Truyện ngắn của Phù Ninh
Minh họa của Tân Hà
1.
Tuổi năm mươi sáu, Cựu chiến binh Hoàng Nguyên Quảng lý lịch trong suốt, nhận thông báo nghỉ chế độ. Tham gia đánh bọn diệt chủng bên nước láng giềng, chặn quân xâm lấn phương Bắc, năm tháng tại ngũ, được quy đổi. Nhớ hồi ra quân, trưởng ban tổ chức lật tập hồ sơ, nhìn lướt, lâu sau, ngẩng đầu nói nghiên cứu lý lịch, chúng tôi định bố trí đồng chí về đoàn Văn công tỉnh.
Sao tréo dò thế, là người chỉ quen cầm cày, cầm súng, có biết hát múa gì đâu.
Về đó đồng chí làm Trưởng đoàn, làm chính trị, hát múa đã có diễn viên.
Chấp hành tổ chức phân công. Cán bộ dẫn đến ra mắt, giới thiệu sơ sơ, rồi về. Chẳng nhẽ im lặng, đành nói đôi lời. Thưa mọi người, thật tình tôi như chim chích vào rừng rậm, lạ lẫm trăm phần. Mong được giúp đỡ. Kết câu văn vần: Cùng nhau đoàn kết một lòng, khó khăn thì vượt, thành công có ngày.
Không ngờ, tiếng vỗ tay rầm rầm. Hóa ra ông cũng có chất văn nghệ. Đơn vị bộ đội, quân lệnh như sơn. Ở đây, mặt trời lên gần bằng con sào, diễn viên, nhạc công chưa đủ mặt vào buổi tập. Con thạch sùng ở lâu trong đền cũng nhiễm mùi hương, khói nến, dần dần cũng sắm tròn vai.
Đang lúc công việc việc trôi chảy thì xảy ra sự cố nghiêm trọng. Một đêm, lúc khuya, ngôi nhà ba tầng bỗng rung chuyển bởi một tiếng nổ. Tá hỏa chạy đến. Cô nhạc công đàn thập lục, nằm bất động, cậu diễn viên múa ngực còn thoi thóp, ít phút sau cũng tắt thở.
Giải quyết hậu sự cho họ xong ông xin từ chức. Thật ra, hoàn cảnh éo le của gia đình cậu con trai mới là nguyên nhân gây nên cái chết đau đớn. Cô nhạc công người Dao xinh đẹp cậu diễn viên múa cao ráo người Tày yêu nhau thắm thiết. Cậu là con một, cha mất sớm. Theo tục lệ, mẹ cậu - người vợ góa - không được tái giá mà phải ở với anh trai. Muốn thoát cảnh bị chị dâu đối xử như con ở, người mẹ buộc con lấy vợ ở quê. Cưới xong, cậu diễn viên về đoàn. Và hai người ôm nhau kích nổ gói bộc phá trọng lượng một cân.
Ông được chuyển làm Trưởng phòng Bảo tàng. Hồi học phổ thông, môn Sử, ông luôn được điểm cao nhất lớp. Giờ kiểm tra miệng, trò nào ấp úng thầy liền gọi lên trả bài thay. Cả tỉnh chỉ một mình thi vào khoa Sử trường đại học Tổng hợp. Giấy gọi nhập học, giấy gọi nhập ngũ đến cùng ngày. Nay niềm say mê lịch sử được dịp trở lại, ông lặn lội cùng đồng nghiệp nghiên cứu, lập hồ sơ nhiều di tích và thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia.
Thời năng nổ sắp qua, buồn vui phân nửa. Một buổi tối, gọi Đại, trưởng nam tới, ông nói:
- Còn thửa đất dưới quê, cha sẽ dựng căn nhà, lấy chỗ đi về.
- Cha xem nhà còn thiếu thứ gì con sẽ sắm bằng đủ. Tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, cha sống xa bệnh viện sao được. Xin cha dẹp ngay dự định ấy đi cho.
Ông vẫn rỉ rả, tuân thủ phác đồ điều trị, ăn ngủ điều độ, thể dục thường xuyên, ba mũi giáp công, sức khỏe tất thắng, bệnh tật phải thua. Với lại, đâu bằng quê hương, tình nghĩa làng xóm, không khí trong lành và lại nhiều duyên nợ, một lúc nói ra không hết.
- Làm vậy sẽ không có lợi cho con.
Im lặng hồi lâu, ông chậm rãi:
- Mừng con còn thăng tiến. Song cha thấy lo lo.
- Về chuyện gì ?
- Xưa nay, chức vụ càng cao, cơ hội tham nhũng càng lớn. Chớ để bàn tay nhúng tràm. Thế mới là nhà có phúc.
Vẫn nhẩn nha thủng thẳng:
- Cuối cùng cha muốn yên nghỉ ở đất quê.
Tình thế chưa thể lay chuyển, Đại lặng lẽ lui ra.
2.
Vừa rót nước sôi sùng sục vào chiếc ấm sành quả na. Đợi trà ngấm. Chợt cuộc gọi, là của Thuần Giám đốc Bảo tàng:
- Con định đi khảo sát lại ngôi chùa ở núi Phượng Hoàng. Mời ông đi cùng chỉ bảo cho. Nhân thể ông về quê chơi. Ông nhận lời giúp nhé.
- Được rồi.
- Vậy sáng thứ hai tuần sau xe sẽ đón ông.
Đúng hẹn, chiếc xe bảy chỗ bóng loáng đã đậu trước cổng. Hồi này công tác văn hóa được quan tâm có khác. Mọi người yên chỗ, Thuần mới giới thiệu:
- Ông Quảng, cựu thủ trưởng của tôi. Ngôi chùa núi Hổ Nham động ở quê ông.
Thuần nói tiếp, đây là hai cán bộ Viện Bảo tàng Mỹ thuật. Người cao cao tên Tuân, người kia Kiền. Xe ra đường lớn, Thuần nói, xin ông kể những chuyện về Hổ Nham động. Hai anh đây là lần đầu đặt chân đến quê ta.
Ông Quảng chậm rãi: Ông Giám đốc Sở Phó Đức Nhạc họ hàng với Phó Đức Chính, một yếu nhân của Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học. Ông giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp, mỗi lần đi công tác Hà Nội đến Thư viện Quốc gia mượn sách chữ Hán, chữ Pháp liên quan đến lịch sử địa phương, dịch ra tiếng Việt, giao cho cán bộ bảo tàng. Theo một tài liệu do ông dịch từ sách Thiên hạ quận quốc có chép rằng năm Vĩnh Lạc thứ 13, huyện Hổ Nham bị gồm vào châu Tuyên Giang. Vậy thì huyện Hổ Nham phải sát với huyện Đông Lan, hoặc ở trên, hoặc ở dưới, trong lưu vực sông Lô. Suy ra, tên Hổ Nham đã có từ xa xưa, từng được lấy làm tên huyện. Rồi, không rõ thời nào, Hổ Nham động có tên là núi Phượng Hoàng. Người nói đôi trống, mái tức chim Phượng chim Hoàng đậu trên đỉnh núi. Người bảo là chim làm tổ trong hang. Chuyện thực thực hư hư truyền đến kinh đô, nhà vua nảy ý muốn đến vãn cảnh. Quan phủ nghĩ, dân quê sở tại sẽ phải đi phu làm đường, mà đường thì xa, qua núi cao vực thẳm, cực khổ là một nhẽ, còn e mất mạng hoặc mang tật suốt đời. Quan đem sự việc hỏi cha. Ngài hưu quan kể, dạo đó, núi Phượng Hoàng bỗng xuất hiện con hổ thọt. Tuy thọt nhưng nó vẫn rất hung dữ, bắt bao nhiêu là trâu, lợn, rình vồ cả người. Dân làng họp bàn nhau đào một cái hầm thật sâu, cắm chông sắc khắp đáy. Nắp hầm dát nứa sơ sài, ở giữa nhốt con lợn nhỏ. Nhà nhà sắp sẵn đuốc nỏ, mài sắc dáo mác. nhà có súng kíp thì chế thêm đạn, tất cả sẵn sàng diệt hổ.
Một đêm, giữa canh khuya nghe tiếng hổ gầm gào. Thế là, dân làng rầm rập kéo đến. Hàng chục ngọn đuốc sáng rực soi rõ con hổ bị chông xuyên vào một bên mạng sườn gầm gừ. Người ta nhằm đầu hổ bắn ba phát súng. Hổ bị diệt, tai qua nạn khỏi bèn đổi tên Hổ Nham động thành Vân Sơn động.
Ngay hôm sau, viên quan dâng tấu, nói bản phủ xuất hiện chúa sơn lâm hung dữ. Thần vô cùng lo sợ, mạo muội xin xá tội mà tâu, nếu Hoàng thượng ngự giá e thú dữ phạm đến long thể.
Bản tấu dâng lên. Nhà vua ban dụ hủy chuyến viễn du. Ngừng một lúc ông tiếp, như phân bua, thời phong kiến cũng có vua sáng, quan liêm Viên quan phủ này có lòng thương dân.
*
Ông Quảng cầm chiếc đèn pin bốn cục dài như cánh tay. Thuần hai tay bưng mâm đồ lễ. Hai cán bộ Viện bảo tàng lỉnh kỉnh đồ nghề, máy quay, máy ảnh, đèn chiếu, bút vẽ... Họ hàng một leo mấy chục bậc đá lên chùa. Lần lần mở hai lần cửa, ông từ cho biết một dạo động được làm nơi sơ tán tránh máy bay bắn phá mới xây tường bít lại, lắp cửa sắt. Nhận đồ lễ đặt lên ban, ông thắp hương, thỉnh chuông, khấn xin cho đoàn khảo sát được vào chùa làm việc. Rồi ông chia hương để từng người tự hành lễ.
Đèn bật sáng soi rõ lòng động rộng như một hội trường lớn. Lia nhiều lượt lên trần, vách động chỉ thấy một màu trắng ngà. Không nói ra, nhưng cả bằng ấy người cùng một câu tự hỏi, khi đến đây mình có làm điều gì thất thố. Nhìn đi nhìn lại thấy vắng Tuân. Chờ lúc lâu thấy anh chàng trở lại, vẻ mặt tai tái. Tuân dục bật đèn soi kỹ nữa xem!
Quả nhiên lần này thấy lờ mờ những nét vẽ, dần dần hiện lên toàn cảnh bức bích họa rộng lớn trên khoảng vách động. Chính giữa là hình Bồ Tát tọa trên bệ hoa sen tay ấn quyết thiền định, hai bên là hai Thị Giả chắp tay, xung quanh là những áng hình mây màu cánh sen. Lại nữa, phía bên phải lần lần hiện lên hình khắc một tòa điện diềm mái hình lá bồ đề. Cạnh đó là hình một ngôi tháp bẩy tầng. Phía xa là hình người cưỡi ngựa trên đường vạn lý.
Lúc cả đoàn tỏ vẻ phấn chấn. Cuộc khảo sát thành công ngoài dự kiến. Cảm tạ ông từ. Họ vui vẻ xuống núi. Chiều buông, gió lồng lộng thổi qua hang, tấu lên khúc nhạc lúc khoan thai da diết. Trên xe bàn luận sôi nổi.
Tuân khẳng định: Chứng tỏ bản tin của Viễn Đông bác cổ năm đó là chính xác.
Kiền ra vẻ uyên bác: Những bức trạm vẽ này đặc biệt quý hiếm, niên đại tương đồng văn hóa Ba Tư.
Thuần, tỏ vẻ sốt ruột: Phải sớm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa.
Ông Quảng nói trong niềm hi vọng: Việc đó trông cả vào các anh.
3.
Phó Chủ tịch Ma Đình Khương, gương mặt khó đăm đăm ngồi nhìn hàng ghế trống, lầm bầm tự trách mình phản ứng chậm. Chiều qua, Giám đốc Sở gọi điện: “Dở quá, vừa tét, mắc lại Covid rồi. Mai anh dự họp ủy ban”. Gọi lại, máy tắt. Giám đốc Kế hoạch vắng họp là có chủ ý.
Ủy ban tỉnh họp khẩn duyệt cấp quyền khai thác mỏ đá. Công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ do thiếu vật liệu đắp nền, nhất là thiếu đá. Đang có câu “Sự đời đá quý như vàng. Vàng mà tăng giá, đá càng tăng hơn”. Đá thì vô thiên lủng, chuyện phải bàn là cấp chỗ nào, cấp cho ai.
Sáng nay, Sở Kế hoạch - Đầu tư, có sự thống nhất với Sở Tài nguyên Môi trường trình ra ba điểm mỏ, trữ lượng đều trên triệu mét khối, cách xa khu dân cư, bảo đảm an toàn. Nhanh chóng thông qua, Đèo Mon cho Đại Phát, Núi Nài cho Hưng Thịnh. Đến lúc trình dự kiến giao Hổ Nham động cho Thành An, thì tay Thụ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư lại ậm à ậm ừ, nói: “Còn đôi chút băn khoăn”.
Thụ vừa dứt lời, Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Hòa như bị kiến đốt, đứng phắt lên, oang oang: Hổ Nham động đáng phải được xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia từ lâu rồi. Quê ở đấy tôi biết rất rõ. Nhờ chuyên viên văn phòng giúp chiếu đoạn clip này. Cái kiểu phát biểu ý kiến lạ đời lập tức gây được chú ý.
Màn hình hiện lên toàn cảnh vùng bán sơn địa. Những dải đồi lô xô bao quanh cánh đồng bằng phẳng đột ngột nổi lên quần thể núi đá. Cận cảnh, năm ngọn núi hình tháp xếp thành hàng nghiêm ngắn, đẹp như tranh thủy mặc, có lẽ đến Ngũ Hành Sơn cũng không sánh kịp. Mọi người không rời mắt khỏi màn hình. Mây trắng bồng bềnh vô định. Núi nhấp nhô ẩn hiện. Phía sau dải núi ngút ngàn xanh. Phía trước, dòng sông trong xanh lững lờ trôi. Xa xa những dòng suối ào ào đổ nước vào dòng sông như giục dã, thôi thúc.
Cận cảnh, ba đỉnh núi liền kề. Khoảng yên ngựa giữa đỉnh thứ nhất và đỉnh thứ hai có hang lớn thông từ đông sang Tây. Ống kính di chuyển góc quay, hình dáng ba ngọn núi hiện lên khi thì giống hình vũ nữ Áp sa ra, khi lại nhấp nhô hình tháp Chàm cổ kính.
Màn hình đóng. Cả cuộc họp lặng đi hồi lâu. Xưa nay chưa cuộc họp nào, phát biểu bằng hình ảnh. Thường ngày Hòa kiệm lời. Ngồi họp, mặc ai nói cứ nói, cho dù là Chủ tịch Tỉnh, Hòa cắm cúi ký họa chân dung người chủ trì, chân dung người đang phát biểu. Ghi đủ ngày, giờ, tháng, năm rồi ký tên thật to. Giả như lưu trữ toàn tập ký họa của Hòa, sẽ có đầy đủ cuộc họp của ủy ban tỉnh suốt cả nhiệm kỳ. Chẳng người nào góp ý hay phê bình Hòa về thái độ đó. Bởi khi đến việc của ngành, Hòa nói đâu ra đấy.
Giữa không gian im ắng, nắm thời cơ, Hòa lên tông giọng, nói: Người xưa rất thông minh kiến tạo nên loại hình chùa hang động. Bởi đá là loại vật liệu kiến trúc bền vững nhất. Hổ Nham động là một thắng cảnh tuyệt vời, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Xâm hại đến Hổ Nham động nhất định sẽ bị lên án.
Hòa càng nói, càng thu hút người nghe. Khương mất quyền điều khiển, sau cùng nói một câu ý răn đe:
- Sau đây đề nghị Chủ tịch chuyển Giám đốc Xây dựng sang ngành Văn hóa.
Chẳng ngờ, Hòa đáp vui vẻ: Cảm ơn phó Chủ tịch. Từ lâu tôi đã có nguyện vọng ấy!
Người nọ nhìn người kia, im lặng.
Hổ Nham động trữ lượng đặc biệt lớn, điều kiện khai thác quá thuận lợi. Thành An là một “thế lực”, nộp ngân sách nhiều nhất, tài trợ những sự kiện lớn của tỉnh nhiều nhất, sân sau của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nay mai sẽ ngồi ghế Chủ tịch tỉnh. Khi đó vị trí phó của Khương cũng có thể bị lung lay bởi tay Đại.
Càng không thể duyệt cấp. Ngô Hòa đâu phải tay vừa. Anh ta sẽ kéo báo chí vào, lên án vi phạm Luật Di sản, làm bay cái ghế Phó Chủ tịch như chơi. Đắn đo, cuối cùng, Khương ngậm đắng kết luận: “Tạm thời chưa chấp nhận cho khai thác mỏ đá Hổ Nham động”.
Ra về, đầu óc Khương rối bời. Nói thế nào với tay cấp dưới đầy quyền lực. Vừa ném chiếc điện thoại ra giường đã nghe tiếng reo. Là Hoàng Văn Đại, giọng mềm mỏng hỏi kết quả cuộc họp. Anh ta làm gì chẳng đã được Phó Sở báo cáo ngay khi chưa tan họp. Khương miễn cưỡng, mới tạm chưa chấp nhận chứ chưa phải quyết không cấp.
Đại đổi giọng: Xin nhắc, đoạn cao tốc bốn chục cây số qua địa phương chậm tiến độ trách nhiệm thuộc Ủy ban Tỉnh chứ không phải Sở Kế hoạch - Đầu tư chúng tôi hay Sở Giao thông - Vận tải.
Ngừng ngắn, lại nghe: Khả năng để ngỏ trình Chủ tịch quyết sớm đi.
4.
Cuộc điền dã đem lại kết quả bất ngờ, Thuần cùng hai cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật vùi đầu chỉnh lý bản vẽ, in ảnh, hoàn thiện hồ sơ di tích. Lúc rời địa phương, Tuân nói, nếu có trở ngại từ tỉnh thì anh phải giúp Giám đốc Sở trình bày kỹ giá trị nhiều mặt của Hổ Nham động: Vừa là thắng cảnh tuyệt vời vừa có giá trị nghệ thuật hết sức độc đáo. Ủy ban tỉnh mà đề nghị là Bộ duyệt ngay thôi.
Thuần đi làm sớm hơn mọi ngày, qua cơ quan, lấy cặp hồ sơ di tích lên thẳng Ủy ban tỉnh mà không gửi qua bưu điện. Gặp Đại ngay cửa phòng trực. Đại ít tuổi hơn nhưng là quan to, lại là con sếp cũ nên đành chào trước. Như con cáo tinh ranh, Đại bắt nọn:
- Chắc là nộp hồ sơ Hổ Nham động?
- Anh cũng quan tâm chuyện này à?.
- Đại thể nghe ông cụ kể sơ sơ chuyến về quê mấy
hôm trước.
Thuần dơ tập hồ sơ khổ lớn, khá dày ra trước mặt Đại, vui vẻ nói: Rất đầy đủ, chắc di tích chóng được xếp hạng.
Đại nhìn chằm chằm tập hồ sơ, rất muốn xem có những gì. Nhưng phong bì dán kỹ. Đại bỏ cuộc hẹn với chuyên viên ủy ban, vội vã quay về cơ quan, điện Giám đốc công ty Thành An:
- Tập trung người, máy khởi công khai thác Hổ Nham động sớm ngày nào hay ngày ấy.
- Thưa anh có quyết định chưa ạ.
- Sẽ có.
- Nhưng nếu quyết định đến chậm, em sợ.
- Chịu phạt hay để mất cơ hội. Chọn đường nào, cậu tự biết.
- Vâng, anh yên tâm, chậm nhất là hai ngày nữa tiếng mìn sẽ ầm vang Hổ Nham động.
- Đẩy nhanh tốc độ khai thác. Nhất là khi Hổ Nham động chưa có quyết định công nhận thắng cảnh quốc gia. Mà nếu có thì công ty đã chuyển đá cho bên thi công rải nền đường. Lúc đó ai moi lên được. Tuần sau tôi có chương trình tháp tùng lãnh đạo tỉnh đi Nhật, rồi sang Hàn. Khi về sẽ xuống thăm công trường. Hi vọng lúc đó Hổ Nham động đã không còn hình hài gì nữa. Cánh văn hóa chỉ còn cách đem hồ sơ di tích bán cho bà đồng nát. Cuối cùng vang lên giọng cười đắc thắng pha chất điên khùng.
5.
Một ngày mấy lần ông Quảng điện hỏi Thuần, hồ sơ ủy ban đã duyệt chưa, khi nào chuyển về Bộ?
Thuần trả lời vẻ không còn hào hứng như hôm đi khảo sát. Ông ơi, hồ sơ đem nộp tính đến nay đã hơn nửa tháng. Làm hết trách nhiệm rồi, chúng con đâu dám hỏi. Khi không còn ăn mắng cầm đèn chạy trước ô tô, càng hỏng việc.
Thuần để máy chế độ chờ. Lâu sau lắng giọng: Có chuyện này, ông đừng nên xúc động quá, có hại cho sức khỏe.
- Được, ông đủ bình tĩnh, anh nói đi
- Người dưới quê đưa tin, Hổ Nham động đã bị khai thác đá cả tuần nay rồi. Rầm rộ lắm.
Tâm thế đâu còn giữ được thanh thản, ông Quảng nghẹn giọng:
- Anh Thuần lấy vé, cùng ông về quê ngay nhé.
- Con đang muốn về xem hư thực thế nào nhưng mà không được ông ơi, hiện con đang dự hội thảo về bảo tồn di tích ở Huế. Ông cứ về trước đi. Con sẽ bảo các em ở phòng gọi xe cho ông.
- Đành thế. Ông cảm ơn anh.
Về đến quê, ông vào nhà người cháu trưởng họ Hoàng. Thấy vẻ lật đật của ông chú, người cháu hỏi:
- Ông trẻ về vội như là có việc?
- Thấy bảo người ta đang phá Hổ Nham động?
- Có đấy. Thằng cháu đích tôn họ Hoàng của ông mới ra trường chờ việc cũng đang làm thuê ở đấy. Tháng bảy, tám triệu ông ạ. Nghe phong thanh chú Đạo nhà ta có cổ phần công ty ấy. Cháu tưởng ông trẻ biết chứ. Cần đá thì khai thác can hệ gì mà ông trẻ tự làm khổ mình vậy?
Gương mặt trở nhợt nhạt, ông Quảng cao giọng như sĩ quan chỉ huy:
- Chết, chết, anh mà cũng nói thế thì hèn gì họ chẳng phá. Ông nói để anh và con cháu họ Hoàng, để cả dân làng ta biết rằng Hổ Nham động là một thắng cảnh, người người phải góp sức chung tay bảo vệ. Thắng cảnh là tài sản quốc gia đặc biệt. Kẻ nào phá hoại kẻ đó xem như phạm tội phản quốc.
Người cháu cố can để ông Quảng không ra công trường trong đêm.
Trời chưa sáng hẳn, ông tung chăn vùng dậy. Ăn sáng, uống trà, chống gậy đi về sau làng, phía Hổ Nham động. Sương đêm chưa tan, man mác một màu trắng đục. Con đường mòn đất đỏ xưa chiều chiều đưa trâu ra chăn bãi hoang dưới chân núi, giờ đá răm lổn nhổn, mặt đường rộng, hai xe to có thể tránh nhau.
Biển cấm to đùng dựng bên đường. Nét chữ, to, cao: Nguy hiểm chết người. Không phận sự miễn vào. Cấm quay phim, chụp ảnh. Phía dưới hình đầu lâu, trên hai gióng xương bắt chéo.
Chợt từng loạt tiếng nổ lộng óc. Giật mình đứng lại chờ. Vừa ba sải chân đã lại nghe tiếng nổ tiếp. Nóng đầu, ông xăm xăm đẩy cây chắn đường.
Từ chỗ nấp đâu đó, có tiếng một giọng khó nghe:
- Ông già! chán sống hay sao mà đi vào vùng cấm.
Ông như để ngoài tai, dơ gậy chỉ những dòng chữ cảnh báo hỏi:
- Đây đâu phải là khu quân sự? Các anh lấy quyền gì mà treo tấm biển kia?
Không có câu trả lời.
Lừng lừng đi giữa mù mịt đá bắn rào rào, tưởng đang băng mình giữa làn đạn địch; Kiên quyết phải dập tắt ổ hỏa kia để đồng đội xông lên. Giữa lúc đó một viên đá rơi trúng đầu, máu loang ngập mắt, mặt mày xây xẩm. Tiếng nổ dứt ông mới dừng bước. Xé áo lót tự băng lấy vết thương, dùng ngón tay trỏ thấm máu viết lên manh áo còn lại. Như người lính giữa trận đánh, vết thương không quật nổi ông.
Trở về nhà người cháu. Nhà vắng, ông nằm vật ra giường thở dốc.
Liên tục bấm số của Đại. Khi thì tiếng tít tít kéo dài. Khi thì, quý khách vui lòng để lại lời nhắn. Bực mình ông vung tay ném chiếc điện thoại xuống nền nhà đánh choang một tiếng. Huyết áp vọt lên. Tim ngừng đập.
6.
Quảng đang trên máy bay, điện thoại tắt. Đến địa điểm mở thấy tin nhắn: Bác về quê ngay. Ông mệt nặng lắm.
Quỷ quái ông già lọ mọ về quê lúc nào vậy.
Cuộc thương lượng kết thúc tốt đẹp. Đối tác đã ký khoản vay Chính phủ bảo lãnh để địa phương xây dựng nhà máy.
Đại vội phải nhờ sứ quán ta đổi vé bay trước hai ngày. Về đến quê thì ông Quảng đã được dân làng chôn cất xong xuôi.
Ra thăm mộ cha, trở về, Đại hỏi người em họ:
- Trước khi nhắm mắt ông có dặn gì không.
Người em cẩn thận nhấc bát hương lấy ra một cuộn vải phong kín. Người cháu lui ra. Hai tay run bắn mãi mới mở cuộn vải. Đọc được: Con tham ô là nhà vô phúc. Cha hận không ngăn được con gây ra tội lỗi.
Dòng chữ viết bằng máu đập vào mắt Đại cái tát nảy đom đóm. Trong vô thức Đại bật lửa đốt. Kỳ lạ, cuộn vải bắt lửa làm cho dòng chữ sáng rực lên mà không thiêu rụi thành tro. Hình như ông Quảng đã dùng hóa chất bảo quản hiện vật để viết hai dòng này.
Đại đứng ngây như kẻ vô hồn, nhìn dòng chữ cha để lại.
*
Năm tháng trôi qua, Hổ Nham động từng sừng sững trong mây giờ đây trơ nền đá gốc. Với ba bốn tội danh, Hoàng Văn Đại vẫn còn trong trại cải tạo.
Hoàng Thôn, tháng 5-2024
P.N
18-06-2024
18-06-2024
18-06-2024
18-06-2024