Hoa Xuyến Chi

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 09:45| 1.693 lượt xem

Truyện ngắn của Lê Ngọc

Minh họa của Lê Cù Thuần

 

Cuối cùng, chị cũng đưa con về. Nắng chiều ủ mật ươm vàng ngõ quê. Mấy con bướm cải đâu đó bay lượn là là cản bước chân chị. Con bé chạy lon ton phía trước, tay huơ huơ cố vồ lũ bướm. Hai bên đường hoa dại nở trắng muốt. Chị ngắt lấy một bông đưa lên mũi ngửi. Hương thơm dịu nhẹ như có, như không.

Bao nhiêu năm…

Chị bước ra khỏi lũy tre làng khi đang thì con gái. Da trắng, mắt to, môi đỏ như son. Nhớ bận biết bao trai làng mải mê theo đuổi. Họ đứng ngóng đầu cổng, trồng cây si bên mép tường. Chập tối sau bữa ăn, những âm thanh chó sủa mèo kêu vẫn vang lên đều đặn. Thứ ám hiệu làm tim con gái chộn rộn, hồi hộp. Nhưng, chị lặng lẽ làm thinh. Và rồi chị bỏ làng đi. Hồi đó biết tin, anh Dũng còn cố chạy theo níu tay nài nỉ:

- Em nhất định phải lựa chọn như vậy sao?

- Còn cách nào nữa?

Chị rút tay, rồi đi thẳng. Hành trang chỉ một cái túi du lịch nho nhỏ chứa dăm ba bộ quần áo. Một tối mùa hè, trời đen như mực. Chị lầm lũi theo bà môi giới biến mất giữa tiếng dế đưa tang, lũ cóc ai oán khóc bài văn điếu. Dũng đứng trân trân đỏ hoe khóe mắt trông ngóng đằng sau. Anh đợi giữa trời đêm hoang vắng đến khi nào chị không biết.

Chị cứ đi… cứ đi…

Bàn chân phăng phăng đạp lên đất đỏ, đạp lên trảng cỏ gốc rạ. Lũy tre lùi xa. Mái tranh lùi xa. Thời con gái lùi xa. Lòng chị mờ mịt. Rồi tương lai mình về đâu? Chị lắc đầu, cười. Điệu cười mếu máo. Giống bữa nay đặt chân tới đầu làng, bướm cải bay đầy trên những nhành hoa trắng, không còn người đứng ngóng đợi, bất giác chị lại thấy hoang mang…

***

Những năm gần đây chị hay nằm mơ. Đêm đêm dỗ con ngủ, chị thường hát cho nó nghe những bài hát ru của u. Cánh cò, đồng ruộng xuất hiện dày đặc trong từng ca từ. Hồi ức cũng ùa về theo nỗi nhớ. Xa xứ lâu ngày, chị thèm sống lại những kỷ niệm cũ kỹ. Giống ngày xưa, chị dắt bò thả dọc triền đê. Dũng cũng chăn trâu gần đó. Trong đám trẻ, hai người rất thân nhau. Chả vì nhà anh gần nhà chị. Cũng chả vì chị xinh gái nhất làng, Dũng đẹp trai nên mỗi lần chơi cô dâu chú rể lại bị gán ghép thành đôi. Chỉ là Dũng hay tặng chị quà. Khi thì quả ổi, quả táo, lúc lại ngắt một bó xuyến chi thật to.

 Một hôm, cả hai đứng giữa chiều nắng nhạt, gió dìu dịu khẽ gợn sóng lăn tăn mặt sông. Dưới đê đàn bò đang nhởn nhơ nhai cỏ. Lễ cưới giả với đông đảo khách mời mục đồng tinh nghịch diễn ra sôi nổi tiếng reo hò, anh đội chiếc vòng hoa lên đầu chị thủ thỉ sai lời thoại:

- Sau này, tao sẽ cưới mày làm vợ.

