Chiếu lên ngôi Hoàng đế

Thứ hai, ngày 20-03-2023, 09:37| 1.068 lượt xem

Vũ Xuân Tửu (Trích tiểu thuyết lịch sử Đinh Tiên Hoàng)

 

 

 

LTS:  Nhà văn Vũ Xuân Tửu là một trong những cây bút tiên phong của thời kỳ đổi mới và là một trong số nhà văn ở Tuyên Quang đã thành danh. Riêng tiểu thuyết lịch sử Đinh Tiên Hoàng của ông đã viết ở thành phố Tuyên Quang (7/2014) và hoàn thành tại thành phố Vũng Tàu (8/2015), Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2018. Ngay khi tiểu thuyết ra đời đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát trên làn sóng điện, nên phạm vi truyền bá càng rộng khắp. Ngay trong năm đó, tiểu thuyết được nhận Giải A của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tiểu thuyết được đưa vào Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; được trích đăng trong tập sách “Văn học Ninh Bình 30 năm đổi mới (1992 - 2022)”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, người kỳ công viết hàng loạt tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, về các triều đại phong kiến Việt Nam, từng nhận xét: “Đinh Tiên Hoàng là cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi trội, so với mấy chục cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất bản trong thời gian gần đây”.

VNTQ trân trọng giới thiệu “Chiếu lên ngôi Hoàng đế” được trích trong chương 22, phần thứ tư của tiểu thuyết lịch sử Đinh Tiên Hoàng của nhà văn Vũ Xuân Tửu.

 

1.

Sau khi lấy Bình Kiều, quan quân Cờ Lau trở về Trường Châu. Dân chúng kéo nhau ra hai bên đường lạy chào, ủy lạo Vạn Thắng Vương cùng tướng sĩ.

Khi đại quân kéo về qua động Thiên Tôn, Vạn Thắng Vương dẫn các tướng vào tạ thần, dưới chân núi Dũng Đương Sơn. Bọn lính hầu đặt đồ lễ, hương hoa, rượu thịt trong hang núi. Các đồ binh khí thu được làm chiến lợi phẩm thì bày ngoài cửa động. Vạn Thắng Vương thân vào điện thờ, khấn vái tạ ơn, báo công:

- Bản tướng Đinh Hoàn, người Kim Lư thôn, Đại Hữu làng, Đại Hoàng châu. Số là, tháng trước, cùng năm Mậu Thìn (968) này, bản tướng đã đến đây, cầu khấn xin đi thu phục Bình Kiều. Nay thắng trận giở về, có tấm lòng thành với chút lễ mọn, vội đến tạ ơn, báo công chiến thắng. Mai ngày,

đất nước yên hàn, sẽ cho xây dựng sửa sang An Quốc Tôn Thần Từ, phong thần Trấn Vũ Thiên Tôn làm Đa Quốc Tôn Thần. Cúi đầu xin Vũ Đế Quân - Dũng Ma Thiên Tôn - Huyền Thiên Thượng Đế Kim Thuyết chứng giám, mời thổ công, thổ địa và chư thần cùng về lai lâm hẩm hưởng. Thượng hưởng!

Đinh Liễn ra ngoài, khẽ hỏi Lưu Cơ:

- Có gì mà phụ thân ta khấn vái quá thế?

Cơ bảo:

- Động Thiên Tôn này, có từ thời Hùng Vương dựng nước. Khi Cao Biền sang đây, đã dùng diều giấy dò tìm long mạch trấn yểm. Biền lập đền Trấn Vũ Thiên Tôn, ở động Dũng Đương này, để trấn yểm long mạch phát đế vương. Nhưng Vạn Thắng Vương thường đến đây cầu, mỗi khi xuất chinh, đều linh ứng cả. Thế nên mới có lễ tạ ơn, báo công như thế.

