Chồng em không thích phép chia

Thứ hai, ngày 18-12-2023, 09:10| 362 lượt xem

Nguyễn Đình Lãm

 

Minh họa của An Bình

 

 

Chồng nàng là bạn tôi. Hai thằng ngồi với nhau, hắn bảo: “Cả làng này, tao chỉ chơi với mỗi mình mày”. Tôi im lặng. Thật tình, hắn nói thế, thì tôi biết thế. Chứ tôi cũng không thật tường, thế nào gọi là chơi với nhau? Thỉnh thoảng gặp, chuyện  trò vài câu, chẳng nội dung gì, nói xong quên luôn, thế mà gọi là chơi với nhau, thì tôi chơi với cả làng. Có khi còn chơi với cả ngoài làng nữa.

Tôi biết hắn từ hồi còn bé, cùng xóm mà. Còn nhớ, hồi học lớp ba, hai thằng ngồi gốc nhãn, nó bảo: “Trong bốn phép tính, tao ghét nhất phép chia”.

*

Gọi là học lớp ba, nhưng cũng nhớn cả rồi, không bé như học trò bây giờ. Rồi ngọn gió đời đưa đẩy, lang thang thế nào, tôi với hắn lại ở cùng một thành phố. Đồng hương đấy, nhưng có khi đến cả năm mới gặp nhau một lần. Mà hình như, lần nào cũng là do tình cờ. Khi thì đi dạo ngược chiều ngoài bờ hồ. Khi thì ở một đám cưới nào đấy, mà hai đứa cùng quan hệ, đại loại thế, chứ bảo mục đích đến, để thăm nhau thì chưa bao giờ. Tôi có vợ, có con, hắn cũng thế. Đã có vợ có con, nghĩa là có gia đình. Có gia đình, thì cứ sáng đi làm kiếm tiền, tối về cả nhà ăn cơm, rồi đi ngủ. Sáng mai lại đi làm kiếm tiền, tối về lại cả nhà ăn cơm, rồi lại đi ngủ. Nhà nào chả thế?

Đùng một cái, bỗng thấy mình già.

Lứa tôi đã gần ở tuổi “tri thiên mệnh”. Lắm lúc ngồi một mình, châm điếu thuốc, ngửa cổ lên cao xanh mà phả khói, hoặc nhâm nhi độc ẩm chén trà... bỗng thấy hình như mình thiêu thiếu một cái gì? Nó lẻ loi. Nó cô đơn. Nó ảm đạm. Nó thê lương, hưu quạnh... kiểu gì... Nỗi trống trải mênh mông!

Có lẽ, sống đến một tuổi nào đó, người ta rất cần giao tiếp, chắc đấy là nhu cầu chia sẻ. Tự nhiên, tôi quyết định: Chủ nhật tới, sẽ đến nhà hắn chơi.

Và hôm nay tôi đến thăm hắn. Một ngôi nhà gạch lợp ngói, nhỏ thôi, nhưng cũng đủ khang trang. Tường hoa, cây mít. Khuôn viên đẹp. Tôi rất thích. Tôi bấm chuông. Một thiếu phụ đẹp, lẹc kẹc đôi guốc ra mở cổng:

- Chào chị.

- Vâng. Chào anh. Anh...?

- Tôi tên Khoai - Nguyễn Đình Khoai, bạn đồng hương của Tổng.

- À, À... - Nàng cười rất tươi: Em có nghe, nhà em có nói. Đồng hương, lại đang ở cùng một thành phố, mà hôm nay mới tới nhà nhau... Anh vào nhà đi.

Tôi co chân, chuẩn bị bước lên hè, thì tự nhiên chân tôi dừng ở trên cao ấy, không dám đặt xuống, vì mặt hè bóng quá. Tôi nhìn rõ thằng tôi ngay dưới chân mình. Tôi kịp nhận ra rằng, cả hè, cả nền nhà nhà hắn chỉ láng xi-măng, chứ không phải gạch men, gạch miếc gì cả. Dấu hiệu bàn tay một phụ nữ luôn ý thức được việc mình làm, và rất cẩn thận - Cẩn thận đến thận trọng. Tôi khẽ thầm nghĩ “tốt”. Tôi bỏ dép ngoài sân, đi chân trần, mà kín đáo ngoảnh lại... vẫn thấy vết! Trong tôi, có cái gì ngài ngại, nhưng lại thầm nhủ: “Mặc kệ”. Đặng hỏi nàng:

- Thế... Tổng đâu?

- Nhà em đi vắng.

- Bao giờ về?

- Anh ấy nhà em sang làng Cốc tìm mua con trâu, chả biết bao giờ về.

- Ở thành phố, mua trâu làm gì?

- Nhà em anh ấy bảo, vườn rộng, mua con trâu cái về cho nó ăn cỏ. Cỏ tốt, cắt bỏ phí, lại mất công. Rồi là, trâu cái thì thế nào nó chả phải đẻ. Nó đẻ, thì tự nhiên lại được con trâu con. Thế là thành hai con. Xong rồi, nó lại đẻ nữa, thế là thành ba con... Nếu con nó lại là con cái, thì con nó cũng phải đẻ... Nhà em anh ấy tính là... từ một con, sẽ thành... một đàn.

Vợ Tổng nói chuyện rất có duyên. Và phải nói là nàng đẹp. Nàng đẹp theo kiểu rất thô sơ, nhưng phồn thực. Một vẻ đẹp quý tộc nơi thôn dã. Chuyện trò một lúc, nàng dẫn tôi đi thăm vườn. Tôi hết sức ngạc nhiên, bởi vườn nhà nàng rộng quá, có tới vài mẫu Bắc Bộ. Mà xem chừng quy hoạch đâu ra đấy. Cây cối thẳng hàng xanh tốt, có cả cái ao rất to. Trên bờ ao, dưới gốc những cây sung quả chín lúc lửu, một vài cái bàn đá Ganitô. Nàng bảo tôi ngồi đợi, để nàng về lấy cà phê ra uống. Những quả sung chín rụng xuống ao lõm bõm. Đàn trắm cỏ, có những con to lừng lững, dài như những khúc chuối, quần đảo tranh quả rụng tung bọt. Ngắm cơ ngơi của bạn, tôi thầm phục. Mang tiếng ở ngoại ô, nhưng ngoại thì ngoại cũng chỉ đi bộ mươi phút là vào nội thành. Tự nhiên tôi mơ.

Nàng mang ra hai cái phin và lỉnh kỉnh vài thứ. Mới nhìn, tôi đã thấy ngại. Bởi vì, thưởng cà phê kiểu này rất mất thời gian, nhưng  cũng còn kịp nghĩ: “Chỗ lịch duyệt, thì phải lịch duyệt”. Bỗng nhớ có lần, lâu rồi, Tổng tâm sự với tôi rằng, vợ hắn vốn là kỹ sư nông nghiệp rất lành, thật thà, nhưng đài các. Suốt ngày, nàng chỉ thích bới sách và ngắm hoa. Đây là lần đầu tiên tôi gặp nàng, hèn nào... Hình như thằng Tổng chồng nàng nói đúng.

Thưởng cà phê xong, nàng dọn dẹp gọn gàng như cũ và dẫn tôi đi chơi vườn tiếp. Đứng trước những chậu hoa đủ loại, khiến tôi nghĩ tới một sự chăm sóc hết sức công phu. Nàng thủ thỉ:

- Anh có thấy chỗ bã chè phơi ở góc sân không?

- Có. Sao?

- Tổng nhà em phơi khô, tích lại để trồng hoa đấy. Đến nước ống điếu, anh ấy cũng đổ vào một cái vại. Em hỏi để làm gì. Anh ấy bảo để đổ vào tổ mối.

- Hóa chất trị mối, người ta bán đầy.

Nghe tôi nói, nàng lặng im. Nhưng nếu tinh, sẽ thấy, hình như nàng kín đáo khẽ chút một tiếng thở dài! Ngắm hoa, tôi thích lắm, hỏi:

- Chỗ này, phải ngót một trăm chậu?

- Nhà em có đánh số đấy. Để em xem.

Thì ra, có tất cả chín mươi ba chậu. Mỗi chậu có một cái biển kim loại rất nhỏ, chỉ bằng con tem thư. Trong đó ghi tên loài hoa, xuất xứ, ngày giờ hắn trồng... Tôi lại hỏi:

- Thế... ngộ nhỡ... gió bay mất cái biển tí tẹo này thì sao?

- Hí, hí... anh nhà em cột bằng dây thép không gỉ đấy. Vả lại, anh ấy còn cuốn sổ trích ngang nữa cơ mà! Trong ấy mới... chi tiết, hí hí...

- Thế này... anh có muốn... xin nó một giò... cũng ngại.

- Đừng, đừng... Nhưng anh thích giò nào?

Tôi chỉ một chậu. Nàng ngắm kỹ khóm hoa, không nói gì, đặng mời tôi về phòng khách, vừa đi, vừa khe khẽ:

- Chắc anh ấy nhà em cũng sắp về đấy. Ngay làng bên thôi mà. Anh tính, nhà chỉ có hai vợ chồng, con cái không. Đất đai rộng thế, mà năm ngoái anh ấy còn mua thêm một mảnh, bảo để cho nó vuông cái vườn!

- Khuôn viên nhà mình đến vài mẫu chứ ít à?

- Ba mẫu dư vài chục mét.

- Thích nhỉ?

- Thích, thì cũng thích, nhưng mà...

- Nhưng mà sao?

- Anh ấy có đứa em cô, nó ngoan lắm, đang phải ở nhà thuê. Một gian con con tháng cũng mấy trăm nghìn. Mà nhà nó thì nghèo. Em bảo nhà em cắt cho nó một mảnh, để nó dựng cái nhà nho nhỏ mà ở, khỏi phải đi thuê, anh ấy không nghe... Anh Khoai là bạn đồng hương. Theo nhà em kể, thì lại cả đồng niên, đồng môn. Hồi còn chăn trâu ở quê, thỉnh thoảng cũng đồng sàng, em mới nói. Vợ chồng sống với nhau gần hai mươi năm, em mới nhận ra một điều...

- Điều gì?

- Chồng em... đẹp trai... cần cù... chịu khó!

- Gì nữa?

- Hí, hí... và... không thích phép chia!

- Còn em?

Nàng cúi đầu tủm tỉm cười, không nói gì. Lâu lâu, nàng mới khe khẽ: “Em thích tất, cả phép... khai căn”. Tự nhiên, không hiểu sao, tôi lại buột miệng:

- Ở quê, hồi nhỏ, cùng học trường làng, có lần nó nói với anh, trong bốn phép tính, tao thích nhất phép cộng.

- Hí, hí... thế thì phải rồi. - Dừng một tí, bỗng nàng hỏi tôi: Số máy của anh thế nào? Nàng lưu số ấy, đặng khe khẽ: “Số của anh đây rồi, khi nào em nháy thì anh đến. Em sẽ tặng anh giò hoa mà anh thích”.

- Thôi, anh cả thèm chóng chán ấy mà. Vả lại, Tổng nó đã... đánh số?

- Ồ, anh quên em là kỹ sư nông nghiệp à? Bằng đỏ khoa trồng trọt. Điểm tối đa kỹ thuật ghép trồi, tách nhánh. Hậu duệ cụ Mitsurin. Tất cả các loài hoa, biết kiểu chia, rất dễ. Càng đẹp, càng dễ!

...

Có tiếng chuông, nàng lẹc kẹc đôi guốc ra mở cổng cho chồng. Biết tôi đến chơi, Tổng vui lắm, cười phớ lớ. Hắn vừa cười, vừa hì hục tháo từ trên xe xuống bịch gì gói kín, khệ nệ bê để gốc chuối. Tôi hỏi:

- Cái gì thế?

- Phân trâu. Trên đường về, gặp mấy bãi. May, mình mang theo bao tải. Giống bầu bí, thích nhất thứ này. Phát triển nhanh, cho quả to, non lâu, cùi dầy, ít hạt.

Đồng hương, biết nhau từ bé, lần đầu đến chơi, Tổng giữ tôi ở lại uống rượu. Nhân lúc nàng đang làm bếp, tôi khẽ hỏi hắn:

- Vợ mày tên là gì ấy nhỉ?

- Quên, tao chưa nói. Nàng tên Nếp. Nghe đâu hồi bé, nàng rất khoái cơm nếp, nên mẹ nàng đặt luôn thế.

Tôi trộm nghĩ, ở quê tôi, có một thứ nếp, gọi là nếp cái hoa vàng, nấu ăn, vừa dẻo, vừa thơm. Từ ngày xa quê là thôi, không được thưởng nữa. Nghĩ lại mà thèm.

*

Ngồi bàn ăn có ba người. Tổng tiếp tôi vui lắm. Đôi chén vào, hắn nói đủ thứ chuyện. Chuyện trên giời, chuyện dưới đất. Chuyện bây giờ, rồi vòng về chuyện ngày xưa. Liêng biêng, giọng hắn lè nhè:

- Khoai, mày còn nhớ không? Hồi bọn mình còn bé tí tẹo. Đi học, tao ngại nhất phép chia. Chỉ thích phép cộng. Phép cộng dễ.

Tự nhiên, dưới gầm bàn, tôi thấy chân mình âm ấm. Ý tứ ngó xuống, thì ra... bàn chân trần của Nếp đặt lên chân tôi từ lúc nào! Tôi nín thở, ngồi im, khẽ đưa mắt sang Tổng. Mặt hắn đỏ tưng bừng, căng thẳng. Chẳng biết hắn đang nghĩ gì? Bỗng rất  nhanh, hắn cầm chén rượu dốc một nhát vào miệng, gọn. Nuốt cái “ực”. Đặng dằn từng tiếng, khẽ, nhưng mang nhiều sức nặng: “Thật, chẳng ra làm sao”. Tôi toát mồ hôi hột, ngồi im. Dưới kia, tôi biết, Nếp khẽ rút chân về. Và, nàng vẫn đang thản nhiên nhấm nháp cái râu mực. Tổng tự giót cho mình một chén nữa. Ngửa cổ làm một nhát, khà một tiếng, đặng hắn nhổm dậy, nhoài hẳn người sang tôi, giọng méo mó: “Thế là thế nào? Thế là thế nào? Hừ... bạn bè với nhau”. Tôi suýt quẳng đũa bỏ chạy. Bỗng hắn quờ tay qua bàn, túm lấy vai tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi lè nhè: “... Ta...o với nó... cùng đi... thấy đoạn gỗ lũa đẹp lắm... tao giúi vào búi... Nó về trước... lẫng... lu...ôn. Mày bảo, thế có đờ...ểu khờ...ông? Hử? Bạn bè thế, thật... chẳng ra làm sao. Phải không... Hử? Tôi thở phào.

Cơm no, rượu say, tôi tạm biệt vợ chồng anh bạn đồng hương. Lúc chia tay, nhân nửa phút chỉ có hai người, Nếp vừa mủm mỉm cười, vừa ý nhị hỏi tôi:

- Anh thích... phép gì?

- Phép... cộng.

Nàng hạ giọng hơn, thủ thỉ: “Cộng cũng được. Nhưng em thích cả... phép chia”. Ngắm nàng, nghe giọng nàng bộc bạch, không hiểu sao, trên đường về, lòng tôi cứ rối như canh hẹ.

 

N.Đ.L

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 57 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 74 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 65 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 60 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 69 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 128 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 458 lượt xem