Bà thắm

Thứ ba, ngày 17-10-2023, 09:33| 498 lượt xem

Truyện ngắn của Đinh Minh Sơn

 

Minh họa của Tân Hà

 

Cái xóm nhỏ ấy nằm bên rìa thị xã, chỉ cách một quãng đường chưa đầy một ki-lô-mét, mà đã có nhiều sự phân cấp. Xóm thuộc huyện mà huyện thì làm sao có điều kiện, có sự đầu tư như thị xã, đường xá thì ổ voi, ổ gà nắng bụi, mưa bùn, điện tù mù lúc có lúc không. Lúc đầu, xóm chỉ có vẻn vẹn vài chục nóc nhà, nhưng đột nhiên không biết thế nào mọi người đổ xô đến mua đất dựng nhà. Nghe phong phanh, thị xã sắp lên thành phố loại ba. Từ một xóm dân cư thưa thớt, đất đai rộng rãi cũng bắt đầu trở thành một phố nhỏ, nhà xây dần dần thay cho nhà tạm bợ, rồi khi có quyết định xã thuộc thị xã quản lý thì mọi thứ đều được đầu tư nâng cấp hẳn lên, đường sống trâu được đổi thành đường bê tông, nhà văn hóa được xây dựng, cột điện dựng hai bên thay nhau thắp sáng các đêm. Ôi cái sự đổi thay ấy cả xóm nức lòng.

Nhưng nhiều khi cũng còn sự bất cập, không đồng bộ. Đổi thay là thế nhưng lại xảy ra nạn rác thải đổ bừa bãi, vì Công ty vệ sinh môi trường đô thị chưa có người vào thu gom rác hằng ngày. Rác vứt khắp nơi, chỗ nào vứt được thì vứt. Ông trưởng thôn lên xã đặt vấn đề, cũng chỉ một thời gian sau xóm đã được cấp một chiếc xe chở rác mới toanh. Ông huy động tất cả mọi người dành một buổi làm tổng vệ sinh, xóm đã sạch sẽ, khang trang rồi tối hôm sau ông cho họp dân, thống nhất một số vấn đề; nào là chỉ chuyên chở rác sinh hoạt, còn ai phát vườn, chặt cây phải tự gom và xử lý, nào là thời gian gom để rác ra ngoài rồi mỗi hộ đóng góp bao nhiêu cho người đi đổ rác v.v… Mọi người ai ai cũng nhất trí, nhưng đến phần cử người đi thu gom chở rác thì ai cũng nguây nguẩy cả lên. Đang lúc căng thẳng thì có một người phụ nữ ngồi hàng ghế cuối cùng đứng lên: “Nếu ai không nhận thì để tôi”.

Mọi người quay xuống hóa ra bà Thắm nhà ở cuối xóm, mọi người không ai bảo ai vỗ tay rào rào vì ai cũng biết và hiểu bà Thắm.

Bà Thắm nhà ở cuối làng chỉ có hai mẹ con, cô con gái trắng trẻo, xinh gái đang học lớp 6. Chẳng bù cho bà Thắm một người phụ nữ có nhiều nét đàn ông, cao to, khuôn mặt khắc khổ, bàn chân, bàn tay to bè, đặc biệt bàn tay của bà, những ngón tay to dầy lòng bàn tay thì không chỗ nào là không có chai, đến từ các kẽ tay cũng dày cộp chai. Ăn nói nhiều khi bỗ bã và gần như không biết sợ, nhưng được cái tốt tính, ai nhờ việc gì, hoặc xóm làng có công, có việc là bà sắn tay vào làm đâu ra đấy, khối ông đàn ông không theo kịp bà, có những con lợn tạ một mình bà cũng thịt được, nhiều thanh niên nhìn thấy chỉ biết lắc đầu, lè lưỡi. Có nhiều người nói đùa với bà, gọi bà là ông Thắm thì đúng hơn, bà chỉ cười.

