Dáng mẹ qua bức mành sáo

Thứ hai, ngày 18-12-2023, 09:00| 387 lượt xem

Truyện ngắn của Bùi Thị Mai Anh

 

Minh họa của Quảng Tâm

 

Sau chuyến công tác mấy huyện miền núi, tôi lên thăm anh, mang cho anh hộp chè Shan tuyết được người dân biếu. Hai anh em ngồi uống nước chè ở cái bàn anh kê ngay ngoài hiên, trước cửa nhà là tán lá ổi đổ ngang, bụi nhót rậm rì bám vào thân cây bưởi vững chãi, đang nở đầy hoa trắng sữa, bé tí, sà xuống tận mép hiên, rất mát. Anh mở hộp chè, ngửi ngửi, khen chè thơm. Rồi anh ngắm nghía cái logo trên hộp chè. Đó là hình ảnh những cô gái Dao Đỏ rạng rỡ, tươi tắn, đang trèo trên cây chè Shan, hái những búp chè xanh mập mạp trong cái không khí thoáng đãng của độ cao trên một nghìn mét. Anh bảo:

- Chè được trồng ở nơi này vừa trong lành, sạch sẽ, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, ngon phải biết đây!

Tôi giục anh pha uống thử. Anh thong thả tráng ấm chén, bỏ chè mới, súc tráng bằng nước sôi, chế thêm nước một cách cẩn thận. Trong lúc đợi anh pha chè, tôi kể anh nghe:

- Anh có biết không, chuyến vừa rồi em gặp ma đấy. Nhưng mà… lạ lắm, ma lại… rất thân thiện, hoàn toàn chẳng trêu, chẳng dọa em đâu!

Anh cười, tay vẫn đang tráng hai cái chén bằng nước sôi:

- Làm gì có ma?! Vớ vẩn! Em cứ thần hồn nát thần tính!

- Em không nói đùa đâu! Anh không tin à? Để em kể cho mà nghe…

Anh thận trọng rót chè ra hai cái chén cho tôi và anh, im lặng, miệng hơi cười, vẻ không tin. Anh đưa chén nước chè qua lại mấy lần trước mặt, mắt nhắm lại để thưởng thức hương vị rồi nhẹ nhàng làm một ngụm, hướng về phía tôi, bảo:

- Ngon đấy! Nước đậm, chát ngọt, màu được, uống có hậu vị… Nào, em kể anh nghe xem nào! Xem con ma của em như thế nào nào!

Tôi hơi cụt hứng khi anh nói vậy, nhưng rồi cũng kể anh nghe:

- Hôm em lên trên huyện, đúng ngày mùng Một đầu tháng. Gia đình cho em ở nhờ là một gia đình người Tày rất hiếu khách. Sau bữa cơm trưa, họ bố trí cho em một chỗ nghỉ trưa trên nhà sàn rộng rãi, sạch sẽ. Đang thiu thiu ngủ, bỗng em nhìn thấy một cụ ông chừng ngoài tám mươi tuổi, quắc thước, da dẻ hồng hào, ăn mặc kiểu thầy Tào, tay chống gậy trúc, bước lên cầu thang vào nhà. Thấy em, ông cụ quay ra cửa, gọi:

- Bà ơi, nhà có khách quý này, bà lên đây!

Tức thì, em thấy một bà cụ cũng khoảng ngoài tám mươi tuổi, da dẻ đẹp, mặt tươi cười, móm mém nhai trầu, cũng ăn mặc kiểu bà Mo, bà Then, váy đụp, chống gậy lên sàn. Hai ông bà vui vẻ ngồi nói chuyện với em rất thân thiện, hỏi han đủ chuyện, không hề có điều gì khiến em sợ hãi cả. Rồi em giật mình tỉnh dậy, chuẩn bị đi làm chiều. Trong lòng phân vân lắm, nhưng em chưa dám nói với ai. Tối hôm đó, em hỏi chủ nhà:

- Nhà mình có ai làm Tào, làm Bụt à chú?

Chủ nhà giật mình hỏi em:

- Sao chị biết?

- Chị vừa gặp hai cụ trưa nay. Nhưng vì phải đi làm sớm, nên giờ chị mới hỏi chú. Đấy là ông bà nhà mình à chú?

- Không ạ! Ông bà đẻ ra em đang sống bên nhà bác cả ngay bên kia. - Chú chỉ tay sang ngôi nhà sàn rất đẹp bên kia vườn rau nhà chú - Thế… người chị gặp là hai bác của em, anh trai chị dâu của bố mẹ em đấy. Hai ông bà cùng làm Then, làm Mo mà chị! Nhưng mà ông bà mất lâu rồi mà…

- Thì thế! Hôm nay mùng Một, các cụ về đấy!

- Ôi, thế… ông bà có làm gì cho chị sợ không?

- Không, thậm chí ông bà còn coi chị là khách quý cơ. Hai cụ vui vẻ lắm, thân thiện lắm, chị cũng không thấy sợ gì đâu.

- Thế… mà em ở đây suốt mấy chục năm, từ ngày lấy vợ đến giờ, chưa lần nào được gặp các cụ đâu đấy chị ạ!

Tôi dừng kể, quay sang nhìn xem phản ứng của anh thế nào. Anh vẫn bình thản, thong thả thưởng thức từng ngụm chè Shan đang bốc khói nghi ngút. Tôi bứt rứt, hỏi:

- Anh không tin à? Có ma thật đấy! Em gặp nhiều rồi mà!

- Anh thì chưa gặp bao giờ, nên… nói thật, cũng chả biết nói gì với em… Thôi, không bị ma trêu là tốt rồi. Thế… em xử lý chuyện đó như thế nào?

- Sáng hôm sau, mùng hai, em đi mua ít hoa quả bánh kẹo, mang về, nhờ chủ nhà đặt lên bàn thờ các cụ. Nhưng chú ấy bảo, cứ để đấy, đến rằm mới thắp hương, ngày thường họ không lên hương đâu anh ạ.

- Thế ở cả tuần trên đó, có bị trêu lần nào nữa không? - Anh hỏi, cố nén cười.

- Không, em chỉ gặp có một lần ấy thôi!

Anh cười, giọng cười của kẻ không tin vào câu chuyện của tôi. Chưa biết làm thế nào để thuyết phục anh, tôi quay vào trong nhà. Thì… bỗng… tôi thấy có một người phụ nữ nhỏ nhắn, trẻ, ăn mặc kiểu người ngày xưa, tóc vấn trần, bận áo cánh ngắn, váy dài đi lướt qua, lướt lại bên trong tấm mành sáo anh treo ngăn cách gian bếp và gian khách. Tôi tò mò hỏi:

- Trong nhà có khách à anh?

Anh ngạc nhiên nhìn tôi:

- Không, trong nhà có ai đâu. Bà xã đi xuống nhà ngoại, bọn trẻ đi làm hết, có mỗi mình anh ở nhà.

- Em vừa nhìn thấy có một người phụ nữ trẻ, ăn mặc kiểu người ngày xưa, tóc vấn trần, áo cánh ngắn, mặc váy dài đi lướt qua, lướt lại bên trong tấm mành sáo kia kìa. - Tôi đưa tay chỉ cho anh, nhắc lại toàn bộ những gì vừa kịp đọng lại trong mắt tôi. Anh nhìn vào nhà, rồi quay lại nhìn tôi, giọng thảng thốt:

- Làm gì có ai!... Em lại…

- Thật mà! Em vừa nhìn thấy thật đấy! Anh nghĩ là em tưởng tượng chứ gì! Em nhìn thấy thật mà! - Giọng tôi cao vóng lên, cướp lời anh.

- Chắc là… mẹ anh đấy!... Uống nước đi này, cho đỡ hoảng! - Anh rót thêm chè vào chén tôi, cười.

Tôi vẫn cương quyết:

- Em không hoảng. Em rất bình thường. Không phải mẹ anh. Em biết bà lúc bà còn sống mà. Bà đậm người, vấn khăn nhưng người này trẻ lắm anh ạ, không thể là bà được! Lúc bà mất thì… bà cũng tám mấy rồi cơ mà anh!

- Cũng có thể là bà nội anh!… À, thằng cu lớn nhà em học sắp xong chưa?

Tôi vẫn cố lẩm bẩm:

- Bà… không thể trẻ như thế được… - Rồi tôi quay sang câu chuyện về bọn trẻ đang học hành cùng anh một cách không thoải mái.

Ra về, tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh người phụ nữ trẻ, ăn mặc kiểu ngày xưa, lướt qua lướt lại trong căn nhà của anh, người bạn vong niên của mình.

***

Khá lâu sau, một lần, tôi khoe với anh, tôi có một chị bạn xem bói hay lắm. Chị ấy không yêu cầu mình phải đặt bao nhiêu tiền, chỉ cần đưa cho chị ấy một đồng tiền của chính mình, không phải tiền đi vay, đi xin hay mượn của ai (mệnh giá nào cũng được), chị ấy sẽ đọc ra những điều có liên quan đến mình đúng lắm (ấy là với tôi thì như thế). Lúc ấy, anh nghe một cách khá thờ ơ. Thế nhưng mấy hôm sau, anh bảo tôi đưa anh xuống xem một lần, anh muốn nhờ chị bạn tôi xem hộ cậu con trai cả đang làm ăn xa có ổn không, vì lâu rồi, nó không về nhà, anh cũng sốt ruột cho nó.

Hẹn mãi mới được buổi tối chị bạn tôi có nhà. Tôi đưa anh đến. Sau một hồi nói chuyện, anh hỏi về cách xem của chị bạn tôi rồi rút tờ năm mươi nghìn mới tinh đưa cho chị xem. Chị ấy mời anh ngồi trước mặt, chị nhắm mắt lại, tay vuốt tờ tiền mới nhiều lần, chắp tay lầm rầm khấn vái một hồi, rồi chị ấy vui vẻ nói:

- Con trai anh đang làm ăn rất tốt. Anh không phải lo cho cháu đâu! Anh cu này khá đây, kiếm tiền giỏi phết! Chuẩn bị lấy vợ đây này. Nó sẽ lo hết, không để anh phải lo gì đâu! Anh chuẩn bị tinh thần mà cưới cho nó thôi.

Anh im lặng gật đầu rồi từ từ thở nhẹ một cái. Anh vẫn lo cho thằng lớn có tài mà lông bông, “Nam tiến” mấy năm nay rồi, chả hiểu nó làm ăn như thế nào. Giờ, nó tu chí, lại chuẩn bị lấy vợ thì anh yên tâm rồi. Bỗng, chị bạn tôi mở mắt, liếc nhìn anh một cái rất nhanh rồi lại nhắm mắt lại, lầm rầm điều gì đó. Lần thứ ba, mở mắt ra, chị bảo:

- Mẹ anh chết nước à?

Anh giật mình, làm sánh cả chén nước chè nóng đang cầm trên tay:

- Không! Mẹ anh ngoài tám mươi tuổi mới mất mà! - Anh bối rối nhìn sang tôi cầu cứu. Nhưng tôi có biết chuyện gì đâu mà trả lời giúp anh. Anh nói nhỏ với tôi:

- Chẳng lẽ… cái người mà em nhìn thấy… ở nhà anh hôm ý... là…?

- Em có biết là ai đâu! Em chỉ nhìn thấy thế nào thì em nói thế thôi! - Tôi nói nhỏ và giật áo anh, ý bảo anh bình tĩnh nghe chị bạn tôi nói hết đã.

Thấy thái độ của anh như vậy, chị bạn tôi đặt đồng tiền xuống bàn, mặt nghiêm lại, nói rất cương quyết:

- Trên đồng tiền của anh báo như thế nào, em nghe được mẹ anh nói chuyện như thế nào, em nhìn thấy bà trong tình trạng nào thì em nói ra cho anh biết thế thôi. Nếu anh không tin thì thôi, có thể không cần xem đâu. Em trả tiền cho anh này! - Vừa nói, chị vừa cầm đồng năm mươi nghìn đưa cho anh.

Anh lúng túng xua tay rối rít, đẩy đồng tiền về phía chị bạn tôi:

- Không phải thế!... Là vì… anh quá bất ngờ… Anh không hề biết chuyện này... Em có thể nói rõ hơn cho anh hiểu được không? Từ bé tới giờ, anh… chưa nghe thấy… ai nói anh có mẹ nào khác… ngoài người mẹ sinh ra sáu anh em nhà anh… Anh là con trưởng, anh… vẫn thờ cúng các cụ chu đáo mà!

- Nếu anh muốn biết cụ thể, em sẽ hỏi giúp! - Chị bạn tôi nói chắc nịch.

- Em hỏi giúp anh đi! Anh… bất ngờ quá!

Anh khẩn khoản, đưa tay phác một cử chỉ không rõ nghĩa, chẳng biết là anh tin hay không tin, ánh mắt anh vừa như muốn biết vừa sợ cái điều mình sẽ biết.

Lại một hồi im lặng. Chị bạn tôi lúc nhắm mắt, lúc mở mắt nhìn anh, thở dài sườn sượt, lúc hai hàng nước mắt giàn giụa đầy khuôn mặt chị. Chị gật đầu liên tục, dạ dạ mấy tiếng. Tôi và anh ngồi im, không dám thở mạnh. Anh nhìn sang tôi, ánh mắt hoang mang, vừa như cầu cứu vừa như xấu hổ cho những bí mật của cuộc đời mình mà chính anh lần đầu tiên biết được trong một hoàn cảnh trớ trêu đến thế. Đã vậy, nó lại do một người không phải thân thích của anh nói ra, bằng chứng cũng chỉ là những lời nói mà anh không thể kiểm chứng nhưng lại khiến anh bị thuyết phục dễ dàng đến thế. Đây là lần đầu tiên anh đi xem bói kiểu này. Vốn không tin chuyện bói toán, vậy mà lần này…

Chừng mười phút, chị bạn tôi mở mắt, nhìn anh đầy ái ngại:

- Giờ thì em hiểu, tại sao anh không biết gì về bà rồi,… về mẹ đẻ của anh ý!...

Ánh mắt anh hoang mang cực độ, hết nhìn sang tôi lại nhìn sang chị bạn tôi, cầu cứu. Bàn tay anh cầm chén nước run lẩy bẩy. Chưa bao giờ tôi thấy anh trong tình trạng mất kiểm soát như thế. Tôi bấm cánh tay anh, ra hiệu bảo anh bình tĩnh, chờ xem chị bạn tôi nói gì.

Ngập ngừng một hồi, chị uống một ngụm nước, giữ bình tĩnh, thong thả nói:

- Anh… phải bình tĩnh nghe đấy nhé!...

Anh không cất nổi tiếng nói, vội vàng gật đầu như một cái máy, nghiêm túc, căng thẳng, nghe chị bạn tôi nói:

- Em chỉ nghe thấy… mẹ anh nói đứt quãng. Mẹ anh… không sống cùng làng với nhà nội anh, hình như làng bên, vì em thấy... có con đường cong cong, đi qua một cánh đồng. Mẹ anh và bố anh yêu nhau nhưng gia đình lại cưới cho bố anh một người vợ biết buôn bán. Bố anh đi bộ đội, vào Nam. Khi biết mình có mang,… mẹ anh đã sang nhà bà nội anh báo tin, nhưng… bà đã không tin, đuổi mẹ anh về… Khi anh được ba tháng tuổi, mẹ anh đã mang anh để ở búi tre trước cửa nhà bà nội rồi gieo mình xuống sông tự vẫn… Thế,… bà nội anh, bố anh hay người nhà anh… không ai nói cho anh biết điều này à?

Càng nghe chị bạn tôi nói, đầu anh càng gục xuống. Mớ tóc dài mềm mại, vốn phủ kín trán anh rũ xuống, trông thật tội nghiệp. Anh buồn bã lắc đầu:

- Không! Anh chỉ nhớ anh ở với bà từ nhỏ ở quê, bố mẹ anh đưa các em lên đây sinh sống... Chỉ đến khi anh chừng mười hai tuổi, bà già yếu, anh mới lên đây sống cùng gia đình... Khi anh đang học đại học năm cuối, nghe tin bà quá yếu, anh về đến nơi thì bà anh đã cấm khẩu, không dặn gì lại cả…

- …

- Thế… mẹ anh tên là gì? Mất ngày nào?... Em hỏi hộ anh với! - Anh khó nhọc cất lời, giọng khô khốc, khào khào.

- Mẹ anh bảo: Vì không được cưới hỏi nên bà không phải là người của gia đình anh, vì thế, bà cũng nói với anh là… anh không phải thờ cúng gì đâu. Giận đến đâu thì giận, nhưng bà cũng được họ hàng bên ngoại thờ cúng chu đáo rồi… Bà cũng không nói thêm điều gì nữa! Bà bảo bà thương anh lắm, lúc nào cũng đi theo anh đấy!

Anh ngồi lặng đến hơn chục phút, cổ họng khô đắng, tê tái trong lòng, nước mắt tủi hờn chỉ chực trào ra. Cả ba chúng tôi cùng im lặng. Chỉ nghe tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc trên tường. Thỉnh thoảng, một chiếc ô tô phóng vụt qua trước cửa khiến cả ba đều hướng ra ngoài cho đỡ ái ngại. Cuối cùng, anh gắng gượng nói:

- Thôi, hôm nay anh hỏi thế đã… anh bất ngờ quá,… không thể hỏi thêm điều gì nữa… hôm khác anh đến sau… - Giọng nói của anh run rẩy ngắt quãng, đầy nước mắt.

Anh đứng lên, loạng choạng bước ra cửa. Tôi đưa tay đỡ anh, anh gạt tay tôi ra:

- Để mặc anh! Em về đi! Anh tự về được!...

Nhìn theo dáng anh trên chiếc Hon đa phóng như bay trên con đường vắng, lòng tôi trào lên nỗi xót xa… Tôi lấy xe phóng theo anh. Hai anh em sóng đôi đi, không ai nói với ai một lời. Đến khi anh rẽ về ngõ nhà anh, tôi mới quay lại. Không biết đêm đó anh sẽ như thế nào?

***

Hôm sau, anh gọi tôi lên. Bên ấm trà thơm đang lặng lẽ tỏa khói, tôi không dám hỏi gì anh. Nhìn đầu điếu thuốc lá đỏ rực trên môi anh, bên cạnh là chiếc gạt tàn thuốc lá đầy có ngọn, khuôn mặt anh hốc hác, hai mắt trũng sâu, mệt mỏi, tôi biết anh đang chuẩn bị cho việc bắt đầu nói về cái việc của mẹ anh khó khăn như thế nào.

- Đêm qua,… anh không tài nào ngủ được. …Anh không ngờ…là… mọi chuyện nó lại như thế này!... - Anh ấp úng mở lời.

- Anh không cần phải nói gì với em đâu! Đó cũng là bí mật của riêng anh mà. Em hứa… sẽ không hỏi thêm anh một điều gì về bà cả. Anh làm sao biết được chuyện các cụ từ ngày xưa. Vì vậy, anh không phải cảm thấy có lỗi vì một việc không phải do anh gây ra… - Tôi cố trấn an anh.

- Không, em không hiểu đâu! Anh không nói được điều này ra, chắc anh điên mất. - Vừa nói, anh vừa đưa chén nước chè lên, uống một cách vô thức, chắc cũng không cảm thấy trà ngon hay không nữa. Anh vốn nghiện chè, mỗi lần ngồi cùng anh, tôi thấy anh thưởng chè một cách rất nhã nhặn mà hôm nay, anh đưa chén nước chè lên uống như thể uống thuốc vậy. Đôi mắt anh đỏ ngầu, sưng mọng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh trong bộ dạng như thế bao giờ cả.

- …

- Anh cũng có cảm giác là lạ khi anh không sống cùng gia đình mà lại sống cùng bà nội ở quê. Anh có hỏi thì được giải thích là vì nhà đông con, mà bà nội lại ở một mình dưới quê, nên bố mẹ anh cho anh ở với bà nội, thế thôi. Nhưng khi anh lên đây sống cùng gia đình, vì anh là con một, ông bà có tới năm cô con gái, nên anh được cả nhà quý vô cùng. Cái gì ngon cũng phần cho anh. Các em gái cứ mở miệng là anh cả, bác cả. Mẹ anh đối với anh rất chu đáo, không đánh mắng bao giờ nhưng vẫn có chút khách khí chứ cũng không thân mật, gần gũi như với các em anh. Những khi anh vắng mặt trong nhà, theo lũ bạn đi lấy củi, lấy nứa thả đường sông, bà cũng không tra hỏi bao giờ… Anh học rất giỏi nên bố anh tự hào về anh lắm… Giờ thì anh hiểu rồi! Nếu bố mẹ anh có thêm cậu con trai nữa… thì… chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra?!... - Anh cay đắng nói, không dám nhìn thẳng vào mặt tôi.

- …

- Anh giật mình cái hôm… em nhìn thấy mẹ anh trong nhà anh. Nhưng… sao em lại nhìn thấy mẹ anh nhỉ? À, ừ,… em là người vẫn gặp được ma mà. Từ khi anh ra ở riêng, anh vẫn luôn có cảm giác có ai đó ở bên cạnh mình. Những lúc anh ốm, luôn có một bàn tay vuốt tóc anh, vỗ về anh, rồi lại còn thở dài nữa... Dường như… có người ngồi bên cạnh anh,…nhưng anh không nhìn thấy hình dáng người đó như thế nào. Anh chỉ nghĩ, đó có thể là bà nội anh, vì bà thương anh lắm…Thật không ngờ, đó lại là mẹ anh… Nhưng… sao anh không bao giờ nằm mơ thấy bà nhỉ?... Ừ, nhưng mà anh có biết mặt mẹ anh đâu, có khi nằm mơ thấy rồi mà vẫn không biết đó là mẹ mình thì sao???...

- …

- Đêm qua, đã có lúc anh oán mẹ anh đã bỏ anh lại, oán bà anh, bố anh, tất cả những người biết chuyện đã không hề có ai nói cho anh biết chuyện này. Anh vẫn thờ cúng bố mẹ anh rất chu đáo, nhưng, giờ anh mới biết… chuyện mình có một người mẹ… mà anh không được thờ cúng từ mấy chục năm nay, lại chết tức tưởi,… chỉ để cho anh được sống… - Anh bật khóc, đôi vai rũ xuống, rung bần bật.

- …

- Lúc ngồi ở nhà chị Yến, bạn em, tự nhiên, một nỗi lo sợ mơ hồ dâng lên trong lòng anh. Anh ước gì mình chưa đến chỗ này. Tuy nhiên, một sức mạnh vô hình nào đó lại đang níu giữ chân anh dính chặt xuống sàn nhà, không nhấc lên được. Những hành động của chị ấy khi xem cho anh đã khiến anh đi từ nỗi hoang mang này sang một nỗi hoang mang khác. Nếu thật đó là mẹ anh, thì mẹ anh là ai, bà ở đâu, bà có liên hệ với gia đình anh như thế nào? Vì sao bà lại chết nước? Gia đình anh, từ bà nội, người thương yêu anh nhất, tới bố mẹ anh, các chú các bác, cả bà cô giờ đã hơn chín mươi tuổi vẫn còn rất minh mẫn, nhớ đủ chuyện xưa chuyện nay của gia đình, lần nào anh về thăm cũng chằm bặp quý hóa, cũng không nói một lời nào với anh! Sao không có một ai trong gia đình nói gì với anh? Ừ thì lúc anh còn nhỏ, không nói làm gì. Giờ anh đã trưởng thành, có tri thức hẳn hoi, trước khi mất, cũng không có ai nói cho anh biết! Bao nhiêu giấy tờ bố anh để lại, xếp từng tập ngay ngắn, cũng không thấy có dòng nào nhắc đến chuyện này. Là sao? Là sao?... Cả đêm qua, đầu óc anh quay cuồng trong bao nhiêu ý nghĩ lộn xộn về thông tin bất ngờ mà chị Yến vừa trịnh trọng thông báo. Đã vậy, lại còn có sự xuất hiện của em ở đó...

Anh đối với tôi vừa giống một người thầy, một người anh, một người bạn vong niên. Trong tôi, anh luôn là hình tượng của một người con hiếu thảo, thờ phụng cha mẹ chu đáo, biết trên biết dưới. Anh sống đức độ, giỏi giang, tôi luôn ngưỡng mộ anh. Chắc anh chợt lo sợ hình ảnh của anh trong tôi sẽ không còn được như trước nữa… Anh thở hắt mạnh một cái vì không thể khống chế được những suy nghĩ đang ào ạt chảy về trong đầu anh…

Làm bạn với anh bấy lâu, tôi luôn chỉ thấy một khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi, khá kiêu hãnh, không mấy khi biểu lộ cảm xúc cá nhân ra bên ngoài. Giờ thấy anh xúc động như thế, tôi bất ngờ quá, cứ ngồi ngây ra, không biết nói gì cho anh đỡ đau đớn. Để cho anh khóc một hồi, tôi rót cho anh chén nước mới, lựa lời bảo:

- Thôi anh! Dù có bất ngờ thế nào, đau đớn thế nào thì chỉ riêng cái việc anh được làm người, trưởng thành như ngày hôm nay là anh đã phải biết ơn mẹ anh lắm rồi… Bà có thể hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để anh có mặt trên đời như vậy là anh phải ơn bà cả đời rồi. Đừng nói gì nữa anh ạ. Trước đây chưa biết thì thôi, từ nay biết rồi, anh có thể mời bà về vào các dịp Thanh minh, Rằm tháng Bảy, Tết âm lịch mà…

- Nhưng anh có biết mẹ anh mất ngày nào đâu? Anh có biết tên bà để gọi, để mời bà đâu??? - Anh kêu lên đầy bất lực.

- Anh thấy đấy, dù anh không biết tên bà, không biết bà mất ngày nào, nhưng anh vẫn cảm nhận được sự có mặt của bà trong cuộc sống của anh. Từ nay, biết điều ấy rồi, anh làm gì cũng nhắc đến bà là bà hiểu và thông cảm cho anh, thậm chí em nghĩ là bà vui mà!

- Thật là… có thể… làm như vậy sao em? - Anh ngước nhìn tôi đầy nghi hoặc.

- Là em nghĩ thế. “Trần sao âm vậy” mà anh. Chỉ cần anh nghĩ đến bà thì bà cũng vẫn luôn bên anh mà.

- Anh cảm ơn em!

- Thế… anh có định… nói cho chị nhà mình biết chuyện này không? - Tôi rụt rè.

Anh trầm ngâm:

- Anh cũng không biết bắt đầu để nói chuyện này ra như thế nào bây giờ! Để anh tính! Đến hôm nay, anh vẫn không thể tin được câu chuyện về cuộc đời mình nó lại là như thế. Em giữ kín chuyện này giùm anh nhé!

- Được! Em sẽ giữ kín chuyện này cho anh!

***

Bẵng đi hơn một tuần, không thấy anh gọi, tôi cũng bận chút việc gia đình, không lên xem anh thế nào. Vả lại, tôi cũng không dám hỏi anh chuyện đó.

Trưa hôm ấy, anh gọi điện bảo tôi chiều lên anh chơi, có việc quan trọng. Tôi lên ngay, chắc lại chuyện về mẹ anh rồi.

Rót nước cho tôi xong, anh ngồi rít thuốc lá. Không gian đặc quánh mùi khói thuốc. Tôi cũng ngồi im, nhâm nhi chén trà nóng anh đưa, không dám lên tiếng trước. Hết hai điếu thuốc, anh mới buồn rầu nói:

- Anh vừa về quê thăm bà cô anh. Anh đã nói thẳng là anh biết việc mẹ anh chết như thế nào rồi. Anh trách bà cô, sao bà biết chuyện mà lại nỡ giấu anh chuyện tày trời như thế mấy chục năm rồi?

Bà cô anh khóc, nói rằng, chuyện đau lòng quá mà lại xảy ra vào đêm tối, không ai kịp trở tay nên cả nhà ân hận lắm, không bao giờ dám cho anh biết. Bà lẩy bẩy mở chiếc rương gỗ đã cũ được khóa bằng một chiếc khóa to, đã gỉ sét, ở góc trong cùng buồng bà ngủ, lấy ra một gói nhỏ, trong đó là mảnh giấy nhàu nhĩ ố vàng theo thời gian, có dòng chữ nguệch ngoạc mẹ anh để lại: “Bác cho con gửi lại cho anh Minh (tên bố anh) thằng cu này. Cháu được ba tháng rồi. Con đặt tên nó là Quý. Nó là cháu nội của bác. Con xin lấy cái chết để làm bằng”. Khi bố anh về, biết chuyện đau lòng, ông khổ tâm lắm. Vì thế, ông mới đưa vợ đi khỏi quê, để anh lại cho bà nội anh nuôi.

Nước mắt anh chan chứa khi nhìn thấy mảnh giấy oan nghiệt đó. Anh nắm chặt mảnh giấy đó như thể đó chính là mẹ anh vậy. Dường như hàng nghìn mũi kim, mũi dao đang lách vào từng thớ thịt, xiên vào con tim anh. Bà cô anh bảo, bà nội anh cũng bị giày vò cả một đời vì câu chuyện đau lòng này. Lúc bà nội anh sắp mất, bà muốn đợi anh về để nói cho anh biết sự thật bấy lâu cất giữ, luôn canh cánh bên lòng, nhưng khi anh về đến nơi thì bà đã cấm khẩu rồi, chỉ còn nhìn anh, nước mắt hai hàng rồi đi.

Bà cô anh chỉ đường sang nhà ông ngoại anh cho anh, rồi bảo cậu con cả đi cùng anh sang đó nhưng anh bảo không cần, anh mang theo mảnh giấy mẹ anh gửi lại, tự sang một mình.

Nói là làng bên nhưng thực ra hai làng chỉ cách nhau có con mương và vài đám ruộng thôi. Theo con đường lát gạch nghiêng từ thời xưa, anh hỏi được đến nhà của ông ngoại anh. Đó là một căn nhà gạch năm gian kiểu ngày xưa, nằm ngay ngắn giữa một khu vườn có nhiều cây cối sum suê, bậc thềm tam cấp khá cao làm ngôi nhà rất thoáng mát. Khoảng sân trước nhà rộng, lát gạch đỏ đã ngả màu nâu xỉn, rêu bám quanh gờ bao viền sân. Có vẻ như chủ ngôi nhà này cố gắng giữ gìn ngôi nhà của cha ông từ ngày xưa để lại nên không thấy dấu vết sửa sang như bên làng anh.

Nghe thấy tiếng động ngoài cổng, một người đàn ông chạc tuổi anh từ trong nhà đi ra. Thấy anh, người đó lên tiếng:

- Bác hỏi ai?

Anh bảo:

- Tôi hỏi anh đó!

- Dạ, thế để mời bác vào trong nhà ạ! Nói rồi, người đàn ông mở rộng cánh cửa, đưa tay mời anh vào nhà, ngồi xuống bộ trường kỷ rồi nhanh nhẹn xuống bếp lấy phích nước nóng lên pha trà.

Trong nhà, nhìn cách bài trí kiểu sập gụ, tủ chè khảm xà cừ, gian thờ ngay ngắn tại gian giữa, xung quanh toàn là ảnh các cụ áo the khăn xếp chỉnh tề, bộ trường kỷ lên nước bóng loáng, đủ biết ngày xưa gia đình cũng vào loại có của ăn của để. Trên ban thờ, rất nhiều bát hương được xếp thành hàng, theo lối giật cấp rất gọn gàng. Thế nhưng, ở một góc nhỏ cuối gian thứ năm, có một ban thờ nhỏ để riêng, trên đó là ảnh chân dung một cô gái còn trẻ, tóc vấn trần, áo cánh trắng đã ngả màu ố vàng. Một luồng khí lạnh ngắt chạy dọc sống lưng anh. Mẹ anh đây chăng? Bất giác, anh đi đến phía ban thờ nhỏ cuối nhà ấy.

Từ bếp quay lên, thấy anh chăm chăm nhìn tấm ảnh chân dung cô gái trên ban thờ, người đàn ông vừa rót nước chè ra hai cái chén sứ Bát Tràng men lam cổ, đưa cho anh một chén vừa hỏi:

- Cho hỏi… bác từ đâu đến đây? Bác… có chuyện gì muốn hỏi tôi phải không ạ?

- Tôi… là cháu cụ đồ bên làng bên, cô tôi… tên là Mẫn.

- Có phải… Quý… không?...

- Sao… anh biết?

- Trời ơi!... Gia đình chỉ mong được nhìn thấy em thôi. Em ơi!... Sao mãi đến hôm nay em mới về???

Chén nước trên tay hai anh em rơi xuống nền gạch cứng vỡ tan. Cả anh và anh ấy cùng ôm lấy nhau mà khóc, hai mái đầu muối tiêu rung lên bần bật. Anh run run đưa mảnh giấy của mẹ anh cho người anh họ bên ngoại, cả hai cùng dán mắt vào đó như cố tìm cái gì đó thật quý giá, thân quen.

Sau một hồi xúc động, anh Bảo, tên người đàn ông, thắp hương, cắm lên tất cả các bát hương, rồi đưa cho anh ba nén, bảo anh tự cắm lên bát hương nơi góc nhà:

- Mẹ em đấy! Thắp cho mẹ nén hương đi… Để anh báo các cụ là em đã về,… cho các cụ đỡ đau lòng.

Anh đặt tờ giấy nhàu nhĩ của mẹ lên ban thờ, chắp tay vái ba vái, nước mắt tủi hờn trào ra như suối, không nói nên lời.

Trở về trường kỷ, anh Bảo kể:

- Anh là con bác trưởng, đây là căn nhà cũ của ông bà để lại, bố mẹ anh cũng mất đã lâu. - Anh đưa tay chỉ lên ban thờ - Bố mẹ anh ở giữa, hai bên là các chú thím. Anh ở làng, thờ cúng các cụ. Các anh chị dưới anh cũng ở gần đây. Các em con nhà chú hai, chú ba ở trên thành phố, dịp lễ Tết, các anh em trên phố đều về đủ cả. Anh có được nghe bố mẹ anh kể chuyện mẹ em. Mẹ em đẹp gái, nhỏ nhắn, lúc mẹ em mất chỉ khoảng mười chín, hai mươi tuổi thôi. Nhà mình cũng thuộc loại khá giả trong vùng thời đó. Hồi cải cách ruộng đất, nhà cụ đồ bên đó bị quy địa chủ nên bị mất hết tài sản còn nhà mình bên này thì chỉ bị quy trung nông nên không làm sao. Nhưng không hiểu sao, lại có tin là các cụ nhà bên này tố nhà cụ đồ là địa chủ, nên khi cụ đồ mất rồi, bà vợ cụ đồ… là bà nội em đấy, ghét nhà mình lắm. Vì thế, khi biết mẹ em và bố em yêu nhau, bà cụ nhất định không đồng ý và vội vàng nhờ người mai mối, cưới cho bố em một người vợ biết buôn bán ở làng bên kia sông. Sau đó, bố em đi bộ đội, theo đoàn quân Nam tiến. Thế rồi, mẹ em có mang em khi bố em không có nhà, còn người vợ chính thức thì lại không có mang. Khi biết mình có mang, mẹ em đã sang nhà bà nội báo tin, nhưng bà cụ đã không tin, không nhận và đuổi mẹ em về. Ông bà ngoại cũng không chịu được nên cũng đay nghiến, chì chiết mẹ em vì đã làm những việc bại hoại gia phong, khiến các cụ nhục nhã, không ngẩng mặt lên được với họ hàng làng xóm. Ông bà cấm con gái ra khỏi nhà để khỏi bị làng xóm điều ong tiếng ve rồi phao tin con gái bị bệnh, phải đi chữa bệnh trên mạn ngược. Những năm năm mươi của thế kỷ trước, chuyện không chồng mà chửa là tội to lắm. Ông bà ngoại còn đã từng bắt mẹ em uống thuốc thôi thai khi cái thai còn nhỏ nhưng mẹ em không chịu. Mẹ em quyết giữ cái thai, kết quả của tình yêu với bố em, đợi bố em về. Mẹ em cũng không thể ngờ là bố em lại đi lâu, đi xa đến thế. Suốt cả năm trời khổ sở vì ông bà ngoại chửi mắng, gia đình bên nội không nhận, lại không được ra ngoài, mẹ em bị hậu sản mòn, xanh xao, gầy yếu. Mẹ em không đủ kiên nhẫn để chờ bố em trở về, trong lúc một mình phải gánh chịu bao tủi nhục, khốn đốn, mẹ em có nói chuyện với ai đâu, nửa đêm trốn ông bà, bế em mang để ở búi tre trước cửa nhà bà nội em rồi gieo mình xuống sông. Ngày ấy, làng xóm có ai biết mẹ em có con với bố em đâu, nên ai cũng tưởng mẹ em đi đâu về, bị trượt chân xuống sông thôi. Chỉ thấy bảo nhà cụ đồ nhặt được đứa trẻ sơ sinh về nuôi để lấy khước vì cô con dâu không đẻ được, thế thôi. Sau khi chuyện đau lòng xảy ra, mối thâm thù giữa hai nhà càng sâu sắc hơn, vì thế, không nhà nào chịu nói chuyện trước với nhà nào. Khổ thế!...

Anh ngồi trân trân nhìn lên ảnh mẹ. Ánh mắt mẹ anh buồn rười rượi cũng đang chăm chú nhìn anh. Anh không thể tin nổi câu chuyện mình vừa được nghe. Tai anh ù đi khi anh Bảo nhắc tới những chuyện đã qua giữa hai nhà.

Buổi trưa, chị dâu, vợ anh Bảo đi làm đồng về. Anh Bảo nhanh nhẹn giới thiệu anh với chị ấy. Chị ấy rất hiểu chuyện, chào hỏi qua loa, để hai anh em ngồi với nhau, xuống bếp làm cơm.

Hàn huyên với nhau cả buổi, đến chiều, anh xin phép vợ chồng anh Bảo về. Trước khi đi, anh thắp cho mẹ anh nén hương và nói:

- Mẹ chờ con nhé! Con sẽ đón mẹ về!

Về bên nhà bà cô, bà cô anh sốt ruột, cứ đi ra đi vào không dám ngủ trưa. Vừa nhìn thấy anh, bà lập cập hỏi dồn:

- Thế nào rồi hở? Thế nào rồi, con?

Anh kể lại mọi chuyện cho bà và cậu em nghe. Cả hai người ngồi lặng, không biết nói gì. Bà cô anh hỏi:

- Thế con định thế nào?

Anh bảo:

- Còn định gì nữa ạ?! Con đang bảo đến hôm giỗ họ bên đó, nhà con về dưới này, con mời cô, các anh chị, các em cùng nhà con sang đó dự đám giỗ, xin lỗi gia đình bên đó về chuyện đã qua. Giờ cũng không trách cứ gì ai nữa, cô ạ. Mọi chuyện qua quá lâu rồi mà. Bà nội, bố mẹ con cũng đã mất cả rồi. Con tin nhà bên đó cũng muốn nhà mình làm được điều đó, cô ạ. Không làm được điều đó,… con chết cũng chả nhắm mắt được. Cũng không cần làm gì rình rang đâu… Sau đó, con xin phép được rước ảnh cùng chân nhang mẹ con về thờ trên nhà con.

Bà cô anh lấy tay chậm nước mắt, nói:

- Ừ, thôi, con thấy làm thế nào cho phải thì làm!

