Về miền cực nam tổ quốc

Thứ tư, ngày 20-09-2023, 09:56| 883 lượt xem

Ghi chép của Lê Thu

Minh họa của An Bình

 

Chúng tôi vào miền Tây Nam Bộ, khi mùa thu ở miền Bắc vừa chợt ùa về,  mang theo những cơn mưa dây rớt, cố xua đi nỗi bực dọc của một mùa hè rừng rực nắng. Khi người phi công thông báo, chuyến bay đã sắp về nơi hạ cánh. Nhìn qua ô cửa nhỏ, đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn thấp thoáng hiện ra trong làn mây trắng bạc. Thật tuyệt diệu, lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng bức họa khổng lồ, bằng phẳng của tự nhiên. Những nét vẽ giản đơn chỉ có màu xanh của lá, màu bạc của nước và lốm đốm những chấm sáng nhỏ của những nóc nhà trong bức tranh tự họa của thiên nhiên vào lúc giao mùa, pha với những xúc cảm của miền đất phương Nam đằm thắm.

 

Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất phì nhiêu và thơ mộng này được đắp bồi bởi dòng sông Mê Kông hũng vĩ. Dza Chu (nước của đá) là tên sơ sinh của con sông, nơi nó được khởi nguồn từ trên những ngọn núi phủ đầy băng tuyết, trên cao nguyên Tây Tạng nhuốm màu huyền bí. Khi rời khỏi cao nguyên lạnh giá, sông hóa mình thành Lan Thương Giang (con sông xanh cuộn sóng) với gần nửa thân hình, trải dài từ trên những đỉnh núi băng, trong biên giới của nước Trung Hoa rộng lớn. Biên giới ấy rộng đến mức, mà hầu như những con sông trên quê hương tôi, đều bắt nguồn từ những vùng đất xa xôi ấy. Trong những chuyến thủy trình, từ trên đỉnh những ngọn núi tuyết, của cao nguyên Tây Tạng chảy về, dòng nước này phải đổ qua bao những con thác cao, lách luồn qua bao hẻm sâu, băng qua bao  ghềnh đá và trôi qua ranh giới của những miền đất lạ, với những cái tên Myanmar - Lào - Thái Lan - Campuchia do con người phân định. Mê Kông nghĩa là thơ mộng, là “mẹ của các con suối” hối hả tìm về. Dòng nước lạnh, ngay lúc vừa sinh ra đã vội vã rời khỏi nơi khởi nguồn, vật vã chảy để tìm về biển rộng. Khi về đến chốn này là sông đã trôi qua bao miền đất, đã nghe biết bao câu hát, giọng hò, những lời thở than và những tiếng khóc, giọng cười. Sông chứng kiến bao nhiêu những phận người, những bản làng, phố thị... Khi chảy vào nước Việt, Mê Kông bỗng hóa thành chín cửa sông đỏ đục phù sa, như chín ông rồng đang bơi ra biển cả. Và dòng sông huyền thoại ấy được người dân nước Nam kiêu hãnh gọi tên sông Cửu Long - Chín Rồng.

Dòng Cửu Long chảy về đây đã phải băng qua gần năm ngàn cây số, khoảng cách ấy dài gấp đôi con đường từ trên đỉnh Lũng Cú về đến Mũi Cà Mau. Và chiều cao, từ đỉnh của ngọn núi băng lạnh giá, cũng bằng nửa khoảng cách đến nơi tôi ngồi, khi đã bay ở trên độ cao gần mười cây số, giữa lưng chừng trời.

Lan Thương Giang, hay Mê Kông đã an nhiên trôi qua bao thiên niên kỷ. Nhưng giờ đây, sông đã không còn vẹn nguyên như lúc mẹ thiên nhiên đã sinh ra từ nơi khởi thủy. Hơn hai mươi con đập khổng lồ, với những cái tên xa lạ Pak Beng, Luang Prabang, Xayaburi... nằm ở trên thượng nguồn, đã làm dòng sông xanh, cũng là mẹ của các con suối này bị giam hãm mệt nhoài. Từ hàng ngàn năm qua, sông đã mải miết cõng những hạt phù sa để đắp bồi, gắn liền những vết thương cho đất, mỗi khi bị sông sâu hay biển rộng cợt đùa gặm xé. Nhưng hôm nay, sau mỗi lần thoát khỏi những con đập ngăn dòng, nước đã phải ngậm ngùi bỏ lại ba phần tư lượng hạt phù sa đỏ thẫm, được dòng nước mang theo từ trên những ngọn núi, trong hành trang về biển của mình.

