Câu chuyện làng tôi và những địa danh cũ

Thứ tư, ngày 20-09-2023, 09:43| 656 lượt xem

Ký dự thi của Tân Điều

Minh họa của Quảng Tâm

 

Vừa rồi, theo dõi chương trình Góc nhìn văn hóa trên VTV3 nói về chủ đề sáp nhập, đặt lại tên các thôn, làng ở một số địa phương. Đây là một chủ trương đúng nhưng cũng khá phức tạp nên cần làm từng bước, thận trọng. Nhưng một số nơi do cách làm vội vàng và chủ quan nên để xảy ra những rắc rối, gây bức xúc không cần thiết trong nhân dân. Thí dụ: Những tên thôn, làng đã có từ xưa, đã in sâu trong trái tim khối óc, là niềm tự hào của bao thế hệ. Nay bỗng dưng lại được đặt theo những con số: Thôn 1, Thôn 2, Thôn 3… Cũng từ câu chuyện này tôi lại liên tưởng đến cái làng cũ của tôi ngày xưa và những địa danh đã gắn liền với nó.

 Vâng, xin bắt đầu từ cái làng quê nhỏ bé của tôi, ở đấy có những cái tên, những địa danh đã gắn bó với tuổi thơ tôi. Nó đã tồn tại bao đời, đã thành máu thịt của bao thế hệ mà nay những cái tên ấy đã không còn hoặc thi thoảng mới được lớp người già nhắc đến như là truyện cổ tích. Từ cái tên làng (xóm) Cả, cũng may mà cái tên ấy vẫn giữ nguyên đến giờ, tất nhiên nay đã thành thôn Cả rồi. Cái tên gọi này không biết nguyên do từ đâu mà có và có từ  bao giờ? Hỏi những người già nhất ai cũng chỉ nói sinh ra đã thấy tên như vậy rồi. Khoảng đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trong xã tôi cùng với làng Cả còn có làng Bòng, làng Thia, làng Kim Long là những làng lớn nhất. Nhưng vì sao làng tôi lại có tên là làng Cả? Có phải đây là làng to nhất và là làng đầu tiên hay không? Có thể lắm chứ, nhưng tôi không dại gì mà tự khẳng định theo cách suy diễn cảm tính như vậy. Chỉ có điều tôi dám chắc là làng tôi có những lợi thế vượt trội so với một số làng khác.

Trước đây các làng ở đều tách biệt nhau khá xa, đi từ làng này sang làng kia đều phải vượt qua rừng núi hoặc cánh đồng chứ không liền vào nhau như bây giờ. Làng tôi ở vị trí địa lý khá thuận lợi, tuy không phải ở giữa trung tâm xã nhưng lại là trung tâm huyết mạch của cả vùng thượng huyện. Chẳng thế mà ngày Bác Hồ từ Cao Bằng về Tân Trào, điểm dừng chân đầu tiên là ở đình Hồng Thái làng tôi. Từ làng Cả đi lên phía Bắc là các xã Minh Thanh, Trung Yên rồi lên các xã ATK của huyện Yên Sơn. Đi sang phía Đông, qua làng Thia, làng Kim Long là đến huyện Định Hóa, Đại Từ của Thái Nguyên. Xuôi xuống phía Nam là ra thị trấn Sơn Dương, đi thị xã Tuyên Quang, rồi về Hà Nội. Chỉ có phía Tây là rừng núi cao án ngữ nhưng vẫn có đường đi tắt lên xã Minh Thanh. Làng tôi lại có đình Hồng Thái là trung tâm tín ngưỡng, là nơi hàng năm diễn ra lễ hội tưng bừng vào dịp đầu năm mới. Tại lễ hội có rất nhiều hoạt động được diễn ra, từ nghi thức rước kiệu đến nghi thức dạy học của các cụ đồ ngày xưa, rồi cảnh diễn lại việc cày bừa cấy hái. Trong khi ở trong đình các cụ già vẫn thực hiện các nghi lễ về tâm linh thì ở ngoài sân, dưới tán cây đa, ngoài cánh đồng rất nhiều các trò chơi cả cũ lẫn mới được diễn ra như: Thi đấu bóng chuyền, thi đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đấu vật, đánh quay, đánh yến v.v… Trước đây nó chỉ là lễ hội của làng nhưng đã thành ngày hội chung của cả vùng vì nhân dân ở các làng xã xung quanh về dự hội rất đông vui.

Làng Cả của tôi là như vậy, nhưng còn một điều nữa ngày nay ít ai được biết đó là làng tôi còn có một tên gọi khác. Có thể chỉ là tên nhân dân tự đặt ra nhưng nó đã đi vào tiềm thức của mỗi người, thành một tên quen thuộc, đó là làng Giếng Đôi. Tôi lớn lên đã thấy như vậy, thậm chí hồi đó nếu có viết thư cho bạn bè tôi thường ghi theo địa chỉ này thì thư vẫn đến như thường, hai cái tên làng Cả và làng Giếng Đôi đều tồn tại song song. Sở dĩ có tên gọi này là vì ngay trước cổng làng có hai cái giếng nước trong vắt, quanh năm đầy ắp, cả làng dùng chung mà không bao giờ cạn. Ban đầu giếng có dáng hình vuông vì bốn xung quanh người ta kè lên những khúc gỗ để ngăn giữ đất, sau này giếng đã được xây tròn lại bằng xi măng chắc chắn. Cái giếng to hơn ở phía trên gọi là giếng Chồng, giếng chếch về phía dưới bé hơn gọi là giếng Vợ, có người còn gọi là giếng Ông và giếng Bà. Nghe các cụ kể lại thì đây là câu chuyện tình của một đôi trai tài gái sắc, vì không lấy được nhau nên thề sẽ sống trọn đời bên cạnh nhau ở kiếp khác. Người ta còn khẳng định rằng tuy hai giếng cách biệt nhưng mạch ngầm lại thông sang nhau. Bây giờ thì hai cái giếng đó không còn nữa, nó đã bị lấp đi từ lâu, cho nên cái tên làng Giếng Đôi cũng không còn thấy ai nhắc đến.

Thỉnh thoảng mỗi khi có dịp trở về quê, tôi lại tần ngần đứng ở đầu làng nhớ về những kí ức xưa. Hồi ấy vào buổi tối mỗi khi phải đi qua cái giếng làng là một lần tôi phải thót tim, bởi vì nghe người già kể lại về câu chuyện ly kỳ nhưng rùng rợn. Đó là vào những đêm trở trời, sương mù mờ ảo thường xuất hiện một đôi trai gái quần áo trắng toát ngồi tâm sự với nhau bên bờ giếng. Thời ấy những chuyện đại loại về ma quỷ như vậy chúng tôi rất tin và cũng rất sợ. Ban đêm ma có mặt ở khắp mọi nơi, nhất là những chỗ hiểm yếu, bên gốc cây to hay ở bụi rậm ven đường. Cách làng tôi khoảng vài trăm mét, trên đường vào làng có một cái dốc, gọi là dốc Lim Vang vì có một cây lim cổ thụ không biết có từ bao giờ. Cái cây cũng rất lạ, cành lá um tùm xum xuê vươn ra rất xa, ở tít trên cao có một cành ngang rất to vắt qua đường như một cái cầu vượt, tất cả phải đi qua dưới gầm cành cây ấy. Thế là có chuyện, thỉnh thoảng vào những chiều nhập nhoạng tối là bọn ma thường ngồi vắt vẻo trên cành cây ném cát xuống dọa người đi đường. Chẳng biết có thật hay không nhưng những người yếu bóng vía, nhất là bọn trẻ con chúng tôi thì rất sợ. Cũng may là có một ông thầy cúng cao tay đã trị cho bọn ma một trận, một buổi tối ông đi qua dốc, bọn ma quen thói thi nhau ném cát rào rào xuống. Ông liền dùng nón hứng lấy cát mang về đổ vào chảo đun nóng lên rồi rang như rang lạc. Thế là cả họ nhà ma kéo đến nhà ông van lạy, khóc như ri dưới chân cầu thang, ông dọa cho chúng một trận rồi tung cát ra ngoài trời, bọn ma chạy tán loạn, cũng từ đấy chúng không dám dọa nạt con người nữa.