Chị đỏ bừng hai má, vỗ anh một phát đau điếng vào lưng rồi ù chạy. Vòng hoa rơi sau lưng. Tiếng hò reo của khán giả rơi sau lưng. Dũng rơi sau lưng…

Ấy là cái thời trẻ con vụng dại. Lớn dần, Dũng giữ kẽ hơn. Anh không nói lời suồng sã tồng tộc thế nữa. Nhưng mỗi lần gặp chị, ánh mắt da diết cảm tình vẫn khiến chị ngại ngùng. Những đêm trai làng trồng cây si bên mép tường hoặc giả tiếng chó sủa, mèo kêu. Dũng sẽ đuổi hết họ đi. Chờ tới khi chị ra sân phơi đồ, anh mới trèo lên đỉnh tường, im lặng nhìn chăm chú.

Chị cũng lần chần phơi đồ. Cái áo mắc trên xào kéo đôi tay nặng chịch. Mặt cúi gằm dưới đất. Thỉnh thoảng, chị ngẩng lên liếc anh chốc lát rồi tiếp tục công việc dang dở trong tay. Lâu ơi là lâu. Hôm nào Dũng đến, chị đều phơi quần áo chậm rãi, tỉ mỉ mân mê cái gấu váy nâu trầm bạc màu phênh phếch. Thầy chờ lâu sốt ruột chửi um lên giục giã, chị mới giật mình chạy vọt vào nhà.            Chân vấp chậu liểng xiểng. Ờ mà may không ngã, chớ vấp cái bậc hè đá xanh thì có khi lại bầm dập đầu gối. Chị ngồi trong buồng vò vò tay tưởng như mình sẽ gỡ được mớ suy nghĩ ngổn ngang rối bời. Nhưng nó xoắn xuýt quá. Rối tinh, rối mù. Bỏ thì thương mà vương cũng tội.

Đặc biệt là những buổi giấu cha, giấu mẹ, chị lấy cớ tập văn nghệ theo Dũng ra đình làng nghe hát. Dũng kẹp lá thổi kèn. Chị ngồi yên lắng nghe. Tiếng kèn lá véo von như thắt thẻo cõi lòng. Khi gần, khi xa, khi vút cao day dứt, lúc trầm bổng êm du. Chị miên man say đắm cái âm thanh vi vu đượm tình, nghe râm ran lồng ngực. Có bao điều bất chợt gợi mở, nảy nở nhen nhóm ý tưởng trong đầu chị. Mái nhà ngói năm gian khang trang. Những bồ thóc đầy ú ụ. Những ngày mùa bận rộn chồng cầy, vợ cấy, tối về cùng con cái quây quần bên mâm cơm, gian bếp hồng ánh lửa.

Nghĩ thèm ghê! Dũng tiếp tục ngân nga thổi kèn lá. Chị vẫn làm thính giả trung thành. Ngày qua ngày mải miết trôi đi. Rồi một đêm trăng thanh, gió mát. Làng mở hội rước kiệu đêm. Dũng lại tặng chị bó xuyến chi trắng muốt. Hai người đi song song, anh nhìn chị bằng ánh mắt ấm áp dịu dàng.

Giữa bốn bề trống hội rộn rã, gió rì rào thoang thoảng hương hoa, riêng hai người lặng lẽ sánh bước, chỉ nhìn nhau thôi rồi cùng mỉm cười…

***

Ở cái xứ Mù Cang Chải nghèo khó quê mùa này, phận đàn bà y như bụi xuyến chi mọc dại ven đường. Nghe tên mỹ miều mà muôn người chà đạp. Ai thích dẫm thì dẫm. Họ vô tình ngang qua, tiện chân bước đâu thèm ngó ngàng. Có bữa chị cầm bông hoa bầm dập nhìn ngơ ngẩn.

Thầy đang giục chị tính chuyện trăm năm...

Mấy nay, ông cấm chị không được ra đình. Cổng khóa. Tường rào. Những việc linh tinh như cắt rau lợn, giặt quần áo, làm đồng đã có u lo. Việc của chị chỉ là chải chuốt, ăn diện. Tấm áo hoa thường ngày đến Tết mới được mặc bị thầy đem ra bắt chị khoác lên. Tóc vấn cao lộ cái gáy trắng nõn nà. Rồi thầy kêu chị đi ra, đi vào, dọn nhà, pha trà rót nước. Mỗi lượt thầy lại tấm tắc:

- Đấy bà xem! Cháu nó đó. Đảm đang, khéo léo vô cùng.

Mắt bà khách trông thế sáng rực. Miệng bỏm bẻm nhai trầu nhưng đầu khe khẽ gật. Dọn dẹp một lúc, thầy ra hiệu cho chị vào buồng trong. Hai người bàn bạc chuyện gì rất lâu. Lúc về, bà còn nắm tay vuốt ve khen không ngớt:

- Cháu bác xinh quá cơ!

Tự nhiên, chị hơi sợ hãi. Ánh mắt bà ta đảo hơn rang lạc. Dường như chị còn bắt gặp những chiếc bàn tính đang nhảy số liên tục. Giữa trưa nắng hè mà sống lưng chị lạnh toát. Mồ hôi mẹ rủ mồ hôi con túa ra trên trán. Bàn chân toan bước lên nhà nhưng lùi dần xuống bếp. Ngọn lửa bập bùng sáng đỏ, nóng rực. Tiếng rạ rơm bén cháy nghe xèo xèo thật vui tai. Riêng chị ngồi thụp xuống bên bếp. U lấy khăn bông lau những giọt mồ hôi đọng trên gương mặt hoảng hốt, thở dài khe khẽ:

- Đàn bà mắt phượng mày ngài, số khổ thôi con…

Hôm ấy mười sáu trăng vừa tròn. Trống hội rền vang. Tiếng kèn lá ai thổi nghe u buồn day dứt. Thầy không cho ra đình. Chị dựa tường đứng ngóng. Mắt ngó bên kia rào chỉ thấy đen đêm tối. Nhành xuyến chi mọc dại góc sân đâu ai biết vì sao nay gãy rời tơi tả. Tiếng kèn ai thúc giục. Nhịp độ đang tăng nhanh. Chị bấm chặt bàn tay. Móng cắm hằn đau điếng. Miệng cắn răng mím môi không nói. Mấy lần xuýt chút thì chị bật ra âm thanh hồi đáp. Nhưng thầy đang ngồi trong nhà, đáp lời chắc chị chết. Tiếng kèn lá chết.

Đêm nối dài thật dài. Trống hội rền vang. Kèn lá nỉ non réo rắt. Chị một mình ngóng đợi. Kèn một mình thiết tha…

***

Từ dạo nhà có bà khách tới chơi, thầy phòng chị còn hơn phòng trộm. Ngoài chuyện khóa cổng, rào tường thì chị ngồi đâu mà chẳng bị ông soi. Rồi thầy mua thịt, mua cá, tay dao tay thớt dạy chị nấu ăn. Tam tòng tứ đức giảng chẳng sót câu nào. Lạ nữa thầy bắt chị học ngoại ngữ, thuê cả thầy dạy kèm đó. Ngặt nỗi chị trông như vẽ bùa, đau đầu phải biết đành cúi người xin tha. 

Những ám hiệu mỗi tối bị ông thả chó ra đuổi. Tiếng kèn vẫn âm vang tuyệt vọng. Đêm vẫn dài thật dài. Tiếng kèn lá bền bỉ cùng gió trăng dệt thêm nỗi tương tư. Chị tựa khung cửa đếm sao trên cao. Lòng xốn xang sóng cuộn ồn ã. Một ngôi nhỏ bé mập mờ. Một ngôi chói lọi nhấp nháy. Ôi ông trời ơi! Ngôi sao nào của chị đây nhỉ? Ở đó có chị không? Có Dũng không? Hai người đang làm gì?

Chiều bà khách lại tới, tay cắp cái làn cói cùng chiếc nón lá mới tinh. Vừa vào cổng đã đon đả mời chào. Thấy vậy, thầy vui lắm. Ông bảo chị chuẩn bị nước non chu đáo. Ngay cả gói kẹo tính để dành Tết cũng lấy ra đãi khách. Bà ấy cứ nhìn chị, khóe mắt lại hấp háy. Những lo lắng, bất an tự nhiên dâng lên trong lòng. Chị rụt rè rót nước xong xin phép thầy lui xuống. Lòng chộn rộn tò mò. Nép mình trong cánh cửa, chị lén lút nhòm ngó.

Bà khách cười tươi như hoa nở buổi sớm. Nụ cười gì mà trông gai mắt, đáng sợ quá. Miệng thì liến thoắng không ngừng. Tay bà chìa ra sấp giấy, đen trắng hay gì chị nhìn không rõ. Thầy xem đến đâu, đầu gật không ngừng. Nét mặt khi co, khi giãn, cuối cùng như đã hài lòng điều gì đấy nên nom ông rất phấn khởi. Những cọng râu rung rung biểu đạt cho sự vui trong dạ tóa khóe miệng.

