Ông đầu rau thời mới

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 09:40| 361 lượt xem

Truyện ngắn của Doãn Hồng Giang

 

Minh họa của An Bình

 

 

 

Gặp nhau trong tiệc cưới nhà Cảnh Dương thôn Cây Mít, Sằm và Khoán hai người tay bắt mặt mừng. Sau hồi trà thuốc họ lại ngồi cùng mâm.

Rượu vào, tây tây người, lão Sằm khoe nhà lão năm nay nuôi được ổ lợn rừng, dự định bán cho người ta thịt ăn vào dịp Tết.

Lão bảo đảm là lợn “cắp nách của người H,Mông” chính cống, chứ không phải lai “ép một”, “ép hai” linh tinh... Đặc biệt là chỉ thả rông như ngoài tự nhiên chứ không nuôi nhốt, chăn bằng cám tăng trọng.

Ngồi cùng mâm mấy lão cựu binh với nhau ưa nói chuyện kiểu bốp chát,  thẳng tưng theo lối con nhà lính chứ không hay văn hoa, màu mè. Một lão có vẻ trân trố hỏi lại:

- Đúng không đấy? Hay lại treo đầu dê bán thịt chó?

Lão Sằm nheo nheo mắt, không tỏ ra tự ái, nói bung beng:

- Là nói thực thế. Có bắt ai phải nghe để mua đâu. Không nghe thì bỏ ngoài tai. Cứ mang về mổ ăn, nếu không phải, đây trả về tiền!

- Từ đây lên ông cả mấy chục cây số. Có mang lợn về, chả may không phải loại chính cống, đi đã mệt rồi, còn sức đâu mà đem trả?

Nói qua nói lại vài câu, chả kể thêm làm gì cho nó lậm lời, lôi thôi ra. Cuối cùng Khoán mới bảo:

- Ai chứ ông Sằm nói là có thể tin được rồi vớ... Ông ấy có nói sai bao giờ đâu? Chả gì anh em mình chiến hữu, vào sinh ra tử với nhau bao năm trời. Bây giờ may còn mang được cái gáo về đây, đối với nhau anh em ruột chưa chắc đã hơn. Thôi chuyện này không nói nhiều nữa. Độ ngoài hai mươi Chạp, ông để cho tôi một con ăn cái bữa tất niên!

Khoán đưa tay ra bắt, hai người có vẻ hứa với nhau như đinh đóng cột. Mấy ông kia thấy thế cũng lặng thinh, không nói thêm gì nữa. Họ quay ra phàn nàn với nhau về các loại thịt, cá thời bây giờ. Tất cả cứ như đồ giả, đồ độc không đáng ăn! Thịt lợn gì mà đã rang cháy cạnh rồi mới xào, nướng chả... mà ăn cứ bở bùng bục. Lại có mùi hôi khăn khẳn rất khó chịu. Chung quy là bởi tại người chăn nuôi bằng cám tăng trọng. Loại cám tăng trọng, không cần các loại rau, cho ăn thẳng rất tiện lợi. Lại không phải đun nấu. Cứ thế hòa với nước lã cho chúng ăn. Ăn xong, con lợn lăn ra ngủ li bì. Nó có đứng thì đi lại cũng liêu xiêu như người say rượu. Thịt loại lợn này chỉ bằng phần ba tiền thịt lợn “sạch” còn rất ít bán ngoài chợ. Vì thế lợn của người H,Mông có nguồn gốc hoang dã mới có giá trị. Rất khó tìm nhất là vào dịp cuối năm.

Tuy là chỗ quen biết vì cùng Hội Cựu chiến binh, nhưng Khoán chưa đến nhà Sằm lần nào.

Ngay cả hồi phát nương xâm canh, Sằm là cán bộ xã trên đó đi xử lý người vi phạm, Khoán bị dẫn về ủy ban xã làm việc, hai người cũng chỉ nói với nhau những lời trong phạm vi công việc. Khoán là người vi phạm, Sằm là cán bộ xã chủ quản đất đai, nói gì với nhau cũng khó. Thời bấy giờ chưa tham nhũng, lợi dụng tình cảm như bây giờ. Có nương tay cũng chỉ chút đỉnh gọi là chỗ quen biết.

