Tuyệt phẩm “Mùa Xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 09:28| 437 lượt xem

Phi Khanh

 

Vừa qua tại Nhà hát lớn ở Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Đàn chim Việt” để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh và tôn vinh tài năng của nhạc sĩ Văn Cao.

Trong hoạt động sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc không nhiều, nhưng thành công ở cả 3 thể loại, là tình ca, hành khúc và trường ca. Hầu hết các tác phẩm đều nổi tiếng, được đón nhận nồng nhiệt. Các ca khúc: Buồn tàn thu, Thiên thai, Suối mơ, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt, Thu cô liêu, Trương Chi, Bến Xuân, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến quân ca (từ năm 1946 được Quốc hội chọn làm Quốc ca Việt Nam), Làng tôi, Ngày mùa, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Dưới cờ giải phóng, Mùa xuân đầu tiên,… đã khẳng định tài năng thiên phú của Văn Cao. Trong gia tài âm nhạc ấy, ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” là một trong những tuyệt phẩm, được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước dịp Tết Bính Thìn 1976 chào mừng Xuân đầu tiên thống nhất, là lời hoan ca về ngày Nam Bắc sum họp sau 21 năm đất nước bị chia cắt.

Nếu hầu hết các bài hát lúc bấy giờ như “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của nhạc sĩ Cao Việt Bách,… đều được viết bởi giọng trưởng, âm hưởng hào hùng, sảng khoái, hừng hực không khí chiến thắng, thì “Mùa Xuân đầu tiên” như đóa hoa đồng nội khiêm nhường, đưa người nghe vào không gian âm nhạc giản dị, trong lành bằng ca từ và điệu van khoan thai, dìu dặt, sâu lắng, khiến lòng người trở nên thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc cảm xúc êm dịu. Đoạn 1 là nét chấm phá bến sông quê thanh bình với “khói bay trên sông, tiếng gà gáy trưa bên sông”, đoạn 2 như thước phim quay chậm người mẹ đón “đàn con nay đã về” với những giọt nước mắt đoàn viên rơi trên vai áo giờ phút thiêng liêng “trong Xuân vui đầu tiên”. Không tưng bừng cờ hoa, không tung hô khẩu hiệu, Văn Cao đã chọn cách tiếp cận riêng bình dị, sử dụng ca từ thân thuộc gần gũi, gợi mở khát vọng về hòa bình yên ấm:

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông

Gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…

Nhịp 3/4 chậm rãi, nhịp nhàng đón bước người trở về trong niềm hân hoan ngày hội ngộ. Mùa Xuân, mùa vui đã về trọn vẹn trên đất nước lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền trong hòa bình, độc lập, thống nhất. Niềm xúc động ấy trào dâng trong tất thảy mọi người khi nghe đến hai tiếng “đầu tiên” thiêng liêng. Cũng nói về mùa Xuân, về đất nước, về tình yêu, nhưng mùa xuân của Văn Cao là “mùa bình thường”, bình dị, với “khói bay trên sông”, đất nước của Văn Cao là “tiếng gà gáy trưa bên sông”, là một “trưa nắng vui cho bao tâm hồn” và tình yêu dâng trào trong mắt ông là khoảnh khắc “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh” ngày hội ngộ, là một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam. Khi vừa hoàn tất, ca khúc đã được in trên báo “Sài Gòn giải phóng” số Xuân Bính Thìn năm 1976 - đây là ca khúc đầu tiên được in trên một tờ báo Xuân cách mạng tại Sài Gòn ngày đất nước thống nhất. Cùng năm 1976 ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” được Nhà xuất bản Âm nhạc Mat-xcơ-va dịch sang tiếng Nga, được phát trên Đài Phát thanh Mat-xcơ-va và sau đó phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Có nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công bài hát này như Minh Hoa, Trần Khánh, Ánh Tuyết, Quốc Đông, nhóm Tam ca áo trắng, nhóm Năm dòng kẻ,… nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất là giọng ca trẻ Thanh Thúy trong bản hòa âm của nhạc sĩ Bảo Phúc.

Bức tranh mùa Xuân của Văn Cao trong ca khúc không trừu tượng mà rất gần gũi, bình dị như hơi thở sự sống của những người dân nghèo trên khắp đất nước. Đó là tiếng gà gáy trưa, là giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ đón con trở về, là khói bay trên sông, là tất cả những đau thương lẫn hạnh phúc, tin yêu về một mùa Xuân mới:

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người…

“Mùa Xuân đầu tiên” ở đây là mùa Xuân hòa bình, thống nhất đầu tiên của dân tộc, nhưng cũng là mùa Xuân cuối cùng, là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ thiên tài Văn Cao.

Không chỉ khắc họa khung cảnh mùa Xuân đoàn tụ đầu tiên ngày đất nước thống nhất, sau niềm vui ấy, “Mùa Xuân đầu tiên” còn như ẩn giấu những khắc khoải, ưu tư sâu kín, những chiêm nghiệm về lịch sử, đất nước và thân phận con người. Văn Cao đi trước thời đại ở cái nhìn xa. Phía sau một chiến thắng vang dội là bao mất mát hi sinh, đằng sau niềm hân hoan phút chốc là bao nỗi lo về một cuộc đời mới, như một niềm tin vừa được khẳng định nhưng cũng như một băn khoăn suy tư về tương lai:

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu…

Trong một video nói về ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên”, tác giả Duy Ly nhận xét: Luôn do dự, hồ nghi là tâm thế một người mang cảm thức của cả dân tộc vừa bước ra từ chiến tranh; nâng niu trên tay một niềm hạnh phúc diệu kỳ và mong manh như nằm ngoài sự thật. Tâm thế ấy đã vượt lên trên niềm vui thoáng chốc để dự cảm, để xót xa, để thấm thía về con đường dài phía trước của đất nước vừa im tiếng súng. Nhà thơ Thanh Thảo cảm xúc: “Mùa Xuân đầu tiên” giống một dòng sông vui nhưng không trào cuộn ồn ào mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì”. Trong bài hát, hầu như những trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người như vui, buồn, đau khổ, tin yêu, khát vọng đều có và hòa trộn nhau. Rất nhiều chim én, nhiều nắng gió, có nước mắt vui gặp gỡ của người mẹ và “đàn con nay đã về”, có “một cuộc đời êm ấm” của đôi vợ chồng trẻ sau bao năm chiến chinh xa cách. Nhưng hình ảnh “khói bay trên sông”, tiếng “gà đang gáy trưa bên sông” được lặp lại, gợi cảm giác không gian mùa xuân như xa xôi, hoang vắng, dường như mấy chục năm chiến tranh khốc liệt chưa từng có xuân về, chưa thấy chim én báo mùa xuân,… Mặc dù ca khúc sau khi hoàn tất đã được Đài Phát thanh

Mat-xcơ-va ở Liên Xô, Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều ca sĩ, ban nhạc ở trong nước thể hiện, nhưng nó vẫn chìm trong im lặng. Phải đến năm 1995, khi tác giả tạ thế, tức là 20 năm sau kể từ lúc bài hát ra đời, và video ca nhạc “Văn Cao - giấc mơ một đời người” của đạo diễn Đinh Anh Dũng được phổ biến rộng rãi với giọng ca rất thành công của ca sĩ Thanh Thúy, thì ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” mới tràn ra, loang rộng, thấm sâu vào đời sống âm nhạc nước nhà.

Cho đến bây giờ, giai điệu dặt dìu, khoan thai đẹp đến nao lòng theo đàn chim én bay, sức sống và sự lan tỏa của ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” đã khẳng định giá trị đích thực, vững bền trong nền âm nhạc Việt Nam.

Mỗi lần âm thanh trong trẻo “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...” cất lên lại làm xao xuyến bao trái tim người yêu nhạc trước mùa xuân, trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

P.K

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 67 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 12 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 11 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 3 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 87 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 140 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 458 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 6 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 14 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 18 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 67 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 14 lượt xem