Bà hàng xóm và ông chú tôi

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 10:13| 837 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

Minh họa của An Bình

 

 

Có tiếng khóc, nó gieo vào lòng người ta một cảm giác không biết người đang khóc kia đang buồn ở cung bậc nào? Ấy là một lần, lâu rồi. Có lẽ từ mãi tận giữa thế kỉ trước. Hồi ấy, phố tôi có đôi vợ chồng nhà nghèo. Bốn năm đứa con lít nhít. Chị vợ tần tảo nương rãy và buôn thúng bán mẹt đắp đổi qua ngày. Anh chồng khỏe như vâm có nhõn một nghề mài dao thuê, được đồng nào rượu tất. Mà cái trò đã hay rượu thì lại tốn đồ nhắm. Nhìn chồng ngồi gật gù trước chai rượu, chị vợ hết lườm lại nguýt. Có lần tôi nghe chị mắng chồng: “Nốc cho đẫy vào. Rượu nó phá gan nhanh lắm. Thế nào rồi cũng được chết vì rượu”. Thằng chồng quắc mắt quát: “Kệ tao. Chết thì chết. Tao coi cái chết bé tẹo. Sống mà lúc nào cũng thèm thì sống làm gì?” Thế rồi, rượu nhiều quá, anh ta hỏng gan và chết thật. Hôm đưa đám, linh cữu khiêng bộ từ thị trấn ra bìa rừng, nơi người ta để anh ta yên nghỉ. Trên đường đi, rất nhiều tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng khóc than não nề trước cảnh chia ly. Chị vợ anh ta khăn áo xô lụng thụng dò từng bước trên đường rừng theo linh cữu chồng. Cạnh hai bên đường lổn nhổn toàn đá xanh nâu và nhẵn thín. Đang hờ chồng, bỗng chị buột miệng: “Ối anh ơi… Ở đây nhiều... đá mài quá…!”.

Trời đất ơi, nghe câu buột miệng của chị vợ trong khi đang hờ chồng, vài người đi cạnh tôi, bấm nhau khẽ cười hi hí! Trước cảnh ấy, lòng tôi rối bời, không hiểu ra làm sao. Vậy tiếng hờ kia là xuất phát từ quả tim hay từ bộ não hở giời? Thật buồn nẫu ruột. Một nỗi buồn đời! Buồn hơn cái chết của anh bạn kia!

Khi anh ta mồ yên mả đẹp, mọi người về nhà dùng bữa. Nghĩa rằng kẻ thân, người sơ của anh, họ mời nhau chén rượu buồn. Buồn cho sự li biệt. Buồn cho sự mất mát. Buồn cho sự cách trở âm dương. Trước bàn thờ anh hương khói rủ vân vi. Chỗ này, đám thanh niên hò nhau ầm ĩ: Trăm phần trăm… Trăm phần trăm… nhặng xị ngậu. Chỗ kia, trai tài gái sắc, đầu còn đội khăn xô, áo thụng mà họ cấu véo nhau, tán nhau như xé vải! Ôi chao! Trước cảnh ấy, cái suy tưởng… tầm thường của tôi, xui tôi nhớ lại câu nói của Trang Tử (365 - 290 tr công nguyên). Ông ấy bảo: “Kiếp sống như miếng thịt thừa, coi cái chết như cái nhọt vỡ mủ. Người như thế, nào còn coi sống chết trước sau là đâu”. Tôi buồn suốt từ hôm ấy. Chuyện trải hơn nửa thế kỉ, tưởng đã thành dĩ vãng, thế mà bây giờ, ở tuổi tám mươi, tôi ngồi vừa thở, vừa nhớ và viết lại chuyện cũ vẫn thấy hơi buồn buồn.

Nghĩ về tiếng khóc, tôi lại nhớ một chuyện nữa. Tôi có bà dì. (Bà này là em kết nghĩa với bà dì bên ngoại của vợ tôi, nên vợ chồng tôi cũng gọi bà bằng dì). Bởi thế cho nên, tôi phải gọi chồng bà bằng chú. Lần ấy, mẹ nuôi chú mất (Bà cụ này không có chồng, không có con nên nhận chú tôi làm con nuôi). Cụ mất già thôi chứ không bệnh tật gì. Hôm đưa ma cụ, tôi cũng đi. Đám tang đông lắm. Chú tôi mặc áo xô, tay chống gậy vông, đầu đội vành bẹ chuối khô to lắm. Chú cứ lăn lóc trước quan tài. Người ta xúm vào kéo chú dậy. Mỗi bên một người dìu nách chú. Mà bước đi của chú vẫn lảo đảo, xiêu vẹo, chỉ chực đổ. Miệng chú hờ “mẹ ơi” nghe thảm vô cùng. Chú tôi khóc khản tiếng, rồi chú ngất lên, ngất xuống. Lúc hạ huyệt, chú cứ lao xuống hố, đòi được chết cùng mẹ nuôi! Người ta xúm vào, kéo chú lên. Vừa buông tay, chú tôi lại nhảy xuống. Rồi chú đập đầu vào thành huyệt, đập đầu vào cạnh quan tài bà cụ. Tôi thấy chú tôi đập mạnh lắm. Cũng may, người ta đã lường trước nên đã đội cho chú cái vành bẹ chuối khô thật to. Nếu không, chú tôi đã tự đập cho vỡ đầu để được chết cùng mẹ nuôi rồi! Nhìn điệu bộ chú, không ai không chảy nước mắt! Một cảnh thương cảm vô cùng.