*

Lần đầu tiên tôi được đến thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, một vùng đất của đồng bằng châu thổ Cửu Long phì nhiêu, tươi tốt. Từ xa, Cần Thơ như một thành phố nổi, với chằng chịt những con đường, những tuyến phố bằng phẳng, những hàng cây đang vào mùa xanh lá. Nhưng khi lại gần mới thấy, đó vẫn là những con đường, nhưng là đường mặt nước. Những tuyến phố lớn, hay những con ngõ nhỏ là những dòng kênh, con rạch. Trên con đường mặt nước phẳng phiu, êm ái ấy là những chiếc tàu to, những chiếc ghe nhỏ đang tấp nập qua lại, ngược xuôi.

Thả bộ dọc theo bờ sông Hậu (một trong hai phân lưu của dòng Mê Kông), ngắm nhìn sông nước mênh mang, lờ lững trôi qua những bến nước, chui qua những cây cầu để tìm về với biển. Bên này cầu Cần Thơ là quận Cái Răng, nhưng sang đến bên kia bờ đã là thị xã Bình Minh, của tỉnh Vĩnh Long rồi.

Dọc dài theo những bờ sông, hay bên trong những dòng kênh, con rạch là những mảnh đời đang lầm lũi, ngược xuôi mưu sinh trên nước. Trên mặt sóng lăn tăn ấy, khi thì họ tíu tít bận rộn với những người mua, kẻ bán nói cười xôn xao trên những chiếc ghe, thuyền chòng chành theo sóng, lúc thì lại lặng lẽ, lặng im đợi chờ trong những ngôi nhà bé nhỏ, mỗi khi có cơn gió lớn vụt qua cợt đùa, chúng lại rung lên, run rẩy. Vào mùa nước nổi, dòng sông dềnh lên đầy những nước, những dòng kênh, con rạch lại được dịp ngập tràn ra những cánh đồng xanh mướt, giờ chỉ còn lại một màu trắng xóa.

Tôi chợt nhớ đến những con đường, hay phố chợ Tam Cờ của quê tôi ngày trước, mỗi khi mùa lũ ập về là cả xóm trên, ngõ dưới bên trong, hay con phố lớn bên ngoài bờ sông đều ngập chìm trong nước. Nước cứ dâng đến đâu, người ta lại chạy lên những quả đồi, nơi mà dòng nước lũ không thể với tới được. Cuối cùng nước cũng chịu thua người, một tuần, nửa tháng rồi chúng cũng phải rút về sông.

Nhưng ở đây chỉ có những cây cầu, hay những tòa nhà cao tầng như những quả đồi, ngọn núi để tránh mùa ngập nước. Ở nơi mênh mang sông nước này, trong tôi bỗng ngập lên nỗi lo lắng mơ hồ “nhỡ ra, sau này chỉ còn mùa nước nổi”.

Nép sát vào bờ đất, con thuyền kia đang duỗi mình ngơi nghỉ trên sông, chỉ có đôi mắt to tròn của nó vẫn chăm chú dõi theo những con sóng nhỏ đang dập dềnh, vẻ như đang vô tư đùa giỡn.

Chúng tôi nắm tay nhau tiến lại gần mép nước, ngồi đây để được tận hưởng những cơn gió đêm mát lạnh từ mặt sông thổi vào. Giữa dòng nước xa, những con tàu được thắp sáng bởi những ngọn đèn xanh, đỏ sáng choang đang thong dong dạo chơi trên dòng sông rộng. Và trên mặt nước lao xao ấy, chợt vẳng lên những câu ca trầm bổng, thiết tha hòa vào sóng nước: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Nét thơ mộng của Cần Thơ luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu, đó là sự giao thoa của những ranh giới mỏng manh giữa đất với nước, giữa nước với người. Đất, người và nước cứ hòa quyện lấy nhau, như muốn xóa nhòa đi cái ranh giới mỏng manh kia, nơi nước và người vẫn luôn song hành và lấp xấp bên nhau.

*

Theo con đường quốc lộ, từ Cần Thơ xuôi về thành phố Bạc Liêu cũng mất chừng hai giờ đồng hồ. Mỗi khi nhắc đến Bạc Liêu, là tôi lại nghĩ ngay tới cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” xanh ngát, mà hồi nhỏ đã được nghe kể chuyện. Đón chúng tôi từ ngoài thành phố, các bạn ở Bạc Liêu đưa chúng tôi dạo một vòng tham quan thành phố. Điểm đầu tiên là đến chiêm bái Phật Bà Nam Hải đang nhìn ra biển Đông. Tôi và mọi người, ai cũng cầu mong Phật Bà luôn phù hộ và chở che cho những con tàu và những người dân ra biển khơi bắt cá. Vào vãn cảnh chùa Xiêm Cán, một ngôi chùa to lớn và đẹp nhất trong các chùa Khmer ở Nam bộ, chúng tôi ai cũng trầm trồ, thán phục trước những nét điêu khắc tinh xảo và đẹp mắt của ngôi chùa cổ kính. Trên đường ra cánh đồng điện gió Bạc Liêu, từ xa tôi đã thấy những hàng cây chong chóng thấp thoáng trên mặt nước. Từ trong bờ ra cánh đồng ngoài biển là cây cầu độc đạo, dài hun hút nổi cao trên mặt nước. Một trăm trụ tuabin gió, được xếp thành từng hàng. Những trụ tuabin như những chàng trai khổng lồ, đang dang dài những cánh tay từ từ quay trong gió. Cho dù từ sáng sớm đến đêm khuya, từ ngày này sang tháng khác, chúng cứ mải mê vui đùa với những cơn gió mát, đang gợn sóng miên man trên mặt biển rộng.

Khi đứng dưới chân cột chiếc tuabin, tôi mới nhận thấy sức mạnh phi thường của những chiếc chong chóng to lớn này. Nếu mỗi trụ tuabin là một chàng trai khổng lồ, cao kều đứng trên mặt biển, mỗi chàng trai ấy sản sinh ra 4 MW điện, và chỉ cần 480 chàng trai cao kều này, sẽ có sức mạnh ngang bằng con đập thủy điện Hòa Bình đồ sộ ở ngoài miền Bắc. Ngắm nhìn những hàng tuabin gió, tôi chợt ước ao, giá như những con đập bậc thang trên dòng Mê Kông kia, được thay bằng những chiếc chong chóng vô tư này nhỉ!.

Trở về khu lưu niệm của người nghệ sĩ đờn ca tài tử Cao Văn Lầu, tác giả của bài “Dạ cổ hoài lang” mà có lẽ người dân Nam Bộ nào ở đây cũng thuộc. Trong không gian ngập tràn niềm cảm mến với người nghệ sĩ tài hoa, giản dị, chúng tôi được nghe cô gái Bích Ngân kể cho nghe những giai thoại cuộc đời gian truân, lận đận và tiếng đàn mê hoặc của người nhạc sĩ: “Năm 1900 gia đình nhạc sĩ Cao Văn Lầu xuôi từ mảnh đất Long An về Bạc Liêu sinh sống. Năm 1901, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cha mẹ đã gửi ông vào chùa Vĩnh Phước An để học kinh Phật. Đến năm 1908, ông thọ giáo thầy Lê Tài Khí học đàn. Năm 1915, khi ông vừa tròn 25 tuổi, cha mẹ đã hỏi cưới bà Trần Thị Tấn về làm vợ cho ông. Bà Tấn là người phụ nữ siêng năng, yêu chồng nhưng họ sống chung với nhau đã hơn ba năm nhưng chưa có con. Do quan niệm “Tam niên vô tử bất thành thê”, tức là “ba năm không con không thành chồng vợ”. Mẹ của ông, do lo sợ dị nghị của xóm làng nên bảo ông dẫn vợ về trả lại cho gia đình. Không thể trái lời, ông đành đưa vợ về bên ngoại, nhưng hễ có dịp chơi đờn ở đám tiệc là ông lại ghé về thăm vợ. Thời đó, ông đã thấy hàng ngàn, hàng vạn gia đình có chồng, con bị bắt sang Pháp để làm lính trong chiến tranh. Trong nỗi niềm riêng - chung ấy, ông đã sáng tác nên bản “Dạ cổ hoài lang”, nghĩa là “Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng”. Có lẽ, ông đã hiểu được tâm trạng mong nhớ của những người vợ khi phải xa chồng, mà ông đã thay lời của người vợ để viết lên những tiếng lòng tha thiết. Sau những lần trốn sang thăm vợ, rồi ông bà cũng có người con đầu lòng, và sau này hai ông bà có đến bảy người con” - Cô gái dẫn chuyện cười, với nụ cười tỏa nắng.

Và khi nữ nghệ sĩ Mỹ Hạnh cùng ban nhạc Âm vang dạ cổ, với bộ đàn Tứ tuyệt ngân lên cùng với những lời ca nhớ nhung, da diết. Xung quanh tôi chỉ còn màu xanh của sự bình yên, sắc tím của lòng thủy chung và ánh trắng của nét tinh khôi. Và những sắc màu hư ảo, những thanh âm luyến láy, trữ tình quyện lấy nhau đã làm tôi lạc vào trong mắt bão. Tôi muốn ngủ một giấc thật dài, thật xa trong những âm sắc ngọt ngào, sâu lắng ấy. Những lời tình ca của bài Dạ cổ hoài lang, như sợi dây nối người với người, nối người với những cánh đồng trải dài miên man, nối những dòng sông, con rạch với trời, với biển. Sợi dây ấy cứ dài ra, nối từ đời này sang đời khác, theo những người nghệ sĩ nơi đây để trở thành bất tử.

Tôi tặng bạn Mỹ Hạnh - người nghệ sỹ Bạc Liêu xinh xắn - cây Tính Tẩu quê mình. Dù Tính Tẩu phong lưu chỉ cần một sợi trên mình, dù Tính Tẩu chỉ cất lên những âm thanh đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng cả tấm lòng chân tình của những người miền núi quê tôi.

*

Sau một quãng đường dài, chúng tôi dừng chân tại huyện Năm Căn, của tỉnh Cà Mau để ra thăm mảnh đất xa xôi tận cùng phía Nam của đất nước. Chắc hẳn, ai cũng ao ước một lần trong đời để được đặt chân đến mảnh đất thân thương này.

Từ cảng Năm Căn, chúng tôi lên chiếc xuồng cao tốc và xuôi theo con sông Năm Căn hướng ra phía biển. Cũng giống những con sông nơi tôi vừa gặp, con phố dài dọc hai bờ sông chỉ thấy thấp thoáng mái nhà. Cả mặt nước lao xao gợn lên những cơn sóng ì oạp ập vào bờ, nước với bờ vẫn dập dềnh, xâm xấp bên nhau.

Con xuồng nhỏ phăm phăm như chú ngựa hoang lao nhanh trên mặt nước rộng, chốc chốc gặp phải cơn sóng cao, nó nhảy chồm lên hất tung ra hai bờm nước trắng xóa. Khi rẽ vào những con sông nhỏ, tôi nhìn thấy có nhiều những ngôi nhà lúp xúp mọc hai bên bờ nước, những cái chân giá khẳng khiu cắm xuống mặt sông bị sóng đánh vào thân, run rẩy. Có những ngôi nhà bé nhỏ, không biết do sóng của sông lớn, của những chiếc ghe xuồng, hay do những cái chân giá không còn sức chống chọi, đã mệt mỏi khụy xuống, như chú ngựa thồ đang cơn khát cúi đầu quỳ hai chân trước xuống dòng nước sâu để thỏa cơn khát.

Xuồng lại hồn nhiên lao đi, băng trên những gợn sóng mấp mô lướt qua từng luống chữ trên “Cánh đồng bất tận”.

Luồn lách dưới những con đường kênh, rạch dọc, ngang nằm ẩn dưới tán lá rừng đước, rừng chàm xanh mát mà chỉ có ở vùng đất Miền Tây Nam Bộ. Rồi chúng tôi cũng chạm được đến phần đất nhô ra xa nhất phía Nam của Tổ quốc. Đây “Đất Mũi Cà Mau”, cái tên thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt. Đứng trên mũi con tàu hướng ra biển cả, trước mắt tôi là biển trời bao la sóng nước, sau lưng kia là cánh rừng mướt xanh mênh mông che chắn.