Liễn cười cười, vẻ không tin, cho là chuyện tầm phào. Lê Hoàn thấy thế, bảo:

- Tôi cũng nghe chuyện, đền này thiêng lắm, thờ Dũng Ma Thiên Tôn, là tổng chỉ huy binh tướng nhà giời, xuống trần dẹp loạn. Thế thì khác gì công việc của Vạn Thắng Vương?

Liễn kẻ cả:

- Phụ thân ta còn có các sứ quân để dẹp, chứ thần núi này thì làm cái gì?

Cơ có ý không vui, nhưng vẫn nhẫn nại giảng giải:

- Yêu ma là loại rắn, rùa thường hóa thành con gái đẹp, hoặc người chở đò, để hại dân lành. Thần đã đánh dẹp suốt từ Gián Khuất đến Đa Giá, rồi hóa ở núi Cánh Diều.

Liễn nghe vậy, ngửa cổ cười ngất:

- Rắn, rùa ở đâu mà chẳng có. Quân Cờ Lau đã bắt thịt bao nhiêu là bao nhiêu. Thế thì quân ta cũng khác gì thần, cũng đánh đông dẹp bắc đấy thôi.

- Chớ nói càn!

Bất chợt, Vạn Thắng Vương đi ra và nghe thấy Liễn đang thao thao bất tuyệt, bèn nghiêm giọng nhắc nhở. Liễn vội lui ra. Khánh chạy theo, nói lấy lòng:

- Ngẫm cũng phải. Chứ chẳng nhẽ, gái đẹp đều là yêu ma cả à? Sao ai cũng ham gái đẹp, mà có chết đâu?

Cả hai dắt tay nhau cùng cười cười nói nói, ra chiều tâm đắc lắm. Lê Hoàn khẽ lắc đầu, nhìn theo, nghĩ bụng, thằng này luông tuồng, thế mà Vạn Thắng Vương được ngôi là nó kế vị không chừng. Phải tay ta thì...

Bộ Lĩnh cho Liễn và Khánh về Yên Thành và Đại Hữu báo tin trước, còn mình dẫn các tướng cùng đại quân về sau. Nhưng kỳ thực, khắp nơi cũng đã hay tin cả rồi. Không ai bảo ai, tất thảy đều ùa ra đón, kẻ mừng người tủi. Trận này, không tốn một hòn tên mũi đạn, tướng sĩ an lành cả, nên bội phần vui, khác nào một chuyến du ngoạn trở về. Chỉ có thân nhân bọn quan, quân chết trận đánh dẹp từ Cổ Loa, cho tới Siêu Loại là thẫn thờ mà thôi.

Minh họa của Quảng Tâm

 

2.

Vạn Thắng Vương họp các tướng tâm phúc lại bàn:

- Mạn phương Bắc xảy ra loạn "Ngũ đại thập quốc"(1), suốt từ năm Đinh Mão (907) đến giờ chưa yên. Bên ta, từ năm Giáp Thìn (944), nhà Ngô suy vi, Dương Tam Kha làm chuyện thoán đoạt, nên năm sau, ba anh em con nhà Nguyễn Nê đã cát cứ chống lại triều đình Cổ Loa. Từ bấy đến nay, vị chi đã hai chục năm có lẻ, đất nước loạn lạc, hàng chục sứ quân nổi lên như rươi, khiến anh em ta phải khó nhọc cất công đánh dẹp, đến nay mới được yên hàn. Ta cảm kích tấm lòng các tướng sĩ không quản hi sinh, để có hôm nay. - Vạn Thắng Vương đưa mắt nhìn hết lượt, tỏ vẻ hàm ơn, - nay ta muốn ban thưởng công lao...

Lưu Cơ nghe vậy, vội can:

- Chiến chinh vừa xong, mà Vạn Thắng Vương đã có ý thưởng tướng khao quân, thật là hồng phúc. Thần thiển nghĩ, việc đó tuy cần, nhưng chưa vội. Cái cần nhất lúc này là chủ tướng phải xưng vương đế.

- Ngày nay, Vạn Thắng Vương đã thống nhất bờ cõi, thu giang sơn về một mối, dân chúng khắp nơi một lòng quy phục, tại sao chỉ xưng vương mà không xưng đế? Nhà vua không lên ngôi hoàng đế, dựng nước, thì thử hỏi, còn ai làm được việc đó? Đất nước không thể thiếu vua, dù chỉ một ngày, - Bặc đỡ lời.

- Nếu ta xưng đế, bọn phương Bắc lại mang quân khiêu chiến thì làm sao? - Vạn Thắng Vương phân vân hỏi.

- Giặc phương Bắc lúc nào mà không muốn thôn tính ta? Nhưng trước đây, Nam Hán mang hàng vạn quân thủy, bộ xâm lược, đã bị Ngô Quyền đánh tan ở cửa sông Bạch Đằng. Nay ta có binh hùng tướng mạnh, gấp mấy lần, thì sợ gì chúng? - Bặc lại hùng hồn nói.

Nghe vậy, các tướng cùng hùa theo vun vào, khiến Vạn Thắng Vương; chờ cho mọi người bàn tán chán chê, mới ra vẻ miễn cưỡng nói:

- Xưng gì, ai xưng thì cũng phải tỏ mặt anh hào phương Nam ta, phỏng?

Bặc lại nói:

- Ngay từ thuở hàn vi, Vạn Thắng Vương đã được Ngọc khuê. Đó chính là cái hốt của nhà vua. Khi lâm nạn lại được Rồng vàng phù trợ, thật là giời giúp. Lúc sinh thời, Ngô Tiên Vương thương cho tập ấm chức Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc; vậy là được vua giúp rập từ thuở ban đầu. Rồi được huyệt quý chiếu sao Thiên mã. Lại là người có công tập hợp anh em, thu phục nhân tâm, chiêu binh mãi mã, chứ không phải tự dưng mà có. Thiển nghĩ, ngần ấy khí thiêng, điềm lành tụ hợp một người, thì Vạn Thắng Vương nên xưng Hoàng đế cho hợp lòng người, thuận lẽ giời.

Không để Bặc nói hết, Vạn Thắng Vương xua tay:

- Ta cùng anh em khó nhọc, là tuân theo chí phụ thân ta phò Ngô giúp nước, chứ đâu phải chuyện màng tước vị?

Cơ thấy vậy, vội tâu:

- Việc đó đã rõ rành rành trước thanh thiên bạch nhật, nhưng cháu đích tôn của Ngô Tiên Vương, ở Bình Kiều, đã không còn mặt mũi nào đứng ra vỗ yên thiên hạ, nên suy tôn Vạn Thắng Vương đấy thôi. Thần trộm nghĩ, ý của tướng quân Nguyễn Bặc chính hợp chúng thần. Thế là cả bọn cùng tung hô Vạn Thắng Vương Đinh Hoàn làm Hoàng đế. Đinh Hoàn nhăn nhó, làm ra vẻ cực chẳng đã mới phải nhận mà thôi. Cả bọn lại xúm vào bàn chuyện đăng quang. Nguyễn Bặc được cử làm Tổng chỉ huy buổi lễ. Bặc liền bảo bọn Đinh Liễn, Lê Hoàn lo luyện tập voi, ngựa, trâu và lính để diễu hành; giao cho Đinh Điền, Ngô Nhật Khánh lo tu sửa thuyền bè, bơi chải trên sông Sào Khê; cắt đặt Trịnh Tú, Phạm Bạch Hổ tu sửa, tân trang thành quách, đường sá và tụ họp dân chúng các châu động cùng về dự lễ cho thêm phần đông vui, long trọng; lại sai người có chữ, soạn chiếu lên ngôi...

Bất chợt, Điền đứng lên, hỏi Hoàng đế Đinh Hoàn:

- Hiền đệ, à quên... - Điền gãi tai nói chữa, - Hoàng đế nên định đô nơi đâu? Đại La, Cổ Loa, hay Đại Hữu?

Lúc này, không chỉ Hoàng đế mà cả bọn cùng ngớ ra, rồi xôn xao bàn bạc. Người thì bảo lên Đại La, có sẵn kinh thành từ thời "Cao Biền dậy non". Kẻ thì bàn lên Cổ Loa là kinh đô cổ, có từ thuở Hùng Vương dựng nước.

Liễn bàn:

- Ta cứ về Đại Hữu quê cha đất tổ cái đã. Phụ thân từng ước ao về Đàm Gia Loan(2) dựng đô đấy thôi.  

Bặc nói:

- Quê tôi cũng đấy(3), nhưng địa thế chật hẹp, nên ta mới phải sang đây. Chốn này, có ruộng đồng, sông núi, đủ cả; thực là thuận phòng thủ, tiện tấn công. Vậy nên đóng đô Trường Châu, triều đình quần tụ ở như Yên Thành.

Cơ cũng bàn vào:

- Thần thấy chọn Trường Châu làm đất thang mộc, định đô Yên Thành là phải. Nhưng phải đặt một cái tên, để ngàn năm quan, quân dân chúng nhắc đến, lại nhớ thuở hàn vi của Hoàng đế. Hoa Lư, vừa dân dã, lại vừa gợi nhớ nơi Thung Lau khởi nghiệp, thời cờ lau tập trận.

- Hoa lư chỉ là bông lau mà thôi, - Điền nhíu mày, tỏ vẻ không hài lòng ra mặt.

- Phải, lư là lau, cũng còn nghĩa là cổng làng, lò hoa, đồ nấu cơm có hoa, đồ đựng lúa, lại cũng có nghĩa nữa là mõm con lừa, - Cơ nhìn mọi người, cười cười đầy vẻ thú vị.

- Cứ có hoa, có cơm là được rồi, lừa ngựa gì cũng mặc, - Hoàng đế gật đầu, hoan hỷ. - Hoa Lư phải sánh với Tràng An.

Thấy vậy, cả bọn cùng thuận theo.

- Tên nước mà lại là Tĩnh Hải Quân, khác nào căn cứ quân sự của bọn Nam Hán. Nay nên lấy tên xưa là Đại Việt. Một nước mới và rộng rãi.

- Thế thì đặt là Đại Cồ Việt mới thỏa lòng quan, quân, dân chúng, - Hoàng đế phất tay áo đánh "phật" một cái, như thể phất cờ, xướng ngôn, - Đại Cồ Việt!

Bất giác, cả bọn cùng hô theo: "Đại Cồ Việt", nghe âm vang thiêng liêng, như từ trời cao giội xuống, dưới đất vọng lên vậy.

Nguyễn Bặc đứng dậy, trịnh trọng xướng lên:

- Cồ Việt Quốc đương Tống Khai bảo, Hoa Lư đô thị Hán Tràng An!

Lưu Cơ từ tốn chắp tay dịch nôm:

- Nước Đại Cồ Việt sánh với Bắc Tống, kinh đô Hoa Lư ngang Tràng An là kinh đô nhà Hán.

Cả bọn lại cùng nói cười hoan hỷ.

 

3.

Tức vị chiếu

Viên quan văn nắn nót, tô đậm ba chữ tượng hình màu hạt huyền, lại cẩn thận gạch chân màu son tươi rói. Tức vị chiếu, nghĩa là Chiếu lên ngôi. Chiếu lên ngôi phải làm sao cho giọng văn hào sảng, khí văn thiêng liêng, để tụ hợp lòng dân nước Nam, lại tỏ rõ khí phách với Nam Hán - Bắc Tống, Chiêm Thành...

Thay trời hành đạo, Hoàng đế ban chiếu.

Phải, Hoàng đế con trời, nay bố cáo bàn dân thiên hạ, đăng quang. Phán một tẹo cho  phải nhẽ, rồi kể lể công lao và vỗ về dân chúng. Cứ thế, tờ giấy in hình bóng rồng vàng hiện dần, cột cột thẳng như dây dọi, hàng hàng óng tựa kẻ chỉ, đặc những chữ vuông chằn chặn như hòm.

Trẫm vốn con quan Thứ sử họ Đinh, rồi lại được Ngô Tiên Vương thương cho tập ấm Nhiếp thứ sử, Ngự phiên đô đốc, luôn dốc lòng thờ vua giúp nước, dù lúc cơ hàn chăn trâu làm ruộng, hay khi phất cờ lau dẹp loạn sứ quân. Ngặt vì, tử tôn nhà Ngô chối bỏ ngôi cao, nên quần thần một mực nâng bệ rồng, đặt ngai vàng, khiến trẫm lấy làm khó xử vô chừng. Thôi thì, đành cầm lòng nghĩ, cờ đã trao tay, phải phất cho cao, giương cho vững.

Một nước, không thể một ngày không có vua. Nhưng xem trời Nam, từ khi Lý Bí là người đầu tiên ở nước ta xưng đế, gọi Lý Nam Đế(4); còn lại, đều xưng vương cả. Sao trẫm không nối gót tiền hiền, mà vén mây ải bắc, kéo rèm phương nam, ngõ hầu làm rạng rỡ non sông gấm vóc?

Năm nay, Giáp Thìn, giang san thu về một mối, đất, trời cùng người, vật hòa hợp, trẫm đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước Đại Cồ Việt, để tỏ chí khí nước Nam, lại định đô Trường Châu, gọi là Hoa Lư, gợi nhớ thuở cờ lau tập trận. Cương vực Đại Cồ Việt từ Hoành Sơn đến Ải Bắc. Đổi các châu thành đạo. Cả nước, nay gồm tám đạo: Giao, Lục, Phú Lộc, Phong, Trường, Ái, Diễn, Hoan.

Trẫm miễn thuế khóa một năm, tha kẻ tù tội. Quan chức khắp vùng được y chức cũ. Các sứ quân tử trận, ai là người đáng trọng, thì được lập đền thờ. Quan quân tướng sĩ có công đều được thăng thưởng. Vợ góa con côi của binh lính được chia ruộng. Đất đai khai khẩn trong những năm loạn lạc, được chia ra canh tác. Các giáp lập sổ bộ quản lý con dân, khi cần gọi lính. Các quan hưởng bổng lộc từ thực ấp được cấp theo lệ cũ... Trẫm mong nông phu chăm chỉ cấy cày, ngư dân đánh cá, diêm dân làm muối, tiều phu kiếm củi, binh lính luyện rèn, quan tướng chăn dân, tích trữ lương thảo... Đại Cồ Việt ắt thái bình thịnh trị.

Cứ thế, ai có công được thưởng, kẻ có tội chịu phạt, nghiêm phép nước.

Xã tắc bền vững bàn thạch, thôn xóm vang tiếng vui cười, là niềm mong ước của trẫm. Đó cũng chẳng là niềm mong ước của muôn dân đó sao?

 

4.

Thảo xong Tức vị chiếu, viên quan văn bèn bẩm báo Lưu Cơ. Cơ lại dâng lên Hoàng đế. Hoàng đế bèn vời các tướng tâm phúc lại bàn.

- Ông Cơ, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý đã xem rồi. Bọn tôi chỉ dám dựa cột mà nghe, chứ dám thưa thốt gì nữa? - Điền thật thà nói.

- Chớ nên nói thế, - Hoàng đế điềm đạm nhắc. - Việc này hệ trọng. Trong thiên hạ, hàng nghìn năm mới có ta là kẻ thứ ba xưng đế nước Nam, nên câu chữ phải cẩn trọng. Hãy theo ý trẫm, mỗi người mỗi ý góp vào giúp giập cho chu toàn, rồi còn phải ban bố trước muôn dân bách tính.

- Thế thì, tôi... - Điền gãi tai, vẻ hối lỗi, vội cười nói, - đang từ chỗ xưng "tôi" quen mồm, chợt nghe Hoàng đế xưng "trẫm" thấy lạ tai, nay thần nghe thủng rồi. Có khi thêm mấy câu, khuyên dân phải quý trọng ông trâu là đầu cơ nghiệp, lại giúp quân Cờ Lau xung trận nữa. Ai phạm thì chém!

Nghe vậy, cả bọn cười vang, Lưu Cơ phân trần:

- Ý ấy đã nằm trong cái câu: "Ai có công được tưởng thưởng, kẻ có tội chịu phạt. Nghiêm phép nước". Ví bằng ta nói riêng về bảo hộ ông trâu, e thiên vị, Tức vị chiếu hóa ra không minh bạch.

- Thần thấy cái câu: "Các sứ quân, ai là người đáng trọng thì đều được lập đền thờ", rất là chí lý, - Bặc nói, - Thực tế, dân ở đâu cũng lập đền thờ các sứ quân rồi. Nhưng nên nói khái quát là: "Các sứ quân đều được lập đền thờ". Bởi nhiều kẻ đã chết trên sa tràng, có người hiện vẫn còn sống, lại theo về giúp ta, tỷ như Trần Minh Công, Phạm Phòng Át, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí...

Cả bọn đều cho là phải. Cơ đưa mắt nhìn xem ý tứ Hoàng đế, thấy gật đầu chấp thuận, mới sửa vào bản thảo, rồi cẩn thận đọc lại cho mọi người cùng nghe.

- Tức vị chiếu sao không nói chuyện được Ngọc khuê, Rồng vàng cõng sông? Thêm điềm giời, chẳng sang trọng sao? - Tú thắc mắc.

- Thôi, chả cần hoa hòe hoa sói, - Hoàng đế nghĩ bụng, còn chuyện táng cốt huyệt Thiên mã, còn ly kỳ hơn, ta còn chẳng nói nữa là.

- Đoạn về thằng Xí, liệu có nhún quá không? - Điền lại sồn sồn nói.

- Thế là vừa đủ, - Bặc lại tỏ ra tâm đắc.

- Thôi, cứ tiềm tiệm vậy đã, nhề!

Thế là bản thảo Tức vị chiếu, chỉ bỏ hai chữ "tử trận", khi nói về việc lập đền thờ các sứ quân mà thôi.

Sau khi các tướng tâm phúc đã tham gia ý kiến, Cơ lĩnh ý sửa lại chu tất, dâng lên cho Hoàng đế ngự lãm. Hoàng đế cầm bút son, phê chữ "Thị", rồi trầm ngâm một chốc mới nói:

- Kỳ thực, nước ta từng có mười hai đạo, nhưng Ngô Tiên Vương đã cắt cho bọn Hán bốn đạo: Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An.

- Thần có nghe, - Cơ đỡ lời. - Nhưng không hiểu cớ là sao?

- Đâu như, Ngô Vương bảo, làm thế cho gọn, tiện việc giữ gìn tám châu còn lại, - Hoàng đế thở dài, - nhưng đâu dám trách tiền nhân.

- Giời đất ơi! - Cơ buột mồm kêu lên. - Xương máu con dân bao đời dựng nước, lập nên bờ cõi, thế mà tiên đế coi như mảnh vườn, cái ao của riêng nhà mình, tùy tiện vậy sao?

- Ta thấy mọi khi, ngươi kín tiếng lắm kia mà? - Hoàng đế ngạc nhiên hỏi.

- Hoàng thượng tha tội! - Cơ sụp lạy, tỏ ra sợ hãi vô cùng.

