Truyện ngắn của Hồng Giang
Gã còn nhớ như in câu chuyện mẹ gã kể lại chuyện nhà hồi gã “đi vắng” trong số nhiều chuyện khác.
Lúc đó gã còn đang ở trại chưa về. Nghe tin thằng em trai về phép cưới vợ hắn rất mừng.
Đời hắn thì đã coi như bỏ. Công danh lợi lộc mất hết chẳng còn, mà hi vọng thì cũng chưa biết thế nào. Em hắn lấy vợ, mẹ già có thêm người đỡ đần. Có thể bà cũng nguôi ngoai sau bao cay đắng, đớn đau, bao nhiêu nước mắt từ ngày gã bước chân vào vòng lao lý.
Gã đi tù mà không một lần ra tòa xét xử, người ta bảo “án tại hồ sơ”, cứ vậy mà thi hành, không xét xử vì nó nhỏ nhặt, lèm nhèm... hay vì nó không rõ ràng thiếu chứng cứ, tang vật cụ thể?
Hòa bình thống nhất cả năm năm rồi, chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, mà bộ máy công quyền vẫn vận hành như “tình trạng chiến tranh khẩn cấp”. Không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận thiệt thòi, bao nhiêu tan vỡ gia đình, bao nhiêu thiệt thòi cho xã hội?
Nghị định 37 CP quái quỷ gì đó (mà mục đích đề ra lúc bấy giờ là “làm trong sạch xã hội”) vẫn còn áp dụng mãi cho đến những năm thập niên tám mươi.
Đấy là hạn chế lịch sử, số phận dân tộc, hay số mệnh của riêng của mỗi người? Nói thực, đến bây giờ gã vẫn chưa lý giải được. Cũng là số mệnh của hàng trăm ngàn người thời chiến, rồi hậu chiến. Đâu có phải của riêng mình gã. Rồi cũng tặc lưỡi, công việc mới, lốc bụi thời gian kéo về dần dã rồi cũng che lấp, cũng quên đi. Nhưng vẫn có những câu chuyện, chả to lớn gì thì cứ lại nhớ mãi. Nó chẳng ghê gớm gì trong vòng quay vận hạn của kiếp người, nhưng nó bi hài ám ảnh cười ra nước mắt.
Bà cụ còn nhớ như in buổi sáng năm ấy xảy ra một chuyện. Hai mẹ con ngồi xếp hàng mua vé để xuôi về quê. Bến xe Tuyên Hóa lúc bấy giờ còn là bãi đất trống rất rộng, lổn nhổn sỏi đá vụn của nhà bến rải chống lún. Duy nhất khu nhà xây kéo dài chính giữa vừa làm phòng bán vé, vừa là phòng đợ cho khách chờ xe.
Cảnh xếp hàng mua vé thì vẫn ù lì, miên man kéo dài như mọi khi, chẳng biết đến khi nào mới mua được. Mọi người ôm tay bó gối, gà gật ngủ. Bỗng hàng người nhốn nháo cả lên. Không ai bảo ai, ngơ ngác đứng dậy. Trong quầy cô nhân viên bán vé bắt đầu dở sổ sách rồi lấy xấp vé đặt lên mặt bàn.
Phía bên ngoài có hai anh cảnh sát trẻ măng, mặc đồng phục màu gạch non như cảnh sát giao thông thời sau này.
Một anh chỉ vào mặt cô con dâu mẹ gã quát:
- Mời chị đi vào trong này!
Cô ta ngơ ngác không hiểu chuyện gì khiến anh cảnh sát phải lôi tay cô ta mới chịu ra khỏi hàng. Mẹ gã cũng sửng sốt không kém. Con dâu bà có làm gì đâu mà công an bắt nhỉ? Bà hỏi anh cảnh sát chỉ bảo: “Không phải việc của cụ, cô này cứ vào đây khắc biết!”. Mẹ gã liền theo vào. Cô con dâu đang liến thoáng: “Em đâu có làm gì? Sao lại bắt em?”. Anh kia quát: “Đúng là không làm gì thật không?”. Cô trả lời: “Em chỉ có mỗi bộ quần áo trên người với lại cái túi du lịch rách. Đâu có buôn gian bán lậu gì? Em không trộm cắp của ai sao lại bắt vào đây?”.
- Chị đừng có láo. Lúc chúng tôi đến, chị làm gì chị có biết không? Có phải chị cố ý xì hơi vào mặt chính quyền.
