Chuyện của Lan

Thứ tư, ngày 20-09-2023, 09:51| 602 lượt xem

Truyện ngắn của Hoàng Kim Yến

Minh họa của Quảng Tâm

 

Khác với nếp suy nghĩ của nhiều người miền xuôi khi được nghe nói về một nhân vật nào đó thuộc vùng miền rừng núi.

Lan có dáng người thanh thoát nước da nhỏ trắng mịn khuôn mặt tròn được ôm gọn trong làn suối tóc dài dầy đen nhánh. Đôi mắt một mí to lúc nào cũng nhìn thẳng người đối diện, sáng không hề vẩn một gợn mây.

Con gái Tày nhà ở vùng rừng núi sơn cước, bàn tay và bắp chân thon gọn không như vồ chuối rừng, nói năng cũng se sẽ nhẹ nhàng, đôi khi chín phần bẽn lẽn bảy phần e dè kiểu cảnh giác.

Lan được sinh ra và lớn lên ở bản Muồng, nơi đây chủ yếu là người dân tộc Tày, họ di cư từ Yên Thổ Cao Bằng sang Thượng Giáp của Na Hang để định cư sinh sống.

Ông bà Vẻ có với nhau hai mặt con, đó là Lan và cậu em trai hiện đang theo học trường nghề dưới tỉnh cách nhà hơn hai trăm cây số.

Bản của Lan có hơn ba chục nóc nhà, ngày còn bé Lan được chứng kiến nhà nào cũng nghèo cơm không đủ ăn.

Dân trong bản đàn ông chí thú việc săn bắn thú rừng, đàn bà làm nương trồng bông dệt vải, chăn thả vài con gà con lợn.

Nhà này cách nhà kia chục lần con dao quăng, có được chiếc xe đạp là oai là giàu nhất bản.

Mọi thứ vật dụng trong nhà cho đến trang phục thay mặc trên người, dân trong bản cũng tự làm bằng kĩ thuật thô sơ, nhà nọ học nhà kia, người này dạy cho người khác.

Từ đầu bản đến cuối bản nhà ai có việc có chuyện là tất cả xúm vào mỗi người một tay một chân, nhà góp khum lúa  nhà góp con gà tép, nắm rau cải nương, con chuột núi... Để làm cơm canh hội họp.

Hai chị em Lan chỉ được bố mẹ cho theo học hết cấp hai trường huyện, bố mẹ bảo:

- Con gái học biết cái chữ biết nhìn mặt đếm số đồng tiền thế là đủ rồi, về phải đi lấy chồng thôi. Còn con trai phải cho đi học cái nghề sau này vợ nó không khinh.

Chị em Lan chẳng đứa nào phản đối, bố mẹ nói không đúng thì ai đúng.

Mới mười lăm tuổi đầu nhưng Lan đếm sơ sơ đã có sáu bảy nhà dẫn con trai đến chào hỏi bố mẹ mình và xin Lan về làm dâu con nhà họ.

- Mày ưng thằng nào trong số các nhà đến đây con?

Bà Vẻ ngồi nhuộm sợi bông, tay xanh đen nhựa chàm hỏi con gái.

Lan chẳng nói gì, mặt và hai tai đỏ nựng vừa thích vừa xấu hổ. Ở vào lứa tuổi này trong bản  nếu chưa lấy chồng sinh con là coi như ế. Lan lại xinh gái nhất bản không mau chóng cưới chồng thì sẽ bị vu là ma gà hoặc ma cà rồng.

- Hỏi nó làm gì đợi tôi đi rừng nốt chuyến này xong về gả nó  cho đám nhà ông Cẩy, thằng con ông ấy khỏe nhanh nhẹn biết việc, con Lan nhà mình đỡ khổ.

Bố Lan ngồi trên tảng đá to góc sân lau chùi kiểm tra lại khẩu súng đi săn có hai cái nòng dài đen xanh ánh thép nói to như quát, khiến hai mẹ con Lan giật cả mình. Ông quý khẩu súng hơn cả vợ, nghe đâu khẩu súng báng gỗ dây da này là  cụ nội Lan trước làm thổ ty truyền lại cho con cháu. Cả bản mỗi mình bố Lan có khẩu súng đấy. Trong vườn nhà kiểu gì cũng phải nuôi con gà trống thiến sứt mấy năm khi già mổ lấy mỡ nó cho ông lau súng.

Đó là câu chuyện của chục năm trước.

Vạn vật thay đổi, bản Muồng không còn nghèo đói cheo leo đến con đường cũng không có lối như ngày xưa. Lan giờ đã làm hướng dẫn viên du lịch của huyện, hàng ngày phải đón và dẫn đến chục lượt khách mọi vùng miền đến quê mình tham quan du lịch.

Từ một cô gái bản ngu ngơ không có kiến thức và hiểu biết. Lan đã thuộc làu làu mọi địa danh và lịch sử huyện mình.

Khi được cán bộ xã cho đi học lớp bồi dưỡng về hướng dẫn viên du lịch, thầy giáo bảo: Người của rừng mà không biết gì về rừng, bao nhiêu con suối, bao nhiêu loại cây, động thực vật bao gồm gì, mưa nắng khí hậu ra sao, đặc sản vùng miền thế nào. Thì làm du lịch kiểu gì.

Thế là Lan phải chịu khó đâm đầu vào học, ngoài bản Muồng  xã Thượng Giáp của mình Lan không biết gì hơn nữa,  bởi biết thì cũng chẳng để làm gì, người già trong bản lại mắng cho nhiều chuyện.

Cứ nghĩ lại thấy xấu hổ vô cùng. Mấy bạn học cùng lớp khá hơn Lan một chút, họ còn đọc được một số xã họ biết trong huyện.

Lan dốt nhận luôn mình dốt, thế là phải ghi vào vở tên tất cả các xã trong huyện để học thuộc. Diện tích rồi dân số rồi những nét văn hóa đặc trưng vùng miền...

- Na Hang gồm mười một xã: Sinh Long, Thượng Giáp, Thượng Nông, Côn Lôn, Yên Hoa, Hồng Thái, Đà Vị, Khau Tinh, Sơn Phúc, Năng Khả, Thanh Tương... ư... ư.

- Ư cái gì mà ư! mày bắn một tràng như pháo hoa thế à.

Đứa bạn cùng phòng cười ré lên khi nhìn Lan nhắm mắt trên tay cầm quyển sách gấp lại đọc to.

- Đủ rồi nhỉ?

Lan mở to mắt thở phào hỏi bạn.

- Mày định mở thêm xã nào trên bản đồ địa chính huyện thì cho vào.

Ha ha ha... Hai đứa cùng cười phá lên.

Trước khi được vào làm hướng dẫn viên du lịch ở phòng văn hóa huyện. Lan và bạn trai người xã bản Bung hiện đang làm kiểm lâm ở địa phận rừng đặc dụng Tát Kẻ, dẫn nhau đến chân núi Pắc Tạ, nơi có đền thờ người thiếp yêu vợ sắp cưới của Chiêu Văn Vương tướng quân Trần Nhật Duật.

Mẹ Lan bảo đền thờ này rất linh thiêng, muốn vợ chồng hạnh phúc con cháu sinh sôi làm ăn yên ấm, chỉ cần thành tâm đến lễ bái một nén hương thơm, bà cũng ban ơn cho.

Tấu người yêu Lan cũng là dân tộc Tày, duyên số gặp nhau bất ngờ như ngọn gió bay lọt qua chín mươi chín con phượng hoàng đậu trên chín mươi chín đỉnh ngọn núi quê họ.

Lần đầu tiên gặp nhau Tấu chỉ kể về các loài động vật trong khu rừng bảo tồn thiên nhiên đặc dụng. Nào là hai trăm ba mươi loài chim, chín mươi loài thú, Voọc mũi hếch được ghi trong danh sách đỏ…

Anh chàng nói như trả bài, chắc trước khi vào làm nghề, thầy giáo bắt học thuộc lòng như mình rồi. Lan nghĩ vậy.

Hơn người ta có một tí tuổi mà cứ như trưởng bản. Hai đứa gặp nhau ngay trên thác Khuổi Nhi, khi Lan trượt chân suýt ngã xuống vực, Tấu đã nhanh tay kéo lại được. Nhà Tấu cũng hoàn cảnh một mẹ một con.

Nhà Lan bố mất sớm. Họ có nét tương đồng nên dễ hòa hợp.

Vừa mới gặp Tấu, Lan đã kể hết chuyện gia cảnh nhà mình chẳng ngại ngần gì, đằng nào nếu kết bạn khi đến nhà nhau chơi họ cũng sẽ biết thôi.

Sau buổi chiều nói chuyện cưới gả đó. Bố Lan khăn gói vào rừng, mỗi chuyến đi săn của ông thường là bốn đến năm ngày mới trở về.

Ngày trước còn beo cọp, bố Lan hay đi theo tốp, nhóm. Mỗi lần về cả bản đèn đuốc nhộn nhịp, nhà nào cũng có mẩu thịt tí xương được chia.

Lần này bố Lan chỉ đi có một mình, lương thực mang theo cũng chỉ vài nắm cơm lèn cứng với ít vừng đen mặn muối.

Chưa đầy ba ngày ông trở về áo quần bám đầy đất và ướt đầm sương muối, trên tay bế theo con khỉ con gầy nhẳng mắt ướt nhèm. Mặt mũi ông trông như ma dựng xó bếp, nom trắng bệch phát sợ.

- A lúi! Bố con Lan làm sao thế này.

Mẹ Lan nhìn thấy đầu tiên hốt hoảng chạy ra đỡ vội lấy thân hình sắp đổ sụp xuống của chồng. Con khỉ con khều khào đôi bàn tay lông lá dài ngoằng bám chặt vào cổ bố Lan, nó run bần bật miệng kêu rít lên hai tròng con ngươi đỏ hoe sợ hãi.

Chị em Lan đứng nấp sau cánh cửa cũng run người không biết chuyện gì đã xảy ra với bố mình.

Bố Lan ốm nằm bẹp giường, thi thoảng ông lại chồm lên ú ớ như người bị lấy mất hồn.

Mẹ Lan nghe lời dân trong bản đi mời thầy mo về làm lễ cúng một con lợn hôi, bảy đầu gà, ba mâm xôi trắng, hai chum rượu để thầy đuổi con ma rừng ra khỏi người bố, mà ông ấy vẫn không đỡ.

- Bố ơi! hu hu hu, bố cứ thế này, mẹ và chị em con biết làm sao, cả nhà đi vay mượn gạo thóc khắp bản về làm lễ cho bố, bây giờ không còn sức nữa rồi. Con khỉ con cũng sắp chết vì đói rồi bố dậy mà xem.

Thằng em Lan ôm con khỉ nhỏ dặt dẹo trên tay ngồi bệt dưới đất cạnh chân giường bố Lan khóc tu tu.

Như một luồng điện cao thế chạm phải. Bố Lan thốt nhiên mở choàng mắt bật nhỏm dậy, thở đứt quãng thều thào:

- Chăm nó cẩn thận... không được để chết... nghe chưa... mẹ nó chết rồi.

Từ đáy mắt ông những giọt nước mắt to đục lăn ra, hai bờ vai ông rung lên từng đợt.

Lần đầu tiên trong đời Lan nhìn thấy bố mình khóc.

Vì muốn có thêm tiền mua cho con gái ít trang sức bạc làm của hồi môn trước khi cưới chồng. Bố Lan nhận lời với người chuyên đi thu mua khỉ về để buôn bán với giá khá cao, nghe đâu đến bạc triệu một con.

Sau gần hai ngày ngồi rình, và chờ đợi bên nương ngô lưng núi, bầy khỉ cũng kéo nhau mò đến bẻ trộm của dân. Khẩu súng săn hai nòng với loạt đạn ria đã được ngắm và bắn ra trúng đích.

Cả đàn khỉ thét lên nháo nhào bỏ chạy. Bố Lan lại điềm nhiên lạnh lùng bóp cò. Pằng... Tiếng đạn nổ chát chúa. Một con khỉ to bị trúng đạn nằm vật ra, nhưng rồi nó cố vục dậy gắng hết sức bò lết thật nhanh.

Bố Lan khoác vội súng cầm túm thừng đuổi theo.

Trước mắt ông là hình ảnh con khỉ mẹ một tay quàng giữ chặt con khỉ con vào bụng, tay kia nó quờ vội đám ruột trắng lòi ra vì bị đạn bắn trúng nhét vào lỗ thủng đạn xuyên. Máu túa ra xối xả, con khỉ con nhắm chặt mắt thét lên.

Khỉ mẹ vội vàng buông tay rịt vết thương ấn ngay đầu khỉ con vào bầu ti đang dòng dòng chảy ra những hàng sữa trên ngực mình. Ánh mắt khỉ mẹ nhìn bố Lan vừa căm hờn vừa như van lơn người thợ săn tha cho đứa con bé bỏng tội nghiệp của nó.

Một giây thôi, bố Lan sụp xuống hai đầu gối run không đứng dậy được, hối hận ăn năn cũng quá muộn màng.

Ông gỡ con khỉ còn non nớt ra khỏi vòng tay khỉ mẹ, mặc nó chống cự yếu ớt miệng phát ra những tiếng kêu tiễn biệt đến rợn lòng.

Lặng lẽ như một cái bóng bố Lan lấy dao rựa đào đến chảy máu tay hố để chôn cất khỉ mẹ. Những bước chân vô hồn dẫn ông tìm về được đến nhà mình.

Hình ảnh thảm khốc quá bi thương đó cứ ám ảnh in sâu vào não bộ của ông, khiến ông không thể khỏe lại, không phải vì ông khiếp sợ, trước đó ông đã từng bắn chết xả thịt hàng trăm muông thú kể cả beo, lợn lòi...

Nhưng lần này rất khác, nhìn và chứng kiến cảnh mẫu tử chia lìa, trước khi chết vẫn còn cố đút cho con tu bầu sữa...Ông sốc nặng.

Trước khi mất một tháng bố Lan còn dặn hai chị em chăm cho khỉ non cứng cáp khỏe mạnh xong thả nó về với rừng.

- Loài nào cũng có quyền được sống, mấy chị em mày nhất là thằng Tòng đừng giống bố tạo nghiệp sát sinh muông thú nhớ chưa. Bố mà chết chôn khẩu súng săn theo cùng.

Ngày bố Lan mất lúc làm ma đưa ra nghĩa địa bìa rừng, con khỉ con cũng rưng rưng nước mắt, hình như nó đã coi bố Lan là người thân, khi không trông thấy ông đâu nó buồn ngơ ngác, thi thoảng kêu ré lên và hướng cái nhìn về phía núi, nơi quanh năm bốn mùa mây bao bọc sương giăng trắng mắt lá ngọn cây.

Ba mẹ con Lan và con khỉ bên nhau trưởng thành khôn lớn. Thằng em trai xuống tỉnh đi học trường nghề sửa chữa điện dân dụng, Lan đi học du lịch.

Nhà còn mẹ và khỉ con vui nhộn.

Khi Tấu đến nhà khỉ con ném ngô ném đá không cho vào, may sao điều đó chỉ xảy ra hai ngày. Giờ thì khỉ con đã trở về với bầy, hôm chia tay, mẹ Lan khâu cho nó chiếc áo đỏ nom giống như trong phim tôn ngộ không.

Cả nhà cũng bịn rịn không nỡ, thằng em Lan không về được nó gọi điện bắt Tấu và Lan quay cờ líp cho nó xem rồi lưu lại làm kỉ niệm, lỡ mai vào rừng biết còn nhận nhau.

Người và vật không lỡ rời xa, khỉ con cứ ngoái cổ nhìn lại, Lan và mẹ cũng đứng mãi bên đường cho đến khi xe ô tô chở khỉ con chìm khuất sau những vạt cây.

Khỉ con đã được Tấu (chồng sắp cưới của Lan) thả về khu bảo tồn thiên nhiên của Na Hang. Nơi đó nghe Tấu kể nó rất rộng, gần ba nghìn ha nằm trên địa bàn của bốn xã Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú và Thanh Tương.

Lan lẩm bẩm: Thế này biết bao giờ mới gặp được em ấy, núi lắm rừng cũng nhiều, chỉ mong khỉ con mạnh khỏe và đừng quên mặt mẹ con chị nhé.

- Có chồng là con khỉ lớn đây rồi.

Tấu bấu nhẹ vai Lan trêu chọc. Sáu tháng mùa hè và sáu tháng mùa đông rồi cũng qua đi trong khí lạnh khô hanh đậm chất đặc trưng vùng miền, những đám sương muối cục bộ không thể ngăn được bài Páo dung kể chuyện nhà trời tiếng đàn Then, làn Sli, múa Lượn của các dân tộc anh em trong lễ hội nhảy lửa đêm rưng rưng lạnh.

Sông Gâm và sông Năng vẫn ngày đêm đổ về gặp nhau dưới chân núi Pắc Tạ, dệt nên bao câu chuyện cổ tích đời thường gieo những nhớ thương vấn vương bước chân người.

Chuyện của Lan nó như ngày bình thường trong tuần trong tháng. Có thể ai đó đã bắt gặp đâu đó rất đỗi thân quen, nhưng với tôi một khách du lịch phương xa dù có được nghe được thấy thêm nhiều lần vẫn cảm được sự mới lạ như rừng vào mùa thay lá, dưới những lớp thảm thực vật thân mềm, tiếng tí tách nứt vỏ của những hạt cây đang nẩy mầm khát vọng.

 Vẫn đôi mắt một mí to tròn, vẫn giọng nói thật thà chất phác nặng ngữ điệu văn hóa dân tộc vùng miền.

Chưa uống bát rượu ủ men ngô nổi tiếng của Na Hang mà tôi đã thấy hồn lâng lâng khó tả, không phải say sóng nước lòng hồ thủy điện thì cũng say khi ngắm nhìn đếm chín mươi chín ngọn núi, mà còn nhiều hơn thế. Thì cũng say bởi sự  thân thiện gần gũi của người dân xứ này.

Đến một lần và muốn quay lại nhiều lần để khám phá để tìm cùng chị em Lan, khỉ con ngày nào trong rừng đại ngàn có tiếng thác reo và bao huyền thoại.

Trại sáng tác Na Hang Tuyên Quang 10/2022

H.K.Y

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 87 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 27 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 27 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 19 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 108 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 461 lượt xem