Làng tôi và cả những làng xung quanh, ngày xưa có nhiều địa danh tên gọi riêng rất độc đáo mà theo tôi nó còn hay nữa. Nhưng bây giờ người ta lại đổi thành những tên khác, chắc là để cho hiện đại hơn. Chẳng hạn Làng Ảy ngày xưa bây giờ đã thành thôn Vĩnh Tân, làng Lũng Bầu thành thôn Tiền Phong. Cái Thác Rẫng trên dòng sông Phó Đáy nơi ngày xưa Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở hai lán hai bên bờ sông thường qua lại. Nay đã có cầu mới khang trang hiện đại, nhưng chẳng hiểu sao do vô tình hay hữu ý mà lại đặt tên cầu là cầu Thác Dẫng, chứ không phải là Thác Rẫng như ngày xưa dân làng vẫn gọi. Đã có đôi lần tôi nói về những chuyện này, nhưng người ta có nhiều lý do lắm. Nào là “chỗ làng cũ ấy bây giờ có phải dân ta ở đâu, dân nơi khác đến thì người ta phải đặt tên khác chứ”. Hay là “Cái Thác Dẫng hay Thác Rẫng tuy viết có khác nhau nhưng đọc ra nghe vẫn thế, có gì khác đâu, đổi mới rồi cũng phải nghĩ thoáng lên ông ạ”. Lạ thật, tại sao bây giờ làm gì người ta cũng lấy danh nghĩa là đổi mới nhỉ? Nếu quả thật như vậy thì cái cầu Hàm Rồng trong Thanh Hóa viết thành Hàm Dồng, vịnh Cam Ranh thành Cam Danh hay  nước Rumani thành Dumani chắc cũng chẳng có gì sai chăng!

Chỉ loanh quanh trong cái làng của tôi cũng khá nhiều địa danh bản thân tôi cũng phải khó khăn lắm mới nhớ lại được một số. Những cánh đồng làng như: Đồng Bả, Đồng Thâm, Đồng Đỉa, Đồng Ngoã... bọn trẻ chúng tôi thường chăn trâu cắt cỏ. Những cái tên như: Ao Bưởng, Trú Mật, Rộc Hán, Gò Khau, Bo Bốc, Vực Kiêng, Soi Đình… gắn bó với tuổi thơ tôi trong những trò chơi đánh khăng, đánh đáo hay những cuộc đi mò bắn chim, bắn sóc, đo thón bắt cá… Tự dưng tôi có một liên tưởng khập khiễng, bây giờ người ta đang tìm mọi cách để khôi phục lại và phát triển những món ăn đặc sản dân tộc, những món ăn dân dã quê mùa mà hồi bé ta đã phát ngán lên. Tôi ước ao những cái tên quê mùa ngày xưa ấy đến một lúc nào đó cũng sẽ được mọi người nhắc đến. Nhưng có lẽ chỉ còn trong giấc mơ mà thôi, bởi vì những cái tên ấy đã đi vào dĩ vãng rồi, phải chăng là nó quá thô kệch, quá quê mùa không còn phù hợp với bây giờ?

Tôi cảm thấy chạnh lòng, bâng khuâng nhớ về cái làng quê nhỏ bé của mình đã bị mất đi những cái tên thô ráp cũ kĩ đã gắn bó với mình một thời, thay vào đó là những cái tên mới bóng bẩy, lai căng. Cũng như tôi ngày còn bé, tôi chỉ biết tên mình là thằng Cu, vì tất cả làng cả xã đều gọi mình như vậy, tôi tự hào và thích thú với cái tên đó. Nhưng khi lớn lên một chút, chính cái tên gọi đó lại hay bị bọn bạn bè nó diễu cợt trêu đùa. Đã có lúc tôi thấy xấu hổ muốn bỏ đi, để đến bây giờ lại thấy nhớ da diết cái tên gọi ngày xưa ấy. Chúng ta hãy bình tĩnh để nghĩ về cái cội nguồn nguyên sơ của mình. Những gì nó đã hình thành và tồn tại cùng thời gian và con người thì hãy trân trọng và tìm cách giữ gìn lấy nó, đừng để nó mất đi vì chính chúng ta.

Làng Cả tháng 8/2008

Tuyên Quang tháng 7/2023

T.Đ

Tin tức khác

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 58 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 162 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 105 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 106 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 100 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 118 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 117 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 107 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 161 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 110 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 231 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem