Một góc làng tôi

Chủ nhật, ngày 26-01-2025, 10:50| 162 lượt xem

Lê Na

 

 

Bố tôi, gốc người thôn Thanh Khê, Hà Nam. Ông sinh năm 1933 tại xã Kim Phú, nay thuộc thành phố Tuyên Quang. Tám mươi chín tuổi, nay ông thuộc lớp người cao tuổi ở địa phương. Cũng là cây đại thụ trong dòng tộc họ Lương chúng tôi. Tuổi thơ của bố tôi nhiều lam lũ. Ông được chứng kiến đất nước trải qua bảy mươi bảy năm lịch sử. Năm đói bốn nhăm, rồi cách mạng Tháng Tám thành công. Chính quyền cách mạng còn non trẻ, khi đất nước vừa trải qua nhiều năm dưới chế độ phong kiến, lạc hậu, trì trệ. Người dân chồng chất khó khăn do thiên tai, địch họa, mù chữ và cuộc sống nông nghiệp manh mún.

Ông nội tôi mất năm bố tôi mới mười hai tuổi. Bố tôi không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Năm 1966, từ một anh kế toán hợp tác xã, bố được trưng tập ra huyện Yên Sơn làm kế toán, thống kê, tại phòng Nông nghiệp. Thế rồi, ít lâu sau chàng trai ấy được biên chế cán bộ Nhà nước. Vừa học vừa làm, bố tôi đã trưởng thành trong ngành Thuế Nhà nước. Năm 1996, bố tôi nghỉ hưu với chức vụ trưởng phòng Thuế huyện Yên Sơn. Gần ba chục năm nay, ông lại sống điền viên tại quê hương. Trong ký ức của ông, còn giữ lại biết bao thăng trầm, biến đổi của làng quê Kim Phú và cái thị xã Tuyên Quang nhỏ bé thuở nào.

 Trước khi giành được chính quyền cách mạng, dân làng tôi làm thuê cho đồn điền Tham Sần. Thóc lúa mình làm ra lại cống nạp cho nhà chủ. Chủ đồn điền thuê người bản xứ, trông coi dân nghèo. Cuộc sống quanh năm gieo neo. Bao tệ nạn xã hội như đám mấy đen u ám cả đời sống dân lành.

Đầu năm 1945, một người lính khố đỏ có tên Binh Phề vào làng tôi đánh sóc đĩa, ngay tại miếu, cùng một số người trong làng. Bị thua bạc, hết tiền, hắn bảo “xin một tiếng” cả chẵn và lẻ. Thế là tên Binh Phề, vơ hết tiền trên chiếu bạc. Mấy người trong chiếu bạc nháy nhau, tắt đèn, nện cho tên này một trận nên thân. Sau đó vào 7h tối ngày 16 tháng Giêng Ất Dậu, 1945, Binh Phề kéo thêm lính khố đỏ vào đánh báo thù.

Chuyện ông Cửu Đan (“Cửu” là một phẩm hàm thấp nhất trong chế độ phong kiến) làm việc cho Pháp, thông gia với ông Doan, người làng. Sau khi Pháp thất thủ Cửu Đan lại quay sang làm việc cho Nhật. Nhờ vậy, ông này có nhiều tiền mua thóc của dân, rồi cho dân quanh vùng vay thóc nặng lãi. Đến mùa thu hoạch, thóc từ khắp nơi gánh về để tại nhà ông Doan. Một hôm, kho thóc của Cửu Đan cùng ba ngôi nhà liền kề đã bị lửa thiêu rụi. Nguyên nhân là do “vỡ tỉnh” một số người ra phố lấy xăng dầu để sử dụng, do không biết cách bảo quản nên gây cháy (“Vỡ tỉnh” là thời điểm trong và ngay sau ngày thị xã Tuyên Quang mới giành được chính quyền, 17/8/1945). Dân trong làng ra phố lấy những gì có thể. Có người lấy bao tải về trải giường nằm cho ấm. Người nhặt thùng, vại, nồi niêu. Bố tôi ra tỉnh bắt được hai con mèo, bị chủ bỏ rơi mang về…

