Ngược Hồng Thái

Thứ tư, ngày 24-11-2021, 14:51| 893 lượt xem

Thu Na Hang. Ảnh của Hà Thế Đô

Buổi sáng của một ngày đương thu, anh chị em Phân hội Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đã có chuyến ngược sông Gâm để lên với rẻo đất vùng cao Hồng Thái. Đã lâu, kể từ sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, hầu như mọi người ít có dịp đi xa. Thế nên, chuyến đi sáng tác lần này do Hội tổ chức lại càng khiến các thành viên trong đoàn đều cảm thấy phấn khởi và hào hứng. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi, bởi con người đều có xu hướng được đi, được trải nghiệm những gì đang diễn ra ở những miền đất mới. Hơn nữa, đã có đến cả năm nay, dịch Covid-19 làm cuộc sống đảo lộn tất cả, ai ở đâu thì ở đó, việc đi xa trở nên hạn chế. Rồi, với các anh chị em nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh và hội họa thì việc khám phá các vùng đất lạ bao giờ cũng khiến họ có thêm nguồn cảm hứng mới cho công việc của mình. Với mảnh đất vùng cao Hồng Thái của huyện Na Hang, hầu hết các nghệ sỹ trong đoàn tham gia Trại sáng tác Mỹ thuật - Nhiếp ảnh năm 2021 đều đã nhiều lần đặt chân lên. Chỉ số ít là lần đầu tiên họ biết đến một miền quê rẻo cao bốn mùa mây phủ trắng xóa trên các triền núi cao, trên các thửa ruộng bậc thang trải dài hút tầm mắt.

Khi xuất phát từ Tuyên Quang, phố xá vẫn còn bàng bạc trong màn sương thu mỏng mảnh. Qua huyện Yên Sơn, rồi Hàm Yên, Chiêm Hóa, chúng tôi bám theo sông Gâm trên những cung đường quanh co đèo dốc. Đường từ trung tâm tỉnh lỵ lên các huyện này đều đã khá thuận lợi. Tuy nhiên, với Na Hang, nhất là đường vào các vùng thượng huyện đều là những cung bậc cảm xúc của mỗi người. Dòng sông Gâm mềm mại, cứ như con rắn xanh khổng lồ, lầm lũi dưới vực sâu hun hút. Dòng sông thoắt ẩn, thoắt hiện trong cái thảm rừng đại ngàn. Cả tuyến đường khoảng 150 cây số lên Hồng Thái đều đã được nhựa hóa cả, song nhiều khúc cua gấp, dốc cao tức ngực, rồi dốc xuống thăm thẳm, vời vợi trong mây khiến cánh họa sỹ và nhiếp ảnh ngồi trong xe ô tô đều cảm thấy mệt mỏi. Lúc đầu lên xe, câu chuyện tán gẫu, xen lẫn tiếng cười cứ như ngô nổ râm ran. Một không gian vui vẻ, rộn ràng theo đó mà loang ra. Nhưng câu chuyện dần trở nên ngắt quãng, tiếng cười cũng dần ngắt quãng và thưa dần đi. Trong đoàn đã có người say xe, phải dừng lại mấy lần. Đầu tiên là nữ họa sỹ Lương Hiện, sau là đến họa sỹ Dương Xuân Quyền.

Trong xe, cánh nhiếp ảnh được thể, trêu:

- Tưởng thế nào. Mỹ thuật yếu hơn cả nhiếp ảnh đấy nhỉ.

Họa sỹ trẻ Dương Xuân Quyền gục đầu vào vai ghế xe, giấu đi nụ cười bẽn lẽn:

- Em chưa bao giờ say thế này đâu!

Mọi người cùng cười râm ran lên.

Chiếc xe cứ lầm lũi đi xuyên qua các bản làng, những cánh rừng xanh thăm thẳm. Dọc đường lên Hồng Thái, chúng tôi bắt gặp một số nghệ sỹ nhiếp ảnh đang dừng lại, hí hoáy chụp ảnh. Công việc của họ cần sự độc lập nên đã xin không đi cùng xe với chúng tôi mà sử dụng phương tiện xe máy cá nhân để tiện cho việc dừng lại tác nghiệp mỗi khi cần thiết. Mãi đến mặt trời đứng bóng, chúng tôi mới lên đến Hồng Thái. Dường như, chạm vào xứ mây trên non ngàn, ai nấy đều cảm thấy quên đi hết sự mệt mỏi. Tất cả cùng dõi mắt qua khung kính cửa xe, cùng hòa vào màu sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ của núi, của rừng, của những bản Dao cheo leo bên các triền đất dốc. Ai đó trong đoàn đã kịp thốt lên:

- Hồng Thái mang vẻ đẹp của một sơn nữ.

Quả đúng như vậy. Một sự so sánh ví von, gợi cảm, song nó toát lên được cái đẹp dịu dàng, đằm sâu của một mảnh đất quanh năm bao phủ trong mây núi. Chúng tôi cứ lặng lẽ bám đuổi những ý nghĩ, những dự định cho mấy ngày lưu lại nơi đây là làm sao có được những cú bấm máy xuất thần, những nét cọ tươi ròng về đất và người rẻo cao. Ý nghĩ ấy cứ lớn dần, bám đuổi theo cái thấp thoáng đâu đó của những nếp nhà mái ngói âm dương cổ kính ở Khau Tràng. Mùa này, Hồng Thái đang chuẩn bị bước vào vụ gặt, những thửa ruộng bậc thang đang trải một màu vàng óng ả, no ấm. Ruộng này nối tiếp ruộng kia, từ chân núi kéo dài lên tận lưng núi. Thế mới biết, đồng bào Dao Tiền trên xứ mây xưa kia đã thật kỳ công khi đẽo đất, gọt đá, thấm bao giọt mồ hôi mà tạo nên những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê man cả lòng người. Một số thửa ruộng đã gặt, còn lại hầu hết mới bắt đầu khoe cái màu vàng ấy ra giữa nền rừng xanh hun hút. Người dân có ý nán lại chưa muốn thu hoạch vì còn để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch ở địa phương. Mỗi mùa lúa chín, cánh nhiếp ảnh, hay những văn nghệ sỹ ở Tuyên Quang cũng thường ngược Hồng Thái để tìm chất liệu cho công việc sáng tác. Nhiều tác phẩm của anh chị em văn nghệ sỹ, nhất là ở lĩnh vực nhiếp ảnh đã có được thành công từ chính mảnh đất rẻo cao này.

Nhiều năm nay, Hồng Thái là điểm đến khá hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Họ đến đây không chỉ được thỏa sức ngắm nhìn, check in những thửa ruộng bậc thang đương mùa lúa chín, mà họ đến để cảm nhận cuộc sống đời thường, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Người dân Hồng Thái nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Từ chỗ chỉ quen với công việc độc canh sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày, Hồng Thái giờ đây biết làm du lịch, một số làng Dao đã hình thành nên các loại hình du lịch cộng đồng, nghĩa là du khách đến có thể cùng ăn, nghỉ, cùng sinh hoạt và trải nghiệm với đồng bào địa phương. Cách làm này không mới, nhưng khá hiệu quả, tạo ra hướng đi bền vững cho người dân. Quanh năm Hồng Thái đều có khách đến. Dịch vụ từ đó mở mang, phát triển, nếu không hẹn đặt, có khi các khu Homestay không đủ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Ngay cả với các anh chị em văn nghệ sỹ tham gia Trại sáng tác Mỹ thuật - Nhiếp ảnh lần này, nếu không liên hệ trước, có khi cả đoàn sẽ không thể tìm đâu ra chỗ ăn nghỉ trong mấy ngày tham gia trại ở Hồng Thái.

Buổi trưa đặt chân đến Hồng Thái, chúng tôi được bố trí nghỉ tại địa điểm Homestay Mắc Coọc của gia đình anh Bàn Văn Sỹ. Mấy năm trước tôi lên, anh Sỹ đang là Chủ tịch UBND xã. Giờ anh chuyển sang phụ trách công tác Đảng, với vai trò Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hồng Thái. Hầu hết mọi người trong đoàn đều quen biết gia đình anh Sỹ, nên không có vẻ gì là khách khí, tất cả đều tự nhiên như người nhà. Gia đình anh Sỹ đón chúng tôi một cách thân mật, ấm cúng, tay bắt mặt mừng, ôm nhau cười nói rôm rả. Bữa cơm trưa được chuẩn bị sẵn, giờ bày ra dưới mái hiên của căn nhà gỗ đã ám màu thời gian. Vẫn là mấy món đặc trưng của đồng bào Dao, đó là cá chép ruộng rán giòn, thịt lợn treo gác bếp, cá quả nước, kèm theo mấy món rau rừng. Ấy thế mà ngon đáo để. Rượu ngô men lá rót ra đầy các chén, mùi hương của núi rừng theo gió tỏa thơm khắp căn nhà, khiến mọi người trong đoàn như quên đi sự mệt nhọc của hành trình vượt 150 cây số đèo dốc quanh co mà ngược lên xứ mây ngàn.

Bữa cơm trưa rồi cũng kết thúc. Anh chị em tham gia Trại sáng tác Mỹ thuật - Nhiếp ảnh nhiều người không kịp ngủ trưa, tất tả chuẩn bị đồ nghề để tỏa về các bản làng Hồng Thái. Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Hòa, phóng viên Báo Tuyên Quang đề nghị cả đoàn chụp một bức ảnh để anh kịp gửi tin và ảnh về đăng báo, thế mà không thực hiện được. Dường như ai nấy đều tất tả, cố gắng tranh thủ thời gian để tìm chất liệu sáng tác. Anh chị em chuyên ngành nhiếp ảnh đi từng nhóm nhỏ, thậm chí có người đi độc lập một mình. Công việc của họ là vậy, cần tác nghiệp riêng biệt để có được khoảnh khắc cho mỗi cú bấm máy. Mấy anh chị em chuyên ngành Mỹ thuật cũng vậy. Chúng tôi nhìn thấy trong con người họ ngọn lửa đam mê, cháy hết mình cho nghệ thuật. Nếu không có ngọn lửa cháy lên từ niềm đam mê ấy, có lẽ họ không thể vượt qua nỗi nhọc nhằn, khó khăn, cô độc khi tác nghiệp ở những địa bàn đèo dốc và hiểm trở. Họ chấp nhận đánh đổi. 

Hồng Thái đang ở vào cữ giữa thu, ngày như ngắn lại. Mới vừa còn những tia nắng le lói, đã kịp sương xuống, mang theo cái lạnh se sắt rất đặc trưng của vùng cao. Bởi, theo ước tính, Hồng Thái nằm trên độ cao trên một nghìn hai trăm mét so với mực nước biển. Do đó, khí hậu nơi này quanh năm mát mẻ và ngày cũng trở nên ngắn hơn so với các địa phương khác. Sau cả buổi chiều lăn lộn dưới cơ sở, cả đoàn lục đục kéo nhau về lại căn nhà Homestay của gia đình anh Bàn Văn Sỹ. Bữa cơm tối bày lên nghi ngút khói. Bây giờ mọi người mới có thời gian để ngồi với nhau lâu hơn, chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện về nghề nghiệp. Cứ ngỡ bữa cơm tối sẽ kéo dài vào khuya, nhưng đã có một số nghệ sỹ nhiếp ảnh ăn nháo nhào, rồi đứng dậy. Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi. Nghệ sỹ trẻ Mạnh Cường bảo: "Đi chụp sao băng". Anh cùng với nghệ sỹ Việt Trường suốt đêm. Họ chọn địa điểm, rồi ngồi chờ đợi trong cái mênh mông, u tịch của đại ngàn. Cuối cùng Mạnh Cường cũng có được bức ảnh ưng ý. Anh xuýt xoa vì khoảnh khắc đẹp sau cú bấm máy. Việt Trường trêu:

- Thành công của bức ảnh không phải đến từ người chụp mà của người cầm đèn đấy nhá.

- Sau này nếu có giải phải chia đôi.

- Ấy, ai lại thế.

Tất cả lại cười vang lên. Thì ra là vậy. Đêm cứ trườn đi trên những ngọn đồi heo hút. Anh Việt Trường đứng giữa bãi đất rộng, nơi có cái cây to mọc đơn độc ở khu đất ấy, tay lăm lăm cầm đèn pin soi lên ngọn cây, còn anh Mạnh Cường thì lăm lăm cái máy ảnh. Đêm hoang lạnh, giữa chốn sơn cùng, tiếng gió xào xạc trong cái thăm thẳm, u tịch. Chỉ có tiếng muỗi vo ve dưới chân, khiến đêm như một cái gì đó bí hiểm. Bức ảnh mà Mạnh Cường chụp sau được anh tạm đặt tên là “Sao bay Hồng Thái”. Để chụp được bức ảnh như vậy, người nghệ sỹ phải mất rất nhiều công sức. Trên bầu trời đêm, những ngôi sao di chuyển lặng lẽ, nhưng hàng trăm ngôi sao đơn lẻ như vậy di chuyển sẽ tạo nên những vệt sao bay đang vụt sáng, lấp lóe xung quanh cái cây mọc đơn độc giữa bãi đất hoang. Nhìn bức ảnh, tôi hình dung thấy sự cô đơn của con người giữa bao la của vũ trụ đang dịch chuyển, xoay vần.

Công việc sáng tạo nghệ thuật đối với các nghệ sỹ nhiếp ảnh là vậy. Họ luôn tranh thủ thời gian, sẵn sàng đánh đổi khó khăn, vất vả để có được những cú bấm máy ưng ý nhất. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào của họ cũng đều thành công cả, có nhiều chuyến rong ruổi cả tuần với cơ sở nhưng đành về không. Câu chuyện của người nghệ sỹ già Hồ Thăng làm tôi cứ xa xót mãi. Chuyện cách nay đã 3 năm, khi ấy cụ đã 84 tuổi, đi chụp ảnh nghệ thuật cũng tại xã vùng cao Hồng Thái. Cụ đi một mình, chuyến ấy chả hiểu thế nào, cụ ngã sấp mặt từ bờ ruộng xuống, nghe đâu chỉ bị chấn thương phần mềm. Cũng may, người dân địa phương đi qua, thấy vậy đã kịp kéo cụ lên, chứ không thì… Còn nghệ sỹ Thế Sơn vẫn được anh em nhiếp ảnh kể lại mãi. Ấy là cái chuyến anh và nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính đi sáng tác cá nhân tại xã Côn Lôn, huyện Na Hang. Dạo ấy cũng đang mùa lúa chín trải khắp cánh đồng bản Tày. Hai anh em loay hoay tìm điểm cao để chụp, chả may chiếc ống kính máy ảnh của Thế Sơn rơi từ điểm cao xuống vực sâu hun hút như cái giếng khổng lồ. Người nghệ sỹ nghèo, dành dụm mãi mới mua được cái ống kính máy ảnh để làm vật dụng phục vụ cho cái niềm đam mê nghệ thuật của anh. Nhìn tài sản của mình rơi phát ra tiếng khô khốc dưới cái vực sâu hun hút ấy, Thế Sơn chỉ biết xót xa mà không làm thế nào được, đành chấp nhận bỏ đi cái quý giá của người nghệ sỹ nhiếp ảnh. Tưởng sau chuyến ấy cụ Hồ Thăng và anh Thế Sơn bỏ nghề, nhưng người ta vẫn thấy những người nghệ sỹ này một mình, hoặc cùng với nhóm nghệ sỹ nhiếp ảnh khác của Tuyên Quang rong ruổi những cung đường vùng cao trên hành trình đi tìm vẻ đẹp cho ngôn ngữ ảnh.

Trở lại với chuyến đi sáng tác của các nghệ sỹ nhiếp ảnh tại Hồng Thái lần này. Sau khi nghệ sỹ Mạnh Cường và một số nhóm khác đi săn ảnh đêm, số nghệ sỹ nhiếp ảnh và mỹ thuật ngồi lại trong khoảng sân rộng của gia chủ Bàn Văn Sỹ để trao đổi nghiệp vụ, trao đổi công việc của ngày mai. Nhìn ra ngoài, bóng đêm cứ sâu hun hút, mang theo cái lạnh se sắt rất đặc trưng của vùng cao núi đá. Một bếp lửa đã được đốt lên, gọi là đốt lửa trại. Những thân gỗ khô được xếp dựng lên, bén lửa cháy nghi ngút, ngọn lửa bập bùng trong đêm hoang vu như xua đi hơi lạnh đang theo những triền núi mà tràn về khắp căn nhà. Câu chuyện của anh em văn nghệ sỹ bên bếp lửa có lúc trầm, lúc bổng, như những viên bi lăn vào đêm náo nức. Đêm theo câu chuyện mà càng sâu hơn. Tôi ngồi giữa khoảng sân ấy để cảm nhận cái rét sớm ở vùng cao. Khoác thêm chiếc áo rét mang theo, hơi lạnh vẫn như con rắn trường bò quanh cơ thể người. Khuya, câu chuyện vẫn rì rầm không dứt. Tôi mang theo hơi lạnh mà lẫn vào giấc ngủ chập chờn. Giấc ngủ của tôi có cả mùi cỏ nồng nồng và hương hoa lê trái vụ, cứ thơm đằm với câu chuyện và công việc trên hành trình đi tìm vẻ đẹp cho ngôn ngữ nghệ thuật của các anh chị em văn nghệ sỹ trên mảnh đất quê hương, xứ sở.

Sáng hôm sau, tôi uể oải thức dậy sau một đêm thao thức với những giấc mơ không tên. Mây núi phà vào mặt. Đêm qua, cơn mưa bất ngờ đổ xuống Hồng Thái, khiến cho núi rừng nơi đây càng tôn lên vẻ đẹp non tơ đến mê hoặc. Cả căn nhà vắng hoe, chẳng còn chút sôi động, ồn ào. Thì ra cánh nghệ sỹ nhiếp ảnh và mỹ thuật đã ra khỏi căn nhà ấy từ khi tiếng gà còn chưa kịp gáy. Họ đi về phía các bản Muông, Nà Mụ, Khau Tràng… hay đã ngược lên Nà Kiếm, Pắc Khoang? Tôi tranh thủ ăn sáng tại nhà anh Bàn Văn Sỹ, rồi cùng với anh Đạo, lái xe của cơ quan xuôi về thành phố. Anh Đinh Công Thủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ở lại với anh em cho đến khi Trại sáng tác Mỹ thuật và Nhiếp ảnh kết thúc. Lúc xuống theo những trảng ruộng bậc thang Khau Tràng, tôi bắt gặp nhiều tốp anh em nghệ sỹ của Hội tất bật chụp ảnh bên các ruộng lúa đang phơi vàng dưới sương sớm. Năm nay, Hồng Thái được mùa. Lúa rực lên cái màu vàng no ấm thế kia cơ mà. Tôi lặng lẽ bám đuổi những ý nghĩ và chợt thấy mùa thu hoạch của người nông dân hồn hậu như núi, như rừng và cả mùa “thu hoạch” của các nghệ sỹ sau những ngày bám trụ lại trên vùng đất rẻo cao này.

 

Ghi chép Tạ Minh

Tin tức khác

Thơ

Hiền hòa nơi ấy Xứ Tuyên

15-05-2024| 69 lượt xem

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 167 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 111 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 120 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 112 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 236 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 513 lượt xem