Vẻ đẹp lặng im

Thứ ba, ngày 19-11-2024, 10:51| 197 lượt xem

Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trí

 

 

 

Tôi có anh bạn ở quê mời về chơi. Bất ưng thôi, chẳng có ý nghĩa gì trọng đại.

“Ông tìm cho tôi một đám nhé”. Tôi bảo Sáng.

“Gái quê thiếu gì. Nhưng ông đã định lấy vợ chưa?”. Sáng hỏi, thoáng một chút trách móc.

Từ bữa ấy tôi cứ vẩn vơ hoài.

Ngày còn ở bộ đội, Sáng đã làm mối cho tôi một người đồng hương. Sau đó không thành. Chỉ vì tôi không thích cái kiểu nhà quê của cô ta. Nói chung, trong các câu chuyện, cô ấy hay nhắc tới người mẹ già và các em nhỏ. Mà điều đó không giống ý nghĩ của tôi. Hai nữa, chuyện ruộng vườn, trâu bò, nhà cửa… luôn luôn được điểm xuyết vào câu chuyện tình. Tôi nghĩ khác. Tình yêu phải là cái gì bay bổng, xa hoa, thậm chí mông lung.

Tiếp tục, Sáng ra quân, về vườn. Tôi thì vào đại học. Việc học hành cũng coi như xong. Mặc người ta bảo đại học của ta là trường phổ thông cấp bốn, chỉ biết được các định nghĩa… thì tôi cũng ra trường và về tỉnh nhà công tác. Cơ quan văn hóa của tôi cũng có mấy ông mấy bà như tôi: Làm thơ, chụp ảnh, viết báo nhì nhằng rồi được kết nạp vào Hội Văn nghệ địa phương. Thi thoảng bù khú, tâng bốc nhau gọi là “giới trí thức”, “cánh nghệ sĩ chúng ta” nghe cũng thỏa. Oai hơn nữa là lúc tỏ vẻ đối trọng với lãnh đạo địa phương, với các chính sách lỗi thời. Cuối cùng để mà rên xiết, thi vị hóa cái “nỗi đau” ghẻ lở của mình.

Lắm lúc tôi nghĩ, một bộ phận trí thức nào đó của ta bây giờ chả khác gì một thứ “AQ”, “Chí phèo” hiện đại. Cuộc sống có một dáng vẻ: Cái mỉm cười của bạo chúa, sự phè phỡn của dân buôn, vẻ tã tượi của nghệ sĩ và sự bất cần của người đời…

Vì không hẹn nên tôi đến nhà chỉ có bà mẹ Sáng và mấy đứa cháu ở nhà. Hình như các bà già nhà quê rất hay xưng “em” với mọi người, nhất là khách lạ.

- Bác vào nhà uống nước. Em bảo cháu đi gọi bố nó về.

- Con là bạn bộ đội với Sáng. Mấy năm rồi hôm nọ mới gặp nhau ngoài tỉnh.

- Thế chứ. Hôm ấy em nó đi mua cái trục xe cải tiến, về cứ nói chuyện mãi. Nhà cũng có rồi, nhưng xe bé, muốn mua cái rộng hơn để đóng thành xe ngựa.

- Sao không mua bánh lốp đi cho nhẹ ạ?

- Thấy bảo đi bánh lốp người ta bắt thuế. Chả biết thế nào. Bác vào nhà đi.

- Vâng con ngồi đây tí cho mát.

Tôi cứ áy náy vì gói kẹo rẻ tiền của mình đem cho lũ trẻ. Rồi tự an ủi: Những người tốt dễ quên và hay xí xóa chuyện vặt. Hiểu nhau bằng thời gian là chính. Cái nữa là bộ quần áo. Có vẻ không được dân dã lắm. Tất nhiên, ở phố thì mòn, ở quê thì gợn. Quả thực tôi chỉ có bộ cánh này là mới nhất. Mà cái tính khỉ gió của tôi là rất ngại mặc quần áo mới ở chỗ người quen, chỗ lạ thì đỡ. Lắm khi tôi đem ra gối đầu, mặc đi ngủ, giày vò cho nó nhàu nhĩ bợt bạt đi, hoặc treo vắt đâu đó để mọi người quen mắt rồi mới tìm cơ hội đưa ra công diễn. Lần đầu, tôi tự nhủ: Dân phố được sống nhiều kiểu, nhiều màu vẻ, khác dân quê chỉ sống một kiểu. Đó là hai niềm tự hào, hai cái vĩ đại khác nhau. Có gì mà phải đố kỵ nhau?

Chẳng bù cho anh bạn cùng phòng tôi, rất thích diện đồ mới, mỗi lần như thế kèm theo một sự thay đổi bồ bịch. Đặc biệt là cái thói hay ngửi của anh ta. Trước khi mặc quần áo phải ngửi xem đã. Quần áo bẩn cởi ra cũng phải ngửi ngửi. Thậm chí bất kể chỗ nào trên ngọc thể anh ta đã phải gãi hoặc sờ nắn vào (như mụn nhọt chẳng hạn) là dứt khoát phải qua mũi kiểm duyệt. Tôi cũng thử bắt chước anh ta đôi lần và cảm thấy chịu được cái mùi của mình. Còn ngửi mùi của nhau thì tôi không thể...

Thấy tôi ngỏ ý thích cái giàn hoa thiên lý trước hiên nhà, bà cụ bảo:

- Mùa nắng được cái vừa thơm vừa mát. Hoa này nấu canh ăn cũng ngon đáo để. Khổ, nhà quê vất vả, ăn vào ngủ dễ rồi cũng mất việc.

Dân công chức chúng tôi ăn, ngủ bê trễ, có khi ăn nhiều hơn làm, đòi sống thỏa mãn các nhu cầu rồi mới tính đến chuyện cống hiến. Chúng tôi cho đó là quyền tự do, là một thứ đồng hồ sinh học riêng. Sống là làm việc cật lực, trọn đời, là tước bỏ các nhu cầu - đó là đạo nhà quê.

Có lần về nhà thằng em tôi ở quê, nó đón bà dì tôi, đã già yếu, đến trông con cho nó, thấy dì ăn uống qua quýt, tôi hỏi, dì trả lời: "Chỉ ở nhà trông cháu, có làm được gì đâu, ăn thế là đủ". Tôi mau mồm: "Làm sao dì phải khổ đời thế?". Dì tôi chỉ cười lấp liếm.

Sống như không. Có phải thế chăng hỡi người nhà quê. Nó thức tỉnh được điều gì?

Công cống, ơi công cống!

Lên mà ăn mạ

Kẻo quạ nó tha

Kẻo gà nó mổ!

Lũ trẻ con đang chơi ở góc sân. Chỉ vài cái lá, ngọn cỏ, mấy cái mảnh sành... là chúng có thể tạo nên một thế giới cho riêng mình. Từ trong cửa sổ, máy ảnh đã lắp sẵn tê-lê, tôi bấm liền vài kiểu. Tôi thích chơi ảnh. Chơi theo kiểu của mình. Thường là những tấm ảnh tôi chộp lấy một cách bất ngờ. Bao giờ nó cũng hồn nhiên và sống động. Tôi đang định bụng làm một bộ ảnh về những em bé nhà quê. Lần trước tôi đã suýt trúng giải trong một cuộc thi ảnh quốc tế. Dù sao tôi vẫn coi ảnh là một thú chơi bời. Là người cầm máy không phải tồi và có đôi khi chụp lấy tiền hẳn hoi nhưng tôi luôn luôn ghét những người thích chụp ảnh. Kẻ thì thích chụp để lưu danh thiên cổ trong khi cái chân giá trị của mình là đức hạnh thì chỉ dáng treo ảnh đủ ba ngày chết. Kẻ thì thích khoa trương danh vị, đồ trang sức, tiện nghi. Kẻ thì thích biểu lộ một dáng điệu tự khẳng định mình trên mặt đất. Thật là kỳ ngộ. Tôi ghét cả những người chụp ảnh lăng xăng săn đón một vị quan chức nào đó.

Tôi phát điên vì sự ghét bỏ các thói tật xấu xa của người đời. Mà lắm khi cuộc sống cần phải có nó chứ?

