Tản văn của Trí Tường
Nói về rượu như nói về con người và vũ trụ vậy. Không thể có một lời ngắn gọn nào diễn tả hết được. Câu chuyện về rượu cũng chính là chuyện về cuộc đời, cuộc sống của chúng ta và cũng là chuyện của tạo hóa. Vì rượu không chỉ có ở trái đất mà rượu đã có mặt ngay trong vũ trụ bao la chẳng biết từ bao giờ. Chỉ nói và nghĩ đến rượu thôi đã thấy lâng lâng rồi huống chi là nhấp ngụm rượu đê mê trong tiết giêng hai này. Nhất là gặp người tri kỷ, kể cả là người yêu nhau, có uống bạt ngàn ly cũng chẳng thấy say rượu vì đã say nhau quá rồi, còn thứ say nào sánh nổi.
Một đám mây rượu cồn (methyl) có hình dáng một chiếc cầu rộng lớn, dài chừng hơn 4 tỷ km trong dải Ngân hà của chúng ta đã được các nhà khoa học khám phá ra gần đây. Tất nhiên không phải vì “hành tinh rượu” này làm cho tất thảy mọi thứ trong vũ trụ luôn quay cuồng. Sự thật là ở làng ta, nước ta và thế giới của ta luôn quay cuồng vì rượu do con người làm ra. Quay cuồng bởi người ta ngợi ca, suy tôn rượu tột bậc thánh thần như trong Thần thoại Hy Lạp. Rồi quảng bá cạn lời cho đệ nhất rượu trong thương trường. Người ta cũng không ngớt nói đi nói lại về tác dụng và tác hại của rượu, có quốc gia ra tay bài trừ nó cũng bất thành. Rượu ngày càng ngấm sâu vào “chất người” mà tác oai tác quái. Có lẽ chưa ai, ở đâu lập bàn thờ Thần rượu để dâng lễ cầu xin sự an yên vì rượu. Nếu bất ngờ tất thảy rượu trên thế gian này biến mất thì độ quay cuồng kia còn rồ dại hơn nhiều. Thế giới này không và không thể không có rượu. Rượu tồn tại trên trái đất như tình yêu vậy.
Tạm gọi là trong lịch sử uống rượu của người Phương Đông ta, hẳn ai cũng biết đến một cái tên trứ danh nhất đẳng của môn phái này là Lưu Linh. Nếu không biết đến nhân danh và sự nghiệp “tận túy qui” của Người mà nâng chén chém gió bắt nạt tửu đồ khác thì đáng hổ thẹn lắm thay! Sử sách còn ghi lại rằng, Lưu Linh, tên chữ là Bá Luân sống vào cuối nhà Ngụy của Tào Tháo, thế kỷ thứ 3. Ông ở trong nhóm Trúc lâm thất hiền rất nổi tiếng về văn chương cũng như các thú chơi bạt tử. Về rượu thì Lưu Linh là vô tiền khoáng hậu. Ông thường ngồi trên chiếc xe hươu kéo với vò rượu lớn, uống triền miên, sai người vác cuốc theo sau bảo chết đâu chôn đấy. Đương thời, xã hội thối nát, các giá trị đảo lộn trong tay kẻ có quyền, tư tưởng thoát đời, thoát tục của Lão Trang được ưa chuộng. Thôi kệ mọi đánh giá việc uống rượu quên đời của kẻ sĩ, Lưu Linh vẫn luôn là thần tượng muôn đời của đám tửu đồ. Ông đã để lại bài Tửu đức tụng, thường được coi như một tuyên ngôn như sau:
“Có một tiên sinh đại nhân (Lưu Linh tự chỉ mình) lấy trời đất làm một buổi, muôn năm làm chốc lát, lấy mặt trăng, mặt trời làm cửa ngõ, lấy thiên hạ làm sân, làm đường: đi không thấy vết xe, ở không cần nhà cửa, màn trời chiếu đất, thích thế nào thì làm thế. Lúc ở thì nâng chén, cầm bầu. Lúc đi thì vác chai, xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không thèm biết đến gì nữa.
Có một công tử và một vị quan sang nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn tìm đến. kẻ thì trừng mắt, nghiến răng, người thì giảng giải lễ phép, lời phải trái ầm ĩ xôn xao như đàn ong vậy.
Lúc đó tiên sinh ôm vò, ghé vào thùng rượu, tợp một ngụm, mồm đầy những rượu, vểnh râu, giạng chân gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ, không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưởng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai, cũng không nghe thấy tiếng sấm sét. Nhìn kỹ cũng không thấy hình núi Thái Sơn. Nóng, rét đến thân không biết, lợi dục cảm đến tình cũng không hay. Cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào như bèo nổi bập bềnh trên sông Giang, sông Hán.
Huống nữa, hai vị xin đứng cạnh, tiên sinh bấy giờ xem cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi”.
Thời nay, đọc Tửu đức tụng chúng ta có chút mỉm cười, chia sẻ với một người học rộng, tài cao khi có ma men trong người thì ngông và kiêu như thế nào. Nhưng cũng chỉ đến thế là cùng. Rượu vẫn còn mãi, đời người thì sớm kết thúc. Có một sự liên hệ thực tế là rượu luôn góp phần đắc lực vào sự kết thúc sớm hay muộn của đời người. Đó là sinh mệnh và thực dưỡng. Thức ăn quyết định số phận con người. Người Nhật nói như thế và họ luôn dẫn đầu thế giới về tuổi thọ. Còn nhân sinh và xã hội thì sao? Rượu luôn luôn là kẻ hai mặt, bất trị. Những ai là đồ đệ Lưu Linh biết rõ điều này. Nào ai mà kìm hãm được sự sung sướng? Bản năng vốn không có trí tuệ nên nó có thể hạ gục bản lĩnh. Có thể phụ nữ và số nam giới không uống rượu hiểu về rượu hơn nên gần như họ không gia nhập “hội lưu linh”. Trách nhiệm gia đình, xã hội của phụ nữ và những ai không uống rượu cao hơn nên họ xem nhẹ, coi thường ma men, cùng các tửu đồ. Những cuộc say sưa bét nhè đều không có gương mặt phụ nữ. Phụ nữ luôn là sự cứu rỗi.
Người Việt ta có cả “tháng ăn chơi” đã thành tập quán. Trong đó lại bày đặt ra đủ thứ dân dã gọi là “luật uống rượu”, như vào mâm là phải uống, cụng ly là cạn chén, có đủ lý do khá hay ho để uống… Không thể phủ nhận rằng ở một mức độ nào đó rượu kích thích sự sáng tạo, thăng hoa trong tư duy và ngôn ngữ. Nhưng ở mức nào, thì cái đỉnh ấy vẫn là chốn thiên đường mà hiếm người tới được. Ở đó chính rượu trở lại ca ngợi bản tính siêu nhân của con người. Con người lúc đó xứng đáng với rượu hơn. Cái hay và cái dở của rượu vẫn là hai mặt của một vấn đề, mãi trường tồn. Chưa ai phản biện có tính “văn hóa rượu” về những gì không tích cực của rượu. Phải chăng đó chính là sự tha hóa. Nghĩa là ai cũng sống theo người khác, nhất là vào mâm rượu, phải uống theo cách của rượu trong mâm, dù biết là vô lý. Nó không còn là cuộc đối ẩm tao nhã nữa. Thời gian sẽ sắp đặt lại và đào thải tất cả những gì bất hợp lý.
Các tầng lớp lao động thì say mê công việc sáng tạo, kiến thiết gia đình, đất nước, chăm lo phát triển bản thân, còn các tửu đồ thì bán mình cho ma men. Người say không biết buồn, đã đành, nhưng người tỉnh chẳng buồn sao? Ừ nhỉ, giờ phải nghĩ khác, làm khác đi với rượu chăng? Không phải là điều đơn giản. Chính Lưu Linh đã dựng lên một cái đỉnh cảnh báo cho chúng ta. Vậy, nhân ngày xuân, xin mạo muội giao tâm một chút, rất phiến diện về rượu, thứ mà nhiều người yêu quý, nhiều người ca thán, nhiều người luận bàn và... uống.
T.T
Minh họa của An Bình
24-04-2025
24-04-2025
24-04-2025
24-04-2025