Xong việc, sáng hôm sau, chú cháu tôi ngồi với nhau. Trước ấm trà ngon, Chú tôi mỉm cười, hỏi tôi:

- Cháu thấy chiều qua đưa bà, chú làm như thế nhìn được không?

Ối giời cao, đất dày ơi. Nghe câu hỏi của chú tôi, tự nhiên lòng tôi bã bời, chỉ muốn đứng phắt dậy bỏ chạy. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn ngồi lại được? Tôi ngắm lại chú tôi, ngắm kĩ. Miệng tôi khe khẽ:

- Đờ… ước… ược!

Và tôi mệt mỏi đứng dậy, cáo với chú tôi rằng:

- Thôi. Cháu chào chú. Cháu phải về chăn lợn!

Người ta khóc to nhất, khóc nhiều nhất là ở đám ma. Thời càng tân tiến, đám ma càng khóc to. Khóc bằng loa điện công suất lớn. Ở thành phố bây giờ, mà có lẽ ở cả nông thôn, đám ma nhà nào càng khóc to, càng ầm ĩ, càng oai! Tôi đang ngồi viết bài này, bỗng vẳng bên tai tiếng nhạc sầu của phường bát âm. Hình như, tít đầu thành phố trên kia đang có đám ma. Xa lắm mà chỗ tôi cũng nghe văng vẳng tiếng “hờ”. Cũng nỉ non, cũng nấc, cũng hít gió, cũng nghẹn ngào, cũng kể lể miên man trên nền nhạc dân ca “bèo dạt mây trôi!”.

Đang suy tư, nghe có tín hiệu tin nhắn. Mở máy xem, thì ra tay nhạc sĩ bạn tôi, nhà ở gần đó. Hắn chia sẻ với tôi bằng hai câu thơ thế này:

Khó chịu lắm, loa ơi ầm ĩ quá

Nho nhỏ thôi, để hàng xóm chung buồn!

Thôi. Không nói về cái sự khóc buồn nữa. Càng nói, càng buồn! Có người bảo: “Khóc không nước mắt là tột cùng của đau thương”. Nhưng cái loa điện bằng kim loại, hoặc bằng nhựa khóc thì đào đâu ra nước mắt? Mà nghĩ kĩ ra thì, cái gốc của đau thương thường nó âm thầm chứ có gào thét bao giờ đâu?

Trên kia đã nói một tí về tiếng khóc vui, một tí về tiếng khóc buồn. Để cân bằng trạng thái, thiết tưởng nên nói một tí về một số tiếng khóc khác: Có tiếng khóc nghe không thấy vui, mà cũng không thấy buồn. Nói về tiếng khóc kiểu này, ngạn ngữ Pháp có câu: “Người phụ nữ chỉ cười khi có thể. Nhưng muốn khóc thì lúc nào cũng được”. Nghĩa là, nếu thích thì cô ta khóc một tí chơi, thế thôi, có gì đâu? Bảo mua cho cái cặp tóc. Mải chơi, quên, cũng khóc. Hẹn, chiều đón đi ăn kem quán Gốc Nhội. Lại mải chơi, lại quên. Mai gặp, cũng khóc!

*

Nói đến cái hành vi khóc, thật muôn màu, muôn vẻ, miên man vô cùng. Này nhé: Khóc vui, khóc buồn, khóc không vui không buồn, khóc khoe khoang, khóc đò đưa, khóc hôi, khóc ve, khóc nũng nịu, khóc vòi vĩnh, khóc tí tởn, khóc đòi bú, khóc thầm, khóc gào, khóc nhảy múa, khóc nịnh bợ, khóc lấy lòng.

Mỗi thứ khóc đều có nhiều cung bậc. Thì ra loài người đã khóc rất là nhiều. Và rất là nhiều. Ôi, rầu rĩ thay, mà cũng nhiều khi buồn cười thay cho cái hành vi khóc của nhân loại! Để kết cho bài viết này, tôi muốn nhắc lại nhận xét của thi sĩ đa tình Xuân Diệu, ông bảo: “Trái đất ba phần tư nước mắt/Trôi như giọt lệ giữa không trung”. Và Nam Cao, một nhà văn tài ba có cái nhìn đời rất kĩ, rất tinh vi, có lần ông đã than rằng: “Có ai hiểu được cái nước mắt của loài người… Chao ôi, giọt châu của loài người!”.

 

N.Đ.L

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 31 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 30 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 23 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem

Văn xuôi

Anh thương binh hai màu áo

24-04-2024| 26 lượt xem

Con đò xưa nhỏ bé

24-04-2024| 37 lượt xem

Chuyện tình của tôi

24-04-2024| 38 lượt xem

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 89 lượt xem

Quả tôi chưa thấy bao giờ

24-04-2024| 33 lượt xem