Những người lính

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 10:27| 477 lượt xem

Truyện ngắn của Vũ Đình Tiến

Minh họa của Tân Hà

 

Buổi chiều, Ban Chỉ  huy Đại đội họp giao ban cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên, giao nhiệm vụ và ra quyết  tâm cho trận đánh rạng sáng ngày mai. Mục tiêu trận  đánh là lấy lại điểm cao 1030 giáp ranh biên giới.

Đại đội trưởng Xây trực tiếp chỉ huy Trung đội 1, bao gồm  cả tổ mũi nhọn 3 người do đồng chí Bích, Trung đội trưởng làm tổ trưởng tổ cắm cờ. Phó Đại đội trưởng chính trị Sáu trực tiếp chỉ huy Trung đội 2 đi ở  giữa. Cuối cùng Trung đội 3 của Tuấn do Trung đội trưởng Lệ chỉ huy. Trang bị vũ khí của lính bộ binh gồm: Súng AK47, đạn  ba cơ  số, lựu đạn, dao găm. Đặc  biệt tất  cả  các  khẩu  AK đều  gắn  lưỡi lê  phòng khi hết  đạn  phải đánh giáp la cà.

Họp xong, trên  đường về  hầm tiểu  đội, Trung đội trưởng Lệ bất ngờ bật lưỡi lê lên. Một động tác mau lẹ, cả cái lưỡi lê  xuyên qua cây chuối rừng, Tuấn giật mình lạnh cả sống lưng...

Ôi chiến tranh. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường Tuấn  chỉ nghe người lớn kể chuyện hay đọc qua sách báo, xem trên phim ảnh, không ngờ bây giờ nó lại hiện hữu ngay trước mặt, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi. Không ai nói ra nhưng chắc hẳn trong đầu anh nào cũng suy tư…

Cơm chiều xong cả  tiểu đội của Tuấn ngồi quây quần trong  một  lán nhỏ, những  gương  mặt  thân quen giờ đây như sạm lại.

Anh Hạnh Tiểu đội trưởng ngồi vê vê điếu thuốc lào mãi mà không châm hút. Anh Sơn con Tiểu đội phó, thằng Hải, thằng Bảng, nét mặt ai cũng lộ vẻ trầm tư. Thằng Vĩ ngồi lắp  những viên  đạn vào  hộp  tiếp  đạn  phụ của  khẩu RPĐ, gương  mặt còn non tơ của tuổi mười tám, nhưng đầy cương nghị. 

Bên cạnh lán Tiểu đội 7, mấy ông xạ thủ đại liên cuốn thử dây đạn quanh người trông như thổ phỉ  trong phim. Tuấn lặng  lẽ nhét 4 quả đạn B41 vào bao xe, xong lấy que thông nòng súng mặc dầu nó đã sáng bóng. Bất  giác Tuấn đưa tay xiết  cò. "Cạch"... tiếng búa đập vào kim hỏa, khô khốc...

Ngoài trời mưa không ngớt, báo  hiệu  một  cuộc  chiến  đầy  khó khăn, ác liệt. 

Ngồi thu lu trên sạp tre, nhìn dòng nước tí tách rơi trên mái  lán lòng mỗi người không khỏi không dao động. Không biết ngày mai thế nào? Ngày mai mình còn trên cõi đời này không? Nghĩ đến cái chết ai mà chả sợ, con giun con dế còn muốn  sống nữa là. Mà nếu chết, cũng phải bắn được vài quả  đạn, diệt được vài tên địch thì cũng  bõ. Hơn nữa nếu không may trúng đạn có chết  thì  chết  ngay chứ đừng ngắc ngoải, đau lắm; hoặc tệ hơn là bị bọn giặc bắt sống thì sống không bằng chết!

Những ước mơ thật điên rồ…

- Các đồng chí chú ý. Đúng 6 giờ tối xuất phát hành quân vào điểm tập kết.

Tiếng Trung đội trưởng Lệ cắt ngang dòng suy nghĩ của Tuấn. Vẫn còn hơn một giờ nữa, Tuấn mở ba lô lấy ra quyển  sổ nhật ký ghi vài dòng nhắn gửi, không đầu không cuối: "Bố mẹ kính yêu"... Có lẽ trước giờ vào trận chiến ác liệt người ta hay nghĩ về những gì thiêng liêng và cao quý nhất, đó là bố mẹ người đã sinh ra mình và người con gái mà mình thầm yêu, trộm nhớ. Mặc dù chưa một lần được cầm tay cô bạn học cùng lớp thời cấp 3 nhưng ánh mắt bịn rịn của cô bạn gái trong buổi chia tay lên đường nhập ngũ của Tuấn làm anh cứ nhớ mãi và thầm trách mình sao mà nhát thế, không dám ngỏ lời yêu người ta. Lên tới đơn vị Tuấn vội vàng hăm hở viết thư cho cô bạn. Hăm hở là thế, viết viết, sửa đi sửa lại từng từ. Vậy mà khi viết xong rồi Tuấn lại giấu dưới đáy ba lô không dám gửi. Bởi vì nghĩ cho cùng thì anh và người ấy đã có gì đâu. Có khi chỉ là linh cảm một phía của Tuấn. Viết thư tỏ tình mà người ta không đồng ý thì ngượng chết... Nhìn thấy Trung đội trưởng đi qua Tuấn vội vàng gấp cuốn sổ cất đi không viết nữa...

Đúng 3 giờ 30 phút sáng, cả đơn vị vào vị trí tập kết chuẩn bị chờ hiệu lệnh nổ súng. Đúng 4 giờ các trận địa pháo ta đồng loạt nhả đạn. "Ùng… ùng... ùng"... Màn đêm bị xé toang bởi  những làn đạn pháo của ta trút xuống trận địa địch. Ngồi núp trong công sự mới đào Tuấn bồn chồn, hồi hộp và có phần lo lắng. Tiếng các loại đạn pháo thi nhau nổ ùng oàng, liên tục. Mặt đất rung lên bần bật. Mỏm sườn điểm cao 1030 bị cày  xới nham nhở bởi những loạt đạn pháo đinh tai nhức óc của quân ta nhằm áp đảo, phá vỡ trận địa phòng thủ của quân địch. Cả trận địa như bồng bềnh, chao đảo. Không gian đặc quánh mùi thuốc súng. Đến khoảng hơn 5 giờ sáng thì pháo ta chuyển làn cho bộ binh tấn công. Trung đội trưởng Lệ hất tay: "Xung phong"! Cả Trung đội  bật dậy lao theo. Trên  người  Tuấn  giờ  chỉ  còn khẩu súng và  4 quả  đạn, những  thứ khác  như vòng ngụy trang Tuấn vứt bỏ cho nhẹ người. Hiệp đồng  rất khớp. Vế sườn phải 4 khẩu 12 ly 7 của Trung đội 1 bắt  đầu bắn như vãi đạn.

Những đường đạn căng vút chạm nhẹ vào đầu ngọn cây  khiến lá rơi lả tả.

"Thùng.... thùng... thùng... thùng

Xéo... Oành... xéo... Oành... Oành".

Tiếng đạn ĐKZ, tiếng cối 82 của tiểu đoàn cũng thi nhau  nhả đạn. Hai khẩu đại liên của Trung đội 2 và Trung đội 3 cũng lên tiếng "cùng... cùng...cùng"... yểm hộ cho bộ binh  tiến lên. Mục  tiêu vẫn còn mờ mịt khói đạn chả nhìn thấy gì. Đỉnh 1030 lúc này cách cánh lính Trung đội Tuấn khoảng tầm bốn, năm trăm mét. Hình như đạn pháo và hỏa lực bộ binh ta chưa  phát huy tác dụng. Bọn địch vẫn chống trả rất quyết liệt. Chúng bắn như vãi đạn vào đội hình của ta. Quân ta vừa nhỏm dậy tấn công lập tức lại phải nằm ẹp xuống tránh làn đạn bắn thẳng của địch. Nhiều đoạn đường dốc cao dựng đứng phải bò mãi mới lên được. Mãi đến gần 7 giờ rưỡi đội hình Trung đội của Tuấn mới lên được trên lưng chừng núi. Mẹ kiếp... dốc quá! Lại trơn như đổ mỡ nữa. Tuấn nhăn mặt thở hổn hển tay cố bám vào sườn đất. Bỗng ngay trước mặt những loạt đạn  14 ly 5 của địch cắt chéo đội  hình.

"Thùng... thùng... thùng!... Oành... Oành... Oành"!...

Đạn cày ngay trước mặt Tuấn khoảng năm mét. Cả  Trung đội  nhao về  phía vệt sạt trên sườn núi chạy dài tầm 20 mét, cao khoảng mét rưỡi tránh đạn. Lúc này nhìn bố nào mặt mày cũng xám xịt.

- Pháo phiếc bắn như con c... Nổ ầm ầm cả tiếng đồng hồ mà sao bọn giặc vẫn còn sống nhăn răng nã đạn thế nhỉ?

Cả  Trung  đội áp  vào sườn đất  chịu  trận. Đất đá hất văng  mù mịt.

- B41 nhằm thẳng hướng hỏa lực địch nổ súng! - Trung đội trưởng Lệ ra lệnh.

- Rõ! -  Tuấn đáp dõng dạc rồi quỳ xuống lắp đạn nhắm về hướng hỏa lực địch siết cò.

- Ầ... ầ... m...

Quả B40 bay vút lao vào ổ đề kháng địch, tiếng súng địch im bặt.

- "Xung phong"!...

Cả  đội  hình Trung đội 3 lao theo Trung đội trưởng Lệ. Anh em Trung đội 1 và Trung đội 2 cũng đã lao tới chiến  hào phòng ngự của địch. Quang cảnh thật hoang tàn. Bọn địch đã rút chạy khỏi giao thông hào. Bộ đội mình thương  vong nhiều quá. Tuấn nhảy đại vào chiến hào vừa tránh đạn vừa tiến vào phía chính căn hầm nhưng chợt nảy trong đầu kinh nghiệm của thế hệ cha anh. Cứ chỗ  hố đạn pháo  là nhảy vào, không sợ giẫm vào bẫy mìn cài trước của địch. Một thân xác kẻ địch vắt ngang chiến hào, Tuấn chợt rùng mình kinh hãi. Không biết sức mạnh của loại đạn pháo nào  khiến thân thể nó nát nhừ, xương cốt vỡ vụn. Đầu bị tróc da và tóc trông như cái sọ dừa, hai con mắt như hai quả  bóng bàn văng ra khỏi hốc  mắt... Tuấn vội bước qua không dám ngoái đầu nhìn lại.

Lá cờ quân ta đã được cắm lên trên mỏm cao nhất chếch về phía bên trái nóc hầm.

- Các đồng chí củng cố lại hầm hào, công sự đề phòng địch phản công…

Mọi người không kịp uống nước vội vàng bỏ vũ khí vơ cuốc xẻng.

- "Ùng... oàng... ch...é...o... Ùng... oàng... chéo"!…

- Nằm xuống! Pháo địch đấy! - Tiếng Trung đội trưởng Lệ hét to.

