Truyện ngắn của Trần Mỹ Thương
Minh họa của An Bình
Người làng bảo ngày xưa bố mẹ My đến với nhau chớp nhoáng, nhanh gọn hơn lẽ thường ở cái thời ấy. Nhưng phải công nhận, hai người đẹp đôi. Người ta chỉ cần biết có vậy.
Bố đường đột bỏ dở học hành và tương lai sán lạn để tham gia vào chiến dịch biên giới bên mạn Yên Bái, Lào Cai. Trong một kỳ nghỉ quân phép, ông chẳng buồn về nhà mà tìm về địa chỉ nhà người bạn thân từng học cùng trường Vùng cao Việt Bắc. Chuyến đó, bố gặp mẹ - em gái người bạn thân.
Mẹ xinh. Người con gái Dao sinh ra trong một gia đình tiến bộ, được ăn học hết cấp ba rồi có ý định đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô, hồi ấy sang mấy nước Châu Âu không quá khó, chỉ tội lí do sức khỏe nên bà đành ở nhà làm ruộng. Cùng trang lứa mười tám, đôi mươi, nhưng mẹ cứ đủng đỉnh, ung dung, mặc cho bạn bè lần lượt dựng vợ, gả chồng, mặc cho người nhà thúc giục. Cũng có khi duyên số định sẵn rồi, run rủi cho bố mẹ lấy nhau. Có những mối liên hệ trong cuộc đời, không chỉ có duyên mà còn là nợ. Họ nợ nhau mà cho đến mãi sau này vẫn không sao trả hết.
Chiếc xe đạp Phượng Hoàng của bác Sinh lọc xọc uốn éo theo con đường mòn, chở một người lính đẹp trai, thân hình nhỏ nhắn, rắn rỏi về đến làng khi trời đã nhá nhem. Chẳng chút ngại ngần, xa lạ, người đàn ông ấy cứ tự nhiên sà vào xay thóc, giã gạo như việc của nhà mình. “Đúng lúc tay đang mỏi nhừ, càng tốt, - Mẹ mừng thầm tự nghĩ. Cái vẻ dạn dĩ hiếm thấy ở đám trai làng khiến mẹ bị thu hút, đôi tay thoăn thoắt làm việc đối lập hẳn với bề ngoài trắng trẻo, đẹp trai dường như đốn gục ngay chút kênh kiệu vốn có bấy lâu của mẹ. Thế rồi họ yêu nhau. Chẳng biết yêu hay là gì, chỉ biết những ngày cuối của kỳ nghỉ phép, bố đánh gan thưa chuyện với ông ngoại xin được đón mẹ về làm vợ. Cuộc họp họ nhanh chóng diễn ra. Mọi người trình bày gia cảnh họ Phàn như thế, có hai thằng con trai đều đi làm việc nhà nước, lấy vợ ở xa, chả lo nổi việc nhà nên đứa gái lớn này phải tìm một người ở rể. Bố có đồng ý ở rể đời thì lấy nhau, sau này việc hương khói tổ tiên phải lo hết. Bằng không thì cũng gả đi, đổi lại một trong hai anh em trai phải một người bỏ việc nhà nước mà về lo chuyện tổ tiên.
Tất nhiên bố thuận tình, dù trong lòng còn gì đó xót xa vời vợi. Chấp nhận thôi, dẫu sao gia cảnh bố cũng quá nghèo, cha mẹ mất sớm, có thửa đất không rộng chỉ đủ làm hai cái nhà thì hai anh trai đã yên bề hết cả trên cái thửa con con ấy. Chả đi làm rể, thì kéo vợ về mà ở vào đâu? Thôi thì...
Chẳng có một tiệc cưới đúng nghĩa diễn ra, bố tận dụng vài ngày phép còn lại lục tục về quê chờ nhà vợ xuống đón như người ta đón dâu. Gia đình cùng vài người họ hàng ngậm ngùi làm đôi mâm cơm sẵn đợi. Vì tập tục hay gì đó, thầy cúng cũng không “cắt ma” đứt đoạn rõ ràng cho bố để ông nhập ma vào nhà vợ cho đàng hoàng. Bên mẹ làm thủ tục nhập âm cho bố cũng chẳng đến nơi đến chốn. Đất nước chưa bình hẳn, nên cũng chả mấy ai để tâm. Người già cũng nghĩ đấy, nhưng là người già ở làng thôi chứ ông bà ngoại hồi đó chỉ mong lược giản nhanh nhanh để bố mẹ về một nhà, để bố còn tiếp tục lên đường sang Lào Cai làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ với Tổ quốc đáng lo hơn nhiệm vụ ở nhà. Vì ông ngoại làm cán bộ xã, được ăn học va vấp nên tư tưởng thông thoáng hơn nhiều.
Bố trở lên đơn vị chiến đấu, vài năm sau mới được xuất ngũ trở về trong tình trạng bệnh binh mất sức lao động. Ngày bố về, ông bà ngoại đã chẳng còn ai. Anh em My lần lượt ra đời, lần lượt cùng bố học nói tiếng Dao. Người già trong làng bảo phải như thế, ở rể đời có khác gì đứa gái đi làm dâu! Phong tục người Dao thế nào, nếp ăn nếp ở ra sao bố cũng học tuốt, làm theo thành thạo tuốt. Chỉ duy một việc, lại là việc hệ trọng nhất của đời người Dao mà bố không chịu làm vì nhiều nhẽ, ấy là cấp sắc. Dù với nhẽ nào, bố ở rể đời là để cáng đáng việc hương khói tổ tiên nhà vợ, tất nhiên phải cấp sắc để trở thành người đàn ông Dao thực thụ. Vậy mà lại không cấp sắc, tức là bố vẫn chưa hoàn toàn là con của người Dao, chưa toàn tâm toàn ý… thế nên việc lớn nhỏ gì ở trong làng bố đều tham gia nhưng chưa bao giờ được ngồi mâm chiếu giữa nhà. Bố ngậm lòng cam phận chả khác người đàn bà câm làm dâu xứ lạ, cũng không hiểu nổi có cái gì ngăn cản trong thâm tâm khiến bố thà chịu ấm ức như thế chứ nhất quyết không làm cấp sắc, không để thầy cúng đặt một cái tên âm ở phía họ Phàn.
Những ngày khốn khó ấy rồi cũng dần qua. Anh em My khôn lớn, nói tiếng Dao không theo kịp được bố rồi, những người già lần lượt ra đi, người Tày, người Kinh khai hoang, cùng với người Dao sống chung đoàn kết, rồi thì cũng dần thay đổi nếp nghĩ, nếp sống. Từ bao giờ không biết, người ta dần quên rằng bố là một chàng rể ở đời, người ta bắt đầu chuộng tiếng nói của bố, hết tín nhiệm bố làm chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng thôn, đến bảo nhau bầu bố làm chủ tịch kiêm trưởng công an xã, rồi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Tiếng nói của ông có trọng lượng với dân trong làng ngoài bản cho đến tận bây giờ, khi đã nghỉ hưu.
Rồi, bao nhiêu đồng lương nhà nước, bố gom góp cùng những hạt gạo nhuộm mồ hôi của mẹ nuôi anh em My ăn học thành người. Ngoái lại, bố mẹ đã già đi nhiều trong ngôi nhà mỗi ngày thêm tiêu điều, xơ xác.
Thời gian trôi nhanh như cơn lũ ống quét qua cái khe dưới nhà My. Vạn vật đổi thay, con người càng không nằm ngoài quy luật ấy.
Một ngày My nhận cuộc gọi của mẹ: “Bố mày làm nhà khác ở, rỗi thì về mà xem” - chuyện như nổ trời thế mà giọng mẹ thản nhiên đến lạ. Trước nay bà vẫn luôn thế. Nhưng chuyện này lẽ ra phải khác chứ, sao vẫn giữ được cái vẻ lạnh lùng trong vài câu gọn lỏn ấy được. My choáng váng.
Cô khăn gói về nhà. Căn nhà cũ xác xơ nấp mình trong bóng mấy cây mít già cằn cỗi. Mẹ đứng tần ngần ở phía góc hiên, dõi mắt qua khoảnh vườn ngô, nơi có nếp nhà mới dựng. Xe My lao đến sân, bà mới chột dạ bước vội vào bếp, lúi húi thổi lửa.
- Chuyện gì thế hả mẹ? Sao mẹ không ngăn bố? - cô chạy theo vào bếp hỏi dồn, giọng méo mó.
- Chả phải trúng ý cả bố lẫn con rồi đấy thôi? - thì ra mẹ còn giận cô từ cái vụ bà bắt làm lại toàn bộ hồ sơ lý lịch các con, bắt phải chuyển hết sang họ mẹ nhưng bị con phản đối, mà đầu têu và ương bướng nhất là cô. Cô phân trần rằng: “Trên danh nghĩa, chúng con mang họ bố, giờ thay đổi lại hết từ đầu thủ tục phức tạp, mà không cần thiết. Hai chị em gái chúng con sau này thuyền theo lái, gái theo chồng. Còn anh cả, mang họ bố về giấy tờ chứ cũng nhập âm mang họ Phàn rồi là được”. Mẹ nói cô lý sự, rồi khi vẫn có ý ép, cô đành nói cứng: “Thực tế còn mỗi cái họ là chúng con an ủi được bố, cái danh nghĩa dân tộc Cao Lan này, chúng con có đứa nào biết nói một câu đâu, giờ mẹ bắt chuyển nốt thì bố tủi thân chả thiết gì, mẹ có nghĩ được thế không?” Không cãi thắng được đành phải lùi. Thế nên mẹ giận đến bây giờ. Không khéo chuyện bố ra ở riêng bà cũng giận dồn sang cả phần con. Nghĩ thế, My đành nín lặng.
Bước ngập ngừng đến phía căn nhà mới dựng, đếm vội cũng chỉ vài chục bước thôi mà chân cô như đeo hòn đá tảng. Ngược về quê mất nửa ngày đường cũng không cảm thấy dài bằng đoạn đường đang bước dưới chân.
Căn nhà lọt thỏm trong khoảnh vườn ngô xanh mướt ấy còn nồng nguyên mùi gỗ mới, mái lá cọ vẫn đậm rì một màu xanh, thềm đất có chỗ còn chưa được đầm đều, chưa khơi rãnh. Quanh nhà lõng bõng những vũng nước do mưa hắt vào, hết chỗ ngấm nên dồn lại. Con chó nhỏ đang nằm chườn ở góc nhà bỗng vụt phắt dậy, vừa gằm ghè, cái đuôi lại vừa ngoay ngoáy, chẳng hiểu nó thế nào. My cũng cứ đứng chôn chân trước cửa, không biết nên nói gì với bố.
Bố My toan đứng dậy rồi lại như sực nhớ điều gì, ngồi xuống, lại kéo cái miệng điếu tựa vào hõm vai. Sự trở về đường đột của con gái, cái ánh mắt trân trân của nó chả khác mấy vũng nước đọng làm ông gợn nhiều lo nghĩ. “Cũng đến lúc rồi, phải nói cho chúng nó hiểu”, ông tự nhủ thầm như thế. Nhưng biết bắt đầu từ đâu, khi cái cuộc đời của ông hỗn độn như mớ lõi chuối thái rối chả biết lần từ đoạn nào mà tìm ra gốc ngọn? Quen là quen, tưởng hợp là cưới, bảo ở rể thì ở rể, mà sao lúc về già ông cứ trằn trọc mãi về cái thân phận ấy không yên. Hễ cứ ngẩng nhìn lên cái ban thờ gian giữa lại thấy xót xa trống hoác ruột mình, ở đó chỉ có mấy bức truyền thần di ảnh ông bà, bố mẹ vợ. Ông sống lù lù đây, mà đến bát nhang, tấm di ảnh bố mẹ đẻ mình cũng chẳng thể đặt lên đấy mà thờ, mà thắp. Hỡi ôi! Cố nghĩ thoáng bao nhiêu, ông lại càng thấy lòng mình chật chội, bức bối bấy nhiêu. Ông lật đật làm nhà ở riêng, chẳng khác một lời tuyên chiến với vợ, phản bội lời hứa của một thằng đàn ông với cả họ nhà vợ, với những người đã khuất. Biết thế, nhưng cực chẳng đã.
Những dòng suy nghĩ cứ miên man trôi chậm trong trí óc kẻ già nua, hai gian nhà tông hống mà ông vẫn thấy ngột ngạt, bí bách làm sao. Im lặng hồi lâu, rồi ông tự mở lời, nói như thanh minh:
- Bố làm ở tạm, trông cái ao cá thôi, không người ta trộm hết cá con ạ!
Ôi chao, giá bố cô rành việc nói dối!
Cô chớp mắt, nước mắt được thể lăn ra.
Bi thuốc lào đã cuộn chặt bé tí trên hai đầu ngón, ông ngừng vê, ánh mắt dõi qua ngưỡng cửa về phía mặt ao. Làn gió khẽ thổi làm mặt nước chuyển động, mấy con lăng quăng lùi lùi tiến tiến, những vòng tròn gợn sóng loang dần, hình như loang đến đầu óc, đến tâm trí ông. Cơ mặt khẽ giật giật, rúm ró: “Bố muốn được đón hương hỏa ông bà nội con lên thờ phụng, nhưng mẹ kiên quyết không đồng ý”.
Tiếng thở dài kéo bước chân My tiến gần bên bố. Lúc này, cô biết bố cần một ai đó đứng ở phía mình. Trần sao, âm thế phải không bố? Việc ấy cũng là mong muốn của anh em con. Nhưng ta không thể tự quyết được bố ạ. Xưa giờ chưa bao giờ có chuyện này cả.
- Ai cũng bảo, một nhà không thể thờ hai họ con ơi! - Chiếc điếu vẫn tựa vào hõm vai, ông khẽ cựa mình nhìn về con gái.
My mím môi nuốt nước bọt chặt ứ nơi cổ họng, không biết nên nói gì lúc này, cô hướng đôi mắt ngập nước về phía mặt ao hiu hiu gió, sống mũi sực cay như hít phải khí lạnh mùa đông.
Trong lễ Cấp sắc cho anh trai, My trở về dự như một người khách. Cô lấy lí do công việc để từ chối đề nghị của nhà ngoại bảo cô làm Biao Xía thực ra vì không muốn chạm khắc thêm vào nỗi đau âm ỉ của bố - nỗi đau mà càng nghĩ cô càng thấy mình cần thông cảm. My nghe nói trước khi làm lễ, anh trai cô đã được mẹ nhờ người thay đổi hết giấy tờ thủ tục sang mang họ mẹ. Cô muốn biết chuyện lớn này mẹ có bàn trước với bố không? Và sao chẳng thấy bóng dáng một ai bên nhà nội, trừ bố? Trong khi bà vẫn nguyên cái điệu gọn lỏn, chua chát: “Bàn làm gì, bàn với ai? Bố mày giờ cần gì nhà này nữa, dựng nhà khắc ở cơ mà. Mò mặt đến đây cũng chỉ vì lo mất cái mặt của bản thân ông thôi!”.
- Từ trước đến giờ cái gì mẹ cũng bảo không cần phải bàn với bố. Chuyện gì mẹ cũng nghĩ bố là phận rể, phải theo. Thì đúng là rể ở đời, nhưng ít ra mẹ nên nghĩ khác mới phải - Lần thứ hai trong đời My gay gắt với mẹ, làm bà tức tối quắc mắt, há hốc mồm không nói được nửa câu. Nếu không phải đang lúc trong nhà có việc vui lớn thì chắc My đã lãnh đủ vài cái bạt tai. Dù cô rất hiểu, cái sự lạnh lùng vốn dĩ của bà cộng hưởng thêm nỗi oán ghét ông từng có quan hệ với người đàn bà khác sau lưng bà nên mọi sự mới càng trở nên khó lòng cứu vãn đến thế. Bà không thể chấp nhận được cái lí chồng mình tằng tịu với người ngoài vì cô đơn. Ô hay, thế bà không phải phụ nữ à, không đủ tốt à, cũng đã chết đâu mà ông kêu cô với chả đơn?
Người người rậm rịch, hớn hở. Tiếng chuyện trò, cười nói rôm rả của già trẻ, gái trai hòa cùng tiếng trống, chiêng, chũm chọe, pha cả tiếng gà, lợn cắt tiết kêu dứt ruột. Một mớ thanh âm hỗn độn vang vọng núi đồi, dội ngược về căn nhà mái lá.
Bố giúp người ta túm chân con lợn tạ. Mồ hôi đẫm áo. Sức vóc thường ngày của một cựu chiến binh dường như bay biến hết. Rồi ông nép mình thu lu một góc, vẻ mặt vô hồn. My lặng lẽ đến ngồi bên bố trong một góc ánh sáng nhạt mờ, lần nắm đôi bàn tay chai sần, vân vân những đường gân nổi xanh chằng chịt. Tiếng chũm chọe đệm cho từng bước nhảy xoay vòng kèm mấy câu cao giọng ố ố ô hố, ô hô ô hề hề từng hồi lại vang lên, át những tiếng thở dài.
Đôi mắt sâu trũng của ông nhìn vô định, rồi lại nhìn về phía gian chính, nơi đó anh trai My khoác chiếc áo chàm, đội mũ nồi đen đang ngồi khoanh chân chữ ngũ, đầu cúi gằm gật gật theo giọng cúng đều đều, lan man, dứt mỗi hồi thầy cúng, anh lại đổi tư thế quỳ gối vái lạy trước mâm lễ nghi ngút khói nhang. Rồi tiếng chiêng dồn chuyển đoạn cho các thầy sai xoay vòng nhảy múa quanh thằng cả của ông, vừa nhún vừa xoay làm những chiếc váy chàm của thầy cứ xòe ra, cụp vào hoa cả mắt.
Vòng đời một thằng rể cũng đến hồi phải chứng kiến cảnh như thế, không làm cho ông thì phải làm cho con trai của chính ông thôi. Cái việc ấy là đương nhiên rồi, ông đã dự liệu và cố nhủ trước rằng mình nên chấp thuận. Thế mà giờ nó diễn ra, ông lại cảm thấy mình như không còn chỗ víu. Hết rồi, hết thật. Mà có gì để còn với hết đâu! Thân ông đến với nhà này, ở lại đất này kể như đàn bà làm dâu, cũng có bổn phận tương tự thế. Con trai ông có trách nhiệm gánh vác hương hỏa tổ tiên, điều ấy cố nhiên đã được định từ đầu. Vốn nhà này là gốc, mọi việc đang diễn ra theo đúng phong tục, tự trình mà nó cần phải thế. Vậy mà lòng ông đau quá, đau không gượng nổi, đau hơn những vết thương và cả những cơn đau dạ dày quằn quại chết đi sống lại hồi còn ở chiến trường biên giới. Phải chăng ông quá hẹp hòi, hay là về già ai cũng trở nên hẹp hòi ích kỷ đến vậy? Ông vật vã tự vấn mình, cũng nhiều lần cố gắng tìm niềm cảm thông nơi vợ để tìm chút động lực mà gắng sức dung hòa, nhưng vợ ông không đủ sâu sắc để thấu hiểu hết được nỗi lòng ông. Bà trách ông chấp niệm, ăn ở hai lòng. Trước khi cưới bà, chính tự ông đã hứa với bố vợ sẽ thay con trai chăm lo tổ tiên, hương hỏa. Vậy mà giờ ông bội ước với người thiên cổ. Kể ra đó cũng là cái lí không sai. Cứ thế…, ai cũng có cái lí của mình, mỗi cố gắng đều trở nên thừa thãi khiến ông bà chẳng thể gần nhau, chẳng thể sống chung một nhà, chẳng thể nói với nhau được một lời tử tế.
Cảm giác đơn độc khiến người ta tự nhiên thấy mình mất phương hướng. Ông đứng dậy, loạng choạng bước qua góc sáng mờ nhạt, đi như mộng du.
Trong đêm tối, ông bước thấp bước cao về phía căn nhà mới nằm im lìm trong khoảnh vườn còn bừa bộn những đống thân ngô vừa chặt. My cũng len lỏi đi qua đám người. Phía ngoài ngưỡng cửa là mấy chàng trai, đứa gái đang ứ ờ những câu Páo dung qua chiếc khăn tay che hờ nơi khóe miệng. Thoáng chốc cô xót xa với ý nghĩ mình chưa một lần học nói tiếng Cao Lan, chưa một lần khoác áo váy dân tộc mình, chưa một lần học hát Sình ca để an ủi cho bố vui lòng. Hốc mũi sực cay, cô khẽ lách qua phía sau lưng họ, bước nhanh ra phía đầu ngõ ngóng đợi, vẻ sốt ruột không yên. Hôm trước đã gọi điện nói rõ hết với anh Luân con bác cả rồi, mà sao giờ này nhà nội chưa ai đến? Bước qua bước lại, My vừa bẻ các khớp ngón tay, hết ngó ra đường cái lại dõi về phía căn nhà mới dựng, rồi mắt cô bừng sáng khi thấy ánh đèn xe của anh Luân dừng khự ngay trước mặt.
“Anh lên muộn thế, mà sao có mình anh lên chơi?” Chẳng lễ tiết gì, vì nóng ruột quá nên cô hỏi dồn một mạch.
“Dưới nhà cũng có tí việc, mình anh lên được thôi. Cô yên tâm, chuyện hương khói tổ tiên nhà nội, anh là người gánh vác, bố cô có đòi đưa lên đây thờ phụng cũng không ai nghe đâu. Ông phải hiểu được điều này”. Người anh họ cười buồn.
Vừa đi cô vừa hỏi lại anh chỉ một câu đó: Bố em sẽ thuận chứ anh? Sẽ thuận không anh nhỉ?
Không thuận, thì cũng có khác được đâu? Giọng anh chua sót quá, biết làm thế nào!
Nhưng cô cũng phải nói lí lẽ cho mẹ hiểu mà ứng xử tốt hơn với ông mới được!
Vâng, cái đó em biết chứ, dần dần, anh ạ.
My lầm lũi bước như chạy theo anh lần về phía căn nhà mới dựng giữa khoảnh vườn. Mọi ý nghĩ rối bung cũng đang rượt theo bước chạy: “Không thuận, thì cũng có khác được đâu”.
T.M.T