng nắm một nắm vừng

Rắc lên chỗ ta từng chia tay

Hoa vừng nở rộ sau này

Quả vừng lúc chín về đây ta tìm.

                        *

Em bay lên trời anh cũng đuổi

Em trốn vào sao anh cũng tìm.

Lễ cưới của người Cao Lan có nhiều nghi thức như lễ giữ cửa, lễ dâng tổ, lễ mời trầu. Mỗi lễ đều có khúc Sình ca đối đáp. Hôn lễ người Sán Dìu diễn ra theo trình tự năm năm bước. Mỗi  bước của nghi thức đều thực hiện bằng lời hát Soọng cô. Páo dung Dao được cất lên từ khi lễ cưới bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Sình ca, Soọng cô, Páo dung đồng thời  được xem là phương tiện người trần giao tiếp với thế giới thần linh, sử dụng trong nghi lễ. Tranh thờ Cao Lan, tranh thờ Dao bố cục theo luật cân đối trên mặt phẳng, lối vẽ tả thực, chất phác, tính cách nhân vật thể hiện sinh động. Tranh Tứ trực Công Tào: nửa đêm, rạng đông, giữa trưa, hoàng hôn lúc nào cũng có một vị thần chứng kiến mọi việc làm của nhân gian để tấu trình với Ngọc Hoàng.

Vũ điệu dân gian các dân tộc khá phong phú. Người Cao Lan có Điệu múa Chim gâu xuống ruộng đậm chất trữ tình, pha ý nghĩa phồn thực. Điệu múa Xúc tép, múa Trỉa lúa, múa Phát lối mở đường không khí vui nhộn, mô phỏng động tác lao động. Người Dao có các điệu múa trong lễ Cấp sắc: Múa chuông, múa gậy, múa bắt ba ba, múa gà... Nhạc cụ nhiều vẻ độc đáo: Trống đất, trống tang sành, khèn lá lúa, khèn Pó te, lềnh pán, chuông lắc, trống nhỏ, trống to…

Vùng đất đủ cả núi đồi, hang động, sông suối, hồ đập, chùa chiền và kho tàng văn hóa và giàu có vừa độc đáo như thế, mai ngày hẳn sẽ có doanh nhân đầu tư xây dựng thành khu du lịch nhộn nhịp khách trong, ngoài nước chảy về thưởng ngoạn.

 

Tháng 3 năm 2023.

M.N

Tin tức khác

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 26 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 37 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 38 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 89 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 33 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 31 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 30 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 22 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem