Ghi chép của Lê Văn Sinh
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên có lợi thế là Quốc lộ 2 đi qua, có dòng sông Lô êm đềm, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp muôn màu nhiều vẻ. Dọc theo đường Quốc lộ 2 từ thôn Tân Thành đến thôn Ao Vệ hoặc các trục đường chính đi vào các thôn xóm, hai bên đường là những khu dân cư đông đúc, nhà cửa mọc lên san sát, sầm uất như phố thị. Trong các ngõ xóm, những bản làng bình yên, mộc mạc quây quần bên những dòng suối, bờ sông. Những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, xen lẫn với những ngôi nhà xây cao tầng, hiện đại, thấp thoáng ẩn hiện sau những lùm cây xanh. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp vùng nông thôn đa sắc màu, trù phú, xanh tươi mà còn giữ được phong cảnh thiên nhiên khá thơ mộng. Đây là vùng đất hiếu học, người dân không chỉ có truyền thống cần cù, yêu nước mà còn có truyền thống văn hóa lâu đời. Đặc biệt, vùng đất này đã xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng, có những đóng góp không nhỏ trong dòng chảy văn học nước nhà.
Nhắc đến Thái Hòa, không thể không nhắc đến cố nhà văn Đinh Công Diệp, cây đại thụ của làng văn học Tuyên Quang. Ông đã có nhiều tác phẩm để đời thật giá trị. Một thời gian dài, ông đã sinh sống trên mảnh đất Thái Hòa, mảnh đất nằm bám dọc phía hữu ngạn sông Lô. Ông đã đi và viết suốt mấy chục nằm neo bám vào cái bến ghềnh Hang Mang. Các tác phẩm mang dấu ấn đậm nét của ông phải kể đến là cuốn tiểu thuyết “Chỉ mình em mặc áo đen”, đạt giải C của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 1999). Tập truyện ngắn “Truyện ngắn Đinh Công Diệp” đạt Giải C, giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2010). Tiểu thuyết: “Chỉ mình em mặc áo đen” mang về thêm cho tác giả Giải thưởng Tân Trào (năm 2013). Tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” đạt Giải B (không có giải A) của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2021), tác phẩm này cũng đạt luôn giải “Tác phẩm xuất sắc” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2021). Một lần nữa cuốn tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” đạt giải A, giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 2023). Cố nhà văn đã đi xa, nhưng ông và các tác phẩm của mình mãi mãi còn nằm sâu trong lòng bạn đọc. Giờ có dịp đến với Thái Hòa, người dân nơi đây vẫn thường nhắc tới ông một cách trìu mến với ngòi bút tài hoa.
Còn với nhà thơ Tạ Bá Hương, anh còn khá trẻ (sinh năm 1977) là thế hệ thứ ba, từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) lên Tuyên Quang khai hoang lập nghiệp. Suốt tuổi thơ anh gắn bó chặt chẽ với rẻo đất nơi bến ghềnh Hang Mang của xã Thái Hòa. Ngay từ nhỏ anh sớm bộc lộ năng khiếu thơ ca. Anh đã có thời theo ngành Sư phạm nhưng vì nhiều lý do không níu giữ nổi anh đi theo nghề “gõ đầu” trẻ nên năm 2002, anh về Hà Nội học tại Khoa Viết văn và báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp, ra trường anh trở về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang. Đầu năm 2020, anh được tỉnh bố trí chuyển công tác sang làm quản lí ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Hiện nay anh đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang. Riêng ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Tạ Bá Hương đã có những thành tích đáng kể. Có lẽ, bước chân vào nghiệp sáng tác, anh đã gửi trọn tình yêu với nghề. Như cá gặp nước, anh cứ đi và viết, trải nghiệm khắp mọi nẻo đường. Đến hôm nay, anh có một gia tài thơ ca, văn chương chưa phải đồ sộ nhưng các thể loại cũng kha khá, đủ để mọi người ngưỡng mộ và được coi là "Tài năng trẻ miền Sơn cước" của núi rừng Việt Bắc. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Thơ của anh mang đậm âm hưởng núi rừng, với những vần thơ giản dị, mộc mạc, ấm áp và chan chứa chữ tình, đầy chất xúc cảm, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu quê hương và con người nơi đây. Ngoài chức trách và nhiệm vụ của một nhà báo, hàng chục bài thơ của anh đã được các nhạc sĩ trung ương và trong tỉnh phổ nhạc, trở thành những bài hát quen thân thuộc như bài: “Dòng nước ân tình”, “Mùa thổ cẩm trên núi”, “Hàm Yên và em”, “Nghe em hát Then”, “Sông Gâm mùa ước hẹn”... các tác phẩm chính của anh là tập thơ “Dòng sông thời gian” do Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang ấn hành (năm 2001). Tập thơ “Đêm trở giấc” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành (năm 2021). Tập thơ “Đôi mắt đợi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (năm 2023). Tập bút kí “Người ở bến Lù”) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (năm 2023). Nhiều bài thơ, bài hát đi vào lòng người, được mọi người đón nhận và yêu thích, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong lòng người dân Tuyên Quang. Rất nhiều những tác phẩm của anh đã đạt giải thưởng cao ở Trung ương, như: Giải C, giải thưởng văn học của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam; giải B, giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng Tân Trào, giải thưởng danh giá dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và Khoa học, công nghệ, do UBND tỉnh trao tặng. Mới đây nhất là tập bút kí “Người ở Bến Lù” đoạt giải B (không có giải A), giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngoài ra Tạ Bá Hương cùng với Trần Quang Thủy cũng đoạt giải C, giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương với tác phẩm âm nhạc “Mùa phách nhớ Người”.