Cơ duyên bà tới sống ở xóm này cũng kỳ lạ. Từ nhỏ bà đã không biết bố mẹ là ai, quê hương bản quán ở đâu cũng chỉ nhớ mang máng, ở với một ông bà già, tới khi lớn một chút, chừng năm, sáu tuổi gì đấy, bà bị lạc rồi cứ lang thang, ai thương tình cho gì ăn đấy, chỗ nào ngủ được thì ngủ, thế mà bà vẫn lớn, vẫn khỏe, phải chăng cũng là một sự chọn lựa tự nhiên của cuộc sống. Lớn lên một chút bà bắt đầu đi làm thuê, lúc đầu đi bưng bê, rửa bát cho một quán phở, bà làm không biết mệt, ông bà chủ cũng là người tốt tính, thương người cứ mỗi khi làm xong lại ép bà ăn cơm, ăn phở, thịt thì nhiều, lại còn bao nhiêu xương hầm trong nồi phở nữa. Làm khỏe, ăn khỏe lại đang độ tuổi lớn, chỉ một hai năm bà đã phổng phao hẳn lên nhưng nữ tính thì ít. Từ khuôn mặt, hai vai vuông vắn, dáng đi thì nam tính hết chỗ nói. Cho đến một ngày cả hai ông bà chủ quán phở bị tai nạn chết. Anh con trai quyết định dẹp quán, bà lại ra đi làm bất cứ việc gì từ đào ao, bổ củi, khuân vác đến cấy lúa bà làm được cả. Bà không bao giờ mè nheo, mặc cả công xá, người thuê đưa bao nhiêu bà nhận bấy nhiêu, cái quan trọng nhất là phải cho bà ăn no rồi lăn kềnh ra ngủ hôm sau lại làm tiếp.

Rồi lần đó có người làng bên nhắn bà sang phát cỏ ở đồi cây. Khoảng tám giờ tối, bà khoác tay nải đi trên một con đường làng, bỗng nghe kêu cứu cứ nghẹn dần, bà vội chạy tới, thấy ba thằng thanh niên đang giằng xe đạp của một cô bé. Hai thằng giữ chặt tay cô bé, còn một thằng nhảy lên xe định đạp đi, chúng cười hô hố. Bà nghĩ cướp rồi và nhanh chân giữ chặt chiếc xe đạp lại, tiện tay vả vào mặt nó đánh “bốp” một cái, không biết bàn tay chai sạn của bà làm cho nó gãy mấy cái răng, chỉ biết là nó bỏ xe chạy thục mạng, còn hai thằng kia chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị bà đạp cho một cái cắm đầu xuống ruộng, thằng còn lại hồn phiêu, phách lạc chạy một mạch không dám quay đầu lại. Bà đến gần cô bé chắc cũng chỉ hơn mười tuổi đang run như cầy sấy, bà hỏi mà nó nói không thành tiếng, mãi sau qua cơn sợ hãi cô bé mới nói nhà cháu ở gần đây một đoạn thôi, cháu sợ lắm bác đưa cháu về được không? Bà nói gọn lỏn: “Được”.

Thế rồi bà dắt xe đạp đưa cô bé về, tới nhà bố mẹ cô bé đang lo lắng, bà chỉ nói: “Trên đường đi làm về tôi gặp mấy thằng định cướp xe đạp của cháu, tôi đã giải quyết xong, bây giờ tôi đi nhé”. Bà quay lưng định đi thì bố mẹ cô bé chạy theo: “Bác vào nhà uống nước đã cho chúng em còn có dịp cảm ơn”. Bà cũng đang khát cháy cổ, nói tới uống nước thì vào ngay, chủ nhà pha ấm nước chè ngon định mời bà. Bà xua tay.

- Nhà mình có giếng không?

- Có ạ!

- Cho tôi ra giếng?

Tưởng bà muốn rửa chân tay; không ngờ bà múc một gầu nước lên rồi ghé mồm tu ừng ực, có lẽ phải hết nửa gầu bà ngẩng đầu lên.

- Đã quá rồi.

Cô bé lúc này đã hoàn hồn kể lại toàn bộ sự việc, ông bà chủ nhà cảm ơn rối rít rồi hỏi:

- Bà bây giờ đi đâu? 

- Xóm bên nhắn tôi sang phát rừng, nhưng đi từ chập tối mà chưa tìm thấy đâu.

- Bà đã ăn cơm chưa?

- Tôi ăn rồi, từ buổi trưa.

