Mê mẩn một màu hoa

Thứ ba, ngày 18-06-2024, 10:09| 1.232 lượt xem

Hoài Thu

 

 

Dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) Tân Trào tổ chức cho các hội viên nữ đi tham quan Nà Hang. Cũng như nhiều người Tuyên Quang tôi đã từng đến Nà Hang rất nhiều lần, nhưng lần này đi cùng các chị em CLB Tân Trào quả là dịp hiếm có.

Trong chuyến trở lại Nà Hang lần này, ấn tượng với tôi nhất chính là những vườn hoa lê ở xã Hồng Thái. Nằm ở độ cao một nghìn hai trăm mét so với mực nước biển, xã Hồng Thái có khí hậu mát mẻ quanh năm, khá giống với thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Nhờ đó, cây lê phát triển khá tốt. Hiện nay, bà con ở đây không chỉ trồng lê để thu hoạch quả mà còn tận dụng mùa hoa lê để làm du lịch.

Từ thị trấn Nà Hang, vượt quãng đường gần bốn mươi ki lô mét đèo dốc, vừa bước chân xuống khỏi ô tô, ngay trước mắt chúng tôi là miên man những vườn lê trên sườn đồi dốc thoai thoải nở hoa trắng muốt, tinh khôi, đẹp đến nao lòng. Sớm bình minh, xen giữa lớp mây mù mờ ảo, những chùm hoa lê như bông tuyết lơ lửng giữa lưng chừng trời tạo nên khung cảnh nên thơ, mơ mộng, thu hút du khách thập phương. Người dân ở đây cho biết, hoa lê thường nở vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên.

Là người Tuyên Quang, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của những đồi hoa lê ở Hồng Thái đúng độ hoa bung nở rực rỡ nhất. Quả là công sức bỏ ra để đến đây hoàn toàn xứng đáng khi được đứng giữa những đồi hoa lê bạt ngàn trắng xóa, đẹp như trong truyện cổ tích. Tôi đưa tay khẽ chạm vào những cánh hoa lê vừa bung nở, ngỡ như mình đang lạc vào thế giới bồng lai tiên cảnh, đắm say, mê mẩn sắc trắng tinh khôi và vẻ đẹp trong trẻo của loài hoa ấy. Từng cành hoa, chen nối nhau tựa cây cầu màu trắng vắt vẻo giữa không trung. Trên những thảm hoa, những chú ong mê mải kiếm mật, đã vô tình thụ phấn, kết trái cho cây. Đây đó, bên gốc cây lê là những mảng đá mốc meo, rêu mọc xung quanh. Đá đứng, đá ngồi, đá nằm quây quần quanh gốc. Lạ thay, thứ cứng rắn, khô khốc lại hòa quyện cùng với hoa lê tinh khiết, trong ngần.   

Nhớ hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi hay được nghe bà nội ngâm nga và giảng giải một vài đoạn, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bởi nội tôi vốn rất thích và am hiểu về Truyện Kiều, còn tôi thì lại thích nghe nội nói về Truyện Kiều. Ngay cả khi đã ngoài tám mươi tuổi nội vẫn thuộc lòng hơn ba nghìn câu thơ lục bát của tác phẩm nổi tiếng này. Từ câu mở đầu: “Trăm năm trong cõi người ta”, đến câu kết thúc “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nội tôi đọc trơn tru, không hề vấp váp. Một lần, dịp Tết Thanh minh, mẹ tôi đang sửa soạn đồ lễ đi tảo mộ, nội bảo tôi: Bà đọc cho con nghe mấy câu thơ của cụ Nguyễn Du nhắc tới Tết Thanh minh nhé: “Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Đọc rồi nội giảng giải cho tôi nghe: Thanh minh tuy không phải là Tết lớn của người Tàu, nhưng đã lưu truyền lâu đời sang Việt Nam. Bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên. Còn, tiết Thanh minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập Xuân bốn mươi lăm ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh minh. Nghe xong, tôi hỏi nội: Thế còn hoa lê ở đây có ý nghĩa gì ạ? Nội bảo: Hoa lê ở đây, trước hết là cụ Nguyễn Du miêu tả về không gian Thúy Kiều đi tảo mộ và gặp Kim Trọng: “Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thêm nữa, hoa lê ở đây có lẽ còn chứa đựng những thông điệp ý nghĩa khác. Màu trắng tinh khôi của hoa lê tượng trưng cho tình yêu chớm nở còn e ấp thẹn thùng và vô cùng trong sáng…

Giờ ngắm nhìn những bông hoa lê trắng thuần khiết mong manh, dịu dàng càng thấy ý tứ sâu xa trong câu thơ bình dị, ngỡ như chỉ là để tả cảnh thiên nhiên của đại thi hào Nguyễn Du từ mấy trăm năm trước. Phải, sau này khi đã trưởng thành tôi cũng đã từng đọc ở đâu đó rằng: Hoa lê cũng là một biểu trưng cho tình yêu! Một nhành hoa lê trao đi như lời thổ lộ tình yêu rất tự nhiên, mộc mạc mà chân thành, đằm thắm. Một bó hoa lê trắng tinh khôi như sợi dây kết nối những câu chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn...

