Ngày đầu làm báo

Thứ hai, ngày 20-11-2023, 10:33| 432 lượt xem

Nguyễn Quốc Trí

 

Minh họa của An Bình

 

Lần này được phân công về huyện nhà làm báo, nhà báo trẻ Hoàng Long thật hăm hở, tự tin. Bởi anh có nhiệm vụ tìm viết về một tấm gương làm kinh tế giỏi ở ngay làng, xã của mình. Như vậy là anh đã nắm chắc rất nhiều tư liệu sống, đỡ phải ghi chép, hỏi han nhiều.

Trước khi về nhà, anh ghé qua chợ thành phố mua cho mẹ một chút quà nhỏ. Ngoài dăm quả táo to và ngon là con dao gấp nhỏ để mẹ hay dùng vào việc ăn trầu. Anh biết thế nào mẹ cũng giục anh về việc lấy vợ. Anh chỉ còn mẹ, đã ngoài bảy mươi tuổi, đang ở cùng vợ chồng người anh trai.

Về nhà, anh tìm đến nhà ông Trưởng thôn, kiêm Bí thư Chi bộ để trình bày công việc của mình. Trưởng thôn tỏ vẻ hãnh diện và rất vui. “Ờ. Ờ. Phải viết về người thật việc thật, thời đổi mới ở làng mình chứ. Cánh tớ làm được mà không nói được. Chú là nhà báo người làng nữa thì nhất rồi. Hà hà…” Nói cười vui vẻ, ông Trưởng thôn liền dẫn Hoàng Long sang nhà Vận - Phương. Có lẽ do quá đông người, hay trùng tên nhau nên ở làng cứ gọi ghép tên chồng - vợ vào nhau. Ông Vận chồng bà Phương, theo anh biết thì quê ở đồng bằng miền xuôi, lên đất rừng núi mạn ngược quê anh, làm nghề mộc từ thời kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó anh còn bé tí, sau này lớn lên đi học dần dần anh mới biết thêm.

Ông Vận là một trong số những người khá giả ở trong làng. Sau ngày thống nhất đất nước, làng quê còn rất khó khăn thì nhà ông Vận vẫn là loại hộ có kinh tế vững. Thời đổi mới, nhà ông Vận làm ăn phát triển mạnh nhờ mô hình VAC. Nay ông đã sắm được cả ô tô tải để kinh doanh. Mặc dù chủ khách đều chỗ người làng, nhưng ông Vận tỏ ra e dè, ngần ngại. “Ồ, mình làm ăn giỏi, mình nói lên báo cho mọi người biết, học hỏi, tăng thêm thành tích của làng chứ có gì đâu mà ngại!” - Trưởng thôn hồ hởi động viên và gần như ông nói hộ chủ nhà mọi việc cho nhà báo ghi chép. Hoàng Long được dẫn đi thăm vườn, ao, chuồng và chụp ảnh lia lịa. Riêng chân dung chủ nhà thì ông Vận nhất quyết để cho bà Phương chụp. “Của chồng công vợ mà”. Ông Vận nói.

Trên đường về, Trưởng thôn còn hẹn mai dẫn nhà báo đi mấy hộ nữa. “Chú thấy không, làng mình không còn nghèo đói như những năm trước nữa đâu”. Đúng vậy. Nhưng Hoàng Long vẫn phải nói với ông Trưởng thôn về những việc phải làm, theo cảm nhận của anh, để làng anh trở thành làng văn hóa tiêu biểu.

Tối đến, anh cặm cụi ngồi viết cho xong bài báo, khi cảm xúc và tư liệu còn nóng hổi. Anh thật hài lòng với bài báo về một nhà nông đời mới biết cách làm giàu ngay trên đất sống của mình theo kiểu “ly nông bất ly hương”.

Đã khuya, nhưng mẹ anh vẫn chưa ngủ. Anh hào hứng kể lại chuyện công việc cho mẹ nghe. Ngưng miếng trầu, mẹ bảo: “Chả biết các anh thế nào, chứ theo ý mẹ thì người ấy chưa xứng nêu gương”. “Sao ạ?”. “Hồi trước, mẹ thấy các ông ở xã nói là anh Vận trốn đi bộ đội ở quê, lên đây sinh sống”. “Ồi, nếu có cũng là chuyện xa xưa rồi. Có thể ông Vận cũng đã chấp nhận một hình thức xử phạt nào đó và nó đã hết thời hiệu. Quan trọng là hiện tại người ta biết sống có trách nhiệm và  làm giàu chính đáng, mẹ ạ”. “Thì mẹ cứ nói ý mẹ như thế. Có thể là người già lẩm cẩm, hay nhớ dai những chuyện từ xưa mà nay đã thay đổi, vậy thôi. Tùy các anh”.

Rồi mẹ anh kể cho anh nghe về những người giàu, người nghèo ở làng quê với biết bao điều mà anh chưa hiểu hết. Họ từ đâu đến, họ sống ra sao, họ ăn ở với dân làng như thế nào…

Trong đêm trằn trọc, anh nghĩ rằng ngày mai cần phải trao đổi lại với ông Trưởng thôn về việc này, theo ý mẹ.

N.Q.T

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 93 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 40 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 41 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 36 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 9 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 170 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 466 lượt xem