Riêng chị cứ cảm thấy bồn chồn. Mí mắt giật giật liên hồi. Tối ấy ăn cơm, thầy tằng hắng bảo:

- Mày chuẩn bị quần áo sang tuần đi với người ta.

- Đi… đâu hả thầy?

- Tao bảo đi là đi, hỏi lắm thế.

Thầy quát. Vẫn kiểu quát u như mấy mươi năm nay. Vẫn một là một, hai là hai, chẳng ai được cãi. Căn nhà chìm trong im lặng. Miếng cơm đắng chát, nghẹn ứ lưng chừng cuống họng khiến chị không tài nào nuốt nổi. U ngồi bên cúi gằm nín nhịn. Tay và đũa lặng lẽ. Bữa cơm qua theo những nốt trầm buồn tênh tẻ nhạt.

Bóng tối u ám bủa vây. Tiếng kèn lá hôm nay chưa vang đã tắt. Dũng đi đâu chăng? Anh ốm à? Hay có chuyện gì khác. Liệu có phải vì chị mãi không đáp lời nên tiếng kèn trôi sang ngõ khác? Chị nằm thao thức trằn trọc. Thật muốn bay ngay tới bên Dũng. Tim chị rạo rực nóng ấm. Chị nhớ tiếng kèn lá da diết, nhớ bó xuyến chi thoảng hương dịu nhẹ, nhớ…

Mà đêm sao dài quá.

Nhưng bình minh ơi! Xin đừng tới… 

Ngày mai ơi! Xin đừng tới…

***

U lấy thầy ngót nghét ba mươi năm. Từng đó thời gian chị quen nhìn bà đi cúi mặt, ăn nói khép nép. Mỗi lần phiên chợ họp u lại ngửa tay chờ thầy phát tiền chợ, dáng dấp lầm lũi an phận. Quanh năm u mặc mấy chiếc áo nâu, bận khăn mỏ quạ, tắm sương ngoài đồng. Ấy mà, đêm trước ngày bà khách đón người, u móc đâu đó cái bọc vải cũ sờn nhét vào tay chị, giọng hổn hển:

- Mày cầm chỗ này trốn đi con. Đời u đã vậy, giờ đời mày…

Giọng u nghẹn ngào, tiếng rưng rức bất ngờ thốt ra. Tự nhiên lòng chị đau nhói. Tiếng kèn lá xa gần bên tai. Ngoài kia, ai đang thổi kèn lá? Ai đang chờ đợi chị? Tiếng kèn ơi, liệu có đưa tôi đi được không? Chị mê mải đuổi theo tiếng kèn, qua bức tường đến trên trảng cỏ. Trăng tròn vành vạnh, sáng ngà vàng mặt sông. Gió thì thầm khe khẽ. Ai thủ thỉ tỏ tình?

Thầy lục cục ra sân. Tiếng kèn ngưng đột ngột. Gói vải rơi xuống đất. Chị ngơ ngác nhìn gói vải lẻ loi, nhìn đôi bàn tay chi chít sẹo của u, nhìn căn nhà cũ mùa mưa dột lỗ chỗ, mùa đông lạnh sương gió. Thở một hơi dài rồi gấp gọn quần áo nhét vào túi, bà khách chắc sẽ sang ngay thôi.

***

Bao nhiêu năm trôi qua, thời gian đã mài mòn cả những viên gạch trơ lì nhất nhưng làng thì không thay đổi mấy. Có chăng vắng mất vài người. Chị dắt con lách qua ngõ dài heo hút. Cổng nhà hiện ra trước mắt. Vẫn cánh cửa gỗ nổi đầy rêu mốc. Bức tường bong tróc vữa hồ nham nhở từng mảng lớn loang lổ. Chị đẩy nhẹ then chốt. Cánh cửa kẽo kẹt rẽ sang mở ra trong lòng một nỗi hồi hộp khó tả. Lâu quá! Chẳng biết u có còn khỏe mạnh?

“Lấy chồng Tây sướng lắm!”.