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Chủ tịch Ủy ban hành chính xã bấy giờ là ông Lâm Ngọc Sơn, hàng ngày qua làng. Cửu Đan yêu cầu chủ tịch xã giải quyết đền bù cho mình số thóc bị cháy. Không có chứng cứ, việc chưa được giải quyết, thế là Cửu Đan, với giọng huênh hoang các anh không nể “nhà chức trách” à (?) Sẵn mối căm thù bọn Việt gian bán nước, hại dân, ông cụ Thắng đã dùng cây gộc tre ném vào một người lính khố đỏ. Lão Cửu Đan, giương oai, thách thức, nói: Các anh dám động vào “nhà chức trách” hả? Thế là mọi người xông vào, dùng gậy, cây phang cho Cửu Đan một trận nhừ tử. Đoạn xương ống chân, gần mắt cá của Cửu Đan bị gãy hở, máu bê bết. Dân làng khiêng lão ra gần bụi tre để. Mấy hôm sau, con trai Cửu Đan tên là Diên thuê một số người trong đoàn Thuyền sắt vào làng đánh báo thù. Trên đường đi bán khoai lang về, ông Quảng gặp những người này đang tập trung tại phố Cổng Rơm (Khu dãy Việt Kiều, nay thuộc phường Tân Quang) bèn báo cho dân làng bỏ trốn. Nghe nói cả một “com-ba-nhi” người vào đánh. Dân làng vội sơ tán khỏi nhà, xuống các đồi gò phía dưới đồng. Không tìm được người, những kẻ được thuê vào làng đập phá nhà cửa, nồi niêu, chum vại, hoa màu tan hoang, như bãi chiến trường (tên một số nhân vật đã được thay đổi).

Sau ngày giành được chính quyền cách mạng, người dân lao vào xây dựng cuộc sống mới. Ruộng đất được chia cho mọi người. Những tên ruộng, gắn liền với chủ hộ vẫn còn mãi cho đến hôm nay. Mẫu ông Thơm, Chín xào bà Quốc, bảy xào Cánh Buồm ông Dư...

Dân làng khai phá đất hoang cấy lúa, trồng khoai. Lúc đầu xã có tên Phú Cốc, sau đổi thành Vinh Phú. Năm 1969, xã sáp nhập với xã Kim Thắng, đổi thành xã Kim Phú. Cánh đồng các xã Kim Phú, Hưng Thành, Ỷ La là một thung lũng rộng nhất tỉnh Tuyên Quang. Vào mùa mưa, nước từ sông Lô tràn vào, ngập tới ba phần tư diện tích đất ruộng và nhà ở. Bắt đầu từ Ngòi Chả, lũ ào ạt dâng. Có năm đến ba bốn con nước. Biết bao nhà cửa, lợn gà, tài sản và hoa màu bị nước cuốn ra sông. Nhưng rồi chỉ vài tháng sau, đất đồng lại khô cạn. Nông dân thiếu nước sản xuất vụ đông xuân. Những cánh ruộng phía trên cao khô cạn bỏ hoang. Cuối năm 1949, tỉnh Tuyên Quang khởi công đào một con mương lịch sử - Mương Kim Thắng. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang ghi: “Một trong những công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh, dẫn đầu trong việc xây dựng thủy lợi toàn Liên khu là mương phai Kim Thắng... Công trình trung thủy nông này hoàn thành năm 1951, dài 8.992 mét, tưới cho 545 mẫu chiêm, góp phần cứu được 6.472 nhân khẩu của ba xã khỏi nạn thiếu đói hàng năm...”.

Bố tôi còn nhớ như in, hình ảnh của ông nội tôi, buổi đầu tiên nước chảy về ruộng. Ông rong trâu đi cày và nói: “Bao nhiêu cơm đùm, cơm nắm, mới có ngày hôm nay!”.

Nguồn nước của mương được chia sẻ từ con Ngòi Chả, khởi nguồn từ dãy núi Nghiêm. Thế hệ học trò chúng tôi gắn liền với con mương này. Con mương chảy dọc tuổi thơ mỗi ngày tới trường. Hai bên mương lúa, ngô, khoai tốt tươi cùng rau màu. Sau mỗi trận mưa rào, mương ăm ắp nước, cả làng ra mương cất vó bắt cá. Mỗi người một dụng cụ, nào vó, đó, nơm, dậm và dỉa để đánh bắt. Trẻ con mang rổ đi xúc cua, tép...

Giờ đây, con mương đã bước qua tuổi bảy mươi. Nó cùng tuổi với người chú của tôi. Do nước cạn kiệt từ thượng nguồn nên xã đã cho xây kiên cố và thu hẹp mương lại. Mặt khác, từ thập niên bảy mươi thế kỷ trước, có thêm nguồn thủy lợi bổ sung từ hồ Trung La (tên ghép hai xã Trung Môn và Ỷ La) dưới chân núi Là nên đồng quê tôi không bị thiếu nước.

Thóc Kim Phú, Ỷ La, Hưng Thành, Trung Môn luôn là nguồn thuế nông nghiệp lớn của tỉnh. Gạo Kim Phú nổi tiếng ngon. Những ngày mùa, sau khi thu hoạch bà con phơi khô, quạt sạch rồi gánh ra nộp thuế tại Tổng kho (nay thuộc phường Minh Xuân). Bố mẹ tôi cùng làng xóm nô nức gánh thóc làm nghĩa vụ với Nhà nước. Những trưa hè, nắng rát, hàng cây bồ hòn dốc Ủy ban là bạn đường che bóng mát. Những chiều mưa, người có thể ướt, nhưng thóc thuế phải khô. Gạo ngon quê tôi đã ngược đèo dốc lên Điện Biên, những năm chống Pháp; Gạo lặn lội đường xa ra chiến trường miền Nam, sang nước bạn Lào, Cam Pu Chia… “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đó là khẩu hiệu mà nhiều người làng con nhớ từ những năm đánh Mỹ.

Trở lại năm 1946, khi Thực dân Pháp, một lần nữa thực hiện dã tâm xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Thu đông 1947, quân Pháp tấn công lên Việt Bắc, quân và dân Tuyên Quang thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Người dân Tuyên Quang phải phá nhà, không cho Pháp trú, phá cầu không cho Pháp qua. Trong ký ức bố tôi, cây cầu Nghiêng tại Km7 đã được dân quân, du kích chặt phía bên phải cả hai mố, tạo độ nghiêng, không cho xe ô tô của Pháp lên Chiêm Hóa sang Bắc Kạn. Tên Cầu Nghiêng có từ đó. Năm 1953, Tuyên Quang tập trung khôi phục cầu đường nối mạch giao thông để vận chuyển bộ đội, dân công hỏa tuyến, vũ khí và lương thực, thực phẩm  lên Điện Biên. Bố tôi cùng hàng chục thanh niên trong xã làm nhiệm vụ chặt nốt phần mố cầu còn lại, cho cầu không nghiêng nữa. Vào đầu những năm bảy mươi, khi tôi còn là học sinh cấp ba, cây cầu này vẫn còn thấp xuống hơn mặt đường...

Hôm nay, trên quê hương thanh bình, tôi lại như một đứa trẻ, ngồi nghe bố kể chuyện làng, xã. Màu lúa non xanh mềm như lụa. Đường làng, ngõ xóm được bê tông bền chắc. Nhiều nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Những chuyện cổ tích có thật ở quê tôi. Từ khi có Đảng, có Chính quyền, những người dân chân đất, áo vá của làng quê nghèo ấy đã xây dựng và bảo vệ quê mình đẹp như một giấc mơ. Bố tôi đã được nhận Huy hiệu năm mươi năm tuổi Đảng. Ông vẫn sống vui, sống khỏe để làm những việc có ích cho xã hội và là tấm gương cho con, cháu, chắt. Nghe chuyện của bố, tôi háo hức tra Google tìm xem bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi của đạo diễn người Nga, Kark Men, sản xuất 1955. Trong bộ phim đó, có một số cảnh đã được ghi tại làng tôi. Cảnh mẹ tiễn con lên đường đi chiến đấu. Cảnh du kích mài dao kiếm bảo vệ làng xóm. Và, đặc biệt cảnh quay ông chú của bố tôi cất giữ tấm ảnh Bác Hồ. Quê tôi cùng mọi miền trên đất Việt nguyện mãi mãi đi theo con đường Bác Hồ đã chọn. Con đường ấm no, hạnh phúc.

L.N

 

Minh họa của Ngọc Điền

Tin tức khác

Thơ

Rượu quê

28-03-2025| 146 lượt xem

Bến xưa

23-03-2025| 170 lượt xem

Núi

22-03-2025| 146 lượt xem

Truyền nghề

18-03-2025| 71 lượt xem

Đời tằm

18-03-2025| 123 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 1.402 lượt xem

Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách

29-02-2024| 1.768 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 1.784 lượt xem