Từ trên đỉnh núi Cham Chu

Thứ tư, ngày 24-11-2021, 14:52| 1.026 lượt xem

Minh họa của Quảng Tâm

 Với tôi, chuyến đi Yên Thuận này có nhiều háo hức. Đây là xã được coi là cuối cùng của tỉnh Tuyên Quang mà tôi đến. Cao Đường, một thôn của xã nằm trên đỉnh của dãy núi Cham Chu cao ngất, quanh năm mây phủ. Nơi mà đỉnh của nó có độ cao trên một ngàn mét so với mực nước biển. Bao nhiêu cuộc hẹn hò của bạn bè, hôm nay mới chính thức đi. Anh Lê Quốc Thu, Phó ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, nhắn từ mấy hôm trước: “Bác đi với em một chuyến nhé, đây là một bí ẩn, bất ngờ, nhiều tiềm năng phát triển du lịch”.

Từ thành phố Tuyên Quang, theo hướng Bắc với chặng đường tám chục cây số xe đến trung tâm xã. Ngược theo con đường bê tông trên vai núi quanh co, đến bản Khau Làng. Chúng tôi dừng nghỉ bên ngôi quán nhỏ. Cô gái Dao tên Thuận vui vẻ chào mời khách. Ba năm nay, vợ chồng cô mở quán nước ngay dưới chân thác Khau Làng. Quán có bia, nước ngọt và kẹo bánh. Miễn phí nước chè và thuốc lào. Ngồi đây, lắng nghe ngọn nguồn luồn lách qua khe đá, rồi hòa nhập thành thác nước dội từ lưng núi xuống. Nước trong veo, mát lạnh, nhìn rõ từng viên sỏi dưới đáy. Đã có người dự định nuôi cá tầm, nhưng chưa thực hiện được. Lái xe tranh thủ cho xe uống nguồn nước mát để leo núi tiếp.

Bên núi cao, vách dựng. Bên vực sâu hun hút. Tất cả trùng trùng rừng nguyên sinh, bạt ngàn cây cổ thụ. Thỉnh thoảng gặp những bông hoa chuối đỏ tươi, rừng vừa thắp lên, kiêu hãnh. Con đường bê tông, hơn tám km, mới hoàn thành  2018, nhiều khúc cua uốn lượn, xuyên ngược núi. Riêng công khai phá, mở tuyến đã đến cả chục tỷ đồng. Đây là niềm vui lớn nhất mà cấp ủy Đảng và Chính quyền huyện Hàm Yên tặng cho đồng bào. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cham Chu Trần Văn Xuân cho chúng tôi biết, đơn vị đang quản lý trên bốn ngàn bảy trăm ha rừng tự nhiên, trong đó, ba ngàn tám trăm ha rừng đặc dụng. Nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm ở đây là tuyên truyền để đồng bào chấp hành nghiêm luật bảo vệ rừng; tuần tra phát hiện, xử lý và đề xuất xử lý những vi phạm; bảo vệ các nguồn gen quý, hiếm và đa dạng sinh học trên dãy núi Cham Chu.

Sau nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đến thôn Cao Đường. Ai cũng ngỡ ngàng ở độ cao 800 mét lại có một thung lũng rộng lớn, tương đối bằng phẳng. Vẫn là đại ngàn, núi cao vây bọc thung lũng. Bản vào thu, trời se lạnh. Những mái nhà sàn của người Dao, xen bên nhà đất của người Mông, khuất nép vào màu xanh của cây. Trâu bò, lợn, gà vịt, trẻ con và khói đốt rạ quấn quyện bên nhau. Ngôi nhà văn hóa của bản, mái tôn đỏ tươi, nổi bật giữa cánh đồng sau gặt. Nhà xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Dao, cột xà bằng bê tông, sàn lát gạch hoa. Cạnh đó là điểm trường tiểu học và mẫu giáo. Những đứa trẻ vẫn mặc trang phục dân tộc mình, vào giờ ra chơi, ào ra đón khách.

Người tiếp chúng tôi là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dương Minh Toàn, sáu mươi tuổi. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1985, gia đình anh và hầu hết người dân ở đây, đều từ Hoàng Su Phì, Hà Giang về định cư. Hai dân tộc chính là Dao và Mông. Đã có ba thế hệ bám trụ trên đất này. Những thăng trầm đã qua, kể từ ngày có đường mới. Nét mặt Trưởng thôn lúc nào cũng như cười. Nước da màu đồng hun, rắn chắc. Dáng người thấp với bàn tay chắc nịch. Bàn tay quen cầm cày hơn là ghi chép sổ sách. Trưởng thôn cho biết, thôn có 81 hộ, 345 khẩu. Diện tích đất trồng lúa chỉ có 30 ha. Toàn thôn có đến quá nửa số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Do thiếu nước, bà con chỉ trồng lúa một vụ, ngoài ra trồng ngô, sắn trên nương, đồi phục vụ chăn nuôi.

Tôi bước lên ngôi nhà sàn của vợ chồng Lý Thị Phúc, Đặng Văn Hùng. Ngôi nhà đơn sơ, ấm cúng. Gia đình có bốn khẩu, hai con trai, một học lớp bốn, một học mẫu giáo. Thóc vụ này vừa thu hoạch, xếp trên sàn, chừng ba chục bao. Chị Phúc bảo năm nay thu được hơn tấn thóc. Đủ ăn thôi. Cùng đến chơi có chị Đặng Thị Tín, 25 tuổi. Chồng Tín đi làm máy phay ruộng, được trả 200 ngàn đồng một ngày công. Cuộc sống cũng tạm ổn. Trẻ con đã được đến trường ngay tại bản. Cấp học cao hơn gia đình cho con xuống trung tâm xã và các trường nội trú. Cả thôn có khoảng chục người đi làm tại các công ty ngoại tỉnh.

Khi nói chuyện với những người trẻ ở đây, tôi có cảm nhận họ đã bước đầu suy nghĩ hướng phát triển kinh tế. Đó là bước đầu tiếp cận, mở mang phát triển du lịch. Những thế hệ trẻ này đang là người chủ của bản làng hôm nay. Họ đã và đang vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương mới bằng chính sức lao động và sáng tạo.

Con đường bê tông đưa tôi đi giữa hai triền núi. Cùng chúng tôi bây giờ có Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Yên Thuận Phạm Xuân Chiến, ba mươi tám tuổi. Anh giới thiệu về những loại gỗ quý hiếm, như lim, nghiến, hoàng đàn, kim giao, chò chỉ. Chúng sống xen nhau, khoác màu xanh trầm mặc cho rừng. Tôi có cảm giác rùng mình nếu bất chợt gặp thú dữ. Đột ngột, hai cây chò chỉ vút lên nền trời. Trò đứng ngay bên chân núi, giống như hai bố mẹ đang chăn dắt đàn cây. Chiến bảo hai cây chò này đã có mặt cả một thiên niên kỷ. Nó như đôi bạn hay đôi tình nhân ngàn năm nay sống bên nhau. Gốc cây, mấy người ôm không xuể. Thân cây mốc trắng, chiều cao tới bảy chục mét. Ngước lên vòm lá, những cây ký sinh, cộng sinh và phong lan an tọa bình yên.

Nhà bà Hầu Thị Chá, 49 tuổi, người Mông, một đoàn khách du lịch đang làm bữa trưa. Bếp dã chiến ngay bên chái nhà. Các món nướng như gà, cá, và sườn lợn thơm nức. Khói vòng vo lên núi. Ngoài sân, loa đài vang lên những ca khúc vui nhộn. Bên rừng, lốm đốm vạt tre, nứa, giang trổ hoa. Tôi lại gặp người quen, vợ chồng cháu Đào Hữu Nghĩa từ thành phố Tuyên Quang. Hỏi ra, trong đoàn có nhiều cặp đôi và các con nhỏ đi du lịch. Họ chuẩn bị đồ ăn, thức uống sẵn tại nhà, đến nơi chỉ việc chế biến. Bà Chá có con trai Giàng Seo Thàng, trước đi xây ở thành phố, do quen biết nên rủ khách về nhà chơi.

Chưa có dịp đi sâu vào rừng, chúng tôi được các cô gái và chàng trai bản dẫn vào hang núi ngay đường đi. Đúng như lời mời của anh Thu, một sự bí ẩn chưa được khám phá trong hang núi. Anh Tướng Đức Tôn, Bí thư đảng ủy xã Yên Thuận nói trước với chúng tôi, anh đã hai lần chui vào hang để khảo sát. Hang còn nguyên sơ, đẹp và kỳ ảo. Phải mất khoảng ba tiếng đồng hồ mới đi xuyên lòng hang. Tôi thận trọng chui vào hang. Một thế giới khác hiện ra với vòm nhũ đá huyền ảo. Bao ngọn mác, lưỡi hổ, ngọn bút lông mềm mại buông xuống. Cả ngàn, triệu năm thiên nhiên đã âm thầm làm nên những trầm tích của thạch nhũ vừa bền vững vừa mềm mại từng đường cong. Chúng nảy lên từ nền đá, hay buông rơi từ mái vòm, chẳng ai rõ. Hơi lạnh tỏa ra từ các kiệt tác. Hơi lạnh từ những hạt nước tí tách rơi. Các chàng trai cô gái thả sức chụp ảnh. Đèn pin, đèn từ điện thoại hắt lên vòm hang…

Ngồi nói chuyện với Phó Chủ tịch xã Nguyễn Đức Lời tôi mới hiểu thêm hai nguồn nước từ Cao Đường. Dẫu có suối, bà con vẫn chỉ có nước làm một vụ. Nước đi luồn trong hang núi. Nước âm thầm, tí tách cả ngàn năm rồi liên kết thành dòng chảy. Một nguồn chảy xuống thác Khau Làng, một nguồn về Hao Bó. Chúng hợp lưu tạo nên suối Đẻm rồi đổ ra sông Lô. Khám phá nguồn nước, cũng là một bí mật đầy dẫn dụ du khách.

Phát triển du lịch sinh thái, gắn với văn hóa đồng bào đang là tiềm năng của mảnh đất này cũng như nhiều bản làng miền núi của Tuyên Quang. Một ngày, thời gian quá ngắn để chiêm ngưỡng núi non, hang động, cảnh đẹp và tiếp cận với đồng  bào nơi đây. Chia tay với những người Dao, người Mông hiền lành, chăm chỉ, chia xa với rừng cây, ngọn núi mà lòng tôi như muốn ở lại. Màu xanh của một miền xanh níu giữ tình người. Hẹn với đất và người rằng, tôi sẽ còn trở lại quê này.

Ghi chép của Lê Na

Tin tức khác

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 234 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 64 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 166 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 110 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 119 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 111 lượt xem