Đi giữa những đồi hoa lê, được thỏa sức ngắm hoa, được gặp gỡ, làm quen với không chỉ người Tuyên Quang mà còn có nhiều người từ các tỉnh, thành bạn vì mê đắm loài hoa này, đã cùng bạn bè tìm tới Nà Hang chiêm ngưỡng. Nhìn những nhóm du khách gương mặt rạng ngời trong những trang phục lộng lẫy, nhiều màu sắc đang tung tăng thấp thoáng dưới tán hoa lê thật đẹp. Một du khách ở Hà Nội tuổi trung tuần mặc chiếc đầm trắng rất xinh, thấy tôi đứng một mình đã nhờ tôi chụp mấy kiểu ảnh. Cô nói: Em đã biết về mùa hoa lê Nà Hang từ mấy năm rồi, nhưng năm nay mới thu xếp được thời gian cùng nhóm bạn lên đây. Nhóm em chọn một homestay ngay gần những vườn lê. Buổi sáng, được thức dậy trong không khí trong lành, ngắm hoa khoe sắc trong sương và nắng sớm. Bọn em vừa cùng nhau chụp ảnh, check-in đủ bộ váy áo, đủ kiểu đứng, ngồi... đẹp lắm. Nhờ chị chụp được thêm mấy tấm hình này nữa thật là tuyệt vời, mỹ mãn!...

Trong lúc chờ các chị em trong CLB cũng đang mải mê chụp hình, check-in, tôi tranh thủ trò chuyện với chủ nhà vườn. Được biết: hiện nay, xã Hồng Thái có khoảng một trăm sáu mươi hộ trồng lê với diện tích gần một trăm ha. Người Dao tại xã vùng cao này đang bắt đầu làm du lịch cộng đồng để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều gia đình mở dịch vụ lưu trú homestay, ăn uống, tham quan vườn lê, cho thuê trang phục... Du khách tới các vườn hoa lê có thể thuê trang phục của người Dao Tiền, Dao đỏ, H,Mông... để chụp ảnh kỷ niệm. Điều đó chứng tỏ đã có những thay đổi trong tư duy nhận thức của bà con nơi đây về việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch gắn với giữ gìn những nét riêng trong trang phục với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

Trước khi đi Nà Hang, một người bạn nói với tôi: bà lên đó nhớ kiếm mấy cành thật đẹp mang về nhé. Trong nhà mà có bình hoa lê mix với hoa lưu ly phớt hồng, hay lưu ly trắng, hoặc vàng thì cứ gọi là sáng choang, rực rỡ, đẹp mê mẩn luôn... Tiếc là vì nhiều lý do tôi đã không làm được điều đó. Nhưng chắc chắn mùa hoa lê sau tôi sẽ trở lại để có được những cành hoa lê thật đẹp, thật rực rỡ mang về cùng cả nhà chiêm ngưỡng.

Hoa lê không chỉ đẹp mà còn mang sức sống và sự tươi mới cho bản làng ở Hồng Thái, góp phần làm cho đời sống của người dân nơi đây ngày một giàu đẹp hơn. Tương lai của một vùng đất phụ thuộc rất nhiều vào tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ấy, đặc biệt là yếu tố con người. Tôi nghĩ là vậy.

Tạm biệt những vườn hoa lê khi mùa xuân vẫn đang độ chín. Gió vẫn hát rì rào trên khắp những triền đồi xa xa ngập tràn sắc hoa. Hoa lê vẫn ngời lên màu trắng tinh khôi trong nắng sớm. Và trong tôi vẫn mãi xao xuyến, mê mẩn một màu hoa...

H.T

Tin tức khác

Thơ

Mùa rô đồng ký ức

31-05-2025| 109 lượt xem

Trượt ra ngoài cảm xúc

29-05-2025| 1 lượt xem

Gặp mẹ ngày 30/4

19-05-2025| 122 lượt xem

Cánh buồm đá

19-05-2025| 121 lượt xem

Mới đây mà… mãi mãi xa

19-05-2025| 57 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 1.696 lượt xem

Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách

29-02-2024| 2.075 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 2.148 lượt xem