Một lần Khoán bị phạt nặng, anh oán Sằm mãi đến sau này. Sằm cũng có chút không bằng lòng với Khoán trong một lần dự đám mát nhà ở nhà một người bạn quen. Hôm đó anh rượu vào, chả nhớ tại sao anh nhắc lại câu dân gian nói về người Thanh Hóa “ăn rau má, phá đường tàu”. Sằm ngồi gần đó nghe xong tím mặt.

Quê anh nghèo thật, nhưng chưa có ai ăn rau má trừ cơm. Vùng đất khô cằn, kiếm nắm rau má làm thuốc còn khó, lấy đâu ăn trừ bữa? Lại không có đường sắt, toàn đường đất quanh co lấy đâu ra đường sắt để phá hoại?

Có những chuyện không đâu vào đâu mà người nghe xong rất tức giận, có thể thù nhau chỉ vì một câu nói...

Cho đến ngày Sằm về nghỉ hưu hai người mới bớt lạnh nhạt. Nói gì thì nói, tình đồng đội là thứ tình cảm không dễ gì phai nhạt. Vì nó là tình cảm có được từ những người cùng  vào sinh ra tử, có thể sống chết cho nhau.

Tình yêu trai gái chỉ nhất thời. Qua thời xuân sắc, nếu không là vợ chồng gắn bó suốt đời, chỉ còn là người dưng cũng rất dễ quên. Tình nghĩa giữa con người là cái gì đó khó giải thích cho mỗi con người, mỗi hoàn cảnh.

Sằm không phải là người xã này. Quê Sằm mãi trong Ngọc Lạp, một huyện miền núi giáp biên giới với nước Lào. Một người bạn cùng đơn vị trước lúc Sằm ra Bắc an dưỡng nhờ anh gửi bức thư cho gia đình anh ấy. Sằm đã lặn lội từ trại an dưỡng cách xa hàng trăm cây số mang thư đến cho mẹ và vợ anh ấy. Người đồng đội này hồi ở nhà cùng học phổ thông với Khoán.

Ngày hòa bình thống nhất người bạn của Khoán không về. Anh để lại người vợ trẻ với đứa con gái nhỏ cho người mẹ già kém mắt.

Cũng là lúc Sằm phục viên trở lại quê nhà. Lại con trâu đi trước, cái cày đi sau như ngàn vạn người lính ra đi từ đồng ruộng.

Ngọc Lạp quê anh khi ấy còn nghèo lắm. Những năm chiến tranh đây là túi bom chứa đựng không biết bao nhiêu trái, mỗi lượt máy bay địch qua đây trút bỏ để tháo chạy ra biển. Gần như không còn căn nhà nào còn nguyên vẹn. Đất đai khô cằn, người lính trở về gây dựng cuộc sống không dễ dàng gì. Cả nhà anh chết hết trong một trận bom. Khi anh về chỉ còn cái nền đất trơ trọi hoang tàn. Ở nhà ông chú họ ít ngày anh theo tốp thợ xẻ ra vùng núi phía Bắc.

Để rồi có câu chuyện ba ông đầu rau mà suốt tuổi thanh xuân của mình anh chưa hề nghĩ tới. Câu chuyện được nhắc đến trong đám cưới con nhà Cảnh Dương xóm Cây Mít  vừa rồi, bằng cái giọng thì thầm của người đồng đội năm xưa.

Đấy là những năm rừng nguyên sinh còn nhiều, chưa trơ trọi, rồi mất hẳn như bây giờ.

Nhớ lại lần đem thư ra Bắc ngày nào, anh tìm về bản Khuôn Sải, nơi anh định cư bây giờ.

Vợ anh bây giờ chính là vợ người đồng đội năm xưa. Chị vẫn xinh đẹp như buổi Sằm gặp lần đầu, dù hôm ấy chị khóc sưng cả mắt. Người ta bảo người đàn bà đẹp nhất vào hai khoảnh khắc là khi họ cười hoặc khóc. Không biết có phải thế không?

Dân bản khen anh Sằm chịu khó và thương vợ lắm. Có người còn bảo anh có phần “sợ vợ”. Chuyện này nếu có cũng là thường tình. Dù giỏi giang đến đâu anh cũng là người nơi khác đến, sống phụ thuộc vào nhà vợ, dù không hẳn là ở rể.

Khoán nghĩ bụng dân Nam mình đa phần là do vợ cầm quyền, chả riêng gì ai. Cái đó do địa lý, phong thủy hay cái gì không biết, nhưng cứ chịu khó quan sát thì đúng là như vạy. Cái mà một thời người ta kêu gọi giải phóng phụ nữ vào thời nay gần như không cần thiết.

Dọc đường chạy xe máy lên Khuôn Sải, Khoán tự nhiên thấy như mình nhiều chuyện, hay nghĩ linh tinh như thế.

*   *   *

Ngày còn đi phát nương, Khoán thường phải qua Lõng Pốc, qua Đủng Chằm mới tới lán của mình. Hai nơi ấy cây cối còn rậm rì, dọc theo khe nước. Những hôm trời mưa phải cưỡi ngựa chứ khó đi bộ được. Cua đá bò lổm ngổm lối mòn, không ai để ý. Thứ cua rừng to bằng nửa bàn tay, thịt rất nạc nhưng hơi nồng nồng mùi vôi, người ở đây không chuộng lắm. Thỉnh thoảng  con ngựa lại giật mình bởi một con chim nào đấy bay vụt qua bụi cây. Có khúc khỉ nhảy nhót cả đàn trên ngọn cây sà ra ngang mặt suối, khèng khẹc đuổi nhau như không biết sợ người. Còn lợn rừng, giống lợn gọi là lợn “tên lửa” bây giờ thỉnh thoảng thợ săn trong bản vẫn “mò” được. Có con nặng cả tạ chứ không phải hai ba chục cân nhỏ như  lợn “cắp nách” gọi là đặc sản như bây giờ. Nhiều người nhầm lẫn rằng thứ lợn này vốn chỉ bé nhỏ như vậy. Thực ra thì không phải. Nó là một. Giống lợn bì dày, ăn giòn, lông ba chẽ. Có con đen tuyền, có con sọc dưa, không nhất thiết là màu gì. Sở dĩ thấy nó nhỏ vì không lớn nhanh như lợn nhà nuôi. Sống hoang dã trong rừng có con lâu năm nặng cả tạ.

Những đêm trăng sáng mùa hè chỗ đủng Chằm từng đàn lợn ra đây đằm tắm làm náo động khu rừng. Khoán nhớ có lần vào bản chơi được mời “uống rượu” mà không có rượu. Chỉ có thứ rượu làm từ cây đao rừng, thứ cây giông giống cây cọ. Người ta cắt bỏ ngọn cây, lấy dao khoét ruột cây cho tơi ra rồi lấy lá cọ buộc kín lên miệng khúc cây đao ấy. Chừng hơn tuần, ruột cây tích nước ngấu thành men. Người ta đục một lỗ bên dưới lấy ra thứ nước trắng, đục lờ lờ gọi là rượu đao. Y như kiểu miền xuôi làm nước trái cây. Thứ nước này gọi là nước thân cây mới đúng. Thời ấy thóc gạo khan hiếm, nhà nước cấm nấu rượu. Mà cái cấm nào, xét cho cùng cũng có cách luồn lách, khắc phục, có khe hở của nó. Rượu đao là một trong những cách như vậy.

Bây giờ nhớ lại, Khoán thấy chỉ như một dĩ vãng. Ngay lối đi lên Khuôn Sải cũng đã đổi thay. Anh chạy theo đường nhựa qua trung tâm xã. Ai dại gì mà vòng vèo con đường đất năm xưa?

Mới biết, ở đời cứ một cái đến thì là có một cái đi đánh đổi. Ngày nay nhà cửa đường xá hơn hẳn khi xưa. Phương tiện đi lại, mức sống đã cao hơn trước. Nhưng thử hỏi có được mấy người thấy được sự hơn thiệt giữa đời sống hiện tại với môi trường năm xưa cái nào hơn cái nào? Những khu rừng nguyên sinh, tài nguyên rừng, động vật quý hiếm đánh đổi lấy tiện nghi sinh hoạt hiện đại cho thời nay lời lỗ thế nào?

Khoán nghĩ mình giờ có tuổi, hay cả nghĩ. Trước đây chỉ lo làm lo ăn, có nghĩ lan man thế đâu. Hay là tại đài báo thỉnh thoảng nghe nói, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, làm anh ám ảnh?

Xã hội thời bao cấp ì ạch như chiếc tàu quả lu. Tiến lên được một quãng rồi lại lùi một quãng. Nó làm cho con người khổ sở, đổi lại tốc độ chậm của nó tạo trạng thái chịu đựng mong cầu an lành dù chẳng biết khi nào nó đến. Nó ù lì và vô hại. Sang đến thời kinh tế thị trường, xã hội lại như con ngựa vía bị giam hãm lồng lên. Nhiều thành tựu mới xuất hiện như trong mơ nhưng cũng không ít nguy cơ rình rập và xáo trộn đau lòng. Chưa bao giờ phúc họa, bại thành đan xen nhau dày đặc rối rắm như cuộn tơ vò. Người đàn ông như Khoán không dễ gì tìm hiểu, phân tích để tìm nguyên nhân các diễn biến quanh mình.

Lên Khuôn Sải ngoài việc mua con lợn Tết anh còn một việc nữa Sằm muốn hiểu thêm về chuyện riêng tư của gia đình Sằm. Một câu chuyện thời hiện đại có nét hao hao như truyện cổ dân gian. “Một bà hai ông”, dân gian gọi là “ông đầu rau” hay “ông vua bếp”, tưởng chỉ có trong truyền thuyết, ai dè lại hiện diện ngay trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên... Giờ trở dần về già... 

Câu chuyện người bạn học cũ của Khoán tên là Sơn, liệt sĩ hi sinh đã mấy chục năm trời, bất ngờ thế nào đó tìm thấy anh lang bạt bao năm trời vùng biên giới Tây Nam. Nhờ có vết xăm ở cổ tay còn lại người ta nhận ra anh. Trước ngày nhập ngũ, chả biết trời xui đất khiến thế nào, Sơn xăm địa chỉ quê nhà và tên của mình. Người bản ngoài Khuôn Sải vào Đắc Nông làm ăn, vô tình nhìn thấy vết xăm nhận ra anh. Dù nét mặt anh sẹo rúm ró không nhận ra được. Tệ hơn anh gần như không có ý thức gì, chỉ ú ớ khi nhớ khi quên nói những lời không ai hiểu. Người nhà hay tin vào xem hư thực và đón Sơn về...

Giá như anh ấy là người bình thường chắc chắn không khó giải quyết. Đằng này anh tâm thần nặng, lại cụt bên chân. Sinh hoạt cá nhân đã khó, tuổi đã cao, đâu còn cơ hội lập gia đình mới?

Khoán chỉ được Sằm gọi điện nói sơ sơ như thế. Cụ thể thế nào anh chưa nắm rõ.

Nếu chỉ riêng là chuyện của Sằm, kể cả chuyện lợn Tết chưa chắc Khoán đã đi ngay. Còn những nửa tháng nữa mới đến Tết. Bắt lợn về lại phải nuôi chờ lâu lâu. Sớm cũng ngoài hai bảy Tết mới mổ.

Chuyện còn liên quan đến Sơn, bạn học ngày nào khiến anh quyết định đi ngay. Cái thằng có cái răng khểnh, khuôn mặt chữ điền. Nó thổi sáo ngay đến con trai như mình còn mê, huống gì con gái. Nó tranh thủ về phép cưới vợ được vài ngày rồi đi biền biệt từ đó tới giờ. Đứa con gái nó sinh ra giờ đã lấy chồng có con sắp gả chồng rồi mà chưa biết mặt bố. Con bé lại là bạn gái thằng cháu trai nhà này. Đúng là cái nồi lôi cái rế, lòng vòng thật. Cảnh ngộ nhà Sằm thật không dễ ý kiến gì, khác  chi cảnh một bà hai ông như “vợ chồng vua bếp” người ta hay nhắc đến dịp cuối năm. Đành là cứ lên rồi sẽ tính.

Lên đến nơi bước vào căn nhà xây hai tầng khá khang trang của hai ông bạn vừa mới, vừa cũ. Lúc đầu anh chưa hết lúng túng băn khoăn. Thậm chí tay còn run nhẹ khi cầm ly nước. Sau rồi nghe mọi chuyện Khoán mới thở phào, tự cười vì sự quá lo của mình khi vợ chồng bạn kể hết khúc nhôi câu chuyện. Thì ra cuộc đời có muôn vàn cảnh ngộ, muôn nỗi éo le, muôn phức điệu. Có những lúc tưởng lâm vào bế tắc, lại có lối rẽ nhẹ nhàng mà ngay cả người thông thái, tỉnh táo nhất có khi không nghĩ ra.

Sằm dành riêng cho người chồng cũ cùng vợ của anh tầng trệt để tiện sinh hoạt. Sằm bảo “Châu về hợp phố là đúng rồi. Của Sê Ra trả cho Sê Ra” mới đúng đạo lý làm người.

Hôm đón Sơn về, họp gia đình hai họ anh đã xin được chuyển đi nơi khác với thằng con trai của mình, nhưng mọi người không nghe. Bà mẹ Sơn nói:

- Nếu không có anh ấy, làm sao có được gia đình này như bây giờ? Bà cháu tôi có được ngày hôm nay, có nhà để chui ra chui vào, có cơm ăn áo mặc phần lớn nhờ công sức anh ấy. Bây giờ bảo người ta đi đâu? Nhà tôi không vô ơn, vô phúc như vậy. Thôi thì mọi người đã gắn bó với nhau bao nhiêu năm trời, đã thành người một nhà. Các anh các chị cũng già cả rồi. Sự éo le tình cảm đâu còn quan trọng nữa?

Mọi người không biết tham gia gì hơn lời bà cụ. Có những người già, càng già càng sáng suốt. Như kiểu gừng càng già càng cay, khó cãi!

Khoán cũng không biết tham gia gì hơn. Nếu không may mình ở hoàn cảnh ấy anh thấy giải quyết như vậy là hay nhất. Rắc rối thêm làm gì?

Đương nhiên vẫn ai làm người ấy ăn. Sằm tháo vát, Sơn có tiêu chuẩn thương binh. Bà cụ có tiêu chuẩn mẹ liệt sĩ. Không biết sau sự việc thay đổi, Sơn chưa hi sinh lại trở về, Nhà nước sẽ giải quyết ra sao?

Cái này Khoán tham gia được vì từng phụ trách thương binh xã hội một thời gian. Lại nghĩ chẳng khó khăn gì, người ta sẽ thỏa đáng. Anh lại im, không nói nữa.

Chiều hôm ấy, Khoán chưa dứt cơn rượu. Đầu choáng váng, nhưng anh vẫn phải về.

Sằm tiễn chân ra tận ngõ, chỉ dặn:

- Ông cứ về, lợn gà tôi sẽ tìm cách mang xuống tận nơi cho. Có tiền thì trả, không ra giêng đưa cũng được. Đừng làm tất niên sớm quá. Cứ độ hai bảy, hai tám cả nhà tôi sẽ xuống.

- Sơn có đi không?

- Có chứ. Đừng lo chân cẳng cậu ấy. Chưa chắc ăn uống được gì đâu nhưng tớ nhất định sẽ đưa đi cùng. Nhà này ngày mai đi lấy xe, bốn chỗ hẳn hoi, đi lại là chuyện nhỏ!

Hai người bắt chặt tay nhau:

- Nhớ đấy!

D.H.G

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 55 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 73 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 65 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 59 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 69 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 127 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 457 lượt xem