Bà khách nói vậy. Người làng nói vậy. Và thầy chị cũng nghĩ vậy. Thế mà hồi thầy mất, chị không về được. Hộ chiếu, visa bị chồng xé rách. Gã nhốt chị trong nhà, khóa trái cửa. Mỗi ngày chị chỉ được ra ngoài khi có sự cho phép của gã. Còn không thì làm bạn với bốn bức tường vây kín mít. Gã vui. Chị yên ổn. Gã buồn. Gã say. Chị coi như tới số gặp hạn. Nhớ lần, chị lau nhà chẳng may đụng vỡ chiếc bình gốm trưng trên kệ. Tối đó, khắp nhà vang những câu chửi thề. Thứ ngoại ngữ chị không am hiểu. Người chị nằm co quắp, cong cong giống con tôm gồng lưng gánh trận đòn quen thuộc.

Mắt thâm. Mặt sưng. Vết bầm chạy dọc cánh tay lẫn ngang sườn. Người ê ẩm, nhức mỏi. Nhiều đêm, gã trút giận xong thì nằm lăn quay trên giường ngáy khò khò. Còn chị lặng lẽ thu dọn nhà cửa. Những ngày buồn như vậy cứ lặng lẽ đi ngang cuộc đời. Lúc đầu, chị sẽ khóc vì tủi thân khi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ thầy u. Hay tìm cách bỏ trốn. Nhưng chị không biết tiếng, tiền lại chẳng đủ. Chị chạy xuống lầu, nhìn cái ngã tư nhằng nhịt chữ nước ngoài rồi đứng chết trân tại chỗ.

Đi đâu nhỉ? Quê nhà ở phương nao? Dưới vòm trời xanh vời vợi, mây hờ hững bồng bềnh vắt vẻo nối hai tòa cao ốc. Xung quanh, những cô nàng ăn diện sành điệu thỏa sức đi mua sắm. Mình chị đứng chơ vơ. Như cái cây mọc giữa sa mạc, ngó trăm ngả không thấy chốn nương thân. Chị chạy đi rồi lại về. Đòn cũng ăn nhiều hơn. Những cảm xúc từ xốn xang ý muốn phản kháng dần trở nên phẳng lặng. Dù gã đánh động thế nào, nó cũng tĩnh như gương.

Vậy nên thầy mất, chị chẳng biết. Bữa gã đi vắng, chị lén liên lạc đồng hương bên này mới hay tin. Nghe xong thấy buồn buồn, cảm giác trống rỗng chợt dâng lên cuồn cuộn theo từng cơn sóng lòng. Ơ mà biết rồi thì sao? Chị về được chăng? Lén lau những giọt nước mắt chảy dài trên má, chị lấy bát gạo, một đĩa hoa quả

bày ngoài ban công, đầu hướng phương Nam, ba vái lạy thầy.

Gã tan làm về thấy thế, miệng chửi xì xồ, chân bình bịch xông tới đá phăng cái bát. Mùi rượu bốc lên nồng nặc. Chị lại nằm yên chịu trận. Vụn gạo rơi vương vãi sàn nhà. Mấy nén nhang thơm, khói trầm nghi ngút xông mắt chị cay cay. Giá như ngày xưa…

Chị lắc đầu xua tan những mảnh kí ức cũ kĩ. Kì quặc ghê, về với u phải vui mới đúng. Chả rõ đến lúc nào, chị mới bỏ được cái tật hay nghĩ ngợi linh tinh. Mà lạ, u sang nhà ai chơi rồi? Chị tìm dưới bếp, sau vườn hồi lâu vẫn chưa thấy bóng dáng bà.

- U ơi! U ơi!

- Đứa nào gọi gì đấy.

Tiếng bà cụ lạch cạch đằng trước. Ngõ quê ngoằn ngoèo uốn lượn. Nghe tiếng tưởng gần mà mất một lúc chị mới thấy u loạng choạng vào sân. Chị vội chạy tới đỡ. Nhìn thấy con gái, cái ba toong bà đánh rơi xuống đất, ôm chầm lấy chị sụt sịt cứ ú ớ rưng rưng:

- Sao giờ này, mày mới về hả con? Bao nhiêu năm…

Ừ bao nhiêu năm rồi nhỉ, đời chị trôi qua được mấy cái bao nhiêu năm đây. Lần này, u còn đợi, lần sau còn ai đợi chị chăng? Những mùa xa nhà dĩ vãng, bấy nhiêu giao thừa chị đều thấp thỏm nhìn về phương Nam, phía bên kia biên giới, nơi làng nhỏ nhà xưa.

Dường như, dẫu xa cách đến mấy người ta vẫn thèm trở về quê cũ. Đơn giản là được ngả đầu vào lòng u, khi tâm mình bình yên, chị thấy đời thật mãn nguyện. Dìu u vào nhà, sắp xếp hết đồ đạc xong thắp nhang lạy thầy. Trong khung hình đen trắng, thầy cười móm mém. Chắc lúc chụp, thầy đang vui lắm. Mà chị theo ý thầy đó, cuối cùng ông có hài lòng không…

Làng của bây giờ chẳng vắng tanh, vắng ngắt. Những hợp âm ồn ào phố thị đã dần xâm chiếm. Nằm bên U, chị còn nghe được cả tiếng còi xe bíp bíp đầu ngõ hay giọng ai lanh lảnh đang gánh mẹ:

- Chiều u đi đâu đó? - Chị vùi đầu vào vai áo nâu quen thuộc, khẽ hỏi.

- Haiz! Tao sang thằng Dũng, nó trúng gió mấy hôm nay rồi. Rõ khổ, cái thằng mấy chục tuổi đầu cứ một thân, một mình. Từ hồi mày đi toàn nó qua giúp U thôi. Chớ cái thân già này, giờ chán lắm, đau nhức suốt. Lúc nào mày sang thăm nó chút, ngày xưa chúng mày thân nhau lắm.

Ngày xưa…

Chị ngơ ngẩn lẩm bẩm. Những kỉ niệm chợt ẩn hiện trong đêm. Giữa không gian nhung mịn bóng tối, hai bóng người đi song song. Tiếng kèn lá réo rắt du dương. Trăng thanh. Gió mát. Hoa xuyến chi trắng muốt. Trống hội rền vang. Tim người loạn nhịp. Bao nhiêu năm? Tháng ngày có quay lại ngày xưa…

***

Buổi sáng ở làng đậm hơi thở thanh tân. Không có bốn bức tường vây nhốt. Không có những câu chửi lè nhè quen thuộc. Lòng chị nhẹ nhõm. Trời vừa qua cơn mưa, trong xanh và cao rộng. Chị dang tay hít hà chút hương đồng gió nội. U đang lụi cụi nấu cơm, chị muốn giúp mà bà gạt phắt, kiên quyết như thể ai đang đoạt báu vật của mình. Cu con nghịch ngoài vườn, bướm cải bay đầy ngõ.

Lâu lắm rồi cảm giác an bình không còn tìm đến. Chị cất bước ra bến giếng, cái gầu nước nhuốm rêu phong giờ thay bằng vòi máy. Đối diện tường gạch tróc lở loang lổ chẳng còn người đu đeo nhìn bóng chị phơi váy năm nào. Xuyến chi mọc dại góc sân hừng hực khí thế tươi non mơn mởn.

U bảo chị sang thăm Dũng. Mà gặp, biết phải nói gì đây? Cách xa lâu như thế, ai cũng chẳng vẹn nguyên. Gặp rồi thêm ngại thì sao? Chị đắn đo suy nghĩ, bước chân luẩn quẩn quanh sân vòng lớn, vòng bé. Đang miên man, thấp thỏm, tiếng kèn lá bất ngờ ngân vang. Tha thiết. Réo rắt. Lòng chị rạo rực nhộn nhạo. Cảm giác xốn xang của thời thiếu nữ chợt nảy lên nóng cháy lồng ngực. Chân vô thức ra ngõ, theo tiếng kèn mà đi…

 

L.N

Tin tức khác

Thơ

Tân Trào nhớ Bác

24-04-2024| 89 lượt xem

Mê khúc tháng Tư

24-04-2024| 29 lượt xem

Căn nhà gỗ bỏ hoang

24-04-2024| 29 lượt xem

Nơi tôi ở - ngõ nhỏ không đèn

24-04-2024| 21 lượt xem

Chuồn chuồn đi gánh cơn mưa

22-04-2024| 110 lượt xem

Văn học nước ngoài

Guillaume Apollinaire

11-04-2024| 165 lượt xem

Đồ tể

20-11-2023| 463 lượt xem