Tuấn bỗng thấy toàn thân mình nhẹ bẫng…

Sao hôm nay gà gáy sớm thế nhỉ, mình mới vừa chợp mắt thôi mà. Phải rồi! Vẫn con gà trống ở gò Triệu, đêm nào nó cũng cất hai tiếng gáy đầu tiên báo hiệu canh hai, rồi kế tiếp mới đến những con gà khác. Rồi đến khi không gian cả làng rộ lên đồng loạt những tiếng gáy! Canh ba rồi canh tư... Ngày mới bắt đầu. Tiếng người đi chợ Then buổi sớm, kĩu kịt những gánh rau, gánh ngô, gánh gạo. Tiếng lợn con eng éc, tiếng gà cục tác trong bu. Những bà, những cô áo nâu, khăn mỏ quạ cùng hàm răng đen rưng rức quện đỏ quết trầu vừa vung vẩy đòn quang gánh, vừa nói cười râm ran…

- Dậy đi học đi!

Bố Tuấn vác trên vai chiếc cày dắt trâu ra ngõ. Tiếng trâu bò lộc cộc ra đồng, đi qua đống rơm ở cổng chúng còn ngoái cổ với cố một miếng rơm để rồi vừa đi vừa thủng thẳng nhai nhai…

Tuấn chạy ù ra cổng hòa vào đám bạn tung tăng đến lớp. Quần vá, áo sờn vai bạc phếch vậy mà chẳng biết buồn, cứ vô tư cười nói. Tiếng trống tùng... tùng... tùng vào lớp. Đứa nào đứa nấy háo hức nhìn lên bảng đen như đớp từng lời thầy cô...

Đường làng phơi đầy rơm rạ, sặc lên mùi ngai ngái, thơm thơm, chua chua của ngày mùa. Đi một quãng đường làng cũng đủ cuồng chân mỏi gối vì rơm rạ cuốn chân. Trưa tháng sáu, nắng như đổ lửa xuống đồng. Tuấn cùng bọn trẻ trong làng mặc quần cộc vá, đầu đội nón mê, mũ cọ, lưng đeo giỏ rủ nhau đi bắt cua, bắt cá. Nước ruộng nóng bỏng, cá, cua dạt hết vào bờ trú nắng, bọn Tuấn chỉ việc vạch cỏ bờ ruộng ra rồi nhúp chúng nhét đầy vào giỏ. Rồi cả bọn ra về chạy ào ra sông bỏ giỏ trên bờ, ào xuống tắm, đùa nghịch, bơi lặn dồn nhau cho đến khi môi thâm lại vì ngâm nước quá lâu, chân tay nhăn lại mới chịu lên. Da đứa nào cũng cháy nắng đen thùi thũi, tóc vàng hoe mà lại thấy vui, cho dù khi về nhà thể nào cũng được ăn vài cái roi của bố vì cái tội tắm sông, quê Tuấn hầu như năm nào cũng có trẻ con bị đuối nước. Trưa hè, Tuấn ra nằm lên chiếc võng gai ông nội buộc sẵn dưới bóng tán tre. Một làn gió thoảng qua, lá tre rơi xào xạc. Văng vẳng tiếng ru hời của bà ru cháu, tiếng kẽo cà kẽo kẹt của võng đưa. Thỉnh thoảng lại có tiếng gà gáy eo óc ban trưa. Sao mà nghe lẻ loi đến thế?

Tháng tám heo may về khắp ngõ. Bầu trời như trong xanh và cao hơn. Gió man mát đong đưa chùm bưởi vờn thêm hương lúa nếp thoang thoảng cuốn vào mũi. Buổi chiều nghe vi vu tiếng sáo diều của làng bên. Bọn trẻ hùa nhau cưỡi lên lưng trâu về làng. Từng đụn khói bốc lên từ những mái tranh phía làng sao thơm đến thế. Buổi tối trăng lên, trăng tháng tám cứ vằng vặc sáng như mời gọi bạn tình tuổi chớm yêu. Tuấn cùng lũ bạn choai choai đi dọc triền đê, đi mãi mỏi chân lại hò nhau kê dép ngồi nghỉ. Đứa nọ nhìn trộm, trêu chọc, bấm véo đứa kia, nói cười những câu không đầu không cuối. Lúc đứng lên ra về cỏ may bám kín gấu quần. Một ánh mắt rụt rè, một trang thư bỏ ngỏ...

Tuấn mơ hồ tỉnh dậy đầu nặng trĩu, anh nghe thấy có tiếng người nói nhỏ, câu được câu chăng. Tuấn cố gắng mở mắt nhưng mắt đau quá không sao mở được, xung quanh anh bóng tối bao trùm, đầu đau nhức, người ngây ngấy sốt. Anh đưa tay lên định dụi mắt thì chạm vào bông băng quấn kín đầu. Tuấn giật nảy mình ú ớ kêu:

- Có ai... có ai ở đây không?

Có tiếng người chạy lại:

- Anh Tuấn! Anh tỉnh rồi à?

- Tôi... tôi ở đâu thế này?

- Anh bị thương, đang nằm điều trị tại Viện Quân y 93 anh ạ. Em là Thắm y tá.

Tuấn như bừng tỉnh. Anh bắt đầu lờ mờ nhớ lại chuyện vừa xảy ra.

- Tôi bị thương có nặng không cô?

- Anh chỉ bị thương nặng vào hai mắt, còn chân tay người ngợm bị ít mảnh đạn vào phần mềm thôi, không nặng lắm đâu anh ạ. Anh yên tâm điều trị ít hôm mắt anh sẽ khỏi thôi. Em cho anh uống sữa nhé.

Cô y tá tên Thắm nhẹ nhàng đỡ anh ngồi dậy bón từng thìa sữa cho anh.

- Đồng đội tôi có nhiều người bị thương không?

- Em cũng không biết hết đâu nhưng em thấy đợt này thương binh về nhiều lắm.

Vì không thể mở được mắt ra nên Tuấn cũng không hiểu xung quanh mình thế nào. Thỉnh thoảng có tiếng người kêu rên khe khẽ, tiếng bác sỹ, y tá động viên nho nhỏ. Đây là phòng điều trị của những thương binh nặng. Cô y tá tên Thắm ngày ngày vào thay băng, cho anh ăn, tiêm thuốc, dắt anh đi vệ sinh. Lúc nào thay băng cho anh Thắm cũng động viên: Anh yên tâm đi, vết thương của anh khô rồi, sắp khỏi rồi đấy! Không nhìn thấy Thắm nhưng qua giọng nói Tuấn tưởng tượng Thắm là cô gái khá xinh, tính tình vui vẻ, hay cười hay nói. Lần đầu tiên trong đời Tuấn được một người con gái gần gũi chăm sóc anh nên anh cảm thấy rất ngượng ngùng. Vì thế mà mặc dù lúc nào Thắm cũng sẵn sàng giúp đỡ nhưng chỉ khi nào thật cần thiết Tuấn mới dám nhờ Thắm...

Đêm nay, Trung tâm điều dưỡng thương binh tổ chức buổi liên hoan văn nghệ giao lưu giữa các đồng chí thương binh và các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm. Hội trường  Trung tâm đông đúc náo nhiệt. Trên sân khấu cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ. Phương - cô sinh viên năm cuối nổi bật trong tà áo dài màu trắng tinh khôi, mái tóc buông xõa ngang vai, gương mặt trái xoan xinh xắn, tay ôm một bó hoa hồng cùng nụ cười tươi tắn trên môi. Đến tiết mục anh thương binh Trần Quốc Tuấn ra sân khấu trình bày bài hát, cả hội trường đang ồn ào bỗng im lặng khi nghe bạn dẫn chương trình giới thiệu: "Anh Trần Quốc Tuấn là một thương binh hỏng hai mắt"... Phương ngước nhìn lên, một chàng trai trong bộ quân phục màu cỏ úa, quân hàm quân hiệu đỏ tươi trên ve áo. Gương mặt rắn giỏi của anh được che đi một phần bởi cặp kính đen dành cho người khiếm thị, mái tóc đen bóng bồng bềnh hất ngược. Trông anh rất rắn giỏi và lãng tử. Dưới ánh đèn màu nhấp nháy của sân khấu chàng trai lung linh, mờ ảo như chàng hoàng tử trong những giấc mơ của Phương, cô sinh viên Khoa Văn lãng mạn. Thế rồi một giọng ca trầm ấm cất lên: "Ngày ra đi hướng biên cương gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt. Nòng súng thép dán câu thơ, ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt"...* Giọng hát của Tuấn khi trầm, khi bổng, khi hào sảng, khi tha thiết như đưa Phương vào những năm tháng cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Khi Phương lớn lên cuộc chiến tranh biên giới đã kết thúc nhưng qua những bài học, qua những trang sách báo Phương hiểu rằng để có cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay đã có biết bao chàng trai đã vĩnh viễn ra đi, mãi mãi để lại tuổi mười tám, đôi mươi của mình nơi chiến hào biên giới."... giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom. Quyết chiến đấu"…* - Giọng ca hào sảng của Tuấn vút cao. Đôi môi Phương mím lại, tay ghì chặt bó hoa dõi theo từng câu hát... "cầm bàn tay em thì anh nói gì nhiều đâu, cuộc đời đang xuân mà thôi nhé tạm biệt... Về đi em nếu yêu nhau hãy yêu rộng hơn cả non nước cuộc đời"…* Phương mường tượng hình ảnh những cô gái tiễn người yêu ra trận, trước lúc chia tay họ bịn rịn ôm chặt lấy nhau, nước mắt cô gái giàn giụa ướt đẫm vai áo người chiến sĩ. Họ cứ đứng ôm nhau như thế. Mệnh lệnh của chỉ huy vang lên, cô gái càng ôm chặt không muốn rời người yêu. Chàng trai phải gỡ tay đẩy cô gái ra rồi vội vàng chạy theo hàng quân ra trận…

Tiếng nhạc bài hát chưa dứt, tiếng vỗ tay đã nổi lên. Phương ôm  bó hoa chạy vội lên sân khấu. Cô trao bó hoa rồi ôm chầm lấy anh thương binh, nức nở. Những giọt nước mắt nóng hổi của cô lăn trên gò má rơi xuống ngực Tuấn. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay rầm rập. Quá bất ngờ với tình huống này Tuấn không biết phản ứng thế nào, anh đành đứng lặng im như trời trồng để mặc cho cô sinh viên gục mặt vào ngực anh mà khóc…

Họ yêu nhau được 6 tháng cũng là lúc Phương ra trường. Cô chủ động rủ Tuấn về nhà cô chơi để ra mắt bố mẹ. Mặc dù Tuấn rất yêu Phương bởi chính cô là người đã thắp sáng niềm tin và hi vọng cho anh trong cuộc sống này. Lúc mới bị thương, khi biết mình bị mù hẳn hai mắt Tuấn hầu như sụp đổ hoàn toàn. Anh như người mất hết phương hướng, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Một chàng trai vừa bước vào tuổi hai mươi trong lòng đầy ước mơ hoài bão. Đại đội có chín chục người mà anh em đồng đội ai cũng nhất trí bầu Tuấn là người đẹp trai, thư sinh nhất. Vậy mà giờ đây cuộc sống xung quanh anh chỉ còn một màu tối đen như mực. Lúc đang điều trị ở Viện Quân y 93, đã mấy lần anh nghĩ đến cái chết để giải thoát, may mà có Thắm, cô y tá tận tình động viên, khuyên bảo anh mới nguôi ngoai đi phần nào. Và lúc đó anh cũng đã từng hi vọng và nghĩ nhiều đến Thắm nhưng vì tự ti mà anh không dám gì. Cho đến khi ra viện chia tay Thắm về Trung tâm điều dưỡng, Thắm nắm tay anh dặn dò: "Bao giờ anh Tuấn cưới vợ nhớ mời em gái Thắm đến dự nhé"... thì anh thấy thêm một lần hụt hẫng và thất vọng. Vì thế mà giờ đây  biết Phương yêu anh rất thật lòng. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện ra mắt bố mẹ vợ tương lai anh rất lo lắng, không dám tự tin vào chính bản thân mình. Không biết ý của bố mẹ Phương ra sao, liệu các cụ có ủng hộ mối tình của Phương với Tuấn không? "Anh yên tâm đi, bố mẹ em tuy nghiêm khắc nhưng cũng tình cảm lắm. Mà hơn nữa trước đây bố em cũng là bộ đội chống Mỹ đấy"! Phương liếc anh cười nhí nhảnh. Thế là Tuấn đồng ý về nhà Phương.

- Dạ con chào bố mẹ. Hôm nay con đưa anh Tuấn về thăm bố mẹ ạ! - Giọng Phương chào bố mẹ rổn rang từ cổng. Biết hôm nay con gái đưa bạn trai về nên bố mẹ Phương đã đứng chờ sẵn ở sân.

- Dạ... cháu chào hai bác ạ… - Tuấn rụt rè, lí nhí chào theo.

- Tuấn hả? - Giọng bố Phương hồ hởi - Con dắt anh Tuấn vào nhà uống nước đi - rồi ông quay sang bảo Tuấn - Mình là bộ đội phải mạnh dạn lên con ạ. Em Phương đã thưa chuyện với bố mẹ rồi, chỉ có mẹ mày là hơi lăn tăn tí thôi, còn bố ủng hộ hoàn toàn. Bố cũng từng là lính chiến mà! - Ông cười ha hả - Quan trọng là các con thương yêu nhau là được.

Tuấn không ngờ buổi ra mắt bố mẹ vợ lại thuận lợi đến thế. Cuối năm đó hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho Tuấn và Phương.  Vợ chồng Tuấn được Trung tâm điều dưỡng cấp cho một gian nhà năm mươi mét vuông khép kín. Phương được Phòng Giáo dục huyện ưu tiên cho dạy học ở trường tiểu học gần Trung tâm điều dưỡng. Cuộc sống gia đình Tuấn Phương tràn ngập tiếng cười khi vợ chồng anh lần lượt đón thêm hai thành viên mới: trai đầu lòng, gái út. Hạnh phúc gia đình làm Tuấn yêu đời hơn bao giờ hết. Anh không những đàn giỏi, hát hay mà còn sáng tác bài hát nữa. Có bài hát của anh đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam...

 Cả đêm qua Phương thức trắng bên giường bệnh của chồng. Một mảnh đạn đã từ lâu vẫn nằm im trong hốc mắt trái của anh giờ đây nó cựa quậy di chuyển gây ra viêm tấy và sốt cao 39 - 40 độ. Trung tâm điều dưỡng vội giới thiệu, cho ô tô cứu thương chuyển Tuấn về Bệnh viện Quân y Trung ương điều trị cấp cứu ngay trong đêm. Trong lúc chờ đợi kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, bác sĩ cắm truyền thuốc cho anh nhưng anh vẫn sốt li bì làm cô rất lo. Mãi đến gần sáng anh mới đỡ sốt và uống được vài thìa sữa. Đầu giờ sáng sau khi giao ban bác sĩ trưởng khoa đi điểm bệnh. Ông cầm một tập giấy tờ kết quả xét nghiệm tiến đến bên giường Tuấn. Chợt ông sững người khi nhìn thấy Tuấn:

- Tuấn à? Có phải Tuấn C9 D3 đấy không?

-  Vâng... Tuấn ngước cặp kính đen nhìn về phía ông bác sĩ giọng yếu ớt  -  Thế bác sĩ là ai mà biết tôi ạ?

- Đúng Tuấn rồi! Tao là Tính, y tá Đại đội đây! - Giọng bác sĩ Tính mừng rỡ - Mày còn nhớ tao không?

- Nhớ rồi! - Tuấn cũng mừng rỡ đáp - Thế... thế mày... à cậu công tác ở đây từ bao giờ?