Lằng nhằng một lúc cô ta mới được thả ra. Nghe chuyện chỉ có thế, cười khó ngậm miệng. Gã chỉ bảo với mẹ:
- Nó là đứa vô tâm vô tính. Mẹ nhớ chuyện vớ vẩn này làm gì?
- Anh nhầm. Tôi sợ nó thành con rắn chui vào trong chăn nhà mình. Hãy nhớ lời tôi nói xem về sau có đúng không?
Mẹ gã còn kể thêm chiều hôm trước, thèm lâu năm có người biếu bà quả mít, nó tham ăn gần hết cả quả. Sau rồi nôn nao khó chịu nôn ra cả sàng. Thế mà đến tối lại luộc đám hạt mít. Thứ này khó tiêu, xì hơi mùi thối khẳn đậm đặc kinh người khó ai chịu nổi. Không phải thế, làm sao người cảnh sát lại bất ngờ xử lý như vậy, còn làm biên bản vi phạm: “Thiếu tôn trọng người thi hành công vụ”, bắt nó ký vào!
Gã thì cho rằng đó là chuyện vặt. Như muôn vàn câu chuyện vặt đồng quê dở khóc, dở cười thời bao cấp, bị cấm vận ngặt nghèo, thiếu từ miếng ăn, cái mặc. Những chuyện không bao giờ có thể xảy ra vào thế kỷ mới bây giờ.
Kể cả chuyện vụ tai nạn tai hại làm nhà gã lụn bại sau này gã cũng bỏ qua. Lần mới cưới vợ, thằng em gã vốn nhút nhát hiền lành, lấy được vợ đẹp tự nhiên nổi hứng. Nó vốn là lính hậu cần, chuyên áp tải xe chở hàng quân đội. Đợt đó đơn vị đang chở xăng dầu cho các kho xăng quanh Hà Nội. Được ngày nghỉ hắn nói thế nào đó với thằng bạn lái xe về thăm nhà cho vẻ vang với làng xóm. Bấy giờ xe cũng như lái xe quý và hiếm lắm. Làng gã chỉ cách Hà Nội ba chục cây. Cả đi cả về với tay lái lụa không hết bao nhiêu thời gian. Khổ nỗi hắn chỉ học lỏm lõm bõm khi đi áp tải chứ có học lái, biết lái bao giờ đâu? Ngay mãi đến sau này đi xe máy hắn còn không dám thì lái ô tô thế nào?
Qua khỏi phố Phùng không xảy ra chuyện gì cu cậu đã mừng ra mặt. Hình dung cả làng chạy ra xem xe mà nở từng khúc ruột. Nhất là cô vợ trẻ trung mới cưới, nét mặt sẽ hân hoan thế nào. Về làng phải qua một khúc đê sông Hồng, con đê cao hơn hẳn nóc nhà lợp ngói phía trong đê. Lính quýnh thế nào, hắn lao xe xuống sườn đê. Chiếc xe chổng bốn vó lên trời. Tất cả số xăng chảy hết ra cánh đồng ngô. Dân làng đua nhau mang sô chậu ra hứng. May mà không chết người. Mẹ gã sau vụ đó phải vay mượn cầm cố khắp nơi để bồi thường cho nhà nước. Tình yêu đôi khi thật dại dột. Nó dẫn dắt con người tới hậu quả khôn lường.
Chuyện này gã mãi sau mới biết, khi biết nó cũng đã nguội rồi. Thì thôi của đi thay người, thằng em không chết đã là may rồi. Gã không hề nhắc nhở hay dằn vặt đay nghiến vợ chồng em lấy nửa lời. Cái quý nhất trên đời là tình cảm. Hơn nữa là tình cảm anh em ruột thịt. Không vì những điều ấy mà anh em để ý, mâu thuẫn, thành kiến với nhau.
Phúc họa một đời, nghĩa tình một thủa, nó luôn có mầm mống nảy nở dần dà từ lâu, không tự dưng mà mọc ra, mà xuất hiện. Sự vô tư của gã vợ chồng thằng em mau chóng quên. Nhưng cả hai đứa lại nhớ đến việc khác, có khi mơ hồ, không phải sự thật thành nghiêm trọng. Đến mức phải từ mặt sau này.
