Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ

Thứ năm, ngày 14-07-2022, 14:24| 830 lượt xem

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, trước những hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, Cụ Hồ đã kêu gọi toàn dân đứng lên cầm súng kháng chiến. Trận chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” diễn ra tại Hà Nội và nhiều thành phố ngay trong đêm 19 tháng 12 lịch sử. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đương đầu với một đội quân xâm lược nhà nghề, trang bị vũ khí hiện đại, các mặt trận ngày càng ác liệt, sự hy sinh và thương vong của chiến sĩ ta tăng lên. Thấu hiểu những hy sinh to lớn ấy, Cụ Hồ viết:

“Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Chính phủ do Cụ Hồ đứng đầu có nhiều chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, cả nước hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động giúp đỡ thương binh.

 Ngày 16 tháng 1 năm 1947, trên đường từ vùng ngoại ô Hà Nội di chuyển lên Thủ đô Kháng chiến, Cụ Hồ ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng, thương tật đối với thương binh và tiền tuất tử sĩ  đối với gia đình có con, em hy sinh. Sắc lệnh số 20 là văn bản pháp lý đầu tiên quy định chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 19 tháng 7 năm 1947, tại Sơn Dương, trong phiên họp thường kỳ, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh. Bác sỹ Vũ Đình Tụng được cử làm Bộ trưởng; cụ Ngô Tử Hạ, một nhân sĩ yêu nước được cử làm Thứ trưởng. Cũng trong tháng 7 năm 1947, thay mặt Chính phủ, Cụ Hồ quyết định chọn ngày 27 tháng 7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ ” để đồng bào tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái với thương binh liệt sĩ.

Đồng thời Cụ viết bức thư nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ:

“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn sự nghiệp, mồ mả của đồng bào, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi người nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương. Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh. Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày Thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn. Tôi xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi,  một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 1949,

Cụ Hồ viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh Vũ Đình Tụng. Người nhờ Bộ trưởng chuyển lời thăm hỏi đến anh em thương binh và gửi tặng anh em một tháng lương là 1.000 đ và một số khăn mặt, quần áo do đồng bào các nơi biếu Người. Tháng 12 năm 1949, Cụ Hồ gửi thư cảm ơn anh chị em thương binh đã gửi áo biếu Người và khen ngợi tinh thần cố gắng của anh chị em trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Về món quà tặng của anh chị em, thư Người viết: "Còn bộ áo anh em gửi biếu, không nhận thì anh em tủi. Nhận, thì tôi không yên lòng. Tôi định giải quyết thế này: Nhờ các đoàn thể bán đấu giá bộ áo ấy, được bao nhiêu tiền thì đưa dùng vào việc nghĩa”.

Ngày 27 tháng 7 năm 1950, Cụ Hồ  gửi thư nhắc nhở Ban Tổ chức Trung ương Ngày Thương binh - Liệt sĩ và gửi thư cho anh em thương binh, bệnh binh nhắc nhở anh em khắc phục sức khỏe, cố gắng học tập, tham gia công tác, tăng gia sản xuất.

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 1951,

Cụ Hồ nhờ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh chuyển cho anh em thương binh kiểu mẫu mấy bộ quần áo mà đồng bào đã biếu Người. Người nhắc nhở chính quyền các cấp, các đoàn thể và đồng bào phải có những biện pháp lâu dài, thiết thực để đền đáp lại cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của anh em thương binh. Đó là mỗi xã trích một phần ruộng công, hoặc mượn ruộng của người có hằng tâm, hằng sản hay vỡ hoang để tổ chức cày, cấy, chăm nom, gặt hái, thu mượn, khai thác được để đón anh em thương binh về chăm sóc".

Cùng ngày, hai bài viết của Người, ký bút danh C.B. đăng Báo Nhân Dân, số 56. Bài Thẻ đảng viên kể về gương chiến đấu và bảo vệ thẻ đảng viên của chiến sĩ quân đội Xô-viết Cơ-rô-nen-cô, mặc dù bị thương vẫn cố gắng giấu thẻ đảng viên và tài liệu không để lọt vào tay giặc. Bài Người "mẹ" thương binh kể về gương chị Lê Khắc Hiền chí nguyện Trung Quốc công tác trong quân Triều Tiên, một mình đưa đón chạy chữa và bảo vệ 80 thương binh an toàn tuyệt đối.

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 1952, Cụ Hồ viết thư nhờ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh Vũ Đình Tụng chuyển lời thăm hỏi ân cần đến thương binh, bệnh binh. Cụ viết “Tôi hoan nghênh chủ trương giúp đỡ thương, bệnh binh bằng cách đón về xã, giúp gây cơ sở làm ăn như bà con Thanh Hóa, Phú Thọ đã làm; mong muốn đồng bào nên coi đó là một nghĩa vụ, chứ không phải là một việc "làm phúc". Còn anh em thương, bệnh binh phải hòa mình với dân, tránh tâm lý "công thần", coi thường lao động, coi thường kỷ luật, chớ bi quan chán nản và phải luôn cố gắng. Cụ cũng gửi tặng anh em thương binh, bệnh binh một tháng lương và hai phiếu công trái quốc gia, mỗi phiếu trị giá một tấn thóc. Tháng 3 năm 1952, Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), Cụ Hồ luôn ân cần thân thiết thăm hỏi sức khỏe của các đại biểu, nhất là những đại biểu là thương binh, bệnh binh. Trước lúc khai mạc, các đại biểu quây quần bên Cụ ở sân hội trường. Cụ nói với Anh hùng Nguyễn Thị Chiên:

- Cháu Chiên thì Bác hiểu rõ gia đình rồi. Bác chỉ hỏi thăm mấy việc. Trước hết sức khỏe cháu ra sao?

Nghe câu trả lời “Cháu vẫn khỏe”, Cụ chỉ vào người Nguyễn Thị Chiên, nói:

- Cháu nói không thật. Địch nó bắt, tra tấn cháu bị thương tích. Nay ra đây thời tiết thay đổi, cháu có còn đau không? Sao không thấy bác sỹ báo cáo rõ cho Bác biết tình hình sức khỏe cháu? Anh hùng Nguyễn Thị Chiên thưa lại, từ khi thoát khỏi tay giặc, được bà con và các đồng chí tận tình chăm sóc, tuy có yếu nhưng sức khỏe đã hồi phục. Cụ Hồ cầm tay Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, ngắt ngang:

- Nhưng cháu lại tiếp tục tham gia chiến đấu, rồi phải đi bộ từ Thái Bình lên Việt Bắc, vất vả thế cháu có thấy vết thương nhức tấy lại không? Cháu phải nói thật cho Bác và các đồng chí nghe để giữ gìn sức lực cho cháu.

Nhìn gương mặt Ngô Gia Khảm mang những vết sẹo cháy sạm, Cụ rơm rớm nước mắt. Hồi lâu lấy khăn lau mặt, rồi Cụ nắm từng đốt tay khòng khèo của Ngô Gia Khảm, hỏi:

- Hoạt động, làm việc và ăn uống có khó khăn lắm không? Ngô Gia Khảm thưa là vẫn làm việc, ăn uống bình thường, Cụ chưa yên lòng, hỏi đồng chí bác sỹ:

- Các chú bên Bộ Y tế có cử người chăm sóc anh em thương binh chu đáo không?

- Dạ thưa Bác có, nhưng rất thiếu người.

- Thiếu thì báo cáo Chính phủ để xin thêm. Với các anh em thương binh, anh em đã đổ xương máu để bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước phải hết sức chăm lo. Phải coi xương thịt của thương binh như một phần xương thịt của mình. Anh em tàn nhưng không phế. Mọi người đều phải chăm sóc, giúp đỡ. Đảng và Nhà nước phải ra công nuôi dưỡng thương binh.

Thấy cánh tay cụt của La Văn Cầu cử động khó khăn, lòng Cụ rất thương xót. Cụ hỏi bác sỹ: Ta bây giờ đã làm được tay chân giả chưa? Sao không làm cho các chú ấy lành lặn hơn lên.

Đồng chí bác sỹ thưa, ta đã có bộ phận nghiên cứu nhưng chưa thành công.

- Các cô các chú đã đau đớn rồi, còn phải chịu đựng thêm vì ta chưa có đủ điều kiện làm. Điều đó Bác và Trung ương sẽ hết sức quan tâm. Sau này phải từng bước tạo điều kiện cho những anh chị em đó bớt đau khổ và sống hạnh phúc, no đủ hơn.

 

Phù Ninh

Tin tức khác

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 57 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 161 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 104 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 105 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 100 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 118 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 117 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 105 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 160 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 109 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 231 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem