Về quê

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:19| 514 lượt xem

Truyện ngắn của Trần Huy Vân

Minh họa của Quảng Tâm

 

Thế mới biết miệng lưỡi thế gian, không biết thế nào mà lường cho hết. Cách đây một dạo, làng nhao lên chê bai, nhiếc móc, lại còn cấm cửa không cho con cái giao tiếp với cái Toan. Thoáng thấy bóng Toan đâu, đã có người nhổ nước bọt, chửi: đồ con đĩ, gái gì mà thấy đàn ông đứng đâu là sấn đến, như mèo thấy mỡ. Ăn mặc đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, tóc cắt ngắn cũn cỡn, quần bó chẹt lấy hai chân, mông nẩy tanh tách, lúc nào cũng cười toe toét, đồ quạ cái, ngữ ấy chỉ đem cái nhục về cho bố mẹ.

Toan bỏ nhà đi mấy năm, không thấy bóng ở làng, mọi người không ai nhắc đến nữa. Năm đầu còn có lời đồn thế này, thế nọ, Toan chẳng chịu nổi miệng lưỡi thế gian, đã đi rửa bát thuê ở một cửa hàng ăn trên tỉnh. Rồi đi học may, được một dạo lại chuyển đi làm dịch vụ ở một quán hát, bia ôm. Nay theo người này, mai theo người khác. Dặt những tin đồn chẳng tốt đẹp gì. Mấy năm sau không ai nhắc đến nữa.

Tết năm ấy, Toan  về quê, ăn mặc đẹp như một công chúa, nhẫn vàng, dây truyền, hoa tai, váy đầm, cùng chồng đi chiếc Toyota bóng lộn. Bế đứa con gái mới đầy một tuổi, mũm mĩm như trái chín, có vú nuôi đi kèm. Cả làng trố mắt nhìn. Có người tấm tắc khen: cứ như công chúa về quê, con bé thế mà tài, phải cái lấy anh chồng già quá, hơn cả tuổi bố đẻ, nhưng lại là Giám đốc một công ty lớn đang thành đạt. Đúng là một bước lên quan, bà quan Toan, sướng chưa!

Toan khuân trên xe xuống bao nhiêu là quà, chia cho khắp lượt người nhà, trẻ con làng đến xem ô tô cũng được chia kẹo. Ông bà Tạo bao ngày chua xót vì con, nay bỗng mở mày, nở mặt. Toan không giấu nổi vẻ kiêu hãnh của mình, nhìn dân làng bằng con mắt khinh thường.

Lần này không phải Toan bị chửi mà đến lượt các cô gái làng.

- Nào là ngu, không biết tính toán đường làm ăn. Chui rúc mãi ở quê, chân lấm tay bùn làm sao ngóc đầu lên được. Bao nhiêu năm làm lụng, bán cả cơ nghiệp liệu có bằng cái ngón tay của nó không!

Có người thương tình nói đỡ: bì phấn với vôi, con người ta có số, gặp may mới được vậy, con nhà mình ra tỉnh, không khéo bị quả lừa, lại không mất cả chì lẫn chài, tay không mà về.

Mồng hai Tết Nguyên đán năm ấy, chú rể khao cỗ cả làng, vừa để ra mắt, vừa để xin lỗi lúc cưới không báo biến gì đến gia đình, dòng tộc nhà gái và dân làng. Với người khác, quả là cái lỗi lớn, với ông Giám đốc một công ty lớn cũng có thể cho qua được. Đám khao ấy, những người già trong làng đều đủ mặt, duy có đám thanh niên, cả nam lẫn nữ, Toan tha thiết mời, không một ai đến. Con gà tức nhau tiếng gáy là vậy. Ở nhà quê chỉ cần hơn nhau tấm áo, manh quần đã là đáng kể lắm rồi, đằng này…

Ông Giám đốc quả là con sâu rượu. Ông đi hết mâm này đến mâm khác, mâm nào cũng líu cả lưỡi, “tăm phần tăm”, làm một hơi đến ực. Mặt ông đỏ gay đỏ gắt, rồi tái nhợt, mồm méo, mắt trợn lên, khổ mặt vốn đã dài càng như dài thêm ra, cái cằm nhọn như nhọn hơn. Nhìn ông giống một tay đồ tể chuyên đâm thuê, chém mướn hơn là ông Giám đốc. Khi ông đến gần mâm ông Kim Hải, bỗng đứng sững lại, mồm há hốc, tay run run, làm rượu tràn ra cả ngoài chén. Lưỡi ông Giám đốc như líu lại, không thao thao bất tuyệt như ở mâm khác. Hai người nhìn nhau chằng chằng!

Thấy cuộc rượu bỗng dưng chững lại, ông Tạo sấn đến:

- Thế nào, quen nhau à, hay thấy người sang bắt quàng làm họ đấy ông Kim Hải.

Ông Kim Hải điềm tĩnh nói:

- Đâu dám, thấy tướng mạo chàng rể nhà ông khác người, chiêm ngưỡng một chút. Nào xin các ông cạn chén, chúc mừng ông bà Tạo chọn được chàng rể vừa có tài, lại hiếu thảo.

- Xin mời! Xin mời! - Như gỡ được thế bí ông Giám đốc hùa theo.

Cũng may nhà đông khách, lại đang rượu chè, xôi, thịt, chả ai để ý, chỉ có mấy người ngồi cùng mâm với ông Kim Hải thấy vậy, nhưng nếp tẻ ra sao, không ai biết. Hỏi, ông Kim Hải chỉ ậm ừ:

- Chỗ quen biết ấy mà!

Có điều, ngay chiều hôm ấy, ông Giám đốc viện cớ: phải tiếp một phái đoàn nước ngoài đến công ty, ông đi ngay, sớm hơn dự định ba ngày.

  Lâu lâu sau, lại có lời đồn: Toan có biệt thự ở Hà Nội, sống như bà hoàng, có con sen hầu hạ hằng ngày. Còn ông Tạo chàng rể đầu tư vốn, đóng hẳn một con tàu mới tinh để chở sỏi cát trên sông Lô. Chuyện Toan có biệt thự hay không, còn bán tín bán nghi, còn ông Tạo có tàu chở cát sỏi là có thật. Vốn ông vay ngân hàng, hay chàng rể cho, chỉ có trời biết.

***

Chuyện bàn tán ở làng quê, cứ như từng đợt sóng trên mặt ao làng. Nó ầm ĩ một dạo lại trở lại yên lặng ngay. Chuyện bố con ông Tạo không ai nhắc đến nữa.

Mãi đến chiều nay, Toan lại về quê, lần này không phải trên chiếc xe Toyota bóng loáng, mà là trên chiếc xe trâu chất đầy hành lý, hòm xiểng, nồi xoong. Cũng không giống như công chúa về quê lần trước. Toan ăn mặc dân giã, nhẫn vàng, hoa tai, dây truyền không thấy đeo, đứa bé đã lớn lẽo đẽo chạy theo mẹ.

Mới thấy có vậy, dân làng đã phao lên: ông Giám đốc tham nhũng, xí nghiệp bị vỡ nợ, mà thời buổi này các công ty lên voi, xuống chó là chuyện thường. Gia sản bán sạch để đền, nghe đâu vẫn phải hầu tòa, lĩnh án tù bao nhiêu năm chưa rõ. Con tàu chở sỏi của ông Tạo nghe đâu cũng đã bán cách đấy mấy tháng rồi. Ông trở về nghề chài lưới kiếm cá trên sông. Chắc hôm nay lên bờ tháp tùng chiếc xe trâu cùng cô con gái về quê. Chả bõ những lúc đi đâu cũng khoe: học hành chữ nghĩa để làm gì, cái Toan nhà này trình độ cấp một chưa xong, một bước lên nhà lầu xe hơi, thử hỏi cả cái vùng này, từ già đến trẻ có ai được như nó!

Nghe tin Toan về, dân làng kéo đến, không còn những lời vồn vã tán dương như trước. Mọi người đưa mắt nhìn nhau thì thầm to nhỏ. Ông Tạo đứng giữa nhà phân bua:

- Chồng cháu Toan được đi du học nước ngoài mấy năm, để mình cháu ở Hà Nội không tiện, đành đưa cháu về quê.

- Có thế chứ!

Ông Kim Hải cũng có mặt, rẽ đám đông đến cạnh ông Tạo, nói thong thả:

- Tôi đến mừng cho ông. - Nhìn thấy ông Kim Hải, ông Tạo chột dạ, ông Kim Hải tiếp lời, - Tôi biết có ngày này ngay từ hôm được gặp con rể ông Tết năm nào. Lần ấy định nói ngay, ông bảo tôi, thấy người sang bắt quàng làm họ, nên lại thôi. Ông lừa dối dân làng làm gì, toàn những người thật thà cả.   Thằng con rể ông người làng tôi, có họ hàng với tôi, nên không lạ gì nó. Bà con làng này ai chả biết, quê tôi mãi tận vùng biển, lên đây làm ăn. Nó là thằng đầu trộm, đuôi cướp. Hồi còn ở nhà, làm kế toán hợp tác xã, biển thủ công quỹ rồi bỏ trốn biệt tăm, nay Nam, mai Bắc, khen cho nó có tài lẩn trốn lưới pháp luật. Tôi nghe bao nhiêu chuyện chẳng tốt đẹp gì về nó. Nó lừa không ít những cô gái như con ông Tạo đây. Cái nghề ấy, khi được thì lên voi, ngồi trên đống tiền, xem người như cỏ rác, khi thua xuống chó, rồi vào nhà đá. Tôi biết nó bị công an bắt cách đấy mấy tháng rồi, chứ nước ngoài, nước trong gì. Đến giờ ông còn nói dối quanh, chả nên thế, toàn những người lương thiện nỡ nào làm thế. - Quay lại dân làng, ông Kim Hải tiếp lời, - Ta về thôi bà con, chân chỉ hạt bột mà làm ăn thôi, đừng ngõi đâu, kẻo lại của thiên trả địa, khổ cả đời.

Rõ chuyện, dân làng ồn lên, mỗi người một câu, chỉ thương những cô gái làng có dạo bị chửi oan, rồi lục tục ra về.

Còn ông Tạo ngồi rũ ra như tầu lá tươi gặp lửa.

T.H.V

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 33 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 33 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 27 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 3 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem