Khổ Qua

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 09:50| 807 lượt xem

Truyện ngắn của Đỗ Anh Mỹ

Minh họa của Tân Hà

 

 

Gần trưa, cái nắng đốt bỏng hai vai. Thảo nhìn lên, nhận ra cái cổng quen, vô cảm bước vào. Chợt thấy chủ nhà, giật mình chào:

- Em chào thầy!

Nghe tiếng người quen, cái khăn vắt vai, chủ nhà lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nhễ nhại, chưa kịp nhìn lên, đã hỏi:

- Cô Thảo đấy à? Cô về hồi nào? Vào nhà đi!… Hờ… hờ, ầm, ngoan lắm này! Đợi tí nhé! Miếng nữa này, ầm,… sắp hết bát cháo rồi, ầm! - Một chân thầy giữ chiếc  xe đẩy, tay cầm bát, tay bón cháo, chưa kịp ngẩng đầu lên, lại nói:

- Cô xem này,… ầm! Miếng nữa này…, ầm! Cô thấy tôi bón tài chưa? Ngoan lắm này. Thìa nữa là hết thôi này. Sao cô kín tiếng thế? Đi Mỹ mà chả bảo ai một câu. Ầm! Miếng nữa là hết thôi này!

Thằng bé trong xe miệng nhoe nhoét cháo, tròn mắt nhìn khách, khoanh tay trước ngực ạ to. Bà Thảo rưng rưng nhìn nó. Cháu nội bà với thằng bé đứa sinh đầu tháng, đứa cuối trăng. Chủ nhà quèn quẹt vét bát, lại bón, gõ thìa vào miệng bát khoe ra trước mặt thằng bé: Hết nhá! Thầy cười hở hai hàm răng cái còn, cái đã khuyết, lúc này mới nheo mắt nhìn khách. Đuôi mắt Thảo nhăn tít, cười theo, lại vội quay đi giấu hai giọt nước lăn xuống đôi gò má gầy giô cao, vội lảng sang chuyện khác:

- Thằng bé có cái trán, đôi lông mày in hệt mẹ nó ngày bé, thầy ạ! - Thảo nhớ ngày nào, vẫn cái khăn mặt vắt vai, thầy bón cháo cho cái Tâm. Chỉ khác, ngày ấy con bé đứng trong cái cũi cũ mượn bên khu tập thể.

- Đúng thế cô ạ! Cả cái tính háu đói, đến những trận hờn, đều là gen của mẹ nó tất đấy! - Thầy cười, chợt nhận ra điều gì, ngơ ngác nhìn vào mắt Thảo, lại hỏi:

- Nghe nói, bên Mỹ đang ngập trong đại dịch Covid. Sao cô về bằng cách nào vậy? Vào nhà đi!

Thảo liêu xiêu bước, cảm giác mặt đất như đang chuyển động. Hồi này, Thảo lang thang như người đi trong mộng ảo. Nhìn thầy Thân đẩy xe nôi đi trên sân, Thảo chợt nhớ lại ngày thầy mới về trường, ai cũng nghĩ thầy tự kỉ. Trừ những giờ lên lớp, hễ xuống bục là thầy lẳng lặng về phòng, ngồi im như thóc, miệng kín như bưng, chả chịu mở lòng với ai. Mọi người đồn đoán, thầy phải có nỗi niềm chôn chặt trong lòng. Rồi cho đến một ngày, người phụ nữ từ dưới xuôi đột ngột xuất hiện, tấm rèm cuộc đời thầy bắt đầu hé mở.

Ngày ấy, chả riêng gì cô Thảo, ai nghe câu chuyện của thầy cũng mủi lòng. Tết Mậu Thân, sáu tám, cục diện chiến trường miền Nam buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Năm năm sau, Xuân năm Quý Sửu, sau mười hai ngày đêm người Mỹ điên cuồng đưa máy bay B52 ném bom bắn phá miền Bắc. Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không của quân và dân ta đã bắn hạ hàng chục máy bay chiến lược Mỹ. Ông Kit-sing-gơ, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ ngày ấy, tại Hội nghị Pa-ri đã mơ thấy ác mộng giữa ban ngày, buộc phải kí Hiệp định Pa-ri, chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ vào chiến trường Việt Nam. Thầy Thân khi ấy là sinh viên năm cuối Trường đại học Bách khoa, chia tay người vợ trẻ đang tuần trăng mật, tình nguyện gác sách, cùng bạn bè lên đường nhập ngũ, theo lời chúc Tết của Bác Hồ “đánh cho Ngụy nhào”.

Mùa Xuân năm bảy lăm, trong trận đánh của Trung đoàn 148 tiêu diệt căn cứ 53 Ngụy, căn cứ của Trung đoàn chủ lực được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thêu dệt cho niềm kiêu binh bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên, bị xóa sổ trên mảnh đất mà nó sinh ra. Thành phố Buôn Mê Thuột được giải phóng. Nhưng một điều bất ngờ xảy ra. Một viên đạn vô tình đã cướp mất hạnh phúc làm cha của người chồng trẻ. Sau những chuỗi ngày điều trị chữa lành vết thương, dai dẳng, giằng co, khó khăn nhất là vết thương lòng, Thân đem nỗi niềm về trường đại học, học tiếp. Tốt nghiệp ra trường, lại cố chôn chặt nỗi niềm để trở về quê. Trong lúc đợi đò sang sông, nghe câu chuyện của mấy bà đợi đò đi ăn cưới, Thân bắt chuyện làm quen:

- Làng tôi bên ấy. Các bác sang đám cưới nhà ai vậy?

- Cậu người bên sông à? Cánh tôi sang ăn cỗ con dâu bà Thân đi lấy chồng - Một bà xởi lởi bắt chuyện - Chuyện đời nay tôi mới gặp là một. Ai cũng bảo phúc đức cho con bé. Con bé lành hiền, nết na, chung thủy, cả làng quý mến. Đúng là có phúc có phần cậu ạ. Mấy năm con bé vào Nam, ra Bắc tìm chồng khô héo cả người. Giờ nhà chồng thương, động viên mãi con bé mới chịu nhận lời đi bước nữa, lại còn một mực đòi nhà chồng đứng ra gả bán, không được làm dâu thì ở lại làm con. Thương chưa? Cảm động quá.

Mặt Thân bất ngờ thất sắc. Tin như mũi dao chọc phải vết thương còn rỉ máu. Tin như sét đánh ngang tai. Đầu Thân choáng váng, ngực muốn vỡ tung. Thân cố nuốt nỗi niềm nghẹn lên cổ, khoác ba lô lên vai. Mấy ngày vô cảm lang thang cùng chiếc võng Trường Sơn, nước mắt cũng khô dần, Thân quyết định quay trở về đơn vị cũ.

Một chiều, bên cửa sổ, Thân ôm cây đàn ghi ta bập bùng mấy nốt nhạc lòng. Tình cờ, con chim họa mi từ đâu bay đến đậu trên cành cây hót líu lo. Nghe chim hót, phím đàn tự dưng khua lên nốt nhạc rộn ràng, hòa cùng tiếng hót véo von của con chim tự do. Rồi mỗi chiều nghe tiếng đàn cất lên, chim họa mi lại bay về. Bỗng một ngày, hai ngày, rồi cả tuần, Thân ôm đàn ngồi đợi, không thấy chim họa mi bay về, thầm nghĩ, ta cầu cho họa mi tìm được bạn mới. Tiếng đàn của Thân bất ngờ rộn ràng trong sáng vô tư. Mấy ngày sau, Thân quyết định, đeo ba lô lên phố núi, tìm đến nghề dạy học. Ngày tháng qua đi, bà con dưới xuôi nhiều người lên xây dựng kinh tế miền núi, có người đã nhận ra thầy giáo Thân, anh bộ đội làng mình bị mất tích.

Rồi một hôm, thầy Thân từ trên bục giảng về, thấy một người phụ nữ úp nón che mặt, ôm túi đồ ngồi trước cửa phòng. Bất ngờ, người thầy run lên, lóng ngóng, xuýt đánh rơi giáo án. Mắt người phụ nữ rực lửa. Bao nhiêu ngày chỉ mong gặp lại người chồng bạc tình bạc nghĩa để trả hết mọi nguồn cơn, giận hờn trách móc. Khi nhận ra chồng bằng xương bằng thịt, Lựu lại khụy ngã, một tiếng khóc cũng không nấc lên nổi. 

Thân đã nghe câu chuyện ở bến đò. Giờ nhìn người vợ cũ đã đi bước nữa, tuy chưa một lần sinh nở mà mặt xanh hốc hác, da mầu sốt rét Trường Sơn, Thân đứng như trời trồng. Nỗi niềm cay đắng, xót xa nghẹn lên cổ. Thương Lựu, thương cuộc đời mình, thầy kể hết nỗi niềm đã chôn chặt, động viên vợ, nếu còn thương yêu quý mến nhau thì hãy thuận tình về với duyên mới. Lựu sau bấy nhiêu năm khô héo chờ tin chồng, bàn chân từng đi dọc Trường Sơn theo những con dấu trên bì thư Thân gửi về nhất định không chịu nghe Thân kí giấy li hôn. Thân giờ mới hỏi, người ấy là ai? Thân cũng không muốn Lựu bước đi bước nữa mà vớ phải một cái cọc mục.

- Anh ấy là người làng bên. Nhà em với bên ấy cũng là chỗ quen biết từ hồi sơ tán. Thương binh bậc hai trên bốn, mất một bàn tay, còn mảnh đạn nằm trong ổ khớp. Anh ấy lành hiền tốt tính, nhà không giàu, nhưng nền nếp, tần tảo làm ăn. Hôm thầy u bắt tổ chức đám cưới, anh ấy đồng ý để em ở lại với thầy u một năm chịu tang chồng cũ, cũng để đền đáp tấm lòng thầy u, nếu năm ấy anh trở về, chúng em sẽ từ bỏ, không đăng kí kết hôn.

Thầy Thân những tưởng, đời mình không còn nước mắt, nghe Lựu kể những năm tháng Lựu đi tìm chồng, nước mắt hôm nay thấm xuống vai áo Thân. Nước mắt Thân lại rơi xuống vai áo Lựu. Thân khóc cho cuộc đời mình, thương cuộc đời Lựu, ái ngại cho tình cảnh người tình địch hôm nay. Cùng là người lính, đều là thương binh. Một bên là vợ cũ, bên nghĩa đồng đội, Thân đành để cho người phụ nữ quyết định.

Biết câu chuyện của hai người, bạn bè đã đón về cho vợ chồng cô Lựu một bé gái sơ sinh mặt tròn như tranh vẽ từ trại trẻ mồ côi. Hai người muốn con bé sau này giống tính mẹ Lựu, mới đặt tên là cái Tâm. Từ ngày cái Tâm mắc vào cuộc đời thầy, thấy mình còn cần cho những mảnh đời bất hạnh khác, cũng để đem lại niềm vui, bù đắp cho tình yêu, hạnh phúc của người vợ thủy chung thiếu may mắn, thầy trở thành người chồng, người cha yêu thương.

Cái Tâm chưa kịp khôn lớn, thì tai họa xảy ra. Mẹ Lựu, những năm tháng đói rét đi dọc Trường Sơn tìm chồng, từng lên cơn sốt rét. Mấy năm chữa chạy đông tây y, thuốc bắc, thuốc nam, nhưng sức kiệt, cô đã để lại cho hai bố con cảnh côi cút. Ngày ngày, nhìn cảnh gà trống nuôi con, bé Tâm dặt dẹo ốm đau, tiền thuốc nhiều hơn tiền cơm, nghĩ thương thầy, thương bé Tâm, nhiều người khuyên thầy, đưa con bé trở lại trại trẻ mồ côi. Lại có người chọc vè: “Công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò béo cò dò lên cây!”. Công cốc thôi, thầy ơi! Nghe lời gièm pha, thầy Thân vô cớ nổi khùng, tay run lên, nắm nắm đấm, muốn bịt những cái miệng ấy lại, nhưng thầy im lặng, mắt đỏ hoe. Thương vợ, thương con, cố nuốt giận vào trong, ôm chặt bé Tâm trong vòng tay hơn. Đêm, thầy bo con bé trong chăn sợ có ai đến bắt mất đứa con tội nghiệp đáng thương của thầy. Bé Tâm ngày ấy giờ đã thành cô giáo. Thầy kén cho Tâm anh chồng bộ đội. Theo thầy, người lính có tình yêu thương đích thực. Phần tư thế kỉ trôi qua, hôm nay, Thảo nhìn cảnh thầy vừa làm ông, làm cha, làm bà, làm mẹ, mà thấy hạnh phúc lộ rõ trên khuôn mặt thầy!

Vét hết thìa cháo cuối cùng, bón cho cháu, thầy Thân nhìn lên, hỏi:

- Cô sang Mỹ đoàn tụ với bọn nó vui không? Sướng nhé! Nó giàu có không? Vào nhà kể chuyện đi! - Thầy vui như được gặp lại bạn chiến trường.

Thảo là lứa học trò khóa đầu tay, sau ngày thầy Thân ra trường. Thấy cô sinh viên hiền lành, học giỏi, học chăm, có năng khiếu truyền thụ kiến thức, thầy đề nghị nhà trường giữ lại làm giáo viên, đồng nghiệp, làm hàng xóm với thầy.

Nghe thầy hỏi, mặt Thảo thất sắc, mặt vàng như nghệ, loạng choạng vịn tay vào ghế, không nhấc nổi bàn chân, kể trong nước mắt:

- Em thất bại, trắng tay rồi, thưa thầy!

- Thất bại chuyện gì? Thấy cô cờ bạc, đề đóm bao giờ đâu!?

Thầy Thân thầm nghĩ, lắc đầu, hay cô này được mấy đồng tiền chính sách nghỉ hưu trước tuổi, lại bị kẻ nào gạ gẫm, lừa góp vốn đầu tư bán hàng đa cấp rồi. Bọn này đáng nguyền rủa. Nó lừa cả đồng chí, đồng nghiệp của mình.

- Không phải đâu, thầy ơi! Em thất bại nuôi dạy con. Giờ em trắng tay!

- Tôi tưởng nó sang Mỹ ăn học nên người rồi cơ mà, chả phải nó đã lấy vợ, có con ở bên Mỹ à?

Mắt Thảo sưng dần. Hai giọt nước lăn xuống má. Thảo với tay ẵm thằng cháu vào lòng cho ấm áp, lại nghĩ nó là cái Tâm hồi nhỏ, cứ đói là con bé sang nhà, trèo lên lòng Thảo đòi bú. Mắt Thảo thăm thẳm nhìn vào hư vô.

Chủ nhà đặt cốc nước lọc xuống bàn, nhớ lại câu chuyện của cô học trò: Tết năm ấy, Thảo sang hỏi ý thầy. Hai nhà sát vách, hoàn cảnh giống nhau, tính cách thầy khiến cô tin cậy, nên có chuyện gì, Thảo thường tìm thầy sẻ chia:

- Em thấy hồi này, đầu óc lúc nhớ, lúc quên, ăn ngủ thất thường thầy ạ. Em định xin nghỉ hưu non, tranh thủ mấy đồng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, em sang Mỹ sum họp với các cháu những năm cuối đời!

- Tôi với cô hoàn cảnh khác gì nhau đâu. Chú ấy tai nạn bỏ đi, cô cũng nuôi con một mình. Thôi thì, trẻ cậy cha, già cậy con. Là tôi, tôi cũng nghĩ như cô thôi!

Nhìn cô học trò cũ, đồng nghiệp, hàng xóm mắt sâu thâm quầng, thầy Thân lại lựa lời động viên:

- Nhưng cô nghỉ hưu sớm, sinh viên thiệt thòi lắm đấy.

- Tre già măng mọc mà thầy. Các thầy cô bây giờ tiếp cận công nghệ 4.0, 5.0 nhanh hơn thầy trò mình ngày xưa rồi!

- Cô nói cũng phải! - Im lặng hồi lâu, thầy bảo - Nhưng cô nên bàn với các con trước đi. Tuổi mình bây giờ, sẩy chân là ngã đấy!

- Vâng, thầy! Em vẫn nhớ câu: “Nhà của bố mẹ là nhà của con, nhà của con không phải…”; “Tiền của bố mẹ thì con tiêu, nhưng tiền của con…!”.

- Câu ấy lắm người tâm đắc. Nhưng các cụ ta nói rồi, đồng tiền nối liền khúc ruột. Thấy tiền, thấy bạc, mắt ai chả sáng lên. Nhưng tiền bạc đâm toạc tờ giấy, nó đẩy con người thành kẻ ích kỷ, bạc tình bạc nghĩa, thành kẻ độc ác mà không biết đâu!

Rồi, ngày cô Thảo quyết định nộp đơn xin nghỉ hưu, là ngày cô viết thư thông báo ý định đoàn tụ với các con ở bên Mỹ, cũng chọn thời cơ giao giá bán nhà. Những tháng nóng lòng chờ quyết định nghỉ hưu, cũng là thời gian cô thấp thỏm chờ tin con. Ngày cô Thảo cầm tờ quyết định nghỉ hưu trong tay, cũng là ngày, cô nhận được tấm ngân phiếu hơn chục ngàn đô, một số tiền, đời cô chưa bao giờ dám nghĩ. Nhưng bức thư gửi kèm tấm ngân phiếu mới làm cho cô từ đấy như mắc bệnh tim, mắc chứng tâm thần, đầu càng nhớ nhớ, quên quên. Có lần cô ra chợ mua mớ rau, để bà bán rau phải hỏi thăm tìm đến nhà trả lại tờ bạc trăm đô, lần thì bị người lái xe ô tô quát trước đầu xe: - Cô muốn được bốc bát hương rồi à?!

Nửa năm không thấy mặt nhau. Cô Thảo móc túi, đặt vào tay thầy một mẩu giấy ố, bức thư con trai gửi về, đêm cô thường đặt nó dưới gối, ướt rồi lại khô. Thầy giương kính, đọc đi đọc lại đoạn: “...Đền đáp công cha sinh, mẹ dưỡng, nuôi con ăn học mười hai năm trời,…! Giờ, vợ chồng con bù đắp thêm cho mẹ chục ngàn đô, để mẹ an vui tuổi già. Xin mẹ hiểu cho hoàn cảnh của con, đừng trách đứa con bất hiếu...!”. Thầy Thân đấm nắm đấm xuống bàn. Cốc nước bắn ra tung tóe. Mắt đỏ dần, thầy gầm lên như con hổ bị đâm:

- Thằng khốn! - Toàn thân thầy run lên, - Vợ chồng nó đòi thanh toán công nứt da, xé thịt đẻ ra nó bằng đô la Mỹ!

 Mắt thầy hiện ra cô hàng xóm ngày xưa cắp con đi gửi hết nhà này đến nhà khác, liêu xiêu đạp chiếc xe đạp tồng tộc không phanh, không chuông, không gác-đơ-bu đi dạy thêm giờ, bụng đói, tai ù, mắt hoa, bòn nhặt từng đồng nuôi con khôn lớn. Những tưởng hạnh phúc đã đến, khiến cô từng rơi nước mắt. Năm ấy được tin con trai thi đỗ đại học, lại được xuất học bổng sang học ở Mỹ!

Cô Thảo ôm thằng bé nhà Tâm vào lòng chặt hơn,

thì thầm:

- Em nghĩ còn may, nó chưa dây vào chuyện của mấy ông chính trị hải ngoại.

Chợt Tâm về, dựng xe trước nhà, tay xách cặp, tay xách túi rau đi vào, cứ thế ôm lấy cổ cô Thảo, reo lên:

- Cô đây rồi! Con chào cô! Cô về nước hồi nào?

- Cô đã đi đâu mà về. Giờ cô… - Cô Thảo ôm cả hai mẹ con cái Tâm, khóc òa. - Giờ cô trắng tay rồi, Tâm ơi!

- Cô nói thế là thế nào ạ?

Cô Thảo kể lại mọi điều cho bố con Tâm nghe. Mắt rưng rưng, miệng méo dần. Tâm ôm chặt cô hơn. Thầy Thân nhìn cô học trò hồi lâu, mới hỏi:

- Bây giờ…, không nhà, không cửa, cô định đi đâu?

- Em chả giấu gì thầy. Vừa rồi em được thanh toán mấy đồng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi, em đi thăm bạn thăm bè cho đỡ tủi thân. Mấy đồng đô la bạc tình bạc nghĩa vợ chồng nó gửi về, em định hỏi thầy, đem công đức vào chùa, rồi em cũng vào chôn nốt phần đời còn lại ở đấy, xin quét lá ăn mày cửa Phật, thầy ạ!

Thầy Thân như cây chết đứng, nhìn Thảo từ đầu đến chân, đợi cho mắt bớt cay, thầy lẩm bẩm, nhưng dứt khoát như đang hạ bút chấm bài:

- Cô đem công đức cho trại trẻ mồ côi, hay chương trình trái tim cho em là hơn. Các cháu ở đấy đang cần lắm - Thầy nhớ lại tình cảnh hai bố con thầy ngày xưa - Rồi về sum họp với mẹ con cái Tâm đi!

Tâm lúi húi dưới bếp thổi cơm, nghe câu được câu chăng. Nhớ lại hình ảnh cô Thảo bao nhiêu năm thân cò mò tép, chắt chiu từng đồng gửi cho con ăn học. Hồi còn nhỏ, Tâm thấy nhiều đêm cô đi làm gia sư về, mặt vàng thế nào, mắt vàng như thế, tất tưởi chạy hỏi khắp khu tập thể tìm con. Thằng bé ngủ ở nhà ai, bế về, rồi mới lục nồi vét bát cơm nguội, có hôm sang nhà Tâm, rắc mấy hạt muối vừng. Thằng bé có lần thấy Tâm được bố mẹ bón cơm, mặt nó đỏ lên vì ghen. Nó thèm được mẹ bón cơm, thèm được mẹ rửa chân trước khi đi ngủ, thèm được mẹ mắng khi nghịch bẩn, đánh bạn. Có lần cậu ta nói với Tâm trong ánh mắt ngây thơ: Tớ chưa bao giờ được mẹ hôn một cái lúc đi ngủ!

Nghe thầy Thân nói, Tâm từ dưới bếp chạy lên, ôm cổ cô Thảo, thổn thức:

- Cô ơi! Con cũng nghĩ thế đấy ạ. Ngày trước không được cô cho bú ti, chắc gì con đã có ngày hôm nay. - Tâm nhớ có lần, đêm con bé đang ngậm ti mẹ Lựu để ngủ, thấy ti mẹ vừa nhạt, vừa dai, nhão nhét, không ngọt như ti mẹ Thảo, nó buồn cười, cắn cho mẹ một cái thật đau. Mẹ Lựu giật mình hét lên, tát nó một cái tím má. Tâm òa lên khóc. Lúc sau mẹ lại kéo Tâm vào lòng, mẹ ôm chặt hơn. Tâm thấy mắt mẹ cũng toàn nước mắt. Từ đấy, Tâm không bao giờ cắn ti nữa. Ngày mẹ qua đời, con bé ngồi giữ mẹ gào thét, không cho ai đến gần, sợ người ta đem mẹ đi chôn.

Thảo tươi cười nhìn vào mắt cô nói:

- À cô ơi! Hôm nay con mua mấy quả khổ qua (mướp đắng) để nấu canh cua đấy cô. Món canh này ngày trước, hôm nào cô nấu cô cũng múc đem sang cho hai bố con một bát, đúng không cô?!

- Ừ! Canh cua nấu với khổ qua ăn với rau diếp cá sống, mùa hè mát lắm, lặn hết rôm sảy đấy.

Bà Thảo nhìn Tâm trìu mến nghĩ, con bé được thầy Thân gieo vào nó hạt nắng nhân cách của anh bộ đội Trường Sơn, bộ đội Cụ Hồ. Mẹ Lựu cũng kịp ươm trong nó tình yêu của thế hệ bộ đội Trường Sơn hôm nay. Thảo đón thằng bé nhà Tâm lên ẵm, nước mắt lăn ra. Bà nhớ thằng cháu nội bên kia đại dương.

 

Đ.A.M   

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 31 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 30 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 22 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem