Người làng Nhom

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 09:45| 281 lượt xem

Truyện ngắn của Hoàng Kim Yến

Minh họa của Quảng Tâm

 

Khoảng cách từ đầu làng đến cuối làng không phải tính bằng ki lô mét, cây số, mà được tính bằng bước chân của người có lời ăn, tiếng nói có trọng lượng, có uy nghiêm nhất trong năm mươi sáu nóc nhà và hơn hai trăm cư dân đang tồn tại nghiễm nhiên cư trú hợp pháp có, không hợp pháp có. Đó là trưởng làng tên Nhom, và dĩ nhiên cái tên làng cũng là Nhom từ khi nào thì chả ai cần truy xét nguồn gốc.

Ông Nhom năm nay đã ở cái tuổi thất thập, dáng vẻ theo khuôn vẽ trong gia phả hệ tộc, còn tướng mạo trời định từ lúc lọt lòng, nom nó cũng không chắc chắn cho lắm.

Từ khi trưởng thành, lấy vợ, dù là ở nhà hay bước nửa bàn chân ra đường, tay trái ông Nhom lúc nào cũng như bị đút chặt trong túi áo, không biết ông nắm giữ thứ gì trong đó, thành thử nom ông như cụt tay.

Mỗi bận ông phiền muộn hay tức bực, mọi người đều nhìn thấy nắm đấm bàn tay trong túi áo nó chuyển động như mây vần vũ trên đỉnh các ngọn núi bao quanh làng Nhom. Lạ lắm, như kiểu quái thú.

Ấy là đám dân cư trong làng nhận định vậy mỗi khi làng có hội hè, chén chú chén anh, rượu vào nhời ra. Ông Nhom không thèm chấp.

Chả gì ông cũng là quan lang ngồi chỗm chệ ở ngôi đình làng mấy thập kỉ. Ông không thù hận gì ai, nhưng đứa nào mà để cho ông chút cấn cá bực bội trong đầu thì cứ liệu đường mà chăn vịt ngoài đồng, con cháu muốn nhận xét vào hồ sơ đơn từ đi học hay lao động đâu đó, qua được cửa ông cũng chật vật về ngất lâm sàng. Không phải ông gây khó dễ trục lợi cá nhân, mà ông muốn dạy cho họ phải thấm nhuần đạo lí, biết kính bề trên, nhường kẻ dưới, tất cả phải tuân theo một trật tự sắp đặt. Đất có lề, quê có thói, người nói phải có kẻ nghe. Đâu như kiểu chưa nói xong đã cãi xong. Ngu si còn ra vẻ giảng dạy đạo lí.

Hôm vừa rồi lãnh đạo huyện về chỉ đạo làng ông phải đào một con mương để dẫn nước từ con suối chân núi đầu làng vào các khum ruộng. Địa thế làng Nhom không như những nơi khác, các hộ dân cư nằm rải rác theo thế sườn đồi, núi. Ruộng thì chỗ cao chỗ trũng, lộn xộn nhìn hoa hết cả mắt, địa lí làng từ xưa đến nay vẫn vậy, khó quy hoạch. Con đường đất duy nhất đi ra đi vào làng rộng ba mét cứ đến mùa mưa là mất hút như chưa hề có trong hệ mặc định sơ đồ làng. Mấy chục lần không đếm nổi nữa, các cán bộ nguồn về đo vẽ quay chụp kiểu như ong rộn rã hít hết nhụy phấn của đài hoa xong rồi vẫy tít cánh hẹn mùa sau sẽ đến.

Lâu dần thành quá quen, nên dân cư trong làng không còn xôn xao bàn tán, chuyện của làng mình ông Nhom quản hết. Mà khốn nỗi làng ông cũng lạ, cứ như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Trồng trọt chăn nuôi… Dân trong làng cơ bản là tự cung tự cầu, hơn năm mươi nóc nhà, tính sơ sơ gần bốn chục nhà không có nóc. Nóc ở đây theo giới trẻ cũng như người có tuổi nói là chủ nhà. Cũng không hiểu vì lẽ gì đàn ông trong làng cứ ngoài năm tuổi là lăn đùng ra chết. Bất kể đó là ai, đứng tên chính chủ hộ khẩu tuổi thọ không kéo dài. Đất làng Nhom chỉ nhuận âm, đàn bà góa hay gọi cho có văn hoa là phụ nữ độc thân từ đầu làng đến cuối làng nhiều như hoa xuyến chi nở rộ ven đường, đi là chạm.

Cô đồng Vụ, con gái ông giáo Chức nhà chênh vênh lưng núi cuối làng, nom rõ kháu gái mà cũng lỡ dở bốn đời chồng, biết xem tướng số, thiên văn. Thi thoảng lại kéo ông Nhom thì thào:

- Thưa bác! Làng mình nằm trên đoạn võng lưng của thần rồng, hàng năm phải lập đàn hương khói lễ tế, nếu không thần mà quẫy một phát cả làng mình tắc tỏm. Đàn bà phụ nữ thần tha chứ đàn ông thần quật thằng nào chết luôn thằng ấy.

Trải qua thực tế nhiều lần nên ông Nhom và dân cư trong làng không tin không được. Thôi thì cứ hai mươi ba tháng Giêng và mười chín tháng Chạp hàng năm làng lại bày một quả lễ to gần đỉnh đồi Ông Voi, mỗi nhà góp một ít để ông Nhom trưởng làng đứng sau cô đồng Vụ, xì xụp quỳ lạy lễ bái. Mấy tay dở ông dở thằng trong làng đầu tiên phản ứng ra mặt, họ nhao lên:

- Chủ tế phải là đàn ông, phải là trưởng làng không thể để một mụ đàn bà gãy quang đứt gánh bốn năm đời chồng làm chủ. Trời Phật thần linh nào chứng cái loại không chính chuyên.

Ông Nhom cũng cay cú lắm:

- Đúng thế, nó không coi mình ra cái gì. Nó làm sao xứng, nhìn vẫn còn hơn hớn dài đuôi mắt thế kia. Thần thánh họ là người trời, nghiêm túc không có vớ vẩn được đâu.

Ba năm đầu ông Nhom làm chủ tế, bài khấn thì ông tham khảo lượm lặt khắp các cụ cao tuổi trong làng về ghi chép tỉ mỉ trong quyển sách cất giữ cẩn thận dưới gầm bàn thờ gia tiên nhà mình. Không biết thế nào, trong ba năm đó làng Nhom mất mùa không trồng trọt chăn nuôi cấy cày được gì, thi thoảng lại cháy nhà. Đêm hôm cứ loạn hết cả lên, rồi đám đàn ông trong làng nếu không lăn ra chết thì cũng dặt dẹo lơ ngơ khó tả. Cả làng hầu như nơm nớp lo sợ, một số nhà đã dời đi nơi khác sinh sống. Vợ ông Nhom suốt ngày lải nhải: - Người ta có căn, có số, có nghiệp, có duyên nói thì không tin phỉ báng người ta, giờ thì sáng mắt chưa. Không biết cứ loe toe làm thầy cúng vái một bàn tay, mai mà nghẻo ra đấy khác biết.

Ông Nhom ngẫm vợ mình nói cũng đúng, định mắng lại vài câu ra oai, song lại sợ. Cả đêm trằn trọc hết lật trái lại quay phải, nhắm mắt cứ hình dung cô đồng Vụ cưỡi trên lưng rồng là ông Nhom túa mồ hôi ướt đầm lưng áo.

Gà vừa gáy đầu canh báo sáng, ông Nhom đã vội bật dậy, vớ chiếc điếu cày bên hè tay vê từng sợi thuốc lào, nét mặt đăm chiêu với những toan tính. Quẹt diêm châm lửa rít nửa điếu rồi bật ho khụ khụ, nhấc chiếc tích chè vẫn còn lưng nước pha từ tối qua, ông ngửa cổ tu luôn một hơi gọi là tráng miệng cho thơm, đợi sáng.

Trời vào thu. Những giọt sương đêm nặng trĩu lăn từ các mắt lá trên cành cao xuống cỏ. Đám cỏ thấm đẫm sương không còn non tơ như trước, chúng ngà vàng, lười nhác không ngóc đầu, cố giấu đi mùi hoang dại vốn có để tỏ ra yếu ớt trước ánh nắng mai. Dù sao chúng cũng là loại thân mềm không đáng ngại. Ông Nhom hấp tấp đi như chạy về phía cuối làng. Cái dáng ông như gọng cỏ cong queo phất phơ trong nắng, đầu thì hói, tóc lơ thơ chổng ngược, hai mí mắt bòng lên vì mất ngủ, trong lòng vô cùng bực bội.

 Đúng là không có đứa nào nom ra dáng  đàn ông, bảo mỗi nhà đóng góp tí tiền tùy tâm để mua cân đường hộp sữa đến thăm ông giáo Chức, nhờ ông giáo đỡ lời cho cô đồng Vụ giúp làng tế lễ. Thế mà không lão nào dám bỏ ra một xu. Họ cứ vin vào lí nọ lẽ kia, nghe tức nách. Chả nhẽ ông chạy về bảo mụ vợ ứng cho mấy đồng thì cũng nhục. Mụ lại ca bài ca muôn  thuở: - Oai oách gì, ôm rơm nặng bụng….Việc nhà không bao giờ mó nửa ngón tay, toàn sĩ hão. Mình là trưởng làng, chẳng gì lời nói của mình cũng có trọng lượng hơn mấy hộp sữa cân đường, tội gì phải nhọc đầu so đo tính toán cho khổ.

Đó là câu chuyện của mấy năm về trước. Từ ngày cô đồng Vụ làm chủ tế lễ quả thật cả làng cũng khấm khá lên, nhà nào chăn nuôi trồng cấy cũng dư dả, tuy đàn ông cư trú hợp pháp trong làng vẫn qua năm mươi tuổi là thăng thiên, nhưng không ai lo sợ nữa, và những hộ phụ nữ độc thân trong làng ngày càng trẻ trung, tươi tốt. Nhưng họ có chung nhược điểm là hay giao lưu với trai lạ, nhưng nhà nào biết đóng cửa tế nhị nhà nấy. Vả lại họ cũng biết điều, qua lại nhà ông thưa gửi, biếu vợ chồng ông chút quà thể hiện sự trân kính thì cớ gì lại soi xét kiểm điểm họ. Chả ảnh hưởng đến trật tự an ninh xóm làng, mà đám trai lạ này còn dễ sai khiến hơn mấy tay đàn ông còn lại trong làng.

Bắc chiếc cổng chào, cắm cờ chuối, hay tổ chức giao lưu bóng đá cho chị em phụ nữ trong làng, ông Nhom cũng chỉ đạo hội phụ nữ độc thân kêu gọi người của mình đến giúp. Cơm nhà ai người nấy ăn, bò nhà ai người nấy cưỡi. Làng có mất gì. Thuật dùng người có phải ai cũng biết như ông Nhom đâu. Mà cũng hay đáo để, đám phụ nữ độc thân làng ông chả ra gì nhưng cô nào cũng cập kè toàn các anh có tiền của, chức tước và anh nào cũng cưỡi xe năm chỗ bóng nhoáng. Nếu không có họ, đường làng chả được được mở rộng thêm hai mét, mà còn đổ bê tông đàng hoàng. Ông Nhom không cổ xuý cho việc bồ bịch ba lăng nhăng, ông cũng răn đe này nọ. Nào là cấm để đánh ghen, chửi nhau gây mất trật tự an ninh xóm làng. Nào là không được tụm năm túm ba tuyên truyền khích bác phản động… Có thằng cha đầu húi trọc, mặt bóng nhẫy, sơ vin áo quần bảnh bao, đi giày Tây, chồng hờ của cái Hướn. Nghe đâu làm chủ công trình xây dựng nào đó, thi thoảng lại còn chấn chỉnh ông Nhom về cách phát âm cho chuẩn Việt, hắn bảo ông nói ngọng e lờ và e nờ thành ra nghe không sang. Ngay như hôm dựng chiếc cổng chào đầu làng, ông cắt đề can chữ: “Cổng chào làng Nhom kính chào quý khách”. Hắn mồm to quang quác: - “Bác trưởng ơi, sai chính tả rồi. Cổng trào chứ không phải cổng chào”. Bố cái thằng mặt dính toàn giấy bạc, chả hiểu gì cũng phát biểu.

- Cổng chào đây là chào mừng chào đón, chứ không phải trào trong phong trào nhá.

Ông Nhom lại tốn tí thời giờ giải thích cho ra nhẽ. Đấy, cứ tưởng có tiền là cái gì cũng oai, cũng biết sao. Dân cư trong làng hâm mộ ông Nhom lắm. Tuy đời sống còn nhiều thiếu thốn. Hay như trường cấp một, cấp hai chưa có, trạm xá cũng  không, nhà văn hóa làng chưa có tiền để xây dựng, nhưng năm nào làng Nhom cũng được giấy khen của huyện về phong trào ba tốt. Ông Nhom được khen và được phong bì tiền thưởng ba trăm ngàn. Điều làm ông tự hào không phải tờ giấy khen thưởng có dấu đỏ chót hay mấy trăm bạc mới tinh cất kĩ trong hộp giấu dưới gầm giường. Ông Nhom tự hào mình là người đàn ông duy nhất trong làng tồn tại được trên võng lưng rồng đến tận giờ. Cô đồng Vụ bảo thiên kiếp trước ông là tiên nữ trên trời chuyên cai quản trông nom vườn hạc, do cưỡi trộm hạc tiên bay đi chơi, bị thiên đình phát giác nên ông bị lệch kiếp phải đầy xuống trần gian, mang giới tính khác chứ không ông đã bị thần rồng quật cho tỏm từ lâu rồi, làm gì trụ đến tuổi bảy mươi.

Ông Nhom giật bắn người, vội vàng rút cánh tay trái ra, xòe bàn tay giơ trước mặt cô đồng Vụ thì thào:

- Này! cô xem đây có phải móng của hạc tiên không?

- Thì ra đây là vật bác cứ nắm khư khư bấy lâu trong túi áo à? Móng hạc tiên gì mà… Eo ơi nom bẩn khiếp.

Cô đồng Vụ cau mày nhăn mũi, dáng vẻ ông Nhom nhìn chỉ muốn tát cho mấy phát. Ông đành chu chéo.

- Thiên kiếp mấy mươi đời không bụi trần phàm tục mới lạ. Vật này trong lư đồng cụ tổ nhà tôi cất giấu, bùa hộ mệnh đấy. Vợ tôi còn chửa được biết, cô đừng báng bổ nhá.

Cô đồng Vụ lẩm bẩm trong bụng: - Có mà móng tay của cụ tổ nhà ông chứ vuốt hạc hão huyền gì. Tuy rất buồn cười nhưng vẫn nhớ ông Nhom là lãnh đạo làng, nên cô đồng Vụ nhập chầu giả lả ngay.

 - Ấy chết, chưa gì bác đã đỏng đảnh đúng cốt cách rồi. Không có bác ai trị được đám quần què ô hợp ngoài kia. He he he… Bác là trưởng tiên nữ đấy, nhìn vuốt hạc em đọc vị ngay.

Họp làng hay đám hiếu hỉ, toàn đàn bà phụ nữ, mỗi mình ông cứ điềm nhiên bản lĩnh chỉ huy hội chị em. Vợ ông cũng hãnh diện, đi đâu bà ấy chả nói: “Ông Nhom nhà tôi thế mà cứng, cô nào ghê gớm đến mấy ông ấy cũng trị được, làng toàn đàn bà tưởng nhiều chuyện, không ngờ lại đoàn kết vui thế”. Riêng cô đồng Vụ tính khí khác người, biết rõ cô này hay xúi các bà vợ về cầm gậy đánh giáp lá cà các ông chồng mỗi khi gia đình lục đục cãi cọ, rồi xúi họ chưng diện son phấn hội hè, túm năm tụm bảy đi du lịch mấy hôm mới về. Đàn bà con gái gì mắt cứ lúng la lúng liếng, đứng ngồi cạnh đàn ông chân tay khua loạn hết cả lên. Bình đẳng quá trớn.

Ông Nhom uất nhưng nuốt xuống bụng để giữ hòa khí, gây gổ với cô ta có khi thiệt thân. Vì suy cho cùng ngọn gốc, nó cũng không có bằng chứng vi phạm pháp luật. Nhìn cái miệng đỏ tươi lúc nào cũng ươn ướt và khuôn mặt tròn vẫn căng nét xuân, nói thật đôi lúc lòng ông Nhom còn thấy rung rinh, muốn đè cô đồng Vụ ra cắn một cái vào má cho vui.

Thế thôi chứ người ông Nhom được mấy hơi. Mọi người trong làng đều biết cái Han cũng bỏ ba đời chồng, có một thằng con trai lập nghiệp lấy vợ tít vùng xuôi, lâu mới về thăm mẹ hai ba ngày. Có cơ hội cọ sát là Han lại bám lấy ông nửa đùa nửa thật:

- Tối sang nhà em thưa tí chuyện bác nhé.

- Chuyện gì không báo cáo ở đây mà cứ phải tối đến nhà.

- Ôi chuyện này em không muốn ai biết đâu, nó tế nhị chỉ bác mới đủ tư cách giải quyết thôi ạ.

Cái Han đá đuôi nheo, mỏ nhếch lên nũng nịu làm ông Nhom sợ thột người. Gọi là cái bởi vì cô này tuy đã năm mươi nhưng luôn bảo mình còn trẻ, đẹp nhất làng. Trong sáu năm trời cứ kết hôn rồi ly dị đến ba đời chồng rồi vẫn than mình chưa biết gì, còn nông nổi và mong thoát ế.

Tiêu chuẩn đặt ra là phải có xe ô tô con giá trị hơn một tỉ, rồi chức tước cỡ trưởng phòng, không chí ít cũng phải giám đốc điều hành doanh nghiệp lớn. Trong khi cô này chỉ ở nhà chăn lợn nái và suốt ngày lên mạng tham gia vào nhóm đàn bà độc thân quyến rũ gì đó. Mấy năm trước Han còn nịnh nọt tay chủ tịch huyện định nẫng chức trưởng làng Nhom, nhưng ngu si biết ăn nói gì đâu, lịch sử còn phát ngôn bảo Nguyễn Huệ là vợ vua Quang Trung. May mà làng có một cô Han chứ thêm vài cô như thế chắc chả cần thần rồng quật ông Nhom cũng tèo ba đời.

Còn lão Phơ dở ông dở thằng nữa. Ai mời chè chén liên hoan mà không phải đóng góp, lão rất nhiệt tình đội mưa đội nắng đến đầu tiên và tay xách tay mang lượm lặt ra về cuối cùng. Nhưng hễ huy động đóng góp tí tiền công nào đấy cho hoạt động cộng đồng là lão tăng huyết áp ngất luôn, cả làng toàn phải bỏ qua. Nhưng  ai cũng ghét vì tội hay đưa chuyện gây mất đoàn kết xóm làng. Vợ lão cũng khốn khổ. Mỗi khi đến ngày mùng một âm, lão bắt bà vợ giơ tay như chào cờ đi vòng quanh nhà ba vòng, sau đó mới cho cúng bái. Vợ lão đẻ ra hai mụn con gái, lão hằn học chửi tối ngày.

Cách đây một tuần con lợn nái nhà ông Nhom sau ba bốn bận thụ tinh không trụ, giờ cứ hớn đực nhảy xổ lên. Ông mua sơn đen về đè ngay con lợn nái xuống viết lên lưng nó hàng chữ: Con Thị nhứng nhồn. Rồi ông thả con lợn cho nó chạy nhông nhông khắp làng làm trò cười cho bọn trẻ. Thị là tên vợ ông.

Thế là ông Nhom lại phải đến giải quyết, cùng vợ lão đuổi bắt con lợn nái đó phun nước lấy xà phòng tẩy rửa sạch hàng chữ viết bậy đó. Điên không chịu được. Chả trách dù lão Phơ đã lên chức ông ngoại mấy năm nay và dù lão đã hơn năm mươi tuổi nhưng già trẻ nhớn bé trong làng từ xưa đến nay đều gọi lão là thằng cà teeng. Nhiều khi ông Nhom nghĩ, nếu chả may vài hôm nữa lão Phơ chết, mình phải viết điếu văn, thì không thể gọi là thằng Nguyễn Xuân Phơ, sống không được tôn kính thì khi chết cũng phải cho lão một vị trí trân trọng trong lúc tiễn biệt phải được gọi bằng ông Nguyễn Xuân Phơ. Điều đó cũng thể hiện văn hóa cư xử trong cộng đồng. Ông Nhom nghĩ vậy.

Chuyện trong làng Nhom, người của làng Nhom kể ra có mà hàng ngàn trang tiểu thuyết. Ông Nhom thấy rất đỗi bình thường. Một ngày không có gì om xòm, ông thấy cuộc sống nó yên lặng phát sợ. Con người thì từng giờ già đi. Ai cũng im thin thít dạ, vâng cửa miệng làm ông buồn. Ông cũng không thích mọc cánh để thành tiên mà thăng thiên để thành thần. Ông Nhom chỉ muốn làng mình đừng thay đổi, đừng xáo trộn, cứ bình dị nằm ngoan trên võng lưng rồng cho đến khi ông không còn là ông trưởng làng này nữa.

Trăng ngày rằm treo cao trên đỉnh ngọn núi trước cửa nhà, ánh sáng rất lạnh. Ông nhom rút bàn tay trái ra khỏi túi áo, nhẹ nhàng vén màn ngồi sát bên cửa sổ, ngắm nghía vật bé nhỏ khum khum ố vàng tựa hình móng tay người đăm chiêu. Không biết là của thần tiên hay tổ tông, miễn là di vật được nâng niu cất giữ cái giá trị tinh thần, hồn cốt nhân loại nó quan trọng vô cùng. Không có nó ông Nhom làm sao thọ hơn những kẻ khác.

H.K.Y

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 8 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 35 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 23 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 25 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 25 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 84 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 433 lượt xem