Bác sĩ Tính như trầm hẳn xuống:

- Sau trận đánh ở điểm cao 1030 ấy, Đại đội mình thương vong nhiều lắm. Cấp trên bổ sung đơn vị khác lên thay thế, mình cũng bị thương nhẹ. Sau khi điều trị ổn định vết thương, mình được cấp trên cử đi học bác sĩ rồi về đây công tác ở viện này từ đó tới nay. Thôi chuyện còn dài lắm, bọn mình hàn huyên sau nhé, giờ cậu cứ yên tâm điều trị, vết thương của cậu khả năng phải phẫu thuật gắp mảnh đạn ra.

Phương như người chết đuối vớ được cọc, không ngờ vị bác sĩ Đại tá, Trưởng khoa kia lại là đồng đội cũ của chồng cô. Mấy người bệnh nằm cùng phòng ai cũng mừng cho vợ chồng Tuấn. Mặc dù vẫn rất đau và sốt nhưng niềm vui gặp lại đồng đội làm anh cứ lâng lâng vui sướng và hi vọng. Thế rồi chờ hai hôm, ba hôm, vẫn không thấy bác sĩ Tính Trưởng khoa quay lại. Mọi người trong phòng bệnh xì xào: "Chắc là chờ phong bì mới mổ đây" làm Phương cũng bán tín bán nghi. Ừ thì họ là đồng đội thật nhưng hai ba chục năm nay mới gặp lại biết thế nào, mà nghe mọi người bảo đi viện nhất là khi phải mổ xẻ, phẫu thuật không có gì lót tay thì còn lâu mới được mổ. Được mọi người trong phòng tham gia, mách nước, Phương giấu chồng, cô đúc mấy triệu vào phong bì, rụt rè gõ cửa phòng bác sĩ Tính Trưởng khoa. Vào phòng cô lập cập rút phong bì để lên bàn rồi lắp bắp trình bày, chẳng để ý bác sĩ nói gì cô vội xin phép ra luôn. Về đến giường chồng nằm cô ghé vào tai chồng thì thầm: "Em đưa phong bì bác sĩ Tính nhận rồi anh nhé"! Một lát sau bác sĩ Tính xuất hiện:

- Tuấn à, cậu yên tâm đi hôm nay mình sẽ trực tiếp phẫu thuật cho cậu.

Tuấn cười bắt tay Tính cảm ơn mà miệng anh méo xệch…

Ca mổ thành công mỹ mãn. Một tuần sau Tuấn được ra viện. Bác sĩ Tính đích thân đưa hai vợ chồng anh ra tận cổng. Trước lúc vợ chồng Tuấn lên xe, Tính rút ra chiếc phong bì đưa cho Phương:

- Em cầm lấy về bồi dưỡng cho chồng nhé. Hôm nọ anh phải đi công tác đột xuất, bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để phẫu thuật cho một vị tướng cao cấp, gấp quá nên không kịp báo cho vợ chồng em. Lúc em đưa anh phong bì, biết em lo lắng, nếu anh từ chối không nhận em sẽ càng lo hơn… - Bác sĩ Tính cười tủm rồi rút tiếp ra một chiếc phong bì nữa - Còn đây là quà của anh gửi em về mua sữa bồi dưỡng cho đồng đội anh nhé. Nhớ nhốt gà sẵn đi, chủ nhật này vợ chồng anh lên chơi đấy!

Nói đến đây chẳng để ý đến sắc mặt Phương lúc này đã đỏ lựng lắp bắp không nói nên lời, Tính tiến đến ôm chặt lấy vai Tuấn, cả hai không nói gì mà mắt họ rưng rưng…

V.Đ.T

Những đoạn đánh dấu * là lời bài hát: " Lời tạm biệt trước lúc lên đường" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối.

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 91 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 39 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 40 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 36 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 9 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 168 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 466 lượt xem