Tản văn của Nguyễn Quốc Trí
Minh họa của Quảng Tâm
Lúa đương thì con gái, ngúng nguẩy những cọng lá xanh, mơn mởn, đu đưa trong gió sớm. Bình minh nắng tươi rói tràn trề trên cánh đồng. Có một lúc nào đó trông như ngàn cánh lúa đang tung mình bay lên, khoe những đường cong mĩ miều, kiều diễm. Hương thơm của lúa thì con gái tinh tế, loang nhẹ trên đồng quê mơ mòng. Những cánh én chao liệng lúc bung lên khi sà xuống sát sạt ngọn lúa, vừa để bắt côn trùng, vừa như đùa chơi với lúa non trong nhịp cộng hưởng với làn điệu lúa.
Những khóm lúa xuân khỏe khoắn sau kỳ đẻ nhánh to mập tròn trịa, chuẩn bị làm đòng trong tiết cuối xuân. Những loài cỏ núp bóng lúa cũng theo mùa ăn chơi lan dần trên mặt nước sâm sấp dưới chân gốc lúa. Vài con chim đồng, họ hàng nhà chim cuốc, sâm giun và cả chìa vôi nữa, len lỏi trong ruộng lúa như thể đi chơi trong một công viên xanh của chúng.
Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên
Người của đồng quê, người canh nông, trồng trọt, hay là doanh nhân, công nhân nông nghiệp, hẳn còn nhớ câu ca dao này. Nhớ vì vẻ đẹp thơ ca của nó là chính. Còn các nhà khoa học canh nông và các lão nông tri điền, thì họ biết trong đó nói gì. Nói gì ở đây là với nghĩa thuần túy khoa học, không phải nghệ thuật. Khi hiểu “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, thì người ta mới “à, ra thế”. Rằng sau tiếng sấm vào hạ, là cơn mưa rào bất chợt. Mọi thứ đều cần mưa, nhất là cây trồng, trong đó có lúa thì con gái. Lúa khát mưa như tuổi trẻ khát tình yêu. Bởi trong mưa có nhiều chất đạm ni-tơ, món khoái khẩu của lúa trưởng thành. Lớn lên trông thấy, lớn nhanh như thổi là hiện trạng này đây. Lúa dậy thì rồi đó, nhưng cái dậy thì này rất kén chọn, em cần sự chăm sóc đủ chất, đủ độ để mang bầu trở thành một cây lúa đòng đòng đầy mê hoặc. Kén chọn giản đơn mà mãnh liệt, kén chọn sự thấu hiểu và chia sẻ của người làm lúa và đất trời sinh ra cây lúa. Vì lúa là một phần không thể thiếu của sự sống.
Đói thì ăn sắn, ăn khoai
Chớ thấy lúa trỗ tháng Hai mà mừng
Lại một câu ca dao khác của đồng quê về lúa đang thì con gái. Ai mà chẳng mong sớm có lúa gạo mới mà ăn, mà làm hàng hóa trao đổi, nhất là nhà nông một nắng hai sương, chân lấm tay bùn. Huống hồ những doanh nhân, tỉ phú nghề nông, hay đến cả những địa chủ phú ông ngày xưa. Nhưng đời sống của cây lúa không phụ thuộc đời sống tâm sinh lý của con người mà phụ thuộc hoàn toàn vào vũ trụ, lúa chỉ sống với trời đất khí hậu thời tiết mà thôi. Chính điều này tạo ra mã gien sinh tồn của họ hàng giống má nhà lúa, với những qui kết ngặt nghèo. Nếu lúa vụ này mà trổ bông trong tháng hai ta, thì có nghĩa đã “dính bầu” ngoài ý muốn. Do phát dục sớm, bởi anh giống má hoặc là do thời tiết làm sao đó bị lỗi quy trình. Mất ăn, mất nhờ rồi lúa ơi. Thế là không có đủ những gì lúa cần nên em nó đã đổi ý. Tháng ngày giáp hạt cận kề, cùng những lo toan của lớp người, luôn phải xoay xỏa trong đáy khổ nghèo.
Chuyện canh nông biết tới đâu thưa tới đó, còn chuyện canh giữ tâm hồn quê kiểng thì tùy sức mà quảng canh hay thâm canh. Thuở chăn trâu ở làng, vào mùa lúa con gái, thường là sớm hơn khi lúa chưa kín mặt ruộng, tôi hay theo cha mang lồng vịt, lồng ngan con ra ruộng lúa thả. Thả vịt, ngan con ra đồng vốn dĩ đã là thú vui ngây ngất của tuổi thơ. Ui cha, những chú vịt con dễ thương, chúng ríu rít ùa xuống ruộng lúa, sục mỏ rê khắp nơi dưới mặt bùn nước săm sắp, mà tìm kiếm mò mẫm. Ruộng nước sâu hơn, cha tôi thả thêm cá chép từ trước đó, lúc này đã to vài ba ngón tay, chuẩn bị cho mùa vật của cá, để tới mùa gặt chiêm sẽ thu cá về. Cùng với những chú cua con mới lớn (hay là cua tháu, gọi theo thổ ngữ) là những con cá chép nhỏ cỡ ngón tay bắt về thả trong chậu nước, rồi dùng lá đơn, mẻ chưng mật mía mà ăn gỏi. Món ăn này cha tôi ưa dùng, còn với tôi nó quá dữ dội với tuổi thơ của mình, nên nó vẫn mồ côi trong ẩm thực của tôi. Những con đỉa cộng sinh rất hung hăng mau lẹ, nơi đồng đất thanh sạch về môi trường ngày ấy, dù sao vẫn không làm tôi sợ hãi và từ chối thú vui tuổi thơ của mình trên đồng quê thương nhớ. Tôi chỉ sợ mùi tanh của lá giấp mọc lan man bờ ruộng bờ mương. Một thứ lá cây có mùi tanh hăng hăng đặc biệt mãnh liệt xộc thẳng vào mũi khi giẫm phải. Cứ vậy, tôi co cẳng nhào qua cho nhanh. Ấy thế nhưng giờ thì tôi đã thay lòng đổi dạ và đổi cả khứu giác rồi, tìm ăn lá giấp ngon lành, thơm mát cứ như ngỗng ăn cỏ. Tôi cũng tìm kiếm đuổi bắt cái gì mang máng thuở non xanh hồn nhiên đó, rồi không nhớ rõ là gì và bỗng nhiên nó đã trở thành những giấc mơ.
Giấc mơ tuổi thơ xưa giờ có thể lượm đầy trên đồng lúa đang thì con gái. Ngàn cánh lúa kia vẫn đang vẫy gọi kiếm tìm. Từ ấy, tôi đã đi trên con đường nhiều người đi, có tên gọi chung, không bao giờ tới cuối đường nên người ta gọi là con đường phù phiếm. Để lại sau lưng mình bao mùa lúa thì con gái như hôm nay. Để lại phía sau đời mình những người con gái chân quê, duy nhất chỉ có một thuở dậy thì, rồi chẳng cần nắng mưa mà cần, mà hóng, có khi là vô vọng, một cú sét tình yêu. Sau cú sét ấy là những tháng ngày bận rộn, lam lũ mà say mê tha rác về quây tổ ấm. Thường là thế, rồi bỏ hết mọi cuộc chơi. Bỏ hết cái ngáo ngơ hừng hực của anh trai làng mới lớn dạo nào. Rồi bỏ tiếp như làm ngơ trước sự ngậm ngùi luyến tiếc của một chàng tình si đa sầu nào đó. Ấy là cái thì con gái của người ta, có vẻ gì giống với lúa mà không phải vậy. Cũng có đôi khi tình cảnh ngược lại, vai chính vẫn là cô gái, mới dậy thì nhưng tưởng mình đã trưởng thành, cốt ngoan hiền nhưng đã vội thử chảnh chọe, chanh chua, trước những cuộc hẹn đầu đời để rồi tự tin biến thành tự hủy… Không sao, không sao, đồng quê mình vẫn rờn xanh ngàn mùa lúa. Ngàn cánh lúa vẫn bay đi và trở về như ngàn cánh cò cánh vạc, biểu tượng của nhà nông. Những ngàn cánh ấy, cũng là ngàn tia nắng, ngàn cánh mặt trời bất diệt với nhà nông, để giúp ta luôn có niềm tin yêu, hy vọng mới.
Mùa lúa thì con gái vẫn chung trinh trở về với tất cả. Nếu ai đó khi rời xa quê mùa đã lỡ quên đi thì luôn có cơ hội nhận về. Chắc ai đó sẽ cần. Vườn xuân dạt dào mê đắm đã hạ màn hồi kết khi lập Hạ, hãy đi ra đồng quê với lúa non xanh. Ở đó có tất cả.
Có ai làm ngơ ư? Không thể. Hầu hết ai đó, dù lạc bước tới đồng quê, người ta gọi nơi này là bản quán của văn minh lúa nước, không thể không nhớ và nghĩ tới Mẹ và Em. Từ thời xa vắng thượng cổ nào đó Mẹ và Em đã “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên cánh đồng văn minh này. Để rồi trong tích tụ ấy, chúng ta có cánh đồng bất tận với ngàn cánh lúa đang bay lên trong dáng rồng tiên giữa thời hội nhập, lan tỏa. Mẹ tôi trong ký ức những mùa lúa buồn vui là một phụ nữ chân chất đồng quê. Từ những chân ruộng sở hữu riêng lẻ đến tổ đổi công, rồi hợp tác xã và ngọ ngằn sở hữu như ngày nay. Mẹ tôi, trước sau là người bền gan nỗ lực, nhẫn nại trông chờ. Nỗ lực và trông chờ vào thời cuộc, vào cha tôi và trước mắt là những mùa lúa. Cái duyên là từ thời con gái, mẹ tôi là người cấy lúa rất nhanh và thẳng hàng đẹp dảnh. Kể cả khi cấy không chăng dây cũng thẳng hàng một kiểu cấy thời mới mà nay đã vội cũ rồi. Lúa cũng rất giàu lòng ái mộ, vì biết việc của mình là được cấy xuống trong bình yên, chăm chút và mọc lên trong nắng mưa, bão tố. Không vì một tác nhân nào mà lúa không đến với mùa màng.
Lúa vẫn ra đi khắp bốn biển năm châu và lúa vẫn mãi mãi trở về với đồng làng, bản quán. Bao mùa lúa rồi, mẹ tôi đã lặn xuống đồng quê, người lặn vào cổ tích lúa. Hình như vì lẽ đó mà lúa vẫn trở về với mẹ, với ký ức tuổi thơ tôi, với tất cả lãng quên và thương nhớ của bàn dân. Rồi những mùa vàng lại cất cánh cho những nhịp điệu mới của sự sống, cất cánh những ước mơ thơ ấu đồng xanh. Đã có những “cánh đồng” khác trong nước và toàn cầu để người ta thỏa sức thâm canh tăng vụ, làm giàu đời sống, nhưng những cánh lúa rập rờn kia đã be bờ tâm hồn họ, ràng họ vào gốc đa làng.
Còn em, như là sự bồi tụ cho biểu tượng của mẹ trên đồng lúa này. Tôi đã có em từ thuở ấy. Mang máng yêu em, mang máng tôn thờ. Em, lúa và quê, cùng với tôi nữa, không thể tách bạch. Như là không thể tách lúa khỏi đất đồng và người quê lam lũ. Rồi tôi đi bộ đội, em ở lại với mối tình mang máng, không hẹn hò. Chỉ có một khế ước với lúa trong thân phận thôn nữ, nhà nghèo. Như những con chim đồng, những buổi đi làm cỏ, bón phân cho lúa, tôi và em luôn gần nhau, thấp thoáng trong ngàn cánh lúa rờn xanh. Nếu như ngày đó lúa đã âm thầm vun vén cho chúng tôi mà chẳng ai nhận ra, thì đến hôm nay những lời thầm thĩ yêu đương kia, lúa vẫn còn cất giấu và vùi sâu mãi mãi vào chính khoảng trống trong lòng tôi. Em, cô gái tên Sen ấy đã bay tới một nước trời xa. Ngày tôi “giã từ vũ khí” trở về, em đã lên xe hoa làm phận gái có chồng. Rồi ngày tôi trở về vui thú điền viên, thì người thôn nữ ấy đã đi xa cùng ngàn cánh lúa.
Có cần phải bắt tôi ghi lòng tạc dạ với làng quê lúa bằng những đòn thức tỉnh ấy không, lúa ơi? Tôi đã đến đây, tạo hóa đã cấy trồng tôi nơi đồng quê này. Nghĩa là tôi đã sinh ra trong vũ trụ “vụ nổ lớn” (big bang) của lúa và định hình mình ở miền văn minh này, thì hà tất phải thử thách, phải kiểm chứng tình yêu của tôi. Tình yêu ấy không còn là cảm xúc nữa, nó là định mệnh, là sự sắp đặt, là di sản siêu giá trị.
Từ ngàn xưa tới nay, ngàn cánh lúa mềm mại như sợi chỉ thêu, dệt nên cuộc đời, lại như ngàn cánh cung, đường đạn nâng tầm sức mạnh dựng nước và giữ nước. Giữa thời chuyển đổi số, ngàn cánh lúa là ngàn cánh sóng lan tỏa nét đẹp của khát vọng non nước, tôn cao lâu đài văn hóa dân tộc Việt trong bình yên và hạnh phúc. Dường như với mỗi con người bình thường như tôi và bạn, ngàn cánh lúa cũng là ngàn câu hỏi. Như ngàn dâu kia luôn hỏi con tằm về giá trị nhả tơ cho đời. Có gì đâu mà thi vị cao xa. Có một “mô-đun” đúc sẵn, tổ truyền, là cốt lõi để tạo dựng: lúa-mẹ-và em. Có ai đi xa quá hãy trở về cùng tôi trên cánh đồng Mẹ, dù chỉ là trở về trong một đêm thao thức, để tâm hồn mình hồn nhiên lại với ngàn cánh lúa thân yêu. Đôi khi những chú vịt con thuở nào, gặp duyên phận mới đã hóa thành thiên nga, cất cánh cùng những cánh đồng.
N.Q.T
18-06-2024
18-06-2024
18-06-2024
18-06-2024