Hai vợ chồng ông chủ nhà bật cười, ông chủ nhà nói:

- Thôi đằng nào cũng khuya rồi, con em đi học về cũng chưa được ăn, bác ăn cơm cùng cháu cho vui. Bà Thắm cũng chẳng từ chối, ngồi cùng cô bé ăn cơm. Bữa cơm đạm bạc chỉ có canh cua với cà, thêm đĩa trứng rán mà bà ăn tới ba bát liền, xong cơn buồn ngủ chợt ập tới. Thôi sáng mai tôi đi cũng được, cô chú cho tôi ngủ ngoài hiên nhé.

- Bác vào nhà nằm có giường, có màn, chiếu đàng hoàng, ở đây lắm muỗi lắm.

- Ôi dào muỗi thì sợ gì cơ chứ.

Nói như vậy nhưng bà vẫn tuân thủ theo sự sắp xếp của gia đình. Không bị bọn muỗi tấn công, như mọi khi bà ngủ một giấc ngủ sâu ngon lành tới năm giờ sáng bà tỉnh dậy, ra sân thấy quanh nhà nhiều lá cây, rác rưởi đầy sân, bà tìm chổi quét, moi móc từng tí một, lấy dao phát hết những cây dại quanh nhà.

Bữa cơm sáng được dọn ra bà nhìn mắt cứ tròn xoe, ăn gì mà như mâm cỗ vậy. Có thịt gà, thịt bò, rau xào, canh cà, lại thêm nồi cơm nếp cứ thơm phưng phức. Bên cạnh lại có một chai rượu nút lá chuối với hai ly nhỏ có đế hẳn hoi, bà tự cấu vào tay mình thấy đau đau mới biết mình không mơ.

Ông chủ nhà đon đả:

- Thưa bác, trước hết vợ chồng cháu xin cảm ơn việc bác cứu con cháu đêm qua, nhà cháu có bữa cơm đạm bạc mời bác và sau đó có chuyện muốn thưa với bác.

Ông chủ nhà nâng hai tay mời bà ly rượu, bà cũng chẳng từ chối làm đến ực một cái hết veo, làm cho vợ chồng ông chủ nhà tròn xoe đôi mắt. Bà ăn uống tự nhiên khi sắp xong bữa mới hỏi:

- Thế cô chú có chuyện gì muốn nói?

- Báo cáo bác (Lần đầu tiên trong đời bà được có người báo cáo) em xin tự giới thiệu em là Toàn, vợ em là Hạ, hai vợ chồng em đã có một bé gái tên là Hoài năm nay đang học lớp 6. Gia đình em ở đây đã lâu, có ruộng cấy lúa, có đồi chè và đồi cây công nghiệp ngoài ra còn chăn thả đàn gà, mấy con trâu cũng vất vả lắm.

- Ôi dào ở đâu cũng thế, chỉ sợ không có sức mà làm.

- Bây giờ chúng em đề xuất một việc thế này.

- Cô chú nói đi.

- Chúng em muốn bác ở lại giúp đỡ vợ chồng em. Chúng em sẽ trả tiền cho bác và bác ăn ngủ tại gia đình chúng em được không? Đỡ phải đi nay đây mai đó đằng nào cũng là lao động thôi mà.

Bà Thắm nghệt người ra một lúc: “Ừ”. Vợ chồng nhà này cũng tử tế, cứ ở một thời gian xem sao, mất mát cái gì đâu, nghĩ sao nói vậy bà ừ một tiếng dứt khoát.

Thế là từ đó bà ở hẳn lại với gia đình cô chú Toàn Hạ. Hằng ngày, bà cùng vợ chồng Toàn lúc thì hái chè, sao chè, lúc thì phát cỏ đồi rừng v.v... còn ăn uống thì bà không phải lo, số tiền vợ chồng Toàn trả công cho bà, bà lại nhờ vợ chồng Toàn giữ hộ.

Một hôm vợ Toàn nói với chồng:

- Hay là ta làm cho bác ấy một sổ tiết kiệm nhỏ.

Toàn đồng ý, nhưng hỏi đến chứng minh thư nhân dân thì bà nghệt ra không hiểu chứng minh thư nhân dân là thế nào. Hai vợ chồng lại phải lên xã, rồi lên huyện hỏi thủ tục, cuối cùng bà cũng có được cái chứng minh thư nhân dân. Khi ngồi chụp ảnh, lăn tay, bà mặc bộ quần áo mới do vợ chồng Toàn mua cho cứ ngường ngượng thế nào ấy. Lúc chụp ảnh bà sợ cứ nhắm tịt mắt vào, bao nhiêu người phải cười. Chứng minh thư nhân dân của bà lấy quê của Toàn và chỗ ở cũng tại xóm đấy, xã đấy.

Hạ sinh thêm được một thằng cu ai cũng mừng nhưng có lẽ vui nhất là bà Thắm. Bà ngắm thằng cu cả tiếng đồng hồ không chán, bao nhiêu việc từ cơm nước, giặt giũ, chợ búa là bà lo tất không cho Hạ làm bất cứ việc gì. Cái Hoài ngoài giờ đi học về cũng lăng xăng làm cùng bác Thắm, bà chỉ bảo cho nó từng ly, từng tí. Công việc giúp hai bác cháu đã quý nhau lại càng quý nhau hơn. Thằng cu được đặt tên là Nghĩa. Khi Nghĩa lên năm tuổi, cái xóm nhỏ ấy có nhiều người mua đất về làm nhà, vợ chồng Toàn có một mảnh đất ở cuối thôn, bằng phẳng chỉ để trồng sắn, họ bàn nhau hay chuyển đổi và dựng cho bà Thắm một ngôi nhà, lúc đầu bàn với bà Thắm bà giãy nảy lên còn nói dỗi: “Hay là tôi sống có điều tiếng gì, nếu cần thì tôi lại đi”. Phải phân tích mãi bà mới thuận. Cuối cùng ngôi nhà gỗ hai gian, một chái cũng được dựng lên, vợ chồng Toàn sắm sửa cho bà từ giường, tủ, nồi, niêu, bát, đĩa và nhiều vật dụng khác. Hàng ngày bà vẫn sang nhà Toàn làm như mọi khi, tối mới về ngủ, tranh thủ những buổi sáng sớm bà rào lại vườn, cuốc đất trồng mấy luống rau, chăm mấy con gà.

Cái mùa đông năm ấy rét tái tê, nhà vợ chồng Toàn lại có giỗ. Hôm trước đưa tiền nhờ bà Thắm đi chợ, sáu giờ sáng mà trời vẫn còn tối, sương mù dày đặc, bà đi tới gốc cây đầu làng, bỗng nghe thấy tiếng trẻ con đang ngằn ngặt khóc, đứa bé được đặt trong cái hộp, khoác trên mình một tấm chăn mỏng. Bà ngồi xuống đứa bé thôi khóc, chỉ còn tiếng nấc, nó giơ hai bàn tay nhỏ xíu ra đòi bế, thương đứa bé quá bà bế nó lên, nhìn xung quanh chẳng có một ai, trước ngực đứa bé đeo một cái túi nhỏ, nó cứ ôm ghì chặt lấy bà, bà nghĩ thôi kệ con ai thì cũng phải bế về đã không nó chết cóng mất. Bà không biết bên bụi cây ven đường kia có ánh mắt của một người phụ nữ đang theo dõi bà, khi thấy bà bế đứa bé đi, hai dòng nước mắt của người phụ nữ ấy cứ chảy theo má, rồi cả người từ từ gục xuống. Bà Thắm bế đứa bé vừa đi vừa chạy thẳng tới nhà Toàn, mọi người lau rửa cho đứa bé mới biết bé là gái cỡ chừng cũng hơn một tuổi, môi thâm lại vì rét. Bà Thắm bế nó ghì vào trong lòng, nó rúc đầu vào ngực bà ngủ ngon lành, mọi người giở túi ra trong đó vẻn vẹn có bộ quần áo, ít tiền lẻ và một lá thư tay viết nguệch ngoạc: “Thưa các ông, các bà. Cháu là người mẹ bất nhân, bất nghĩa không nuôi nổi con, vì cháu biết rằng bệnh của cháu không thể qua khỏi, cháu đành phải gửi con cháu lại đây, mong mọi người mở lòng từ bi, hãy cưu mang con cháu, ở thế giới bên kia cháu luôn phù hộ cho mọi người. cháu xin cắn rơm, cắn cỏ mong ai nhặt được con cháu hãy nuôi hộ cháu”.

Khi bức thư được đọc lên bà Thắm và mọi người đều bật khóc, bà Thắm nói trong nước mắt:

- Tôi sẽ nhận nuôi nó.

Sáng sớm Toàn đưa bà thắm lên xã báo cáo sự việc, Công an xã xuống địa bàn xem xét, phát hiện có một xác người phụ nữ nằm chết bên bụi cây ven đường, họ mời pháp y xuống khám nghiệm tử thi, mới hay người phụ nữ ấy bị ung thư di căn vào toàn nội tạng. Xã và cả xóm tổ chức chôn cất cho người phụ nữ xấu số, giấy tờ tùy thân của người phụ nữ không có, họ đặt tấm bia là Nguyễn Thị A. Từ đó bà Thắm lấy ngày nhặt được đứa trẻ là ngày giỗ mẹ nó, trong thâm tâm bà tin tưởng rằng người phụ nữ đó chính là mẹ của đứa bé.

Bà Thắm được chính quyền cho nhận đứa bé làm con nuôi, bà đặt tên cô bé là Hồng. Cô bé Hồng, ngoan, không mè nheo lại ít ốm vặt, được sự hỗ trợ của vợ chồng Toàn, cô bé ngày càng lớn mũm mĩm. Mỗi khi ôm con ngủ, ngắm khuôn mặt xinh xắn, đôi bàn tay, bàn chân bé xíu hồng hào bà cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Bà chưa bao giờ dám nghĩ có ngày mình được làm mẹ.

Thấm thoát cái Hồng đã học lớp sáu, còn thằng Nghĩa học trước Hồng bốn lớp, đã từ bé nhiệm vụ của Nghĩa là đưa đón cái Hồng đi học, ai cũng tưởng đấy là hai anh em ruột. Buổi chiều lúc thì Hồng sang, lúc thì Nghĩa sang nhà nhau, những bài toán khó đều được anh Nghĩa giảng cho, còn Hồng tranh thủ lúc mẹ đi làm nó ở nhà ngoài học bài thì cơm nước, lợn gà, chăm mấy luống rau, rồi đợi mẹ về xếp lại những tờ bìa, tập giấy rửa sạch những chai lọ nhựa mà mẹ mang về gom lại bán phế liệu, nhiều hôm Nghĩa sang hai anh em cùng làm vui đáo để.

Bà Thắm hàng ngày cứ bốn giờ chiều lại đẩy xe rác lọc cọc đi từ cuối làng lên các hộ dân đã quen thuộc nếp sinh hoạt. Rác họ cho vào túi ni lông buộc chặt, bà vừa đẩy xe vừa thu gom, chiếc chổi tre loẹt quẹt làm con đường bê tông sạch bóng. Bà con ai cũng quý, thương bà, họ gom những hộp giấy, chai nhựa, lon bia thậm chí cả những thanh sắt để riêng cho bà.

Chiều hôm đó vẫn như mọi khi bà đẩy chiếc xe chở rác ra chỗ tập trung thì một cơn mưa rào ập xuống, không có chỗ trú, bà ướt hết cả người, rồi đột nhiên đầu óc hẫng hụt bà ngã xuống không biết gì. May có người phóng xe qua hô hoán mọi người, bà được đưa vào bệnh xá cấp cứu, sau khi khám xong, bác sỹ kết luận, bà bị huyết áp cao đột biến, gây nên tai biến mạch máu não, phải chuyển gấp lên bệnh viện tuyến trên, mọi người lại hối hả đưa bà đi. Nào tiêm, nào truyền, hôm sau bà đã tỉnh, nhưng cả tay và chân bên phải không cử động được nữa, cứ mềm oặt ra, vợ chồng Toàn thay nhau chăm sóc bà. Còn cái Hồng vẫn phải đi học buổi sáng, xong đi xe tới bệnh viện với mẹ, gần bốn giờ thay mẹ lọc cọc chiếc xe rác. Có hôm Nghĩa đi đá bóng về thấy Hồng đang bị hai thằng ở xóm bên trêu ghẹo. Hồng đẩy xe đi thì hai thằng lại đẩy lại làm Hồng tức muốn khóc. Nghĩa tới gần túm cổ từng thằng một cho mỗi đứa một cú bạt tai, rồi nói:

- Đây là em tao, từ giờ trở đi chúng mày còn bắt nạt thì liệu hồn đấy.

Hai thằng sợ quá lùi lại rồi bỏ chạy. Nghĩa giúp Hồng đẩy xe ra bãi tập kết xong, hai đứa cùng về, nghĩ thế nào Nghĩa nói:

- Từ chiều mai anh sẽ đi chở rác cùng em.

Nói sao làm vậy, Nghĩa không đi đá bóng nữa, buổi chiều Nghĩa sang nhà Hồng cùng học bài, cùng tưới rau, chăn gà rồi đến giờ lại lọc cọc đẩy chiếc xe chở rác. Đi có thêm người có khác, mọi việc đều nhanh gọn, cứ cuối tháng thu tiền chở rác Hồng lại đưa cho Nghĩa, Nghĩa chối đây đẩy nhưng Hồng lại quả quyết:

- Nếu anh không nhận thì từ mai em không nhờ nữa đâu.

Ngẩn người suy nghĩ một lúc Nghĩa đành cầm số tiền Hồng đưa cho.

Bà Thắm cũng đỡ nhiều, tay chân đã cử động được, khập khễnh tập đi, bác sỹ bảo hình ảnh chụp Citi, xi tiếc gì đó thì bà mới chỉ phồng động mạch trên đầu một chút thôi, chưa xuất huyết não, về chịu khó tập luyện thì một thời gian sẽ hồi phục.

Bà được ra viện bà con chòm xóm ai cũng mừng cho bà tai qua nạn khỏi, bà chịu khó luyện tập, tập ngồi, tập đứng, tập đi, vợ chồng ông Toàn còn mời đâu được một bác sỹ giỏi về xoa bóp, bấm huyệt vạt lý trị liệu, hàng ngày đến làm cho bà. Nhờ ý trí, nghị lực và sức khỏe vốn có, bà đã đi lại được, làm những việc loanh quanh trong nhà. Rồi đến ngày giỗ người phụ nữ xấu số, trước kia bà mời và nhờ vợ chồng Toàn sang hộ, rồi cùng với Hồng và Nghĩa bê tiền, vàng lên mộ, sau khi thắp hương xong, cũng như mọi năm Hồng quỳ gối xuống trước mộ, thấy vậy Nghĩa cũng quỳ theo, bà Thắm chắp tay lẩm nhẩm khấn một hồi, sau bảo hai đứa thắp hương. Đợi hương tàn xong cả ba cùng về nhà. Trên đường về Hồng thắc mắc hỏi:

- Mẹ ơi mộ bà Nguyễn Thị A là ai vậy?

- Mộ một người thân, sau này lớn lên con sẽ biết.

Thấy mẹ nói thế Hồng cũng không dám hỏi thêm nữa (Mãi sau này Hồng mới biết đó là mộ mẹ đẻ mình). Khi Hồng bước vào học lớp 9, thì cũng là lúc Nghĩa thi đỗ đại học. Trước khi nhập học, gia đình ông Toàn làm bữa cơm mời mấy người xung quanh tới dự, và cũng không thể thiếu mẹ con bà Thắm. Hồng cũng lăng xăng giúp việc cơm nước nhưng thỉnh thoảng phảng phất một nỗi buồn kèm theo tiếng thở dài khe khẽ.

Tiệc đã tan, Nghĩa đưa mẹ con bà Thắm ra về, vừa đi bà Thắm vừa dặn dò Nghĩa, còn Hồng cứ lặng yên, về tới nhà bà Thắm kêu mệt vào nghỉ trước, chỉ còn hai đứa đứng ngoài sân nói chuyện dưới ánh trăng bàng bạc của cuối mùa thu Nghĩa dặn dò.

- Anh đi, rồi thỉnh thoảng anh sẽ về, em ở nhà chịu khó học tập và giúp mẹ nhé, anh sẽ rất nhớ nhà và cả em nữa.

Hồng nói trong giọng có vẻ lạc đi:

- Anh có mà nhớ về thành phố, học thêm bao nhiêu bạn, lại toàn cô gái xinh, em xem trên ti vi biết rồi, anh nhớ gì những cô gái quê mùa này đâu.

- Em không tin anh à?

- Cứ biết thế đã - Hồng nũng nịu.

Nghĩa đưa cho Hồng một gói khá to:

- Còn chuyện này nữa, em cầm lấy số tiền này phụ thêm vào việc học hành và thuốc men cho mẹ nhé.

- Ôi anh lấy đâu ra lắm tiền thế, em không nhận đâu.

Nghĩa ôn tồn bảo:

- Tiền học bố mẹ anh lo đủ rồi, còn số tiền này mấy năm nay em chia phần cho anh đi xe rác đấy, anh không dùng đến, em hãy cầm lấy cho anh vui đi.

Hồng chẳng nói được câu nào cảm động thút thít khóc, bỗng cô bé ôm chặt lấy Nghĩa hôn vội một cái. Nụ hôn vụng về của thiếu nữ mới lớn làm Nghĩa đứng như trời trồng, Hồng buông Nghĩa ra đi vội vào trong nhà.

Mấy năm học trôi qua cũng nhanh Nghĩa ra trường được nhận vào  làm ở một công ty lớn dưới thành phố, thông minh, chăm chỉ nên lương của Nghĩa khá cao, rồi được đề bạt lên làm trưởng phòng kỹ thuật công ty. Hồng cũng đã thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm cách nơi Nghĩa ở không xa, họ thường xuyên gặp nhau. Mỗi khi có dịp họ lại cùng nấu cơm ăn với nhau. Nghĩa là con người hào phóng thường xuyên cung cấp kinh phí cho Hồng đóng học. Hồng càng ngày càng đẹp, mái tóc đen, dài ôm lấy khuôn mặt hồng, bầu bĩnh, đôi mắt đen dưới hàng mi dài, đôi môi đỏ, mỗi khi cười để lộ ra hàm răng trắng đều như hạt bắp, khối anh nhà giầu gạ gẫm, tán tỉnh nhưng Hồng không thèm để ý đến. Có một lần có một tay học cùng lớp với Hồng chắc cũng là con nhà giàu có; ăn mặc toàn hàng hiệu, lúc nào cũng đeo kính trắng, đầu tóc bóng mượt, nhân giờ nghỉ giải lao chỉ còn mấy đứa trong lớp, nó tới ngồi gần Hồng, cợt nhả:

- Em đẹp lắm làm người yêu anh đi. Nhà anh ở thành phố không thiếu thứ gì, em đừng về nơi khỉ ho, cò gáy trên đấy nữa.

- Hồng chỉ lườm nó một cái.

Nó tưởng Hồng đã xuôi chiều bèn khoác vai Hồng. Hồng gạt tay nó ra dằn giọng:

- Anh để tôi yên.

Tưởng thế là xong ai dè nó luồn tay bóp vào ngực Hồng. Hồng nóng ran mặt, sẵn tay vả ngược cho nó một cái, nó ôm mặt máu mũi chảy ròng ròng, các bạn của Hồng trong lớp xúm vào, có đứa bảo đáng đời. Nó lấy cặp sách lủi vội ra khỏi lớp. Nó đâu có biết rằng với dáng vóc thon thả kia, và bàn tay lao động từ bé thì dáng công tử nhà giàu chỉ biết tiêu tiền, thì làm sao lại được. Từ đấy không thấy nó đi học nữa, nghe đâu bố mẹ nó xin chuyển sang trường khác.

Khi Hồng tốt nghiệp thì Nghĩa đã mua lại được một căn hộ chung cư cũ chỉ khoảng sáu mươi mét vuông, tiền do bố mẹ Nghĩa bán một mảnh đất đi, phần thì Nghĩa tiết kiệm được, một tối hai đứa hẹn nhau đi ăn kem, ăn xong ra công viên ngồi hóng mát. Nghĩa cầm hai bàn tay của Hồng nói nhỏ:

- Hồng ơi, anh có chuyện này muốn nói với em.

Như linh cảm của người phụ nữ mách bảo, Hồng run run:

- Có việc gì anh nói đi.

Nghĩa ấp úng một lúc, rồi lấy hết can đảm nói:

- Hồng, anh yêu em đã từ lâu lắm rồi, hôm nay anh mới dám nói.

- Thế sao bao nhiêu năm anh không nói, em cứ nghĩ anh chỉ coi em như em gái thôi chứ.

- Nhiều lần anh định nói ra, nhưng sợ em phân tâm, sao nhãng chuyện học hành. Bây giờ em đã học xong anh mới dám hỏi, cho anh được yêu em nhé.

Hồng cứ lặng im cúi đầu, Nghĩa sốt ruột hỏi lại. Hồng bật cười:

- Ngốc ạ, không thấy người ta bảo, im lặng là đồng ý đấy sao?

Nghĩa ôm chặt lấy Hồng, họ trao nhau những nụ hôn mới ngọt ngào làm sao. Quên hết tất cả, dường như trên quả đất này chỉ có hai đứa mà thôi.

Dịch Covid bùng phát, là người hay phải đi công tác, Nghĩa được tiêm phòng trước và trang bị các loại nước rửa tay, sát khuẩn, khẩu trang y tế. Một lần đi công tác về, điện mãi cho Hồng không thấy nghe máy, sốt ruột Nghĩa đi xe tới nơi trọ của Hồng tất cả đều đóng cửa. Nghĩa đẩy cửa phòng Hồng bước vào. Hồng đang lên cơn sốt, thỉnh thoảng lại ho, thấy tình hình không ổn, nghi Hồng đã mắc Covid, Nghĩa vội vàng vơ hết quần áo của Hồng cho lên xe rồi quay lại dìu Hồng đưa tới bệnh viện. Khi tét, quả nhiên Hồng mắc Covid. Những ngày Hồng nằm viện Nghĩa mua đủ các loại thuốc tốt nhất và các thức ăn bổ dưỡng cho Hồng, chỉ hơn chục ngày sau Hồng khỏi bệnh. Nghĩa đưa xe đến đón, nhưng không về nơi xóm trọ nữa, mà về hẳn nơi chung cư đang ở.

Ở nhà nghe tin dịch bệnh phát sinh ở nhiều nơi trong thành phố, gia đình nhà ông Toàn, bà Thắm lo lắng sốt ruột như ngồi trên đống lửa, gọi điện liên tục cho Toàn, Toàn giấu nhẹm việc Hồng bị mắc bệnh Covid. Mãi khi Hồng khỏi mới thông báo về cho gia đình và xin phép hai bên gia đình cho họ ở với nhau tiện việc chăm sóc, cả hai gia đình đều mừng rỡ không có ai ngăn cản, rồi đến lượt khu chung cư nơi Nghĩa và Hồng cũng bị phong tỏa, nhà nào nhà đấy đóng cửa kín mít. Chiều hôm đó, Nghĩa nói với Hồng:

- Chẳng mấy khi được ở nhà. Tối nay mình làm bữa tươi một chút nhé, và anh có chuyện muốn nói với em.

Xong công việc, Nghĩa đi tắm trước rồi giục Hồng vào tắm, ở ngoài Nghĩa chuẩn bị thêm chai rượu vang và hai ly nhỏ. Khi Hồng tắm xong, Nghĩa đưa một hộp được gói và trang trí rất đẹp nói:

- Em vào thay bộ này đi.

 Hồng tò mò vào buồng mở hộp ra ngạc nhiên, ồ một bộ váy trắng dèm như của các cô dâu. Thay xong, Hồng ngượng ngùng bước ra, Nghĩa đứng dậy nói nhỏ. Em đẹp lắm rồi dìu Hồng ngồi xuống ghế. Nghĩa lấy trong túi áo ra một chiếc hộp nhung nhỏ xinh, rồi mở hộp cầm chiếc nhẫn quỳ xuống.

- Hồng ơi, hôm nay anh xin được cầu hôn em, - và nâng bàn tay Hồng đeo nhẫn vào, Hồng cứ để im rồi họ lại trao cho nhau những nụ hôn cháy bỏng. Bữa cơm hôm đấy họ cụng ly để đánh dấu bước ngoặc của cuộc đời, lúc đầu Hồng còn nhấm một tí rượu, rồi hai ly, ba ly lúc nào không biết. Nghĩa cũng chếnh choáng hơi men, rồi dìu nhau vào phòng, cái đêm bị phong tỏa đó cũng là đêm tân hôn của họ.

Đ.M.S

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 33 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 33 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 27 lượt xem

Chiều Na Hang

24-04-2024| 3 lượt xem