* *
Có những thời kỳ phương án phòng chống lũ lụt cho thủ đô không giống ai. Thay vì tiêu thoát nước, người ta lại lập thành “vùng bụng chứa” bao quanh Hà Nội. Gã nhớ lại chuyện này không phải để chê bai, dè bỉu hay đay nghiến ai, mà chỉ là để nhớ lại bài học cho sau này. Để những người cầm cân nảy mực, ra quyết sách cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại ảnh hưởng cuộc sống của hàng vạn dân. Nó vừa sơ sài, vừa thiếu cơ sở khoa học lại rất võ đoán và phiến diện. Nhưng đây là câu chuyện dài. Gã chỉ nhắc chuyện từ sự hệ trọng của nó ảnh hưởng đến gia đình gã thế nào?
Vùng gã có cống ba mươi sáu cửa mở vào bụng chứa trong đồng. Bao quanh nó một vùng đến mấy huyện dân là con đê nối giữa Đê sông Hồng và sông Đáy. Tốn không biết bao nhiêu sức người, sức của để làm đê bao này, mà hồi đó chỉ làm bằng sức người và công cụ thơ sơ, đâu có máy móc gì?
Xã gã thành lập hẳn một đội thủy lợi xung phong hơn trăm con người, thoát ly gia đình ăn ở trực tiếp ngoài công trường. Lão Tập được cử làm đội trưởng, chính là bố đẻ của đứa em dâu gã bây giờ. Mỗi ngày xã viên ngoài công điểm còn được bồi dưỡng thêm ba đồng. Ba đồng hồi ấy còn giá trị có thể mua được ba bát phở, hay năm cân gạo. Tiền nong lùm xùm, tiền bạc chi tiêu thế nào đó âm thầm có người phàn nàn.
Một buổi sáng lão Tập è cho người kéo mấy chục cái xe ra ngoài thị trấn nói nói để sửa chữa. Đến tối kéo về thiếu đi mất mấy cái. Có người hỏi, lão nói: “Chưa sửa xong, để lấy sau”. Mãi đến cả tuần cũng không thấy ai lấy về, nhiều người thắc mắc.
Xưa nay trâu buộc ghét trâu ăn. Cùng cánh trong ban chỉ huy công trường có người không ăn cánh với lão. Ông này xúi mấy cậu trẻ ngỗ ngược trong đội làm đơn tố giác. Không may cho lão Tập là mấy tay này có thành kiến sẵn. Tính lão khéo léo nhưng lại hay để ý vặt. Thêm chuyện chạy theo thành tích, luôn miệng nhắc nhở gò gẫm để đạt năng suất nên hai bên để ý nhau từ lâu. Soạn ốc và Thành Phẩm đầu têu vụ này.
Được ngày nghỉ cả hai bàn nhau thức cả đêm để viết đơn tố cáo lên huyện. Một việc vào thời đó là ghê gớm chứ không phải chuyện đùa. Nó vừa mờ ám mang tính phản loạn trong con mắt chính quyền.
Vốn là dân ăn no vác nặng, chữ nghĩa đối với bọn này là cái gì đó lạ lẫm và quá sức. Học chưa xong tiểu học, chữ viết như gà bới, không thành văn tự. Cho đến gần sáng hai đứa mới ra được văn bản đọc chả ai hiểu nó là cái gì. Một kiểu văn bản vừa lộn xộn không đầu không cuối, chính tả sai be bét.
Sáng hẳn, cả hai vò đầu bứt tai không biết nên làm thế nào. Đột nhiên Soạn ốc nảy ra một ý, hai mắt lồi, lố ra của hắn sáng ra:
- Tao đã có cách. Hôm nay tao với mày giả cách ở nhà có việc nghỉ một buổi về làng.
Soạn ghé tai Thành Phẩm nói gì đấy. Thành gật gù. Hắn lôi chiếc xe thồ không chắn bùn, không phanh, trơ trọi hai bánh ra. Hai thằng chở nhau về làng.
Gã thời gian này đang thất nghiệp. Xin mấy chỗ mà chưa nơi nào nhận. Thỉnh thoảng vác cái máy ảnh Ki Ép cũ đi chụp ảnh dạo. Thời bấy giờ công việc này người ta quản lý ghê lắm. Có muốn làm cũng là làm chui. Nó đòi hỏi phải có giấy phép mới được mở cửa hàng. Ai người ta dám cấp phép cho một kẻ vừa mới ra tù như gã? Hơn một lần gã bị tịch thu máy ảnh. Mất máy thì phim chẳng còn. Lấy đâu ra ảnh trả cho khách. Chính tình tiết này, về sau gã mang thêm tội lừa đảo, “chụp ảnh không phim”.
Một hai lần gã đi thế cho đứa em dâu xuống công trường đê bao. Chồng nó vẫn ở trong quân đội, anh chồng em dâu ở cùng nhà rất bất tiện. Em dâu xuống công trường lại tự do thoải mái hơn ở nhà. Ông bố nó làm đội trưởng nó không phải cuốc đất đẩy xe hay gánh gồng như người ta. Nó được phân công làm tiếp phẩm, đi chợ mua rau, nấu nướng phục vụ cơm nước cho cả đội.
Ỷ thế có bố phụ trách nó có phần quá đà, bớt xén tiền chợ. Sinh hoạt của đội so với các xã khác ai cũng kêu. Tối tối nó lại cùng Cường Trang chở nhau ra thị trấn, mãi khuya mới về.
Những chuyện này gã biết hết, nhưng nghĩ mình là đàn ông, lại là anh chồng nên làm như không biết. Nếu không có chuyện lá đơn Soạn ốc nhờ viết hộ ba cái chuyện đó cũng không nên hiềm khích gì.
Đúng hôm Soạn ốc từ công trường về gã ốm đang nằm nhà. Đầu óc đang âm âm u u nên khi hai thằng kia năn nỉ gã cũng viết cho xong. Một phần cũng vì hộp sữa, cân đường thứ của hiếm lúc đó hai thằng kia mang đến.
Đọc qua nội dung gã thấy lá đơn cũng không có gì quan trọng. Cũng chỉ là thắc mắc của dân công với ban chỉ huy công trường, rồi thì đề nghị cải thiện sinh hoạt cho người lao động. Gã cứ nghĩ “Ban chỉ huy” ở đây là ông tỉnh ông huyện nào chứ không phải lão Tập è thông gia với nhà gã.
Sau đó huyện về. Người ta cho cả đội nghỉ việc về xã nhà nhóm họp. Rất lạ là không họp hội ở hội trường như mọi khi. Buổi họp được tổ chức khá kín đáo vào ngày chủ nhật trong gian phòng khuất của ngôi trường giáp mé cánh đồng. Một văn bản lấy ý kiến tập thể gửi đi. Những sự việc diễn biến sau đó gã không thể ngờ nó lại tai hại đến thế.
* *
Năm tháng trôi qua, tưởng đâu câu chuyện đã chìm vào dĩ vãng. Gia cảnh nhà gã lại gặp thêm những tai họa không ngờ. Gã bị bắt trở lại sau một lý do không đâu vào đâu. Mãi sau này gã mới biết trong cái tai vạ đó có sự tác động ghê tởm từ ông Tập. Ông ta là người có vây cánh, có thế lực trên huyện trên tỉnh. Ông lại là người thù lâu nhớ dai. Ông ta cho rằng gã đầu têu vụ kiện cáo năm nào. Tuy ngoài miệng ông vẫn ngọt sớt: “Nhất bác, các em nó được như bây giờ là trông cậy nơi bác...”. Dù gã thực tình chưa giúp được vợ chồng thằng em việc gì đáng kể. Đứa em dâu, cái mỏ nhọn cũng nói dẻo quẹo: “Nhà này bác là tổng thống. Không có bác đụng tay vào thì đố có việc gì xong...”. Gã không biết nó ngấm ngầm thù oán trong bụng. Cũng lại như lần trước, hết hạn gã trở về.
Lần này gã vào nam sinh sống. Đứa em xin ra ở riêng. Bao nhiêu đất cát phần tốt nhất ở nơi quê mới gã nhường cả cho nó. Nhà cửa đất đai dưới quê thì chẳng còn gì. Phần bán trả nợ mẹ gã vay lần nào bồi thường nhà nước hồi em gã đổ xe xăng. Phần cho ông cậu vay chạy tội vì làm thiếu hụt quỹ tín dụng do ông phụ trách.
Gã không nghĩ mình có ngày trở lại nơi ngày xưa gã đã từng qua đây và nghĩ khó lòng sinh sống. Ấy là chỗ ở của gia đình gã bây giờ.
Những kẻ bội nghĩa vong ân, việc gì chúng cũng có thể làm. Đứa em trai ấy thực ra không do mẹ gã sinh ra. Mẹ gã nuôi nó từ trong trứng của mẹ nó khi bà ta bị chồng ruồng bỏ. Bao nhiêu năm lên xứ đồng rừng này, không ai biết nó là con nuôi, khi bố gã hi sinh từ hồi chống Pháp.
Mọi việc xảy ra từ sau lần mẹ gã qua đời. Tài sản cũng không có gì để chia cho con cháu. Nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải chuyển sang tên gã, là người đang ở với cụ bây giờ.
Vợ chồng thằng em hôm họp gia đình đòi chia cho nó một nửa đất vườn gã đang ở. Mặc dù trước đây chúng đã được chia phần hơn rất nhiều. Mới biết lòng tham con người thật vô bờ bến. Không biết thế nào cho đủ. Về lý mà nói tài sản của mẹ gã cùng đất cát mang tên cụ là tài sản của cụ, phải chia đều cho hai con. Gã không ngờ sự việc lại diễn biến ra như vậy.
May mà lăn lóc, quăng quật nửa đời người giúp hắn biết tìm ra lối thoát trong mớ rối ren của gia đình mình. Gã chỉ lẳng lặng cười nhạt không nói gì. Để con vợ nhọn mồm của thằng em là sa là sát chán chê, gã mới bảo:
- Tôi đồng ý với chú thím. Chúng ta là con của mẹ cả. Mẹ đã qua đời, không nên làm xao động đau lòng mẹ ở trên trời. Thôi thì trước đây nhà này mẹ tạo dựng được những gì, gom hết cả lại chia đều đôi bên. Đất đai của chú thím cũng như của tôi gộp lại rồi chia nhau... Ý chú thím nghĩ thế nào?
Hai vợ chồng nó đổi sắc mặt, nhìn nhau không nói ra tiếng chỉ làu bàu không rõ câu gì. Con vợ lôi thằng chồng đứng dậy không nói không rằng. Nó là thằng hèn có tiếng là sợ vợ. Đúng như người ta bảo: “Sau lưng thằng đàn ông nhu nhược là con đàn bà láo xược” quả không sai.
Từ sau hôm đó giở đi, con vợ thằng em không lần nào sang nhà gã nữa. Ngày giỗ ngày Tết nó cũng bỏ qua không đến. Nó đi khắp làng buôn chuyện, kể gã xấu này xấu kia. Nó nói với dân làng rằng gã là “kẻ chuyên hay kiện cáo, gây rối xóm làng”. Từng kiện cả bố nó hồi ở dưới quê. “Mấy vụ đơn từ nặc danh tố cáo cán bộ xã này là lão ấy chứ ai”. Thật vô cùng nguy hiểm, nó nói với người ta như vậy mà không nghĩ lời nói đọi máu, có thể gây hại khôn lường cho người anh trai của chồng mình.
Bắt gặp gã ngoài đường mắt nó cứ trợn ngược lên không thèm chào hỏi. Quên mất rằng không biết bao nhiêu lần nó đã từng cho gã đi tàu bay giấy khi phong cho gã là “tổng thống” trong nhà!
Mấy đêm liền gã trằn trọc không sao ngủ được. Gã biết phàm là kẻ cơ hội, tiểu nhân hay nịnh hót xưa nay đều là bọn lá mặt lá trái, lật mặt như trở bàn tay.
Khổ nỗi tính gã hay cả nghĩ.
Liệu có phải bây giờ xã hội coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền, nhân nghĩa, lẽ phải không còn được coi trọng như xưa?
Đất đai có giá. Người ta sẵn sàng chém giết nhau chỉ vì nửa bước chân đất giáp gianh. Chuyện này thiên hạ xảy ra đầy ra đấy, đâu chỉ riêng hoàn cảnh của mình?
Hay số mình nó phải như vậy?
Bao lần hàm oan mà vẫn chưa hết tội. Có phải cái “nghiệp” mang từ kiếp trước vẫn còn nặng quá không?
Hay tình cảm con người là thứ vô giá mà mẹ gã và cả bản thân gã nữa, đã từng cho đi, nhường nhịn một cách vô lối, để bây giờ kẻ chịu ơn bạc bội, khiến phải mang hận trong lòng?
Nhưng day dứt mãi làm gì? Không giải quyết được chi lại mang tiếng là người hẹp hòi cố chấp. Mọi sự ở đời đều có duyên do của nó. Đời còn dài, biết đâu sẽ mang đến cho gã sự đền bù khác? Tốt nhất như người ta nói, không gì bằng sự thảnh thơi. Đó là hạnh phúc lớn nhất ở đời. Thôi thì tốt nhất là:
- BUÔNG!
H.G
Minh họa của An Bình