Bút ký của Hồng Giang
Minh họa của Tân Hà
Xe chúng tôi đang qua cầu Bợ.
Cảnh sắc hôm nay khác xưa nhiều. Khác đến nỗi người thấy bâng khuâng như cảm giác đang say khi uống thứ rượu không mạnh, mà lại ngấm lâu. Kiểu như rượu hoẵng ngày xưa người Dao hay làm. Đó là loại rượu làm bằng men tươi, không qua đun nấu. Gọi là bia của người Dao cũng được. Chỉ tiếc bây giờ ít thấy ai làm và có khả năng biến mất.
Lại nhớ hôm nào, người viết bài này cùng ông anh kết nghĩa qua đây. Đấy là hồi người Đài Loan rất chuộng mua lá mai của Việt Nam. Họ mang về làm gì thì thú thực chính bản thân tôi cũng chưa biết.
Ông anh kết nghĩa của tôi vốn là thầy giáo dạy cấp hai. Nhiều năm ông lăn lộn với ngành Giáo dục, ông được tăng cường lên và ở thật lâu với các xã của huyện Chiêm Hóa. Nay về hưu, muốn làm thêm để cải thiện kinh tế gia đình. Thấy việc chế biến lá mai xuất khẩu có chiều hướng kiếm ra tiền, chúng tôi lập công ty TNHH. Ông làm giám đốc, tôi làm phó phụ trách kế toán, kiêm luôn cả việc thu mua. Lúc đầu người dân chưa biết cách sấy lá như thế nào, tôi lại kiêm luôn chân phụ trách kỹ thuật.
Chuyến đi lần ấy có ông đi cùng là vì ở Yên Nguyên ông có người bạn già cùng dạy học với ông nhiều năm. Ông muốn đích thân đưa tôi lên gặp ông bạn mình, hướng dẫn để hai người con của ông này biết cách xây lò, kẹp và sấy lá. Tên ông ấy là ông giáo Nghình, nhà gần chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chùa này dạo đó còn chút hoang sơ, chưa tôn tạo, mái vẫn lợp lá cọ, chưa có tường xây bao, quy mô tráng lệ như bây giờ. Chỉ còn tấm bia đá được che tạm bằng mái tôn. Mặc dù nghe nói chùa được xây dựng từ hơn bảy trăm năm trước, từ thời nhà Lý gả công chúa cho thổ ty họ Hà ở vùng này).
Sở dĩ chúng tôi chọn Yên Nguyên, Hòa Phú vì hai xã này có nguồn lá mai dồi dào. Mấy xã như Trung Hà, Minh Quang cũng không kém. Lá mai ở đây dư kích thước, đảm bảo tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu, lá rộng bản, dầy dặn và đẹp mã. Chủ hàng người Đài rất chuộng. Giá nó cao hơn hẳn giá lá mai khai thác các tỉnh khác như Thanh Hóa, Hòa Bình.
Đặt điểm chỗ nào cũng được, nhưng chọn chỗ ông Nghình làm trung tâm vì chỗ đó tiện đường quốc lộ hai, dễ đón xe chở hàng về thị xã. Hơn nữa dù sao chọn chỗ quen biết dễ ăn ở sinh hoạt hơn.
Trước lúc đi, ông cẩn thận mua một túi bánh mì, còn mang theo cái bi đông hãm nước chè. Bánh mì hồi ấy người ta làm cỡ to hơn bây giờ. Bột làm bánh là bột thật, không pha trộn linh tinh nên mùi bánh rất thơm. Bánh để đến hôm sau vẫn mềm, ăn có vị ngòn ngọt, không cứng queo, khô khốc như bây giờ.
Tôi bảo ông anh: “Mua sẵn làm gì, tới đâu tính tới đó”. Ông bảo: “Chú buồn cười, cẩn tắc vô áy náy, rồi chú xem, ta cẩn thận không thừa”. Đến cây ba mốt mới biết là đúng như ông anh mình nói. Từ ngã ba đến bến phà Bợ hàng quán lơ phơ, chả có gì nhiều có thể lót dạ. Vài chiếc bánh gai, dăm nải chuối, mấy túi kẹo bột, kẹo vừng. Đang đói bụng mà dùng các thứ này không ổn lắm cho ông anh ruột của mình.
Vùng quê nghèo nên hàng quán cũng đơn sơ. Giả như có đủ mặt hàng như thời bây giờ bán cũng ít người mua. Người dân kiếm ra đồng tiền cũng khó, khách bộ hành người ta mang cơm nắm, muối vừng, nước đựng vào những cái chai thủy tinh, nút lá chuối. Thôi thì “thời nào áo ấy”, ai cũng thấy như vậy, cũng là bình thường, chả quan tâm.