Bước lần theo mép con rạch nhỏ giữa rừng đước rộng, để cho đôi chân trần được ngập trong bùn sâu của rừng nước, vị mằn mặn của biển và cái mát lạnh thấm sâu vào cơ thể của không gian Đất Mũi. Tôi lại nhớ đến những buổi sáng mù sương, buốt giá trên cao nguyên Đồng Văn, trên miền núi cao của cực Bắc. Những lối mòn nhỏ xíu ngoắt nghéo, gồ ghề nối từng bản nhỏ. Những mỏm đá xám xịt, sắc lạnh chìa ra, rình bẫy những đôi chân lạc bước, những viên đá, như những chú cua đồng đang giơ đôi càng nhọn, để chờ dịp xuyên vào những bàn chân trần trên đá. Nhưng tất cả những cạm bẫy đó dường như đã bị thuần hóa bởi tính kiên nhẫn, dẻo dai của những người con trên rẻo cao đá núi. Hà Giang, nơi những ngọn núi đá tai mèo nhọn hoắt, nơi của những con đường nhỏ ngoằn nghèo, cheo leo bám vào sườn đá, nơi của hẻm núi sâu có dòng sông Nho Quế mảnh mai như sợi chỉ xanh, chảy từ trên những ngọn núi cao xa xôi từ bên kia biên giới. Bên ấy, cũng là nơi bắt nguồn của dòng sông Hồng hùng vĩ, từ ngàn xưa vẫn mải miết tắm mát cho châu thổ sông Hồng.

Sớm hôm sau, chúng tôi ra chợ nổi Cà Mau để được thưởng thức cái lạ lẫm của thành phố sông nước miền Tây. Chợ nằm ở cuối sông Gành Hào, ngay trong lòng thành phố. Lên chiếc đò nhỏ để ghé thăm các gian hàng trong chợ, cảm giác thích thú đầu tiên là những chiếc ghe, thuyền to, nhỏ và trang trí đẹp mắt đang đứng kín khúc sông. Chợ có đủ các đặc sản miệt vườn từ các nơi đổ về. Bà con tụ họp nhộn nhịp mua bán, trao đổi tạo nên một bức tranh sống động và đẹp mắt. Trong lòng mỗi con thuyền, từng loại trái cây được những má, những cô uyển chuyển trong những bộ bà ba mềm mại. Ngắm nhìn màu đỏ của những trái chôm chôm, màu vàng của những trái đu đủ và màu xanh sẫm của những quả dưa gang..., mỗi chiếc ghe, con thuyền ấy là một bức tranh tĩnh vật. Những bức tranh nhỏ ấy đan cài nhau chòng chành, chuyển động và cả khúc sông ấy như một tấm lụa mềm, dệt thêu những mảng màu sống động. Những tiếng nói xôn xao, những tiếng cười trong trẻo, hòa vào tiếng sóng nước dập dềnh của dòng sông sắp được về biển mẹ.

Tôi yêu quý những dòng sông chứa đầy phù sa của vùng đất miền Tây Nam Bộ, miền đất phì nhiêu đã sản sinh ra bao những con người, với tấm lòng chân thật, thủy chung, chan chứa nghĩa tình. Từ trên những ngọn núi cao, những con suối sâu từ nơi cực Bắc xa xôi, hôm nay được về đây thăm nơi cực Nam của Tổ Quốc, được tận thấy những dòng kênh, con rạch, được buông mình ngập trong những đám rễ chàm, rễ đước, được lơ lửng tan theo mùi hoi nồng dưới tán cây xanh ngắt, của mênh mang giữa đất rừng ngập mặn và được trôi theo những con người bình dị, hồn nhiên, yêu mến của vùng thân thương này. Những ngọn núi cao, những con sông sâu trong tôi, nay được những đồng lúa ngút ngàn, những rừng cây xanh thẳm và cả dòng Cửu Long mênh mông mơn man, ve vuốt. Tôi muốn được ẩn mình dưới những cánh rừng, trôi theo dòng nước rộng và chìm xuống mặt biển sâu không thấy bến bờ. Thêm yêu mảnh đất phương Nam, yêu những con người bồng bềnh trên từng con sóng nước của Cửu Long giang.

Và những mong ước trong tôi lại thì thầm, giục giã. Năm sau và cả những năm sau nữa, tôi sẽ được trở lại nơi này.

Thành Tuyên, 29/8/2023

L.T

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 232 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 58 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 164 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 106 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 106 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 102 lượt xem