Sáng chưa về. Đi vào sân là một cô gái mười tám đôi mươi. Đẹp lạ lùng. Cô gái xắn quần cao, da trắng nõn. Bỏ đôi quang xảo ở sân, cô đi thẳng vào bếp. Một lát, từ trong bếp bước ra là một thiên thần. Ngọn lửa nào đó đã hun cho gương mặt kia trắng hồng lên. Xoay lưng về phía tôi, cô hơi nghiêng đầu ngoảnh mặt lại. Một tay cầm củ khoai, một tay gạt mớ tóc xòa bên má. Tôi nhớ là mình đã chụp được một kiểu ảnh đúng cái giây phút: Vẻ hồn nhiên kia chợt tắt và ánh mắt lóe lên vẻ khiếp hãi, ngượng ngùng khi nhận ra tôi như một tên cướp đang chĩa súng vào mình. Cô gái quay ngoắt vào bếp. Tôi bước ra cửa trong một cảm giác sụp đổ.

Công cống ơi

Lên mà ăn mạ

Kẻo quạ nó tha

Kẻo gà nó mổ...

Trong đám trẻ, có một đứa mới biết ngồi đang le la vày vò cái gì đó vừa nhão vừa bẩn.

- A, đây rồi. Giật được chú to bự. Cống cụ nhá!

- Bà ơi! Thằng cún bĩnh rồi. Nó đang nghịch phân đây này! Bỏ tay ra, đừng cho vào mồm.

- Ơi, bà về đấy. Bỗng nhiên tôi tự đặt câu hỏi: Có nên chụp kiểu ảnh này? Và tôi tự trả lời bằng cách bấm máy mà không hề cắt nghĩa.

*

Sau một hồi dẫn tôi đi thăm "trang trại", Sáng bảo:

- Bao nhiêu năm viển vông, phung phí sức trẻ, cuối cùng mới tìm ra đất sống của mình. Dày công lắm mới tạm được thế này. Cái dạo đầu san nền, đào ao làm đến xổ ra máu. Sợ thật. Thôi, đời mình coi như bỏ, cố gắng tạo cho con cái được cái gì đó làm đà. "Hi sinh đời bố, củng cố đời con".

Cùng cười với nhau rồi tôi nói vu vơ:

- Để của lại là một di hận. Chỉ cần sống vừa đủ, chết là xong, chẳng còn gì phải tiếc nuối. Biết đâu, lũ mất dạy lớn lên có đà rồi chúng nó quên hết, đập phá thỏa thích. Tốt nhất là để cho chúng nó một nỗi nhục về chính ông cha mình.

- Không để nhà, để của lại cho nó sinh sống, nó biến thành lưu manh thì sao?

- Ối giời! Đời cua cua máy đời cáy cáy đào, lo gì...

Câu chuyện rong ruổi vào đến bữa rượu. Tôi hiểu đằng sau bữa cơm tươm tất này là sự tất bật của cả nhà: Bà mẹ, vợ Sáng và cô em. Sự vui thích bởi lòng hiếu khách, trọng tình. Trước điều này, người nhân nghĩa hay nghĩ đến sự đền đáp, kẻ tà tâm thì lăm le lợi dụng, thậm chí lừa bịp.

Toàn đàn ông ngồi một mâm. Có thêm người em trai Sáng, một người bạn và ông cậu Sáng đã ngoài năm mươi tuổi. Thì cứ nghĩ là tôi ở tỉnh về hẳn biết được nhiều chuyện nên các vị hỏi han đủ thứ. Chủ yếu là chuyện đồng tiền của ta hiện thời và món thời sự quốc tế. Không phải là điều tôi quan tâm nên tôi cho rằng đồng tiền là một thứ đồ chơi còn cái chuyện thời sự quốc tế thì giống như chuyện đàn bà vậy. Cả hai thứ đều là muôn thuở.

- Bọn này dân quê, cái gì cũng sợ. Một thời chọn mặt gửi vàng hẳn hoi, đùng một cái thay thầy đổi chủ, coi như mất trắng. Bao nhiêu năm cúc cung tận tụy, bảo sao làm vậy, chấp hành nghiêm chỉnh, đùng một cái đổi mới, té ra mình nghèo là vì ngu. Ngẫm ra mình ngu thật. Vợ con, nhà cửa, ruộng vườn mình đấy cứ thế mà làm ăn sinh sống, cần đếch gì đời. Cần đếch gì thằng quái nào? Ha ha ha...

- Phải. Cứ sống như là giời đã sinh ra. Thế là sướng nhất.

- Mấy ông cùng đinh chỉ hay tính chuyện vô chính phủ. Thôi uống đi!

Rượu đã ngấm vào máu và người đã hòa vào rượu cho nên chẳng phân biệt được lời lẽ của ai nữa. Tôi chỉ có một cảm nhận là đời sống ở quê bây giờ sung túc dần lên. Và hình như người ta nhận ra một cái quyền gì đó từ trong nắm của cải ấy. Ở đấy thường có hai cái mầm: Bị trị và bất trị.

Anh chàng mặc áo kẻ có bộ mặt ỉu xìu, hay hỏi chuyện các nước phe ta, phe tây, là em trai Sáng. Hóa ra anh ta có cô vợ đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Chưa được một năm, anh chàng đang tìm cách "đòi" vợ về. Một nách hai con nhỏ (một đứa mới cai sữa lúc mẹ đi) lại mấy sào ruộng, mấy con lợn suốt ngày ầm ĩ, chàng ta như đứa hóa rồ. Anh có ý hỏi, tôi bảo: "Bây giờ người ta làm ăn với nhau bằng một bản hợp đồng. Kể cả hợp đồng ma quỷ. Người cũng là hàng. Không khéo ông vi phạm hợp đồng chỉ tổ nộp phạt. Thôi, ở đâu cũng phải làm ăn. Khi đất nước cần ta phải biết sống xa nhau chứ!".

Khổ quá, không ai hiểu tôi. Tôi không hề quan tâm đến câu chuyện. Tôi quan tâm đến cái giọng của mình. Nghĩa là nó sẽ lọt vào tai cô em gái của Sáng. Thú thực tôi đã bị chinh phục hoàn toàn.

Cô gái thoắt hiện thoát ẩn trong ánh mắt của tôi. Có khi em lẫn lộn với những hình người run rẩy nhòe mờ, những vỏ chai lăn lóc (không hiểu người ta kiếm ở đâu về để đựng đủ thứ: Rượu, dầu và thuốc sâu nữa) cả hình những cô gái "Hê rô" cũng được cắt dán linh tinh. Con người đã bắt đầu ngửi mùi nhau trên khắp thế giới.

Em... Đôi dép... Dù sao tôi vẫn cố gắng xỏ đúng đôi dép của mình để tỏ ra giữ vững tư thế. Ở phút cuối chúc tụng nhau hình như có ai rót nhầm nước lã vào chén tôi. Uống tất, không hề gì.

- Xin chúc mừng thi sĩ của đồng quê!

- Xin chúc mừng những người nhà quê vĩ đại.

- Không được. Vĩ đại chỉ dành cho lãnh tụ tối cao.

- Uống! Uống! Rồi sẽ thành vĩ đại tất.

Cho đến lúc nằm sượt trên phản trong cơn chao đảo, hình ảnh của "thiên thần" vẫn ám ảnh tôi. Tôi thèm khát sự dịu hiền, chân thật toát ra từ khuôn mặt phúc hậu kia. Tôi túng bấn ngàn đời một chất người ân cần, đôn hậu. Người ta trúng gió còn tôi đã “trúng em”.

Ấy thế nhưng cái bộ mặt của anh chàng hay ngửi kia vẫn cứ hiện ra như một sự giễu cợt tôi: "Hề hề hề: phải chung thủy với vợ con, phải sắt son với bồ bịch...". Anh ta ngùi ngùi một cái gì đó rồi nói thế. Nếu bảo thích hắn thì hóa ra mình cũng thấp hèn. Còn khinh hắn thì có nghĩa tự cho mình sống cao đạo lắm sao? Kết cục là tôi à uôm tồn tại cùng với hắn. Cũng chính hắn là người đã từng thuyết giải, kích thích tôi về một lối sống ngầm: Sự "tiêu dùng" đàn bà ở thị thành. Tôi thề rằng đây hoàn toàn là câu chữ của hắn. Mặc dù đời sinh viên anh nào cũng đủ điểm để cấp chứng nhận bụi đời, song lần này tôi cũng chẳng ngại dấn thân thử nghiệm. Sống đâu âu đấy. Tôi cứ trong trắng đến mòn mỏi mà làm gì. Đàn bà là quỷ ám. Cái cuối cùng tôi nhận được là sự ê chề, mệt mỏi. Những cảm giác ghê tởm lớn hơn là khoái lạc.

“Anh đã bắt chước được nhiều chưa?”. “Cái gì?”. “Bắt chước, học đòi các kiểu chơi, kiểu sống chứ còn cái gì. Đúng là thông minh mà chậm hiểu!”. “Thế em cho là người đời đều bắt chước, học đòi cả sao?”. “Chín mươi chín

phần trăm”.

Đấy là một lần N. (người đàn bà tinh quái) đã nói với tôi như vậy.

Để rồi tôi tìm về quê với một tâm niệm: Ném mình trả lại cái nguyên sơ của đất, cái mặn mòi ngay thật của muối và cái chỉ có thế của hương vườn. Lý tưởng của tôi xem ra đã được xác lập bằng hình ảnh của cô em gái Sáng. Toàn bộ mối liên hệ, hệ thống giáo dưỡng của gia đình làm tôi yên tâm. Tôi tin vào sự đủ đầy của mông muội và sự chung thủy của mù quáng. Tôi hào hứng tưởng tượng ra cuộc sống hạnh phúc đầm ấm kiểu thôn dã kể cả tiếng võng đưa, tiếng gà đẻ, giọng chèo trưa và hình ảnh mẹ con ngồi bắt chấy cho nhau nữa. Tôi còn tưởng tượng rằng bộ ảnh những em bé nhà quê của tôi bất ngờ đoạt được một giải thưởng quốc tế lớn. Số tiền tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới ấy chỉ cần trích ra một phần nhỏ đã đủ xây dựng một khu nhà trẻ mẫu giáo đầy đủ tiện nghi để tặng mỗi bên quê nội, quê ngoại một cơ ngơi. Tất nhiên tôi đề nghị mỗi khu nhà có một cái tên mang dáng dấp của tôi. (Đại ý là thật tình và khiêm tốn - cái này sẽ còn bàn kỹ sau với lãnh đạo địa phương). Hình như tôi đang tự huyễn hoặc mình.

Tôi tỉnh dậy khi chiều đã gần tắt nắng. Tầm này, hoa thiên lý bắt đầu dâng hương. Hương hoa huyền diệu. Hình như lúc trước Sáng có bảo tôi cứ ngủ rồi ở lại đây mai về, anh bận đi có chút việc làm ăn gì đó. Theo anh, ở quê bây giờ phải kết hợp đủ kiểu làm ăn mới sống được. Đang cơn váng đầu và khát nước thì Huyền - cô em gái Sáng - tong tả đôi quang xảo vào sân. Cô để quang gánh trước một đống phân to sụ rồi đến bên bể nước mưa múc một gáo thản nhiên uống. Còn ít nước trong gáo, cô đổ tõm vào bể.

Tôi đã đến bên em như một kẻ xin ăn. Toan hỏi một đôi câu. Thỏa nguyện được nhìn tận mắt, cảm thấy cả hơi hướng, thân nhiệt cái vẻ đẹp đã làm mình bổi hổi. Em chỉ nhìn lại một thoáng thôi rồi nánh người quay đi. Những câu hỏi của tôi hoàn toàn vứt vào khoảng không. Đẹp là kiêu. Thì cứ kiêu đi. Tôi ấm ức nghĩ và múc một gáo nước mưa vừa vã lên mặt vừa uống. Mát quá.

Em đã bỏ ra chỗ đống phân. Tôi quyết định men đến. Tôi chấp cả phân, cả sự bất tiện này. Mùi gì bây giờ cũng là hương hoa. Bọn trẻ chơi ở cống lại đang ồn ĩ:

Thúng mùng giần sàng

Mo nang cóc xịt!

- Ê! Đúng thằng này rồi.

- Không phải!

Thúng bủng thùng bung

Qua sung rụng thối

Chia với ốp bọ

Ông chánh ông phó

Đi qua chửi cha

Thằng nào đánh rắm

Ở ngõ nhà ông!

- Ê ê ê…

- Đếch phải tao, đếch phải tao.

Thì ra chỉ có thế mà cũng bày trò mua vui được. Thế thì hết cách.

Bà mẹ vội vã đi từ đâu về và gọi tôi vào nhà để nhờ một việc. Mẹ đưa ra hai tấm ảnh cỡ nhỡ, đã ngả màu và nhờ tôi chụp lại. Đó là hai người con đã mất từ lâu. Một người bị chó điên cắn và một người uống thuốc sâu chết.

Trong câu chuyện với bà mẹ, lại một lần nữa tôi bị sụp đổ trước "thiên thần" của mình. Không hiểu do đâu mà tạo hóa sinh ra một cô gái đẹp nền nã nhường ấy lại bị câm từ bé. Vậy là em chỉ còn biết sống và làm lụng, chẳng bao giờ nói lên được điều gì. Tự dưng tôi không tin. Tôi kể cho bà mẹ nghe một chuyện có cô gái cũng bị câm như thế sau hơn hai chục năm tự nhiên lại bật ra tiếng nói. Không hiểu tôi bịa hay đã nghe nói ở đâu.

Tôi như người mất phương hướng. Chán nản, bất lực. Tôi lại mơ hồ đi tìm một cái gì khác, như người ta tìm mẫu mới. Tôi vừa nuối tiếc vừa bạc nhược.

Tôi lại trở về căn phòng cũ cùng anh bạn hay ngủ. Tự do trong nghèo túng. Sống tàm tạm à uôm. Mơ mộng, ảo tưởng, làm thơ, chụp ảnh, viết báo nhì nhằng.

Chỉ có cái thú chơi ảnh là tôi thích nhất. Chỉ có mùi hoa thiên lý là tôi ưa nhất. Và lũ trẻ con làm tôi nhớ nhất.

Để kết thúc câu chuyện chơi bời mất thì giờ này, tôi còn một giấc mơ xin kể nốt.

Đêm ấy, sau khi đuổi một mụ đàn bà quỷ ám ra khỏi phòng, tôi ngủ trong một tâm trạng phấp phỏng. Rồi cửa sổ bật mở, Huyền hiện ra. Em cưỡi một con bò mộng màu bồ hóng. Ánh hào quang tỏa ra làm tôi lóa mắt. Em mỉm cười như trêu tôi, lại như hối lỗi. Bỗng em òa khóc, vừa khóc vừa nói. Nói mà như mắng mỏ tôi.

“Anh nhút nhát, hèn kém thế? Sao anh tàn tệ thế! Em đâu phải người câm. Ở chốn nông thổ lam lũ này, vẻ đẹp nào chẳng câm lặng và thô mộc, bất cần. Anh cố lên, hơn lên một chút nữa thôi, vượt thoát cái cốt tiểu nông của mình,  có phải anh sẽ là người chồng lý tưởng của em...”. Rồi tôi cảm giác như bị giáng một cái tát đáng đời.

Rầm một cái, em biến mất. Hóa ra là tiếng sấm. Tôi choàng dậy ngỡ ngàng, chẳng hiểu ra thế nào.

N.Q.T

Minh họa của Quảng Tâm

Tin tức khác

Thơ

Đồng vọng bài ca

27-12-2024| 95 lượt xem

Sang đông

23-12-2024| 32 lượt xem

Khúc ru

22-12-2024| 28 lượt xem

Pù Ca

17-12-2024| 76 lượt xem

Làng Tằm ai có nhớ

17-12-2024| 153 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 877 lượt xem

Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách

29-02-2024| 1.258 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 1.294 lượt xem