Cây đào nở muộn

Thứ năm, ngày 29-02-2024, 09:48| 355 lượt xem

Lê Ngọc

 

 

Minh họa của Quảng Tâm

 

 

 

Quê nhà mấy nay, mưa riêu riêu trên mái ngói thẫm sầu, nhỏ tí tách xuống tàu lá chuối hòa tấu giai điệu ngân nga lộp độp. Nước tràn sân ngập vườn lênh láng, thấm ướt bộ lông mỏng manh khiến đàn gà co ro run rẩy. Ngay cả con Lu tối ngày te tởn bám riết chân ông nay cũng nằm buồn tiu nghỉu, thỉnh thoảng há miệng táp lũ ruồi ngơ ngẩn bay qua. Bà rủ tôi ngồi bóc lạc ngoài hè, ngó nghiêng tiết trời cháo lòng u uẩn chem chép miệng than thở:

- Mưa thối đất, thối cát thế này. Chợ lại nghỉ mất thôi.

- Còn thiếu nhiều thứ không bà?

-  Ngoài gạo, đỗ của nhà thì đã sắm sửa gì đâu…

- Để mai ngớt ngớt, cháu ra đường lớn xem thử. Chắc họ mở bán hết chạp ông Táo, đang đông khách, ai nỡ đóng cửa.

- Ừ… - Bà ngập ngừng giây lát mới bồn chồn dò hỏi - Bố mày gửi thư về rồi chứ?

- Dạ chưa.

Bao nhiêu năm bố vào Nam lập nghiệp, là bấy lâu, bà chờ mong ngóng đợi. Dẫu năm sau nối gót mòn năm trước bởi những cái lắc đầu nguầy nguậy hoặc điệp khúc quen thuộc của tôi. Ấy mà, bà vẫn hỏi. Mỗi dạo nghe xong câu trả lời, tôi thường thấy bà phiền muộn, chán nản.

Người thất thần nên làm gì cũng hỏng. Nhỏ như bát canh cua để quá lửa sôi trào cho đến nồi cơm vài hôm khê sống. Lớn thì đi chợ quên nọ, quên kia. Nhiều đêm chập chờn khó ngủ, tôi bắt gặp bóng bà lờ mờ trước ô kính, tay nâng niu khung ảnh cũ loang lổ vệt hoen ố với nụ cười vắng mặt đã lâu…

***

Những năm thiếu thời, làng nghèo xơ xác. Nguồn thu nhập chính của cả gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng trũng. Thỉnh thoảng giữa vụ giáp hạt nông nhàn, bố xin làm phụ xây cho ông chủ thầu xóm bên. Mẹ tranh thủ chạy thêm nghề hàng xáo, vất vả quần quật vừa vặn đủ chi tiêu.

Lũ nhóc chúng tôi đói lòng theo thắt. Yên xe đạp xóc nảy nện bầm dập mông tôi suốt chặng đường mẹ chở lên chợ. Người nghìn nghịt, nô nức. Họ háo hức lượn quanh những sạp hàng vải vóc, súng sính ướm thử áo khoác dày ấm, quàng chiếc khăn len xam xám tròn vo. Có đứa trẻ khoe khoang đồ chơi mới khiến tôi thèm thuồng khao khát. Chân chậm chạp, mắt đóng đinh tại chỗ. Mẹ lôi kéo, dỗ ngọt hoài mới chịu.

Quanh năm khổ cực, tôi cứ mong mãi tới ba ngày Tết. Đói giỗ cha, no ba ngày Tết. Với trẻ con, nhắc đến Tết là lì xì mừng tuổi, mẹ sắm quần áo mới, thỏa sức ăn gà lợn giò chả. Còn riêng ông bà, Tết coi như dịp để móm mém nhai trầu, gặp mấy đứa cháu ở xa, trông một nhà sum họp quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm.

Đơn giản thế thôi… chỉ thế thôi.

***

Bắt đầu từ tháng mười âm lịch, gió theo mây bớt những cơn hờn giận vô cớ rít gào quăng quật ngọn tre. Khi cơn bão vừa tan, nhà bộn bề nhiều việc. Bà vội vàng thu xếp dọn dẹp, quét tước. Thiên nhiên ẩm ương, dở chứng khó chiều. Cuối thu rồi mà mưa giông rả rích, rũ gốc đào rụng lá tơi tả. Đã vậy, ông còn bồi thêm những phát ngắt nhanh nhẹn, dứt khoát run rẩy thân cây.

Tôi ráo rác tò mò, nhặt nhạnh những chiếc lá thẫm xanh héo rũ, phơi bày la liệt phủ kín mặt đất. Tay quơ quơ dưới tia nắng le lói sẫm chiều vàng vọt. Lá rất mềm. Yếu ớt. Nhăn quoắn thu liễm gai góc răng cưa nhọn hoắt. Nó kết thúc sinh mệnh đúng lúc căng tràn nhựa sống, độ tuổi đẹp nhất trong vòng đời thực vật.  

- Sao ông vặt trụi lủi vậy?

- Ươm cho hoa nở đúng Tết đấy cháu.

- Thật ạ! - Tôi hơi nghi hoặc.

- Cái giống đào này, lạ thế đó. Giống như gốc mít già sau vườn phía Tây, tụi bay không gõ gốc tra khảo thì lấy đâu đám quả mọc trĩu trịt. Đào mà cứ thả rông, cành tốt um tùm chắc chắn sẽ lười, chẳng nở hoa.

- Kỳ cục ông nhỉ.

- Ừ… - ông cười khề khà, tiếp tục vặt lanh lẹ - Ép vầy, nhưng cũng còn trông trời, ngó rét, lúc lạnh dù chúm chím nụ vẫn đợi sát rằm mới đủng đỉnh nở rộ.

- À cháu biết rồi, đào cũng hay đi muộn, về sớm.

- Thất thường quá nên dân trồng đào khổ, mòn mỏi hít gió nằm sương, chỉ cầu nó đúng hạn đơm bông, bán cho được giá.

Tôi bĩu môi, nguýt dài giận lẫy: 

- Nhưng, nhà mình toàn nở muộn thôi.

- Ai bảo mùa Xuân tắc đường…

Ông ẫm ờ bỏ lửng. Mặc kệ tôi băn khoăn mờ mịt với những thắc mắc nườm nượp giục giã. Chúng rộn ràng chia luồng đối chọi một cách gay gắt. Nửa bảo rằng nàng tiên Xuân ham thích, mải miết rong chơi nơi nào nên dềnh dàng ngoài cửa. Do nàng mê áo váy của phiên chợ rực rỡ muôn màu. Thèm miếng bánh chưng nhỏ bố vớt khỏi nồi nước luộc sục sôi ngút khói.

Nửa kêu ông vốn tính thích đùa. Xuân cố định xoay vần tạo hóa. Tiết giêng hai chơm chớm bên thềm là mùa ngấp nghé lún phún chồi non. Trải thảm cỏ xanh nối liền ruộng đồng. Lạnh buôn buốt chân, mẹ đeo ủng xuống cấy. Tôi về trường học nốt kỳ thứ hai.

Tựu chung mọi luồng ý kiến đều lý giải xuân đến hay đi, rốt cuộc là chuyện xa lắc, xa lơ. Chả dính dáng tẹo nào tới cây đào lỡ làng trổ hoa. Dù Tết nhất không sắm đào, mua quất. Cuối cùng, người ta vẫn cảm nhận được không khí dần dà biến chuyển, phơi phới mừng vui…

***

 Bố mẹ đi Nam từ bận cây đào vừa đánh đất. Tôi đang học lớp sáu trường làng, nghe hai người dặn ở nhà ngoan ngoãn, vâng lời ông bà cứ dạ thưa răm rắp. Năm đầu, năm hai, năm ba… Cây đào còm cõi ngày càng tươi tốt, dù muộn màng nhưng cũng biết trổ những lứa hoa đều đặn. Song, bố mẹ mãi liên lạc qua thư.

Ông hay thủ thỉ với tôi rằng “thấy đào là thấy Tết”. Mà sao tôi thấy Tết chán ngắt gì đâu? Nó khác chi ngày thường. Nhà ba gian, ba người ngồi ba góc. Bà nấu mâm cỗ thịnh soạn cúng cụ, hạ lễ thụ lộc gắp vài gắp, vội kêu no. Chả ai thiết ăn uống khi thư bố về báo Tết ở miền xa. Gửi chút tiền nhờ hàng xóm biếu ông bà, cho tôi mua đôi bộ đồ mới, coi như xong.

Có đợt, tôi nhớ bố mẹ da diết, muốn nhắn tin mong hai người về chơi ít bữa nhưng bà ngăn lại, giọng bà nhẹ giống bông đào cuối mùa, gió khẽ lay rụng:

- Đừng gửi thư con, bố mẹ mày bận lắm. Tăng ca suốt, không biết rồi có ăn Tết tử tế không?

Bà lúc nào cũng lo lắng bao biện, đoán bừa vậy thôi. Chứ ai mà biết. Xa lắm. Đâu chừng họ còn ăn to ấy. Thành phố bao giờ chả phồn hoa hơn xứ quê mùa lạc hậu. Bố mẹ bị hút hồn nên chẳng muốn về. Tôi giận dỗi, lụng bụng phút chốc mắng vụng.

Rồi những ngày Tết rập rình ngoài ngõ, xóm giềng ới nhau đụng lợn, dựng Nêu, bó giò, muối hành. Ánh nắng nhàn nhạt ươm vàng hoa cải, hun khô nốt mùi ẩm mốc ngai ngái cuối đông. Tôi lại chặn đường bác bưu tá hỏi han tin thư mới, nhìn cái lắc đầu liên tục, lòng hụt hẫng như mất một thứ gì. Tìm thật lâu toàn giá lạnh hiu quạnh. Người ôm buồn, rệu rã gầy hao...

* * *

Miền Bắc đón thêm những đợt không khí lạnh tăng cường. Đài cảnh báo rét đậm, rét hại. Nghe chừng thời tiết rất khắc nghiệt. Lạ rằng, cây đào nở muộn bao năm bỗng dưng đổi tính dịu ngoan. Bận gió thẽo thẹt thổi rát rạt cánh đồng. Nó lặng lẽ cần mẫn đơm nụ, dặm kín hoa dọc tấm thân gầy guộc.

Ông phấn khởi ngó nghiêng quanh quất rồi tằng hắng khoe khoang, kiểu gì đào cũng nở chính Tết, khéo đem bứng vô nhà trưng chơi cũng hay. Mà bố mày gửi thư về chưa? Có nhắc về ăn Tết không? Ông cứ hỏi triền miên, không dứt. Tôi chỉ kịp dạ thưa khe khẽ. Ông đã nhanh chóng chuyển lời như đang trốn tránh đáp án quen thuộc. Bất giác, tôi nghĩ mình phải làm gì đó. Ý nghĩ lớn mật manh nha nhen nhóm trong đầu. Chờ sẩm tối, khi vùi đầu vào bàn học nhìn mắt bà rưng rức trước khung ảnh, cái ý nghĩ ấy càng trở nên rõ ràng thôi thúc tôi thực hiện, âm thầm và lén lút.

***

Một chiều cuối năm, mấy con chim chào mào hót vang trên bụi chuối góc vườn. Đào hồng xinh chớm nở lác đác. Tôi cầm lá thư thơm mùi giấy mới, reo um khắp lối nhỏ, đường quê:

- Bà ơi! Bố cháu về… bố cháu về...

- Bố mày đâu? - Bà chạy ra từ trong nhà, ôm chầm lấy tôi kích động - mày nghe ai nói, chắc lắm không?

- Thật ạ! Thư đây này bà.

- Ừ đúng rồi. Để tao bảo ông mày, ông vui phải biết. Tết này ăn tươm tất tí. Gạo còn đủ không nhỉ, gà hai con…

Bà nhẩm tính thực phẩm xong rảo bước tìm ông. Nắng sẫm chiều rót mật lên lá thư tôi giấu riêng còn sót lại. Lửa hừng hực nhấm nuốt hàng chữ “Bố mẹ xin lỗi” sau những dòng oán hờn, nài nỉ tôi nắn nót tối nào.

Tự nhiên, tôi thấy lòng nhẹ bẫng, ấm áp. Nhánh đào xa xa rủ rỉ lay động, gieo xuống sân vài cánh hoa trở mình nở sớm. Tết đương gần bên ngõ, rạng rỡ đất trời ngan ngát khí Xuân.

L.N

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 8 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 35 lượt xem

Bài học của búp bê

22-04-2024| 23 lượt xem

Tiệc rừng

22-04-2024| 25 lượt xem

Trước mộ Nguyễn Tuân

22-04-2024| 25 lượt xem

Văn xuôi

Chuyện ở một thời

24-04-2024| 10 lượt xem

Về lại Lũng Hoa

11-04-2024| 47 lượt xem

Quà tết

11-04-2024| 35 lượt xem

Hạt mùa sau

11-04-2024| 95 lượt xem

Người lính đặc công năm xưa

11-04-2024| 47 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 86 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 433 lượt xem