Rồi anh nói với tôi:

- Anh đã hỏi anh Bảo ngày giỗ họ rồi. Anh cũng đã nói ý định của anh với anh ấy rồi. Anh ấy hứa sẽ nói với họ hàng giúp anh rồi. Hôm qua, anh cũng đã nói chuyện này với vợ anh và các con rồi. Cả nhà đều bất ngờ nhưng rồi cũng đồng ý cách giải quyết của anh. Hôm nay, anh mới kể cho em nghe. Nói ra được, tìm được cách giải quyết, anh nhẹ cả lòng… Sau đây,… anh nghĩ cũng không cần phải nói đi nói lại với các cô bên nhà anh làm gì. Anh cứ thờ mẹ anh trong nhà là được. Nói ra, vừa không giải quyết gì được, có khi lại sứt mẻ tình anh em có từ trước.

***

Đúng ngày giỗ họ bên ngoại, bà cô anh, các em con bà cô và gia đình anh mang một cái lễ đến nhà ông ngoại anh. Trước sự chứng kiến của cả nhà, bà cô anh cất lời:

- Cho gia đình tôi được… có lời xin lỗi gia đình bên này… vì những chuyện không phải đã qua… Hôm nay, tôi xin thay mặt bà đẻ tôi… đưa cháu Quý sang đây, trước… là xin lỗi họ ngoại, sau… là cho cháu nhận họ, nhận mẹ… Xin các bác bỏ quá cho!... Cháu tôi cũng đã biết hết mọi chuyện, cũng xin cho cháu được làm việc hiếu…
Họ bên ngoại, toàn tuổi con cháu, nhất trí ngay với đề nghị của bà cô anh. Anh Bảo vào trong buồng, mang ra một bọc khá to, gói kỹ trong giấy xi măng, đưa cho anh:
- Chú mở ra đi! Bố anh bảo, bao giờ chú về thì đưa cho chú!
Tất cả từng ấy con mắt đổ dồn vào cái bọc anh Bảo đưa cho anh. Anh lập cập mở ra. Trong một cái hộp bằng gỗ khảm trai là một chiếc lắc bạc nhỏ xinh, ông ngoại anh đánh cho anh ngày bé, chưa kịp đeo vào cổ chân anh. Trong đó còn có mấy chiếc nhẫn vàng một chỉ, đôi nụ một đồng cân mẹ anh để lại cho anh, gói kỹ trong tấm vải diềm bâu. Còn có một bộ quần áo trẻ sơ sinh nhỏ xíu. Ngoài ra, còn có tấm áo xô bé tý, cái mũ rơm bé tý, cái khăn tang cũng bé tý mà mọi người xé phần cho anh ngày mẹ anh đi, đã ngả màu ố vàng. Anh đặt tất cả những thứ ấy lên ban thờ mẹ mình mà khấn trong tiếng nấc:
- Mẹ… mẹ nhận của con một lạy vì tội bất hiếu… Cũng chỉ vì… con không được biết! Từ hôm nay,… con sẽ phụng thờ mẹ chu đáo… Hôm nay, con… sẽ đón mẹ về với con! Mẹ ơi!...
Dường như, chỉ đợi có thế, tất cả anh em bên nội, bên ngoại đứng đó đều gật đầu, ai cũng nước mắt vòng quanh.
Vợ con anh im lặng, nhất cử nhất động theo anh vái ba vái.
Khi trở về, anh ôm chặt ảnh mẹ anh trong tay. Xe đi qua ngã ba ngã bảy, qua cầu, anh đều bảo vợ thả mấy đồng tiền lẻ xuống và khấn:
- Con mời mẹ đi đường này cùng chúng con về nhà ạ!
 
Minh họa của Quảng Tâm
 
Anh mất đã được một tuần. Cơn nhồi máu cơ tim đã mang anh đi ở cái tuổi chưa đến bảy mươi. Anh ra đi nhẹ nhàng trong một buổi sáng đẹp trời. Run rủi thế nào, vợ anh lại nhờ tôi sang mời chị bạn tôi lên cúng thất thất lai tuần cho anh. Lên làm lễ cho anh xong, trên đường về, chị bảo tôi:
- Lúc anh ấy đi, chính là mẹ anh ấy đến đón anh ấy đấy. Giờ thì mẹ con anh ấy gặp được nhau rồi. Lúc chị cúng, anh ấy ngồi ngay đằng sau lưng chị nghe kinh. Mẹ anh ấy ngồi bên cạnh, cứ lấy tay xoa đầu, vuốt tóc anh ấy. Anh ấy còn nhắc bà: Mẹ ngồi yên để nghe kinh. Thương thế! Thôi, giờ anh ấy cũng đã thỏa nguyện, được gặp lại mẹ mình rồi, em ạ. Mừng cho mẹ con nhà anh ấy…
- Thế… trông bà như thế nào, chị? - Tôi tò mò.
- Thì... bà mất từ lúc còn trẻ nên hình ảnh mà chị nhìn thấy là bà vẫn trẻ như thế. Còn anh ấy mất khi đã gần bảy mươi tuổi thì nhìn anh ấy già hơn bà nhiều. Nhưng tình cảm mẹ con thì vẫn là mẹ con, em ạ.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mừng cho cuộc đoàn viên của mẹ con anh. Anh vui với niềm vui lớn nhất của cuộc đời mình theo cách riêng của anh đi nhé. Bà khổ đau cả một đời rồi, hãy để bà được hưởng niềm vui đoàn tụ với anh đi. Tuổi nào thì vòng tay mẹ cũng vẫn là ấm áp nhất mà, phải không anh?
Tuyên Quang, 02/5/2023
B.T.M.A

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 92 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 40 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 41 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 36 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 9 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 170 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 466 lượt xem