Ông anh nhiều năm làm giáo viên dạy học ở Yên Nguyên, Hòa Phú nên dân tình, sinh hoạt ở đây thế nào ông ấy nằm lòng. Chuẩn bị như nói ở trên là rất “chính xác” rồi. Hai anh em ngồi chờ trên xe khách cả tiếng đồng hồ mới có phà sang đón. Hình như phía bờ bên kia có sự cố gì đó, nên mới lâu như vậy. Công việc hòm hòm thì ông anh kết nghĩa của tôi về thị xã (Tuyên Quang chưa lên thành phố để gọi tên như sau này). Tôi ở lại gần năm trời làm công việc thu mua. Đường đi lối lại quanh vùng tôi thuộc gần như dân bản địa, quen biết không ít người.
Ông Nghình đã mất từ mươi năm trước. Ông Thu, nhà gần đường chuyển sang làm công việc khác. Nghề làm lá mai chả biết bây giờ có còn ai làm nữa hay không? Nhìn hai bên đường tôi chú ý quan sát mà không bắt gặp nhà nào có giàn phơi lá trước sân như hồi trước ( Lá trước khi đưa vào lò sấy phải phơi qua nắng màu nó mới đẹp). Thời gian thay đổi, nhiều công việc cũng đổi thay theo cho phù hợp với sự vận hành đi lên của đời sống. Có nhiều việc còn biến mất hẳn ở thời bốn chấm không này. Tỷ dụ như nghề buôn và làm cối đá, cối xay thóc bằng tre, gỗ... Chỉ còn chút hoài niệm trong lòng những ai từng làm những công việc đó.
Chuyến đi lần này của tôi là vì một công việc khác. Cảnh cũ người xưa gợi lại trong tôi những kỷ niệm khó quên, gian nan vất vả một thời. Một chút dự định trong chuyến đi này của tôi là tìm lại người quen cũ, không biết có cơ hội nữa hay không vì mục đích chuyến đi này của tôi cùng với đoàn hơn chục con người có mục đích khác, mãi trên huyện bạn Lâm Bình.
Cảnh xưa in dấu trong tôi nay đã khác rồi. Hình bóng con phà năm xưa đã lùi về dĩ vãng. Không biết nó có được chuyển đi đâu đấy để làm nốt bổn phận của mình, hay về kho sắt vụn? Bãi biển nương dâu, kiếp người còn có đổi thay, huống chi nó chỉ là một con phà bằng sắt, vật vô tri vô giác!
Trước mắt tôi bây giờ là cây cầu cứng, có từ lúc nào vì đã lâu ít qua lại vùng này nên tôi cũng không biết nữa. Cảnh sắc hai bên đường lại càng khó nhận ra. Những mái nhà sàn cũ kĩ, lợp lá gồi bên cạnh những ngôi nhà đất sơ sài, lưa thưa ngày nào cạnh những bãi đất hoang đã không còn nữa. San sát nhà cao tầng đủ mẫu mã, san sát bên nhau. Nếu dùng quy chuẩn từ ngôi nhà để phân biệt giàu, nghèo của các hộ dân thì thực khó đoán. Tấm Pano bên đường màu xanh lá cây, chữ màu vàng: “Không để ai ở lại phía sau” thật ý nghĩa và thiết thực. Còn cửa hàng cửa hiệu chả thiếu thứ gì. Từ hàng tạp hóa, hàng ăn, đồ điện tử... chả kém gì ngoài thành phố. Sự khác biệt thành thị và nông thôn gần như không có ranh giới rõ ràng. Đâu là phố thị? Đâu là làng quê? Đi qua những vùng dân cư như huyện Chiêm Hóa khi này thật là khó đoán. Hình như khi người ta được thêm nhiều thứ, thì cũng mất đi một thứ gì đó, mình nghĩ chưa ra. Chẳng hạn như tiếng chim ríu rít ngày nào trên những bụi cây hai bên đường, vài con sóc chạy nhanh qua đường, cái mó nước trong veo chảy ra từ vách taluy chẳng hạn.
Cả đoàn vừa dừng chân ăn sáng ở một tiệm ăn khá sang trọng, rộng rãi, xung quanh thoáng đãng. Nội thất không kém gì nhà hàng ngoài thành phố. Đồ ăn ngon, có đủ món cho khách lựa chọn, đặc biệt là sạch sẽ, lại còn có cả tranh treo tường, vài chục giò phong lan, mấy chậu cây cảnh... để khách ai thích thì ngắm nhìn cho đủ phần cảm thụ tinh thần. Cái cảnh nhếch nhác, tạm bợ không còn dấu vết. Nó tự nhiên như điều cần phải có, như thứ gia vị tất yếu của cuộc sống thời hiện đại.
