Kỹ nghệ quản lý

Thứ bẩy, ngày 01-04-2023, 09:52| 1.191 lượt xem

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Lãm

     

Minh họa của Tân Hà  

 

Họ là hàng xóm.

Quả đồi nhỏ vạch đôi bằng một giậu mồng tơi.

Vợ chồng Thìn Tỵ ở mé đồi bên này. Vợ chồng Tư Năm ở mé đồi bên kia. Bên này lạch cạch bát đĩa sắp mâm, bên kia nghe thấy. Nếp sinh hoạt hai nhà gần giống nhau. Cán bộ, công nhân viên chức cả mà. Nhưng họ lại rất khác nhau ở một chuyện. Đó là, bên này thì ông Thìn quản lý bà Tỵ, bên kia thì bà Năm quản lý ông Tư.

*

Hồi trước, người thưa đất rộng. Đồi núi bạt ngàn. Ai khai khẩn chỗ nào thì tự nhiên chỗ ấy là của người đó. Lúc bấy giờ còn đang ở tuổi đôi mươi, hai gia đình mỗi nhà mới chỉ có hai vợ chồng và một đứa con, ở một gian tập thể vách ken nứa, mái lợp cọ. Thìn, Tư rủ nhau phát một quả đồi nho nhỏ, chia mỗi người một nửa để làm nhà ở.

Vợ chồng Thìn Tỵ làm cùng cơ quan. Thìn có bằng cử nhân, chỉ số EQ khá. Công tác khoảng vài năm, hắn được đề bạt phó phòng, rồi trưởng phòng. Độ mươi năm sau, hắn lên phó giám đốc, rồi giám đốc. Tỵ, vợ hắn làm văn thư. Nàng là một cô gái núi rất xinh, lúc nào nom cũng mới mẻ, nõn nà như bông nhài hộp. Nhưng nàng rất hay cười, mà nàng cười nom lại rất duyên. Là đàn ông chỉ những thằng ngu mới không thích ngắm nàng cười.

Vợ chồng Tư Năm, vốn là bạn cùng học với nhau một trường ở bậc đại học. Tư đẹp trai, khỏe. Có bằng kỹ sư nhưng không hiểu sao hắn lại thích lái máy ủi. Hắn làm việc ở một lâm trường. Năm, vợ hắn là một phụ nữ khá. Công tác có lẽ cũng chỉ hơn mười năm, nàng làm giám đốc ở một cơ quan khác.

Thôi, đấy là chuyện ngày xưa, không nói nữa. Bây giờ hưu cả rồi, nói chuyện bây giờ. Hai gia đình rất thân nhau. Bây giờ họ vẫn thân nhau. Nhất là hai bà vợ, họ thân nhau theo kiểu đàn bà. Một hôm, vợ chồng Thìn Tỵ ngồi uống cà phê dưới bóng mát giàn thiên lý, Tỵ thủ thỉ với chồng:

 - Anh Thìn ạ, chị Năm chị ấy kể với em về anh Tư nhà chị ấy buồn cười lắm. Nhưng anh nghe đây bỏ đây thôi nhé. Bởi vì chị ấy bảo, chị ấy chỉ kể với một mình em thôi, không được kể lại với ai.

- Ừ, chị ấy kể lão Tư thế nào?

- Chị ấy bảo, chị ấy phải quản lý anh Tư, bởi vì anh ấy hay léng phéng lắm. Chị ấy quản anh Tư cả về thời gian, cả về không gian, cả về kinh tế.

- Đúng rồi, lão này phải quản chặt mới được. Nhưng cụ thể, bà ấy quản lão Tư kiểu gì?

- Chị ấy khéo lắm, chị ấy điều chỉnh anh Tư hơi bị giỏi, đúng là nguyên giám đốc có khác, đã từng quản lý hơn hai trăm biên chế dưới quyền, không phải thường. Chị ấy rất nhẹ nhàng nói với anh Tư đại ý thế này: Chị ấy nghỉ hưu, nhưng lại tham gia phường ủy. Các con nó đi làm cả ngày. Các cháu đi học. Ai cũng về muộn. Vậy anh ở nhà giúp em ngày hai bữa cơm, xong rồi phơi quần áo, để ý quần áo khô thì gấp cẩn thận, của ai thì để vào tủ người ấy. Thỉnh thoảng kiểm tra xem bồn hết nước thì bơm, xong rồi thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước thải, thấy có dấu hiệu tắc thì thông, xem có cái khóa nào trục trặc thì sửa, cái bóng điện nào sắp cháy thì thay rồi đi đâu chơi hãy đi. Thứ bảy, chủ nhật nhà trẻ họ nghỉ thì anh coi thằng cò, con cún để bố mẹ nó còn chạy ra chạy vào, việc nọ, việc kia... Thế là chị ấy quản lý anh Tư về thời gian rồi, đúng không?

- Hì hì... Đúng.

- Chị ấy lại vận động con cháu đồng minh với chị ấy, khuyên anh Tư không nên đi xe gắn máy nữa. Già rồi, phản xạ chậm ngộ nhỡ sao thì không những khổ bản thân mà còn khổ lây sang cả vợ con. Gần thì đi xe đạp, muốn đi đâu xa thì bảo con nó đưa ô tô đi.

- Lão ấy đồng ý không?

- Đồng ý ngay. Đi xe đạp thì làm sao đi được xa? Bảo con nó đánh ô tô đưa đi thì còn gì là tự do nữa? Thế là chị ấy quản lý anh Tư cả về không gian rồi, đúng không?

- Hì hì... Đúng.

- Chị ấy còn bảo với anh Tư rằng, mọi chi tiêu trong gia đình, mẹ con chị ấy lo cả rồi. Vậy sổ lương hưu của hai người để chị ấy cầm. Mỗi tháng, chị ấy đưa cho anh Tư ba trăm nghìn để anh tiêu vặt. Thế là chị ấy quản lý anh Tư cả về kinh tế, đúng không?

Nghe vợ kể chuyện hàng xóm, lão Thìn thuỗn mặt thở hắt ra, giọng hết sức bức xúc:

- Bị vợ quản cả về thời gian, cả về không gian, cả về tiền bạc. Như thế thì cái mặt thằng đàn ông còn ra cái mặt gì nữa? Dở hơi. Quái đản, thế mà lão Tư chịu à?

Bỗng bà Tỵ quắc mắt, giọng đanh lại:

- Không chịu thì làm gì?

Lão Thìn nhìn vợ, khựng lại một giây. Lão quên ly cà phê đang uống dở, đứng dậy lững thững đi ra ngõ. Lão lang thang ra ghế đá công viên ngồi ngắm sóng hồ. Lão đang nghĩ ngợi linh tinh thì lão Tư, tay cầm điếu xì-gà lưỡn phưỡn đi tới. Lão Thìn dịch lại lấy chỗ cho lão Tư ngồi, giọng khiêu khích:

- Hì hì... Mỗi tháng vợ cho ba trăm nghìn, tiền đâu mà hút xì-gà?

- Đầy.

- Mụ ấy quản lý cả ba mặt mà chịu à?

- Chịu là chịu thế nào? Phải có mẹo. Cái thằng tôi mà chịu để con mẹ Năm nó quản á? Còn lâu nhé. Nó cứ tưởng thế thôi chứ mã nó quản thế chó nào được tôi. Nó lại buôn dưa lê với vợ ông chứ gì? Hừ, đàn bà đái không qua ngọn cỏ lại hay tinh vi tinh tướng - Đặng, lão ghé vào tai lão Thìn thì thầm, lừa đàn bà dễ lắm. Càng đẹp gái, càng dễ lừa. Mụ ấy nêu điều kiện gì tôi cũng chấp nhận, không cãi. Cãi mất hay. Cũng như ngày xưa, ông giao việc cho cán bộ của ông ấy, có đứa nào cãi bao giờ đâu? Ông nói gì chúng cũng vâng, phải không nào?

- Hì, hì... Ừ.

- Tôi nói ông nghe, mụ Năm nhà tôi quản tôi ba mặt, thời gian, không gian, tiền bạc. Thế nghĩa là, bà ấy cấm vận mình rồi còn gì nữa. Bà ấy giao cho tôi toàn bộ việc nội chợ. Mẹ con bà ấy bận cả, nghe hợp lý chứ. Nhưng những việc ấy đối với tôi, nếu gọn lại thì mỗi ngày chỉ mất không đến hai tiếng đồng hồ. Coi như tôi thể dục, còn gần cả ngày vẫn là của tôi, tha hồ. Thế là cái mẹo của bà ấy quản thời gian đối với tôi xem như thất bại. Phải không nào?

- Ừ.

- Bảo tôi không đi xe gắn máy nữa, đi xe đạp cho an toàn. Mụ ấy lo cho mình, hợp lý chứ. Vậy tôi không đi xe máy nữa. Không đi thật. Cái xe của tôi, tôi cho quách thằng cháu để nó đi học. Đi gần thì tôi đi xe đạp của nó. Cả nhà nhận xét tôi ngoan. Thỉnh thoảng bạn bè ở xa cỡ mươi, mười lăm cây số ới đi bù khú đổi gió, nhận lời ngay. Đặng, kín đáo luồn cái ví vào túi. Vẫn quần áo ấy, quần áo mặc ở nhà, dép lê, đủng đỉnh ra phố, đến chỗ nào hợp lý thì rút máy, gọi

Ta-xi. Lúc về, cách nhà độ vài cây số, xuống xe, tạt ra bờ mương, kiếm cái túi ni lông, vồ vài con cào cào bỏ vào đấy, đủng đỉnh đi về. Quần xắn móng lợn, một tay xách dép, một tay cầm cái túi, nom rõ trong có mấy con cào cào về nuôi  sáo, nhìn thành người lương thiện ngay.

- Hí hí... Bịa.

- Tôi bịa, tôi chết. Từ thuở bé, tôi chưa bịa cái gì bao giờ.

- Thế nghĩa rằng, bà ấy quản lý ông về không gian cũng thất bại?

- Thất bại rõ còn gì nữa?

- Nhưng mà... Thuốc thì dùng xì-gà, đi chơi thì gọi Ta-xi, vợ cho mỗi tháng ba trăm nghìn, tiền đâu ra?

- Ông quên tôi cả đời lái máy ủi à? Thợ bậc bảy trên bảy, lương cao ngang giám đốc. Gần công trình, bà con nhờ ủi vạt đồi. Có người nhờ đào cái ao, tranh thủ xong luôn. Quả nào to, mất nhiều thời gian thì chia cho tay đội trưởng một tẹo, anh em cần lao với nhau. Giám đốc không biết đấy là đâu. Dân lái máy ủi tiền hơi bị nhiều, tôi trích một ít mở tài khoản. Nói thật với ông, bà ấy đưa thì cầm chứ ba trăm bọ của mụ chỉ đủ hát bài rưỡi ka-ra-ô-kê! Mụ ấy cấm vận kinh tế tôi, cấm thế đếch nào được. Tóm lại, âm mưu đen tối của bà vợ yêu quý nhằm quản lý tôi ba mặt bị thất bại hoàn toàn. Bà ấy nhà tôi chỉ giỏi việc cơ quan thôi chứ việc nhà á? Dở ẹc! Đọ với tôi, thị thua trắng bụng. Đàn bà ăn bốc đái đứng, tinh tướng.

Một hôm, bà Tỵ với bà Năm, hai bà ngồi khều ốc vặn luộc chấm tương gừng, vừa chấm chấm, mút mút vừa tâm sự. Bà Năm hỏi bà Tỵ:

- Nghe đâu lão giám đốc nó quản nữ nhân viên ghê lắm à?

- Hí hí... Còn phải nói, lão quản em đến không thở được.

- Tại mày đẹp gái quá chứ sao. Bây giờ nghỉ hưu rồi mà trước sau nom vẫn còn ngon lắm. Mày không biết già à?

- Hí hí... Em kể chị nghe, hồi còn đi làm có hôm trưa về nhà, anh ấy hỏi, lúc chín giờ em đi đâu? Có hôm, trong bữa cơm tối, anh ấy lại hỏi, lúc ba giờ chiều em đi đâu? Nhiều lần như thế, sau em mới phát hiện, thì ra phòng giám đốc ở tầng hai, chỗ anh ấy ngồi nhìn qua cửa sổ xuống thẳng bàn của em ở tầng trệt nhà bên này. Lão còn cài một con tạp vụ ba tuổi ranh, mặt búng ra sữa, váy cũn cỡn để ý theo dõi em. Quái thế chứ lỵ. Mà em làm văn thư thì phải đi gửi công văn rồi đi mua văn phòng phẩm, mua chè, mua hoa việc rất linh tinh. Nếu được ngồi một chỗ thì đã sướng. Xong rồi thì là, hai vợ chồng nghỉ hưu, lão ấy đi đâu vắng, thỉnh thoảng gọi điện về nhà thì toàn gọi máy bàn. Không bao giờ gọi số di động của em. Sau em mới phát hiện ra, gọi máy bàn, nếu thấy không nhấc máy, nghĩa là em không có nhà, thế là về lại vặn vọ. Đấy, chị xem ớn không chịu được.

Bây giờ ở nhà thì thế. Hồi còn ở cơ quan, ông ấy quản cán bộ thì rất buồn cười. Nội quy, ngoại quy có vẻ lắm. Sáng mười lăm phút đầu giờ đọc báo rất nghiêm, điểm mặt không thiếu một ai. Ngồi nghe báo là ngồi nghe báo. Vừa nghe báo, vừa đan len là vi phạm, mất lao động tiên tiến không biết chừng. Nhưng hết giờ đọc báo về phòng, tụm năm, tụm ba pha trà nháy nhau ngồi bù khú, dềnh dàng có khi tám rưỡi, chín giờ còn chưa sờ đến tài liệu, rồi người thì cắt móng tay, người thì gọt bút chì, người thì làm thơ... Có giời biết nó đang làm thơ hay đang làm việc?

- Thế còn công việc?

- Ối giời ơi, thủ trưởng ai chả thích đông quân. Cơ quan sự nghiệp mà, lương ngân sách, chả chết ai. Việc ít, người nhiều thì tự nhiên nó thế thôi. Như phòng em đấy, có người cả năm chỉ có hai việc, đợi đến tháng tư, tháng năm đầu mùa mưa thì thảo một cái công văn nhắc nhở các cơ sở trực thuộc về công tác phòng chống bão lũ. Chừng cuối tháng mười một, đầu tháng mười hai âm lịch thì thảo một cái công văn nhắc nhở việc tăng cường tuần tra canh gác bảo đảm an toàn dịp Tết cổ truyền. Lâu lâu, lại làm một cái công văn đôn đốc nhắc nhở, việc chỉ có vậy. Mà thứ văn bản này, năm nào chả có. Cứ lấy cái của năm ngoái, thay ngày tháng mới, thế là xong. Có người chỉ mỗi việc ngồi trực điện thoại. Chị biết rồi, ngày xưa cả cơ quan mới có một cái điện thoại bàn. Sáng nào bưu điện chả quay số thử máy, chị nhỉ?

- Ừ.

- Lão Thìn nhà em sợ nhất cấp trên gọi xuống mà không có ai thưa máy. Khổ nhất là con bé ngồi trực, không dám đi đâu, cứ ngồi đấy. Đi đái một bãi cũng phải đái vội, đái vàng. Có khi lúng túng đái cả ra quần. Còn thì... lưỡn phưỡn hết. Nhưng quản lý ở cơ quan dễ hơn quản lý ở nhà nhiều, phải không chị?

- Hì hì... Ừ - Bà Tỵ lảng chuyện: Thôi bây giờ hưu cả rồi, nói chuyện bây giờ cho vui. Thế... Hiện tại, lão Thìn nó quản lý mày thế nào? Hí... hí...

- Em nói thật với chị chứ... Dở ẹc, hâm. Lão Thìn nhà em tư duy kém lắm, chỉ giỏi việc nhà nước thôi - Năm nháy mắt với Tỵ, rồi nàng khẽ hạ một câu xanh rờn: “Lòng vả cũng như lòng sung”.

*

Một hôm đẹp trời.

Ngồi nhà buồn, Tỵ sang nhà chị Năm chơi. Thấy anh Tư đang ngồi một mình, Tỵ thỏ thẻ:

- Em chào anh Tư, đang nghĩ ngợi gì nhiều mà có vẻ đăm chiêu thế?

- Chả nghĩ gì.

- Chị Năm đâu?

- Chị đi họp lớp. Nghe đâu họ tổ chức mãi tận Hải Phòng, Hà Nội gì ấy. Ba ngày cơ mà.

- Ồ, em quên béng mất. Lão Thìn nhà em cũng đi. Đi hôm qua phải không?

- Ừ.

- Lão Thìn nhà em với chị Năm nhà anh cùng học một trường, cùng tốt nghiệp một khóa mà... Hí hí, đồng môn, cùng một thầy đào tạo. Hai người đi chung một xe, thay nhau lái có phải... Mỗi người một xe, lãng phí quá.

Nghe Tị nói, lão Tư thủng  thẳng:

- Bây giờ vẫn thế đấy. Anh thấy có lẽ... đến gần một nửa công chức, viên chức nhà nước đi làm, đi chơi bằng ô tô con. Một phần của nửa kia suốt ngày lang thang trên  mạng tìm chọn mốt xe hơi bốn chỗ. Thế mà họ vẫn kêu lương thấp không đủ sống! Buồn cười thật.

- Ừ, buồn cười nhỉ? Em cũng thấy thế - Đặng, mắt nàng lúng liếng, thì thầm: Có con cá chép béo lắm, em vừa đặt nồi cháo, sang em làm tô đi, cho sảng khoái... Hí, hí...?

Lão Tư tủm tỉm cười, mắt hấp háy:

- Ừ. Về trước chuẩn bị, mười lăm phút nữa anh sang.

Tỵ, váy ngắn cũn cỡn phô cặp giò mập trắng nhễ nhại, cúi xuống vạt rau răm nhà lão Tư vừa hái, vừa thì thào: Chòm rau răm ngon quá, hái vài ngọn.

N.Đ.L

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 231 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 118 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 117 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 107 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 160 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 109 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 58 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 162 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 104 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 105 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 100 lượt xem