Lớn lên ở thôn Khánh An, một làng quê nhỏ bé neo bám vào khúc ghềnh nơi bến Hang Mang, nhà văn Nguyễn Trần Bé cũng là cây bút khá thành công trong lòng bạn đọc. Ông sinh năm 1960 ở vùng đất cố đô Hoa Lư Ninh Bình. Ba tuổi theo gia đình đi khai hoang lập nghiệp trên vùng kinh tế mới và suốt cả tuồi thơ lặn ngụp nơi bến ghềnh. Sau khi trưởng thành đi công tác, gắn bó với vùng cao Hà Giang. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Các tác phẩm của ông thường xoay quanh đề tài về cuộc sống của người dân vùng cao. Những thân phận con người của đồng bào Mông, Dao, Tày… hiện ra tươi mới trong ngòi bút của ông, phản ánh những khó khăn, vất vả nhưng cũng không kém phần lạc quan, yêu đời của họ. Truyện "Vỡ Núi", tiểu thuyết "Thạch trụ huyết", cùng nhiều truyện khác về đề tài thiếu nhi là những sáng tác tiêu biểu của nhà văn. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín như tác phẩm: Thạch trụ huyết” được giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011 - 2015). Nhiều tác phẩm đạt các giải thưởng văn học các dân tộc thiểu số. Giải thưởng Tây Côn Lĩnh, nhiều giải thưởng danh giá khác… Ông và các tác phẩm của ông được đông đảo độc giả mến mộ và vô cùng yêu thích.
Cũng tại nơi bến ghềnh Hang Mang của xã Thái Hòa, nhà thơ Đinh Công Thủy, sinh năm 1972, cũng từng gắn bó máu thịt trên rẻo đất khó nhọc này. Anh nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà. Năm 2022 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Anh cũng là thế hệ thứ ba của người Ninh Bình lên Tuyên Quang khai hoang lập nghiệp. Anh là con trai cố nhà văn Đinh Công Diệp, được thừa hưởng cái gen văn chương của gia đình. Anh viết rất nhiều thể loại và rất tâm huyết với mảng thiếu nhi, đã thành công trong mảng đề tài này. Tập thơ “Khi tôi lớn” đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000. Tập thơ: “Giấc mơ hạt thóc” của anh đoạt giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2005. Tập thơ này cũng đạt luôn Giải thưởng Tân Trào năm 2023. Tập thơ “Từ 1 lãng quên” đã mang về cho nhà thơ Giải Khuyến khích, giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2024). Nhà thơ còn đạt giải Ba cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2023) với Tập thơ: “Cái bếp kể chuyện”…
Ngoài ra, Thái Hòa còn có nhiều cây bút tài năng khác như nhà văn Nguyễn Quốc Trí, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ông về hưu và đang định cư tại thôn Tân Khoa, Thái Hòa. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được đăng tải trên các báo lớn như: Tập truyện ngắn “Đêm chồng vợ”, Nhà xuất bản Thanh niên (1992). “Được mùa người” Nhà xuất bản Hội Nhà văn (1995) cùng hàng nghìn bài báo được đăng tải trên các tờ báo từ trung ương đến địa phương. Bây giờ, về nghỉ hưu vui thú điền viên nhưng ông vẫn viết khỏe, vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho văn học, nghệ thuật…
Thầy giáo, nhà thơ Phạm Văn Vui hiện đã về hưu, đang cư trú tại Làng Mãn 1 của xã
Thái Hòa. Các tác phẩm của thầy giáo Phạm Văn Vui viết về nhiều chủ đề khác nhau, được đăng tải trên báo Văn nghệ Việt Nam và nhiều tờ báo lớn khác… Năm 2023, Phạm Văn Vui cho ra đời tập thơ “Buộc sông vào bờ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Những bài thơ nổi tiếng như: “Cảm nhận mùa Xuân”, “Động Tiên”, “Buộc sông vào bờ”… Từ những chùm thơ viết về hơi thở của quê hương đến những người lính đảo. Tôi đã từng đọc bài thơ ông viết về Trường Sa với tình cảm gần gũi, thân thương, tưởng như ông đang cùng ăn, cùng ở, cùng sống với các chiến sĩ ngoài hải đảo, mặc dù ông chưa một lần đặt chân đến.
Sự xuất hiện của các nhà văn, nhà thơ Đinh Công Diệp, Tạ Bá Hương, Nguyễn Trần Bé, Đinh Công Thủy, Nguyễn Quốc Trí, Phạm Văn Vui trên văn đàn cho thấy một vùng đất đầy nắng gió của Thái Hòa đã nuôi dưỡng, hình thành nên lớp nhà văn nổi tiếng, có nhiều đóng góp tích cực trong dòng chảy văn học cả nước. Mỗi người có phong cách sáng tác riêng, nhưng họ đã chạm được vào trái tim của độc giả trong nước và trong tỉnh bấy lâu nay. Qua đây cũng đã khẳng định rằng xã Thái Hòa (Hàm Yên) có nhiều người viết văn tài năng có trên bản đồ văn học Việt Nam. Nơi đây không chỉ là một xã thuần nông, bình yên mà còn luôn hãnh diện tự hào là mảnh đất ươm mầm và sản sinh ra những tài năng văn học, góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
L.V.S
18-06-2024
18-06-2024
18-06-2024
18-06-2024