Xe đang qua đèo Gà. Từ trên đỉnh đèo nhìn sang bên tay phải là một khoảng không gian thoáng đãng. Cánh đồng trồng lúa, rau màu xanh mát. Thấp thoáng bóng nhà cao tầng sau những lùm cây. Cảnh tượng thật yên bình. Những năm trước mình từng lặn lội qua đây thu mua lá mai về chế biến xuất khẩu nên thuộc đường đi lối lại thời ấy. Đó là những con đường đất quanh co. Có chỗ cây đổ ngả nghiêng choán hết mặt đường. Phải vất vả lắm mới đưa được con “Min khù khờ” qua những con dốc hay một đoạn suối sâu. Bây giờ đã là đường nhựa, đường bê tông ngay ngắn, rộng rãi. Xe vài mươi chỗ ngồi có thể qua lại chẳng trở ngại gì.
Đã qua Yên Nguyên, qua chợ Hòa Phú, quang cảnh như một thị trấn. Cánh đồng hai bên đường trồng lạc, trồng dưa hấu giống mới theo lối làm luống phủ nilon xám như những đường băng tít tắp. Đường nội đồng, kênh mương đổ bê tông kẻ từng ô vuông vức. Tôi chịu không tìm thấy xưa mình đi lối nào nữa. Những đám ruộng manh mún, bờ cỏ cong queo ngày nào chả để lại dấu vết. Đất đai nơi này như đổi thịt thay da, mang diện mạo mới, như đang phát tín hiệu báo trước những ngày no đủ, vui tươi của vùng quê vốn nhiều bản sắc văn hóa, có tầng trầm tích tiềm tàng. Còn kia, phía xa xa là lối vào nhà ông Bàn Hồng Tiên một người Dao nổi tiếng một thời. Nơi có dòng suối trong mát chảy ra từ núi cao qua cánh đồng lúa xã Yên Nguyên, ra tận Cầu Cả. Địa danh thời kháng chiến chống Pháp còn để lại bia tưởng niệm bên đường. Vẫn con đường ấy, nhưng nhà cửa nom khác xưa nhiều. Tôi cứ như người mới đến đây lần đầu. Chỉ tiếc là xe không thể dừng lại lâu.
Nội trong ngày, chúng tôi phải qua thị trấn Vĩnh Lộc, qua Thổ Bình để lên bản Biến, xã Phúc Sơn và một vài nơi khác của chuyến đi này thuộc huyện Lâm Bình.
Còn nhớ ngày 28 tháng 1 năm 2011 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tách hai xã Phúc Sơn và Minh Quang của huyện Chiêm Hóa sáp nhập với một số xã của huyện Na Hang thành lập huyện mới Lâm Bình. Nâng tổng số huyện của tỉnh Tuyên Quang lên sáu huyện và một thành phố.
Huyện mới nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, giáp Hà Giang, có diện tích 917,55 km2 với dân số 51.425 người (Số dân từ đó đến nay tăng thêm bao nhiêu chưa có số liệu cụ thể). Huyện có mười đơn vị hành chính cấp xã, một thị trấn Lăng Can và chín xã. Ai đã đọc “Truyện đường rừng” của cố nhà văn Lan Khai chắc hẳn chưa quên những câu chuyện ám ảnh, lưu luyến của nhà văn về miền quê đầy huyền thoại, huyền bí này. Nơi có chín mươi chín ngọn núi ở Thượng Lâm được gọi là vịnh Hạ Long trên cạn với câu chuyện chín mươi chín con chim đại bàng đã từng dừng chân ở nơi đây. Điệp trùng núi đá hiểm trở, cao cả ngàn mét, một thời chìm trong sương mù của “Nà Hang quốc” một thời. Người dân, dù tộc người nào cũng cực kỳ hiếu khách. Rừng đại ngàn muôn vàn sản vật quý. Những rừng Pơ mu, thông đỏ, trai, nghiến, bạt ngàn. Giữa những khe sâu người ta gặp đây đó không ít những cây đinh hương hàng trăm năm tuổi. Giống cây này thường đứng riêng biệt, từng quãng mới gặp, không mọc liền nhau như loài cây khác. Thú rừng hồi ấy còn có cả hổ, gấu đi thành đàn. Mới đây thôi còn có tin người dân gặp hổ ra hồ thủy điện uống nước. Thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng khả năng là có thật. Bây giờ dưới tán rừng bảo tồn vẫn còn hươu nai, Voọc đen bạc má, lợn rừng. Chưa kể đến nhiều thảo dược quý giá chữa được các căn bệnh hiểm nghèo, chỉ vùng núi này riêng có. Ai đã đến đây rồi không khỏi bùi ngùi nhớ mãi khôn nguôi bởi cảnh sắc thiên nhiên và lòng dạ con người. Chỉ hiềm nỗi thời đó nơi đây gần như biệt lập, đường đèo suối quanh co, trắc trở.
Có thể chọn Lâm Bình làm điểm trung tâm cho du lịch sinh thái cả một vùng rộng lớn, lan sang các tỉnh bạn. Lên cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang khoảng một trăm năm mươi cây số. Sang hồ Ba Bể của Bắc Kạn độ một trăm ba mươi cây, qua Núi Cốc Thái Nguyên xa hơn một chút, độ một trăm tám mươi cây số.
Bây giờ tất cả các điểm du lịch này được nối với nhau bằng mạng lưới giao thông thuận tiện, thông suốt. Có thể đi bất cứ lúc nào, mùa nào. Chúng tôi đang trên quốc lộ Hai bảy chín. Con đường này mới mở sau chiến tranh biên giới phía Bắc. Đây là tuyến phòng thủ số hai bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Qua trạm kiểm lâm có cái barie chắn ngang đường một quãng, xe rẽ vào một khe núi hẹp, nom có vẻ hiểm trở vì con dốc cao phải hơn bốn mươi độ, hai bên vách đá dựng đứng như hai bức tường. Đó là lối vào bản Biến, một điểm du lịch homestay. Con đường bê tông thẳng tắp chạy qua một cánh đồng tương đối bằng của xã Phúc Sơn. Thấp thoáng dưới tán lá bên vách núi nhìn thấy từng đoạn ống nước bằng kẽm cỡ lớn dẫn nước. Bà con ở đây không dùng nước giếng như các nơi khác. Nước trăm phần trăm là nước sạch được nhà nước đầu tư dẫn từ thác Phù Chú trên núi cao về.
Bản Biến nằm dọc theo khe giữa hai dãy núi cao sừng sững, bấm máy đo thử, phải đến ngàn mét. Ở đây khi xưa là một động của người Dao đỏ, sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Nơi có những câu chuyện buồn lây sang cả cái tên gọi cho bản của thời bấy giờ.
Đó là câu chuyện bản đã từng biến mất hai lần. Lần đầu người già kể lại cho con cháu sau này là khi dân bản đi săn. Gặp một con rắn thần to lớn như một con trăn. Một người trong bọn dùng tên thuốc độc bắn nó. Con trăn chết, cả bản chia nhau ăn thịt rồi trúng độc. Duy nhất còn một phụ nữ mang thai hôm đó sang động bên, không được ăn nên sống sót. Lần thứ hai cách đấy cũng khá lâu, năm đó đói kém. Tự dưng có cơn mưa đá rất lạ. Những hạt mưa đá có màu huyết đỏ. Sau đó trong rừng nấm mọc rất nhiều. Cũng là loại nấm dân bản từng ăn nhưng không hiểu sao lần này ăn vào thì dính độc cả bản. Người Dao rất giỏi lấy thuốc giải độc, nhưng lần này cách nào cũng không chữa được.
Cũng có người nói đó là câu chuyện huyễn hoặc, chẳng qua người già kể lại để nhắc nhở người sau ăn uống cho cẩn thận. Thực ra thời xa xưa ấy dịch bệnh ở nơi thâm sơn cùng cốc này thường cướp đi mạng sống của dân cả vùng là chuyện hay xảy ra. Mà bệnh viện thuốc men là chuyện xa vời, chưa từng có. Người ta chết vì nhiều căn bệnh không đáng so với thời bây giờ. Dù gì cũng là những câu chuyện buồn. Nói chuyện với anh Hiền Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, tôi có hỏi sao không chọn cái tên khác cho hợp với thời đại cho nó vui tươi, phấn khởi? Hợp với mô hình homestay bản đang làm thì anh bảo: “Tôn trọng giá trị lịch sử của địa phương. Cũng là cách nhắc nhở về quá khứ để mọi người trong bản thấy ngày trước khổ thế nào để nay cố gắng vươn lên”. Tôi nghĩ cũng phải. Anh ấy còn trẻ mà nghĩ như vậy thật sâu xa.
Tranh thủ lúc trời còn sáng, cả bọn chúng tôi tò mò lên hang Thẳm Ngần gần nhà anh Phượng, một chủ hometay đêm nay chúng tôi nghỉ lại. Đây là cái hang trên lưng chừng núi đá, phải leo mấy chục bậc mới lên tới nơi. Lòng hang rộng bề ngang độ bốn chục mét, bề dài thì gấp đôi. Trong hang có đường điện kéo từ nhà Phượng lên nên rất sáng. Một ô ván sàn rộng như sân khấu ngoài trời được ghép bằng gỗ. Có nhũ đá tạo thành một cái ngai trên vách hang.
Đồ rằng thủa loạn lạc đây là chỗ giấu tiền của thổ ty trong vùng hay thổ phỉ, hay quân Cờ Đen gì đó. Hang rộng có thể chứa hàng trăm người. Tiền của giấu ở đây không biết nhiều như thế nào? Lại lưng chừng núi, không có đường lên thật là chỗ giấu của tuyệt vời. Những năm trước chưa làm du lịch cộng đồng đây là hang ổ của dơi. Nơi người ta thường leo lên lấy phân dơi về làm thuốc súng hoặc làm phân bón ruộng. Bây giờ mới có lối lên, điện thắp sáng để du khách tham quan.
Lâm Bình có nhiều hang động kỳ thú. Có hang còn rộng hơn, cảnh sắc lạ lùng còn có phần hơn hang Thẳm Ngần này. Tôi quên chưa kể cho mọi người về ngôi nhà của Phượng. Một người tuổi còn trẻ mà cất được ngôi nhà như thế này không phải chuyện vừa. Phải cỡ đại gia ở vùng xuôi mới có được. Nhà sàn năm gian cột bằng gỗ nghiến, vách và ván sàn lịa bằng thông đỏ. Thêm phần thiết kế nhà sàn cổ là có nhà tắm và toalet thiết bị hiện đại như ngoài thành phố.
Thực ra thì thu nhập từ mô hình homestay chưa nhiều nhặn gì. Lý Văn Phượng có được cơ ngơi như ngày hôm nay do cố gắng từ nhiều năm trước. Anh đã làm qua nhiều nghề, từ lái xe tải đến buôn bán sản vật rừng. Anh có mối rau sạch, lợn bí bán xuống tận thành phố và các tỉnh miền xuôi. Không riêng gì nhà Phượng, bản Biến còn hai chục nhà có cơ ngơi như thế. Bản biến khổ buồn khi xưa bây giờ đã mang diện mạo mới. Chúng tôi được chủ nhà mời cơm tối. Thức ăn được bày lên chiếc nia nhỏ đan bằng giang chỉ gặp ở vùng này. Chả lợn nướng cuốn lá ngõa, thịt gà ri, cá bống suối nấu với rau muống chua... rồi rượu thóc là những món ẩm thực riêng có ở nơi đây. Chưa kể đến rau bồ khai và mấy thứ rau khác tôi được ăn lần đầu không phải nơi nào muốn cũng có được. Cuộc sống đổi thay từng ngày. Ngay cả thời suy trầm kinh tế phạm vị rất rộng hiện nay đời sống của người dân bản Biến ở đây được như thế này là điều đáng mừng. Nhà nước đã hỗ trợ người dân bước đầu xây dựng mô hình du lịch cọng đồng. Bên cạnh việc nâng cao giữ gìn bản sắc dân tộc, nét lạ cái hay để lưu chân du khách đến những lần sau, nên chăng cần có mô hình trồng trọt, chăn nuôi cây giống, vật nuôi đặc thù của vùng này? Tôi nghĩ thị trường hiện nay sẽ rất chuộng.
Một vùng đặc sản thú vị riêng biệt của núi rừng mang lại lợi ích không nhỏ là điều có thể, trong tầm tay. Khí hậu nơi đây thật là dễ chịu. Dự báo thời tiết nhiều nơi đã có dấu hiệu nắng nóng. Ở bản Biến vẫn chưa phải dùng đến quạt điện hay máy điều hòa. Đã lâu tôi mới có được giấc ngủ ngon, không mộng mị.
Ngày mai chúng tôi lên Nậm Đíp, sang Thượng Lâm, Thổ Bình. Rồi thăm hồ thủy điện Na Hang. Thăm những hợp tác xã dệt thổ cẩm, nghề rèn, mô hình nuôi cá đặc sản có tiếng của Lâm Bình. Thăm các cảnh quan kỳ vĩ, các di tích còn lại đây đó dưới tán đại ngàn. Liệu sau chuyến đi này mỗi người trong chúng tôi có nảy ra được ý tưởng sáng tạo gì không? Hay ít ra cũng có vài ba ý kiến đóng góp xây dựng cho một vùng quê lưu luyến, từng đối đãi niềm nở, chân thành và trọng thị đối với mình?
H.G