- Không phải câu nệ quá thế. - Hoàng đế ân cần đỡ Cơ đứng dậy và hỏi, - chuyện áo mũ các tướng và quân sĩ cũng phải bàn với Tú mà đốc thúc cho kíp mới được.

- Bẩm, bọn thợ các làng đang hối hả như gặt mùa, cũng hòm hòm cả rồi.

Hoàng đế nghe vậy, gật đầu, vẻ bằng lòng trước sự mẫn cán của quan, quân, dân chúng.

Chiến chinh loạn lạc, các làng nghề thất tán cả. Bọn Cơ phải thừa oai Hoàng đế, sức cho các châu động, tìm thợ tài giỏi, kíp đưa về Yên Thành - Trường Châu để chế tác.

Chúng lo nhất là trang phục của Hoàng đế. Một bọn làm hia. Một bọn làm vương miện. Một bọn thêu áo long cổn. Vương miện chế mười hai lưu, mỗi dải gắn mười hai viên ngọc quý. Cả thảy hơn trăm viên ngọc, lóng la lóng lánh như treo rèm, kết hoa vậy. Áo long cổn thêu mười hai chương hoa văn trên nền vàng hoàng thổ, với đủ các hình nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng, tinh là vì sao tượng trưng cho trời đất, rồi thì tảo là rong biển tượng trưng cho vẻ đẹp phong nhã của văn chương; phấn mễ là lúa gạo tượng trưng sự no đủ, phủ là cái búa tượng trưng cho võ công, sức mạnh, sơn là núi tượng trưng sự vững bền, long là rồng tượng trưng sự biến hóa, phất tượng trưng sự cân đối, hoa trùng là lông trĩ tượng trưng vẻ đẹp, tông di là đôi chén thờ tượng trưng cho sự linh thiêng, hỏa là ngọn lửa văn tinh...

Khi dâng lên, Hoàng đế thoạt nhìn đã tươi nét cười, mặc thử vừa như in không cần chỉnh sửa, lộng lẫy mà trang trọng, nền nã hài hòa mà uy nghi, liền bảo:

- Chỉ một cái áo mà kết tinh cả trời đất, vạn vật. Ngôi Hoàng đế mới nặng gánh nước non biết ngần nào?

Nghe vậy, cả bọn cúi lạy.

Cơ bảo:

- Long cổn như ngọc tỷ, truyền đời nối ngôi, rạng rỡ nhà Đinh.

Hoàng đế nghe tán dương càng thêm hởi dạ, bèn ban thưởng cho bọn thợ hàng nghìn lạng bạc. Cơ nghĩ bụng, đúng là người đẹp vì lụa là, vua oai nhờ hoàng bào.

Bất chợt, Hoàng đế như bị ông trời cạy mồm, phán một câu kinh động:

- Hoàng bào mà trao cho ai, người ấy tất làm vua...

Nghe vậy, cả bọn ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu ra làm sao nữa. Ai ngờ, đời sau, tấm áo hoàng bào ấy lại rơi vào tay kẻ khác.

V.X.T

 

(1) Loạn Ngũ đại thập quốc xảy ra 72 năm, từ năm 907 đến 979, mới yên.

(2) tức Điềm Giang, hay gọi Đàm Thôn, nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

(3) Làng Đại Hữu xưa, gồm 3 thôn: Văn Bòng, Văn Hà, Vĩnh Ninh; nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

(4) Lý Bí tên thật là Lý Bôn (503 - 548), vị vua sáng lập nhà Tiền Lý, xưng Lý Nam Đế.

 

Tin tức khác

Văn xuôi

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 45 lượt xem

Về lại Lũng Hoa

11-04-2024| 73 lượt xem

Quà tết

11-04-2024| 58 lượt xem

Hạt mùa sau

11-04-2024| 118 lượt xem

Người lính đặc công năm xưa

11-04-2024| 75 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 36 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 67 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 55 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 53 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 56 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 117 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 455 lượt xem